intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Vai trò của công nghệ trong công tác tư vấn nghề nghiệp

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:11

23
lượt xem
1
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết bàn luận về những công cụ dựa trên nền tảng công nghệ để hỗ trợ cá nhân trong việc đưa ra các quyết định nghề nghiệp cũng như hỗ trợ tìm kiếm việc làm hiệu quả hơn theo mô hình lý thuyết xử lý thông tin nhận thức. Trong bài viết, chúng tôi trình bày ứng dụng công nghệ và các chiến lược cụ thể để đảm bảo rằng khách hàng có thể giải quyết những vấn đề khó khăn liên quan đến nghề nghiệp.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Vai trò của công nghệ trong công tác tư vấn nghề nghiệp

  1. VAI TRÒ CỦA CÔNG NGHỆ TRONG CÔNG TÁC TƯ VẤN NGHỀ NGHIỆP PGS.TS. Trần Thành Nam1 Tóm tắt: Trong vấn đề liên quan đến nghề nghiệp được khách hàng quan tâm đề cập thường có 2 nhóm chính: ra quyết định nghề nghiệp và nhu cầu tìm việc. Trong bối cảnh hiện tại, công nghệ tích hợp trong các trang web, các phương tiện truyền thông xã hội và các ứng dụng, đã mở rộng các nguồn tài nguyên sẵn có để hỗ trợ các nhà tư vấn nghề nghiệp. Bài viết bàn luận về những công cụ dựa trên nền tảng công nghệ để hỗ trợ cá nhân trong việc đưa ra các quyết định nghề nghiệp cũng như hỗ trợ tìm kiếm việc làm hiệu quả hơn theo mô hình lý thuyết xử lý thông tin nhận thức. Trong bài viết, chúng tôi trình bày ứng dụng công nghệ và các chiến lược cụ thể để đảm bảo rằng khách hàng có thể giải quyết những vấn đề khó khăn liên quan đến nghề nghiệp. Từ khóa: Công nghệ, Tư vấn nghề nghiệp, Mạng xã hội, ứng dụng. 1. Đặt vấn đề Sự phát triển đáng kinh ngạc của công nghệ thời gian qua đã tăng cường cơ hội cung cấp dịch vụ và kết nối với khách hàng có nhu cầu tư vấn nghề nghiệp. Với những nhà tư vấn hướng nghiệp, việc tận dụng công nghệ như các công cụ trên website, mạng xã hội, blogs hay các phần mềm điện thoại ngày càng trở nên cấp thiết trong tiến trình tư vấn. Những công cụ này tạo ra cơ hội cho các nhà tư vấn để tăng cường cung cấp dịch vụ và kết nối với khách hàng bên ngoài các văn phòng tư vấn truyền thống. Gati và Asulin-Peretz (2011) cho rằng việc ứng dụng công nghệ ngày càng đóng vai trò rất quan trọng đối với những nhà tư vấn trong quá trình tư vấn nghề nghiệp cho khách hàng. Trong bài viết này, chúng tôi tập hợp một số quan điểm và bằng chứng nghiên cứu đi trước về việc ứng dụng công nghệ trong hỗ trợ cá nhân đưa ra các quyết định nghề nghiệp, tìm kiếm các cơ hội việc làm cũng như đưa ra các gợi ý ứng dụng sức mạnh công nghệ để mở rộng và tăng cường hiệu quả các dịch vụ tư vấn hướng nghiệp của các nhà tâm lý, xác định và giải quyết những 1 Khoa Các Khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội
  2. Kỷ yếu Hội thảo quốc tế 248 Các vấn đề mới trong khoa học giáo dục: tiếp cận liên ngành và xuyên ngành rào cản, khó khăn trong việc sử dụng công nghệ trong tư vấn hướng nghiệp. Bài viết cũng đề cập đến các vấn đề khách hàng thường quan tâm trong quá trình tìm kiếm sự tư vấn hỗ trợ. 2. Vai trò của công nghệ trong công tác tư vấn nghề nghiệp 2.1. Các vấn đề nghề nghiệp khách hàng thường quan tâm Theo kết quả khảo sát của Hiệp hội phát triển nghề nghiệp quốc gia Mỹ (2009) khách hàng tới tư vấn thường quan tâm đến các nhóm vấn đề như: tự khám phá về các đặc điểm của bản thân (điểm mạnh, điểm yếu của bản thân), cập nhật thông tin về nghề nghiệp và yêu cầu của nghề nghiệp, có khả năng lập kế hoạch nghề nghiệp và ra quyết định nghề nghiệp, ứng phó với những thách thức nghề nghiệp và các vấn đề chuyển đổi nghề, tìm kiếm một công việc phù hợp, và lựa chọn tham gia những chương trình đào tạo, chương trình giáo dục nào phù hợp với mong muốn, định hướng của cá nhân. Nhìn một cách rộng hơn, sáu vấn đề được quan tâm có thể phân chia thành hai nhóm vấn đề chính là (i) đưa ra quyết định nghề nghiệp (liên quan đến bốn vấn đề đầu tiên) và tìm kiếm cơ hội việc làm (liên quan đến hai vấn đề còn lại). Bài viết này sẽ lần lượt đề cập đến cả hai lĩnh vực dưới tác động của công nghệ. Trong vài thập kỷ qua, các tác giả đi trước đã xác định những khó khăn gặp phải và các yếu tố góp phần đưa ra quyết định nghề nghiệp thành công đối với cá nhân. Theo Gati và Asher (2001), quá trình ra quyết định nghề nghiệp tương đối phức tạp, bao gồm ba giai đoạn: kiểm tra trước, thăm dò chuyên sâu, và lựa chọn. Đặc điểm của các quyết định nghề nghiệp là có tương đối nhiều các phương án lựa chọn; lượng thông tin về mỗi phương án rất rộng; có số lượng lớn các tiêu chí cần xem xét liệu có đáp ứng với yêu cầu của các công việc và hứng thú nghề nghiệp của cá nhân; tính bất định ở trong cả các đặc điểm của cá nhân lẫn bản chất của các phương án lựa chọn nghề nghiệp tương lai. Để hệ thống các khó khăn trong quá trình ra quyết định nghề nghiệp, Gati (2001) đã dựa trên quy trình ra quyết định nghề nghiệp thông thường, xác định các đặc điểm khác biệt với một mẫu hình “người ra quyết định nghề nghiệp hoàn hảo” và định nghĩa nó là các khó khăn trong mô hình lý thuyết mà tác giả gọi là “hệ thống phân loại các khó khăn trong quá trình ra quyết định nghề nghiệp” (Pečjak và Košir, 2007). Hệ thống này phân loại các khó khăn thành ba nhóm lớn, từ ba nhóm này tiếp tục chia thành mười nhóm nhỏ cụ thể hơn. Các nhóm lớn lần lượt là: thiếu sự sẵn sàng, thiếu thông tin, và thông tin không nhất quán. Nhóm đầu tiên, thiếu sự sẵn sàng, tổng hợp các khó khăn có trước quá trình ra quyết định, bao gồm: (1) thiếu động lực để bắt đầu quá trình ra quyết định nghề nghiệp; (2) tính thiếu quyết đoán chung đối với tất cả các loại quyết định; và (3) các niềm tin không hợp lý, hiểu là các kỳ vọng phi lý về quá trình ra quyết định
  3. Phần 2. CÔNG NGHỆ VÀ GIÁO DỤC 249 nghề nghiệp. Hai nhóm lớn còn lại đều bao gồm các khó khăn trong quá trình ra quyết định. Nhóm thiếu thông tin đề cập tới bốn nhóm khó khăn: (4) thiếu hiểu biết về các bước trong quá trình ra quyết định; (5) thiếu thông tin về bản thân mình; (6) thiếu thông tin về các lựa chọn nghề nghiệp khác nhau; và (7) thiếu thông tin về các cách/các nguồn để có thêm thông tin. Nhóm cuối cùng, thông tin không nhất quán, gồm: (8) thông tin không đáng tin cậy (như chênh lệch giữa chỉ số thông minh và kết quả học tập trên lớp); (9) mâu thuẫn nội tại (diễn ra bên trong cá nhân, ví dụ như sự đối lập giữa các sở thích khác nhau của cá nhân hay khó khăn liên quan đến nhu cầu phải cân đối/thỏa hiệp giữa các yếu tố/điều kiện); và (10) mâu thuẫn bên ngoài, liên quan đến sự ảnh hưởng của những người có ý nghĩa. Và để đưa ra quyết định nghề nghiệp thành công, lý thuyết RIASEC của Holland (Holland, 1997) nhấn mạnh sự phù hợp giữa hứng thú, thiên hướng cá nhân và môi trường nghề nghiệp, trong khi đó lý thuyết nhận thức xã hội về nghề nghiệp của Lent và Brown (Lent & Brown, 2008) lại nhấn mạnh đến các năng lực, kỹ năng mà cá nhân đang có trong tương quan với kết quả công việc kỳ vọng. Còn lý thuyết xử lý thông tin nhận thức của các tác giả Peterson, Sampson, Reardon, & Lenz (CIP; Peterson, Sampson, Reardon, & Lenz, 2002) thì xác định việc ra quyết định nghề nghiệp được cấu thành từ ba thành tố sắp xếp theo mô hình kim tự tháp (xem hình 1) bao gồm: kiến ​​thức (Kiến thức hiểu biết về bản thân và kiến thức hiểu biết về nghề nghiệp); ra quyết định; và xử lý thông tin cấp cao (bao gồm các quá trình theo dõi và kiểm soát điều chỉnh điều khiển và đương đầu với những áp lực công việc). Trong bài viết này, chúng tôi sử dụng khung lý thuyết CIP làm điểm tựa để đánh giá vài trò của công nghệ tác động đến việc ra quyết định nghề nghiệp. Hình 1: Mô hình xử lý thông tin nhận thức (CIP; Peterson, Sampson, Reardon, & Lenz, 2002)
  4. Kỷ yếu Hội thảo quốc tế 250 Các vấn đề mới trong khoa học giáo dục: tiếp cận liên ngành và xuyên ngành 2.2. Công nghệ giúp nâng cao kiến thức và hiểu biết về bản thân Theo lý thuyết CIP (Peterson và cộng sự., 2002), những kiến thức và hiểu biết về bản thân bao gồm các đặc điểm của cá nhân như giá trị, sở thích và kỹ năng. Giúp cá nhân tự nhận thức rõ những kiến thức về bản thân mình, họ sẽ có nhiều cơ hội hài lòng với nghề nghiệp trong tương lai hơn. Hiện tại, cùng với sự phát triển của công nghệ, có rất nhiều hình thức đánh giá trực tuyến giúp khách hàng tăng cường sự hiểu biết về bản thân mình. Các hình thức đánh giá trực tuyến thường có hai dạng chính là (i) bảng câu hỏi trả lời bằng giấy bút truyền thống được chuyển đổi thành bản điện tử; và (ii) là các phần mềm hướng dẫn về nghề nghiệp tổng hợp. Trên thế giới, có thể kể đến hệ thống PARiConnect (https://www.pariconnect.com/) cho khách hàng có thể khám phá các đặc điểm nhân cách, xu hướng nghề nghiệp của bản thân từ bất kỳ đâu với bất kỳ phương tiện nào kết nối internet với thông tin đăng nhập được cá nhân hóa. Hay hệ thống dịch vụ lập kế hoạch giáo dục và hướng nghiệp (http:// www.sigi3.org/) vừa giúp khách hàng khám phá các giá trị, sở thích, tính cách của họ cũng như những năng lực và kỹ năng hiện có đồng thời tư vấn lập kế hoạch nghề nghiệp để cá nhân đạt được mục tiêu đặt ra. Tại Việt Nam, một số hệ thống cũng được xây dựng trên cơ sở thích nghi các công cụ của nước ngoài như hệ thống https://mbti.vn/. Những hệ thống này đã được chứng minh giúp cho cá nhân ứng phó hiệu quả với sự thiếu quyết đoán trong nghề nghiệp (Niles & Garis, 1990). Và mặc dù các hệ thống đánh giá trực tuyến như vậy đã giúp khách hàng nâng cao hiểu biết về bản thân nhưng nếu không có sự phản hồi và khuyến nghị bước tiếp theo của người tư vấn sau đánh giá thì sẽ không đạt hiệu quả tốt (Gati và Asulin-Peretz, 2011). Sắp tới, có lẽ việc đánh giá và giúp nâng cao nhận thức về bản thân sẽ được thực hiện thông qua các trang mạng xã hội như Facebook hoặc Pinterest vì chúng dễ tiếp cận hơn. 2.3. Công nghệ giúp nâng cao kiến thức về nghề nghiệp và lựa chọn nghề nghiệp Theo mô hình CIP, hiểu biết về nghề nghiệp bao gồm kiến ​​thức chung về ngành nghề, loại công việc trong từng lĩnh vực cụ thể, vị trí, tính chất công việc khác nhau trong các tổ chức, các năng lực, kỹ năng cần có (Peterson et al., 2002). Ngày nay, công nghệ giúp khách hàng có thể dễ dàng truy cập và cập nhật và chính xác thông tin về từng ngành nghề để hỗ trợ cá nhân lựa chọn. Kinh nghiệm thế giới cho thấy công nghệ giúp hỗ trợ rất hiệu quả việc xây dựng hệ thống phân loại nghề nghiệp của quốc gia và hệ thống cơ hội việc làm. Ví dụ ở Canada, bảng Phân loại nghề nghiệp quốc gia cung cấp thông tin mô tả cho hơn 500 nhóm nghề nghiệp, hơn 40.000 chức danh công việc. Trong mỗi bộ hồ sơ nghề nghiệp đều có mô tả chức danh công việc, nhiệm vụ trách nhiệm, những công việc điển hình cần thực hiện, những công việc thay thế và thông tin về các ngành nghề liên quan. Bên cạnh bảng phân loại nghề
  5. Phần 2. CÔNG NGHỆ VÀ GIÁO DỤC 251 nghiệp, Canada cũng xây dựng một Ngân hàng việc làm quốc gia (https://www. jobbank.gc.ca/home) là nơi cung cấp nguồn thông tin về những công việc hiện tại và xu hướng, triển vọng công việc, tiền lương, yêu cầu đào tạo và các cơ hội việc làm. Trong hệ thống luôn có khoảng hơn 100.000 cơ hội việc làm được liệt kê được tích hợp với hệ thống thông báo e-mail miễn phí hàng ngày cho những người quan tâm về bất kỳ cơ hội công việc mới nào phù hợp. Tại Việt Nam, hiện cũng đã có hệ thống ngân hàng việc làm được các tổ chức xây dựng ví dụ như https://www. vietnamworks.com/ hoặc https://www.careerlink.vn/. Những hệ thống công nghệ này hiện đang hỗ trợ hữu hiệu cho cá nhân mở rộng kiến thức về ngành nghề và đa dạng hóa các cơ hội lựa chọn nghề nghiệp. 2.4. Công nghệ giúp việc ra quyết định nghề nghiệp có căn cứ và hiệu quả hơn Theo nghiên cứu của Gati và cộng sự thì công nghệ hiện đang góp phần hỗ trợ khách hàng ra quyết định nghề nghiệp hiệu quả hơn (Gati, & Asulin-Peretz, 2011). Bằng chứng nghiên cứu đi trước cũng khẳng định các hệ thống trực tuyến đang hỗ trợ tăng cường kiến ​​thức về nghề nghiệp, các cơ hội lựa chọn việc làm và kiến ​​thức nghề nghiệp (Osborn, Peterson, Sampson, & Reardon, 2003) làm cơ sở để ra quyết định nghề nghiệp hiệu quả. Bộ câu hỏi đánh giá những khó khăn khi đưa ra quyết định nghề nghiệp của Gati và cộng sự (Gati & Osipow, 2014) phát triển là một công cụ trực tuyến được nghiên cứu kỹ giúp người dùng hiểu được về những khó khăn có thể là rào cản đối với riêng cá nhân họ khi phải đưa ra một quyết định nghề nghiệp hiệu quả. Cũng có nhiều tác giả xem xét liệu các ứng dụng nào trên nền tảng điện thoại có hỗ trợ quá trình ra quyết định nghề nghiệp một các hiệu quả hay không. Trong phạm vi khảo sát, hiện có một số ứng dụng về lĩnh vực này ví dụ như ứng dụng iThoughts hỗ trợ tạo ra sơ đồ các bước để ra quyết định nghề nghiệp một cách tin cậy và cũng được sử dụng để cung cấp các thông tin về nghề nghiệp, các cơ hội việc làm, các hướng dẫn về chiến lược ra quyết định nghề nghiệp khác nhau phù hợp với đặc điểm của khách hàng. Một ứng dụng hỗ trợ ra quyết định hiệu quả nữa là ứng dụng Unstuck, được thiết kế để giúp những người đang cảm thấy mắc kẹt trong việc ra quyết định nghề nghiệp giải pháp tháo gỡ. Người dùng sẽ trả lời một loạt các câu hỏi được thiết kế theo trình tự để giúp xác định điểm cốt lõi của vấn đề: các bên liên quan, trạng thái cảm xúc khi đưa ra quyết định, cân nhắc quyết định… để giải quyết khó khăn của mình. Những câu hỏi và cấu trúc này cũng có thể được tham khảo và sử dụng trong tiến trình tư vấn hướng nghiệp. Bên cạnh đó, cũng cần kể đến các ứng dụng tương tự hỗ trợ việc ra quyết định hỗ trợ nghề nghiệp như Decision Maker; Decide Now! hoặc Sheepadvisor Decision Maker... Còn ở Việt Nam, có thể kể đến một ứng dụng có chức năng tương tự là ứng dụng Jobway (https://jobway.vn/download-app).
  6. Kỷ yếu Hội thảo quốc tế 252 Các vấn đề mới trong khoa học giáo dục: tiếp cận liên ngành và xuyên ngành 2.5. Công nghệ tăng cường năng lực xử lý thông tin cấp cao Năng lực xử lý thông tin cấp cao hay còn được gọi là các năng lực xử lý siêu nhận thức trong mô hình CIP là những chiến lược nhận thức được vận dụng để giải quyết các vấn đề lưỡng nan về nghề nghiệp thông qua việc tự phản tỉnh, tự nhận thức, theo dõi và điều chỉnh kiểm soát hành động dựa trên những thông tin mới cập nhật (Sampson, Reardon, Peterson & Lenz, 2002). Hiện tại, sự phát triển của công nghệ đã được ứng dụng để tăng cường năng lực xử lý thông tin cấp cao về lĩnh vực nghề nghiệp. Ví dụ hiện tại đã có rất nhiều ứng dụng trực tuyến hỗ trợ giải quyết trầm cảm (Saulsberry và cs., 2013), cảm xúc tiêu cực và căng thẳng nghề nghiệp (Manzoni và cs., 2008)… Vì nghiên cứu chỉ ra những cảm xúc tiêu cực, căng thẳng, lo lắng là rào cản đối với việc ra quyết định nghề nghiệp nên những ứng dụng này có thể rất hữu ích hỗ trợ cá nhân trong việc nâng cao năng lực quản lý căng thẳng góp phần vào việc đưa ra quyết định nghề nghiệp chính xác. (Evans et al., 2008). Ngoài ra, việc ghi nhật ký về các buổi trao đổi có thể cung cấp cho khách hàng một hình thức chia sẻ thuận tiện hơn về các vấn đề nghề nghiệp họ đang quan tâm (Wood, & Brantley, 2007). Nhiều ứng dụng ghi nhật ký được thiết kế để hỗ trợ quá trình này. Ví dụ như ứng dụng phần mềm Day One Journaling. Ngoài ra, để giúp điều chỉnh những suy nghĩ nghề nghiệp tiêu cực, các ứng dụng như Flip Head Thought-Stopping được phát triển để giúp khách hàng thay thế những suy nghĩ tiêu cực của mình bằng những suy nghĩ tích cực hơn. Một số ứng dụng khác cùng thể loại này như MoodKit – công cụ giúp cải thiện tâm trạng và thay đổi suy nghĩ tiêu cực bằng cách kiểm tra những suy nghĩ của cá nhân nhiều lần trong ngày và ghi lại các khuôn mẫu nhận thức tiêu cực có thể trở thành một thói quen xấu gây cản trở nghề nghiệp của họ. Rồi ứng dụng Self-Help for Anxiety Management hỗ trợ cho những người có khuôn mẫu lo lắng và thiếu quyết đoán trong vấn đề nghề nghiệp (Peterson, Sampson, Reardon, & Lenz, 2002). Những ứng dụng như vậy chưa xuất hiện nhiều ở Việt Nam. Sắp tới đây sẽ có ứng dụng Shining Mind của Trung tâm hướng nghiệp, nghiên cứu và ứng dụng tâm lý thuộc trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN sẽ là một trong những ứng dụng phần mềm đầu tiên về vấn đề này. 2.6. Công nghệ và mạng xã hội đẩy mạnh quá trình tìm kiếm cơ hội việc làm Theo Osborn, Dikel và Sampson, (2011), cùng với sự phát triển của internet, công nghệ và mạng xã hội đã mang lại rất nhiều cơ hội việc làm cho người tìm việc khi so sánh với các cách tiếp cận truyền thống khác. Một cuộc khảo sát đã được thực hiện bởi Hiệp hội các trường đại học và người sử dụng lao động quốc gia 2009 tại Mỹ cho thấy có hơn 35.000 sinh viên các trường đại học đã sử dụng các tài nguyên trực tuyến để tìm kiếm việc làm. Cụ thể là có đến 96% sinh viên báo cáo đã truy cập trang web của các công ty có thông báo tuyển dụng và 91% sinh viên hứng thú và
  7. Phần 2. CÔNG NGHỆ VÀ GIÁO DỤC 253 đã sử dụng các trang web tìm việc để xem xét các cơ hội vị trí việc làm phù hợp. Van Rooy, Alonoso, và Fairchild (2003) cũng cho rằng Internet đang tạo cơ hội để nhà tuyển dụng chia sẻ đầy đủ thông tin vị trí việc làm, các yêu cầu và các lựa chọn cho người tìm việc dễ dàng hơn. Mặc dù chưa có đầy đủ các bằng chứng nghiên cứu định lượng để khẳng định mạng xã hội là một công cụ hiệu quả giúp tư vấn định hướng và ra quyết định nghề nghiệp nhưng ít nhất mạng xã hội đã được chứng minh là một công cụ hiệu quả hơn để tìm kiếm các cơ hội việc làm khi so sánh với các trang web giới thiệu công việc truyền thống. Một khảo sát gần đây được công bố bởi Jobvite cho thấy 94% người sử dụng lao động sử dụng hoặc có kế hoạch sử dụng mạng xã hội cho công tác tuyển dụng (Quigley, 2013). Tác động đang phát triển của mạng xã hội đối với quá trình tìm kiếm việc làm càng trở nên rõ ràng nó đã ảnh hưởng trực tiếp đến hành vi của người tìm việc, cân nhắc các nguồn lực và đưa ra quyết định tuyển dụng. Như vậy, một người làm công việc tư vấn nghề nghiệp hiện nay cũng không thể bỏ qua lợi thế của mạng xã hội. Ở nước ngoài, nếu bạn quan tâm đến việc làm trong lĩnh vực tâm lý học hoặc sức khỏe tâm thần thì bạn có thể sử dụng Twitter để theo dõi (tài khoản @ PologistsologyJobs) để tự giới thiệu bản thân và tìm kiếm các cơ hội việc làm. LinkedIn cũng là một công cụ mạnh mẽ được tạo ra để kết nối các chuyên gia trên thế giới với mục đích để hỗ trợ công việc của họ đạt hiệu suất cao hơn và thành công hơn (LinkedIn, 2014). Trong phần bảng công việc của một công ty trên LinkedIn, người dùng có thể tìm kiếm các cơ hội mở theo tiêu đề công việc, từ khóa, tên công ty, địa điểm…. Tại www.linkedin.com/alumni/ có cung cấp thông tin liên quan đến tất cả các tài khoản LinkedIn đã đăng ký từ cựu sinh viên tại một trường cao đẳng hoặc đại học cụ thể, chẳng hạn như vị trí địa lý, nơi làm việc, chức danh công việc, những bằng cấp đào tạo những kết nối của họ với những người dùng khác. Như vậy, thông qua các nhóm này, người tìm việc có thể theo dõi nhóm, đăng bài, đọc tin tức liên quan đến ngành, kết nối với các chuyên gia khác, và tham gia thảo luận liên quan đến các cơ hội như việc thực tập hè tại bệnh viện tại một quốc gia hoặc khu vực nào đó. Facebook cũng là một kênh hỗ trợ nghề nghiệp. Các công ty và các nhà tuyển dụng đang sử dụng facebook như một nền tảng quảng bá hình ảnh và thương hiệu công ty. Nhiều công ty lớn đã sử dụng FacebookAds để phổ biến thông tin tổ chức và công khai các cơ hội việc làm. Bên cạnh đó, với mạng lưới kết nối của từng cá nhân, nhiều người chỉ cần đơn giản chia sẻ mong muốn tìm kiếm cơ hội việc làm của họ là có thể nhận được các tư vấn. Viết Blog cũng là một cách thức tốt để giới thiệu về năng lực bản thân và tìm kiếm các cơ hội việc làm. Các blogger có thể bắt đầu bằng việc vào các nền tảng như
  8. Kỷ yếu Hội thảo quốc tế 254 Các vấn đề mới trong khoa học giáo dục: tiếp cận liên ngành và xuyên ngành Wordpress hoặc Tumblr để bắt đầu sáng tạo theo phong cách của riêng mình. Khi những định dạng cơ bản của blog đã được hoàn thiện, các blogger sẽ có cơ hội để chia sẻ thông tin về những vấn đề quan tâm. Ví dụ một người tìm việc quan tâm đến cơ hội trở thành giáo viên của một trường tiểu học có thể chia sẻ các mẫu kế hoạch bài học, viết về một kinh nghiệm làm việc với trẻ trong một lớp học hoặc bình luận về một sự kiện giáo dục mới được đề cập trên truyền thông. Nhiều nhà tuyển dụng hiện cũng sử dụng các nền tảng blogs để phổ biến về các vị trí công việc cũng như quảng bá văn hóa công ty. Blog của các nhân viên từ các công ty như Microsoft, PepsiCo và Target đã cung cấp người tìm việc cái nhìn sâu sắc về vị trí công việc, nhiệm vụ cụ thể, và những quyền lợi. Người tìm việc có thể sử dụng thông tin này để xác định xem vị trí làm việc tại công ty có phù hợp hay không, cũng như các chiến thuật để tăng cường cơ hội được đơn xin việc. Với những cải tiến về chất lượng hình ảnh và tính năng quay phát video trực tiếp làm cho việc xây dựng hồ sơ video đang là một phương thức sáng tạo và hấp dẫn để người tìm việc giới thiệu về nền tảng giáo dục, năng lực kinh nghiệm cũng như xu hướng tính cách cá nhân để bổ sung cho bản lý lịch truyền thống. Nó sẽ giúp cho các nhà tuyển dụng có cái nhìn sâu sắc hơn về nhiều khía cạnh của người xin việc. Hiện tại các trang web như Mayomann.com, Résumébook.tv và Interviewclip.com đang cung cấp các tài khoản miễn phí và trả phí để giúp mọi người sáng tạo và tải lên các lý lịch video cá nhân. Cuối cùng, công nghệ đang giúp tạo ra các hội chợ nghề nghiệp ảo. Đây là một sự thay thế tuyệt vời cho các hội chợ nghề nghiệp truyền thống khi mà chi phí đi lại và tổ chức hội chợ nghề nghiệp trực tiếp trở nên đắt đỏ và chỉ số ít người tìm việc có thể tiếp cận và kết nối với nhà tuyển dụng. Với một gian hàng hội chợ trực tuyến, nhà tuyển dụng có thể tổ chức các cuộc thảo luận và chuyển tiếp thông tin về các ứng viên về công ty và tiếp cận với mọi cá nhân có kết nối internet. Người tham gia sẽ xem các câu hỏi theo chuỗi chủ đề và trả lời. Với những ứng viên có tiềm năng, các gian hàng hội chợ ảo sẽ cung cấp các cuộc nói chuyện riêng. Người tìm việc cũng có thể sử dụng các thiết bị công nghệ để tham gia vào hội chợ ảo từ bất cứ nơi đâu có kết nối. Ứng viên có thể tải lên sơ yếu lý lịch và các thông tin phù hợp khác dưới dạng các tập tin điện tử hoặc truyền thống đa phương tiện để giới thiệu các kỹ năng liên quan. Họ cũng có lựa chọn tham gia các phòng thảo luận điện tử hoặc kết nối trực tiếp với nhà tuyển dụng. Tuy nhiên để tìm việc thành công, cũng giống như với các hội chợ nghề nghiệp truyền thống, người tìm việc nên được chuẩn bị, thể hiện sự chuyên nghiệp, tự tin, và luôn cập nhật những thông tin sau đó.
  9. Phần 2. CÔNG NGHỆ VÀ GIÁO DỤC 255 3. Những thách thức khi sử dụng thế mạnh của công nghệ trong tư vấn nghề nghiệp Mặc dù công nghệ mang lại rất nhiều lợi ích cho cả nhà tuyển dụng và người tìm việc hiểu biết về bản thân, về nghề nghiệp và tăng cường các cơ hội việc làm nhưng đi cùng với nó cũng có nhiều thách thức cũng như quan ngại về vấn đề đạo đức. Thách thức đầu tiên của việc tích hợp công nghệ trong công tác tư vấn nghề nghiệp liên quan đến các khía cạnh đạo đức. Việc ứng dụng công nghệ vào trong quá trình tư vấn nghề nghiệp luôn phải chú ý các nguy cơ rủi ro về bảo mật và quyền riêng tư; các khía cạnh chất lượng và độ tin cậy của việc tiếp xúc đánh giá trực tuyến; sự rõ ràng với khách hàng về những hành vi nào có thể chấp nhận được và hành vi nào không thể chấp nhận. Mặc dù các vấn đề bảo mật, quyền riêng tư và sự an toàn của khách hàng luôn được đặt ưu tiên hàng đầu, các nhà tâm lý cũng nên lưu tâm đến sự công bằng xã hội. Ví dụ như trong tình huống nhà tuyển dụng sử dụng mạng xã hội để tìm ứng viên trên các trang mạng xã hội như Facebook có thể vô tình đọc được các thông tin về lịch sử của cá nhân như tôn giáo, các sự kiện đã trải qua trong cuộc đời hay tình trạng hôn nhân những điều mà ứng viên không cần thiết phải trình bày ở trong cuộc phỏng vấn nhưng lại dẫn đến quyết định không được tuyển dụng có thể dẫn đến nguy cơ không công bằng. Hay cũng phải lưu ý khách hàng về việc tuyển dụng qua hệ thống công nghệ có thể dẫn đến việc ứng viên không thể hiện hết khả năng do không thực sự thoải mái với những thiết bị công nghệ được sử dụng. Những người hạn chế về kỹ năng sử dụng máy tính và các thiết bị công nghệ có thể bị đánh giá thấp hơn mặc dù họ có thể có tiềm năng hơn. Trong quá trình tư vấn, một vấn đề cần lưu tâm nữa là cần tư vấn khách hàng sử dụng một ứng dụng hỗ trợ nhưng luôn đặt lợi ích của họ lên cao nhất. Ví dụ như thay vì yêu cầu khách hàng truy cập hoặc trả tiền mua một ứng dụng có thể tư vấn khách hàng tải xuống những ứng dụng miễn phí có chức năng tương tự. Ngoài ra, người làm công tác tư vấn cũng sẽ phải đương đầu với tình trạng tiến thoái lưỡng nan về việc nên khuyến khích khách hàng sử dụng ứng dụng và công nghệ nào, phân tích ưu hạn chế và các nguy cơ của từng ứng dụng đó. Cuối cùng, trong quá trình tư vấn trực tuyến với sự hỗ trợ của công nghệ (ví dụ như video conference) người tư vấn luôn phải có kế hoạch dự phòng cho những trường hợp công nghệ hoặc kết nối thất bại. Trong trường hợp đó, số điện thoại liên lạc khẩn cấp rất quan trọng. 4. Kết luận Tóm lại, những bằng chứng đi trước đã khẳng định vai trò quan trọng của công nghệ đã và đang ảnh hưởng lớn đến quá trình tư vấn nghề nghiệp cho khách hàng. Sức mạnh công nghệ giúp tăng cường sự hiểu biết về bản thân, sự hiểu biết về nghề
  10. Kỷ yếu Hội thảo quốc tế 256 Các vấn đề mới trong khoa học giáo dục: tiếp cận liên ngành và xuyên ngành nghiệp, nâng cao năng lực xử lý thông tin cấp cao, hỗ trợ cá nhân ra quyết định nghề nghiệp dựa trên bằng chứng đồng thời đẩy mạnh các cơ hội việc làm cho dù vẫn còn một số thách thức và quan ngại về mặt đạo đức tồn tại. Mặc dù những vấn đề này hiện đã được đề cập và quan tâm bởi các nhà nghiên cứu, nhưng vẫn chưa có nhiều nghiên cứu về tính hiệu quả của các ứng dụng công nghệ đến kết quả tư vấn hướng nghiệp. Điều này gợi ý cho các nhà tư vấn nghề nghiệp tại Việt Nam cần phát triển các nghiên cứu đánh giá hiệu quả tác động của công nghệ cũng như các ứng dụng mới trong công tác tư vấn nghề nghiệp và hỗ trợ cá nhân tìm kiếm việc làm phù hợp. LỜI CẢM ƠN Nghiên cứu được tài trợ bỏi Đại học Quốc gia Hà Nội trong đề tài mã số QG.18.34. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Evans, S., Ferrando, S., Findler, M., Stowell, C., Smart, C., & Haglin, D. (2008), Mindfulness-based cognitive therapy for generalized anxiety disorder. Journal of Anxiety Disorders, 22, 716–721. doi:10.1016/j.janxdis.2007.07.005 2. Gati, I., & Asulin-Peretz, L. (2011), Internet-based self-help career assessments and interventions: Challenges and implications for evidence based career counseling. Journal of Career Assessment, 19, 259–273. doi:10.1177/1069072710395533 3. Gati, I., & Osipow, S. (2001–2014), CDDQ.org. Retrieved from http://kivunim. huji.ac.il/cddq/ 4. Holland, J. L. (1997), Making vocational choices: A theory of vocational personalities and work environments. Odessa, FL: Psychological Assessment Resources 5. Lent, R. W., & Brown, S. D. (2008), Social cognitive career theory and subjective well-being in the context of work. Journal of Career Assessment, 16, 6–21. doi:10.1177/1069072707305769 6. Manzoni, G. M., Gorini, A., Preziosa, A., Pagnini, F., Castelnuovo, G., Molinari, E., & Riva, G. (2008), New technologies and relaxation: An explorative study on obese patients with emotional eating. Journal of Cybertherapy and Rehabilitation, 1, 182–192 7. Niles, S., & Garis, J. W. (1990), The effects of a career planning course and a computer- assisted career guidance program (SIGI PLUS) on undecided university students. Journal of Career Development, 16, 237–248
  11. Phần 2. CÔNG NGHỆ VÀ GIÁO DỤC 257 8. Osborn, D. S., Peterson, G. W., Sampson, J. P., Jr., & Reardon, R. C. (2003), Client anticipations about computer-assisted career guidance system outcomes. The Career Development Quarterly, 51, 356–367. doi:10.1002/j.2161-0045.2003.tb00616.x 9. Peterson, G. W., Sampson, J. P., Jr., Reardon, R. C., & Lenz, J. G. (2002), A cognitive information processing approach to career problem solving and decision making. In D. Brown (Ed.), Career choice and development (4th ed., pp. 312– 372). San Francisco, CA: Jossey-Bass 10. Pečjak, S., & Košir, K. (2007), Personality, motivational factors and difficulties in career decision-making in secondary school students, Psihologijske teme, 16(1), 141- 158. 11. Quigley, K. (2013, September 5), Recruiters increasingly adopt marketing tactics in fierce competition to hire: 2013 Jobvite social recruiting survey show. 12. Saulsberry, A., Marko-Holguin, M., Blomeke, K., Hinkle, C., Fogel, J., Gladstone, T., . . . Van Voorhees, B. W. (2013), Randomized clinical trial of a primary care internet-based intervention to prevent adolescent depression: One-year outcomes. Journal of the Canadian Academy of Child and Adolescent Psychiatry/Journal De l’Académie Canadienne De Psychiatrie De l’Enfant Et De l’Adolescent, 22, 106–117 13. Van Rooy, D. L., Alonso, A., & Fairchild, Z. (2003), In with the new, out with the old: Has the technological revolution eliminated the traditional job search process? International Journal of Selection and Assessment,11, 170–174. doi:10.1111/1468- 2389.0024 THE ROLE OF TECHNOLOGY IN CAREER COUNSELING Abstract: Career concerns are often fall into 2 main categories: career decision making and job-search needs. Technology, in the form of websites, social media, and applications, has expanded the resources available for counsellors. The paper investigated multiple technological tools that might accompany each step of the career decision-making process, organized through the lens of cognitive information processing theory, as well as the job-search process. In this paper, we also presented technology tools and strategies ensure that clients to address their career concerns. Keywords: Technology, Career counselling, Social media, Apps.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
29=>2