Academia.eduAcademia.edu
PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT CHÈ TẠI TỈNH THÁI NGUYÊN Họ tên: Lê Thị Lan Phương Lớp: CQ50/11.18 SĐT: 0963 00 87 85 Xưa nay, nói đến trà Việt, người ta nghĩ ngay đến trà Thái Nguyên. Với diện tích trồng chè khoảng 17.660 ha, đứng thứ 2 cả nước (sau Lâm Đồng), Thái Nguyên nằm trong vùng chè lâu đời của Việt Nam, với sản phẩm chè có hương vị đặc trưng mà không nơi nào khác có được. Từ rất lâu, chè Thái Nguyên đã được tôn vinh là "đệ nhất danh trà" của đất nước. Cây chè được coi là cây kinh tế mũi nhọn của tỉnh Thái Nguyên, tuy chưa thể giúp người dân làm giàu theo hướng đột phá nhưng là loại cây “xóa đói, giảm nghèo”, bởi nó có nhiều lợi thế như dễ chăm sóc, chi phí ban đầu không quá cao, thu hoạch lâu dài, giúp người dân ổn định đời sống. Hơn thế, chè còn là thức uống có giá trị dinh dưỡng và dược liệu cao. Vì vậy, đẩy mạnh phát triển sản xuất chè tại tỉnh Thái Nguyên đang là một vấn đề cần được quan tâm hàng đầu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội toàn tỉnh. Thực trạng sản xuất chè tại Thái Nguyên Được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu và đất đai, Thái Nguyên có nhiều khả năng phát triển nông - lâm nghiệp, trong đó có trồng chè. Chè Thái Nguyên, đặc biệt là chè Tân Cương là sản phẩm nổi tiếng trong cả nước từ lâu.Tính đến cuối năm 2012, toàn tỉnh có hơn 130 cơ sở chế biến chè lớn nhỏ phân bố đều trên khắp địa bàn tỉnh. Các vùng chè nổi tiếng như vùng chè Tân Cương (thành phố Thái Nguyên), vùng chè Trại Cài – Minh Lập (huyện Đồng Hỷ), vùng chè La Bằng (huyện Đại Từ), vùng chè Tức Tranh, Vô Tranh, Phú Đô (huyện Phú Lương),... Chè Thái Nguyên được tiêu thụ cả thị trường trong và ngoài nước, trong đó thị trường nội địa chiếm 70% với sản phẩm rất đa dạng gồm chè xanh, chè vàng, chè đỏ, chè đen và nhiều loại chè hòa tan, chè thảo dược khác. Năm 2012, năng suất chè búp tươi đạt 113 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi 182.900 tấn. Từ đầu năm 2010 đến nay, trong tổng số 12 doanh nghiệp xuất khẩu chè trên địa bàn đã có 7 đơn vị ký được hợp đồng xuất khẩu với lượng chè xuất khẩu đạt 3.165 tấn; trị giá 4,9 triệu USD. Một số công ty đạt kết quả cao là Công ty chè Yijin chiếm 42% giá trị xuất khẩu chè trên toàn tỉnh, Công ty Nông sản chè Thái Nguyên 16,8%, Công ty cổ phần chè Hà Thái 13,3%. Thị trường xuất khẩu chè chủ yếu là Đài Loan 43%, Trung Quốc 27%, Pakistan 30% (Nguồn: Cục thống kê tỉnh Thái Nguyên). Tuy nhiên, cây chè tại tỉnh Thái Nguyên chưa được đầu tư phát triển tương xứng với tiềm năng vốn có của nó. Sản phẩm chè Thái Nguyên chưa có sức cạnh tranh trên cả thị trường trong nước và quốc tế, đặc biệt là tình trạng thường xuyên bị ép giá do chưa có thương hiệu. Bên cạnh đó, việc tổ chức sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè vẫn còn nhiều bất cập; hạn chế trong công tác thực hiện công nghệ sản xuất, quản lý chất lượng sản phẩm, thông tin, thị trường,v.v... đã kìm hãm phần nào sự phát triển ngành chè của tỉnh. Nguyên nhân Thứ nhất, về sản xuất chè nguyên liệu Việc phát triển vùng chè nguyên liệu chưa được thực hiện tốt. Ở nhiều địa phương hiện nay vẫn đang sử dụng các giống chè cũ hoặc đã thoái hóa cho năng suất, chất lượng thấp. Công tác giống đã được quan tâm nghiên cứu, chọn tạo nhưng vẫn chưa thể cung cấp đủ giống cho sản xuất. Quy trình kỹ thuật canh tác vẫn còn nhiều bất cập, vườn chè chưa được thâm canh đầy đủ. Diện tích trồng chè còn manh mún, nhỏ lẻ; năng suất thu hoạch chưa cao. Nông dân trồng chè gặp rất nhiều khó khăn. Tỉnh Thái Nguyên tuy có lợi thế về điều kiện đất đai, khí hậu phù hợp với cây chè song người nông dân vẫn còn nhiều vướng mắc về vốn và kỹ thuật; chưa được đào tạo, bồi dưỡng về kỹ thuật ươm cây giống và chăm sóc cây, phần lớn là vừa làm vừa rút kinh nghiệm nên tỷ lệ hỏng còn cao. Sản xuất chè chưa “an toàn”. Việc lạm dụng quá mức thuốc trừ sâu, phân bón hóa học trong trồng và chăm sóc chè là nguyên nhân khiến nhiều lô chè chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá mức cho phép, ảnh hưởng xấu đến chất lượng và độ an toàn của sản phẩm chè. Thứ hai, về công nghiệp chế biến chè Doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc quản lí chất lượng và số lượng chè nguyên liệu. Nguồn chè nguyên liệu hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu của các nhà máy, xí nghiệp chế biến chè trong tỉnh. Bên cạnh đó, sự ràng buộc lỏng lẻo giữa bên trồng và chế biến chè cũng đẩy các doanh nghiệp sản xuất chè lâm vào tình trạng khủng hoảng. Chế biến chè tại tỉnh Thái Nguyên chưa thật sự chú trọng đến sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng, còn nhiều dây chuyền sản xuất nhỏ, công nghệ lạc hậu. Theo thống kê đầu năm 2013, chế biến chè theo phương thức thủ công truyền thống chiếm tới hơn 80% tổng sản phẩm chè của tỉnh. Trong cơ cấu tổ chức sản xuất ngành chè vẫn là tình trạng quy mô hộ gia đình phân tán, nhỏ lẻ, chưa hình thành được mối quan hệ giữa doanh nghiệp và nông dân, giữa doanh nghiệp nhỏ với doanh nghiệp lớn làm đầu tàu để quản lý kỹ thuật và đầu mối xuất khẩu. Sản xuất công nghiệp còn thiếu lao động lành nghề; công nghệ, nhà xưởng thiếu vốn đề cải tiến theo tiêu chuẩn quốc tế; không ổn định do thiếu nguyên liệu, trình độ quản lí còn kém,... đã dẫn đến chất lượng sản phẩm chè chưa đồng đều. Thứ ba, về tiêu thụ chè Phần lớn sản phẩm chè mang ra tiêu thụ trên thị trường dưới dạng chè rời, số lượng sản phẩm có bao gói, nhãn mác còn rất hạn chế nên giá bán thấp, chưa có thị trường ổn định và bền vững. Vấn đề thương hiệu cho sản phẩm chè chất lượng cao, chè an toàn, chè đặc sản chưa được quan tâm đúng mức. Tuy đã có nhãn hiệu chè tập thể “chè Thái Nguyên” và các thương hiệu chè Tân Cương, chè Trại Cài, chè La Bằng,... nhưng tỉnh chưa có bộ tiêu chuẩn sản phẩm và các chế tài xử lý về vi phạm bản quyền thương hiệu nên nhiều người sản xuất chè chất lượng thấp, “chè bẩn” nhưng lại rao bán với thương hiệu chè đặc sản làm giảm uy tín của các sản phẩm chất lượng tốt. Giải pháp thúc đẩy ngành chè tỉnh Thái Nguyên phát triển Xuất phát từ tình hình thực tế và thực trạng sản xuất chè tại tỉnh Thái Nguyên hiện nay, cần thiết phải có những giải pháp mang tính đồng bộ trong tất cả các khâu từ sản xuất, chế biến và tiêu thụ chè; đồng thời cần có sự phối hợp, liên kết chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người nông dân. Cụ thể là: Về phía Nhà nước và các cơ quan chức năng địa phương: Thứ nhất, cần xây dựng các chính sách nhằm hỗ trợ phát triển ngành chè trong nước nói chung và ngành chè Thái Nguyên nói riêng. Áp dụng chính sách thuế phù hợp với đặc điểm ngành chè; đầu tư tín dụng, hỗ trợ về vốn thông qua các nguồn vay ưu đãi; hỗ trợ chuyển giao khoa học-kỹ thuật, giống, phân bón; cung cấp thông tin về thị trường, đào tạo nhân lực về quản lý và sản xuất; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kĩ thuật, đặc biệt là hệ thống thủy lợi, trại - trạm, đầu tư trang bị cơ giới cho các khâu thu hái và chế biến chè. Thứ hai, tăng cường công tác khuyến nông. Khuyến nông là cách đào tạo và rèn luyện tay nghề cho nông dân, giúp họ hiểu được những chủ trương, chính sách về nông nghiệp, những kiến thức về kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, có được các kỹ năng về quản lý kinh tế nông nghiệp và những thông tin về thị trường nông sản hàng hoá. Như vậy, công tác khuyến nông được coi là cầu nối giữa tiến bộ khoa học kỹ thuật, chính sách, thị trường với những người tham gia sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất chè nói riêng. Thứ ba, tập trung tổ chức lại ngành chè theo hướng sản xuất lớn gắn với thị trường. Cần mở rộng liên kết các doanh nghiệp trong tỉnh với nông dân trong sản xuất chè nguyên liệu; giữa doanh nghiệp trong tỉnh với doanh nghiệp ngoài tỉnh; gắn lợi ích của người trồng chè với doanh nghiệp. Đồng thời, cần khuyến khích cải tạo đổi mới cơ cấu giống, điều kiện canh tác theo hướng nâng cao chất lượng; hướng dẫn thực hành sản xuất chè an toàn, cải thiện điều kiện thu hái bảo đảm đúng yêu cầu kỹ thuật; rà soát hệ thống các cơ sở chế biến, bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật sao cho bảo đảm đồng đều về chất lượng; cơ cấu lại sản phẩm chè phù hợp với thị trường. Về phía doanh nghiệp sản xuất chè: Thứ nhất, cần có sự đổi mới toàn diện trong ngành chè nói chung và mỗi doanh nghiệp chè nói riêng. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kĩ thuật trong sản xuất và chế biến chè; cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm; sản xuất sản phẩm theo hướng đa dạng hóa và phù hợp với nhu cầu thị trường. Đồng thời, cần liên tục tổ chức tập huấn, đào tạo nhân lực ngành chè một cách toàn diện và chuyên sâu, nâng cao năng suất và tay nghề người lao động. Thứ hai, tập trung sản xuất chè sạch, chè an toàn. Muốn có sản phẩm chè sạch, phù hợp thị hiếu thị trường trong nước và yêu cầu thị trường quốc tế thì việc đảm bảo an toàn không chỉ được chú trọng trong trồng, thu hoạch chè mà còn trong công tác chế biến chè. Quy trình chế biến chè phải đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, cải tiến dây chuyền sản xuất theo hướng hiện đại hóa, có hệ thống kiểm tra chất lượng sản phẩm khắt khe trước khi đưa ra thị trường. Thứ ba, kết hợp sản xuất chè với du lịch làng chè: Là hướng phát triển mới cho ngành chè và du lịch tỉnh Thái Nguyên. Đây không chỉ là hình thức quảng bá cho hình ảnh cây chè và đặc sản chè Thái Nguyên mà còn giới thiệu nét đẹp trong ngành du lịch đặc trưng của tỉnh, mang lại "lợi ích kép" cho sự phát triển kinh tế - văn hóa của mỗi vùng chè đất Thái. Về phía người trồng chè: Thứ nhất, cần tạo ra nguồn chè nguyên liệu ổn định cho chế biến bằng các biện pháp: cải tạo đất; từng bước xác định và thay thế dần các giống chè đã thoái hóa bằng những giống chè mới phù hợp; đầu tư trồng mới, mở rộng diện tích trồng chè; đổi mới phương pháp canh tác như canh tác trên đất dốc, chống sói mòn, rửa trôi, kết hợp với trồng rừng, canh tác hữu cơ; có chế độ tưới tiêu tiết kiệm, thâm canh hợp lí,... Thứ hai, tiếp cận các công nghệ trồng, chăm sóc và quản lí tiên tiến; không ngừng học hỏi, đổi mới phương pháp canh tác. Đặc biệt chú trọng đến sản xuất chè an toàn, đạt tiêu chuẩn quốc tế bằng việc sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật đúng quy trình và hợp lí. Xét về tổng thể, việc phát huy sức mạnh của mối liên kết 4 nhà (Nhà nông, Nhà doanh nghiệp, Nhà nước và Nhà khoa học ) trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chè là một trong những giải pháp mang tính toàn diện và hiệu quả. Cây chè ở Thái Nguyên là một trong cây công nghiệp dài ngày có nhiều lợi thế, là nông sản xuất khẩu hàng năm có giá trị cao, bởi vậy để khai thác hết tiềm năng của nó, cần có sự phối hợp đồng bộ từ cơ chế chính sách của Nhà nước, sự quyết tâm cao của nông dân, sự đam mê sáng tạo của các nhà khoa học và sự năng động của các doanh nghiệp trong suốt quá trình sản xuất. Không thể phủ nhận chè là cây trồng chính và chiến lược của tỉnh Thái Nguyên, đồng thời là một trong những sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu chính của Việt Nam. Cây chè Thái Nguyên nói riêng và chè Việt Nam nói chung đã và đang nhận được sự quan tâm, khuyến khích phát triển của trung ương và địa phương nhằm mở rộng diện tích, tăng năng suất, chất lượng, mẫu mã, tạo thương hiệu và mở rộng thị trường. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả sản xuất chè Thái Nguyên cũng như mang thương hiệu chè Thái tương xứng với giá trị của nó, còn cần đến sự nỗ lực từ phía người nông dân, doanh nghiệp sản xuất chè cũng như sự quan tâm hỗ trợ từ các cơ quan chức năng. Hi vọng trong tương lai không xa, chè Thái Nguyên sẽ trở thành thương hiệu nổi tiếng trong nước và trên trường quốc tế.