Academia.eduAcademia.edu
MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Cùng với sự phát triển của sản xuất và đời sống, bên cạnh những sản phẩm hữu hình, các nhu cầu về dịch vụ của xã hội cũng không ngừng tăng lên. Sự phát triển của dịch vụ không những có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, mà còn trở thành một trong những tiêu chí đánh giá trình độ phát triển của nền kinh tế. Cùng với các loại hình dịch vụ khác, dịch vụ bưu chính viễn thông với tư cách là một loại hình dịch vụ đặc thù trong nền kinh tế đã và đang có những đóng góp hết sức to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Kể từ khi đổi mới, ngành Bưu chính, viễn thông ở Nghệ An đã có những bước phát triển nhất định, trở thành nhân tố thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển và không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân. Để phục vụ đẩy đủ việc đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH trên địa bàn tỉnh Nghệ An trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, ngành Bưu chính, viễn thông ở Nghệ An cần tiếp tục đổi mới, hoàn thiện và phát triển. Tuy nhiên, những bất cập về cơ chế chính sách, về các nguồn lực như vốn, nhân lực ... đã và đang cản trở sự phát triển và phát huy vai trò của dịch vụ bưu chính, viễn thông trên địa bàn tỉnh. Những vấn đề đó đang cần được nghiên cứu để tìm ra giải pháp phù hợp nhằm thúc đẩy sự phát triển của loại hình dịch vụ này cả về số lượng và chất lượng trên cơ sở tiếp thu, ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ hiện đại, đáp ứng kịp thời những nhu cầu ngày càng đa dạng và khó tính của các chủ thể thụ hưởng loại hình dịch vụ này. Nhằm góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Nghệ An, tác giả lựa chọn vấn đề “Dịch vụ bưu chính, viễn thông với phát triển kinh tế - xã hội ở Nghệ An” làm đề tài luận văn thạc sĩ của mình. 2. Tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài Vấn đề dịch vụ bưu chính viễn thông đã và đang được các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, các cá nhân ở Trung ương và các địa phương quan tâm nghiên cứu, đã có nhiều công trình nghiên cứu, nhiều đề tài, bài viết đề cập đến các vấn đề này. Trên địa bàn Tỉnh Nghệ An, đã có các công trình nghiên cứu và công bố về dịch vụ bưu chính, viễn thông như “Qui hoạch phát triển Bưu chính viễn, thông tỉnh Nghệ An đến năm 2020” của Sở Bưu chính Viễn thông tỉnh Nghệ An và một số đề tài tiến sĩ, thạc sĩ. Tuy nhiên, các công trình này chủ yếu đề cập tới phương diện kỹ thuật của Bưu chính viễn thông. Một số đề tài khác đã nghiên cứu về cơ chế quản lý doanh nghiệp bưu chính viễn thông, về sản xuất kinh doanh, công tác hạch toán kế toán... với tư cách là những nội dung đã được ứng dụng phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của Nghệ An và phục vụ nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Cho đến nay vẫn chưa có công trình nào trên giác độ kinh tế chính trị nghiên cứu về vai trò của dịch vụ bưu chính, viễn thông đối với phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. 3. Mục đích, nhiệm vụ của luận văn Mục đích của luận văn Trên cơ sở làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn về dịch vụ bưu chính viễn thông, phân tích đánh giá thực trạng dịch vụ bưu chính viễn thông ở tỉnh Nghệ An và tác động của nó đối với phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, từ đó đề xuất những định hướng và giải pháp chủ yếu nâng cao hiệu quả hoạt động của loại hình dịch vụ này góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Nhiệm vụ của luận văn Để đạt được mục đích nói trên, nhiệm vụ của luận văn tập trung vào những nội dung sau: - Làm rõ các vấn đề lý luận chủ yếu về dịch vụ bưu chính viễn thông đối với phát triển kinh tế xã hội nói chung và ở tỉnh Nghệ An nói riêng. - Nghiên cứu kinh nghiệm phát triển dịch vụ bưu chính viễn thông một số địa phương để rút ra bài học cho tỉnh Nghệ An . - Phân tích, đánh giá thực trạng phát triển dịch vụ bưu chính viễn thông ở Nghệ An tời gian qua, tác động của loại hình dịch vụ này đối với phát triển kinh tế xã hội ở Nghệ An thời gian qua, tìm ra những thành công, hạn chế cùng các nguyên nhân của hạn chế. - Đề xuất phương hướng và giải pháp chủ yếu thúc đẩy sự phát triển dịch vụ bưu chính viễn thông phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở tỉnh Nghệ An đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020. 4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu của luận văn Đối tượng nghiên cứu của luận văn là nghiên cứu về dịch vụ bưu chính viễn thông với tư cách là một loại hình dịch vụ và những yếu tố kinh tế - xã hội có liên quan trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Phạm vi nghiên cứu Trên góc độ của khoa học kinh tế chính trị, luận văn tập trung nghiên cứu về những vấn đề lý luận có liên quan đến nội dung phát triển dịch vụ bưu chính viễn thông trên địa bàn tỉnh Nghệ An và những yếu tố kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Nghệ An có liên quan đến sự phát triển dịch vụ bưu chính viễn thông. Về thời gian: Từ năm 2000 đến nay. 6. Cơ sở phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu Cơ sở phương pháp luận của luận văn là thế giới quan, phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin bao gồm chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử. Luận văn sử dụng các phương pháp truyền thống của kinh tế chính trị Mác - Lênin như trừu tượng hóa khoa học, phương pháp lô gíc gắn với lịch sử, hệ thống hoá, thống kê thu thập số liệu, điều tra khảo sát, phân tổ, phân tích, tổng hợp, so sánh nhằm tiếp cận đối tượng nghiên cứu một cách có hệ thống. 7. Đóng góp của luận văn - Làm rõ thêm một số vấn đề lý luận về dịch vụ bưu chính viễn thông. - Trên cơ sở nghiên cứu, khảo sát, kế thừa chọn lọc các tài liệu có liên quan phục vụ việc nghiên cứu các nội dung theo yêu cầu nhiệm vụ của luận văn. Từ đó phân tích, đánh giá làm rõ các yếu tố kinh tế - xã hội ở tỉnh Nghệ An có tác động ảnh hưởng đến sự phát triển dịch vụ bưu chính viễn thông trên địa bàn và tác động ảnh hưởng trở lại của dịch vụ bưu chính viễn thông trên địa bàn đối với phát triển kinh tế - xã hội. - Rút ra được những hạn chế, những bức xúc cần được tháo gỡ, đề xuất các định hướng và giải pháp chủ yếu thúc đẩy sự phát triển dịch vụ bưu chính viễn thông nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở tỉnh Nghệ An đến năm 2010 và 2020. 8. Kết cấu luận văn Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, nội dung của luận văn gồm 3 chương, 8 tiết. Chương 1 MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ DỊCH VỤ BƯU CHÍNH VIỄN THÔNG ĐỐI VỚI SỰ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 1.1. KHÁI NIỆM, ĐẶC ĐIỂM, VAI TRÒ CỦA DỊCH VỤ BƯU CHÍNH VIỄN THÔNG 1.1.1. Khái niệm dịch vụ bưu chính viễn thông 1.1.1.1. Quan điểm chung về dịch vụ Dịch vụ là khái niệm được sử dụng rộng rãi trong các tài liệu kinh tế. Tuy nhiên, nội hàm của dịch vụ được hiểu với những nghĩa còn khác nhau. Trong Bách khoa toàn thư xô viết lớn, dịch vụ được hiểu, thứ nhất, là hình thái của lao động phi sản xuất, là quan hệ kinh tế-xã hội thể hiện sự tiêu dùng thu nhập, thứ hai, là hoạt động có mục đích nhất định tồn tại dưới hình thái hiệu quả có ích của lao động [40]. Đây là quan niệm phổ biến của thời kỳ kinh tế hiện vật, phủ nhận kinh tế thị trường trong chủ nghĩa xã hội, từ đó, đã gây cản trở cho sự phát triển của các ngành dịch vụ. Những quan điểm gần đây đã khắc phục được tính phiến diện của quan niệm kể trên. Trong Từ điển kinh tế Megabook.ru, dịch vụ được hiểu là công việc được thực hiện theo đơn đặt hàng nhưng không tạo ra sản phẩm có hình thái độc lập mới [41]. Trong Từ điển thuật ngữ kinh tế, dịch vụ là những dạng hoạt động, công việc, mà trong quá trình thực hiện chúng không tạo ra sản phẩm vật chất có hình thái vật thể mới, nhưng làm cho sản phẩm hiện có đã được tạo ra thay đổi về chất. Đó là của cải được cung cấp không phải dưới hình thái hiện vật, mà là dưới hình thái hoạt động [42]. Từ những quan điểm trên, có thể thấy điểm chung trong các quan niệm về dịch vụ là đều coi dịch vụ là kết quả có ích của một dạng lao động đặc thù. Kết quả đó được biểu hiện ra dưới hình thái phi vật thể hay vô hình. Trong tác phẩm “Các học thuyết về giá trị thặng dư”, C. Mác cũng đã sử dụng thuật ngữ “sự phục vụ” để thể hiện khái niệm dịch vụ. Theo đó, có thể hiểu dịch vụ là những hiệu quả có ích của những lao động cụ thể tồn tại dưới hình thái sản phẩm vô hình [19, tr.204 - 219, 573 - 591]. Như vậy, dịch vụ là loại hình sản phẩm đặc thù của lao động, là hiệu quả có ích của lao động cụ thể, tồn tại dưới hình thái phi vật thể. Những đặc điểm chủ yếu của dịch vụ so với các sản phẩm lao động hữu hình bao gồm: Thứ nhất, dịch vụ là sản phẩm vô hình. Sản phẩm hữu hình có thể dễ dàng định lượng và tiêu chuẩn hóa. Còn kết quả của hoạt động dịch vụ, mặc dù có thể cảm nhận, đánh giá, nhưng rất khó lượng hoá vì không tách riêng ra dưới hình thái hiện vật được. Phần lớn công việc của những người làm dịch vụ thường biến đi ngay khi làm xong, rất ít khi để lại một dấu vết hay một giá trị nào đó để sau này có thể cho ta nhận được một số lượng dịch vụ ngang như thế. Kết quả một số dịch vụ nhất định có thể tồn tại như một giá trị sử dụng có hình thái độc lập tách khỏi người sản xuất và người tiêu dùng, có thể duy trì sự tồn tại, lưu thông trong một khoảng thời gian giữa sản xuất và tiêu dùng như những tác phẩm nghệ thuật, Nhưng, thực ra, giá trị sử dụng của chúng không phải là bản thân yếu tố vật chất của sản phẩm tồn tại độc lập đó, mà là “cái hồn” của những tác phẩm đó, thể hiện ở cái đẹp, cái hay mà từng người tiêu dùng cảm thụ được. Cũng có những dịch vụ phải có sản phẩm vật chất kèm theo, làm trung gian, như dịch vụ cung ứng bữa ăn trên máy bay hay trên xe lửa, hoặc là dịch vụ cho thuê nhà.... nhưng bản thân dịch vụ đó vẫn là vô hình. Thứ hai, phần lớn dịch vụ được sản xuất và tiêu dùng đồng thời, nên dịch vụ không thể tích luỹ, để dành. Sản phẩm hiệu vật có thể tách rời sản xuất với tiêu dùng, có thể tích trữ trong kho, nhưng dịch vụ thì thường sản xuất đến đâu tiêu dùng đến đấy, không tiêu dùng sẽ bỏ phí vì dịch vụ không thể tích trữ, để dành. Ví dụ, khi xe chở khách, người lái xe tạo ra sự di chuyển đến đâu thì hành khách hưởng thụ đến đó. Nếu xe có 4 chỗ mà chỉ có một người ngồi thì ba chỗ còn lại sẽ bị bỏ phí, không thể để dành cho lần sau được. Thứ ba, chất lượng của dịch vụ phụ thuộc rất nhiều vào sự tiếp xúc trực tiếp hay sự tương tác giữa người cung cấp dịch vụ và người được thụ hưởng dịch vụ. Sản phẩm hiện vật có thể đánh giá thông qua các tiêu chuẩn cụ thể về chất lượng mà không cần có sự tiếp xúc trực tiếp giữa người sản xuất và người tiêu dùng. Còn chất lượng dịch vụ phụ thuộc rất nhiều vào sự giao tiếp, thái độ và năng lực đáp ứng kịp thời nhu cầu của khách hàng, đem lại sự hài lòng và thiện cảm của khách hàng đối với người phục vụ. Trong nền kinh tế thị trường, nhiều loại hình dịch vụ cũng trở thành hàng hoá. Bên cạnh những hàng hoá hiện vật, trên thị trường còn có những hàng hóa vô hình hay dịch vụ, như dịch vụ của bác sĩ, giáo viên, luật sư, v.v. Giá trị sử dụng của dịch vụ là cũng đáp ứng một nhu cầu nào đó của người mua. Để tạo ra dịch vụ cũng cần tới những chi phí lao động nhất định. Những người làm dịch vụ cũng cần nhận được thu nhập bằng tiền từ hoạt động dịch vụ của mình, đồng những người được thụ hưởng dịch vụ cũng phải chi tiền để được hưởng thụ những dịch vụ đó. Việc mua những dịch vụ hoàn toàn không khác gì chi tiền mua bất cứ loại hàng hóa nào khác, vì vậy, dịch vụ cũng có giá trị trao đổi. Căn cứ chủ yếu để xác định giá cả thị trường của dịch vụ là chi phí sản xuất ra chúng. Khi lực lượng sản xuất còn chưa phát triển, các sản phẩm mang hình thái vật thể như nông sản, sản phẩm của các ngành công nghiệp… có vai trò nền tảng trực tiếp của đời sống xã hội, vì vậy việc sản xuất ra chúng là quan tâm hàng đầu của xã hội. Theo sự phát triển của lực lượng sản xuất, số lượng và chủng loại các sản phẩm phi vật thể tăng dần, có vai trò không những đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cá nhân ngày càng tăng của xã hội, mà còn có tác động ngày càng lớn tới các ngành sản xuất sản phẩm vật thể. Vì vậy, tốc độ phát triển của các hoạt động dịch vụ có xu hướng tỷ lệ thuận với trình độ phát triển của sản xuất xã hội, các ngành dịch vụ cũng được hình thành và mở rộng không ngừng dưới tác động của phân công lao động xã hội. Ngày nay có nhiều cách phân loại dịch vụ. Theo nguồn gốc hình thành sản phẩm dịch vụ được phân loại theo ngành, lĩnh vực như dịch vụ giao thông vận tải, thông tin liên lạc, thương mại, y tế, giáo dục, du lịch, tài chính ngân hàng, quản lý nhà nước …. Theo tính chất kinh tế - xã hội của dịch vụ trong nền kinh tế thị trường có thể phân biệt dịch vụ có tính chất thị trường và dịch vụ có tính chất phi thị trường. Dịch vụ có tính chất phi thị trường là các dịch vụ được cung cấp miễn phí hoặc với giá cả thấp ở mức không bù đắp được những chi phí tạo ra chúng. Sản xuất, kinh doanh và dịch vụ tác động lẫn nhau chặt chẽ; dịch vụ là một điều kiện để phát triển sản xuất, kinh doanh. Sự phát triển dịch vụ hợp lí, có chất lượng cao là một biểu hiện của nền kinh tế phát triển và một xã hội văn minh. Do ý nghĩa kinh tế, xã hội to lớn nên hoạt động dịch vụ trở thành lĩnh vực kinh tế quan trọng, có vị trí lớn trong cơ cấu kinh tế của các quốc gia phát triển. Ví dụ, ở EU (2006) dịch vụ chiếm 70,6 % GDP; Xingapo (2007)- 68,8%; ở Hồng Kông (2007) - 91,7%; Mỹ (2007) - 79%, Nhật Bản (2007) - 72% [43]. Dịch vụ là những hoạt động cần thiết, tất yếu được nẩy sinh từ yêu cầu của các hoạt động sản xuất kinh doanh, quản lý xã hội và nhu cầu đời sống của con người. Dịch vụ sản xuất ra các điều kiện nhằm phục vụ các hoạt động xã hội và đời sống con người. Các sản phẩm của dịch vụ cũng là những hàng hoá được mua bán trao đổi trên thị trường. Dịch vụ vừa là nguyên nhân, vừa là kết quả của quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh. Xã hội phát triển càng cao thì lĩnh vực sản xuất dịch vụ có xu hướng phát triển ngày càng tăng. Trong nền kinh tế thị trường hiện đại, nhất là nền kinh tế tri thức, trong GDP và cơ cấu lao động xã hội, cơ cấu kinh tế quốc dân, dịch vụ là một bộ phận hàng hóa vô hình ngày càng chiếm tỷ trọng cao. Dịch vụ là nguồn của cải vô tận, làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. 1.1.1.2. Khái niệm và loại hình dịch vụ bưu chính, viễn thông Khái niệm về dịch vụ bưu chính viễn thông Dịch vụ bưu chính viễn thông bao gồm các dịch vụ bưu chính và dịch vụ viễn thông. Bưu chính là bộ phận ngành bưu điện phụ trách việc chuyển thư từ, báo chí, tiền bạc, bưu kiện. Dịch vụ bưu chính ban đầu là dịch vụ tải nội dung thông tin thông qua các phương tiện như bì thư, ấn phẩm. Theo sự phát triển của ngành bưu chính, dịch vụ bưu chính ngày càng được mở rộng ra bao gồm cả các dịch vụ chuyển bưu phẩm, bưu kiện hàng hoá thông qua các phương tiện vận chuyển bằng sức người, động vật và máy móc khác… Viễn thông là nói về sự liên lạc với những nơi rất xa. Viễn thông (trong các ngôn ngữ Châu Âu xuất phát từ tele của tiếng Hy Lạp có nghĩa là xa và communicare của tiếng La tinh có nghĩa là thông báo) miêu tả một cách tổng quát tất cả các hình thức trao đổi thông tin qua một khoảng cách nhất định mà không phải chuyên chở những thông tin này đi một cách cụ thể (thí dụ như thư). Các tín hiệu nhìn thấy được đã được sử dụng trong thế kỷ 18 như hệ thống biểu hiện các chữ cái bằng cách đặt tay hay 2 lá cờ theo một vị trí nhất định (semaphore), hay máy quang báo (heliograph) là một dụng cụ truyền tin bằng cách phản chiếu ánh sáng mặt trời. Theo nghĩa hẹp hơn, ngày nay viễn thông được hiểu như là cách thức trao đổi dữ liệu thông qua kỹ thuật điện, điện tử và các công nghệ hiện đại khác. Các dịch vụ viễn thông đầu tiên theo nghĩa này là điện báo và điện thoại. Ngày nay các thiết bị viễn thông là một thành phần cơ bản của hệ thống hạ tầng. Theo quy định tại Điều 37 - Nghị định số 109/CP, dịch vụ viễn thông được hiểu là dịch vụ truyền đưa, lưu trữ và cung cấp thông tin bằng hình thức truyền dẫn, phát, thu những ký hiệu, tín hiệu, số liệu, chữ viết, âm thanh, hình ảnh thông qua mạng lưới viễn thông công cộng do doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông cung cấp. Từ những trình bày ở trên có thể khẳng định, dịch vụ bưu chính viễn thông là kết quả tất yếu được nẩy sinh từ yêu cầu sản xuất ra các phương thức, phương tiện truyền tải thông tin nhằm phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, quản lý xã hội và nhu cầu đời sống con người. Quá trình truyền tải thông tin không những thường gắn liền với quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, hoặc giữa các quá trình đó với nhau. Nó được xác định bằng đại lượng thời gian, không gian truyền tin. Quá trình truyền tải thông tin ban đầu được thực hiện thông qua dịch vụ bưu chính, nhưng dưới tác động của nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ, dịch vụ viễn thông đã được hình thành và phát triển nhanh với nhiều loại hình phong phú, đa dạng. Dịch vụ bưu chính viễn thông thể hiện mối quan hệ giữa các chủ thể cung cấp và thụ hưởng dịch vụ truyền tải thông tin thông qua hoạt động của ngành bưu chính và viễn thông. Các loại hình dịch vụ bưu chính viễn thông Thứ nhất, dịch vụ bưu chính: Dịch vụ bưu chính bao gồm các dịch vụ bưu chính cơ bản, dịch vụ bưu chính cộng thêm, dịch vụ bưu chính công ích: Dịch vụ bưu chính cơ bản được thực hiện bằng việc nhận gửi, chuyển, phát bưu phẩm, bưu kiện thông qua mạng bưu chính công cộng, mạng chuyên dùng và mạng chuyển phát. Bưu phẩm bao gồm thư (trừ thư do doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ chuyển phát thư thực hiện) bưu thiếp, gói nhỏ, gói án phẩm, học phẩm dùng cho người mù được gửi qua mạng bưu chính công cộng. Bưu kiện bao gồm vật phẩm hàng hoá được đóng góoics khối lượng không quá năm mươi kilôgam (50 kg) được gửi qua mạng bưu chính công cộng. Dịch vụ bưu chính cộng thêm là dịch vụ được cung cấp thêm vào dịch vụ bưu chính cơ bản để đáp ứng yêu cầu cao hơn về chất lượng của người sử dụng. Cơ quan quản lý nhà nước về bưu chính viễn thông quy định và công bố danh mục cụ thể các dịch vụ bưu chính quy định tại điều này. Dịch vụ bưu chính công ích bao gồm dịch vụ bưu chính phổ cập, dịch vụ dịch vụ bưu chính bắt buộc. Dịch vụ bưu chính công ích được cung cấp đến mọi người dân theo các điều kiện về khối lượng, chất lượng và giá cước do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định. Dịch vụ bưu chính bắt buộc là dịch vụ bưu chính được cung cấp theo yêu cầu của Nhà nước nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Căn cứ vào yêu cầu của Nhà nước, tình hình phát triển kinh tế - xã hội và bưu chính trong từng thời kỳ, cơ quan quản lý nhà nước về bưu chính viễn thông quy định cụ thể việc cung cấp dịch vụ bưu chính công ích. Nhà nước có chính sách hỗ trợ việc cung cấp dịch vụ bưu chính công ích thông qua dịch vụ bưu chính dành riêng và các cơ chế hỗ trợ tài chính khác. Dịch vụ chuyển phát thư là dịch vụ nhận gửi, chuyển, phát thông tin dưới dạng văn bản được đóng gói, dán kín, có khối lượng đơn chiếc không quá hai kilôgam (02 kg) và gửi tới một địa chỉ cụ thể thông qua mạng bưu chính hoặc mạng chuyển phát. Các loại hình dịch vụ bưu chính ngày nay được thược hiện thông qua hoạt động của các mạng bưu chính như mạng bưu chính công cộng, mạng bưu chính chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang nhân dân, mạng chuyển phát. Mạng bưu chính công cộng được xây dựng, quản lý và phát triển theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Mạng bưu chính công cộng bao gồm các trung tâm đầu mối, bưu cục, điểm phục vụ, thùng thư công cộng được kết nối với nhau bằng các tuyến đường thư. Các bưu cục, điểm phục vụ, thùng thư công cộng được ưu tiên đặt tại các nhà ga, bến xe, cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu, khu dân cư và các địa điểm công cộng khác để phục vụ nhu cầu của người sử dụng. Các công trình thuộc mạng bưu chính công cộng là một bộ phận quan trọng của kết cấu hạ tầng phải có trong quy hoạch, thiết kế tổng thể xây dựng các khu đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế mới và các công trình công cộng khác để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong đầu tư xây dựng và thuận tiện cho việc cung cấp, sử dụng dịch vụ. Mạng bưu chính chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang nhân dân được thiết lập để phục vụ nhu cầu thông tin của các cơ quan, tổ chức đó. Tổ chức và hoạt động của mạng bưu chính chuyên dùng do Chính phủ quy định. Mạng chuyển phát do doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế xây dựng và quản lý để cung cấp dịch vụ chuyển phát thư theo quy định của pháp luật về bưu chính viễn thông và các quy định khác của pháp luật về vận chuyển hàng hóa. Thứ hai, dịch vụ viễn thông: Các dịch vụ viễn thông được phân loại theo nghiệp vụ đi liền với các thiết bị đầu cuối như dịch vụ thoại, dịch vụ fax, dịch vụ điện báo, dịch vụ truyền số liệu, dịch vụ di động, dịch vụ nhắn tin, dịch vụ internet v.v. Các dịch vụ viễn thông được chia làm hai nhóm, đó là: Một là, những dịch vụ viễn thông cơ bản: Dịch vụ viễn thông cơ bản là dịch vụ truyền đưa tức thời dịch vụ viễn thông qua mạng viễn thông hoặc Internet mà không làm thay đổi loại hình hoặc nội dung thông tin. Dịch vụ viễn thông cơ bản gồm: Dịch vụ điện thoại; Dịch vụ điện báo; Dịch vụ Telex; Dịch vụ Fax; Dịch vụ thuê kênh riêng; Dịch vụ truyền số liệu; Dịch vụ truyền hình, truyền ảnh, âm thanh; Dịch vụ truyền báo điện tử; Dịch vụ điện thoại di động; Dịch vụ nhắn tin. Hai là, những dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng: Dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng là dịch vụ làm tăng thêm giá trị thông tin của người sử dụng dịch vụ bằng cách hoàn thiện loại hình, nội dung thông tin hoặc cung cấp khả năng lưu trữ, khôi phục thông tin đó trên cơ sở sử dụng mạng viễn thông hoặc Internet. Dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng gồm: Dịch vụ thư điện tử; Dịch vụ hộp thư thoại; Dịch vụ lưu trữ, cung cấp thông tin; Các dịch vụ Internet: thư tín điện tử, truyền tệp dữ liệu, truy nhập từ xa, truy nhập các cơ sở dữ liệu theo các phương thức khác nhau. Dịch vụ kết nối Internet là dịch vụ cung cấp cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet khả năng kết nối với nhau và với Internet quốc tế. Dịch vụ truy nhập Internet là dịch vụ cung cấp cho người sử dụng khả năng truy nhập Internet. Dịch vụ ứng dụng Internet trong bưu chính viễn thông là dịch vụ sử dụng Internet để cung cấp dịch vụ bưu chính viễn thông cho người sử dụng. Dịch vụ ứng dụng Internet trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội khác phải tuân theo các quy định pháp luật về bưu chính viễn thông và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Việc phân loại các loại hình dịch vụ viễn thông như đã nêu ở trên chỉ nhằm mục đích gắn kết việc quản lý dịch vụ với quản lý về kỹ thuật và nghiệp vụ đối với từng loại dịch vụ đó. Trong điều kiện hội tụ công nghệ và dịch vụ viễn thông như hiện nay cùng với việc xuất hiện của các công nghệ đa phương tiện (multimedia) thì cách phân loại nói trên đã trở nên không còn phù hợp nữa. Đặc biệt là cũng không phù hợp với lộ trình mở cửa thị trường viễn thông trong thời gian sắp tới của đất nước, khi mà sẽ có nhiều thành phần kinh tế tham gia vào thị trường cung cấp dịch vụ viễn thông, sẽ dẫn đến việc không phân định rõ doanh nghiệp loại nào thì được cung cấp dịch vụ gì, mức độ mở cửa đến đâu nên cơ quan quản lý sẽ phải quy định một cách cứng nhắc bằng từng giấy phép cụ thể đối với từng loại dịch vụ cho từng doanh nghiệp, dẫn đến việc không rõ ràng hay không minh bạch trong quản lý, thậm chí có thể dẫn đến tình trạng có những hiểu lầm đáng tiếc từ phía xã hội về việc vẫn tồn tại hay còn mang nặng tính chất độc quyền trong cung cấp các dịch vụ viễn thông. Để khắc phục những vướng mắc này, thì việc xác định khái niệm và phân loại dịch vụ viễn thông là hết sức quan trọng. 1.1.2. Đặc điểm dịch vụ bưu chính viễn thông Dịch vụ bưu chính viễn thông có những đặc điểm cơ bản của dịch vụ nói chung nhưng đồng thời măng những sắc thái riêng, đặc thù gắn với hoạt động của ngành bưu chính viễn thông và nhu cầu của các chủ thể thụ hưởng dịch vụ bưu chính viễn thông. Những đặc điểm đó bao gồm: sản phẩm dịch vụ không mang hình thái hiện vật, hay là sản phẩm vô hình; không chia tách được, thiếu ổn định và không thể dự trữ được. 1.1.2.1. Dịch vụ bưu chính viễn thông là sản phẩm vô hình Hầu hết các dịch vụ bưu chính viễn thông không thể sờ mó hoặc sử dụng trước khi mua, khách hàng khó có thể đánh giá được là họ đang mua gì trước khi mua. Sản phẩm dịch vụ bưu chính viễn thông khác với sản phẩm hàng hoá khác ở chỗ sản phẩm dịch vụ bưu chính viễn thông là loại sản phẩm hàng hoá đặc biệt, là dịch vụ truyền tải thông tin, không có tính vật thể. Không thể kiểm tra, trưng bày hoặc bao gói dịch vụ được. Khách hàng thường cảm thấy rủi ro hơn khi mua dịch vụ này so với các loại hàng hóa và dịch vụ khác và điều này cản trở trao đổi dịch vụ. Các nhà cung cấp dịch vụ bưu chính viễn thông vượt qua các hạn chế này để tạo ra lợi thế cạnh tranh thông qua các cửa hàng bán lẻ, hình ảnh tượng trưng và sử dụng các biểu tượng để thay thế hàng hóa vì bản thân hàng hóa không thể nhìn thấy hoặc cầm nắm được. Các nhà cung cấp dịch vụ bưu chính viễn thông sẽ phải tạo ra các ý niệm hữu hình cho các dịch vụ của họ. Nói chung, khách hàng khó đánh giá giá trị của bất cứ dịch vụ nào. Khách hàng không thể hình dung các dịch vụ bưu chính viễn thông họ sử dụng được tạo ra như thế nào hay chi phí của dịch vụ là bao nhiêu. 1.1.2.2. Quá trình sản xuất và tiêu dùng dịch vụ bưu chính viễn thông là không chia tách được Quy trình sản xuất của dịch vụ bưu chính viễn thông không được gián đoạn, phải đảm bảo tính toàn trình, toàn mạng, không thể phân cắt. Quá trình sản xuất và tiêu dùng dịch vụ diễn ra cùng một lúc. Khi một khách hàng nhấc ống nghe liên lạc được với người cần gặp ở đầu máy bên kia là dịch vụ bắt đầu thực hiện được cuộc gọi, và anh ta bắt đầu phải trả tiền. Hoặc khi bắt đầu gửi thư, gửi hàng hoá thì cũng bắt đầu thực hiện quá trình vận chuyển thư, hàng hoá, và người gửi cũng đã phải trả cước chuyển thư, chuyển hàng hoá bưu phẩm, bưu kiện trước đó. Nghĩa là song song với quá trình hoạt động của cả hệ thống thông tin, hệ thống bưu chính là đồng thời với cả quá trình người tiêu dùng dịch vụ bưu chính viễn thông, cũng đồng thời với quá trình tính tiền cước các cuộc gọi, cước vận chuyển hàng hoá, tiền tệ… bằng giá cả thời gian, trọng lượng và giá trị. Quá trình sản xuất và tiêu dùng diễn ra cùng một lúc. Ngược lại, đối với dịch vụ bưu chính viễn thông, nếu không có tiêu dùng dịch vụ thì hệ thống dịch vụ cũng không hoạt động. Trên thực tế hệ thống dịch vụ bưu chính viễn thông ở từng công đoạn, từng thời gian hoạt động có sự gián đoạn, nhưng trong cả hệ thống dịch vụ thì luôn luôn hoạt động 24/24 giờ trong ngày. Vì vậy nếu khách hàng không sử dụng hết công suất phục vụ thì cũng xẩy ra sự lãng phí trong cả hệ thống. Đây cũng là bài toán kinh tế cho các địa phương, doanh nghiệp và chính phủ trong xây dựng qui hoạch phát triển, điều hành sử dụng mạng lưới làm sao cho hợp lý, hiệu quả. 1.1.2.3. Dịch vụ bưu chính viễn thông có tính không ổn định Đối với khách hàng, dịch vụ và người cung cấp dịch vụ là một. Nhưng trên thực tế thì chất lượng dịch vụ nhiều khi phụ thuộc vào các yếu tố nằm ngoài sự kiểm soát của nhà cung cấp dịch vụ, như đại diện của nhà cung cấp dịch vụ, môi trường cung cấp dịch vụ, khách hàng được cung cấp dịch vụ. Khi một khách hàng nhấc ống nghe mà anh ta chưa liên lạc được với người cần gặp ở đầu máy bên kia thì anh ta không phải t/rả tiền, nhưng anh ta vẫn không hài lòng ngay cả khi biết rằng đây là trục trặc thường xẩy ra rất ít. ở dịch vụ bưu chính cũng vậy, việc mất mát, hư hỏng, chậm thời gian và các sự cố rủi ro là hạn hữu. Khách hàng của dịch vụ bưu chính viễn thông thường mong đợi sử dụng dịch vụ với chất lượng cao và luôn sẵn sàng bất cứ lúc nào họ cần. Vì vậy, các nhà cung cấp dịch vụ bưu chính viễn thông có thể giảm tính không ổn định của dịch vụ bằng cách xây dựng thực hiện tốt tự động hoá các khâu trong cả hệ thống, thực hiện tiêu chuẩn hoá qui trình cung cấp dịch vụ, tăng cường đào tạo nhân viên và củng cố thương hiệu. 1.1.2.4. Dịch vụ bưu chính viễn thông không thể dự trữ được Sản phẩm vòng quay nhanh, bán và thu tiền nhanh, phạm vi rộng. Hệ thống cơ sở hạ tầng của dịch vụ được dùng chung và thiết kế để có thể cung cấp một công suất nhất định tại bất cứ thời điểm nào. Giảm giá cuối tuần và ban đêm cho điện thoại đường dài và di động là biện pháp điều tiết nhu cầu sử dụng dịch vụ trên hệ thống theo thời gian nhằm tránh quá tải của hệ thống, tăng hiệu quả kinh tế của dịch vụ, tăng nhu cầu về dịch vụ. Những khoảng thời gian nào đó dịch vụ không bán được cũng có nghĩa là bị thất thu vĩnh viễn. Thất thu còn xẩy ra khi hệ thống bị quá tải, nghĩa là khi người ta thấy máy nào cũng bận thì họ có thể sẽ không thực hiện cuộc gọi đó nữa. Tóm lại, dịch vụ bưu chính viễn thông là sản phẩm vô hình vì các dịch vụ không thể sờ mó hoặc sử dụng trước khi mua. Dịch vụ bưu chính viễn thông không chia tách được vì quá trình sản xuất và tiêu dùng của dịch vụ diễn ra cùng một lúc. Dịch vụ bưu chính viễn thông có tính không ổn định vì chất lượng dịch vụ phụ thuộc vào các yếu tố nằm ngoài sự kiểm soát của nhà cung cấp. Dịch vụ viễn thông không thể dự trữ, cất vào kho được, thời lượng dịch vụ không bán được cũng có nghĩa là bị lãng phí. Những đặc điểm nêu trên có ảnh hưởng lớn tới hoạt động đầu tư vào ngành bưu chính viễn thông. 1.1.3. Vai trò của dịch vụ bưu chính viễn thông đối với sự phát triển kinh tế - xã hội Thứ nhất, dịch vụ bưu chính viễn thông đáp ứng nhu cầu cần thiết về trao đổi, thu nhận thông tin giữa các chủ thể trong các hoạt động sản xuất kinh doanh, quản lý xã hội và đời sống sinh hoạt của con người Dịch vụ bưu chính viễn thông là công cụ thông tin hiệu quả nhất, nhanh nhạy nhất với yêu cầu nhanh chóng, chính xác, an toàn, thuận tiện cho mọi lĩnh vực của đời sống xã hội bao gồm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh quốc phòng, là yếu tố nhạy cảm có liên quan đến vấn đề chính trị xã hội, kinh tế, quân sự và an ninh quốc gia, là những công cụ quản lý quan trọng của hệ thống chính trị. Các nước ở giai đoạn đầu phát triển đều coi bưu chính viễn thông là lĩnh vực độc quyền đạt dưới sự quản lý trực tiếp của nhà nước. Thứ hai, dịch vụ bưu chính viễn thông là nhân tố đặc biệt quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Sản xuất ngày càng mang tính xã hội hoá cao, từ đó nhu cầu trao đổi, truyền tải, thu nhận thông tin của các chủ thể kinh tế càng lớn. Vì vậy sự phát triển của dịch vụ bưu chính viễn thông có tác dụng thúc đẩy quá trình tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xã hội theo hướng tiến bộ, nâng cao năng suất và hiệu quả trong nông nghiệp nông thôn, công nghiệp, các dịch vụ xã hội như giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khỏe…cải thiện chất lượng cuộc sống ở các khu vực đang phát triển, khuyến khích tính cộng đồng và tăng cường bản sắc văn hoá vùng sâu, vùng xa, những nơi khoảng cách xa, thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hoá hiện đại hoá. Những vai trò cụ thể của dịch vụ bưu chính viễn thông đối với phát triển kinh tế - xã hội được thể hiện trên các mặt: Một là, cung câp thông tin về giá Nếu không có dịch vụ bưu chính viễn thông thì các hoạt động kinh tế, xã hội sẽ không thể hoạt động bình thường được. Bưu chính viễn thông đóng vai trò khâu nối của mọi hoạt động của con người và xã hội. Ngày nay, tátt cả các nước, các tổ chức quốc tế đều đặt lịnh vực bưu chính viễn thông ở vị trí ngang với các cơ sởhạ tầng thiết yếu khác của xã hội như điện, nước, giao thông vận tải, y tế, giáo dục... Dịch vụ bưu chính viễn thông là phương tiện, môi trường truyền tin quan trọng thuận lợi để thực hiện được việc sản xuất, trao đổi, tiêu dùng các sản phẩm và dịch vụ thuộc tất cả các ngành kinh tế khác. Các nhà sản xuất như nông dân và ngư dân và các nhà doanh nghiệp thông qua thông tin về giá có thể thực hiện so sánh giá cả ở các thị trường khác nhau, cho phép họ chọn được mức giá cao nhất cho sản phẩm của họ (như loại cây trồng hay cá đánh bắt được, như các loại sản phẩm công nghiệp), hoặc chọn mức giá rẻ và hợp lý nhất khi mua máy móc thiết bị phục vụ sản xuất kinh doanh, và vì vậy sẽ giảm sự phụ thuộc vào những người trung gian có thể điều chỉnh sản phẩm không có lợi cho họ. Hai là, giảm thời gian chết của máy móc Việc cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời giúp cho việc đặt mua các phụ tùng linh kiện thông qua hệ thống dịch vụ bưu chính viễn thông và liên hệ trực tiếp với các kỹ thuật viên sẽ giảm thời gian chết do sự cố hư hỏng của máy móc (như máy bơm, máy kéo, máy phát điện….) Ba là, giảm tồn kho Thông qua mạng thông tin của dịch vụ bưu chính viễn thông, các nhà sản xuất kinh doanh có thể chuyển giao những mặt hàng tồn kho cho nhà sản xuất kinh doanh khác trê nthị trường cần sử dụng, và tiến hành đặt mua các mặt hàng mà mình cần thay thế sử dụng. Bốn là, đưa sản phẩn ra thị trường đúng lúc Các nhà sản xuất kinh doanh thông qua mạng thông tin của dịch vụ bưu chính viễn thông, cùng kết hợp sắp xếp kế hoạch trao đổi sản phẩm cho nhau hay trao đổi, phân phối sản phẩm trên thị trường kịp thời sồígp phần làm giảm tỷ lệ hư hỏng hàng hoá, bảo đảm được chất lượng sản phẩm (ví dụ như các mặt hàng như cá, hoa quả tươi…) Năm là, giảm chi phí vận chuyển Dịch vụ bưu chính viễn thông giúp cho các tổ chức, doanh nghiệp và mọi người có đủ thông tin để thực hiện việc đi lại, hay tổ chức việc vận chuyển hàng hoá kịp thời, bảo đảm thời gian, góp phần làm giảm chi phí, tiết kiệm đáng kể chi phí về thời gian lao động trong đi lại, chuyển hàng hoá dịch vụ. Sáu là, tiết kiệm năng lượng Dịch vụ bưu chính viễn thông cung cấp thông tin kịp thời giúp các doanh nghiệp thực hiện tối đa hoá hiệu quả sử dụng máy móc. Từ đó làm giảm chi phí nhiên liệu. Đối với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải có thể sử dụng dịch vụ bưu chính viễn thông trong điền hành, thực hiện công tác vận chuyển hợp lý để hành trình không bị lãng phí về thời gian từ đó có thể tiết kiệm tối đa nhiên liệu sử dụng. Bảy là, cho phép khai thác lợi thế của phi tập trung hóa Các dịch vụ bưu chính viễn thông giúp cho xã hội tiết kiệm thời gian, rút ngắn cự ly, nối liền khoảng cách. Tính sẵn có của dịch vụ bưu chính viễn thông có thể thu hút các ngành công nghiệp về các vùng nông thôn và cho phép phân tán các hoạt động kinh tế ra ngoài phạm vi các vùng thành thị lớn, góp phần giải quyết tốt vấn đề ô nhiễm môi trường, nghẽn tắc giao thông và hàng loạt các vấn đề khác của đời sống xã hội. Dịch vụ bưu chính viễn thông góp phần vào tính công bằng thông qua việc cho phép những người có hoàn cảnh khó khăn bao gồm những người ở các vùng nông thôn xa xôi, hẻo lảnh, những người tàn tật và những người nghèo khổ được sử dụng các thông tin phúc lợi của xã hội mà bình thường thì rất khó hoặc không thể có được. Dịch vụ bưu chính viễn thông cũng đã đóng góp làm tăng tính hiệu quả ở các lĩnh vực khác, như lĩnh vực giáo dục bao gồm đào tạo từ xa, nơi mà việc giáo dục và giảng dạy không có điều kiện tập trung theo trường lớp, học viên có thể nghiên cứu theo tài liệu đã được gửi theo con đường bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin, với lĩnh vực y tế từ xa, nơi mà thông tin về bệnh nhân và chữa trị cho bệnh nhân thông qua con đường điện tử, với máy móc hiện đại, sử dụng công nghệ viễn thông, thông tin, có thể trợ giúp các nhà chuyên môn về điều kiện chuẩn đoán và đề xuất phương pháp điều trị tốt nhất. 1.2. NHỮNG NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN SỰ PHÁT TRIỂN DỊCH VỤ BƯU CHÍNH VIỄN THÔNG Có thể coi dịch vụ bưu chính viễn thông như một sản phẩm tất yếu trong tiến trình phát triển của xã hội, nó có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội nói chung; Nhưng sự phát triển của dịch vụ bưu chính viễn thông cũng luôn luôn chịu sự chi phối của nhiều yếu tố: Thứ nhất, các yếu tố thuộc về điều kiện tự nhiên Hầu hết các yếu tố tự nhiên như vị trí địa lý, diện tích, địa hình đồi núi, sông suối, biển, khí hậu, tài nguyên đều có tác động đến sự phát triển của dịch vụ bưu chính viễn thông, đó là những nhân tố vừa có những tác động thuận lợi, vừa có thể gây nên những khó khăn trong phát triển dịch vụ bưu chính viễn thông. Vị trí địa lý, địa hình nếu thuận lợi thì sẽ làm cho chi phí đầu tư xây dựng mạng lưới giảm; ngược lại, nếu vị trí địa lý, địa hình phức tạp, đồi núi sông suối nhiều bị chia cắt lớn sẽ làm cho chi phí đầu tư xây dựng mạng lưới tăng lên, dẫn đến giá thành chi phí của dịch vụ cao. Những khu vực khí hậu thuận lợi như bão gió, lũ lụt ít xẩy ra chi phí rủi ro sẽ thấp hơn những khu vực bão gió, lũ lụt xẩy ra nhiều… Thứ hai, chủ trương đường lối của Đảng, cơ chế, chính sách của nhà nước Chủ trương đường lối, cơ chế chính sách nếu kịp thời, phù hợp sẽ thúc đẩy nhanh sự phát triển của BCVT-CNTT, ngược lại chủ trương đường lối, cơ chế chính sách chậm trễ, không hợp lý sẽ bỏ lỡ cơ hội phát triển nhanh BCVT-CNTT, biểu hiện cụ thể: Trong những năm qua Đảng và Nhà nước đã ban hành được những chủ trương đường lối, cơ chế chính sách kịp thời, phù hợp nên đã thúc đẩy nhanh sự phát triển của BCVT. Bộ Thông tin và truyền thông thường xuyên có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo về chuyên môn; Lãnh đạo các bộ, ban ngành ở Trung ương, lãnh đạo các địa phương luôn quan tâm phối hợp, hỗ trợ để ngành BCVT phát triển tốt. Các doanh nghiệp kinh doanh phục vụ BCVT có sự phối hợp cộng tác tốt, các tập thể doanh nghiệp kinh doanh phục vụ BCVT và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong toàn ngành đã có nhiều nỗ lực và cố gắng trong công tác quản lý, sản xuất kinh doanh, phục vụ góp phần thúc đẩy nhanh chóng sự phát triển ngành BCVT, do vậy tình hình hoạt động của dịch vụ bưu chính viễn thông có nhiều chuyển biến tích cực, phục vụ đắc lực cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Trong những năm qua, có nhiều chủ trương tác động lớn đến sự phát triển ngành BCVT, những chủ trương có tác động lớn gồm: Quyết định 246/2005/QĐ-TTg ngày 06/10/2005của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chiến lược phát triển công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; Quyết định 32/2006/QĐ-TTg ngày 07/02/2006 về phê duyệt Quy hoạch phát triển viễn thông và Internet Việt Nam đến năm 2010; Luật giao dịch điện tử có hiệu lực từ 1/3/2006, quy định về thông điệp điện tử; chữ ký điện tử và chứng thực chữ ký điện tử; giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử; giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước; an ninh, an toàn, bảo vệ, bảo mật trong giao dịch điện tử; giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm trong giao dịch điện tử...Luật Công nghệ Thông tin có hiệu lực từ ngày 29/6/2006. Chỉ thị 58-CT/TW ngày 17/10/2000 của Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT phục vụ sự nghiệp Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước"; Quyết định 191/2005/QĐ-TTg ngày 29/07/2005 của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt Đề án hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng CNTT phục vụ hội nhập và phát triển giai đoạn 2005 - 2010”. Đó là những qui định, hướng dẫn cụ thể có tác dụng định hướng để ngành bưu chính viễn thông Việt nam phát triển đúng đắn. Thứ ba, trình độ phát triển kinh tế - xã hội, trình độ phát triển khoa học công nghệ của nền kinh tế Trình độ phát triển của nền kinh tế, của các ngành sản xuất, dịch vụ ngoài bưu chính viễn thông cao, sẽ tạo nên những điều kiện thuận lợi thúc đẩy nhanh sự phát triển của bưu chính viễn thông, ngược lại trình độ phát triển kinh tế của các ngành sản xuất, dịch vụ khác thấp, sẽ làm chậm quá trình phát triển của bưu chính viễn thông, biểu hiện cụ thể: Hệ thống điện ổn định, cung cấp năng lượng đầy đủ thì hệ thống mạng lưới bưu chính viễn thông cũng sẽ ổn định, bảo đảm được sự thông suốt của quá trình cung cấp các dịch vụ bưu chính viễn thông. Ngược lại, hệ thống điện không ổn định, cung cấp năng lượng không đầy đủ, sự cố thiếu điện, mất điện xẩy ra sẽ dẫn đến tình trạng thông tin bị gián đoạn, gây ảnh hưởng trực tiếp đến mọi mặt của đời sống xã hội. Hệ thống các dịch vụ vận tải như đường bộ, đường sắt, đường sông, đường biển, đường không nếu phát triển tốt sẽ tạo tiền đề cho bưu chính viễn thông tiết kiệm trong đầu tư hạ tầng, phát triển đồng bộ mạng lưới, bảo đảm thông tin nhanh chóng, thuận lợi, an toàn. Ngược lại, nếu phát triển hạ tầng giao thông không đồng bộ, qui hoạch và thực hiện qui hoạch đô thị, giao thông không nhất quán sẽ gây lãng phí trong đầu tư phát triển mạng lưới dịch vụ bưu chính viễn thông. Nền kinh tế có trình độ phát triển cao, trên nền tảng cơ sở hạ tầng kỹ thuật hiện đại thì dịch vụ bưu chính viễn thông có điều kiện phát triển tốt. Ngược lại, nền kinh tế có trình độ phát triển thấp, cơ sở hạ tầng kỹ thuật cũng lạc hậu, yếu kém thì điều kiện phát triển dịch vụ bưu chính viễn thông cũng gặp khó khăn. Trình độ phát triển khoa học công nghệ có tác động ảnh hưởng đến sự phát triển dịch vụ bưu chính viễn thông. Dịch vụ bưu chính viễn thông nếu phát triển trong điều kiện của một nền kinh tế xã hội có trình độ khoa học công nghệ phát triển cao, thì ngành bưu chính viễn thông sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi để vận dụng nền khoa học công nghệ cao đó vào phát triển ngành mình nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, phục vụ. Ngược lại dịch vụ bưu chính viễn thông nếu phát triển trong điều kiện của một nền kinh tế xã hội có trình độ khoa học công nghệ phát triển lạc hậu, thấp kém, thì ngành bưu chính viễn thông cũng sẽ ít có điều kiện để phát triển tốt nhất. Kết cấu dân số, sự phân bố dân cư thành thị và nông thôn, miền xuôi và miền núi, sự phân bố các đơn vị hành chính cũng là những điều kiện có tác động tạo thuận lợi hoặc gây khó khăn cho phát triển bưu chính viễn thông. Thứ tư, hội nhập kinh tế quốc tế Hội nhập kinh tế quốc tế tạo ra cơ hội cho sự phát triển của dịch vụ bưu chính viễn thông là: Hội nhập kinh tế quốc tế thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế trong nước, làm cho nền kinh tế được phát triển nhanh chóng cả về chiều rộng, chiều sâu, phát triển phong phú, đa dạng mọi ngành, nghề, lĩnh vực, làm tăng nhanh số lượng các chủ thể sản xuất kinh doanh và từ đó làm gia tăng mạnh mẽ nhu cầu thông tin, nhu cầu sử dụng dịch vụ bưu chính viễn thông phục vụ các hoạt động kinh tế, tạo ra thị trường sử dụng dịch bưu chính viễn thông rộng lớn. Hội nhập kinh tế quốc tế thúc đẩy sản xuất phát triển, làm cho người dân có thu nhập nhiều hơn, đời sống vật chất, tinh thần được nâng cao, từ đó nhân dân có điều kiện để sử dụng dịch bưu chính viễn thông được nhiều hơn và làm gia tăng mạnh mẽ nhu cầu thông tin, nhu cầu sử dụng dịch vụ bưu chính viễn thông. Khi hội nhập kinh tế quốc tế, ngành bưu chính viễn thông có thể khai thác được các nguồn lực từ bên ngoài như vốn, công nghệ, kinh nghiệm quản lý tiên tiến, đồng thời mở ra khả năng không ngừng mở rộng thị trường cả trong và ngoàì nước. Hội nhập kinh tế quốc tế tạo ra những thách thức đối với sự phát triển của dịch vụ bưu chính viễn thông là: Hội nhập cũng đồng nghĩa với sự tăng thêm của các chủ thể kinh doanh dịch vụ bưu chính viễn thông. Bên cạnh các chủ thể trong nước, trong vùng là các chủ thể nước ngoài với những ưu thế về vốn, công nghệ và kinh nghiệm sẽ tạo ra sức ép cạnh tranh mạnh mẽ, ngày càng gay gắt. Thực tế hiện nay các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bưu chính viễn thông ở trong nước vẫn còn rất hạn chế cả về vốn, công nghệ và kinh nghiệm quản lý. Do đó, chỉ có các chủ thể kinh doanh dịch vụ bưu chính viễn thông luôn tìm cách vươn lên bằng các biện pháp đổi mới công nghệ, cải tiến, nâng cao chất lượng dịch vụ phù hợp với những nhu cầu ngày càng khó tính của thị trường, giảm chi phí giá thành dịch vụ có sức cạnh tranh quốc tế…thì mới có thể tồn tại và phát triển được. 1.3. KINH NGHIỆM PHÁT TRIỂN DỊCH VỤ BƯU CHÍNH VIỄN THÔNG TẠI MỘT SỐ ĐỊA PHƯƠNG VÀ BÀI HỌC ĐỂ PHÁT TRIỂN DỊCH VỤ BƯU CHÍNH VIỄN THÔNG Ở TỈNH NGHỆ AN 1.3.1. Kinh nghiệm một số địa phương về phát triển dịch vụ bưu chính viễn thông Kinh nghiệm của Đà Nẵng: So với mặt bằng chung của cả nước, các chỉ tiêu về bưu chính như bán kính phục vụ, mật độ phục vụ bình quân đạt ở mức cao. Mạng lưới bưu chính rộng khắp, cung cấp nhiều dịch vụ bưu chính đa dạng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận dịch vụ, đồng thời đáp ứng khá tốt nhu cầu sử dụng của người dân. Tốc độ tăng trưởng nhanh, nhất là đối với các dịch vụ chuyển phát nhanh, dịch vụ tài chính (chuyển tiền, tiết kiệm bưu điện). Mạng lưới viễn thông rộng khắp, 100% số xã có máy điện thoại, đảm bảo chất lượng dịch vụ. Mạng viễn thông đã bắt đầu chuyển sang mạng thế hệ mới (NGN). Mạng truyền dẫn đã được cáp quang hoá đến 100% các quận, huyện. Các loại hình dịch vụ đa dạng, phong phú. Tốc độ tăng trưởng nhanh; tỷ lệ sử dụng dịch vụ tương đối cao, hầu hết các chỉ tiêu viễn thông của thành phố đều cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Kết quả trên có nguyên nhân từ việc xây dựng và thực hiện tốt quy hoạch phát triển bưu chính viễn thông trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội, đồng thời ban hành những chủ trương cơ chế chính sách đúng đắn, thể hiện sự khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia thị trường chuyển phát, phát hành báo chí; hỗ trợ phát triển dịch vụ bưu chính công ích; vốn đầu tư từ ngân sách chủ yếu đầu tư cho phát triển các dịch vụ công ích và phục vụ sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước; vốn đầu tư từ doanh nghiệp trong nước và dân cư trong thành phố thông qua huy động tiềm năng của các thành phần kinh tế để đầu tư phát triển hạ tầng bưu chính. Vốn đầu tư nước ngoài được coi là một phần quan trọng trong cơ cấu vốn đầu tư, phát triển viễn thông. Đà Nẵng đã thúc đẩy các hình thức bán lại dịch vụ viễn thông và Internet nhằm huy động mọi nguồn lực nhàn rỗi trong xã hội, thực hiện cơ chế giảm cước hòa mạng và cước thuê bao cho khu vực nông thôn, thúc đẩy phát triển thuê bao, cước phí cho các nhiệm vụ liên quan đến an ninh quốc phòng, phòng chống thiên tai, bão lụt. Nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hoá dịch vụ và chất lượng phục vụ; tập trung hoàn thiện và nâng cao năng lực của các cán bộ quản lý về bưu chính, viễn thông, Internet, tần số vô tuyến điện và an toàn an ninh thông tin; bảo đảm sự phối hợp nhịp nhàng và đồng bộ giữa các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn; giám sát chặt chẽ hoạt động cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp, đặc biệt là về cung cấp các dịch vụ công ích; tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông. Kinh nghiệm của Thanh Hóa: Thanh Hoá là tỉnh giáp Nghệ An và có những đặc điểm tương đồng để Nghệ An có thể trao đổi tham khảo học tập trong thực hiện nhiệm vụ phát triển dịch vụ bưu chính viễn thông trên địa bàn. Địa hình tỉnh Thanh Hoá cũng đa dạng, phức tạp, địa bàn rộng lớn, nhiều sông ngòi, ao hồ, rừng, núi, khí hậu khắc nghiệt, thường xẩy ra hạn hán, bão lụt, tự nhiên, dân số đông, phân bổ không đều…như của Nghệ An. Những năm qua Thanh Hoá tổ chức chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ phát triển dịch vụ bưu chính viễn thông có nhiều mặt làm tốt. Mặc dù là một tỉnh rất rộng, có nhiều huyện miền núi nhưng đã phấn đấu thực hiện sớm mục tiêu 100% số xã có điểm phục vụ bưu chính viễn thông, phát hành báo chí đến hầu hết các xã trong ngày, phát triển máy điện thoại đạt mật độ 37,32 máy/100 dân, thực hiện tốt chương trình viễn thông công ích, chú trọng phát triển nguồn nhân lực. Xét về số lượng lao động thì Thanh Hoá vẫn ít hơn so với Nghệ An, nhưng xét nhiệm vụ được giao thì 2 tỉnh cũng gần như nhau. Vì vậy Nghệ An cần có biện pháp hạn chế phát triển số lượng lao động, chú trọng tuyển dụng, đào tạo bồi dưỡng nâng cao chất lượng, nâng cao hiệu quả quản lý nguồn nhân lực, nâng cao năng suất, phấn đấu giữ vững, tăng dần thu nhập tiền lương người lao động. Tuy nhiên, Mạng viễn thông Thanh Hoá phát triển chậm hơn nghệ An, vì Nghệ An đã có những chính sách đầu tư và chỉ đạo thực hiện các dự án đầu tư quyết liệt, sáng tạo hơn, đây là ưu điểm mà Nghệ An cần tiếp tục phát huy để phát triển tốt hơn mạng lưới viễn thông của mình. Mật độ điện thoại bình quân đầu người của Nghệ An và Thanh Hoá vẫn còn thấp so với bình quân chung của cả nước, số lượng người sử dụng dịch vụ bưu chính viễn thông ở các vùng, miền chưa đồng đều nên Nghệ An và Thanh hoá cần tích cực phát triển nhanh hơn số lượng các thuê bao điện thoại trên địa bàn. Kinh nghiệm của Vĩnh Phúc: Vĩnh phúc là tỉnh có tốc độ phát triển kinh tế xã hội nói chung và phát triển dịch vụ bưu chính viễn thông tương đối nhanh. Bưu chính viễn thông Vĩnh Phúc ở thời điểm tái lập tỉnh (01/01/1997) mới chỉ có 5.994 máy điện thoại, mật độ điện thoại chỉ đạt 0,54 máy/100 dân, doanh thu toàn ngành chỉ khoảng 14 tỷ đồng, hạ tầng viễn thông với tổng dung lượng chỉ có 10.200máy, còn đến 12 xã chưa có máy điện thoại. Hầu như cơ sở hạ tầng phải xây dựng mới từ đầu. Công tác quản lý nhà nước về bưu chính viễn thông trên địa bàncòn nhiều bất cập, chưa tách bạch giữa quản lý nhà nước và sản xuất kinh doanh. Giá dịch vụ cao và người dân không có quyền lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ... Sau 10 năm, với hàng loạt cơ chế chính sách mới tỉnh đã tạo nên một thị trường bưu chính viễn thông sôi động với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, nhiều thành phần kinh tế, tạo nên sự tăng trưởng mạnh mẽ. Giá cước giảm mạnh, chất lượng dịch vụ tốt, người dân có quyền lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ. Mạng lưới bưu chính viễn thông phát triển rộng khắp với công nghệ hiện đại, độ phủ tốt, chất lượng cao, khả năng tiếp cận dịch vụ dễ dàng. Từ chỗ chỉ có một nhà cung cấp dịch vụ duy nhất, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 5 nhà cung cấp dịch vụ bưu chính viễn thông và Internet. Sở Bưu chính viễn thông Vĩnh Phúc được thành lập và đi vào hoạt động đầu tiên trong cả nước, kể từ khi thành lập Sở đã tham mưu với Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản định hướng, chỉ đạo và quản lý phát triển dịch vụ bưu chính viễn thông. Chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh đã khẳng định được vai trò, vị trí của “người trọng tài” trong việc phát huy nội lực của quá trình hợp tác, tạo lập môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp, đẩy nhanh tiến trình ứng dụng và phát triển công nghệ. Mười năm qua, cùng với sự phát triển vượt bậc về mọi mặt của tỉnh, ngành bưu chính viễn thông Vĩnh Phúc đã thực sự lột xác cả về cơ sở hạ tầng lẫn các loại hình dịch vụ. Dịch vụ bưu chính viễn thông phát triển đa dạng, phong phú cả về số lượng và chất lượng. Tinh thần, thái độ phục vụ tốt hơn, doanh thu không ngừng tăng cao, nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước thực hiện tốt…Đến nay 100% số thôn đã có điện thoại và báo đến trong ngày. Các dịch vụ bưu chính mới, dịch vụ điện thoại, Internet...tăng nhanh. Máy điện thoại các loại tăng 43 lần so với năm 1997, đạt mật độ hơn 22 máy/100dân, tăng 40,7 lần so với năm 1997, Internet băng thông rộng tăng 200% đến 400%, doanh thu dịch vụ bưu chính viễn thông đạt  trên 400 tỷ đồng, gấp 28,6 lần  năm 1997, tăng hơn 60% so với năm 2005...Cổng thông tin điện tử Vĩnh Phúc trở thành một trong số ít cổng thông tin cấp địa phương dẫn đầu cả nước. Chặng đường 10 năm qua, ngành bưu chính viễn thông Vĩnh Phúc đã lớn mạnh đột biến cả về “lượng” và “chất”. Những thành tựu đã đạt được và những bài học kinh nghiệm quí báu rút ra từ sự phát triển bưu chính viễn thông ở Vĩnh Phúc là rất cần thiết áp dụng vào điều kiện Nghệ An nhằm phát triển có hiệu quả dịch vụ bưu chính viễn thông ở Nghệ An... 1.3.2. Bài học kinh nghiệm về phát triển dịch vụ bưu chính viễn thông cho tỉnh Nghệ An Thứ nhất, cần làm tốt công tác qui hoạch phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt qui hoạch về xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng giao thông và đô thị, trong đó có qui hoạch phát triển dịch vụ bưu chính viễn thông. Thứ hai, chính quyền các cấp cần tăng cường chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện phối hợp tốt trong phát triển mạng lưới, quản lý thuê bao, giá cả, thực hiện cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh, hiệu quả về kinh tế, bảo đảm an ninh, an toàn mạng lưới, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Thứ ba, phải áp dụng công nghệ bưu chính viễn thông phù hợp với nhu cầu sử dụng của nhân dân, phù hợp điều kiện kinh tế xã hội của địa phương. Cần có qui hoạch và tổ chức chỉ đạo thực hiện phát triển mạng lưới thống nhất giữa các doanh nghiệp cùng kinh doanh sản phẩm dịch vụ bưu chính viễn thông trên địa bàn. Thứ tư, hạn chế cấp phép cho quá nhiều doanh nghiệp để tránh tình trạng sản xuất kinh doanh manh mún, dàn trải, hiệu quả đầu tư không cao, gây lãng phí trong đầu tư hạ tầng cơ sở, máy móc thiết bị. Tiểu kết chương 1 Dịch vụ bưu chính viễn thông là kết quả tất yếu được nẩy sinh từ yêu cầu sản xuất kinh doanh, quản lý xã hội và nhu cầu đời sống con người. Dịch vụ bưu chính viễn thông có tính đặc thù riêng, bản thân nó vừa tạo ra những sản phẩm và dịch vụ thương mại, vừa là phương tiện, môi trường truyền tin quan trọng thuận lợi để thực hiện việc trao đổi các sản phẩm và dịch vụ thuộc tất cả các ngành kinh tế khác. Dịch vụ bưu chính viễn thông cần cho cả sinh hoạt, sản xuất kinh doanh và quản lý xã hội. Sản phẩm dịch vụ bưu chính viễn thông có sản phẩm khác với hành hoá dịch vụ khác là: Nó là sản phẩm vô hình không chia tách được, thiếu ổn định và không thể dự trữ được. Sự phát triển của dịch vụ bưu chính viễn thông cũng luôn luôn chịu sự chi phối của nhiều yếu tố về điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế, xã hội là những nhân tố vừa có những tác động thuận lợi, vừa có thể gây nên những khó khăn. Khi loài người bước sang thế của thông tin, của kinh tế tri thức thì vai trò của lĩnh vực bưu chính viễn thông ngày càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Các dịch vụ bưu chính viễn thông giúp tiết kiệm thời gian, rút ngắn cự ly, nối liền khoảng cách. Đầu tư phát triển dịch vụ bưu chính viễn thông góp phần nâng cao hiệu suất và năng suất lao động, mang lại hiệu quả to lớn trong sự phát triển kinh tế xã hội Đối với Nghệ An, dịch vụ bưu chính viễn thông đã góp phần tích cực thúc đẩy kinh tế xã hội của Nghệ An phát triển. Trong sự phát triển chung của cả nước, Nghệ An cần phải học tập, đúc rút kinh nghiệm phát triển dịch vụ bưu chính viễn thông từ các tỉnh khác để không ngừng nâng cao hiệu quả phát triển dịch vụ bưu chính viễn thông trên địa bàn tỉnh. Chương 2 THỰC TRẠNG DỊCH VỤ BƯU CHÍNH VIỄN THÔNG VỚI PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI Ở NGHỆ AN TRONG THỜI GIAN QUA 2.1. SỰ TÁC ĐỘNG CỦA ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, KINH TẾ XÃ HỘI ĐẾN SỰ PHÁT TRIỂN DỊCH VỤ BƯU CHÍNH VIỄN THÔNG Ở NGHỆ AN 2.1.1 Những thuận lợi về điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội có tác động tích cực đến sự phát triển dịch vụ bưu chính viễn thông ở Nghệ An 2.1.1.1. Những thuận lợi về điều kiện tự nhiên, địa lý, dân số Nghệ An là tỉnh có diện tích rộng, dân số đông, người dân luôn có nhu cầu đòi hỏi thông tin cao do đó là thị trường có tiềm năng của dịch vụ bưu chính viễn thông. Có nhiều tiềm năng và thế mạnh chưa được khai thác, nhất là vùng trung du, miền núi và ven biển. Nghệ An có vị trí địa lý quan trọng ở khu vực trung tâm Bắc Trung bộ, cách thủ đô Hà Nội 297 km về phía Bắc, cách cố đô Huế 360 km về phía Nam. Diện tích tự nhiên toàn tỉnh là 16.498,5322 km2, chiếm 5,01% diện tích tự nhiên cả nước (là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước). Giao thông thuận tiện, có cả đường sắt, đường bộ, đường không, đường sông, đường biển. Các đường giao thông quan trọng trên địa bàn là quốc lộ 1 Bắc Nam, quốc lộ 7, 46, 48 nối liền với Lào; có đường sắt dài 124 km; hệ thống sông ngòi chính gồm sông Cả, sông Hiếu và sông Con với tổng chiều dài gần 900km; có sân bay Vinh, Cảng biển Cửa Lò và 2 cửa khẩu quốc tế. Hệ thống giao thông phong phú tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bảng 2.1: Dân số, lao động trong tỉnh Chỉ tiêu Chỉ tiêu 2002 2003 2004 2005 2006 2007 Tổng số dân Người 2.977.267 3.003.170 3.030.948 3.064.271 3.101.239 Tổng số lao động Người 1.341.508 1.417.677 1.477.687 1.505.843 1.549.117 1.691.625 Lao động trong các doanh nghiệp Người 65.998 69.344 70.149 72.603 86.340 Lao động trong các doanh nghiệp ngành bưu chính viễn thông Người 1800 1960 2.200 2550 2880 3100 Nguồn: Cục Thống kê tỉnh Nghệ An. Đơn vị hành chính Tỉnh Nghệ An tương đối nhiều, có 20 đơn vị hành chính cấp huyện gồm thành phố Vinh là thành phố loại 1, 2 thị xã gồm Cửa Lò, Thái Hoà và 17 huyện. Dân số hơn 3.101.239 người (là tỉnh có dân số đông thứ 2 so với cả nước), mật độ dân số trung bình: 188 người/km2. Số người trong độ tuổi lao động: 1.782.029 người (chiếm 57,46%). Với vị trí địa lý tương đối thuận lợi nên Nghệ An là địa chỉ có thể thu hút sự đầu tư và triển khai mạng lưới dịch vụ bưu chính viễn thông. 2.1.1.2. Những thuận lợi về điều kiện kinh tế - xã hội Về cơ chế chính sách Chiến lược hội nhập phát triển của ngành bưu chính viễn thông, Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và quy hoạch phát triển bưu chính viễn thông tỉnh Nghệ An có tác dụng định hướng thúc đẩy bưu chính viễn thông trên địa bàn phát triển mạnh. Luật Công nghệ thông tin cũng đã có hiệu lực từ ngày 01/01/2007, cùng với các Luật Giao dịch điện tử, các văn bản pháp lý khác sẽ tạo điều kiện cho CNTT - TT có điều kiện phát triển. Chính phủ có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghên theo Quyết định 191, Bộ Chính trị có Chỉ thị 58 về phát triển CNTT - TT. Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp làm Trưởng ban chỉ đạo quốc gia về CNTT và một loạt các đề án về xây dựng Chính phủ điện tử, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng CNTT - TT phục vụ hội nhập phát triển. Năm 2008 chính phủ có quyết định các hạng mục viễn thông công ích giai đoạn 2007 - 2010 được triển khai trên địa bàn tỉnh tạo điều kiện hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp kinh doanh bưu chính ổn định phát triển...cũng là những thuận lợi để CNTT - TT cả nước và Nghệ An phát triển. Trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã tiến hành xây dựng, ban hành các quyết định, chỉ thị về quy hoạch, kế hoạch phát triển, chương trình, dự án về bưu chính viễn thông phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội ở địa phương và quy hoạch phát triển bưu chính viễn thông của quốc gia. Cụ thể là xây dựng hoàn chỉnh "Quy hoạch tổng thể phát triển BCVT tỉnh Nghệ An đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020" nhằm nâng cao vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực BCVT để từ đó xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng BCVT, Internet trên địa bàn tỉnh có công nghệ hiện đại, có độ bao phủ rộng khắp trên toàn tỉnh làm nền tảng cho sự nghiệp CNH, HĐH và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Những năm qua Đảng, Nhà nước đã có nhiều cơ chế chính sách phù hợp tạo điều kiện cho kinh tế - xã hội Nghệ An phát triển. Bộ Chính trị đã có nghị quyết riêng về phát triển kinh tế xã hội của Nghệ An. Ban Thường vụ Tỉnh uỷ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 58-CT/TW của Bộ Chính trị ngày 17/10/2000 về đẩy mạnh và phát triển CNTT phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH. Thực hiện "Quy hoạch phát triển CNTT và Truyền thông phục vụ phát triển Thành phố Vinh nhanh chóng trở thành thành phố đô thị loại 1 và là trung tâm phát triển của khu vực Bắc Miền trung. Hoàn thành Đề án đầu tư ứng dụng Bản đồ số phục vụ công tác quản lí và quy hoạch mạng lưới BCVT trong tỉnh. Những thuận lợi về những thành tựu kinh tế đạt được Những thành tựu kinh tế đạt được về phát triển kinh tế xã hội tạo thị trường tiềm năng thúc đẩy nhanh sự phát triển của dịch vụ bưu chính viễn thông trên địa bàn. Những năm qua, kinh tế Nghệ An đã có những bước phát triển khá nhanh và tương đối toàn diện. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm thời kỳ 2001 - 2005 đạt 10,3%, đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra (9,5-10,5%), năm 2006 đạt 10,23%, năm 2007 đạt 10,52%. Nhiều chỉ tiêu kinh tế xã hội đạt và vượt so với kế hoạch. Bảng 2.2: Cơ cấu GDP các ngành kinh tế Chỉ tiêu Đơn vị tính 2001 2002 2003 2004 2005 2006 2007 Công nghiệp và Xây dựng % 21,34 23,61 26,11 28,73 29,30 30,35 32,00 Nông - Lâm - nghiệp và Thuỷ sản % 42,28 41,46 38,19 36,92 34,41 33,05 31,02 Dịch vụ % 36,39 34,91 35,71 34,35 36,29 36,60 36,98 Nguồn: Cục Thống kê tỉnh Nghệ An. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng nông nghiệp giảm, công nghiệp - xây dựng và dịch vụ tăng, năm 2000 so với năm 2006, tỷ trọng nông nghiệp và thuỷ sản giảm từ 44,27% xuống 33,09%, công nghiệp - xây dựng tăng từ 18,62 % lên 29,39 %, dịch vụ tăng từ 37,11 % lên 37,52 %. Giá trị sản xuất công nghiệp và kim ngạch xuất khẩu tăng gấp 4 lần. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp so với vùng Bắc Trung Bộ đạt gần 20% (đứng thứ 2 về giá trị sản xuất công nghiệp trong vùng Bắc Trung Bộ, sau Thanh Hoá), so với cả nước đạt gần 8%. Trên 90% hộ dân được dùng điện lưới quốc gia. Nông, lâm, ngư nghiệp có bước phát triển khá, lương thực bình quân đạt trên 1 triệu tấn/năm, là 1 trong 2 tỉnh dẫn đầu về giá trị sản xuất nông nghiệp của khu vực, đạt gần 3% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của cả nước. Dịch vụ có chuyển biến theo hướng đa dạng hoá. Ngành thương mại tiếp tục được tổ chức lại đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất và đời sống nhân dân. Hoạt động du lịch có khởi sắc, hạ tầng du lịch được quan tâm đầu tư. Các dịch vụ vận tải, bưu chính viễn thông, tín dụng, ngân hàng, bảo hiểm.v.v… đều phát triển. Hạ tầng kinh tế xã hội, giao thông, thông tin liên lạc không ngừng được tăng cường, phát triển nhanh và rộng khắp, nhất là vùng miền núi. Nâng cấp mở rộng cảng Cửa Lò, sân bay Vinh, các bến cá và các tuyến đường quốc lộ. Nhiều tuyến đường quan trọng phục vụ phát triển kinh tế kết hợp quốc phòng an ninh đã được triển khai thi công làm mới và nâng cấp như đường ven sông lam, đường tránh Vinh, đường 7, đường 46, đường lên cửa khẩu Thanh Thuỷ. Huy động sức dân xây dựng 3.891 km đường nhựa và bê tông, 4.200 km kênh bê tông, 4.300 phòng học. Xây dựng nâng cấp nhiều công trình thuỷ lợi. Xây dựng một số công trình văn hoá lớn gồm Quảng trường và Tượng đài Hồ Chí Minh, hệ thống trường học, bệnh xá, nhà văn hoá.....được nâng cấp và xây dựng mới. Bảng 2.3: Thu, chi ngân sách trên địa bàn Chỉ tiêu Đơn vị tính 2001 2002 2003 2004 2005 2006 2007 Thu ngân sách trên địa bàn Triệu đồng 1.516.845 1.682.582 1.589.833 2.408.093 2.386.660 Chi ngân sách Triệu đồng 3.638.760 4.162.995 5.758.531 6.876.281 7.764.420 Thu so với chi Tỉ lệ % 41,68 40,41 27,60 35,02 30,73 Nguồn: Cục Thống kê tỉnh Nghệ An. Tổng thu ngân sách trên địa bàn cơ bản hằng năm đều tăng, năm 2007 đạt trên 2.386.660 tỷ đồng, tăng 57,34 % so với năm 2003 (đứng thứ 15 so với cả nước). Chi ngân sách đảm bảo yêu cầu thiết yếu. Thu nhập bình quân đầu người từ năm 2002 đến năm 2007 tăng trung bình hằng năm 16%. Bảng 2.4: Bình quân thu nhập người/năm Chỉ tiêu Đơn vị tính 2001 2002 2003 2004 2005 2006 2007 Năng suất lao động xã hội Nghìn Đồng/người 7.780 8.560 9.870 11.420 12.870 13.700 Bình quân thu nhập người/năm Nghìn Đồng/người 2.991 3.562 4.083 4.856 5603 6.370 7.468 Tăng trưởng hằng năm % 19 14 18 15 13 17 Nguồn: Cục Thống kê tỉnh Nghệ An. Thu hút đầu tư phát triển có bước chuyển biến tích cực và toàn diện. Tổng vốn đầu tư huy động từ thời kỳ 2001-2005 đạt 27.800 tỷ đồng/MT 22.000 tỷ đồng, tăng 40 % so với thời kỳ 1996-2000 (bằng 108,6 % so với dự kiến ban đầu của kế hoạch 5 năm 2001-2005). Thu hút các dự án đầu tư nước ngoài đạt những kết quả quan trọng, từ năm 1988 đến 2004, số dự án đăng ký thu hút vốn đầu tư nước ngoài là 19, với tổng vốn dự kiến là 319,4 triệu đô la Mỹ, chiếm 23,33% khu vực Bắc Trung Bộ, chiếm 0,53% của cả nước. Trong đó số vốn đã thực hiện đạt là 121,3 triệu đô la, đạt 38% tổng số vốn đăng ký, tuy nhiên chỉ đạt 16,65% tổng số vốn đã thực hiện của toàn vùng Bắc Trung bộ và so với cả nước đạt 0,40%. Giá cả các loại hàng hóa, dịch vụ, kể cả giá cả đất đai trên địa bàn tỉnh Nghệ An không quá cao nên ít ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm dịch vụ bưu chính viễn thông ... Lĩnh vực văn hoá, xã hội có nhiều tiến bộ. Từ 2001-2005 có trên 42.000 học sinh đậu đại học, cao đẳng, đào tạo 15.000 công nhân kỹ thuật, tỷ lệ lao động được đào tạo đạt 30%. Số học sinh giỏi Quốc gia thuộc diện cao trong cả nước. Tổ chức đào tạo và bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ đối với cán bộ công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý của các doanh nghiệp và theo quy định của pháp luật. Hoạt động văn hoá, thông tin, thể dục thể thao từng bước đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Có 16/19 huyện, thành, thị có nhà văn hoá đa chức năng và sân vận động. Tỷ lệ đói nghèo giảm xuống còn 27,14 % (7 % theo tiêu chí cũ). Bảo đảm an toàn các mục tiêu trọng điểm, các hoạt động chính trị xã hội, an ninh biên giới, an ninh nông thôn, đô thị, vùng giáo, vùng đặc thù. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện, ngày càng được nâng cao. Như vậy, những yếu tố về tự nhiên, kinh tế, xã hội của Nghệ An đã có tác động tích cực tạo ra thị trường tiềm năng, làm gia tăng nhu cầu sử dụng dịch vụ bưu chính viễn thông trên địa bàn. Những năm sắp tới Nghệ An cần tiếp tục phát huy tốt những lợi thế để phát triển có hiệu quả dịch vụ BCVT, góp phần quan trọng thúc đẩy nhanh sự tăng trưởng của kinh tế, sớm đưa Nghệ An ra khỏi tỉnh nghèo, trở thành tỉnh khá. Có sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, sự chỉ đạo điều hành của bộ TT & TT, sự nỗ lực của các cấp các ngành, các đơn vị trên địa bàn tỉnh Nghệ An, dịch vụ bưu chính viễn thông trên địa bàn Nghệ An sẽ được tiếp tục phát triển tốt hơn. 2.1.2. Những khó khăn cản trở đối với phát triển dịch vụ bưu chính viễn thông Bên cạnh những thuận lợi kể trên, sự phát triển của dịch vụ bưu chính viễn thông ở Nghệ An còn có những khó khăn là: Thứ nhất, Nghệ An vẫn là một tỉnh nghèo, kinh tế phát triển còn chậm. Các lợi thế về điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội cuả Nghệ An chủ yếu vẫn nằm ở dạng tiềm năng, chưa thật sự được khai thác có hiệu quả. Mặc dù sau 20 năm thực hiện chính sách đổi mới, kinh tế xã hội tỉnh Nghệ An đã đạt được những tiến bộ quan trọng, song Nghệ An vẫn là một tỉnh nghèo, kinh tế xã hội phát triển vẫn chậm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, chất lượng tăng trưởng chưa bền vững, mức tăng trưởng kinh tế vẫn dưới tiềm năng, chưa tạo được sự phát triển có tính đột phá và vững chắc. Trình độ khoa học công nghệ còn thấp, qui mô kinh tế của các ngành sản xuất, dịch vụ còn nhỏ bé. Tích luỹ từ nội bộ kinh tế trong tỉnh còn thấp. Chưa có những nguồn thu ngân sách lớn và bền vững. Nhà nước đang phải bù chi ngân sách cho tỉnh bình quân hằng năm từ năm 2003 đến 2007 khoảng từ 60% đến 70%. Việc huy động các nguồn vốn nhàn rỗi trong nhân dân để đầu tư phát triển còn ở mức độ thấp. Thu hút đầu tư từ bên ngoài còn ít và hiệu quả chưa cao. Hoạt động dịch vụ, trong đó thương mại và du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Kim ngạch xuất khẩu bình quân đầu người còn thấp thua nhiều so với bình quân chung toàn quốc. Tổng mức bán lẻ toàn tỉnh so với cả nước chỉ đạt khoảng 50%. Số người làm nông nghiệp vẫn cao (dân số ở nông thôn chiếm 89%). Sức ép về lao động thiếu việc làm còn lớn. Thu nhập bình quân đầu người từ năm 2002 đến năm 2007 bằng 5.323.643 đồng, chỉ bằng 64% mức bình quân chung cả nước. Mức sống bình quân của nhân dân còn thấp nên tỉ lệ người dân sử dụng dịch vụ còn khá thấp, đặc biệt mức sống của một bộ phận lớn nhân dân, nhất là ở vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa còn rất thấp. Đó là những yếu tố có ảnh hưởng làm chậm tốc độ phát triển của dịch vụ bưu chính viễn thông trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Thứ hai, hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế còn thấp, sức cạnh tranh của sản phẩm còn hạn chế Các doanh nghiệp lớn trên địa bàn không nhiều, sản lượng sản xuất tiêu thụ không lớn. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ, sức cạnh tranh rất hạn chế. Tiểu thủ công nghiệp và làng nghề phát triển còn chậm, các thành phần kinh tế dân doanh chưa được quan tâm đúng mức. Tiến độ xây dựng các khu công nghiệp còn chậm, một số khu công nghiệp đã được hình thành, đi vào hoạt động nhưng chưa ngang tầm, các doanh nghiệp hoạt động trong các khu công nghiệp qui mô còn nhỏ bé, hiệu quả kinh tế chưa rõ. Một số dự án triển khai còn rất chậm, cơ chế đầu tư vẫn còn những bất cập. Thứ ba, công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, quản lý đô thị còn yếu Tốc độ đô thi hoá còn chậm, kết cấu hạ tầng còn nhiều bất cập. Công tác xây dựng quy hoạch và quản lý quy hoạch còn yếu nhất là ở các thị trấn, thị tứ, và ở một số địa phương có tình trạng đô thị phát triển tự phát, tuỳ tiện, kiến trúc đơn điệu, rập khuôn, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Quản lý và xử lý môi trường ở một số nhà máy, công trình xây dựng, bệnh viện, khu đô thị... chưa tốt, văn minh đô thị chưa được quan tâm đúng mức đã ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân. Đầu tư phát triển sản xuất, khai thác tài nguyên khoáng sản chưa gắn kết chặt chẽ với công tác bảo vệ môi trường. Mức tăng cơ học dân cư đô thị thấp (tỷ lệ dân đô thị trong 5 năm chỉ tăng 3%), Đây là những yếu tố gây khó khăn cho sự phát triển dịch vụ BCVT. Thứ tư, chất lượng đời sống văn hoá xã hội chưa cao Chất lượng giáo dục toàn diện đạt chưa cao, chênh lệch giữa miền núi và miền xuôi còn lớn. Mất cân đối giữa đào tạo đại học, cao đẳng, trung cấp kỹ thuật và công nhân lành nghề. Công tác xã hội hoá giáo dục còn lúng túng. Việc đào tào nguồn cán bộ, lao động về công nghệ thông tin, bưu chính viễn thông trên địa bàn chưa đáng kể. Chúng ta biết rằng sự phát triển dịch vụ bưu chính viễn thông chủ yếu phụ thuộc vào mức độ phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn, vì vậy sự chi phối của các điều kiện khó khăn trên đã có ảnh hưởng đến tốc độ, qui mô, chất lượng phát triển dịch vụ bưu chính viễn thông của tỉnh Nghệ An. 2.2. HIỆN TRẠNG PHÁT TRIỂN DỊCH VỤ BƯU CHÍNH VIỄN THÔNG Ở NGHỆ AN THỜI GIAN QUA 2.2.1. Các chủ thể sản xuất kinh doanh dịch vụ bưu chính viễn thông trên địa bàn 2.2.1.1. Về các chủ thể sản xuất kinh doanh dịch vụ bưu chính Trên địa bàn tỉnh, từ năm 2005 về trước, kinh doanh trên lĩnh vực bưu chính chủ yếu là Bưu điện Nghệ An, đơn vị trực thuộc của VNPT. Từ năm 2006 đến nay, có thêm một số đơn vị làm nhiệm vụ này nhưng tỉ lệ doanh thu chiếm tỉ trọng không đáng kể. Trong lĩnh vực chuyển phát nhanh ngoài bưu điện Nghệ An còn có thêm các doanh nghiệp mới như Viettel, Công ty vận tải Hoa Phượng, Công ty Chuyển phát nhanh Toàn Cầu, Công ty Tiến Thành, Saigon Postel…Trong lĩnh vực phát hành báo chí có Tổng Công Viễn thông Quân đội, một số doanh nghiệp tư nhân và cá thể, một số tờ báo phát hành thẳng trên địa bàn Thành phố Vinh. 2.2.1.2. Về các chủ thể sản xuất kinh doanh dịch vụ viễn thông Cũng như trên lĩnh vực kinh doanh bưu chính, trên địa bàn tỉnh Nghệ An, trước năm 2002, kinh doanh trên lĩnh vực chủ yếu là các đơn vị trực thuộc của VNPT như Bưu điện Nghệ An, Vinaphone, Mobifone. Thị trường dịch vụ Viễn thông Nghệ An là thị trường rộng lớn, có tiềm năng phát triển mạnh. Từ năm 2002 đến nay, đã có thêm nhiều doanh nghiệp viễn thông tham gia cung cấp dịch vụ viễn thông, và bước đầu có sự cạnh tranh mạnh mẽ, các doanh nghiệp không ngừng thúc đẩy nhanh tốc độ phát triển hạ tầng viễn thông, tăng nhanh về số lượng và nâng cao chất lượng. Phát triển nhanh mạnh lên cả các huyện miền núi khó khăn. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có sự tham gia đầu tư của hầu hết các doanh nghiệp bưu chính viễn thông được Nhà nước cấp phép, triển khai dịch vụ như: VNPT, EVN-Telecom, Tổng Công Viễn thông Quân đội (Viettel), Sài Gòn Postel, HN Telecom... Đầu tư cho phát triển hạ tầng viễn thông 5 năm qua (từ năm 2001 - 2005) ước đạt trên 1.200 tỷ đồng, trong đó VNPT khoảng 1.000 tỷ VN đồng. Các doanh nghiệp tham gia phát triển hạ tầng mạng viễn thông và cung cấp các dịch vụ viễn thông, đó là: Thứ nhất, Bưu điện tỉnh Nghệ An và Viễn thông Nghệ An thuộc VNPT Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), trên cơ sở tổ chức lại Tổng Công ty Bưu chính viễn thông Việt Nam, là đơn vị chủ lực có bề dày kinh doanh phục vụ bưu chính viễn thông mạnh nhất, lâu nhất Việt Nam từ trước đến nay. VNPT vẫn là đơn vị đóng vai trò chủ lực trong sản xuất kinh doanh phục vụ BCVT trên địa bàn tỉnh Nghệ An. VNPT đã ra mắt và đi vào hoạt động cuối năm 2007, vốn điều lệ gồm 37 nghìn tỷ đồng, có nhiệm vụ kinh doanh theo chính sách, quy hoạch, kế hoạch của Nhà nước, bao gồm trực tiếp thực hiện các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh hoặc đầu tư vào doanh nghiệp khác bao gồm các ngành, nghề, lĩnh vực: Dịch vụ viễn thông vệ tinh, viễn thông đường trục, bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, truyền thông, tài chính, tín dụng, ngân hàng, quảng cáo; Sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu, cung ứng vật tư, thiết bị bưu chính, viễn thông và CNTT, bất động sản, cho thuê văn phòng; Khảo sát, tư vấn, thiết kế, lắp đặt, bảo dưỡng các công trình bưu chính viễn thông và CNTT; SXKD Các ngành, nghề khác theo quy định của pháp luật. Đầu năm 2008, VNPT tiếp tục thực hiện các bước tách lĩnh vực hoạt động bưu chính ra khái viễn thông nhằm mục đích phát huy thế mạnh từng lĩnh vực để phát triển sản xuất kinh doanh và phục vụ có hiệu quả cao hơn. Do vậy, trên địa bàn cấp tỉnh, huyện, lĩnh vực viễn thông và bưu chính được tách ra kinh doanh thành 2 đơn vị riêng, độc lập. ở Nghệ An, đầu năm 2008, Bưu điện Nghệ An được chia tách thành 2 đơn vị gồm Viễn thông Nghệ An và Bưu điện tỉnh Nghệ An. Đến nay, Viễn thông Nghệ An và Bưu điện tỉnh Nghệ An vẫn là 2 đơn vị chủ yếu cung cấp hầu hết các dịch vụ bưu chính viễn thông trên địa bàn tỉnh Nghệ An, trong đó điện thoại cố định của Viễn thông Nghệ An chiếm thị phần chủ yếu > 90%, phối hợp với GPC Vinaphone thuộc VNPT cùng cung cấp dịch vụ di động của GPC Vinaphone trên địa bàn tỉnh, triển khai cung cấp các dịch vụ truyền dẫn, Internet với đầy đủ phương thức ADSL, SHDSL, Leaser-Line, Dial-up… thị phần chủ yếu và có mặt tại 100% huyện. Thứ hai, GPC Vinaphone thuộc VNPT: Cung cấp dịch vụ điện thoại di động mạng 091 và 094, phủ sóng 100% trung tâm các huyện trong tỉnh, có dung lượng mạng lớn, chất lượng dịch vụ tốt, ổn định. Thứ ba, VMS MobiFone thuộc VNPT: Cũng như GPC Vinaphone, doanh nghiệp này chỉ cung cấp dịch vụ điện thoại di động mạng 090 và 093, phủ sóng 100% trung tâm các huyện trong tỉnh, có dung lượng mạng lớn, chất lượng dịch vụ tốt, ổn định. VMS MobiFone và GPC Vinaphone là 2 doanh nghiệp đầu tiên cung cấp dịch vụ điện thoại di động GSM ở Nghệ An, khu vực phủ sóng lớn nhất có thể chuyển vùng phục vụ cho nhau đối với thuê bao trả sau. Tính đến tháng 9/2008 hai mạng này có tổng số gần 300.000 thuê bao (chủ yếu là 091), nhiều nhất trong các doanh nghiệp. Sử dụng công nghệ CDMA 2000 1x 450 MHz, đây là công nghệ tiên tiến đầy triển vọng, dễ dàng tích hợp nhiều dịch vụ gia tăng đa phương tiện, băng rộng khi được tích hợp EV-DO. Hiện tại EVN Telecom đang cung cấp các dịch vụ điện thoại cố định hữu tuyến E-Tel, cố định không dây E-phone, di động nội hạt E-com, di động toàn quốc E-mobile 096 từ 1/5/2006, các dịch vụ trên đều tích hợp dịch vụ truy cập Internet. Đây là doanh nghiệp đầy triển vọng và phát triển tương đối đồng bộ, vững chắc. Thứ tư, Tổng Công ty Viễn thông Quân đội Viettel Là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ điện thoại di động GSM có tốc độ phát triển nhanh nhất, bắt đầu triển khai dịch vụ vào năm 2003 đến tháng 9 năm 2008 đã lắp đặt gần 250 BTS phủ sóng 19/19 trung tâm các huyện trong tỉnh, với tổng số gần 100.000 thuê bao. Ngoài ra Doanh nghiệp này còn cung cấp các dịch vụ Viễn thông khác như điện thoại cố định, Internet ADSL, thuê kênh riêng. Thứ năm, S-Fone thuộc Công ty cổ phần dịch vụ Bưu chính Viễn thông Sài Gòn: Đây là doanh nghiệp có thị phần nhỏ nhất và ít phát triển, chỉ cung cấp dịch vụ điện thoại di động S-Fone 095 công nghệ CDMA 900 MHz, hiện trên địa bàn chỉ có 2 BTS và số thuê bao khoảng 1.000. Hiện nay, mô hình kinh doanh của các doanh nghiệp mới thường năng động, gọn nhẹ hơn như: Viettel, EVN Telecom, S-Fone...Những doanh nghiệp mới được hưởng chính sách ưu đãi phát triển, được lựa chọn các loại hình dịch vụ kinh doanh và lựa chọn khu vực, thị trường có lợi thế và đặc biệt, được tự định giá cước và các chương trình khuyến mãi nói chung. Đối với VNPT từ một đơn vị độc quyền, VNPT rõ ràng đang bị cạnh tranh khốc liệt bởi các đối thủ trong và ngoài nước. Đối với VNPT, hiện có một số khó khăn khách quan như bộ máy lớn, những năm qua phải tiến hành chuyển đổi từ mô hình tổng công ty sang mô hình tập đoàn cho phù hợp với trình độ phát triển khoa học công nghệ và quản lý từ tập đoàn đến tất cả các đơn vị thành viên, đặc biệt là chuyển đổi tổ chức lại bộ máy SXKD, giải quyết các chế độ lao động là cả một gánh nặng không thể giải quyết trong ngày một ngày hai. Tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ của CBCNV thuộc VNPT vẫn đang bị khách hàng kêu ca nhiều, hiện tượng này hiện nay chưa khắc phục được. Tuy nhiên, VNPT cũng có nhiều lợi thế mà các doanh nghiệp khác không có được về kinh nghiệm, thị phần, thị trường, thương hiệu cũng như truyền thống và bề dày lịch sử. VNPT có hạ tầng cơ sở mạng lưới vững mạnh, phổ cập và rộng khắp, có nền tảng vững chắc về nguồn nhân lực, về thị trường và thị phần, đặc biệt là sự gắn kết giữa VNPT với ngành báo chí, xuất bản - phát thanh, truyền hình từ những ngày đầu tiên được thành lập. Những khó khăn của VNPT hiện nay chỉ là tạm thời. Hy vọng trong quá trình đổi mới, cấu trúc lại mô hình, VNPT sẽ tiếp tục phát huy được sức mạnh và phát triển vượt bậc, vững chắc trong những năm tới. 2.2.2. Về phát triển mạng lưới kinh doanh dịch vụ bưu chính viễn thông 2.2.2.1. Mạng lưới kinh doanh dịch vụ bưu chính Về mạng lưới bưu cục Mạng lưới Bưu chính không ngừng được mở rộng. Các chỉ tiêu phục vụ cho thấy khả năng phục vụ bưu chính của Nghệ An tương đối cao so với cả nước. Bưu điện Nghệ An là doanh nghiệp chiếm thị phần chủ yếu về dịch vụ bưu chính trên địa bàn tỉnh. Hệ thống mạng lưới bưu cục 1,2,3 đại lý xuống tận cơ sở phường, xã, thị trấn, đồng bằng, vùng núi, vùng sâu, vùng xa. Báo, tạp chí, công văn, bưu phẩm, bưu kiện cơ bản đảm bảo phục vụ đến khách hàng trong ngày. Tính đến cuối năm 2007: Có 803 điểm phục vụ, trong đó có 01 bưu cục cấp 1; 18 bưu cục cấp II; 381 bưu cục cấp III và đại lý, kiốt (có 30 điểm là đại lý điện thoại di động của Viettel), 403 điểm Bưu điện văn hoá xã. Bảng 2.5: Số lượng bưu cục, đại lý qua các năm TT Năm chỉ tiêu Số lượng 2001 2002 2003 2004 2005 2006 2007 1 Bưu cục cấp I 1 1 1 1 1 1 1 2 Bưu cục cấp II 18 18 18 18 18 18 18 3 Bưu cục cấp III 110 110 110 102 112 123 126 4 Kiốt, đại lý 220 232 255 260 263 250 255 5 Điểm Bưu điện văn hoá xã 317 347 355 364 369 394 403 Tổng cộng 666 708 739 745 763 786 803 Nguồn: - Qui hoạch phát triển bưu chính viễn thông tỉnh Nghệ An đến năm 2020, UBND tỉnh Nghệ An. - Báo cáo tổng kết năm 2005, 2006, 2007, Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Nghệ An. - Báo cáo tổng kết các năm từ 2001-2007, Bưu điện tỉnh Nghệ An. Bình quân 1 điểm phục vụ/2,06 km, thấp hơn khu vực Bắc Trung bộ (3,53km) và nhiều khu vực khác trong cả nước. Số dân phục vụ bình quân của một điểm phục vụ: 3.866 người/1 điểm phục vụ, thấp hơn so với chỉ tiêu của cả nước, thể hiện năng lực phục vụ bưu chính bình quân của tỉnh là khá cao so với mức trung bình cả nước. Các dịch vụ về bưu chính được đa dạng hoá, mạng đường thư được mở rộng, tần suất chuyến thư tăng. Số lượng điểm bưu điện văn hoá xã không ngừng tăng qua các năm, đáp ứng ngày càng nhiều hơn và tốt hơn nhu cầu sử dụng các dịch vụ bưu chính, nhu cầu đọc báo của người dân. Có 402 điểm bưu điện văn hoá xã so với tổng số xã là 437, đạt tỷ lệ 91,99%. Nhiều điểm bưu điện văn hoá xã đã mở thêm dịch vụ thư chuyển tiền, Fax, chuyển phát nhanh EMS. Hình thức đại lý bưu điện phát triển nhanh, có 255 điểm đại lý, kiốt. Các đại lý chủ yếu tập trung khu vực dân cư, thành phố, trung tâm huyện. Lượng báo chí công ích được cung cấp đều tăng qua các năm, có 401/437 xã có báo đọc trong ngày, đạt 91,76%. Bảng 2.6: Các chỉ tiêu phục vụ bưu chính cụ thể theo từng huyện, thành, thị trên địa bàn tính đến cuối năm 2007 TT Huyện Tổng số điểm Bán kính phục vụ bình quân (Km) Số dân phục vụ bình quân (Người) 1 TP Vinh 105 0,44 2.338 2 TX Cửa Lò 48 0,44 1.081 3 Diễn Châu 68 1,21 4.439 4 Yên Thành 49 1,92 5.785 5 Quỳnh Lưu 93 0,46 4.048 6 Nghi Lộc 40 1,78 5.817 7 Hưng Nguyên 28 1,42 4.702 8 Nam Đàn 41 1,80 5.455 9 Đô Lương 67 1,32 3.020 10 Thanh Chương 63 2,43 3.858 11 Anh Sơn 39 2,27 3.020 12 Nghĩa Đàn 46 2,31 4.384 13 Tân Kỳ 27 3,04 5.495 14 Quỳ Châu 22 4,13 2.671 15 Quỳ Hợp 21 3,97 6.424 16 Quế Phong 12 7,77 6.149 17 Con Cuông 17 6,30 4.863 18 Tương Dương 12 9,96 8.491 19 Kỳ Sơn 16 7,16 5.069 Tổng 803 2,62 3.972 Nguồn: - Qui hoạch phát triển bưu chính viễn thông tỉnh Nghệ An đến năm 2020, UBND tỉnh Nghệ An. - Báo cáo tổng kết năm 2005, 2006, 2007, Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Nghệ An. - Báo cáo tổng kết các năm từ 2001-2007, Bưu điện tỉnh Nghệ An. Về mạng vận chuyển phát bưu chính Mạng đường thư ngày càng được mở rộng và tần suất chuyến thư tăng. Đường thư cấp 2 có 5 tuyến, lượt đi 486 km, về 486 km. Đường thư cấp III có 191 tuyến. Tổng số km đường thư: 2.464 km. Đường thư nội thị phát nhanh 5 đường. Nội thị 14 đường. Phương tiện vận chuyển. ô tô và xe máy. Mạng phát bao gồm phát nội thị và thị trấn, ngày phát 2 chuyến, đảm bảo chất lượng trên 99%. Số thùng thư công cộng 892 thùng. Hiện nay, tuyến đường thư đã được mở rộng đến tận các xã vùng sâu, vùng xa. Trên địa bàn tỉnh đã có nhiều doanh nghiệp tham gia vào hoạt động chuyển phát thư. Lĩnh vực chuyển phát mà các doanh nghiệp chủ yếu tham gia là chuyển phát nhanh và chuyển phát nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp là đại lý cho các hãng chuyển phát nhanh nước ngoài như: DHL, Fedex… Về thị trường các dịch vụ bưu chính Hiện nay, trên địa bàn có nhiều doanh nghiệp tham gia thị trường kinh doanh dịch vụ bưu chính, bắt đầu có sự cạnh tranh trong việc cung cấp các dịch vụ. Các dịch vụ bưu chính đã được mở hầu hết ở các bưu cục cấp I, II, III và các điểm phục vụ gồm các dịch vụ về phát hành báo chí, bưu phẩm, bưu kiện trong nước và quốc tế, chuyển phát nhanh EMS phát trong ngày, chuyển phát nhanh quốc tế bưu chính uỷ thác, bưu phẩm không địa chỉ, chuyển tiền nhanh trong nước, tiết kiệm bưu điện, điện hoa, phát hành báo chí, tem bưu chính, dịch vụ khai giá. Các dịch vụ bưu chính, phát hành báo chí truyền thống được mở ở tất cả các điểm phục vụ. Cụ thể một số dịch vụ chủ yếu sau: Dịch vụ chuyển phát nhanh Trong lĩnh vực chuyển phát nhanh ngoài Bưu điện Nghệ An còn có nhiều doanh nghiệp, cá nhân tham gia vào hoạt động kinh doanh chuyển phát nhanh trong và ngoài nước Viettel, Công ty vận tải Hoa Phượng, Công ty chuyển phát nhanh Toàn cầu, Công ty Tiến thành, Saigon Postel… , là đại lý của các hãng chuyển phát nhanh nước ngoài như DHL, Fedex…Tuy nhiên, đơn vị chủ yếu cung cấp dịch vụ này là Bưu điện Nghệ An. EMS được mở rộng tới 19 huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh. Tỷ trọng doanh thu, sản lượng dịch vụ tăng nhanh qua các năm. Tốc độ tăng doanh thu EMS bình quân qua các năm đạt 44,74%. Dịch vụ EMS đã được nâng cao chất lượng, đầu tư xây dựng hệ thống theo dõi, định vị EMS trong nước và đi thẳng quốc tế để có ngay được thông tin cần thiết trả lời khiếu nại của khách hàng, mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ đến bưu cục cấp 3, điểm bưu điện văn hoá xã. Các doanh nghiệp khác cung cấp dịch vụ Chuyển phát nhanh cạnh tranh với dịch vụ EMS, góp phần làm cho tăng chất lượng, tăng sản lượng. Dịch vụ tài chính Dịch vụ chuyển tiền nhanh là một dịch vụ chuyển tiền được tổ chức nhận gửi, chuyển, phát đến người nhận bằng phương tiện nhanh nhất đảm bảo chỉ tiêu toàn trình công bố. Do giá cước hợp lý, độ tin cậy và an toàn nên tốc độ phát triển hàng năm từ 20 - 30%. Hiện tại trên địa bàn tỉnh có 29 điểm phục vụ mở dịch vụ chuyển tiền nhanh, doanh thu, sản lượng của dịch vụ chuyển tiền nhanh qua các năm như trong bảng B.1.5. Sản lượng doanh thu dịch vụ chuyển tiền nhanh tăng qua các năm. Tốc độ tăng doanh thu giai đoạn 1998-2005 tăng bình quân 21,36%. Năm 2005, doanh thu tăng 32,17% so với năm 2004. Số điểm mở dịch vụ tiết kiệm bưu điện trên địa bàn tỉnh còn ít, đến năm 2005, mới chỉ có 20 điểm. Tuy nhiên, doanh thu dịch vụ Tiết kiệm bưu điện tương đối cao và tăng nhanh qua các năm. Bảng 2.7: Doanh thu, sản lượng dịch vụ chuyển tiền nhanh CH Ỉ TIÊU Đ ƠN V Ị 1997 1998 1999 2000 2001 2002 2003 2004 2005 ĐẾN T9/2008 Sản lượng 1000 Cái 2.041 5.600 8.900 13.500 18.200 22.300 25.000 34.0000 168.561 52.000 Triệu đồng 24.543 5.158 5.725 100.000 184.325 234.093 203.361 267.393 236.839 241.171 Doanh thu Triệu đồng   480 533 590 689 876 1.163 1.408 1.861 4.083 Tốc độ Tăng DT %     11,04 10,69 16,78 27,14 32,76 21,07 32,17 Nguồn: - Qui hoạch phát triển bưu chính viễn thông tỉnh Nghệ An đến năm 2020, UBND tỉnh Nghệ An. - Báo cáo tổng kết năm 2005, 2006, 2007, Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Nghệ An. - Báo cáo tổng kết các năm từ 2001-T9/2008, Bưu điện tỉnh Nghệ An. Dịch vụ phát hành báo chí Trong lĩnh vực phát hành báo chí có Viettel, một số doanh nghiệp tư nhân và cá thể, một số báo phát hành thẳng trên địa bàn thành phố Vinh. Tuy nhiên, sự tham gia kinh doanh của các doanh nghiệp mới trong lĩnh vực Bưu chính - phát hành báo chí mới xuất hiện trong những năm gần đây và doanh thu của các doanh nghiệp này còn thấp. Bảng 2.8: Doanh thu, sản lượng phát hành báo chí qua các năm CHỈ TIÊU ĐƠN V Ị 1997 1998 1999 2000 2001 2002 2003 2004 2005 ĐẾN T9/2008 Tổng sản lượng 1000 tờ 6.827 7.980 8.873 9.100 9.316 11.962 12.694 12.795 13.413 9.352 Báo chí TW “ 5.765 6.592 7.330 7.410 7.490 7.570 7.630 7.680 8.959 6.448 Báo chí Đ.Phương “ 1.062 1.388 1.543 1.690 1.826 3.964 4.559 4.530 3.827 2.715 Báo chí N.khẩu “ 0 0 0 0 0 18 21 0 0 0 Báo chí khác “ 0 0 0 0 0 428 505 585 627 188 Doanh thu Triệu đồng 4.571 5.674 6.546 7.536 10.518 12.433 14.877 18.114 19.924 4.673 Tăng doanh thu (%) 18,98 24,11 15,36 15,13 39,56 18,21 19,66 21,75 9,99 Nguồn: - Qui hoạch phát triển bưu chính viễn thông tỉnh Nghệ An đến năm 2020, UBND tỉnh Nghệ An. - Báo cáo tổng kết năm 2005, 2006, 2007, Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Nghệ An. - Báo cáo tổng kết các năm từ 1997-T9/2008, Bưu điện tỉnh Nghệ An. Doanh thu Phát hành báo chí hàng năm đều tăng, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2001- 2005 là 20,06%, trong đó doanh thu Báo chí Trung ương chiếm phần lớn trong Doanh thu phát hành báo chí. Hàng năm, mạng lưới phát hành báo chí tỉnh Nghệ An được mở rộng tăng cả về số loại báo phát hành và sản lượng phát hành. Sản lượng Phát hành báo chí Bưu điện Nghệ An năm 2005 đạt 13.413.000 tờ các loại, tăng 618.000 tờ so với năm 2004 (chiếm 4,83%). Sản lượng báo chí năm 2005 tính theo đầu người đạt 4,425 tờ/người/năm tăng so với năm 2004 (4,22 tờ/người/năm). Đến nay đã có 401/436 (chiếm 91,97%) xã có báo đọc trong ngày; những xã còn lại ở vùng núi cao, giao thông đi lại khó khăn do đó báo đọc trong ngày là điều khó thực hiện. 100% Bưu điện các huyện, thành, thị đã đưa máy tính vào quản lý công tác phát hành báo chí và một số dịch vụ Bưu chính như: Tiết kiệm Bưu điện, EMS, chuyển tiền… Dịch vụ Internet Dịch vụ Internet được triển khai ở các bưu cục, đại lý, bưu điện văn hoá xã. Riêng ở các điểm Bưu điện văn hoá xã đã có 57/402 điểm có dịch vụ Internet, đạt 14,17%. 2.2.2.2. Mạng lưới kinh doanh dịch vụ viễn thông Về Mạng lưới viễn thông Mạng chuyển mạch Tính đến cuối năm 2005, mạng chuyển mạch đã được trang bị 5 tổng đài Host (tổng đài trung tâm), bao gồm NEAX 61E, NEAX61, 2 tổng đài AXE 810 (của Bưu điện Nghệ An) và 1 tổng đài công nghệ NGN của Công ty viễn thông Quân đội (Viettel) với 138 trạm vệ tinh. Trong đó, 4 host và 135 vệ tinh thuộc mạng chuyển mạch của Bưu điện Nghệ An với dung lượng 271.223 lines, dung lượng sử dụng 182.079 lines, đạt hiệu suất sử dụng trên 67%. Do được lắp đặt, nâng cấp phân cấp theo địa bàn và thời gian nên nói chung tổng thể mạng chuyển mạch chưa thật sự đồng bộ. Những thiết bị mới, hiện đại chủ yếu tập trung ở thành phố Vinh, ở huyện chủ yếu là các tổng đài cũ được sử dụng lại từ cấp cao hơn. Phần lớn hệ thống thiết bị chuyển mạch là cơ sở hạ tầng thuộc Bưu điện Nghệ An quản lý và khai thác, các doanh nghiệp như: Viettel, Công ty Thông tin điện lực (EVN Telecom) hệ thống chuyển mạch được đầu tư với dung lượng nhỏ, chủ yếu phục vụ cho việc phát triển các thuê bao di động và điện thoại cố định không dây. Mạng truyền dẫn Mạng lưới truyền dẫn bao gồm hệ thống quang, vi ba, visat, trong đó 100% các tuyến chính được quang hoá. Có các tuyến cáp quang liên tỉnh của VNPT, Viettel dọc theo trục quốc lộ 1A, đường sắt Bắc Nam và tuyến đường Hồ Chí Minh, EVN có các tuyến cáp quang trên các tuyến tải điện. Tất cả các huyện trong tỉnh đều có mạng truyền dẫn quang. Mạng truyền dẫn nội tỉnh chủ yếu do Bưu điện tỉnh quản lý, kết thành các mạch Ring nội tỉnh. Các đầu cuối quang khai thác trên mạng là ADM-STM4, ADM-STM1, các đầu cuối PDH tốc độ 34 Mbps. Truyền dẫn vi ba (vô tuyến) được sử dụng cho các đường truyền đến các tổng đài vệ tinh, ở vùng núi, và dùng làm dự phòng cho các tuyến cáp quang. Mạng truyền dẫn của EVN Telecom chủ yếu là các tuyến cáp quang chạy dọc theo đường điện cao thế 500kV, 220kV, 110kV và một số hệ thống cáp quang được thực hiện bởi Viettel, đưa tổng dung lượng đường truyền nội hạt 1.934 Mbps, tổng dung lượng đường truyền liên tỉnh và quốc tế đạt 480 Mbps. Tổng số cáp quang trên địa bàn tỉnh đạt 12.555 km. Phần lớn là cáp chôn, một số tuyến truyền dẫn về các huyện miền núi còn sử dụng cáp treo. Có 133 thiết bị đầu cuối quang, với số luồng truyền dẫn đạt 603 luồng E1. Mạng truyền dẫn Vi ba hiện có 70 trạm Viba với 64 luồng E1. Truyền dẫn Vệ tinh VSAT được triển khai chủ yếu ở các xã vùng núi cao, hiện tại có 22 trạm vệ tinh VSAT. Mạng ngoại vi Mạng ngoại vi hiện nay chủ yếu là của Viễn thông Nghệ An. Còn lại một số ít của Viettel mới triển khai vài năm lại nay. Tỉ lệ cáp gốc ngầm hoá còn thấp. Hiện có tổng số đôi cáp gốc của các tổng đài trên toàn tỉnh là 290.412 đôi, trong đó số cáp ngầm đạt khoảng 1.116 km và số cáp treo đạt 10.142 km. Số cáp treo được treo chủ yếu trên cột thông tin Bưu điện, cột hạ thế điện lực ở dọc các tuyến giao thông liên xã. ở Thành phố Vinh, Thị xã Cửa Lò và một số thị trấn trung tâm các huyện, mạng ngoại vi hầu hết đã được ngầm hoá số cáp gốc. ở địa bàn các huyện, xã còn lại, tỷ lệ ngầm hoá cáp gốc rất thấp thậm chí hoàn toàn là cáp treo. Tính theo số lượng km cáp, tỷ lệ cáp gốc đã được ngầm hoá chiếm tỷ lệ 29,18% (riêng tại thành phố Vinh chiếm tỷ lệ 75,48%). Việc triển khai hệ thống mạng ngoại vi hiện nay ảnh hưởng lớn đến chất lượng dịch vụ và mỹ quan đô thị cũng như quy hoạch về xây dựng, giao thông của địa phương. Việc đảm bảo an toàn mạng lưới, an ninh thông tin trong điều kiện chủ yếu là mạng cáp treo như hiện nay gặp nhiều khó khăn, cần phải nhanh chóng được ngầm hoá. Mạng di động Hiện tại toàn tỉnh có 53 đơn vị đăng ký sử dụng tần số vô tuyến điện, với tổng số máy phát là 656 máy. Trên địa bàn, kinh doanh dịch vụ điện thoại di động đã có 3 doanh nghiệp với 4 mạng di động gồm Vinaphone, Mobifone, Viettel, S-Fonel. Các mạng Vinaphone, Mobifone, Viettel Mobile chiếm đa số thị phần, đây là các mạng sử dụng hệ công nghệ GSM, công nghệ này được sử dụng rộng rãi trên thế giới nhưng có hạn chế là khi số lượng thuê bao lớn gây nghẽn, khi cung cấp các dịch vụ gia tăng phải nâng cấp mạng, tốc độ truy nhập mạng hạn chế. Các mạng điện thoại công nghệ CDMA mới được triển khai cung cấp tại Nghệ An là mạng điện thoại di động S-Fone, E-phone, E-Mobile của EVN, đây là công nghệ hiện đại có khả năng khắc phục những hạn chế của hệ thống công nghệ GSM về bán kính vùng phủ sóng, dung lượng và tốc độ. Việc phát triển hệ thống công nghệ CDMA sẽ tạo ra một khả năng nhanh chóng mở rộng hệ thống thông tin di động và truy nhập với tốc độ cao, đặc biệt đối với vùng nông thôn và miền núi. Mạng Internet và VoIP Hiện tại trên địa bàn tỉnh có các doanh nghiệp VDC và Viettel đã và đang triển khai cung cấp các dịch vụ truy nhập Internet và VoIP. Cấu hình cơ bản của mạng XDSL chủ yếu của Bưu điện Nghệ An. 100% host và tổng đài vệ tinh tại trung tâm các huyện, thị được lắp thiết bị DSLAM, chiếm tỷ lệ 27,4% tổng số trạm chuyển mạch. Công ty Viễn thông quân đội Viettel triển khai các DSLAM cung cấp dịch vụ Internet từ cuối năm 2005, chủ yếu trên địa bàn thành phố Vinh. Thông qua hệ thống thiết bị của mình Bưu điện Nghệ An và Viettel đã phục vụ khá tốt nhu cầu đàm thoại liên tỉnh và quốc tế thông qua công nghệ VoIP. Hệ thống cung cấp các dịch vụ Internet băng thông rộng đã góp phần tạo thuận lợi cho việc truy nhập Internet trên địa bàn. Thông tin duyên hải Tại Nghệ An có Đài Bến Thuỷ, ngoài ra còn có các đài duyên hải của lực lượng biên phòng. Thực hiện các dịch vụ gồm trực canh cấp cứu nghề cá và hàng hải, phát bản tin thời tiết, thông tin trên biển. Hàng hải Được trang bị tốt theo tiêu chuẩn quốc tế đáp ứng được nhu cầu thông tin liên lạc, định vị, cứu nạn. Liên lạc theo chuẩn GMSS bằng các phương thức vệ tinh, HF, VHF. Vùng phủ sóng toàn cầu. Các tàu đánh bắt hải sản trang bị thiết bị liên lạc thô sơ, cả nước chỉ có 50% số tàu đánh bắt xa bờ có thiết bị ICOM, theo quy định bắt buộc phải có thiết bị ICOM, một số ít có thiết bị định vị GPS. Hạn chế do không có khả năng kinh tế và do trình độ ngư dân chưa sử dụng thành thạo các thiết bị liên lạc. Tần số vô tuyến điện dành cho tàu cá dải 26 - 27Mhz. Phát triển mạng lưới điện thoại Đến cuối năm 2005 Nghệ An đã hoàn thành chương trình 100% (473/473) số xã, phường, thị trấn) có máy điện thoại, trong đó 22 xã sử dụng công nghệ VSAT và 22 xã sử dụng công nghệ điểm - đa điểm, thể hiện sự phát triển không ngừng của ngành bưu chính viễn thông Nghệ An trong giai đoạn hội nhập. Từ năm 2002 - T9/2008, trung bình hằng năm số máy điện thoại tăng 41,59%. Năm 2006 có 254.051 máy điện thoại thì năm 2007 có 307.314 máy, tăng 20,96%, đạt 9,9 máy/100 dân. Tổng số máy điện thoại cố định có 294.480 máy, đạt 9,49 máy điện thoại cố định/100 dân. Đến nay (tháng 9 năm 2008) trên địa bàn tỉnh đã có tất cả 396.303 máy điện thoại các loại. Dịch vụ điện thoại di động đã phủ sóng ở tất cả các trung tâm huyện, thành phố Vinh và thị xã Cửa Lò. Truy nhập Internet và dịch vụ VoIP đã được VNPT và Viettel cung cấp trong toàn tỉnh, dịch vụ Internet băng thông rộng đã được phổ biến tới trung tâm của tất cả các huyện trong tỉnh. Internet phát triển tương đối nhanh, năm 2006 Nghệ An có 2.080 máy thì năm 2007 có tới 12.827 thuê bao. Lượng người sử dụng Internet ngày càng tăng. Từ năm 2002 trở về trước, kinh doanh viễn thông trên địa bàn tỉnh chủ yếu là Vinaphone, Mobifone, Bưu địên Nghệ An của Tập đoàn VNPT. Từ năm 2003 đến nay, còn có Viễn thông quân đội (Viettel), Viễn thông Sài Gòn (S-Fone), Viễn thông Điện lực ENN Telecom. Tính đến nay, các doanh nghiệp mới đã tăng dần thị phần kinh doanh điện thoại và Internet, đặc biết là sự vương lên mạnh mẽ của Viettell như là một bài học điển hình trên nhiều phương diện, và thị trường viễn thông đã có những bước phát triển rất nhanh chóng, cạnh tranh mãnh mẽ, quyết liệt. Một trong những nguyên nhân khiến thị trường viễn thông ở Nghệ An đã và đang thực sự sôi động là do bước đầu đã tạo lập được điều kiện và môi trường cạnh tranh giữa các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp mới tham gia thị trường viễn thông và Internet một cách sâu rộng hơn, nhờ đó mà thị phần một số loại hình dịch vụ viễn thông và Internet của các doanh nghiệp mới ngày càng tăng. Nghệ An có thể vượt mục tiêu tăng trưởng bình quân chung của cả nước về dịch vụ bưu chính viễn thông giai đoạn 2006-2010 là 10%/năm. Bảng 2.9: Phát triển máy điện thoại qua các năm NĂM PHÁT TRIỂN MÁY ĐIỆN THOẠI CÁC LOẠI TỔNG SỐ MÁY ĐIỆN THOẠI HIỆN CÓ GHI CHÚ Tổng số (Máy) So CK năm trước (%) Tổng số (Máy) So CK năm trước (%) 2002 110.085 2003 27.300 137.395 80.12 2004 16.570 60,59 153.965 139,86 2005 33.879 204,45 187.844 122 2006 66.207 195,42 254.051 135,24 2007 53.263 80,44 307.314 120,96 Đến T9/2008 88.989 167,07 396.303 128,95 Bình quân so CK năm trước (%) 141,59 121,19 Nguồn: - Qui hoạch phát triển bưu chính viễn thông tỉnh Nghệ An đến năm 2020, UBND tỉnh Nghệ An. - Báo cáo tổng kết năm 2005, 2006, 2007, Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Nghệ An. - Báo cáo tổng kết các năm từ 2001-2007, Bưu điện tỉnh Nghệ An. Cũng do phải cạnh tranh để tồn tại nên các doanh nghiệp buộc phải lựa chọn những công nghệ mới để có thể cung cấp những dịch vụ đa dạng, giúp cho người sử dụng có nhiều lựa chọn. Có thể khẳng định hạ tầng viễn thông ngày càng phát triển hiện đại và đồng bộ, đủ khả năng đáp ứng trước một bước yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ an ninh quốc phòng, đáp ứng nhu cầu ứng dụng và phát triển công nghệ thông trên địa bàn tỉnh Nghệ An. 2.2.3 Kết quả kinh doanh dịch vụ bưu chính viễn thông 2.2.3.1. Kết quả kinh doanh dịch vụ bưu chính Từ năm 2002 đến năm 2007, doanh thu kinh doanh từ dịch vụ bưu chính hằng năm cơ bản đều tăng, tốc độ tăng doanh thu phát sinh trung bình đạt 13,19%. Bảng 2.10: Doanh thu, chi phí bưu chính qua các năm TT Chỉ tiêu ĐV tính Năm 2002 Năm 2003 Năm 2004 Năm 2005 Năm 2006 Năm 2007 Đến T9/2008 1 Tổng doanh thu - So CK năm trước Triệu đồng % 11.616 16.092 138,53 18.294 113,68 20.030 109,48 21.998 109,82 20.781 94,46 50.867 So CK năm trước tăng bình quân 13,19%/năm 3 Tổng chi phí - So CK năm trước Triệu đồng % 34.115 43.492 127.48 56.154 129,11 91.550 163,03 95.536 104,35 103.200 108,02 65..930 So CK năm trước tăng bình quân 126,40%/năm 4 Lợi nhuận Triệu đồng -22.50 -27.40 -37.86 -71.52 -73.54 -82.42 -15.06 Nguồn: - Qui hoạch phát triển bưu chính viễn thông tỉnh Nghệ An đến năm 2020, UBND tỉnh Nghệ An. - Báo cáo tổng kết năm 2005, 2006, 2007, Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Nghệ An. - Báo cáo tổng kết các năm từ 2002-T9/2008, Bưu điện tỉnh Nghệ An. Tổng chi phí tăng qua các năm với tốc độ trung bình giai đoạn 2001-2007 là 17,81%. Tốc độ tăng chi phí lớn hơn tốc độ tăng doanh thu. Hằng năm, hoạt động kinh doanh dịch vụ bưu chính nếu hạch toán riêng thì thua lỗ lớn, phải có sự bù đắp từ hoạt động kinh doanh dịch vụ viễn thông. 2.2.3.2. Kết quả sản xuất kinh doanh dịch vụ viễn thông Bảng 2.11: Doanh thu, chi phí dịch vụ viễn thông qua các năm TT Chỉ tiêu ĐV tính Năm 2002 Năm 2003 Năm 2004 Năm 2005 Năm 2006 Năm 2007 1 Tổng doanh thu phát sinh So CK năm trước Triệu đồng % 198.437 288.920 145,59 387.326 134,05 430.050 111,03 501.173 116,53 623,936 124,49 2 Tổng chi phí So CK năm trước Triệu đồng % 121.435 154..813 127,48 205.416 132,68 253.858 123,58 316.215 124,56 322.992 102,14 3 Lợi nhuận Triệu đồng 134.11 181.91 176.19 184.96 300.94 134.11 Nguồn: - Qui hoạch phát triển bưu chính viễn thông tỉnh Nghệ An đến năm 2020, UBND tỉnh Nghệ An. - Báo cáo tổng kết năm 2005, 2006, 2007, Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Nghệ An. - Báo cáo tổng kết các năm từ 2002-2007, Bưu điện tỉnh Nghệ An. Chi phí: Từ 2002-2007, tốc độ tăng chi phí kinh doanh dịch vụ viễn thông trung bình 22,08%, tốc độ tăng chi phí nhỏ hơn tốc độ tăng doanh thu. Doanh thu Từ năm 2002 đến năm 2007, doanh thu kinh doanh dịch vụ viễn thông qua các năm cơ bản đều tăng, tốc độ tăng doanh thu dịch vụ viễn thông phát sinh trung bình đạt 26,34%, tốc độ tăng doanh thu kinh doanh dịch vụ viễn thông tăng nhanh hơn tốc độ tăng doanh thu kinh doanh dịch vụ bưu chính. 2.2.3.3. Kết quả chung về kinh doanh dịch vụ bưu chính viễn thông Chi phí Hoạt động bưu chính viễn thông trên địa bàn những năm qua vẫn chưa tự cân đối được thu và chi. Hoạt động kinh doanh dịch vụ viễn thông vẫn phải bù đắp rất lớn cho hoạt động kinh doanh dịch vụ bưu chính. Doanh thu Doanh thu kinh doanh bưu chính viễn thông qua các năm từ năm 2002 đến năm 2007 đều tăng, tốc độ tăng doanh thu phát sinh trung bình đạt 16%-18% /năm. Tính đến cuối năm 2007 tổng doanh thu bưu chính viễn thông đạt 844,717 tỷ đồng (trong đó doanh thu viễn thông đạt 623,936 tỷ đồng, chiếm 78,65%, doanh thu bưu chính đạt 20,781 tỷ đồng, chỉ chiếm ...%, còn lại là doanh thu từ dịch vụ khác và công nghệ thông tin). Hằng năm, các đơn vị kinh doanh dịch vụ bưu chính viễn thông đóng góp vào ngân sách tỉnh và nộp lên các Tập đoàn, Tổng Công ty cấp trên trung bình khoảng 15 tỉ đồng. Tình hình nộp ngân sách và nộp lên Tập đoàn và tổng công ty được thể hiện qua những số liệu ở bản 2.12 dưới đây. Bảng 2.12: Nộp ngân sách dịch vụ viễn thông qua các năm TT Chỉ tiêu ĐV tính Năm 2002 Năm 2003 Năm 2004 Năm 2005 Năm 2006 Năm 2007 1 Nộp ngân sách tỉnh Triệu đồng 8.939 9.299 2.387 5.364 6.176 9.875 2 Nộp lên Tập đoàn, Tổng Công ty Triệu đồng 3.561 6199 13.247 7.766 10.926 11.004 Nguồn: - Qui hoạch phát triển bưu chính viễn thông tỉnh Nghệ An đến năm 2020, UBND tỉnh Nghệ An. - Báo cáo tổng kết năm 2005, 2006, 2007, Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Nghệ An. - Báo cáo tổng kết các năm từ 2002-2007, Bưu điện tỉnh Nghệ An. Nhìn chung, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bưu chính chưa có hiệu quả kinh tế, khối lượng bù lỗ hàng năm ngày càng lớn (năm 2002 lỗ 22,5 tỷ đồng; năm 2007 bù lỗ 82,42 tỷ đồng). Các doanh nghiệp viễn thông ở Nghệ An hoạt động với hiệu quả khá cao: năm 2003 lợi nhuận đạt 134 tỷ đồng, năm 2004 - 181,91 tỷ đồng; năm 2005 - 176,2 tỷ đồng; năm 2006 - 185 tỷ đồng; năm 2007 - 301 tỷ đồng, nhờ đó đã bù lỗ được cho hoạt động cung cấp dịch vụ bưu chính và làm cho dịch vụ bưu chính viễn thông về tổng thế là có hiệu quả. 2.3. ĐÁNH GIÁ CHUNG VỀ DỊCH VỤ BƯU CHÍNH VIỄN THÔNG Ở NGHỆ AN 2.3.1. Thành tựu và nguyên nhân 2.3.1.1. Thành tựu Một là: Nghệ An là một trong những tỉnh có dịch vụ bưu chính viễn thông phát triển nhanh và mạnh so với cả nước, phục vụ tốt cho sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành quản lý của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể về phát triển kinh tế, quản lý xã hội, nhiệm vụ an ninh quốc phòng, phòng chống thiên tai, bão lụt, diễn tập quân sự, các hoạt động bảo đảm trật tự xã hội, an ninh quốc gia, chống phá tội phạm, phục vụ kịp thời có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị và nhu cầu sử dụng dịch vụ bưu chính viễn thông của nhân dân, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội trên địa bàn tỉnh và cả nước…góp phần nâng cao đời sống nhân dân, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và thúc đẩy kinh tế xã hội trên địa bàn phát triển. Hai là: Mạng lưới viễn thông có độ phủ tốt, chất lượng khá cao, công nghệ hiện đại, có khả năng nâng cấp để đáp ứng các dịch vụ gia tăng mới, rút ngắn khoảng cách giữa các vùng miền, nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Các loại hình dịch vụ đầy đủ, phong phú, các doanh nghiệp đã triển khai cung cấp tất cả các dịch vụ. Các dịch vụ viễn thông tăng khá nhanh, đặc biệt là dịch vụ điện thoại di động tăng nhanh cả về số thuê bao, lưu lượng đàm thoại và doanh thu. Dịch vụ Internet cũng đã được đưa đến hầu hết các điểm Bưu điện văn hoá xã. Giai đoạn 2001-2006 đã có những bước đột phá phát triển về Internet, dịch vụ thông tin di động và các dịch vụ băng rộng. Ba là: Doanh thu và số điểm các dịch vụ bưu chính viễn thông qua các năm đều tăng. Các dịch vụ chuyển phát nhanh, chuyển tiền nhanh tăng trưởng với tốc độ khá cao. đặc biệt là mạng lưới điểm bưu điện văn hoá xã, là nơi cung cấp các dịch vụ bưu chính viễn thông cơ bản và các dịch vụ khác, vừa là nơi cung cấp các dịch vụ công ích. Giai đoạn 2001-2006 chỉ tiêu bán kính phục vụ, số dân được phục vụ trên một điểm phục vụ bưu điện đã đạt mức trên trung bình so với các nước và trên thế giới. Trong bối cảnh hiện nay, giá của hầu hết các loại hàng hóa, dịch vụ đều tăng cao, việc giá cước viễn thông, đặc biệt là dịch vụ di động, liên tục giảm với biên độ rộng đang được coi là vùng sáng trên bức tranh giá cả năm 2008, để người tiêu dùng “dễ thở” hơn. Theo Tổng cục Thống kê, giá dịch vụ điện thoại di động của cả nước (trong đó có cả Nghệ An), hiện chỉ bằng 90,7% so với tháng 12/2007. Riêng 6 tháng đầu năm, con số này giảm gần 12% so với trung bình 6 tháng đầu năm ngoái. Tốc độ tăng trưởng mạnh thị trường di động tại Việt Nam thời gian gần đây, với trên 48 triệu thuê bao của riêng 4 mạng lớn là VinaPhone, MobiFone, Viettel và S-Fone, đã dẫn đến sự cạnh tranh quyết liệt giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ này, tập trung chủ yếu vào giá cước, chất lượng mạng và dịch vụ hỗ trợ. Và, người tiêu dùng ngày càng được hưởng lợi từ sự cạnh tranh lành mạnh này [29]. Bốn là: Chú trọng phát triển công nghệ thông tin, đáp ứng kịp thời đầy đủ nhu cầu cung cấp các dịch vụ mạng internet đảm bảo tốt công tác tư vấn, thiết kế mạng, tổ chức sản xuất các phần mềm chủ yếu ứng dụng công tác quản lý SXKD. Đội ngũ cán bộ, chuyên viên kỹ thuật công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh được tăng cường về số lượng và chất lượng. Viễn thông Nghệ An, Bưu điện tỉnh Nghệ An là 2 doanh nghiệp luôn giữ vai trò chủ lực trong sự phát triển của bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh. Tạo ra nhiều sản phẩm phần mềm đáp ứng nhu cầu phát triển của các ngành các cấp, đơn vị, cá nhân trên địa bàn. 2.3.1.2. Nguyên nhân thành tựu Một là: Trung ương, Tỉnh Nghệ An đã có những chủ trương, chính sách nhằm phát triển mạnh mẽ kinh tế xã hội ở Nghệ An, là điều kiện thúc đẩy ngành bưu chính viễn thông trên địa bàn phát triển. Các chủ trương, chính sách của trung ương, của ngành bưu chính viễn thông về ứng dụng và phát triển CNTT và truyền thông đã được các cấp, các ngành, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tích cực triển khai nên chúng ta đã rất thành công trong việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào các hoạt động lãnh đạo, điều hành, quản lý và phát triển sản xuất kinh doanh, giải quyết vấn đề tốc độ, chất lượng và giải quyết vấn đề tiết kiệm chi phí, bước đầu thu được những kết quả đáng khích lệ. Hai là: Địa bàn của tỉnh rộng, dân số đông nên nhu cầu thị trường số lượng tiềm năng là lớn, kinh tế của tỉnh đã có những bước tăng trưởng khá, có chăm lo đầu tư phát triển cả kinh tế, văn hoá xã hội, đặc biệt chăm lo đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, tạo điều liên thuận lợi để bưu chính viễn thông, CNTT trên địa bàn phát triển tốt. Việc sử dụng bưu chính viễn thông, CNTT trong lãnh đạo, quản lý xã hội, quản lý sản xuất kinh doanh đang được các cấp, các ngành, các doanh nghiệp ở tỉnh Nghệ An quan tâm và có những bước phát triển theo chiều hướng tích cực. Ba là: Công tác quản lý nhà nước về dịch vụ bưu chính viễn thông ở Nghệ An có nhiều chuyển biến tích cực. Sau khi có chủ trương thành lập hệ thống quản lý nhà nước chuyên ngành bưu chính viễn thông từ Trung ương đến địa phương, Nghệ An đã sớm chỉ đạo thành lập Sở Bưu chính viễn thông Nghệ An (sau đổi thành Sở Thông tin và Truyền thông) và các phòng cấp huyện. Từ khi thành lập đến nay, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu tốt cho Bộ Thông tin và Truyền thông và cấp uỷ, chính quyền tỉnh Nghệ An quản lý tốt các hoạt động về bưu chính viễn thông trên địa bàn. Việc quản lý nhà nước về bưu chính viễn thông của tỉnh đã từng bước đi vào nề nếp. Nghệ An đã xây dựng được Qui hoạch phát triển tổng thể dịch vụ bưu chính viễn thông đến những năm 2020, đã ban hành tương đối đầy đủ hệ thống các qui định, cơ chế, chính sách, tiến hành xây dựng và thực hiện các đề án, dự án, tuyên truyền phổ biến pháp luật bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin, tổ chức tập huấn nghiệp vụ, thanh tra, kiểm tra về bưu chính viễn thông góp phần tạo điều kiện pháp lý thuận lợi để các doanh nghiệp bưu chính viễn thông thực hiện có hiệu quả hoạt động kinh doanh dịch vụ của mình. 2.3.2. Hạn chế và nguyên nhân 2.3.2.1. Hạn chế Những năm qua, ngành bưu chính viễn thông Nghệ An đã thật sự có những bước phát triển nhanh chóng, bên cạnh đó, vẫn còn những hạn chế yếu kém sau đây: Một là: Điều hành quản lý của tỉnh trên lĩnh vực bưu chính viễn thông còn nhiều vấn đề chưa kịp đáp ứng. Phương thức quản lý còn những bất cập. Công tác chỉ đạo và thực hiện quản lý nhà nước về BCVT và CNTT chưa được sự quan tâm của lãnh đạo các huyện, cụ thể như không có kế hoạch theo sự hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành, thực hiện chế độ báo cáo một cách chiếu lệ, không đầy đủ. Việc phát triển hạ tầng về BCVT ở nhiều địa phương vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và đời sống của nhân dân. Các xã vùng cao, vùng xa được đầu tư lắp đặt các trạm VSAT, vô tuyến điểm - đa điểm, điểm - điểm nhưng chất lượng chưa cao, còn gặp khó khăn khi liên lạc do thời tiết khí hậu. Việc phát triển Internet băng thông rộng ở các huyện miền núi, việc ứng dụng và phát triển CNTT trên địa bàn còn chậm. Năng lực ứng dụng CNTT còn hạn chế; chất lượng đào tạo Tin học chưa cao. Hai là: Qui hoạch đầu tư chưa hợp lý, còn dàn trải, chưa trọng tâm, trọng điểm. Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng mạng lưới qui mô còn nhỏ. Hạ tầng dịch vụ bưu chính viễn thông - CNTT còn thiếu về số lượng và chưa đồng bộ, hệ thống cơ sở dữ liệu còn phân tán. Đầu tư phát triển hạ tầng viễn thông giữa miền xuôi và miền núi còn chênh lệch lớn, vùng núi cao hạ tầng viễn thông còn rất thấp. Các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh chưa chú trọng phối hợp xây dựng và sử dụng chung cơ sở hạ tầng, dẫn đến đầu tư chồng chéo, lãng phí. Ba là: Mạng chuyển mạch có bán kính phục vụ rộng, nhiều tổng đài độc lập nên có khó khăn cho việc mở rộng và nâng cấp. Mạng truyền dẫn trải rộng khắp, kinh phí lớn. Một số tuyến cáp quang chưa được ngầm hoá, một số tuyến khác còn sử dụng bằng phương thức Viba ảnh hưởng nhất định tới công tác bảo đảm an toàn mạng lưới, an ninh thiên tai bão lụt xảy ra. Hệ thống cáp ngoại vi với số lượng rất lớn, hầu hết chưa được ngầm hoá còn treo nhờ vào hệ thống cột của điện lực, cột bê tông tự đứng ảnh hưởng lớn đến việc phát triển về số lượng thuê bao, về bảo đảm chất lượng liên lạc và mỹ quan đô thị , nông thôn.ở vùng núi cao chất lượng điện thoại sử dụng công nghệ VSAT, công nghệ điểm - đa điểm chưa tốt. Bốn là: Tỷ lệ số xã có báo và tạp chí đến trong ngày mới chỉ đạt trên 90%. Mật độ điện thoại so với cả nước còn thấp. Mật độ điện thoại và bình quân điểm phục vụ bưu chính viễn thông không đều, còn chênh lệch giữa vùng thành thị và miền núi. Số người sử dụng dịch vụ ở nông thôn và thành thị giữa đồng bằng và miền núi, thành thị và nông thôn còn có sự chênh lệch lớn. Năm là: Tiềm lực kinh tế dịch vụ bưu chính viễn thông chưa lớn.Kết quả phát triển chưa xứng với tiềm năng. Năng lực cạnh tranh chưa mạnh, giá dịch vụ còn cao, Dịch vụ bưu chính viễn thông chưa phong phú, đa dạng, toàn diện, chất lượng các loại dịch vụ chưa thường xuyên bảo đảm, chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng của thị trường, của xã hội. Năng suất lao động chưa cao, kinh nghiệm, vốn đầu tư kinh doanh còn thiếu. Công nghệ cũ lạc hậu đang có nguy cơ sẵn sàng bị thay thế... Các doanh nghiệp kinh doanh bưu chính ở Nghệ An hiện nay thường thiếu kinh nghiệm và công nghệ cao, chất lượng dịch vụ thấp so với các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là trong lĩnh vực quản lý. Vẫn còn bỏ sót thị trường kinh doanh, phục vụ ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đaan tộc ít người. Nhu cầu phục vụ truyền số liệu, Internet ở các huyện miền núi còn hạn chế, chưa tích hợp được các dịch vụ về truyền hình với mạng viễn thông. Chưa quan tâm đầu tư cung cấp dịch vụ ở một số huyện vùng miền núi cao, biên giới ảnh hưởng đến công tác điều hành chỉ đạo của các cơ quan Đảng và Nhà nước và quyền lợi và nhu cầu sử dụng của nhân dân. Sáu là: Đội ngũ cán bộ làm việc trong lĩnh vực dịch vụ bưu chính viễn thông - CNTT còn thiếu và yếu. Đội ngũ lao động ở các điểm Bưu điện văn hoá xã chủ yếu là lao động địa phương, một số cán bộ kỹ thuật tại các trạm vệ tinh ở miền núi chưa được đào tạo cơ bản nên chất lượng hiệu quả công việc còn hạn chế. 2.3.2.2. Nguyên nhân của hạn chế Một là: Địa bàn rộng, nhiều huyện miền núi cao, địa hình hiểm trở, rừng núi sông suối nhiều, hạ tầng giao thông kém, cơ sở hạ tầng kỹ thuật đầu tư xây dựng chưa đồng bộ nên phát triển mạng lưới và mở dịch vụ mới còn gặp nhiều khó khăntạo thế chia cắt lớn giữa các vùng thiếu sự liên kết, gây khó khăn trong triển khai sử dụng mạng lưới bưu chính viễn thông, là gia tăng chi phí đầu tư…. Hai là: Kinh tế của tỉnh tuy có bước tăng trưởng khá nhưng vẫn là tỉnh nghèo, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thấp, sản xuất công nghiệp, dịch vụ du lịchchậm phát triển nên nhu cầu sử dụng dịch vụ bưu chính viễn thông chưa nhiều. Mật độ dân cư ở miền núi thấp, mức sống của người dân rất thấp nên hạn chế đáng kể đến việc đầu tư phát triển hạ tầng ở khu vực này. Ba là: Đầu tư tài chính cho hoạt động ứng dụng CNTT-TT chưa đáp ứng yêu cầu. Từ trước đến nay các chính sách về xây dựng cơ sở hạ tầng chưa quan tâm gắn kết với qui hoạch phát triển mạng lưới viễn thông nên chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa quy hoạch phát triển đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế với quy hoạch viễn thông. Còn có quan điểm cho rằng đó là trách nhiệm của các doanh nghiệp nên ở những vùng khó khăn, sức thu hút kém, hạ tầng về viễn thông đầu tư chưa đáng kể. Việc ứng dụng dịch vụ bưu chính viễn thông - CNTT trong quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh chưa được chú trọng, chưa có cơ chế thu hút, khuyến khích việc ứng dụng và phát triển mạnh lĩnh vực dịch vụ bưu chính viễn thông - CNTT, chưa phát huy được ưu thế của dịch vụ bưu chính viễn thông - CNTT. Bốn là: Trình độ khoa học kỹ thuật của một bộ phận lớn nhân dân còn yếu kém nên đa phần không chưa có khả năng sử dụng dịch vụ bưu chính viễn thông - CNTT có hiệu quả. Công tác đào tạo nguồn nhân lực dịch vụ bưu chính viễn thông - CNTT chưa được quan tâm đúng mức. Nguồn nhân lực về CNTT chưa đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn. Năm là: Công tác quản lý nhà nước về dịch vụ bưu chính viễn thông - CNTT có lúc, có nơi chưa được quan tâm đúng mức. Cán bộ có chuyên môn nghiệp vụ về BCVT và CNTT ở các phòng Hạ tầng kinh tế kỹ thuật cấp huyện ít (chủ yếu về Giao thông và Xây dựng) phải kiêm nhiệm nhiều việc nên việc tham mưu QLNN về bưu chính viễn thông - CNTT, Internet trên địa bàn huyện chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra. Công tác tuyên truyền phổ biến ứng dụng dịch vụ bưu chính viễn thông - CNTT chưa sâu rộng. Nhận thức của lãnh đạo các cấp, các ngành, cơ quan, doanh nghiệp về vị trí, vai trò, tác dụng của ứng dụng và phát triển bưu chính viễn thông - CNTT còn hạn chế. Tiểu kết chương 2 Dịch vụ bưu chính viễn thông trên địa bàn tỉnh Nghệ An nhìn chung đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Sự phát triển kinh tế - xã hội cuả tỉnh Nghệ An những năm qua đã tạo động lực thúc đẩy nhanh sự đầu tư phát triển mạng lưới hạ tầng và phát triển các dịch vụ bưu chính viễn thông. Nhìn chung, dịch vụ bưu chính viễn thông ở Nghệ An có mạng lưới phát triển tốt về số lượng và chất lượng, có độ phủ tốt, chất lượng khá cao, công nghệ hiện đại, có khả năng nâng cấp để đáp ứng các dịch vụ gia tăng mới. Dịch vụ điện thoại tăng nhanh cả về số thuê bao, lưu lượng đàm thoại và doanh thu, đảm bảo khá tốt nhu cầu thông tin liên lạc phục vụ công tác lãnh đạo quản lý của Đảng, Nhà nước và hoạt động của các tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn tỉnh, phục vụ các hoạt động sản xuất kinh doanh, sinh hoạt của nhân dân, bảo đảm an ninh quốc phòng. Tuy mức độ sử dụng chưa cao nhưng các doanh nghiệp đã triển khai cung cấp hầu hết các dịch vụ bưu chính viễn thông. Sự tham gia của nhiều doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn đã đẩy nhanh tốc độ phát triển hạ tầng thông tin cũng như tốc độ phát triển dịch vụ viễn thông. Mặc dù mạng lưới dịch vụ bưu chính viễn thông Nghệ An vẫn còn những mặt hạn chế, nhưng với những yếu tố lợi thế về điều kiện về tự nhiên, xã hội Nghệ An đã và đang phát triển hoà nhập và nhanh chóng dịch vụ bưu chính viễn thông trên địa bàn. Chương 3 NHỮNG ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU NHẰM THÚC ĐẨY SỰ PHÁT TRIỂN CỦA DỊCH VỤ BƯU CHÍNH VIỄN THÔNG Ở NGHỆ AN 3.1. DỰ BÁO VỀ XU HƯỚNG, QUAN ĐIỂM VÀ PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN DỊCH VỤ BƯU CHÍNH VIỄN THÔNG Ở NGHỆ AN 3.1.1. Dự báo về xu hướng phát triển dịch vụ bưu chính viễn thông ở Nghệ An thời gian tới 3.1.1.1. Xu hướng phát triển dịch vụ bưu chính Thứ nhất, dịch vụ bưu chính ở Nghệ An sẽ tiếp tục được ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các khâu quản lý khai thác và phát triển các dịch vụ mới như chuyển tiền nhanh, EMS, phát hành báo chí, tính cước, tiết kiệm bưu điện, chia chọn tự động, sử dụng hệ thống mã vạch trong khai thác bưu chính. Xu hướng ứng dụng các thiết bị bưu chính hiện đại như: cân điện tử, máy in tem, máy bán bưu thiếp tự động, bán tem tự động, máy chấp nhận bưu phẩm tự động, băng chuyền hàng các loại…giúp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Xu hướng ứng dụng các công nghệ trong quản lý nguồn nhân lực bưu chính, quản lý chất lượng sản phẩm dựa trên các bộ tiêu chuẩn quản lý cũng sẽ được triển khai. Thứ hai, xu hướng mở cửa thị trường, hội nhập dịch vụ bưu chính trong nước và quốc tế sẽ thúc đẩy phát triển các dịch vụ như chuyển phát nhanh, chuyển tiền, tiết kiệm bưu điện. Tuy nhiên, đó cũng là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp bưu chính Việt Nam nói chung và của Nghệ An nói riêng do thiếu kinh nghiệm; trình độ công nghệ, năng suất lao động, chất lượng dịch vụ thấp, chi phí cao so với các doanh nghiệp nước ngoài. 3.1.1.2. Xu hướng phát triển của dịch vụ viễn thông Thứ nhất, xu hướng ứng dụng công nghệ của dịch vụ viễn thông. Mạng viễn thông thế giới 10 năm qua đã chuyển đổi mạnh mẽ theo hướng số hóa và cáp quang hóa. Xu hướng tới, về cấu trúc mạng, vẫn tồn tại các mạng riêng rẽ cho từng dịch vụ bao gồm cố định, di động, Internet, truyền hình cáp...Mạng điện thoại di động đã chuyển từ thế hệ 1G sang 2G và bắt đầu bước vào 3G. Tại Việt Nam cũng như ở Nghệ An, về công nghệ chuyển mạch, đã hoàn thành chiến lược số hóa 100%. Hình 3.1: Xu hướng ứng dụng công nghệ dịch vụ viễn thông Về công nghệ truyền dẫn đã cáp quang hóa đến hầu hết các huyện và đang ở giai đoạn đầu của chiến lược cáp quang hóa mạng nội hạt. Về cấu trúc mạng, tuy mạng NGN đã được triển khai nhưng chưa đủ khả năng hội tụ các mạng tồn tại độc lập như hiện nay (cố định, di động, Internet...). Nhìn chung, công nghệ phát triển dịch vụ viễn thông của Việt Nam và của Nghệ An phát triển theo những xu hướng tiên tiến trên thế giới. Những xu hướng áp dụng công nghệ chính là: Xu hướng áp dụng công nghệ đối với dịch vụ viễn thông cố định Mạng viễn thông cố định sẽ được chuyển đổi từ mạng TDM hiện nay sang mạng toàn IP dựa trên các tiêu chuẩn NGN. Quá trình chuyển đổi sẽ mất từ 10-15 năm tùy theo mức độ đầu tư của từng doanh nghiệp và sự phát triển của thị trường các dịch vụ mới. Ban đầu mạng NGN sẽ thay thế mạng hiện tại ở cấp liên tỉnh (3-5 năm), sau đó đến cấp nội hạt. Quá trình chuyển đổi giai đoạn 2008 - 2012. Công nghệ truyền dẫn chủ yếu sẽ dựa trên truyền dẫn quang. Thông tin quang tốc độ cao với các công nghệ ghép kênh phân chia theo bước sóng WDM, DWDM sẽ được áp dụng rộng rãi trên các tuyến truyền dẫn đường dài. Công nghệ truy nhập vẫn chủ yếu dựa vào mạng cáp đồng. Vào năm 2010, 70% số thuê bao băng rộng sử dụng công nghệ ADSL. Xu hướng áp dụng công nghệ đối với dịch vụ thông tin di động Thông tin di động thế hệ thứ 3 sẽ phát triển. Truy nhập không dây sẽ có nhu cầu ngày càng lớn. Công nghệ truy cập không dây băng rộng sẽ phát triển mạnh. Hình vẽ dưới đây cho thấy xu hướng phát triển thông tin di động 3G và sau 3G. Hình 3.2: Xu hướng công nghệ thông tin di động Với các công nghệ vô tuyến mới, tốc độ truy nhập có thể lên tới hàng trăm Mbit/s và được triển khai rộng rãi ở một số nước vào năm 2015. Mạng chuyển mạch điện thoại công cộng và mạng số liệu sẽ phát triển hội tụ về mạng NGN (mạng viễn thông thế hệ sau). Công nghệ chuyển mạch đang trong quá trình thay đổi công nghệ theo chu kỳ. Công nghệ ghép kênh phân chia theo thời gian dần dần được thay thế bởi chuyển mạch IP (giao thức Internet) hoặc ATM (phương thức truyền tải không đồng bộ) để hội tụ về mạng NGN. Trong quá trình đó, chuyển mạch mềm softswitch được xem như là giải pháp chủ yếu trước mắt, dựa trên các ứng dụng công nghệ thông tin. Trong tương lai, sẽ có những giải pháp chuyển mạch mềm được xây dựng gọn trên thiết bị phần cứng với hiệu suất cao. Chuyển mạch quang sẽ ngày càng được sử dụng rộng rãi hơn. Công nghệ truyền dẫn chủ yếu sẽ dựa trên truyền dẫn quang với các công nghệ SDH (phân cấp số đồng bộ), SONET (mạng cáp quang đồng bộ) Ring (mạng vòng). Thông tin quang tốc độ cao với các công nghệ ghép kênh phân chia theo bước sóng WDM (ghép kênh phân chia theo bước sóng), DWDM (ghép kênh phân chia theo bước sóng mật độ cao) sẽ được áp dụng rộng rãi trên các tuyến truyền dẫn liên tỉnh. Công nghệ truy nhập sẽ nhanh chóng triển khai sử dụng các thiết bị đầu cuối thông minh. Trong truy nhập số liệu, băng thông rộng ADSL (thuê bao số bất đối xứng) sẽ là giải pháp trước mắt và sẽ dần được nâng cấp lên các công nghệ tiên tiến hơn như xDSL (thuê bao số). Khi mạng NGN phát triển, các chức năng của DSLAM (bộ ghép kênh đa truy nhập đường dây thuê bao số) sẽ được các thế hệ chuyển mạch mềm hoặc các giải pháp BDSL (thuê bao số băng rộng) đảm nhiệm. Truy nhập không dây sẽ có nhu cầu ngày càng lớn. Công nghệ truy cập không dây băng rộng (giao thức mạng máy tính không dây) sẽ phát triển mạnh, công nghệ Wimax có thể sẽ thay thế cả dịch vụ điện thoại di động và Internet truyền thống. Truy cập qua vệ tinh sẽ trở nên phổ biến sau khi Việt Nam có vệ tinh viễn thông. Công nghệ thông tin di động thế hệ 3,5G sẽ phát triển dựa trên với 2 chuẩn giao diện vô tuyến chính là W-CDMA (đa truy nhập phân chia theo mã băng rộng) và CDMA 2000. Công nghệ thông tin di động thứ 4 sẽ sử dụng hoàn toàn chuyển mạch gói. Hội tụ công nghệ viễn thông, phát thanh truyền hình và Internet sẽ trở thành xu thế tất yếu. Các hệ thống truyền hình cáp/số sẽ được huy động tối đa cung cấp dịch vụ truy cập Internet băng rộng. Các công nghệ mới sẽ cho phép cung cấp có hiệu quả các dịch vụ phát thanh, truyền hình và đa phương tiện qua mạng viễn thông và Internet. ứng dụng công nghệ thông tin vào viễn thông ngày càng rộng rãi. Đặc biệt là trong các dịch vụ gia tăng giá trị, hệ thống chăm sóc khách hàng, hệ thống hỗ trợ vận hành OSS, mạng lưới quản trị viễn thông TMN, hệ thống quản trị mạng lưới NMS và các dịch vụ bảo lưu số điện thoại LNP (giữ số điện thoại khi thay đổi nhà cung cấp dịch vụ). Xu hướng ứng dụng công nghệ đối với dịch vụ Internet Công nghệ mạng Internet tập trung vào các ứng dụng công nghệ IPv6 (giao thức Internet phiên bản 6 kích thước địa chỉ 128bit so với 32bit của IPv4 hiện nay, gấp 296 lần) và IP/MPLS (chuyển mạch nhãn đa giao thức), dịch vụ ENUM (ánh xạ số điện thoại thành địa chỉ Internet), tên miền tiếng Việt. Tích hợp mạng NGN, và chuyển đổi từ IPv4 sang IPv6 cùng với dịch vụ ENUM, tên miền tiếng Việt. Việc chuyển đổi từ IPv4 sang IPv6 sẽ trải qua 3 pha, mỗi pha kéo dài từ 3 - 5 năm tùy theo điều kiện của từng nhà khai thác. Pha 1 triển khai các ốc đảo IPv6 trong đại dương IPv4. Pha 2 duy trì một số ốc đảo IPv4 trong đại dương IPv6. Pha 3 chuyển hoàn toàn sang IPv6. Truy nhập Internet băng rộng thay thế trong giai đoạn 2008 - 2010. Các xu hướng áp dụng công nghệ dịch vụ viễn thông khác Một là, Dịch vụ băng rộng và truy nhập mạng qua các thiết bị di động nên làm cho dịch vụ Internet giảm tốc độ tăng trưởng từ năm 2007. Các thiết bị di động cá nhân tích hợp đa dịch vụ do truy cập mạng sẽ trở nên phổ biến làm phát sinh thêm các dịch vụ giá trị gia tăng. Từ năm 2008 xuất hiện dịch vụ truyền hình cáp và truy nhập mạng qua hệ thống truyền hình cáp, năm 2010 dịch vụ truy nhập không dây băng rộng sẽ thay thế dần các dịch vụ điện thoại di động và truy nhập Internet. Viễn thông sau năm 2010 đến năm 2020 sẽ phát triển theo xu hướng sau: Hình thành lõi mạng chuyển mạch quang tốc độ cao. Hội tụ thuê bao di động, cố định và truyền hình. Tốc độ truy nhập lớn để đáp ứng yêu cầu băng thông các dịch vụ giải trí và truyền hình. Phương thức truy nhập: truy nhập quang và vô tuyến. Cấu trúc mạng: phát triển theo mạng thế hệ tích hợp đa dịch vụ công nghệ IP và ATM. Trong thời gian tới phát sinh thêm các nhu cầu giải trí và ứng công nghệ thông tin sẽ làm giảm tỷ trọng các dịch vụ truyền thống. Hai là, xu hướng mở cửa thị trường hội nhập dịch vụ viễn thông trong nước, quốc tế. Bưu chính viễn thông ở tỉnh Nghệ An là một bộ phận không thể tách rời với bưu chính viễn thông trong cả nước, nên xu hướng hội nhập bưu chính viễn thông ở Nghệ An với khu vực và thế giới diễn ra là tất yếu. Xu hướng xuất hiện và phát triển nhanh chóng ở địa bàn tỉnh nhiều doanh nghiệp trong nước và trê nthế giới kinh doanh ở hầu hết các loại dịch vụ viễn thông. Việt Nam đang trong giai đoạn hội nhập quốc tế, lộ trình mở cửa thị trường thực hiện theo những cam kết quốc tế. Thực hiện mở cửa dịch vụ viễn thông, cho phép thành lập liên doanh (vốn Mỹ ≤ 50%), cung cấp dịch vụ gia tăng Internet (từ 12/2004), cho phép thành lập liên doanh cung cấp dịch vụ cơ bản (vốn Mỹ ≤ 49%) vào 10/12/2005, và cho phép thành lập liên doanh cung cấp dịch vụ thoại (vốn Mỹ ≤ 49%) vào 10/12/2007. Theo các thoả thuận với Mỹ trong giai đoạn đến 2010, các doanh nghiệp Mỹ được tham gia thị trường viễn thông Việt Nam theo hình thức cung cấp dịch vụ. Việc xây dựng và thiết lập mạng vẫn do các doanh nghiệp trong nước thực hiện, cung cấp và bán lại dịch vụ sẽ không hạn chế các doanh nghiệp nước ngoài. Như vậy thị trường viễn thông ở Nghệ An cũng như trong cả nước sẽ là thị trường hoàn toàn tự do cạnh tranh. Ba là, xu hướng phát triển các dịch vụ viễn thông cụ thể. Các dịch vụ truyền thống như điện thoại cố định, điện thoại di động, truyền số liệu, truy cập Internet vẫn tiếp tục có nhu cầu ngày càng tăng đến sau năm 2010. Đối với phát triển dịch vụ điện thoại cố định: Từ nay đến năm 2010, nhu cầu lắp đặt điện thoại cố định ở khu vực nông thôn tiếp tục tăng mạnh. Dự báo đến năm 2010 Nghệ An đạt mật độ điện thoại cố định là 12,28 máy trên 100 dân tương đương với 391.186 thuê bao điện thoại cố định. Đối với phát triển điện thoại di động: Giai đoạn 2008-2012 điện thoại di động phát triển mạnh ở khu vực nông thôn do chất lượng phủ sóng của các doanh nghiệp, giá cước phù hợp với thu nhập và mức sống của người dân. Các doanh nghiệp cạnh tranh mạnh để thu hút khách hàng ở khu vực nông thôn bằng các dịch vụ giá thấp, dịch vụ di động nội vùng. Đối với phát triển Internet: Giai đoạn 2008-2015 Số thuê bao Internet của Nghệ An sẽ phát triển mạnh, tốc độ nhanh. Sau năm 2015 có sự hội tụ thuê bao đa dịch vụ, là các thuê bao dịch vụ viễn thông cố định tích hợp điện thoại, Internet, truyền hình… mật độ thuê bao đạt mức bão hoà với đa số dân. Khi đó mọi người dân đều được sử dụng dịch vụ viễn thông tại gia đình. 3.1.2. Quan điểm, mục tiêu, phương hướng phát triển dịch vụ bưu chính viễn thông 3.1.2.1 Quan điểm phát triển dịch vụ bưu chính viễn thông trên địa bàn tỉnh Nghệ An Một là, phát triển dịch vụ bưu chính viễn thông phải dựa vào đường lối, chủ trương chính sách chung của Đảng, Nhà nước, phù hợp với sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Nhà nước phải được quản lý tập trung các hoạt động dịch vụ bưu chính viễn thông thông qua sự quản lý của các bộ ở Trung ương và các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh. Hai là, phát triển dịch vụ bưu chính viễn thông trên địa bàn tỉnh trước hết phải dựa vào qui hoạch phát triển dịch vụ bưu chính viễn thông, qui hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, qui hoạch phát triển dịch vụ bưu chính viễn thông của Trung ương, của các doanh nghiệp lớn kinh doanh bưu chính viễn thông để tránh tình trạng phát triển không đồng bộ, chồng chéo, manh mún, kém hiệu quả. Ba là, phát triển dịch vụ bưu chính viễn thông phải dựa vào chính sách, chiến lược phát triển hợp lý. Có chính sách tạo điều kiện hình thành các nhà khai thác cung cấp dịch vụ. Phân loại dịch vụ bưu chính viễn thông để có chính sách qui định quản lý riêng tạo điều kiện hỗ trợ thúc đẩy các dịch vụ bưu chính viễn thông phát triển. Bốn là, phát huy tính tự chủ, sáng tạo của tất cả các chủ thể sản xuất kinh doanh bưu chính viễn thông. Phát huy mọi nguồn lực, tạo điều kiện cho tất cả các thành phần kinh tế tham gia phát triển dịch vụ bưu chính viễn thông trong môi trường cạnh tranh lành mạnh nhằm xoá dần tình trạng độc quyền, tiến hành đa dạng hoá dịch vụ, tạo điều kiện cho việc tối ưu hoá mạng lưới. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, phát triển hạ tầng viễn thông, phổ cập dịch vụ, phát triển dịch vụ mang tính công ích. Phát triển dịch vụ bưu chính viễn thông phải theo hướng nâng cao chất lượng dịch vụ, kết hợp cung cấp các dịch vụ công ích với các dịch vụ thương mại nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Phổ cập đa dịch vụ đến các bưu cục, điểm bưu điện văn hoá xã. Phát triển đi đôi với đảm bảo an ninh, an toàn thông tin và bảo vệ người tiêu dùng để góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển một cách bền vững. Xác định nguồn vốn của các doanh nghiệp là nguồn vốn chủ yếu cho đầu tư phát triển, sử dụng hiệu quả Quỹ dịch vụ viễn thông công ích phục vụ cho việc phổ cập dịch vụ viễn thông. Năm là, phát triển dịch vụ bưu chính viễn thông phải đồng bộ với phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và tạo điều kiện để phát triển các ngành kinh tế khác. Phát triển bưu chính viễn thông phải nằm trong xu thế hội tụ với công nghệ thông tin và truyền thông phát thanh truyền hình, thúc đẩy nhanh quá trình ứng dụng các công nghệ mới vào sản xuất kinh doanh bưu chính viễn thông, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn có hiệu quả kinh tế - xã hội ngày càng cao. 3.1.2.2. Mục tiêu cơ bản và các chỉ tiêu chủ yếu Mục tiêu cơ bản đối với phát triển dịch vụ bưu chính viễn thông đến 2015 và tầm nhìn 2020 là: Hiện đại hóa cơ sở hạ tầng mạng lưới bưu chính viễn thông ngang tầm với các nước trong khu vực và thế giới, làm nền tảng cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, thương mại điện tử, và lĩnh vực khác, phát triển dịch vụ bưu chính viễn thông và CNTT thành ngành kinh tế kỹ thuật dịch vụ mũi nhọn, góp phần tích cực, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành kinh tế khác; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất lao động, tạo nhiều việc làm và đóng góp vào sự tăng trưởng của kinh tế ngành, địa phương. Các chỉ tiêu chủ yếu về dịch vụ bưu chính viễn thông gồm: Giai đoạn 2006 - 2010: Tổng đầu tư xã hội đạt 75.000 tỷ đồng, tổng đầu tư cho phát triển dịch vụ bưu chính viễn thông đạt 1.793,5 tỷ đồng, chỉ tiêu đóng góp vào GDP của ngành bưu chính viễn thông đạt 2,7%. Giai đoạn 2011 - 2015: Tổng đầu tư xã hội đạt 190.000 tỷ đồng, tổng đầu tư cho phát triển dịch vụ bưu chính viễn thông đạt 1.967,8 tỷ đồng, chỉ tiêu đóng góp vào GDP của ngành Bưu chính viễn thông đạt 3,4%. Giai đoạn 2016 - 2020: Tổng đầu tư xã hội đạt 440.000 tỷ đồng, tổng đầu tư cho phát triển dịch vụ bưu chính viễn thông đạt 2.361,4 tỷ đồng, chỉ tiêu đóng góp vào GDP của dịch vụ bưu chính viễn thông đạt 4,2%. Đối với dịch vụ bưu chính Đến năm 2010: Doanh thu đạt trên 50 tỷ, bưu phẩm thường 229.000 kg, chuyển phát nhanh 4.093.000 cái, bưu kiện 314.000 cái, chuyển tiền 2.450.000 cái, phát hành báo chí 31 triệu tờ, cuốn; bán kính phục vụ bình quân 1 điểm phục vụ - 2,5 km, số dân phục vụ bình quân - 3.200 người/điểm phục vụ, phấn đấu đưa Nghệ An trở thành tỉnh tiên tiến trong cả nước về lĩnh vực bưu chính. Đến năm 2015: Doanh thu đạt trên 130 tỷ, bưu phẩm thường 369.000 kg, chuyển phát nhanh 12.500.000 cái, bưu kiện 632.000 cái, chuyển tiền 5.600.000 cái, phát hành báo chí 78 triệu tờ, cuốn. Đến năm 2020: Doanh thu đạt khoảng 400 tỷ, Duy trì tốc độ tăng doanh thu hằng năm từ 20 - 25%. Bưu phẩm thường 594.000 kg, chuyển phát nhanh 46 triệu cái, bưu kiện 1,3 triệu cái, chuyển tiền 14 triệu cái, phát hành báo chí 239 triệu tờ, cuốn. Cơ bản các thôn có điểm phục vụ trên cơ sở đặt tại trụ sở nhà văn hoá hoặc hội trường thôn.. Đối với dịch vụ viễn thông: Đến năm 2010, doanh thu đạt trên 1.170 tỷ đồng, điện thoại đạt mật độ 30 máy/100 dân, mật độ điện thoại cố định 12 máy/100 dân; mật độ điện thoại di động đạt trên 18 máy/ 100 dân; internet đạt mật độ 10 máy Internet/100 dân); số người sử dụng Internet đạt 40-50%. Đến năm 2015, điện thoại đạt mật độ 53 máy/100 dân, mật độ điện thoại cố định 21 máy/100 dân; mật độ điện thoại di động đạt trên 32 máy/ 100 dân; internet đạt mật độ 10 máy Internet/100 dân); internet đạt mật độ 25 máy Internet/100 dân).. Đến năm 2020, điện thoại đạt mật độ 80 máy/100 dân, mật độ điện thoại cố định 29 máy/100 dân; mật độ điện thoại di động đạt trên 51 máy/ 100 dân; internet đạt mật độ 10 máy Internet/100 dân); internet đạt mật độ 61 máy Internet/100 dân).. 3.1.2.3. Phương hướng phát triển dịch vụ bưu chính Thứ nhất, phát triển mạng bưu cục đến các khu dân cư, điểm du lịch, khu công nghiệp. Đối với mạng phục vụ cấp thôn, xã tập trung phát triển các điểm đại lý đa dịch vụ, điểm bưu điện văn hóa xã với nhiều hình thức phục vụ khác nhau, tạo điều kiện giảm lao động chính thức, tận dụng lao động địa phương. Thứ hai, nâng cao năng lực mạng vận chuyển bưu chính; mở thêm tuyến đường thư cấp I chạy dọc theo đường Hồ Chí Minh, qua các huyện Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Anh Sơn, Thanh Chương. Tăng tuyến đường thư cấp II bằng xe ôtô chuyên ngành để rút ngắn hành trình. Thứ ba, tạo bước đột phá trong ứng dụng tin học, nâng cao hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bưu chính. Thứ tư, phát triển các dịch vụ tài chính mới gồm dịch vụ trả lương hưu, dịch vụ thanh toán, dịch vụ nhờ thu, phát cho các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ (thu tiền bảo hiểm nhân thọ, thu tiền điện, điện thoại, nước…và đặc biệt tham gia cung cấp các dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng. Phát triển các dịch vụ đại lý cho các đơn vị kinh doanh viễn thông như phát hóa đơn, thu cước, tiếp nhận yêu cầu cung cấp dịch vụ. Thứ năm, xã hội hoá lĩnh vực chuyển phát thư theo hướng cạnh tranh, khuyến khích đầu tư phát triển mạng lưới chuyển phát thư, trang thiết bị, công nghệ hiện đại và cung cấp các dịch vụ chất lượng cao, chú trọng ứng dụng tin học và tự động hóa làm tăng thị phần khai thác các dịch vụ chuyển phát thư trong tương lai. 3.1.2.4. Phương hướng phát triển dịch vụ viễn thông Xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng mạng lưới viễn thông, tin học quốc gia có công nghệ hiện đại, hoạt động hiệu quả, an toàn và tin cậy, phủ trong rộng, đảm bảo chất lượng phủ sóng đến tận vùng sâu, vùng xa trên địa bàn của tỉnh. Hình thành mạng lưới thông tin có dung lượng lớn, tốc độ cao, trên cơ sở hội tụ công nghệ và dịch vụ viễn thông, tin học, truyền thông quảng bá. ứng dụng các phương thức truy nhập băng rộng tới tận hộ tiêu dùng bao gồm cáp quang, vô tuyến băng rộng, thông tin vệ tinh (VINASAT) v.v..., làm nền tảng cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, thương mại điện tử, và các lĩnh vực khác. Đến năm 2010: Xa lộ thông tin quốc gia nối tới tất cả các huyện và nhiều xã trong tỉnh bằng cáp quang và các phương thức truyền dẫn băng rộng khác. Tiếp tục mở rộng phạm vi phủ sóng điện thoại đến tận thôn bản, các trường học, bệnh viện được kết nối Internet; các sở, ban, ngành, chính quyền cấp tỉnh và huyện xã được kết nối Internet và mạng diện rộng của tỉnh; Đến năm 2015: Cung cấp cho xã hội, người tiêu dùng các dịch vụ bưu chính viễn thông hiện đại, đa dạng, phong phú với giá cả thấp hơn hoặc tương đương mức bình quân trong nước và của các nước trong khu vực. Thực hiện phổ cập các dịch vụ bưu chính viễn thông, tin học tới tất cả các vùng trong tỉnh. Đóng góp ngày càng cao vào tăng trưởng kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu đưa điện thoại, Internet trở thành phương tiện phổ biến phục vụ cho sản xuất kinh doanh, quản lý xã hội và nhu cầu sinh hoạt của toàn dân. Đến năm 2020: Phấn đấu đáp ứng đầy đủ nhu cầu về các dịch vụ viễn thông trên địa bàn, Cung cấp truyền hình cáp (bao gồm cả hữu tuyến lẫn vô tuyến) trong phạm vi toàn tỉnh đến tận xã. Các dịch vụ dữ liệu, ứng dụng sẽ chiếm phần lớn doanh thu viễn thông khách hàng sử dụng dịch vụ giải trí, truyền hình theo yêu cầu và tiếp cận dịch vụ dễ dàng. Mở rộng cung cấp các dịch vụ công ích gồm: Thông tin cứu hoả, cứu nạn, phòng chống thiên tai, cấp cứu y tế, Thông tin khẩn cấp an ninh trật tự xã hội, tư vấn sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, thị trường nông sản, hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, cung cấp dịch vụ cho khu vực khó khăn. Ngoài các doanh nghiệp nhà nước hiện đã có giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông, các doanh nghiệp trong nước thuộc mọi thành phần kinh tế và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẽ tham gia thị trường dịch vụ viễn thông. Thúc đẩy các doanh nghiệp đã được cấp phép nhanh chóng thực sự đầu tư, cung cấp dịch vụ. Không hạn chế số doanh nghiệp bán lại và cung cấp dịch vụ. Các tổ chức, doanh nghiệp phát thanh, truyền hình số/cáp được phép mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực viễn thông để khai thác hết năng lực của mạng phát thanh, truyền hình số/cáp. Các doanh nghiệp trên thị trường sẽ phân tách 2 dạng là doanh nghiệp cung cấp hạ tầng mạng và doanh nghiệp cung cấp và bán lại dịch vụ. 3.2. NHỮNG GIẢI PHÁP CHỦ YẾU 3.2.1. Giải pháp về cơ chế chính sách Nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của dịch vụ bưu chính viễn thông đối với phát triển kinh tế xã hội. Thông tin tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bưu chính viễn thông, quản lý hoạt động của các doanh nghiệp bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin. Kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện các hoạt động dịch vụ công, thẩm định đối với các dự án về đầu tư chuyên ngành bưu chính viễn thông, tổ chức nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ, hướng dẫn thực hiện các quy định của Nhà nước về áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật, công bố chất lượng sản phẩm, dịch vụ đối với các doanh nghiệp BCVT&CNTT. Thực hiện công tác hợp tác quốc tế về lĩnh vực BCVT&CNTT. Thực hiện có nền nếp công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực BCVT- CNTT từ tỉnh, đến huyện, thành phố. Quán triệt và triển khai thực hiện các Chỉ thị 07/2005/CT-BBCVT, Chỉ thị 10/2005/CT-BBCVT về việc đảm bảo và nâng cao chất lượng dịch vụ viễn thông...Tổ chức công tác đảm bảo thông tin liên lạc, thông tin phòng chống lụt, bão; thông tin về an toàn về cứu nạn, cứu hộ, diễn tập phòng thủ và các thông tin khẩn cấp khác. Chỉ đạo, phối hợp các doanh nghiệp trong việc mở rộng phát triển mạng lưới thông tin cố định và di động, xây dựng triển khai thẩm định các dự án về viễn thông và CNTT. Tăng cường công tác quản lý đại lý Internet. Triển khai xây dựng chương trình phối hợp thực hiện Đề án "Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng CNTT phục vụ hội nhập và phát triển giai đoạn 2005 - 2010" của Thủ tướng Chính phủ nhằm thúc đẩy hoạt động ứng dụng và phát triển CNTT - TT trên các lĩnh vực, ở mọi cấp, mọi ngành. Xây dựng, kiện toàn tổ chức bộ máy Sở Thông tin và truyền thông, chỉ đạo xây dựng, thực hiện tốt qui chế hoạt động. Phát huy trí tuệ, tính chủ động, sáng tạo, đoàn kết, thực hiện tốt vai trò trách nhiệm, chức năng, quyền hạn của từng đơn vị và cá nhân kinh doanh dịch vụ BCVT- CNTT. Vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Thực hiện tốt công tác xây dựng hệ thống quy phạm pháp luật, hoạch định chính sách, cơ chế về quản lý dịch vụ bưu chính viễn thông. Trong năm 2008 và những năm tiếp theo, trên cơ sở hệ thống văn bản của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương, tỉnh cần tiếp tục xây dựng cụ thể hoá đầy đủ hệ thống văn bản về quản lý dịch vụ bưu chính viễn thông trên địa bàn tỉnh. Sở thông tin và truyền thông phải có các văn bản hướng dẫn kịp thời, đầy đủ để các cấp các ngành, các doanh nghiệp trên địa bàn tổ chức thực hiện. Thường xuyên chỉnh lý, bổ sung những nội dung còn thiếu hoặc chưa phù hợp để đảm bảo công tác chỉ đạo điều hành phát triển dịch vụ bưu chính viễn thông có hiệu quả. Tiếp tục quán triệt các chủ trương đường lối, chính sách và văn bản pháp luật liên quan đến phát triển bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin trên địa bàn cho lãnh đạo các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và toàn dân nhằm không ngừng nâng cao nhận thức và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương đường lối, chính sách pháp luật đó. Gương mẫu đi đầu trong công tác ứng dụng phát triển dịch vụ BCVT- CNTT vào quản lý hành chính nhà nước tại cơ quan, đơn vị. Đảm bảo cho sự phát triển của khoa học - công nghệ, hội tụ công nghệ, song phải làm chủ được công nghệ, kiểm soát được hội tụ nhưng không làm hạn chế sự phát triển đó, hay nói cách khác quản lý cần phải theo kịp sự phát triển. Bảo đảm để BCVT- CNTT vừa là cơ sở hạ tầng sản xuất vừa là cơ sở hạ tầng xã hội. Bảo đảm để BCVT- CNTT là ngành thương mại, dịch vụ phát triển theo đúng nghĩa của cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, đồng thời vẫn bảo đảm phổ cập dịch vụ tới mọi tầng lớp nhân dân. Bảo đảm thông tin và an ninh thông tin. Cần cụ thể hoá bằng cơ chế nhằm tạo động lực tốt cho phát triển bưu chính viễn thông trên địa bàn. Cơ chế đóng vai trò quan trọng, cơ chế tạo ra một môi trường cạnh tranh, huy động các nguồn nhân lực, do đó cần tiến hành hoạch định chính sách cơ chế hợp lý để thúc đẩy nhanh sự phát triển dịch vụ bưu chính viễn thông, thúc đẩy được sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp bưu chính viễn thông trên địa bàn. Cần lấy viettel như một điển hình có thể rút kinh nghiệm học tập trong lãnh đạo, điều hành, đề ra và thực hiện cơ chế. Lấy Viễn thông Điện lực với phát triển tốt điện thoại không dây, VNPT với phát triển Internet, phát triển nhanh của VTC … Hoàn thiện cơ chế chính sách thu hút đầu tư. Tỉnh và các doanh nghiệp trên địa bàn cần triển khai thực hiện có hiệu quả các chưng trình hỗ trự phát triển bưu chính viễn thông công ích, thực hiện chính sách đối với người lao động trong các doanh nghiệp nhà nước kinh doanh về dịch vụ bưu chính viễn thông ở Nghệ An nhằm đổi mới chất lượng đội ngũ. Chú trọng phổ cập dịch vụ truy nhập Internet theo các chương trình hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao dân trí, mở rộng phổ cập dịch vụ điện thoại và Internet dưới hình thức trợ giá. 3.2.2. Đẩy mạnh phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh để tạo điều kiện phát triển dịch vụ bưu chính viễn thông Đẩy mạnh tốc độ phát triển kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng bưu chính viễn thông. Nghệ An đề ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm thời kỳ 2006 -2010 là 12 -13%, giai đoạn 2011 - 2020 đạt 12 - 12,5%. GDP bình quân đầu người đến năm 2010 đạt 850-1000USD; Cơ cấu kinh tế đến năm 2010 là: Công nghiệp 39%, dịch vụ 37%, nông nghiệp 24%; năm 2020 là: Công nghiệp 43-43,5%, dịch vụ 43-43,5% và nông nghiệp 13,5-14%. Ưu tiên phát triển công nghiệp nhằm tạo sự tăng trưởng cao để tăng nhanh tỷ trọng GDP, giải quyết nhiều việc làm cho người lao động. Đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ, tăng thu ngân sách và tạo môi trường thu hút đầu tư. Phấn đấu đến năm 2010, điện thoại đạt 28 máy/100 dân, 100% số thôn bản có điện thoại. 3.2.3. Tăng cường năng lực hiệu quả quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh đối với dịch vụ bưu chính viễn thông Thực hiện tốt công tác dự báo về phát triển dịch vụ bưu chính viễn thông, về xu hướng phát triển khoa học công nghệ, mở cửa thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế. Sự biến đổi và phát triển của xã hội ngày nay vô cùng năng động và phức tạp, biểu hiện rõ nét nhất là sự chuyển đổi của kinh tế thế giới theo hướng toàn cầu hoá, đa phương hoá, khu vực hoá và quá trình phát triển của xã hội loài người tiến tới xã hội thông tin mà nguyên nhân của nó là sự phát triển bùng nổ của khoa học - công nghệ và sự hội tụ công nghệ, đặc biệt giữa các lĩnh vực bưu chính - viễn thông - điện tử - tin học - truyền thông quảng bá (gọi chung là bưu chính viễn thông). Giữ vững quyền lực Nhà nước trên địa bàn trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, giữ vững định hướng chiến lược phát triển cho quốc gia, bảo đảm an toàn, an ninh và chủ quyền dân tộc, bảo vệ quyền lợi người dân để đạt tới mục tiêu xã hội hoá thông tin ngày càng cao. Thiết lập các cơ chế kiềm chế sự khiếm khuyết của cơ chế thị trường, phân định được vai trò của chính quyền và vai trò thị trường trong việc điều chỉnh các hoạt động bưu chính, viễn thông và điều chỉnh các điều kiện cạnh tranh giữa các nhà khai thác. Chính quyền địa phương cần duy trì các điều kiện cạnh tranh công bằng và có hiệu quả nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, có hiệu quả, góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh của các nhà doanh nghiệp, nâng cao lợi ích cho toàn xã hội, nâng cao hiệu quả kinh doanh,cắt giảm chi phí và hạ giá thành sản phẩm dịch vụ, bảo đảm lợi ích trực tiếp cho người sử dụng, bảo đảm chuyển đổi nhanh môi trường từ độc quyền sang cạnh tranh. Tỉnh và các doanh nghiệp trê nđịa bàn cần quản lý thống nhất đối với các nguồn tài nguyên thông tin và cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia, quản lý thống nhất theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển dài hạn và trung hạn của nhà nước điều hoà lợi ích giữa các doanh nghiệp và lợi ích giữa doanh nghiệp với người sử dụng, các nguồn tài nguyên quốc gia về thông tin (như phổ tần số vô tuyến điện, kho số, địa chỉ và tên miền Internet). Cần phải có kế hoạch tối ưu để sử dụng có hiệu quả, tiết kiệm, công khai, rõ ràng và công bằng để khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào phát triển mạng lưới, dịch vụ bưu chính viễn thông. Quản lý tèt thông tin, phát huy tối đa thế mạnh thông tin của mình, ngăn chặn kịp thời các âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch. Có biện pháp khắc phục mặt trái ảnh hưởng đến an ninh thông tin liên lạc, trật tự an toàn xã hội như các biên pháp về quản lý thuê bao, quản lý dịch vụ…Thực hiện tốt quyền điều tiết, giải quyết tốt mối quan hệ kinh doanh - công ích. Trong môi trường cạnh tranh, với sự tham gia của một số nhà khai thác mới, không thể đặt toàn bộ trách nhiệm phục vụ công ích lên vai một nhà khai thác. Để giải quyết tốt mối quan hệ kinh doanh - công ích nên phải điều tiết, phải có giải pháp cho vấn đề này. Đảm bảo mối quan hệ giữa quyền sở hữu, tạo động lực phát triển và quyền lợi cho người sử dụng thực chất là thực hiện quyền lực công trong lĩnh vực bưu chính viễn thông. Tăng cường sự chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh, mà thường xuyên trực tiếp là Sở Thông tin và truyền thông Nghệ An đối với sự phát triển của dịch vụ bưu chính viễn thông. Tổ chức, chỉ đạo, kiểm tra thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển, các chương trình, dự án, tiêu chuẩn, định mức kinh tế, kỹ thuật về bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin. Cần chỉ đạo các ngành khác trong việc giúp đỡ, hỗ trợ để dịch vụ bưu chính viễn thông phát triển, thường xuyên học tập các địa phương khác và tự đúc rút kinh nghiệm trong điều hành quản lý phát triển dịch vụ bưu chính viễn thông. Chỉ đạo các doanh nghiệp phối hợp cùng hợp tác cạnh tranh lành mạnh, cùng phát triển, tạo điều kiện thúc đẩy nhanh kinh tế xã hội trên địa bàn phát triển. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh không thoả mãn với những gì đạt được, hằng năm cố gắng phấn đấu đạt mức tăng trưởng ngày càng cao hơn. Tổ chức chỉ đạo, thực hiện tốt Qui hoạch phát triển dịch vụ bưu chính viễn thông giai đoạn 2007 - 2010; 2011 - 2015; 2016 - 2020: Thực hiện tốt việc sử dụng kinh phí đầu tư cho BCVT-CNTT vào phát triển kinh tế trong ngân sách địa phương. Khuyến khích phát triển điện tử, phần mềm, mở rộng gia công, nội địa hoá. Rà soát văn bản pháp luật, có những cơ thế, chính sách để phát triển mạnh mẽ hơn lĩnh vực BCVT-CNTT với tinh thần tạo mọi điều kiện thuận lợi huy động mọi nguồn lực phát triển nhưng phù hợp với các cam kết quốc tế. Đồng thời, đào tạo nguồn nhân lực phải biết nói tiếng Anh, sử dụng được máy vi tính. 3.2.4. Phát triển tốt cơ sở hạ tầng, ứng dụng có hiệu quả khoa học công nghệ bưu chính viễn thông, tin học 3.2.4.1. Phát triển tốt cơ sở hạ tầng bưu chính viễn thông, tin học Xây dựng xa lộ thông tin có dung lượng lớn nối với tất cả các xã, tốc độ cao, sử dụng cáp quang, vô tuyến băng rộng, thông tin vệ tinh (VINASAT)...Cập nhật công nghệ hiện đại, tiên tiến trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin, lựa chọn công nghệ đón đầu, tương thích, phù hợp với xu hướng hội tụ công nghệ. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ trong tất cả các lĩnh vực: thiết bị, mạng lưới, dịch vụ, công nghiệp, quản lý, nguồn nhân lực... Cần chủ động xây dựng tốt các phương án phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh để bảo vệ mạng lưới hạ tầng bưu chính viễn thông, đặc biệt chú trọng các vùng trọng điểm dọc các vùng trũng Sông Cả, Sông Hiếu, hạ lưu các con sông khác và vùng lũ quét các huyện miền núi Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong… mở rộng vùng phủ sóng di động, đảm bảo duy trì liên lạc trong các điều kiện thiên tai bão lụt… Tại vùng lũ quét các trạm viễn thông đều duy trì phương thức truyền dẫn vi ba dự phòng cho cáp quang. Vùng duyên hải bắt buộc phải có thiết bị liên lạc và thực hiện nghiêm chế độ khai báo ngư trường đối với tàu đánh bắt xa bờ. Có thể có chính sách hỗ trợ ngư dân thiết bị liên lạc dưới hình thức trả góp và bán với giá ưu đãi. Chỉ đạo tăng tần suất phát bản tin thời tiết khi có thiên tai, mở các khoá huấn luyện đào tạo người dân sử dụng tốt các thiết bị thông tin liên lạc. 3.2.4.2. Ứng dụng có hiệu quả khoa học công nghệ bưu chính viễn thông, tin học Có thể có các giải pháp phát triển khoa học công nghệ bưu chính viễn thông cụ thể như sau: Nghiên cứu ứng dụng và phát triển có hiệu quả công nghệ tiên tiến: Nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện cấu trúc mạng viễn thông Việt Nam theo cấu trúc mạng thế hệ sau NGN trên cơ sở hạ tầng viễn thông và Intemet hiện tại. áp dụng những thành tựu khoa học và công nghệ mới vào việc xây dựng và phát triển mạng. Xây dựng một mạng lưới hiện đại đủ năng lực truyền tải lưu lượng và các loại hình dịch vụ, bảo đảm chất lượng cung cấp dịch vụ và độ an toàn cao, đáp ứng nhiều nhà khai thác trên mạng. Nghiên cứu phát triển mạng đường trục gồm công nghệ chuyển mạch gói tốc độ cao, chuyển mạch mềm, chuyển mạch nhãn. Phương án công nghệ chuyển đổi mạng hiện tại sang mạng chuyển mạch gói mới. Các công nghệ truyền dẫn mới g#m IP trên SDH trên truyền dẫn quang. Phương án sử dụng chung mạng lõi dựa trên IP cho các mạng truy nhập của các nhà khai thác khác nhau. Phát triển mạng truy nhập hữu tuyến băng rộng g#m giải pháp mạng truy nhập cáp quang tới tận nhà thuê bao. Tích hợp cung cấp dịch vụ truyền hình cáp và dịch vụ viễn thông trên mạng cáp đồng trục. Nghiên cứu ứng dụng và phát triển có hiệu quả công nghệ và dịch vụ mới: Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ và dịch vụ Bưu chính mới, tạo ra nhiều phần mềm cho quản lý, khai thác và lưu trữ số liệu bưu chính. Sử dụng các máy tính có tốc độ xử lý cao nối với nhau thông qua mạng Internet giúp truyền đưa tin hiệu quả nhanh chóng cho phép ứng dụng trong truy tìm, định vị sản phẩm bưu chính, tạo điều kiện hoàn thiện chất lượng các dịch vụ vốn có và phát triển các dịch vụ bưu chính mới như Datapost, Letter to mail hay Mail to Letter, E-post. Chú trọng phát triển công nghệ chuyển mạch băng rộng, công nghệ chuyển mạch gói, giải pháp kết hợp giữa mạng IP và PSTN; các hệ thống chuyển mạch mềm, đa dịch vụ. Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ truyền dẫn và mạng truy nhập g#m truyền dẫn băng rộng bằng cáp quang, DWDM (Dense Wavelength Division Mutiplexing). ứng dụng hiệu quả vệ tinh VINASAT, các hệ thống truy nhập băng rộng XDSL, cáp quang FTTH, cáp đồng trục, WiMax. Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin di động 3G, 4G, WiMax, công nghệ truyền hình và phát thanh số, truyền hình cáp, IP TV. Nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ nền kinh tế xã hội, thúc đẩy các ứng dụng công nghệ và dịch vụ gồm Chính phủ điện tử, thương mại điện tử, thông tin điện tử, công nghiệp nội dung gồm trò chơi trực tuyến, thông tin, nhắn tin đa phương tiện...Triển khai nghiên cứu phát triển ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông ICT cho khu vực nông thôn thông qua việc lựa chọn các mô hình, công nghệ, cấu trúc mạng, dịch vụ thích hợp. Phát triển có hiệu quả công nghệ sản phẩm: Phát triển sản phẩm phần mềm phục vụ chính phủ điện tử, chứng thực điện tử, dịch vụ cung cấp nội dung thông tin. Phát triển và ứng dụng phần mềm nguồn mở, nghiên cứu phát triển các phần mềm Việt hoá và sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt trên Intemet, các giải pháp thông tin liên lạc (thoại và phi thoại) hiệu quả trong điều kiện Việt Nam trên mạng LAN cho công sở và các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Giải pháp công nghệ thiết lập mạng viễn thông hiệu quả cho thông tin trên biển, vùng xa, nông thôn, miền núi. Sản phẩm mẫu, một số sản phẩm truy nhập băng rộng, thiết bị chế thử sử dụng trên mạng, qui trình công nghệ cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh trong Ngành. Thực hiện tốt công tác nghiên cứu khoa học phục vụ quản lý: Nghiên cứu xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách giúp cho công tác quản lý theo kịp sự phát triển của công nghệ đối với các vấn đề cụ thể như hội tụ viễn thông, CNTT và truyền thông; Mạng và dịch vụ đa phương tiện (multimedia); Dịch vụ thông tin di động: nội dung SMS, thuê bao trả trước…; Trò chơi trực tuyến; Tổ chức, kết nối mạng của các doanh nghiệp với mạng đường trục; Qui hoạch, cấp phép các hệ thống WiMax, 3G; Công nghệ IP TV, RFID, mạng ubiquitous, home networking... Nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn Ngành đối với các vấn đề cụ thể như lĩnh vực truyền thông gồm các thiết bị truyền hình, phát thanh đáp ứng yêu cầu chống can nhiễu, đảm bảo chất lượng. Lĩnh vực CNTT g#m phần cứng, phần mềm. Chuyển đổi tiêu chuẩn Ngành sang quy chuẩn Việt Nam. Hoàn thiện, bổ sung các tiêu chuẩn viễn thông, truyền dẫn phát sóng đảm bảo chống can nhiễu, phục vụ kết nối mạng, đảm bảo chất lượng dịch vụ... Nâng cao năng lực ứng dụng và phát triển bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin. Tuyên truyền, phổ biến chính sách của Nhà nước về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, về đầu tư và thu hút đầu tư cho lĩnh vực bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin, về việc thực thi Chính phủ điện tử, công dân điện tử…áp dụng các quy định và tiêu chuẩn cụ thể đối với đối tượng bắt buộc như: cán bộ, công chức, sinh viên… và có chính sách khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin đối với các đối tượng không bắt buộc. Ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất cho một số cơ sở đào tạo về công nghệ thông tin, nhằm tạo điều kiện cho công dân được tiếp cận đến kiến thức và kỹ năng sử dụng dịch vụ về công nghệ thông tin. Về ứng dụng CNTT, phấn đấu đến năm 2010 trên địa bàn tỉnh được cung cấp cung cấp 60% dịch vụ hành chính công cơ bản trực tuyến; 100% các ngành, cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể cấp tỉnh có trang thông tin điện tử để cung cấp các thông tin, mẫu biểu hành chính liên quan tới chức năng, nhiệm vụ; 70% các doanh nghiệp lớn trên địa bàn sử dụng và xây dựng giao dịch thương mại điện tử; 50% chương trình đào tạo từ xa được cung cấp qua mạng; tỷ lệ người sử dụng máy tính là 30%; 100% lượng máy tính trong các doanh nghiệp được nối mạng, trong đó có 50% được kết nối Internet. Công nghiệp CNTT phải phát triển đột phá, tập trung đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao gấp 1,5-2 lần bình quân tốc độ tăng trưởng chung của cả nước tăng dần doanh thu công nghiệp CNTT bằng cách thúc đẩy các loại hình doanh nghiệp làm vệ tinh sản xuất và ứng dụng công nghệ thông tin… 3.2.5. Đổi mới tổ chức hoạt động dịch vụ bưu chính viễn thông Theo lộ trình, năm 2007 Việt Nam đã hoàn tất việc chia tách bưu chính và viễn thông trong hoạt động sản xuất kinh doanh và phục vụ của VNPT. Bưu chính sau khi tách đã được tổ chức thành pháp nhân độc lập dưới hình thức Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam, các đơn vị trực thuộc cấp dưới là các Bưu điện tỉnh, thành phố. Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam là thành viên trong VNPT, kinh doanh đa ngành, trong đó bưu chính là ngành kinh doanh chính; bảo đảm cung cấp các dịch vụ bưu chính công cộng theo quy định của Pháp lệnh Bưu chính viễn thông và các nhiệm vụ bưu chính công ích khác do Nhà nước giao. Tổng công ty Bưu chính Việt Nam sẽ tiếp tục đầu tư thiết bị hiện đại, cán bộ được đào tạo lại để cập nhật với dây chuyền công nghệ bưu chính hiện đại, đồng thời mở mang thêm các loại hình dịch vụ khác để sắp xếp số lao động dôi dư không bố trí được trong dây chuyền sản xuất. Nhà nước sẽ tiếp tục có sự phân định rõ giữa dịch vụ công ích và kinh doanh để đảm bảo vừa phục vụ tèt các nhiệm vụ công ích vừa đảm bảo sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Về cơ bản thì việc chia tách bưu chính và viễn thông trong hoạt động của VNPT sẽ không gây ảnh hưởng tới việc cung cấp các dịch vụ cho khách hàng trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Trong quá trình hoạt động, Tổng công ty Bưu chính Việt Nam, Bưu điện tỉnh Nghệ An sẽ tiếp tục được hỗ trợ kinh phí từ VNPT, bên cạnh đó, còn được phép kết hợp cung cấp các dịch vụ công ích với các dịch vụ thương mại, để có thể đảm bảo thu bù chi vào năm 2010. Và tiến tới hoạt động có lãi sau từ 3 đến 5 năm chia tách. Bên cạnh Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam, mà trực tiếp kinh doanh trên địa bàn là Bưu điện tỉnh Nghệ An, đơn vị chủ yếu kinh doanh trên lĩnh vực bưu chính, đã có thêm các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bưu chính khác và tạo nên sự cạnh tranh về sản xuất kinh doanh dịch vụ bưu chính trên địa bàn. Các doanh nghiệp này ban đầu có qui mô nhỏ nhưng hoạt động linh hoạt có hiệu quả và thường tập trung vào những sản phẩm dịch vụ gọn, nhẹ, dễ thực hiện. Trong những năm tới qui mô sẽ được mở rộng, chất lượng dịch vụ được nâng cao. Đa dạng hoá sản phẩm, mở rộng thị trường Tăng cường thực hiện có hiệu quả công tác tiếp thị và quảng bá thương hiệu Thúc đẩy mở rộng thị trường cả về chiều rộng, chiều sâu. Mở rộng thị trường trong toàn tỉnh, chú trọng tới cả vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn và thành thị; Tập trung phát triển các dịch vụ mới như Internet tốc độ cao, các dịch vụ di động, dịch vụ băng thông rộng…Không ngừng mở rộng các dịch vụ cơ bản trên mạng cố định, di động, Internet. Các dịch vụ được triển khai trên mạng cố định bao gồm: Mở rộng lĩnh vực tư vấn, giải đáp thông tin chú trọng lĩnh vực công nghiệp hoá nông thôn, kỹ thuật nông nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi, thuỷ sản…Các dịch vụ chuyển mạng giữ số (number portability) và dịch vụ phân tách mạch vòng nội hạt (local loop unbundling) để mở rộng sự lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ và tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng. Dịch vụ giải trí (1900), thương mại (1800). Phối hợp với ngân hàng mở dịch vụ thanh toán qua điện thoại. Các dịch vụ trên mạng di động gồm có: Tra cứu thông tin trực tuyến bản đồ, thông tin kinh tế - xã hội, đào tạo… Thanh toán, mua bán trực tuyến, đăng ký, đặt chỗ…Giải trí online, game, xem phim, nghe nhạc, thảo luận nhóm…Roaming các mạng di động cùng công nghệ. Truyền dữ liệu, truy nhập Internet. Các dịch vụ công ích nh# cảnh báo thiên tai, phòng chống dịch bệnh…Các dịch vụ Internet bao gồm: Truy nhập Internet băng rộng. Truy nhập Internet không dây. Các ứng dụng công nghệ thông tin về hành chính, thương mại điện tử, đào tạo từ xa, y tế từ xa…Thực hiện phổ cập dịch vụ Internet. Cung cấp dịch vụ tại các điểm bưu điện văn hoá xã. Tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh và thực hiện nhiệm vụ công ích bưu chính và viễn thông, đảm bảo cung cấp dịch vụ đa dạng theo tiêu chuẩn quốc tế. Triển khai chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ các dịch vụ bưu chính viễn thông công ích, dịch vụ cộng đồng và các dịch vụ giá trị gia tăng khác. Khuyến khích phát triển các dịch vụ điện tử, phần mềm tin học. Đẩy mạnh tốc độ phát triển BCVT-CNTT bình quân hằng năm, tăng tỉ trọng doanh thu, trong đó chú trọng công nghệ phần mềm. Sử dụng tốt lợi thế nguồn nhân lực trẻ, thông minh, tiềm năng phát triển công nghệ phần mềm, công nghiệp điện tử của địa phương. Mở rộng phát triển thị trường bưu chính viễn thông đến mọi thành phần dân cư, doanh nghiệp, tổ chức chính trị xã hội. Hợp tác bằng nhiều hình thức liên doanh, liên kết, trong nước, ngoài nước tạo sự nhảy vọt nhanh chóng thị trường dịch vụ bưu chính viễn thông. Nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp kinh doanh loại dịch vụ này trên địa bàn tỉnh, ngoại tỉnh, và ngoài nước. Phát triển hợp lý theo vùng mạng lưới hạ tầng dịch vụ bưu chính viễn thông Cần phân chia theo ba vùng và theo ba phương án, triển khai đồng bộ, hợp lý cả về chuyển mạch, truyền dẫn, mạng di động, mạng ngoại vi. Các phương án phát triển như sau: Phương án phát triển vùng trung tâm: Bao gồm Thành phố Vinh và thị xã Cửa Lò. Đây là khu vực đô thị, tập trung đông dân, là trung tâm kinh tế, văn hóa của toàn tỉnh. Định hướng phát viễn thông là cung cấp nhiều dịch vụ đa dạng và đảm bảo mỹ quan mạng viễn thông. Mạng viễn thông tiểu vùng này cần hiện đại, băng thông rộng thoả mãn nhu cầu giải trí và ngầm hoá mạng nội hạt. Truyền dẫn cần thoả mãn nhu cầu cung cấp dịch vụ công của mạng Chính phủ điện tử kết nối các sở ban ngành của tỉnh. Phương án phát triển vùng đồng bằng: Bao gồm 7 huyện Đô Lương, Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Yên Thành, đây là khu vực phát triển cả nông nghiệp, công nghiệp, thu hút nhiều dự án đầu tư. Vùng này cần xây dựng mạng truy nhập quang đến các khu công nghiệp, tăng cường hệ thống tổng đài, phủ sóng di động toàn vùng. Phương án phát triển vùng đồi núi: Bao gồm 10 huyện Thanh Chương, Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, Tân Kỳ, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn. Vùng này cần đặc biệt chú trọng phát triển mở rộng độ phủ mạng lưới và phổ cập dịch vụ viễn thông và cung cấp dịch công ích. Phát triển hợp lý theo cấu trúc mạng hạ tầng dịch vụ bưu chính viễn thông Giữ nguyên công nghệ hiện tại, công nghệ lõi mạng (phần chuyển mạch), nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho mở rộng mạng, giảm chi phí đầu tư, phát triển tăng nhanh số thuê bao điện thoại cố định và Internet. Đồng thời triển khai mô hình mạng NGN cho các thuê bao phát triển mới và cung cấp dịch vụ. Công nghệ hiện tại chuyển mạch kênh sẽ được thay thế công nghệ NGN với ưu điểm là công nghệ tiên tiến, đáp ứng được cho giai đoạn sau năm 2010, khai thác mạng lưới hiệu quả tạo điều kiện giảm giá thành dịch vụ, với dung lượng và tốc độ truy nhập cao, là giải pháp tối ưu để cung cấp các dịch vụ băng rộng và các dịch vụ mới ứng dụng công nghệ thông tin, giải trí…, cho phép sử dụng hiệu quả đường truyền giảm chi phí đầu tư khi tỷ lệ sử dụng cao. Thực hiện thay thế dần công nghệ hiện tại bằng công nghệ mạng NGN từ 2008 - 2015. điều chuyển thiết bị ở Thành phố Vinh cho các huyện và tiến hành thay thế thiết bị mới từ 2009. Tiến hành tái đào tạo đội ngũ lao động. Lựa chọn: Cơ sở hạ tầng mạng viễn thông do các doanh nghiệp tự đầu tư, xây dựng từ nguồn vốn của doanh nghiệp, Nhà nước không cấp ngân sách, vì vậy lựa chọn phương án do các doanh nghiệp tự quyết định căn cứ vào khả năng thực tế, nhu cầu thị trường và sự phát triển công nghệ. Có thể lựa chọn phương án này vì là phương án có tính khả thi cao nhất. Riêng Thành phố Vinh là trung tâm văn hoá - kinh tế - xã hội của vùng cần nhanh chóng ứng dụng công nghệ hiện đại, nên điều chuyển các thiết bị công nghệ cũ TDM ra các huyện và thay thế dần bằng các thiết bị NGN mới. Đề án phát triển Thành phố Vinh trở thành trung tâm kinh tế - văn hoá vùng Bắc Trung Bộ đã được Chính phủ phê duyệt, vì vậy mạng viễn thông Thành phố Vinh đảm bảo các yêu cầu là nút trung chuyển toàn vùng, năng lực chuyển mạch cao, hiện đại, đường truyền tốc độ lớn và có khả năng dự phòng tốt. 3.2.6. Đẩy mạnh đào tạo phát triển nguồn nhân lực và thu hút nhân tài Tỉnh và các doanh nghiệp trên địa bàn cần tập trung thực hiện tốt công tác đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là công tác đào tạo cán bộ quẩn lý nhà nước, quản lý sản xuất kinh doanh, cán bộ kỹ thuật chuyên ngành bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin. Đào tạo bồi dưỡng đáp ứng cả về số lượng và chất lượng. Phấn đấu sau năm 2010, đạt chỉ tiêu về năng suất, chất lượng lao động phục vụ bưu chính viễn thông ngang bằng trình độ các nước tiên tiến trong khu vực, đến năm 2015 ngang bằng trình độ các nước tiên tiến trên thế giới. Chú trọng công tác đào tạo, thu hút nguồn nhân lực cho ứng dụng bưu chính viễn thông công nghệ thông tin trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển thị trường bưu chính viễn thông, CNTT ở địa phương. Đẩy mạnh việc dạy và ứng dụng CNTT và truyền thông ở các trường phổ thông, chuyên nghiệp, dạy nghề; tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở đào tạo công nghệ thông tin và truyền thông; xây dựng cơ sở vật chất, bố trí giáo viên, triển khai thực hiện dạy tin học trong trường trung học phổ thông, ở tất cả các cấp, các ngành; Thực hiện quy định bắt buộc cán bộ, công chức, viên chức sử dụng phương tiện CNTT và truyền thông trong công việc khai thác, cập nhật, chia sẻ thông tin; ứng dụng CNTT và truyền thông trong cải cách thủ tục hành chính. Huy động các nguồn vốn của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần, tư nhân, vốn ngân sách nhà nước và của nhân dân cho sự nghiệp phát triển CNTT và truyền thông. Có qui hoach và tổ chức thực hiện có hiệu quả quy hoạch phát triển nguồn nhân lực bưu chính viễn thông. Nâng cao nhận thức, vai trò, vị trí của bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin trongấcc cấp, các ngành. Nâng cao năng lực sử dụng bưu chính viễn thông và CNTT cho cán bộ, công chức Sở thông tin và truyềng thông, lãnh đạo các sở, ngành và các huyện, thành, thị, cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh về bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin (doanh nghiệp); Cho các tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin (người sử dụng). Bằng hình thức tổ chức tuyên truyền phổ biến pháp luật, tuyên truyền về sử dụng Internet trên các phương tiện thông tin đại chúng; m# các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, tổ chức các hội thảo chuyên đề, tổ chức hội chợ, triển lãm…Phát động phong trào xoá mù về bưu chính viễn thông và CNTT trong Thanh niên, Phụ nữ, Cựu chiến binh, Hội nông dân... Đánh giá kết quả đào tạo kỹ thuật viên, công nhân kỹ thuật bưu chính viễn thông, khả năng đáp ứng yêu cầu phát triển bưu chính viễn thông Nghệ An trong những năm qua đó xây dựng và thực hiện giải pháp đào tạo, chính sách thu hút nguồn nhân lực bưu chính viễn thông trình độ cao. Xây dựng và thực hiện giải pháp đào tạo ngắn hạn nguồn nhân lực, xây dựng, nâng cấp các trung tâm đào tạo bưu chính viễn thông - CNTT trong tỉnh. Phối hợp với các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề. Mở rộng quy mô, đa dạng hóa loại hình, xã hội hóa mạnh mẽ các hoạt động đào tạo về bưu chính viễn thông và CNTT. Nâng cấp Trung tâm bưu chính viễn thông xây dựng thành Trung tâm đào tạo phát triển bưu chính viễn thông và CNTT ứng dụng cao, cơ sở vật chất hiện đại, chương trình đào tạo tiên tiến, đào tạo trong nước, hợp tác đào tạo quốc tế. Chủ động trong xây dựng, thực hiện quy hoạch nguồn nhân lực bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin của tỉnh. Tăng cường đào tạo chuyên ngành điện tử viễn thông tại các trường Đại học kỹ thuật trên địa bàn. Mở rộng quan hệ hợp tác trong nước và quốc tế trong đào tạo nguồn nhân lực bưu chính viễn thông và CNTT, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao về công nghệ và quản lý. Xây dựng chương trình nội dung cụ thể và triển khai các lớp học bổ túc thường xuyên, các lớp nâng cao của cán bộ trong bộ máy quản lý Nhà nước cũng như trong các doanh nghiệp. Xây dựng và thực hiện các chương trình đào tạo nâng cao tay nghề, đào tạo công nhân bưu chính viễn thông và CNTT đạt tiêu chuẩn cao, hướng tới xuất khẩu lao động. Đổi mới, sắp xếp có hiệu quả tổ chức bộ máy các doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn, nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động hội nhập. Chỉ đạo các doanh nghiệp hoàn thiện mô hình tổ chức theo mô hình Tập đoàn, mô hình công ty mẹ công ty con…nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong điều kiện Việt Nam đã là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới WTO. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử và các dịch vụ tài chính mới nảy sinh vấn đề nguồn nhân lực vì vậy việc kế hoạch hóa nguồn nhân lực là yếu tố thiết yếu trong quá trình đổi mới bưu chính. Do đó cần chú trọng trình độ nguồn nhân lực, số lượng nguồn nhân lực và nguồn cung ứng nguồn nhân lực trong tương lai. Người lao động phải có kiến thức tổng quát về đặc thù của riêng ngành kinh doanh dịch vụ bưu chính viễn thông, có trình độ tin học sử dụng các phần mềm ứng dụng trong bưu chính. Đối với các nhân viên giao dịch phải có các kỹ năng bán hàng, kỹ năng maketing, giao tiếp. Tạo điều kiện phát huy hết tiềm năng, bồi dưỡng hoàn thiện kiến thức, nâng cao kỹ năng trong công tác bưu chính đối với các nhân viên. Phối hợp với các trường chuyên ngành mở các lớp tập huấn cập nhật thêm kiến thức mới về công tác trong ngành bưu chính đòng thời doanh nghiệp cần phối hợp công tác đào tạo với các chính sách chế độ đãi ngộ giữ chân những nhân viên giỏi. Cần tiến hành đào tạo phát triển nguồn nhân lực tại địa phương thông qua các cơ sở, các trường đào tạo chuyên ngành bưu chính. Lựa chọn các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp trường có chuyên ngành phù hợp gần với công tác bưu chính để phối hợp đào tạo bưu chính viễn thông. Các doanh nghiệp phối hợp tuyển dụng, đào tạo, lương, đãi ngộ để duy trì đội ngũ nhân viên giỏi nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh và tính cạnh tranh khi có các doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào thị trường bưu chính. Để đạt mục tiêu mở rộng cung cấp dịch vụ và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh thì cần bổ sung thêm kiến thức tin học ứng dụng và kinh doanh. Đổi mới hoạt động sản xuất kinh doanh bưu chính theo nâng cao hiệu suất của lao động làm việc trong lĩnh vực bưu chính, có chế độ tuyển dụng hợp lý trên cơ sở hiệu quả, xây dựng chế độ sát hạch, thưởng phạt để khuyến khích tăng năng suất lao động. Tiểu kết chương 3 Dịch vụ bưu chính sẽ phát triển theo xu hướng ứng dụng phổ biến công nghệ thông tin trong tất cả các khâu quản lý khai thác phát triển dịch vụ, quản lý nguồn nhân lực, có sự đổi mới về nhiều mặt, hoạt động theo quy luật cạnh tranh, mở cửa thị trường. Xu hướng dịch vụ viễn thông sẽ tồn tại các mạng riêng rẽ cho từng dịch vụ, mạng điện thoại di động bước vào 3G, cáp quang hóa mạng nội hạt. Công nghệ dịch vụ viễn thông của Việt Nam và của Nghệ An sẽ phát triển theo những xu hướng tiên tiến trên thế giới. Xu hướng xuất hiện và phát triển nhanh chóng ở địa bàn tỉnh Nghệ An nhiều doanh nghiệp trong nước và trên thế giới sản xuất kinh doanh ở hầu hết các loại dịch vụ bưu chính viễn thông. Điện thoại di động tăng trưởng mạnh ở khu vực nông thôn, mọi người dân được sử dụng dịch vụ viễn thông tại gia đình. Phát triển dịch vụ bưu chính viễn thông phải dựa vào đường lối, chủ trương chính sách chung của Đảng, Nhà nước. Qui hoạch phát triển dịch vụ bưu chính viễn thông phải dựa vào qui hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nằm trong xu thế hội tụ với công nghệ, đồng bộ với phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và tạo điều kiện để phát triển các ngành kinh tế khác, đóng góp vào sự tăng trưởng của kinh tế ngành, địa phương. Phát huy tính tự chủ, sáng tạo, xoá độc quyền, nâng cao chất lượng, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin, sử dụng hiệu quả Quỹ dịch vụ bưu chính viễn thông công ích. Thực hiện mục tiêu hiện đại, hiệu quả, an toàn, tin cậy, cạnh tranh, phát huy nguồn lực, vốn, nhân lực, năng suất chất lượng, giảm giá thành, an toàn mạng lưới, đầu tư công nghệ phù hợp, tăng phát triển điện thoại, Internet, đạt và vượt chỉ tiêu doanh thu, tăng chỉ tiêu chất lượng chung của toàn ngành. Tổ chức phát triển bưu chính theo hướng xây dựng các bưu cục đến khu dân cư, điểm du lịch, khu công nghiệp, phát triển các điểm đại lý đa dịch vụ. phát triển bưu chính thành một ngành đem lại lợi nhuận cao. Phát triển viễn thông theo hướng xây dựng cơ sở hạ tầng mạng lưới viễn thông có công nghệ hiện đại, hoạt động hiệu quả, an toàn tin cậy, phủ trong rộng đến tận vùng sâu, vùng xa. Hình thành mạng lưới thông tin có dung lượng lớn, tốc độ cao, trên cơ sở hội tụ công nghệ và dịch vụ viễn thông, tin học, truyền thông quảng bá. ứng dụng các phương thức truy nhập băng rộng tới tận hộ tiêu dùng bao gồm cáp quang, vô tuyến băng rộng, thông tin vệ tinh (VINASAT) v.v..., làm nền tảng cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, thương mại điện tử, và các lĩnh vực khác. Cần thực hiện các giải pháp về cơ chế chế chính sách, quản lý nhà nước, phát triển nguồn vốn, phát triển hạ tầng, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới tổ chức, đẩy mạnh đào tạo phát triển nguồn nhân lực để phát triển dịch vụ bưu chín viễn thông trên địa nàn tỉnh Nghệ An. KẾT LUẬN Dịch vụ bưu chính viễn thông có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh Nghệ An nói riêng và đối với cả nước nói chung. Dịch vụ bưu chính viễn thông đang tiếp tục được các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, các cá nhân ở Trung ương và các địa phương quan tâm nghiên cứu, nhiều công trình nghiên cứu, nhiều đề tài, bài viết tiếp tục đề cập đến các vấn đề này. Đặc biệt trong điều kiện Việt Nam tham gia tổ chức thương mại thế giới WTO, bưu chính viễn thông là một trong những lĩnh vực đang đi đầu trong mở cửa hội nhập. Với phạm vi nghiên cứu rộng, lại trong bối cảnh chuyển đổi chung của nền kinh tế cũng như của ngành, đây thực sự là một đề tài khó đối với tác giả. Tuy nhiên, với mong muốn được nghiên cứu sâu và có những đóng góp nhất định trong sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương cũng như của doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công tác của mình, tác giả đã cố gắng để tổng hợp, phân tích những vấn đề về lý luận và thực tiễn đang diễn ra trong bối cảnh hiện nay ở địa bàn tỉnh Nghệ An và các doanh nghiệp bưu chính viễn thông trên địa bàn cũng như các tỉnh khác. Tóm tắt nội dung luận văn gồm các vấn đề cơ bản sau: Thứ nhất, hệ thống hoá lý luận về dịch vụ bưu chính viễn thông, tập trung nghiên cứu về những vấn đề lý luận có liên quan đến nội dung phát triển dịch vụ bưu chính viễn thông trên địa bàn tỉnh Nghệ An và những yếu tố kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Nghệ An có liên quan đến sự phát triển dịch vụ bưu chính viễn thông. Trong đó có phân tích chi tiết các nội dung khái niệm về dịch vụ bưu chính viễn thông, kinh nghiệm các địa phương và các quan điểm phát triển dịch vụ bưu chính viễn thông hiện đại. Thứ hai, nghiên cứu làm rõ những nét cơ bản về thực trạng của dịch vụ bưu chính viễn thông, của kinh tế xã hội tỉnh Nghệ An thời gian qua và những ảnh hưởng lẫn nhau giữa chúng đối với sự phát triển của dịch vụ bưu chính viễn thông và của kinh tế - xã hội ở tỉnh Nghệ An. Nghiên cứu làm rõ tình hình đổi mới và những vấn đề đang đặt ra cần được giải quyết khi thực hiện phát triển dịch vụ bưu chính viễn thông, phát triển kinh tế xã hội ở tỉnh Nghệ An. Thứ ba, một số giải pháp và kiến nghị nhằm thúc đẩy sự phát triển dịch vụ bưu chính viễn thông, phát triển kinh tế - xã hội ở tỉnh Nghệ An đến năm 2010 và 2020. Phát triển dịch vụ bưu chính viễn thông, phát triển kinh tế - xã hội ở tỉnh Nghệ An trong điều kiện chuyển đổi và hội nhập kinh tế cả nước với kinh tế toàn cầu. Có những giải pháp đã thử nghiệm thực tế tại Nghệ An, một số khác là tham khảo kinh nghiệm từ các tỉnh, có tính khả thi cho phát triển dịch vụ bưu chính viễn thông, kinh tế - xã hội của Nghệ An. Tác giả đã rất cố gắng để đạt được mong muốn theo mục đích nghiên cứu đề tài. Tuy nhiên, do phạm vi nghiên cứu rộng, cũng như một vài hạn chế khác của bản thân tác giả nên chắc chắn kết quả đề tài còn nhiều khiếm khuyết. Tác giả rất mong nhận được sự góp ý của các thầy, cô giáo, các chuyên gia, đồng nghiệp và những ai quan tâm đến lĩnh vực này để đề tài được hoàn thiện hơn, thiết thực hơn với thực tiễn của sự phát triển dịch vụ bưu chính viễn thông, kinh tế - xã hội của Nghệ An. DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO Bộ Khoa học và Công nghệ (2007), Website www.mpi.gov.vn: Quá trình đổi mới DNNN của Việt Nam. Bộ Tài chính (2007), Website www.mof.gov.vn. Bộ Công nghiệp (2007), Website www.moi.gov.vn. Bộ Bưu chính Viễn thông (2003), Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và công nghiệp Bưu chính Viễn thông đến năm 2020, Hà Nội. Bộ Bưu chính Viễn thông (2001-2007), Báo cáo tổng kết chuyên môn qua các năm, từ 2001- 2007, Hà Nội. Bộ Bưu chính Viễn thông (2003), Dịch vụ viễn thông trên mạng điện thoại công cộng - Tiêu chuẩn chất lượng TCN 68 - 176: 2003. Bộ Bưu chính Viễn thông (2007), Website www.mpt.gov.vn: Các số liệu thống kê về dịch vụ BCVT. Cục Thống kê tỉnh Nghệ An (2008), Niên giám thống kê năm 2008. Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Đảng Cộng sản Việt Nam (2006), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Đổi mới DNNN và Tập đoàn BCVT Việt Nam (2007), Nxb Bưu điện, Hà Nội. Thái Hà (2006), Thái độ quyết định chất lượng dịch vụ, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội. Bùi Thiên Hà (2005), "Hoàn thiện công tác nghiên cứu thị trường: Yếu tố quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh của VNPT", Đặc san tài liệu tham khảo VNPT 2006.  Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông - Viện Khoa học kỹ thuật Bưu chính (2002), Đánh giá chất lượng dịch vụ và chất lượng mạng viễn thông, Nxb Giáo dục, Hà Nội. Hà Văn Hội (2005), Áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế trong các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, Nxb Bưu điện, Hà Nội. Trần Quang Huy (2007), Kỹ thuật điều khiển chất lượng dịch vụ viễn thông, Nxb Khoa học kỹ thuật, Hà Nội. Nguyễn Quang Hưng (2005), Chăm sóc khách hàng Bưu điện, Nxb Bưu điện, Hà Nội. C.Mác - Ph.Ăngghen (1995), Toàn tập, tập 26, phần I, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Một số quy định pháp luật về dịch vụ, thuê mướn, môi giới trong lĩnh vực kinh tế, xã hội (2003), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Bùi Xuân Phong (2001), Quản trị kinh doanh bưu chính viễn thông, Nxb Bưu điện, Hà Nội. Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2007), Pháp lệnh Bưu chính Viễn thông Việt Nam. Quy định mới về quản lý sử dụng dịch vụ Internet (2006) Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Sở Bưu chính - Viễn thông Nghệ An (2005), Qui hoạch phát triển bưu chính viễn thông tỉnh Nghệ An đến năm 2020, Nghệ An. Sở Kế hoạch đầu tư Nghệ An (2005), Qui hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An đến năm 2020, Nghệ An. Tạp chí Công nghệ thông tin & Truyền thông (2007),  Email: Tapchi bcvt @mic.gov.vn. Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (2001-2007), Báo cáo tổng kết chuyên môn qua các năm, từ 2001- 2007, Hà Nội. Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (2006-2007), Báo cáo Viễn thông Việt Nam. Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (2007-2008), Website www.vnpt.com.vn. Trung tâm Thông tin Bưu điện (2006-2008), Đặc san tài liệu tham khảo phục vụ lãnh đạo và cán bộ nghiên cứu. Viện Kinh tế Bưu điện (2007), Những biện pháp chủ yếu phát triển nguồn nhân lực của VNPT trong giai đoạn đổi mới tổ chức quản lý. Viện Quản lý kinh tế Trung ương - CIEM (2007), Chính sách phát triển kinh tế - Kinh nghiệm và bài học của Trung Quốc. Viện Quản lý kinh tế Trung ương - CIEM (2007), Việt Nam tích cực chuẩn bị gia nhập WTO trong một số lĩnh vực dịch vụ. Website www.tapchibcvt.gov.vn (2007), Tìm hiểu văn bản dẫn chiếu của WTO về các nguyên tắc quản lý viễn thông. Website www.chungta.com (2007), Chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp. Website www.dddn.com.vn (2007), Bàn về môi trường kinh doanh. Website www.vienkinhte.hochiminhcity.gov.vn (2007), Đổi mới cơ chế quản lý doanh nghiệp. Website www.nscerd.org.vn (2007), Đổi mới DDNN. Website www. vietnamese.vietnam.usembassy.gov (2007). Website http://www.cultinfo.ru (2007). Website http://mega.km.ru (2007). Website http://glossary.bank24.ru (2007). Website https://www.cia.gov/library/publications/the-world-factbook (2007). Website www.tapchibcvt.gov.vn (2007), Tìm hiểu văn bản dẫn chiếu của WTO về các nguyên tắc quản lý viễn thông. Website www. vietnamese.vietnam.usembassy.gov (2007). www.ASSET.vn | TTXVN (VNA) (2007). PAGE 24