Giải bài tập Ngữ văn lớp 10: Tổng quan văn học Việt Nam

Ngữ văn lớp 10: Tổng quan văn học Việt Nam

VnDoc xin giới thiệu tới bạn đọc tài liệu Giải bài tập Ngữ văn lớp 10: Tổng quan văn học Việt Nam, hy vọng bộ tài liệu sẽ là nguồn thông tin hay để giúp các bạn học sinh nắm chắc hơn nội dung bài học một cách dễ dàng. Mời thầy cô và các bạn học sinh tham khảo.

Học tốt Ngữ văn 10: Tổng quan văn học Việt Nam

Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, nhân dân Việt Nam đã sáng tạo nên nhiều giá trị vật chất và tinh thần to lớn, đáng tự hào. Trong những sáng tạo tinh thần đó, có nền văn học của dân tộc kết tinh tinh hoa của cha ông ta trong suốt trường kì lịch sử.

I. CÁC BỘ PHẬN HỢP THÀNH CỦA VĂN HỌC VIỆT NAM

Văn học Việt Nam gồm hai bộ phận lớn: văn học dân gian và văn học viết.

1. Văn học dân gian

- Trước khi có văn học viết, đã có văn học dân gian. Đó là những sáng tác tập thể và truyền miệng của nhân dân lao động. Khi văn học viết ra đời, văn học dân gian ở nước ta vẫn tiếp tục phát triển song song với văn học viết cho đến thời kì hiện đại theo những yêu cầu tự thân của nó (dĩ nhiên với số lượng chừng mực chứ không nhiều như ở những thời kì trước - đặc biệt khi chưa có văn học viết).

- Văn học dân gian gồm nhiều thể loại phong phú và có giá trị to lớn về nhiều mặt, được xem như là bộ phận làm nền của văn học dân tộc (xem cụ thể ở bài sau).

2. Văn học viết

Văn học viết ra đời từ thế kỉ X khi dân tộc Việt Nam giành được độc lập từ tay các thế lực đô hộ phương Bắc. Đó là sáng tác của những trí thức, được ghi lại bằng chữ viết. Là sáng tạo cá nhân, tác phẩm văn học viết mang dấu ấn của từng tác giả.

a) Chữ viết của văn học Việt Nam

Bộ phận văn học viết, về cơ bản được viết bằng ba thứ chữ: chữ Hán, chữ Nôm và chữ Quốc ngữ:

- Chữ Hán là văn tự của người Hán. Người Việt Nam đọc chữ Hán theo cách đọc Hán Việt.

- Chữ Nôm là chữ viết cổ của tiếng Việt, dựa vào chữ Hán mà đặt ra.

- Chữ Quốc ngữ là thứ chữ sử dụng chữ cái La-tinh để ghi âm tiếng Việt, dễ đọc và dễ học. Từ đầu thế kỉ XX, nó trở thành văn tự chính thống của dân tộc.

Ngoài ra, một số tác giả còn sáng tác bằng tiếng Pháp (như Truyện, kí của Nguyễn Ái Quốc hồi đầu thế kỉ XX). Nhưng dù sáng tác bằng chữ Hán hay tiếng Pháp thì những sáng tác đó cũng đều là văn học Việt Nam, đều thuộc nền văn học viết của dân tộc.

b) Hệ thống thể loại của văn học viết

- Hệ thống thể loại của văn học từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIX:

+ Văn học chữ Hán: gồm văn xuôi, thơ, văn biền ngẫu.

+ Văn học chữ Nôm: thiên về thơ: thơ Nôm Đường luật, truyện thơ, ngâm khúc, ..

- Hệ thống thể loại của văn học từ đầu thế kỉ XX đến nay: Các loại hình và loại thể văn học có ranh giới rõ ràng hơn:

+ Loại hình tự sự: tiểu thuyết, truyện ngắn, kí.

+ Loại hình trữ tình: thơ trữ tình và trường ca.

+ Loại hình kịch: kịch nói.

II. HAI THỜI ĐẠI LỚN CỦA VĂN HỌC VIỆT NAM

Văn học Việt Nam là một nền văn học thống nhất trong sự đa dạng. Bên cạnh những đặc trưng chung, văn học của các vùng, miền, các tộc người lại có một số bản sắc riêng làm phong phú cho nền văn học của cả dân tộc Việt Nam.

Văn học viết Việt Nam đã vận động qua hai thời kì lớn: từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIX gọi là văn học trung đại; từ đầu thế kỉ XX đến nay gọi là văn học hiện đại.

1. Thời kì văn học từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIX (văn học trung đại)

Đây là nền văn học viết bằng chữ Hán và chữ Nôm.

a) Nền văn học chữ Hán hình thành từ thế kỉ X và tồn tại cho tới cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX. Nó tiếp nhận những học thuyết lớn của phương Đông (Nho giáo, Phật giáo, tư tưởng Lão Trang) và các thể loại văn học của Trung Quốc để tạo nên nền văn học chữ Hán của dân tộc.

- Nhiều hiện tượng văn học lớn như thơ văn yêu nước và thơ thiện thời Lí - Trần, các thể loại văn xuôi như truyền kì (Truyền kì mạn lục), kí sự (Thượng kinh kí sự), tiểu thuyết chương hồi (Hoàng Lê nhất thống chí),...

- Nhiều tác phẩm lớn, nhiều tác giả lớn như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Cao Bá Quát,...

- Thế kỉ XVIII, khi văn học chữ Nôm phát triển mạnh thì văn học chữ Hán vẫn có nhiều thành tựu. Đến thế kỉ XX, khi văn học chữ Quốc ngữ đã trở thành phổ biến thì thơ chữ Hán của các nhà nho yêu nước duy tân, của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn là những viên ngọc quí trong kho tàng văn học dân tộc.

b) Văn học tiếng Việt viết bằng chữ Nôm bắt đầu phát triển mạnh từ thế kỉ XV và đạt tới đỉnh cao ở thế kỉ XVIII. Đây là sự vận động tất yếu của nền văn học dân tộc, đáp ứng nhu cầu phản ánh hiện thực đời sống và diễn tả tâm hồn của người Việt Nam, là bằng chứng hùng hồn cho ý chí xây dựng một nền văn hiến độc lập của dân tộc ta.

- Nhiều thành tựu quan trọng của văn học Việt Nam nằm trong bộ phận văn học chữ Nôm: thơ thất ngôn xen lục ngôn của Nguyễn Trãi, thơ Nôm Đường luật của Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan...; các thể thơ dân gian như lục bát, song thất lục bát, hát nói đã được sử dụng để sáng tác truyện thơ Nôm, ngâm khúc, hát nói. Hàng loạt bài thơ Nôm của Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, hàng loạt truyện Nôm bác học (Sơ kính tân trang, Truyện Kiều) và truyện Nôm bình dân (Tống Trân Cúc Hoa, Phạm Tải Ngọc Hoa), hàng loạt khúc ngâm, hát nói,...

- Bộ phận văn học viết bằng chữ Nôm chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn học dân gian.

- Chữ Nôm là điều kiện quan trọng của quá trình dân tộc hóa và dân chủ hóa nền văn học viết thời trung đại.

2. Thời kì văn học từ đầu thế kỉ XX đến nay (văn học hiện đại)

- Đây là nền văn học tiếng Việt, chủ yếu viết bằng chữ Quốc ngữ

a) Trải qua một giai đoạn giao thời ngắn từ đầu thế kỉ XX đến đầu những năm ba mươi, văn học Việt Nam đã bước vào quỹ đạo của văn học hiện đại thế giới, tiếp xúc với các nền văn học châu Âu. Một mặt, nó kế thừa tinh hoa của văn học truyền thống; mặt khác, lại tiếp nhận ảnh hưởng của những nền văn học lớn trên thế giới để hiện đại hóa, đổi mới nền văn học dân tộc. Nó được phát triển mạnh trong giai đoạn 1930-1945.

b) Cách mạng tháng Tám năm 1945 mở ra một giai đoạn mới trong tiến trình văn học Việt Nam thế kỉ XX. Một nền văn học mới ra đời và phát triển dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam. Những thành tựu văn học to lớn của giai đoạn từ 1945 đến nay gắn liền với đường lối văn nghệ đúng đắn của Đảng và sự nghiệp lao động và chiến đấu của nhân dân ta.

c) Thành tựu đặc biệt quan trọng của văn học Việt Nam thế kỉ XX thuộc về dòng văn học yêu nước cách mạng, gắn liền với công cuộc giải phóng dân tộc. Cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945, hai cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ giành độc lập dân tộc là những sự kiện lịch sử vĩ đại đã đem lại những đề tài mới, nguồn cảm hứng mới, tạo tiền đề cho sự xuất hiện một nền văn học mới với những thành tựu nghệ thuật đáng tự hào.

d) Hệ thống thể loại mới trong văn học không ngừng được phát triển và hoàn thiện, Thơ mới, tiểu thuyết Tự lực văn đoàn, văn xuôi hiện thực phê phán; rồi thơ kháng chiến chống Pháp, thơ, tiểu thuyết, truyện ngắn, bút kí trong chiến tranh chống Mĩ và xây dựng chủ nghĩa xã hội đều đạt những thành tựu lớn. Hiện nay, văn học Việt Nam đang tiếp tục phản ánh nhiều mặt công cuộc đổi mới của sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.

III. CON NGƯỜI VIỆT NAM QUA VĂN HỌC

Văn học Việt Nam phản ánh tư tưởng, tình cảm, quan niệm chính trị, văn hóa, đạo đức, thẩm mĩ của con người Việt Nam trong nhiều mối quan hệ đa dạng:

1. Con người Việt Nam trong quan hệ với thế giới tự nhiên

- Các tác phẩm văn học dân gian từ xưa đã kể lại quá trình ông cha ta nhận thức, cải tạo, chinh phục đầy gian khổ mà hào hùng thế giới tự nhiên hoang dã để xây dựng non sông đất nước tươi đẹp và tích lũy nhiều hiểu biết phong phú, sâu sắc về thiên nhiên.

- Thiên nhiên còn là người bạn thân thiết của con người. Ca dao - dân ca và thơ trữ tình đã ghi lại biết bao hình ảnh tươi đẹp và đáng yêu của thiên nhiên Việt Nam. Tình yêu thiên nhiên cũng là một nội dung quan trọng của văn học Việt Nam.

2. Con người Việt Nam trong quan hệ quốc gia dân tộc

- Lịch sử Việt Nam hàng ngàn năm, chủ yếu là lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm để bảo vệ nền độc lập tự chủ của dân tộc. Phản ánh hiện thực lịch sử hào hùng ấy có một dòng văn học yêu nước phong phú và có giá trị nhân văn sâu sắc xuyên suốt lịch sử văn học Việt Nam, với những tác phẩm lớn kết tinh lòng yêu nước từ xưa đến nay như Nam quốc sơn hà, Bình Ngô đại cáo, Tuyên ngôn Độc lập... với nhiều tác gia văn học yêu nước lớn như Nguyễn Trãi, Nguyễn Đình Chiểu, Phan Bội Châu, Hồ Chí Minh, Tố Hữu,... đã xây dựng nên một hệ thống tư tưởng yêu nước hoàn chỉnh. Đáng chú ý là phẩm chất tiên phong chống đế quốc của nền văn học cách mạng Việt Nam thế kỉ XX.

- Chủ nghĩa yêu nước là một nội dung tiêu biểu, một giá trị quan trọng của văn học Việt Nam.

3. Con người Việt Nam trong quan hệ xã hội

- Trong các xã hội có giai cấp đối kháng, văn học Việt Nam đã lên tiếng tố cáo, phê phán các thế lực chuyên quyền và bày tỏ sự thông cảm với những người dân bị áp bức (truyện cười, ca dao, tục ngữ, thơ, truyện thơ, kí sự, tiểu thuyết,...).

- Nhiều tác phẩm thể hiện ước mơ da diết về một xã hội công bằng, tốt đẹp.

- Nhìn thẳng vào thực tại với tinh thần nhận thức, phê phán và cải tạo xã hội là một truyền thống lớn của văn học Việt Nam với những tên tuổi như Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao trong dòng hiện thực phê phán trước Cách mạng tháng Tám.

- Văn học xây dựng chủ nghĩa xã hội (sau năm 1954 trên miền Bắc và sau 1975 trên cả nước) với những lí tưởng nhân đạo cao đẹp cũng phản ánh quan hệ xã hội mới mẻ trong nhân dân ta.

- Phản ánh quan hệ xã hội vừa tô đậm giá trị hiện thực vừa tạo nên chủ nghĩa nhân đạo trong văn học nước ta.

4. Con người Việt Nam và ý thức về bản thân

- Trong mỗi con người đều có hai phương diện: ý thức cá nhân và ý thức cộng đồng. Văn học Việt Nam đã ghi lại quá trình lựa chọn, đấu tranh để khẳng định một đạo lí làm người của dân tộc Việt Nam trong sự kết hợp hài hòa hai phương diện đó.

- Trong những hoàn cảnh lịch sử đặc biệt như đấu tranh chống ngoại xâm, đấu tranh cải tạo thiên nhiên khắc nghiệt, con người Việt Nam thường đề cao ý thức cộng đồng hơn ý thức cá nhân. Nhưng trong hoàn cảnh khác như ở cuối thế kỉ XVIII hay giai đoạn 1930 - 1945, cái tôi cá nhân lại được đề cao.

- Xu hướng chung của sự phát triển văn học dân tộc là xây dựng một đạo lí làm người với nhiều phẩm chất tốt đẹp như: nhân ái, thủy chung, tình nghĩa, vị tha, hi sinh vì sự nghiệp chính nghĩa, đề cao quyền sống của con người cá nhân nhưng không chấp nhận chủ nghĩa cá nhân cực đoan.

LUYỆN TẬP

(gợi ý trả lời phần Hướng dẫn học bài trong SGK)

1. Vẽ sơ đồ các bộ phận của văn học Việt Nam:

Tổng quan văn học Việt Nam

2. “Bút lông” dùng để viết chữ Hán (và cả chữ Nôm) • chỉ thời đại văn học trung đại.

“Bút sắt” dùng để viết chữ Quốc ngữ • chỉ thời đại văn học hiện đại.

3. Câu này các em tự làm dựa theo vốn văn học của mình.

---------------------------------------------

Trên đây VnDoc.com đã giới thiệu tới bạn đọc tài liệu: Giải bài tập Ngữ văn lớp 10: Tổng quan văn học Việt Nam. Để có kết quả cao hơn trong học tập, VnDoc xin giới thiệu tới các bạn học sinh tài liệu giải bài tập Toán lớp 10, giải bài tập Toán lớp 12, Thi thpt quốc gia môn Toán, Thi thpt Quốc gia môn Văn, đề thi học kì 2 lớp 12, Thi thpt Quốc gia môn Lịch sử mà VnDoc tổng hợp và đăng tải.

Đánh giá bài viết
1 80
Sắp xếp theo

    Học tốt Ngữ Văn lớp 10

    Xem thêm