Academia.eduAcademia.edu
Bước Qua Thế Kỷ Ngu Yên 0 Cuối Thế Kỷ 20 Và Ý Nghĩ Kết Thúc. Nếu triết gia Heraclitus đã nói: “Không thể tắm hai lần trong cùng một dòng sông.” Hậu Hiện Đại sẽ đặt lại vấn đề: “Một lần cũng không được, vì sông không có CÙNG một dòng.” Nghi ngờ và tái xét giá trị truyền thống của những thời đại là ưu điểm của HHĐ, cũng là lý do HHĐ bị khai tử. Sau HHĐ là một khoảng trống chuyển tiếp hỗn loạn, bao gồm tư tưởng, lý thuyết, phong trào văn hóa, văn học… Những khám phá từ thập niên 1990 cho đến nay, gần 30 năm, vẫn còn mới lạ, vẫn còn mâu thuẫn, tranh cãi, chưa rõ căn cước, vì vậy chưa có thể định danh một tên gọi với đa số thỏa thuận. Trong lãnh vực văn chương, bất kỳ là thời đại nào, phong trào, chủ nghĩa hoặc trường phái văn học nào, phải có tác phẩm giá trị để chứng minh, và phải có tác giả tên tuổi để thuyết phục niềm tin. Cho dù lý thuyết và lập luận hay cách mấy, “đúng” cách mấy, không có tác phẩm và tác giả đóng dấu ký tên, cũng chỉ là những lời tranh luận của tư tưởng, thông thường sẽ bị lãng quên một cách mau chóng. Ngay cả một thuật ngữ dùng làm tên gọi cho một thời kỳ văn hóa, văn chương, xã hội… cũng phải có số đông danh gia đáng tin cậy công nhận, dù luôn luôn có những cá nhân không vừa ý. 1 Khi một phong trào hoặc chủ nghĩa được thế giới công nhận. Có sán phẩm, tác phẩm giá trị. Có chất xám đáng tin cậy thỏa thuận. Có văn tài lớn hỗ trợ. Phong trào hoặc chủ nghĩa đó phải có giá trị. Cũng như một người thực sự trở thành bác học, có thể không giỏi bằng Albert Einstein, nhưng chắc chắn là một bác học có giá trị trong lãnh vực của ông. Trong lập luận trên, Hậu Hiện Đại là một phong trào có giá trị văn hóa, văn chương, xã hội, tâm lý, tư tưởng, đời sống… không thể chối cãi, cho dù thích hay không thích. Nếu không, bao nhiêu tác phẩm và tác giả của phong trào HHĐ trong 30, 40 năm qua nên loại bỏ? Chính vì giá trị này mà chủ nghĩa Metamodernism (1997) dù không hoàn toàn thỏa thuận, cũng phải cưu mang tinh túy của Hậu Hiện Đại, bước vào thế kỷ 21. Nhưng quan trọng hơn, chính là giá trị của đời sống trong thời gian đó và không gian đặc thù nào đó. Đời sống văn minh, khoa học ở Âu Châu thay đổi gia tốc sau thế chiến thứ hai, đời sống tại Việt Nam không thay đổi mấy. Giá trị nhịp sống tại Âu Châu khác hẳn giá trị nhịp sống tại Việt Nam. Hậu Hiện Đại ở Âu Châu khác với Hậu Hiện Đại ở Việt Nam. Không chia sẻ được nhịp sống của thời đại, khó mà thật sự hiểu tư tưởng, tâm tư, và thực hành tinh thần trong căn cước thời đại. Quan điểm này áp dụng cho bất kỳ ai, kể cả những người tuy sống tại Âu Châu, nhưng mang nhịp sống của thời đại trước. Trong luận văn Postmodernism and Globalization, Omar Lizardo và Michael Strand phân tích và nhận xét những khác biệt của HHĐ tại Pháp, Đức, Anh, và Hoa Kỳ, dẫn đến khái niệm, HHĐ không có một công thức chung, nhưng có bản thể đặc thù. Sự biến hóa của HHĐ đặt trên căn bản: nẩy nở theo từng bản sắc của địa phương. Giá trị của sự nẩy nở 2 như thế nào, tùy thuộc vào sức cập nhật của địa phương đối với bản sắc của HHĐ. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sáng tác. Ví dụ như trong Century, Summer 2013 Coursebook. viết: Trong vùng Châu Mỹ Latin sử dụng ngôn ngữ Tây Ban Nha, Modernismo (chủ nghĩa Hiện Đại) và Postmodenismo (chủ nghĩa Hậu Hiện Đại) hai phong trào văn chương từ đầu thế kỷ 20 mang khuynh hướng riêng, không liên quan đến Modernism và Postmodernism ở Anh quốc... Như vậy, sáng tác HHĐ ở Việt Nam khác với sáng tác HHĐ ở Mỹ, khác với ở Nam Phi, khác với ở Irag … không chỉ vì trình độ hiểu biết về HHĐ khác nhau, mà vì môi trường nuôi dưỡng hoặc phát tác sắc thái của HHĐ khác nhau. Sáng tác của thời đại đến từ vô thức của thời đại. Vô thức của thời đại thành hình từ ý thức và cảm thụ của nhà văn về thời đại đó. Nói một cách kỹ thuật, thời nào sáng tác đó. Có còn ai muốn viết tuyệt tác Odyssey, Cung Oán Ngâm Khúc, The Divine Comedy, Đoạn Trường Tân Thanh, vào năm 2017? Dù có, chắc cũng không còn hay nữa. Ngay tên gọi Postmodern và Postmodernism cũng khó bác bỏ, thay thế một tên khác. Khi đa số chất xám văn hóa và văn minh trên thế giới đồng thuận từ “post” dùng cho postmodern và postmodernism, tất đã có lý do rõ ràng, tiêu biểu cho bản sắc của thời kỳ, bao gồm bản thể, đặc điểm, nội dung và hình thái của thời đó. Những tên gọi khác cho thời kỳ này thuộc về sở thích và lập luận riêng của từng nhóm. Ví dụ như “After modernism”. Hầu hết trong mọi trường hợp, after và post đồng nghĩa. Có thể dùng thay thế nhau, nhưng có một số trường hợp sẽ dễ bị hiểu lầm. After Christmas, nghĩa là sau lễ 3 Giáng Sinh. Post-Christmas, là những lễ Giáng Sinh về sau. Ngày 14-16 tháng 11 năm 1997, một hội nghị do đại học Chicago (unversity of Chicago) tổ chức. lấy tên là Conference on After Postmodernism. Từ “After” ở đây chỉ thời gian sau khi Hậu Hiện Đại được cáo phó và những di sản của nó, trong khi chờ tương lai. Sở dĩ cho đến nay, sau khi đa số lập luận cho rằng Hậu Hiện Đại đã cáo chung, vẫn chưa có tên gọi nào “hướng dẫn” cho thời kỳ tiếp theo, vì: 1- Căn bản để đặt tên cho thời kỳ dựa trên bản thể học của phong thái sống, văn hoá, xã hội, và tư tưởng hỗ trợ, chưa được rõ ràng từ khi bước vào thế kỷ 21. 2- Những khuynh hướng, phong trào văn hóa văn học mới còn đang dọ dẫm. Nhiều thuật ngữ dùng định danh chưa đủ chứng minh bằng sản phẩm, tác phẩm, những tác giả cũ, lúng túng, những tác giả mới, chưa thuyết phục. Do đó, nhiều tên gọi còn đang “ứng tuyển”: - Hậu Hậu Hiện Đại (HHHĐ) (Post-postmodernism.) - Chuyển Đổi Hậu Hiện Đại (CĐHHĐ) (Transpostmodernism.) - Sau Hậu Hiện Đại (SHHĐ) (Afterposmodernism.) - Chủ nghĩa Kết Hợp Hiện Đại (KHHĐ) (Metamodernism.) - Chủ nghĩa Hậu Thiên Kỷ (HTK) (Post-millennialism, Hậu Hoàng Kim. Millenia cũng có nghĩa thời đại hoàng kim.) - Chủ nghĩa Điện Tử Hiện Đại (ĐTHĐ) (Digimodernism.) Chủ nghĩa Giả Mạo Hiện Đại (GMHĐ) (Pseudomodernism.) - Chủ nghĩa Hậu Nhân Bản (HNB) (Posthumanism.) - Chủ nghĩa Thế Giới Hài Hòa (TGHH) (Cosmospolitanism.) - Chủ nghĩa Tái Hiện Đại (THĐ) (Remodernism.) - Chủ nghĩa Siêu Hiện Đại (SHĐ) (Hypermodernism.) - Chủ nghĩa Tự Trị 4 Hiện Đại (TTHĐ) (Automodernism.) - Chủ nghĩa Phục Hồi Hiện Đại (PHHĐ) (Renewalism.) v… v… Một số định danh cho thời đương đại nổi bật trong những lý thuyết và phong trào hiện hành, được ủng hộ bởi những nhà tư tưởng, những nhà văn hóa, những học giả, những nhà văn, đáng tin cậy, như: 1- Chủ nghĩa ĐiệnTử Hiện Đại (Digimodernism) 2- Chủ nghĩa Giả Mạo Hiện Đại (Pseudomodernism.) 3- Chủ nghĩa Kết Hợp Hiện Đại (Metamodernism.) 4- chủ nghĩa Hậu Nhân Bản (Poshumanism.) Trong khi chủ nghĩa Kết Hợp Hiện Đại gần gũi với cả hai phong trào Hậu Hiện Đại và chủ nghĩa Hiện Đại. Giả Mạo Hiện Đại đến từ tư tưởng của triết gia Baudrillard và Lyotard. Cả hai ông đều liên quan đến nền tảng thành lập Hậu Hiện Đại. Chủ nghĩa Hậu Nhân Bản rẽ sang con đường mới. Thuật ngữ Posthumanism không liên quan gì đến "modern", nói lên sự từ bỏ vương triều của “Hiện Đại”, dẫn đến một quan niệm hoàn toàn khác, “Hậu Nhân Loại” (Posthumanity,) với những suy đoán từ những dữ liệu khoa học, sinh học, điện tử học, kỹ thuật học, đã được chứng minh trong thực tế. Nhìn lui một cách chết. Alan Kirby tuyên bố, chủ nghĩa Hậu Hiện Đại đã chết và bị chôn vùi. Thay vào đó một mô hình mới về quyền lực và kiến thức, thành hình dưới áp lực của công kỹ nghệ tân kỳ và các động lực xã hội đương đại. 5 Trong phiên bản thứ hai của The Politics of Postmodernism, (2002), học giả Linda Hutcheon tuyên bố “it’s over”, HHĐ quá vãng. Một số phê bình gia cho rằng hai tác phẩm: White Noise, 1985, của Don DeLillo và The Satanic Verse, 1988, của Salman Rushdie là hai tác phẩm lớn cuối cùng của HHĐ. HHĐ phát xuất từ học thuyết của triết gia Jean Francois Lyotard nhưng ít thịnh hành ở Pháp. Cũng như đạo Thiên Chúa phát xuất từ Do Thái nhưng không thịnh ở Do Thái. Đạo Phật phát xuất từ Ấn Độ nhưng không thịnh ở Ấn Độ. Phải chăng vì lòng người còn say mê cái cũ, khước từ cái mới. Hoặc vì sách có câu, Bụt nhà không thiêng? Người Pháp thường tự hào truyền thống cầm giữ chiếc nôi văn hóa, văn học. Nhưng đứa trẻ đó đã lớn lên, đã bước ra khỏi nôi và đi xa. Ngay cả học thuyết Hiện Sinh cũng không được yêu chuộng ở Pháp như ở Hoa Kỳ. HHĐ cũng vậy, Hoa Kỳ là nơi HHĐ lớn mạnh và phát triển, vì tinh thần phù hợp với sự phóng khoáng, yêu chuộng mới lạ, chấp nhận hậu quả của phiêu lưu, có kinh nghiệm về động lực phản kháng mang lại sáng tạo… Cá tính bảo thủ, yêu chuộng nguyên tắc, cực đoan về đạo lý khó tiếp cận với bản thể của HHĐ. Thực tế cho thấy, giữa hai cực bảo thủ và cách tân có một khoảng cách dành cho những người trung bình hoặc tương đối. Họ bị ảnh hưởng cả hai tinh thần chủ nghĩa HĐ và phong trào HHĐ. Về diện nghệ thuật, HHĐ đến với âm nhạc John Adam, vui nghịch và giải cấu trúc. Với văn chương, có Michael Nyman, Takashi Murakami, Tracy Emin, 6 Jonathan Safran Foer… với tư tưởng, có Ihab Hassan, Lyotard, Beaudrillard…Ngay cả kiến trúc, tòa lầu AT&T tại New York, 1984, là một ví dụ phản ngược lại tất cả mọi thứ tích cực và tiến bộ đã đạt được từ khi sau thế chiến. Phong trào kiến trúc Memphis-Milano xây dựng nhiều công trình tiêu biểu cho HHĐ. Trong nghệ thuật đồ gốm, có Betty Woodman. Trong nghệ thuật vũ, có Karole Armitage với tác phẩm Drastic Classicism, 1981. Trong âm nhạc trình diễn có Neneh Cherry trong ca khúc Buffalo Stance, 1988. Rồi tiêu biểu là Madona, Lady Gaga … (Edward Docx. Tạp chí Prospect, số Tháng Tám, 2011.) Hai quan điểm xung kích chính của HHĐ. 1. HHĐ không chỉ tấn công vào những lãnh vực văn chương và nghệ thuật, nhưng quan trọng hơn là xung kích vào xã hội. Tạo ra khẩu hiệu: Tất cả nghệ thuật là triết học. Tất cả triết học là chính trị. Ảnh hưởng của HHĐ giúp cho Tây Phương nhận rõ sự khác biệt trong con người và xã hội, vượt qua một số bất công khốn khổ mà trước đây đã không được quan tâm, nhất là giới tính và chủng tộc. 2- Sâu sắc hơn, chủ nghĩa HHĐ không đơn giản kêu gọi sự đánh giá lại cơ cấu thẩm quyền. HHĐ tuyên bố chúng ta là tất cả những gì trong bản thân. Không có gì nhiều hơn bộ phận hô hấp và các cấu trúc. (Khái niệm này quan trọng để xác nhận “human” của HHĐ, khác với định nghĩa “human” theo truyền thống. Rồi bước sang thế kỷ 21, khái niệm posthuman (con người mới tương lai) sẽ tạo ra nhiều tranh luận thú vị.) “Chúng ta hoàn toàn được xây dựng. Không có gì khác hơn”. Thách thức khái niệm con người trong 7 định nghĩa của Aristote, là động vật có lý trí. Tiếp tục thách thức qua tư tưởng của nhiều thời đại, kể cả con người Hiện Sinh của J.P. Sartre. HHĐ cho rằng chúng ta không thể đứng ra ngoài các tiêu chuẩn và căn cước mà cấu trúc và diễn văn đã xác định về một đối tượng. Nói một cách khác, con chó chỉ có thể là con chó với những gì nó sở hữu. Nếu có đôi sừng, thì không phải. Xác định được những gì chính trị sở hữu, sẽ xác định được chính trị là gì và mục đích của nó. Ngoài ra, vì HHĐ phê phán, xung kích hầu hết mọi lãnh vực, tạo ra tâm trạng bối rối và không có gì chắc chắn. Tạo ra sự nghịch lý, HHĐ không thể an toàn dựa trên những thứ không an toàn. Một điểm quan trọng khác, ngoại trừ chất vấn về thành quả của văn minh, HHĐ ít quan tâm đến khoa học, bao gồm các bô môn như sinh học, kỹ thuật học, y khoa... mà đặt trọng tâm nơi xã hội và chính trị, vì vậy khi con người và xã hội chuyển hướng theo khoa học, HHĐ mất hẳn uy thế và không còn bắt kịp thời đại. Nhưng thất thế lớn nhất là có những niềm tin về tôn giáo, về đạo lý, về những nguyên tắc chính thống đã được thành hình lâu đời, HHĐ không thể đả phá vì sự thay đổi của lòng người cần thời gian và cần can đảm. Điều mà con người dư thừa là lòng sợ hãi. Không đả phá được những lực lượng lớn, HHĐ trở thành đối thủ và trở thành nạn nhân trước sức mạnh của đối phương. Từ cuối thế kỷ 20 sang đầu thế kỷ 21, khoa học thực nghiệm và nhân văn đều phát triển hùng hỗ, nhanh chóng. Xã hội thay đổi liên tục. Phương tiện vật chất tản mát nhiều khuynh hướng, khiến tư 8 tưởng không theo kịp, tạo ra đời sống có nền tảng lỏng lẻo. HHĐ cũng không theo kịp. Không đủ khả năng tái xét những khám phá mới lạ. Nội dung trở thành lỗi thời. Không còn sức thu hút. Đời sống ngoảnh mặt, tìm kiếm hướng đi khác. Hiện trạng của lực cải thiện đã chấm dứt. Internet là sản phẩm của thời HHĐ, mang tác dụng kỳ tích, không thể chối cãi trên hành tinh này. Khi những tư tưởng và giải pháp triết học cũng như chính trị của HHĐ không còn hợp thời. Con người và xã hội tiến bộ, bỏ HHĐ lại bên đường. Chính internet là phương tiện phát tán nhanh nhất, rộng lớn nhất, giúp HHĐ mau an nghỉ. Gần 20 năm sau, “Lễ tưởng niệm” HHĐ có thể xem như được thực hiện bởi Viện Bảo tàng Victoria và Albert tại London, Anh Quốc. Từ 24 tháng 9 năm 2011 đến 15 tháng 01 năm 2012, họ chưng bày những “kỷ niệm” dưới chủ đề: “Cuộc Hồi Tưởng Toàn Diện Đầu Tiên” trên thế giới: Hậu Hiện Đại – Phong Cách và Tan Vỡ 1970-1990. (The First Comprehensive retrospective: Postmodernism _ Style and Subversion.) 9 Đầu Thế Kỷ 21 Và Ý Nghĩ Khai Cuộc. Thế kỷ 21 tự nó là một thời đại nghịch lý. Ví dụ, sự toàn cầu hóa do mạng lưới và những thiết bị điện tử, những chương trình thông tin, liên kết đa tầng, đưa thế giới vào lòng bàn tay của mỗi cá nhân. Một người vừa có thể liên kết cả ngàn người khác trên sóng, vừa cô độc một mình trong phòng vắng. Chúng ta có thể vừa chảy nước mắt, vừa gửi những "mặt cười" hân hoan đến nhiều người. Sự nghịch lý thể hiện khắp nơi trong nhiều lãnh vực, mang tính phức tạp và ý đồ. Tác dụng nghịch lý làm thực tế luôn luôn tương tranh lưỡng diện. Con người không nhất thiết phải chọn một trong hai như thời đại cũ. Họ có thể thực hiện cả hai cùng một lúc. Ví như, phục vụ quốc gia và lợi ích cá nhân cùng một lúc, không cần phải hy sinh một trong hai. Hiệu quả nghịch lý làm con người thâm nhập sự giả vờ. Lâu ngày sự giả vờ trở thành giả dối một cách chân thật. Sự giả dối chân thật không chỉ thể hiện nơi ý đồ xấu, còn bao trùm cả lãnh vực tốt. Ngày nay, con người nhập vai kịch sĩ, diễn tuồng, bất kỳ thể loại tuồng gì, từ bi kịch đến hài kịch, họ nhập tâm trở thành người thường, trở thành đạo diễn, trở thành khán giả, cùng nhau phê phán kịch sĩ. Có thể nhận định, sự phê phán ngày nay không có mấy hiệu quả, ví dụ người đạo đức giả phê phán người đạo đức giả, cả hai cùng biết bản thân mình đang giả. 10 Nhận định lịch sử và xã hội đang thay đổi theo sự phát triển gia tốc của khoa học, hứa hẹn một tương lai vừa hấp dẫn vừa lo âu. Hiện trạng này có xảy ra cho văn học không? Nhất là văn học thế giới? Hiệu quả không hoàn hảo của dịch thuật chuyên chở được bao nhiêu sự khác biệt giữa văn hóa và ngôn ngữ? Nhà văn có nhận thức được vai trò kịch sĩ đang giả dạng? hoặc tưởng mình là kẻ xem tuồng để phê phán? Trong khi những học thuyết mới xử lý "chứng nghịch lý" bằng cách nâng cao và cổ động những khu vực, những quan điểm tương đồng, và để sự bất đồng tự giảm thiểu. Văn chương giải quyết thế nào về sự bất đồng giữa chủ nghĩa HĐ và phong trào HHĐ? và những bất đồng giữa các học thuyết mới trong đầu thế kỷ 21? Quan trọng hơn là giải quyết cách nào khi có sự bất đồng giữa hai nhà văn hoặc nhiều nhà văn trong lãnh vực văn học và trong tinh thần văn chương? Sự giả mạo trở thành tự nhiên. Tư tưởng trong giả thuyết "Simulacrum", khi thực tế không nguồn gốc chứng minh, thực tế giả mạo trở thành sự thật, của triết gia Jean Baudrillard, giải thích một cách đơn giản, một người, một vật, một sự kiện khi nguồn gốc chứng minh sự hiện hữu đã thất lạc, sự thật vắng mặt, chỉ còn sự hiện diện. Sự có mặt sẽ trở thành sự thật, sự thật giả mạo đó chân thành, vì không còn ai biết sự thật là gì. Lý thuyết "Falsificationism" của Karl Popper, thuộc về triết học khoa học, cho con người một cảm thức thực tế, luôn luôn có điều gì không thật về một thực tế được xác định. 11 Cả hai học thuyết dẫn đến một sự kiện: khi không còn cách nào truy lùng, chứng minh nguồn gốc, chứng nhận căn cước, trí tuệ sẽ phải chấp nhận sự giả mạo là sự thật. Cho dù từ chối, cũng không khác được. (Jean Baudrillard, The Rhetoric of Symbolic Exchange của Brian Cogan, 2017, Southern Illinois University Press.) Hai học thuyết về "giả mạo" không hoàn toàn tiêu cực như nhiều phê bình diễn giải. Sự "giả mạo chân thành" có nhiều khía cạnh tích cực, tùy vào con người muốn sử dụng chức năng và hiệu quả nào. Ví dụ, "Thượng Đế" là một siêu nhân vật không thể chứng minh, không có căn cước thật sự, ngoại trừ những truyền thuyết thiếu khoa học. Cho đến hôm nay "Thượng Đế" đã là “sự thật giả mạo chân thành.” Thượng Đế có hay không? Không quan trọng. Tin vào Thượng Đế được bình an. Nhưng vì nhận biết tính "giả mạo chân thành," con người không nhất thiết tin tưởng một cách cuồng tín, một cách đui mù và cực đoan. Nhưng tin Thượng Đế như một mục đích hướng thiện và niềm tin vào những gì tốt đẹp cho con người. Sự nhạy bén của trí tuệ là nhận ra những ẩn núp bên dưới chất xám và sự khôn ngoan của trí tuệ là tìm cách chối từ, không giải thích. Trong Statesman của Plato, để lại: Người xa lạ: Chúng ta phải luôn luôn tạo sự khác biệt của chúng ta để họ có thể cắt giữa những khúc xương. Người trẻ tuổi: Thưa người xa lạ, nhưng làm thế nào chúng ta có thể biết được, họ có cắt giữa xương hay không? 12 Người xa lạ: Câu hỏi này chúng ta sẽ bàn thảo vào một dịp khác. Khi sự chối từ bị truy đuổi, trí tuệ sẽ tìm cách giả mạo. Rồi tư tưởng giả mạo sự thật bước vào thế kỷ 21 bị truy lùng gắt gao. Trí tuệ đưa ra sự suy đoán… Đó là hành trình chung của trí tuệ đối phó với tất cả những gì nhân loại khám phá từ triết học đến khoa học, từ nội tâm con người đến tương quan xã hội. Nhận thức Nghi ngờ Giả mạo Suy đoán Giả mạo là giai đoạn mất gốc sự thật, đi vào thế kỷ mới. Suy đoán là giai đoạn hư cấu sự thật, đi đến tương lai. Giả mạo và suy đoán là mấu chốt những khuynh hướng, học thuyết, phong trào, chủ nghĩa… bắt đầu một khai cuộc trở lại chiều hướng chính của lực phát triển, sau khi lực cải thiện Hậu Hiện Đại đã chấm dứt. Nhận Xét Về Văn Học 21. Những phê bình văn học về các tác phẩm đương đại từ 2000 đến 2015, cho người đọc một tầm nhìn khái quát: Tác giả thường rút ra những cảm hứng, ý tưởng của các nhà văn đi trước và thể hiện theo phong cách đương đại. Hiểu như quá khứ hồi sinh. Mặt khác, những tác giả viết về tương lai trong ảnh hưởng của khoa học văn minh, thường lập luận từ hiện tại để tưởng tượng suy đoán chuyện mai sau. Ráp hai nhóm nhà văn lại, chúng ta thấy ngay sự tổng hợp và dự phóng cho con người tiến về một thế giới mới, với tầm nhìn lạc quan thay vì bi quan, tang tóc như Hậu Hiện Đại đã dự tưởng. Tuy nhiên lập luận của HHĐ cũng không thể xóa bỏ vì ước muốn lạc quan có thể chỉ là tự kỷ ám thị. Lịch sử 13 nhân loại luôn luôn mở ra những điều hoàn toàn kinh ngạc. 1- Nhận Diện. Văn chương 21 thảo luận về những giao điểm văn hóa đang dở dang ở cuối thế kỷ 20, như quyền phụ nữ, nhất là quyền đồng tính luyến ái. Trong một thế giới mà "truyền thông tích tắc" "tin tức tốc độ" con người trao đổi và rút tỉa ý nghĩa, kinh nghiệm, sự kiện xảy ra toàn cầu, từ những văn hóa khác biệt và những luật pháp xã hội đặc thù, một cách tự do và dễ dàng. Họ có thể đặt ngay câu hỏi về bản thân qua sự việc của người khác. Họ có thể lên tiếng ngay lập tức một cách đơn độc về các vấn đề không vừa ý. Họ có thể quen thuộc với nhiều điều dị biệt và khác lạ, trước đây từng làm cho họ sợ hãi tránh xa ... Những yếu tố đặc sắc này sẽ cho nhà văn một diễn trường rộng rãi, những đề tài chưa từng được đề cập hoặc mổ xẻ chi tiết trong những thế kỷ trước. Ví dụ như Những Chuyến Phiêu Lưu Kỳ Diệu của Kavalier và Clay, (2000) tác giả Michael Chabon, trong đó nhân vật chính Sam Clay phải đấu tranh kiệt sức để thể hiện tình yêu đồng tính. Năm 2008, tác phẩm Infidel đã đưa Ayaan Hirsl Ali trở thành tiếng nói bênh vực các quyền của phụ nữ hồi giáo đang bị lạm dụng. 2- Lịch sử và Bộ Nhớ. Ngày này, hàng ngàn trang lịch sử, hàng triệu bí mật trong quá khứ, sẽ phóc lên màn ảnh liền sau ngón tay bấm con chuột hoặc lời nói truyền mệnh lệnh. Lịch sử hiện hình từ nhiều góc nhìn khác nhau, có khi mâu thuẫn, với những diễn giảng, khám phá theo thời gian. Một lịch sử tiếp cận minh bạch và thố lộ thêm bí ẩn. Đây là việc vượt qua khả 14 năng hồi tưởng và hiểu biết của con người, phải cậy nhờ "bộ nhớ" trong trí não computer. Với điều kiện "bao la" trong tầm tay, nhà văn truy lùng, thu thập, phân giải nhiều tài liệu và ý kiến khác biệt một cách đơn phương và nhanh chóng. Từ đó, đưa ra quan điểm cá nhân theo "chiều cao và chiều sâu" sở học của bản thân. Ví dụ như truyện "The March" của E.L. Doctorow mô tả cuộc nổi loạn của tướng Sherman trong thời Nội Chiến Hoa Kỳ một cách thực tế về sự sát hại những người miền nam nhưng đưa ra quan điểm khác với lời tường thuật của miền bắc. 3- Công kỹ nghệ. Đời sống 21 là kiểu sống quấn quít gắn liền với công kỹ nghệ nói chung, bao gồm tất cả khoa học thực dụng và nhân văn trong mọi ngành, nhất là những lãnh vực như y khoa, sinh học, sinh thái, điện tử, vi tính, kỹ thuật ... Ước mơ và lo sợ đồng xuất hiện theo diễn tiến khoa học, thể hiện trong văn chương 21. Nhà văn có trước mặt một thế giới rộng mở cho tưởng tượng, chưa hề có trước đây. Khả năng hư cấu có môi trường chọn lựa từ thực tế giả mạo lên đến phi thực tế. Cốt truyện với những cảnh truyện vượt không gian quen thuộc và thời gian trở thành vô hạn. Quan điểm hoàn toàn có thể hoang tưởng. Đây cũng là khuyết điểm của truyện tương lai. Khi hư cấu vượt quá xa niềm tin thực hiện, hư cấu đó trở thành ảo thuật hoặc huyền thoại. Nhưng lợi ích của hoang tưởng cho con người nhìn thấy những đều mà trí tưởng tượng bình thường của họ chưa chạm đến. Ví dụ như "Machine Man" (Người Máy) của Ernest Cline, mô tả một thế giới tương lai, nơi 15 mọi người có thể thoát ra đời sống thực tế không hài lòng, bằng cách cắm dây vào giấc mơ ảo, hạnh phúc trong thế giới hoang đường. Hơn cả thế kỷ trước, văn chương 21 cưu mang nhiều liên văn bản. Những tham khảo, vay mượn, trích dẫn hoặc xuất hiện theo mô hình "không văn chương" như Hậu Hiện Đại đã tái dụng hoặc thể hiện hòa nhập trong văn bản với thẩm mỹ văn chương để làm sáng tỏ vấn đề hoặc quan điểm của tác giả. Tác phẩm The Brief Wondrous Life of Oscar Wao của Junot Diaz tham khảo nhiều truyện tranh và phim ảnh để mô tả cảnh truyện. Một khái niệm về căn cước của văn chương 21 là tốc độ sống và tốc độ sử dụng kỹ thuật. Hỏa tốc và nhảy vọt (cách không, viễn liên, siêu nhận thức) là hai yếu tố mà sáng tác cần nắm vững. Trong thực tế, để nhìn tương lai văn học từ đầu thế kỷ, nhất là sau khi một phong trào văn học lớn vừa chấm dứt, là công việc "bói toán văn học" dù trung thực. Ở lằn mức này, phán đoán nào cũng có thể xảy ra. Bất kỳ phán đoán của ai, từ trung tâm hoặc từ ngoại ô văn học, đều có thể thuyết phục, nếu có những lập luận vững chắc cho một tiền đề. Kết quả không ai biết, nhưng có thể tin, vì con người luôn luôn cần niềm tin, dù là niềm tin "không có niềm tin", như họ đã từng tin các huyền thoại trên cung trăng. Truyện chú Cuội vẫn lãng mạn, cảm động. Cô Hằng Nga vẫn đẹp và gần gũi hơn tứ đại mỹ nhân Trung Quốc. Còn mặt trăng thật, rất lạnh lẽo, vừa xấu xí và không có sự sống. 16 17 18