You are on page 1of 11

LUẬT BÁO CHÍ

 Luật Báo chí số 103/2016/QH13 ngày 05/04/2016


Điều 4. Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của báo chí
1. Báo chí ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin
thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ
quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp,
tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; là diễn đàn của Nhân dân.
2. Báo chí có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi
ích của đất nước và của Nhân dân;
b) Tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ
trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và
thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí; góp phần ổn định chính trị,
phát triển kinh tế - xã hội,nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu văn hóa lành mạnh
của Nhân dân, bảo vệ và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng và
phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc,
xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa;
c) Phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội; làm diễn đàn thực hiện quyền
tự do ngôn luận của Nhân dân;
d) Phát hiện, nêu gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới, điển hình tiên
tiến; đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng
tiêu cực trong xã hội;
đ) Góp phần giữ gìn sự trong sáng và phát triển tiếng Việt, tiếng của các
dân tộc thiểu số Việt Nam;
e) Mở rộng sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nước và các dân tộc, tham gia
vào sự nghiệp của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, hữu nghị, hợp
tác, phát triển bền vững.
Điều 9. Các hành vi bị nghiêm cấm
1. Đăng, phát thông tin chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
có nội dung:
a) Xuyên tạc, phỉ báng, phủ nhận chính quyền nhân dân;
b) Bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân;
c) Gây chiến tranh tâm lý.
2. Đăng, phát thông tin có nội dung:
a) Gây chia rẽ giữa các tầng lớp nhân dân, giữa Nhân dân với chính quyền
nhân dân, với lực lượng vũ trang nhân dân, với tổ chức chính trị, tổ chức chính
trị - xã hội;
b) Gây hằn thù, kỳ thị, chia rẽ, ly khai dân tộc, xâm phạm quyền bình
đẳng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam;
c) Gây chia rẽ người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, giữa
người theo các tôn giáo khác nhau, chia rẽ các tín đồ tôn giáo với chính quyền
nhân dân, với tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; xúc phạm niềm tin tín
ngưỡng, tôn giáo;
d) Phá hoại việc thực hiện chính sách đoàn kết quốc tế.
3. Đăng, phát thông tin có nội dung kích động chiến tranh nhằm chống lại độc
lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
4. Xuyên tạc lịch sử; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, anh
hùng dân tộc.
5. Tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân
và bí mật khác theo quy định của pháp luật.
6. Thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan; thông tin về những chuyện thần
bí gây hoang mang trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội và
sức khỏe của cộng đồng.
7. Kích động bạo lực; tuyên truyền lối sống đồi trụy; miêu tả tỉ mỉ những hành
động dâm ô, hành vi tội ác; thông tin không phù hợp với thuần phong mỹ tục
Việt Nam.
8. Thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ
chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; quy kết tội danh khi chưa có bản án của
Tòa án.
9. Thông tin ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần
của trẻ em.
10. In, phát hành, truyền dẫn, phát sóng sản phẩm báo chí, tác phẩm báo chí, nội
dung thông tin trong tác phẩm báo chíđã bị đình chỉ phát hành, thu hồi, tịch thu,
cấm lưu hành, gỡ bỏ, tiêu hủy hoặc nội dung thông tin mà cơ quan báo chí đã có
cải chính.
11. Cản trở việc in, phát hành, truyền dẫn, phát sóng sản phẩm báo chí, sản
phẩm thông tin có tính chất báo chí hợp pháp tới công chúng.
12. Đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo,
phóng viên; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên
hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật.
13. Đăng, phát trên sản phẩm thông tin có tính chất báo chí thông tin quy định
tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9 và 10 của Điều này.
Điều 10. Quyền tự do báo chí của công dân
1. Sáng tạo tác phẩm báo chí.
2. Cung cấp thông tin cho báo chí.
3. Phản hồi thông tin trên báo chí.
4. Tiếp cận thông tin báo chí.
5. Liên kết với cơ quan báo chí thực hiện sản phẩm báo chí.
6. In, phát hành báo in.
Điều 11. Quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân
1. Phát biểu ý kiến về tình hình đất nước và thế giới.
2. Tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của
Đảng, pháp luật của Nhà nước.
3. Góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ
chức của Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã
hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức,
cá nhân khác.
Điều 21. Loại hình hoạt động và nguồn thu của cơ quan báo chí
1. Cơ quan báo chí hoạt động theo loại hình đơn vị sự nghiệp có thu.
Tạp chí khoa học hoạt động phù hợp với loại hình của cơ quan chủ quản.
2. Nguồn thu của cơ quan báo chí gồm:
a) Nguồn thu do cơ quan chủ quản báo chí cấp;
b) Thu từ bán báo, bán quyền xem các sản phẩm báo chí, quảng cáo, trao
đổi, mua bán bản quyền nội dung;
c) Thu từ hoạt động kinh doanh, dịch vụ của cơ quan báo chí, các đơn vị
trực thuộc cơ quan báo chí;
d) Nguồn thu từ tài trợ hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài
nước.
Điều 25. Quyền và nghĩa vụ của nhà báo
1. Nhà báo là người hoạt động báo chí được cấp thẻ nhà báo.
2. Nhà báo có các quyền sau đây:
a) Hoạt động báo chí trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt
Nam, hoạt động báo chí ở nước ngoài theo quy định của pháp luật và được pháp
luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp;
b) Được khai thác, cung cấp và sử dụng thông tin trong hoạt động báo chí
theo quy định của pháp luật;
c) Được đến các cơ quan, tổ chức để hoạt động nghiệp vụ báo chí. Khi
đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo. Các cơ quan, tổ chức có
trách nhiệm cung cấp cho nhà báo những tư liệu, tài liệu không thuộc phạm vi bí
mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp
luật;
d) Được hoạt động nghiệp vụ báo chí tại các phiên tòa xét xử công khai;
được bố trí khu vực riêng để tác nghiệp; được liên lạc trực tiếp với người tiến
hành tố tụng, người tham gia tố tụng để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của
pháp luật;
đ) Được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ báo
chí;
e) Khước từ việc tham gia biên soạn hoặc thể hiệntác phẩm báo chí trái
với quy định của pháp luật.
3. Nhà báo có các nghĩa vụ sau đây:
a) Thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi
ích của đất nước và của Nhân dân; phản ánh ý kiến, nguyện vọng chính đáng
của Nhân dân;
b) Bảo vệ quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp
luật của Nhà nước; phát hiện, tuyên truyền và bảo vệ nhân tố tích cực; đấu tranh
phòng, chống các tư tưởng, hành vi sai phạm;
c) Không được lạm dụng danh nghĩa nhà báo để sách nhiễu và làm việc vi
phạm pháp luật;
d) Phải cải chính, xin lỗi trong trường hợp thông tin sai sự thật, xuyên tạc,
vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá
nhân;
đ) Chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước người đứng đầu cơ quan báo
chí về nội dung tác phẩm báo chí của mình và về những hành vi vi phạm pháp
luật;
e) Tuân thủ quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo.
Điều 38. Cung cấp thông tin cho báo chí
1. Trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình, các cơ quan, tổ chức, người có
trách nhiệm có quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí và chịu trách
nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin đã cung cấp. Việc cung cấp thông
tin cho báo chí có thể bằng văn bản, trên trang thông tin điện tử tổng hợp, họp
báo, trả lời phỏng vấn và các hình thức khác. Cơ quan báo chí phải sử dụng
chuẩn xác nội dung thông tin được cung cấp và phải nêu rõ xuất xứ nguồn tin.
2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có quyền từ chối cung cấp thông tin
cho báo chí trong các trường hợp sau đây:
a) Thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật thuộc nguyên tắc và
quy định của Đảng, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của
pháp luật;
b) Thông tin về vụ án đang được điều tra hoặc chưa xét xử, trừ trường hợp
cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan điều tra cần thông tin trên báo chí những
vấn đề có lợi cho hoạt động điều tra và công tác đấu tranh phòng, chống tội
phạm;
c) Thông tin về vụ việc đang trong quá trình thanh tra chưa có kết luận
thanh tra; vụ việc đang trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo; những vấn đề
tranh chấp, mâu thuẫn giữa các cơ quan nhà nước đang trong quá trình giải
quyết, chưa có kết luận chính thức của người có thẩm quyền mà theo quy định
của pháp luật chưa được phép công bố;
d) Những văn bản chính sách, đề án đang trong quá trình soạn thảo mà
theo quy định của pháp luật chưa được cấp có thẩm quyền cho phép công bố.
3. Đối với vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố mà chưa được xét xử, các
vụ việc tiêu cực hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật nhưng chưa có kết luận của
cơ quan nhà nước có thẩm quyền, báo chí có quyền thông tin theo các nguồn tài
liệu của mình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin.
4. Cơ quan báo chí và nhà báo có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ người cung
cấp thông tin, trừ trường hợp có yêu cầu bằng văn bản của Viện trưởng Viện
kiểm sát nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên
cần thiết cho việc điều tra, truy tố, xét xử tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt
nghiêm trọng.
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và
tương đương trở lên có trách nhiệm tổ chức bảo vệ người cung cấp thông tin;
các cơ quan bảo vệ pháp luật có trách nhiệm phối hợp với Viện trưởng Viện
kiểm sát nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên
bảo vệ người cung cấp thông tin.
5. Cơ quan hành chính nhà nước có trách nhiệm cử người phát ngôn, thực hiện
phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí định kỳ và đột xuất, bất thường.
Chính phủ quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí
của các cơ quan hành chính nhà nước.
Điều 39. Trả lời trên báo chí
1. Người đứng đầu cơ quan báo chí có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân
có thẩm quyền trả lời vấn đề mà công dân nêu ra trên báo chí. Trong thời hạn 30
ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của người đứng đầu cơ quan báo chí, cơ
quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trả lời trên báo chí.
2. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được ý kiến, kiến nghị, phê bình,
khiếu nại của tổ chức, công dân và tố cáo của công dân do cơ quan báo chí
chuyển đến, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm thông báo cho cơ
quan báo chí biết biện pháp giải quyết.
Nếu quá thời hạn nêu trên mà không nhận được thông báo của cơ quan, tổ
chức thì cơ quan báo chí có quyền chuyển ý kiến, kiến nghị, phê bình, khiếu nại,
tố cáo của tổ chức, công dân đến cơ quan cấp cao hơn có thẩm quyền giải quyết
hoặc đưa vấn đề đó lên báo chí.
3. Trong thời hạn 10 ngày đối với báo in ra hằng ngày và báo nói, báo hình, báo
điện tử, 15 ngày đối với báo tuần, trên số ra gần nhất đối với tạp chí in kể từ khi
nhận được văn bản trả lời của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết khiếu
nại, tố cáo hoặc văn bản trả lời kiến nghị, phê bình của cơ quan, tổ chức, cá nhân
đối với vấn đề mà báo chí nêu hoặc tiếp nhận, cơ quan báo chí phải thông báo
cho cơ quan, tổ chức, công dân có ý kiến, kiến nghị, phê bình, khiếu nại, tố cáo
hoặc đăng, phát trên báo chí của mình.
4. Cơ quan, tổ chức, công dân có quyền yêu cầu cơ quan báo chí trả lời vấn đề
mà cơ quan báo chí đã thông tin; cơ quan báo chí có trách nhiệm trả lời trong
thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của cơ quan, tổ chức, công dân.
Điều 40. Trả lời phỏng vấn trên báo chí
1. Người phỏng vấn phải thông báo trước cho người được phỏng vấn biết mục
đích, yêu cầu và câu hỏi phỏng vấn; trường hợp cần phỏng vấn trực tiếp, không
có sự thông báo trước thì phải được người trả lời phỏng vấn đồng ý.
2. Sau khi phỏng vấn, trên cơ sở thông tin, tài liệu của người trả lời cung cấp,
người phỏng vấn có quyền thể hiện bằng các hình thức phù hợp. Người phỏng
vấn phải thể hiện chính xác, trung thực nội dung trả lời của người được phỏng
vấn.
Người được phỏng vấn có quyền yêu cầu xem lại nội dung trả lời trước khi
đăng, phát. Cơ quan báo chí và người phỏng vấn phải thực hiện yêu cầu đó.
3. Nhà báo không được dùng những ý kiến phát biểu tại hội nghị, hội thảo, các
cuộc gặp gỡ, trao đổi, nói chuyện có nhà báo tham dự để chuyển thành bài
phỏng vấn nếu không được sự đồng ý của người phát biểu.
4. Cơ quan báo chí, người phỏng vấn và người trả lời phỏng vấn phải chịu trách
nhiệm về nội dung thông tin đăng, phát trên báo chí.
 Quan tâm những điều sau:
Điều 26. Đối tượng được xét cấp thẻ nhà báo
1. Tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, giám đốc, phó giám đốc, tổng biên tập,
phó tổng biên tập cơ quan báo chí, thông tấn.
2. Trưởng phòng (ban), phó trưởng phòng (ban) nghiệp vụ báo chí của cơ quan
báo chí, thông tấn.
3. Phóng viên, biên tập viên của cơ quan báo chí, thông tấn.
4. Người quay phim, đạo diễn chương trình phát thanh, truyền hình (trừ phim
truyện) của các đơn vị được cấp giấy phép hoạt động báo chí trong lĩnh vực phát
thanh, truyền hình và sản xuất phim tài liệu của Nhà nước.
5. Phóng viên, biên tập viên, người phụ trách công tác phóng viên, biên tập ở đài
truyền thanh, truyền hình cấp huyện và tương đương.
6. Người đã được cấp thẻ nhà báo nhưng được điều chuyển sang làm công việc
khác vẫn tiếp tục có tác phẩm báo chí được sử dụng, được cơ quan báo chí xác
nhận, được xét cấp thẻ nhà báo trong các trường hợp cụ thể sau:
a) Được điều động công tác tại các đơn vị không trực tiếp thực hiện
nghiệp vụ báo chí của cơ quan báo chí;
b) Được điều chuyển sang làm công tác giảng dạy chuyên ngành báo chí
tại các cơ sở giáo dục đại học theo quy định của Luật giáo dục đại học;
c) Được điều chuyển sang làm cán bộ chuyên trách tại hội nhà báo các
cấp, trực tiếp làm công tác quản lý nhà nước về báo chí.
Điều 27. Điều kiện, tiêu chuẩn được xét cấp thẻ nhà báo
1. Người công tác tại cơ quan báo chí quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều
26 của Luật này được xét cấp thẻ nhà báo phải bảo đảm các điều kiện và tiêu
chuẩn sau đây:
a) Là công dân Việt Nam, có địa chỉ thường trú tại Việt Nam;
b) Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên; trường hợp là người dân tộc thiểu
số đang thực hiện các ấn phẩm báo in, chương trình phát thanh, truyền hình,
chuyên trang của báo điện tử bằng tiếng dân tộc thiểu số phải có bằng tốt nghiệp
cao đẳng trở lên;
c) Đối với trường hợp cấp thẻ lần đầu, phải có thời gian công tác liên tục
tại cơ quan báo chí đề nghị cấp thẻ từ 02 năm trở lên tính đến thời điểm xét cấp
thẻ, trừ tổng biên tập tạp chí khoa học và những trường hợp khác theo quy định
của pháp luật;
d) Được cơ quan báo chí hoặc cơ quan công tác đề nghị cấp thẻ nhà báo.
2. Những trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 26 của Luật này được xét
cấp thẻ nhà báo phải bảo đảm điều kiện, tiêu chuẩn quy định tại các điểm a, b và
d khoản 1 Điều này và phải bảo đảm các điều kiện, tiêu chuẩn sau đây:
a) Là cộng tác viên thường xuyên của đài phát thanh và truyền hình tỉnh,
thành phố trực thuộc trung ương;
b) Có ít nhất mười hai tác phẩm báo chí đã được phát sóng trên đài phát
thanh và truyền hình tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong 01 năm tính
đến thời điểm xét cấp thẻ;
c) Đối với trường hợp cấp thẻ lần đầu, phải có thời gian công tác liên tục
tại đài truyền thanh, truyền hình cấp huyện và tương đương từ 02 năm trở
lên tính đến thời điểm xét cấp thẻ;
d) Được đài phát thanh và truyền hình tỉnh, thành phố trực thuộc trung
ương đề nghị cấp thẻ nhà báo.
3. Các trường hợp sau đây không được xét cấp thẻ nhà báo:
a) Không thuộc các đối tượng quy định tại Điều 26 của Luật này;
b) Đã vi phạm quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo;
c) Đã bị xử lý kỷ luật từ hình thức khiển trách trở lên theo quy định của
pháp luật về công chức, viên chức và pháp luật về lao độngmà chưa hết thời hạn
12 tháng tính đến thời điểm xét cấp thẻ;
d) Là đối tượng liên quan trong các vụ án chưa có kết luận của cơ quan
nhà nước có thẩm quyền;
đ) Đã bị kết tội bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án mà chưa
được xóa án tích;
e) Bị thu hồi thẻ nhà báo do vi phạm quy định của pháp luật mà thời gian
thu hồi thẻ chưa quá 12 tháng kể từ ngày ra quyết định đến thời điểm xét cấp
thẻ.
Điều 28. Cấp, đổi, thu hồi thẻ nhà báo
1. Thẻ nhà báo cấp cho những người có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định
tại Điều 27 của Luật này để hoạt động báo chí.
2. Kỳ hạn cấp thẻ nhà báo là 05 năm. Thời hạn sử dụng thẻ nhà báo được ghi
trên thẻ. Trong trường hợp đặc biệt, việc gia hạn thời hạn sử dụng thẻ nhà báo
do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quyết định.
Hết kỳ hạn của thẻ nhà báo, Bộ Thông tin và Truyền thông xét cấp đổi thẻ nhà
báo theo kỳ hạn mới.
3. Người đã được cấp thẻ nhà báo khi chuyển sang làm việc tại cơ quan, đơn vị
công tác khác mà vẫn thuộc đối tượng được cấp thẻ nhà báo theo quy định tại
Điều 26 của Luật này thì phải làm thủ tục xin đổi thẻ nhà báo về cơ quan mới.
4. Trường hợp thẻ nhà báo bị mất, bị hỏng, người đã được cấp thẻ nhà báo phải
làm thủ tục xin cấp lại thẻ nhà báo.
Đơn đề nghị cấp lại thẻ nhà báo phải có ý kiến xác nhận của cơ quan báo chí,
cơ quan công tác, công an xã, phường, thị trấn nơi mất thẻ về trường hợp mất
thẻ; trường hợp thẻ bị hỏng thì phải gửi kèm theo thẻ cũ.
5. Người được cấp thẻ nhà báo phải nộp lại thẻ nhà báo trong những trường hợp
sau đây:
a) Người được cấp thẻ nhà báo nhưng chuyển sang làm nhiệm vụ khác
không còn là đối tượng được cấp thẻ nhà báo theo quy định tại Điều 26 của Luật
này; người được cấp thẻ nhà báo đã nghỉ hưu; người đã hết thời hạn hợp đồng
lao động nhưng không được ký tiếp hợp đồng lao động mới hoặc không tiếp tục
làm việc tại cơ quan báo chí;
b) Người được cấp thẻ nhà báo làm việc tại cơ quan báo chí bị thu hồi
giấy phép hoạt động báo chí theo quyết định của Bộ Thông tin và Truyền thông;
c) Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có quyết định về các nội dung quy
định tại điểm a và điểm b khoản này, người đứng đầu cơ quan công tác của
người được cấp thẻ nhà báo chịu trách nhiệm thông báo bằng văn bản về các
trường hợp quy định tại điểm a khoản này, thu lại thẻ nhà báo và nộp về Bộ
Thông tin và Truyền thông.
Trường hợp người được cấp thẻ nhà báo không nộp lại thẻ, cơ quan báo
chí có trách nhiệm thông báo trên sản phẩm báo chí của mình, trừ trường hợp
người phải nộp lại thẻ đã mất thẻ và báo cáo bằng văn bản với Bộ Thông tin và
Truyền thông;
d) Người thuộc đối tượng phải nộp lại thẻ nhà báo quy định tại điểm a và
điểm b khoản này, trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày nộp lại thẻ nhà báo nếu
được một cơ quan báo chí tiếp nhận vào làm việc theo chế độ hợp đồng từ 01
năm trở lên thì được xét đổi thẻ nhà báo theo quy định tại khoản 3 Điều này.
6. Người được cấp thẻ nhà báo bị thu hồi thẻ nhà báo trong các trường hợp sau
đây:
a) Vi phạm quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, về hoạt
động nghiệp vụ báo chí, thông tin trên báo chí hoặc sử dụng thẻ nhà báo không
đúng mục đích gây hậu quả nghiêm trọng;
b) Bị cơ quan tiến hành tố tụng quyết định khởi tố bị can. Trường hợp cơ
quan có thẩm quyền đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án đối với nhà báo đó hoặc kể
từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật tuyên nhà báo đó
không có tội hoặc được miễn trách nhiệm hình sự thì cơ quan quản lý nhà nước
về báo chí có trách nhiệm trả lại thẻ nhà báo;
c) Bị cấp có thẩm quyền quyết định xử lý kỷ luật từ hình thức cảnh cáo
trở lên hoặc bị khiển trách hai lần liên tục trong 02 năm theo quy định của pháp
luật về công chức, viên chức và pháp luật về lao động;
d) Thôi việc nhưng không nộp lại thẻ nhà báo.
7. Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan cấp, đổi, cấp lại và thu hồi thẻ nhà
báo.
8. Hồ sơ, thủ tục cấp, đổi, cấp lại và thu hồi thẻ nhà báo do Bộ trưởng Bộ Thông
tin và Truyền thông quy định.
Điều 36. Trang thông tin điện tử tổng hợp
1. Trang thông tin điện tử tổng hợp phải trích dẫn nguyên văn, chính xác nguồn
tin báo chí và ghi rõ tên tác giả, tên cơ quan báo chí, thời gian đã đăng, phát
thông tin đó.
2. Nội dung thông tin trên trang thông tin điện tử tổng hợp không được vi phạm
quy định tại khoản 13 Điều 9 của Luật này và các quy định khác của pháp luật
có liên quan.
3. Cơ quan, tổ chức thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp phải xây dựng quy
trình quản lý thông tin; có trách nhiệm kiểm tra, giám sát và chủ động loại bỏ
những thông tin có nội dung quy định tại khoản 13 Điều 9 của Luật này hoặc khi
có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
4. Cơ quan, tổ chức thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp phải gỡ bỏ ngay
nội dung thông tin đã tổng hợp khi nguồn thông tin được trích dẫn gỡ bỏ nội
dung thông tin đó.
5. Việc thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp của cơ quan, tổ chức, doanh
nghiệp thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Điều 41. Họp báo
1. Cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam có quyền tổ chức họp báo để công bố,
tuyên bố, giải thích, trả lời các nội dung có liên quan tới nhiệm vụ, quyền hạn
hoặc lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó.
Việc họp báo của cơ quan đại diện nước ngoài, tổ chức nước ngoài tại
Việt Nam thực hiện theo quy định tại khoản 10 Điều 56 của Luật này.
2. Người phát ngôn hoặc người chịu trách nhiệm cung cấp thông tin của tổ chức
chính trị, Quốc hội, Chính phủ, Chủ tịch nước; các cơ quan của tổ chức chính trị,
tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương và cấp tỉnh; các bộ, cơ quan ngang bộ;
Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ của
mình có trách nhiệm họp báo định kỳ và đột xuất để cung cấp thông tin cho cơ
quan báo chí.
3. Cơ quan, tổ chức không thuộc quy định tại khoản 2 Điều này và công dân có
quyền tổ chức họp báo để cung cấp thông tin cho báo chí. Cơ quan, tổ chức,
công dân tổ chức họp báo phải thông báo bằng văn bản trước 24 giờ tính đến
thời điểm dự định họp báo cho cơ quan quản lý nhà nước về báo chí theo quy
định sau đây:
a) Cơ quan, tổ chức trực thuộc trung ương thông báo cho Bộ Thông tin và
Truyền thông;
b) Cơ quan, tổ chức không thuộc điểm a khoản này và công dân thông báo
cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi tổ chức họp báo.
4. Nội dung thông báo gồm những thông tin sau đây:
a) Địa điểm họp báo;
b) Thời gian họp báo;
c) Nội dung họp báo;
d) Người chủ trì họp báo.
5. Cơ quan quản lý nhà nước về báo chí có trách nhiệm trả lời cơ quan, tổ chức,
công dân về việc họp báo trong thời gian quy định tại khoản 3 Điều này; trường
hợp không có văn bản trả lời, tổ chức, công dân được tiến hành họp báo.
Nội dung họp báo phải đúng với nội dung đã được cơ quan quản lý nhà nước về
báo chí trả lời chấp thuận, trường hợp không có văn bản trả lời thì phải đúng với
nội dung đã thông báo với cơ quan quản lý nhà nước về báo chí.
6. Cơ quan quản lý nhà nước về báo chí có quyền đình chỉ cuộc họp báo nếu
phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc nội dung họp báo có thông tin quy
định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 và 9 Điều 9 của Luật này.
Điều 45. Quyền tác giả trong lĩnh vực báo chí
Cơ quan báo chí phải thực hiện các quy định của pháp luật về quyền tác giả,
quyền liên quan khi đăng, phát tác phẩm báo chí.

You might also like