You are on page 1of 187

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO BỘ Y TẾ

TRƯỜNG ĐẠI HỌC DƯỢC HÀ NỘI

NGHIÊM ĐỨC TRỌNG

ĐIỀU TRA TÀI NGUYÊN CÂY THUỐC


Ở VÙNG YÊN TỬ (QUẢNG NINH)

LUẬN VĂN THẠC SĨ DƯỢC HỌC

HÀ NỘI 2014
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO BỘ Y TẾ

TRƯỜNG ĐẠI HỌC DƯỢC HÀ NỘI

NGHIÊM ĐỨC TRỌNG

ĐIỀU TRA TÀI NGUYÊN CÂY THUỐC


Ở VÙNG YÊN TỬ (QUẢNG NINH)

LUẬN VĂN THẠC SĨ DƯỢC HỌC

CHUYÊN NGÀNH DƯỢC LIỆU – DƯỢC HỌC CỔ TRUYỀN


MÃ SỐ: 60720406

Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Trần Văn Ơn

HÀ NỘI 2014
LỜI CẢM ƠN
Với tất cả lòng biết ơn và kính trọng, tôi xin chân thành cảm ơn PGS.TS.
Trần Văn Ơn (Bộ môn Thực vật – Trường Đại học Dược Hà Nội) là người thầy
đã tận tình hướng dẫn tôi trong suốt quá trình nghiên cứu và hoàn thiện bản
luận văn này.

Tôi cũng xin gửi lời cảm ơn tới:

- Tập thể cán bộ Bộ môn Thực vật – Trường Đại học Dược Hà Nội đã tạo
điều kiện và giúp đỡ tôi trong công việc, để tôi có thời gian hoàn thành
nghiên cứu của mình.
- Toàn thể Ban giám hiệu và Phòng Đào tạo sau đại học – Trường Đại học
Dược Hà Nội, các thầy cô Trường Đại học Dược Hà Nội dạy dỗ và tạo
mọi điều kiện thuận lợi cho tôi trong quá trình học tập và thực hiện luận
văn.
- Người dân ở khu vực Yên Tử đã nhiệt tình giúp đỡ và chia sẻ nhiều tri
thức quý báu để tôi có thể hoàn thành được luận văn này.
- Ban quản lý Khu Rừng Quốc gia Yên Tử tạo điều kiện trong việc thu
thập mẫu.

Cuối cùng, tôi xin bày tỏ lời cảm ơn chân thành, lòng biết ơn sâu sắc tới
gia đình và bạn bè của tôi, những người đã luôn ở bên cạnh giúp đỡ, động viên
và tạo mọi điều kiện cho tôi trong suốt quá trình học tập và thực hiện nghiên
cứu này.

Hà Nội, tháng 9 năm 2014


Học viên

Nghiêm Đức Trọng


MỤC LỤC

Trang
ĐẶT VẤN ĐỀ 1
CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN 4
1.1. Tài nguyên cây thuốc trên thế giới 4
1.1.1. Số loài cây thuốc trên thế giới 4
1.1.2. Số loài cây thuốc được buôn bán trên thế giới 6
1.1.3. Số loài cây thuốc bị đe dọa trên thế giới 7
1.1.4. Số loài cây thuốc được trồng trọt trên thế giới 8
1.1.5. Tình hình sử dụng cây thuốc và các sản phẩm thảo 9
dược trên thế giới
1.1.6. Tình hình buôn bán các sản phẩm thảo dược trên 11
thế giới
1.1.7. Tài nguyên cây thuốc – nguồn thuốc mới cho nhân 11
loại
1.2. Tài nguyên cây thuốc ở Việt Nam 12
1.2.1. Điều kiện tự nhiên và văn hóa 12
1.2.2. Cây thuốc ở Việt Nam 13
1.2.3. Khai thác, sử dụng, và phát triển cây thuốc ở Việt 14
Nam
1.2.4. Điều tra cơ bản Tài nguyên cây thuốc ở Việt Nam 15
1.2.5. Bảo tồn Tài nguyên cây thuốc ở Việt Nam 16
1.3. Khu vực Yên Tử - Quảng Ninh 19
CHƯƠNG 2: ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 24
2.1. Đối tượng nghiên cứu 24
2.2. Phương pháp nghiên cứu 24
2.2.1. Điều tra tính đa dạng sinh học của cây thuốc ở 24
Khu rừng quốc gia Yên Tử
2.2.2. Điều tra cây thuốc trong vườn gia đình 26
2.2.3. Tư liệu hóa tri thức sử dụng cây cỏ làm thuốc 26
2.2.4. Thu mẫu và làm tiêu bản thực vật 27
2.2.4. Xác định tên khoa học của cây thuốc 27
CHƯƠNG 3: KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU 29
3.1. Cây thuốc ở khu vực Yên Tử (Quảng Ninh) 29
3.1.1. Tính đa dạng của cây thuốc ở khu vực Yên Tử 29
3.1.2. Thảm thực vật và phân bố của cây thuốc ở khu vực 38
Yên Tử
3.1.3. Tri thức sử dụng cây thuốc của cộng đồng khu vực 45
Yên Tử
3.2. Trồng cây thuốc tại vườn gia đình các thầy lang 50
3.2.1. Tính đa dạng cây thuốc trong vườn gia đình 50
3.2.2. Các khó khăn trong việc trồng cây thuốc tại vườn 57
gia đình
CHƯƠNG 4: BÀN LUẬN 58
4.1. Cây thuốc ở khu vực Yên Tử (Quảng Ninh) 58
4.1.1. Sự đa dạng của cây thuốc và phương pháp nghiên 58
cứu
4.1.2. Phân bố của thảm thực vật và cây thuốc khu vực 61
Yên Tử
4.1.3. Tri thức sử dụng cây thuốc 61
4.2. Trồng cây thuốc tại vườn gia đình các thầy lang 62
KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ 64
KẾT LUẬN 64
KHUYẾN NGHỊ 65
TÀI LIỆU THAM KHẢO 66
PHỤ LỤC
PHỤ LỤC 1: CÁC BIỂU ĐIỀU TRA, BẢNG MÃ HÓA 80
THÔNG TIN SỬ DỤNG TRONG LUẬN
VĂN
Phụ lục 1.1. Danh mục các hộ được điều tra vườn ở xã 81
Thượng Yên Công
Phụ lục 1.2. Phiếu phỏng vấn hộ và điều tra cây thuốc 82
tại vườn gia đình
Phụ lục 1.3. Biểu điều tra điều kiện sinh thái tự nhiên 84
của cây thuốc
Phụ lục 1.4. Bảng mã hóa các biến số của điều kiện sinh 85
thái tự nhiên của cây thuốc
PHỤ LỤC 2: DỮ LIỆU NGHIÊN CỨU 86
Phụ lục 2.1. Danh mục cây thuốc ở khu vực Yên Tử (xếp 87
theo thứ tự tên khoa học)
Phụ lục 2.2. Danh mục các họ cây thuốc ở khu vực Yên 114
Tử (xếp theo thứ tự tên khoa học)
Phụ lục 2.3. Danh mục các chi cây thuốc ở khu vực Yên 118
Tử (xếp theo thứ tự tên chi)
Phụ lục 2.4. Danh mục 194 loài xuất hiện ở 51 ô nghiên 123
cứu
Phụ lục 2.5. Danh mục cây thuốc được trồng tại vườn 129
gia đình (xếp theo thứ tự tên khoa học)
PHỤ LỤC 3: ẢNH MỘT SỐ LOÀI CÂY THUỐC 139
ĐƯỢC TRỒNG VÀ MỌC HOANG Ở
KHU VỰC YÊN TỬ
DANH MỤC CÁC KÝ HIỆU, CHỮ VIẾT TẮT

Tiếng Việt
Viết tắt Viết đầy đủ
DMTTY Danh mục thuốc thiết yếu lần VI
KB Tên khoa học (của cây thuốc) chưa xác định
KBTTN Khu bảo tồn Thiên nhiên
KRQG Khu rừng Quốc gia
NXB Nhà xuất bản
UBND Ủy ban Nhân dân
VQG Vườn Quốc gia
YHCT Y học cổ truyền

Tiếng Anh
Viết tắt Viết đầy đủ
GPS Global Positioning System – Hệ thống Định vị Toàn cầu
IPNI The International Plant Names Index
IUCN The International Union for Conservation of Nature and
Natural Resources (Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế)
KIP Key Information Person (người cung cấp tin quan trọng)
PCA Principal Components Axis (Phép phân tích trục chính)
WHO World Health Organization (Tổ chức Y tế thế giới)
WWF World Wide Fund For Nature (Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên
nhiên)
DANH MỤC CÁC BẢNG, BIỂU

STT Số bảng Tên bảng Trang


1. Bảng 1.1 Số loài cây thuốc ở một số quốc gia và vùng lãnh 4
thổ trên thế giới
2. Bảng 1.2 12 quốc gia dẫn đầu về xuất khẩu và nhập khẩu 6
cây thuốc và cây tinh dầu trong giai đoạn 1991 –
1998
3. Bảng 1.3 Một số Vườn Quốc gia ở Việt Nam và số lượng 17
cây thuốc được bảo vệ trong đó
4. Bảng 3.1 Sự phân bố cây thuốc ở khu vực Yên Tử trong các 30
ngành thực vật
5. Bảng 3.2 Danh mục các họ có từ 5 loài cây thuốc trở lên 31
(xếp theo thứ tự tên khoa học)
6. Bảng 3.3 Danh mục các chi có từ 3 loài cây thuốc trở lên 33
(xếp theo thứ tự tên khoa học)
7. Bảng 3.4 Danh sách các loài cây thuốc được sử dụng ở khu 34
vực Yên Tử, chưa được nhắc đến trong các tài liệu
về cây thuốc của Việt Nam (xếp theo thứ tự tên
khoa học)
8. Bảng 3.5 Danh sách cách cây thuốc ở khu vực Yên Tử được 35
ghi trong Danh mục thuốc thiết yếu lần thứ VI
(xếp theo thứ tự tên khoa học)
9. Bảng 3.6 Danh mục các loài cây thuốc ở khu vực Yên Tử 37
có trong Sách đỏ Việt Nam 2007 (xếp theo thứ tự
tên khoa học)
10. Bảng 3.7 Danh mục các loài cây thuốc ở khu vực Yên Tử 37
có trong Nghị định 32 (xếp theo thứ tự tên khoa
học)
11. Bảng 3.8 Danh mục các dạng sống của cây thuốc ở khu vực 38
Yên Tử
12. Bảng 3.9 Giá trị các biến số về môi trường và cấu trúc thảm 40
thực vật và cây thuốc trong 3 nhóm thảm thực vật
được xác định bằng phép phân tích chùm (Cluster
Analysis)
STT Số bảng Tên bảng Trang
13. Bảng 3.10 Mối quan hệ giữa các biến số về môi trường, thảm 41
thực vật và cây thuốc với 3 trục chính đầu tiên của
PCA (Principal Components Axis)
14. Bảng 3.11 Danh sách các loài xuất hiện từ 10 lần trở lên 44
trong 51 ô nghiên cứu
15. Bảng 3.12 Danh mục các nhóm bệnh, chứng bệnh, nhóm 46
thuốc sử dụng cây thuốc khu vực Yên Tử
16. Bảng 3.13 Danh mục các bộ phận dùng của cây thuốc ở khu 48
vực Yên Tử
17. Bảng 3.14 Danh mục các cách dùng thuốc ở khu vực Yên Tử 49
18. Bảng 3.15 Danh mục các cây thuốc trong danh mục thuốc 51
thiết yếu được trồng trong vườn gia đình
19. Bảng 3.16 Danh mục các loài cây thuốc trồng ở vườn gia 53
đình có trong Sách đỏ Việt Nam 2007 (xếp theo
thứ tự tên khoa học)
20. Bảng 3.17 Danh mục các loài cây thuốc trồng ở vườn gia 54
đình có trong Nghị định 32 (xếp theo thứ tự tên
khoa học)
21. Bảng 3.18 So sánh cây thuốc trồng trong vườn gia đình và 54
cây thuốc ở khu vực rừng Yên Tử
22. Bảng 3.19 Các khó khăn trong hoạt động trồng cây thuốc tại 57
vườn gia đình
23. Bảng 4.1 So sánh hệ cây thuốc ở Yên Tử và hệ cây thuốc 58
Việt Nam
24. Bảng 4.2 So sánh số loài cây thuốc ở khu vực Yên Tử với 58
một số VQG khác ở Việt Nam (xếp theo thứ tự
tăng dần của hệ số diện tích/số loài)
25. Bảng 4.3 So sánh số loài cây thuốc được cộng đồng người 59
Dao, Kinh ở khu vực Yên Tử sử dụng so với số
loài cây thuốc ở các cộng đồng khác ở Việt Nam
(xếp theo thứ tự giảm dần của số loài cây thuốc)
DANH MỤC CÁC HÌNH VẼ, ĐỒ THỊ

STT Số bảng Tên bảng Trang


1. Hình 1.1 Tỷ lệ dân số sử dụng thuốc YHCT trong chăm 10
sóc sức khỏe ban đầu ở một số nước đang phát
triển
2. Hình 1.2 Tỷ lệ dân số sử dụng các sản phẩm thảo dược ít 10
nhất một lần một số nước phát triển
3. Hình 3.1 Phân bố số lượng họ cây thuốc ở khu vực Yên Tử 30
theo số loài
4. Hình 3.2 Phân bố số lượng chi cây thuốc ở khu vực Yên 32
Tử theo số loài
5. Hình 3.3 Phân bố của cây thuốc ở khu vực Yên Tử theo 43
loại thảm thực vật
6. Hình 3.4 Mức độ đa dạng cây thuốc theo loại thảm thực 43
vật
7. Hình 3.5 Tần số xuất hiện cây thuốc trong các ô nghiên 45
cứu
8. Hình 3.6 Tần số xuất hiện trong vườn của các loài cây 51
thuốc
9. Hình 3.7 Phân bố cây thuốc trồng trong vườn gia đình theo 56
thời gian
10. Hình 3.8 Tỷ lệ số loài cây thuốc trồng trong vườn theo 56
mức độ sử dụng

 
ĐẶT VẤN ĐỀ

Theo ước tính của tổ chức Quĩ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF),
trên thế giới có khoảng 35.000 – 70.000 loài cây cỏ được sử dụng vào mục
đích chữa bệnh [104]. Kho tàng nguồn tài nguyên cây thuốc vô giá này đã và
đang được các cộng đồng khác nhau trên thế giới sử dụng trong công tác
chăm sóc sức khỏe ban đầu. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO),
trên thế giới có khoảng 80% số dân ở các nước đang phát triển hiện nay có
nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu dựa vào các nền y học cổ truyền và
khoảng 85% thuốc y học cổ truyền đòi hỏi phải sử dụng dược liệu hoặc các
chất chiết xuất từ dược liệu [76], [104]. Con số này vẫn tiếp tục tăng, kể cả ở
thế hệ trẻ [103].

Nguồn tài nguyên cây thuốc còn góp phần lớn lao trong công cuộc phát
triển kinh tế của các quốc gia trên thế giới. Có 119 chất tinh khiết được chiết
tách từ khoảng 90 loài thực vật bậc cao được sử dụng làm thuốc trên toàn thế
giới. Dự đoán nếu phát triển tối đa các thuốc thảo mộc có nguồn gốc từ các
nước nhiệt đới, có thể làm ra khoảng 900 tỉ USD mỗi năm cho nền kinh tế của
các nước thế giới thứ 3 [33]. Chỉ riêng các nước tây Âu, doanh số bán thuốc
từ cây cỏ (năm 1989) là 2,2 tỉ USD so với tổng doanh số buôn bán dược phẩm
là 65 tỉ USD [104].

Nguồn tài nguyên cây cỏ và tri thức sử dụng làm thuốc của chúng ta
còn là một kho tàng khổng lồ để sàng lọc, tìm các thuốc mới. Đến năm 1985
đã có khoảng 3.500 cấu trúc hóa học mới có nguồn gốc từ thiên nhiên được
phát hiện, 2.618 chất trong số đó từ thực vật bậc cao, 512 từ thực vật bậc thấp
và 372 từ các nguồn khác [60].

Tuy nhiên, nguồn tài nguyên cây thuốc đang bị đe dọa do thảm thực vật
bị tàn phá; cây thuốc bị khai thác quá mức và bị sử dụng một cách lãng phí;
tri thức sử dụng cây cỏ làm thuốc bị mai một do không được tư liệu hóa; thế

1
hệ trẻ ở nhiều cộng đồng ít quan tâm đến học tập kinh nghiệm sử dụng cây cỏ
làm thuốc của thế hệ trước; sự sói mòn đa dạng các nền văn hóa; do tính khó
sử dụng của dược liệu; vv. Việc khai thác và sử dụng tài nguyên cây thuốc
cần dựa trên nguyên tắc bảo đảm cho nguồn tài nguyên này tiếp tục tồn tại và
phát triển. Ngày nay, nhiều cây thuốc đang đối mặt với nguy cơ bị tuyệt
chủng nhưng lại có ít nỗ lực bảo tồn chúng, thậm chí rất nhiều quốc gia trên
thế giới còn chưa kiểm kê đầy đủ nguồn tài nguyên cây thuốc của quốc gia
mình [65].

Nằm ở khu vực có điều kiện tự nhiên và văn hóa đa dạng. Việt Nam là
một trong những quốc gia trên thế giới có độ đa dạng sinh học cao, nguồn tài
nguyên cây thuốc phong phú, đến nay đã biết khoảng 4.470 loài cây và nấm
làm thuốc (kể cả cây nhập nội) [8]. Nguồn tài nguyên này đóng góp một phần
quan trọng trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, trong hoạt
động phát triển kinh tế qua các thời kỳ lịch sử khác nhau cũng như trong công
cuộc xây dựng, phát triển và hiện đại hóa đất nước hiện nay.

Ngày nay, cùng với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế thị
trường, Việt Nam đang thay đổi nhanh chóng về mọi mặt. Do nhu cầu phát
triển kinh tế và đời sống ngày một tăng, nhập khẩu rộng rãi các loại thuốc tân
dược, vv., nguồn tài nguyên cây thuốc ở nước ta đang đối mặt với nguy cơ bị
tuyệt chủng, nhưng các thông tin về chúng lại chưa được tư liệu hóa. Chính vì
vậy việc điều tra về cây thuốc và tri thức sử dụng các cây thuốc đang là vấn
đề cấp bách hiện nay.

Khu vực Yên Tử, với vị trí đặc biệt nằm ở rìa Trung tâm đa dạng sinh
học Đông Bắc, lại là khu danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử - tôn giáo lớn
của Việt Nam, vùng Yên Tử có một vai trò quan trọng trong việc bảo tồn tài
nguyên cây cỏ nói chung và tài nguyên cây thuốc nói riêng, gắn liền với bảo
tồn văn hoá, cảnh quan và du lịch. Dân cư sống trong khu vực Yên Tử gồm 7

2
dân tộc (Kinh, Dao, Sán Dìu, Hoa, Tày, Nùng, Cao Lan) thuộc địa bàn xã
Thượng Yên Công, trong đó đông nhất là dân tộc Kinh và Dao, là hai dân tộc
có kinh nghiệm sử dụng cây cỏ làm thuốc lâu đời và phong phú [120]. Khu
vực Yên Tử đã và đang là nguồn cung cấp dược liệu cho nhu cầu chăm sóc
sức khỏe và mưu sinh của các cộng đồng dân tộc sống trong vùng. Mặt khác,
khu vực này cũng đang phải đối mặt với áp lực khai thác tài nguyên sinh
vật/cây cỏ nói chung và tài nguyên cây thuốc rói riêng của người dân để phục
vụ du khách đi du lịch Yên Tử, đặc biệt là trong mùa lễ hội Yên Tử hàng
năm. Trong khi đó, nguồn cây thuốc trong khu vực Yên Tử còn chưa được
nghiên cứu và tư liệu hóa đầy đủ, tình trạng trồng trọt cây thuốc cũng chưa
được nghiên cứu.

Xuất phát từ những lý do trên, chúng tôi đã chọn đề tài “Điều tra Tài
nguyên cây thuốc ở vùng Yên Tử (Quảng Ninh)”.

MỤC TIÊU CỦA ĐỀ TÀI

(i) Xác định tính đa dạng sinh học, điều kiện sinh thái và tri thức sử dụng
các cây thuốc ở khu vực Yên Tử (Quảng Ninh).

(ii) Xác định các cây thuốc được trồng trong vườn của các thầy lang khu vực
Yên Tử (Quảng Ninh).

3
CHƯƠNG 1. TỔNG QUAN

1.1. Tài nguyên cây thuốc trên thế giới

1.1.1. Số loài cây thuốc trên thế giới

Không có một con số đáng tin cậy cho tổng số loài cây thuốc trên thế
giới, và tỷ lệ số loài cây thuốc trên tổng số loài thực vật thay đổi rất nhiều
giữa các vùng và các quốc gia khác nhau [89]. Tuy nhiên, chúng ta có thể
thấy, số loài cây thuốc đã biết trên thế giới tăng dần theo thời gian, điều này
có được là do công tác điều tra tư liệu hóa cây thuốc đã được thực hiện rộng
khắp trên thế giới trong thời gian qua. Theo một điều tra của WHO từ cuối
những năm 1970, liệt kê được 21.000 loài cây thuốc [79], trong khi hiện nay
người ta ước tính số lượng cây thuốc được sử dụng trên toàn thế giới khoảng
35.000-70.000 [49], [93], [104] loài hoặc 53.000 loài [91]. Trong một báo cáo
năm 1985 [45], số loài cây thuốc của Trung Quốc thống kê được là 4.941 loài,
thì hiện nay người ta đã thống kê được 11.146 loài cây thuốc, trên tổng số
27.100 loài thực vật, với tỷ lệ 41,1% số loài làm thuốc, đây là một tỷ lệ đáng
kinh ngạc. Nếu tỷ lệ này được tính toán cho các hệ thực vật làm thuốc nổi
tiếng khác sau đó áp dụng cho tổng số loài toàn cầu là 422.000 loài thực vật
có hoa [42], có thể ước tính số loài làm thuốc hiện nay khoảng hơn 80.000
loài (Bảng 1.1).

Bảng 1.1. Số loài cây thuốc ở một số quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới

Quốc gia hoặc


Số loài thực vật Số loài cây thuốc Tỷ lệ %
vùng lãnh thổ
Trung Quốc 27.100 11.146 41.1
Ấn Độ 17.000 7.500 44.1
Indonesia 22.500 7.500 33.3
Malaysia 15.500 2.000 12.9

4
Quốc gia hoặc
Số loài thực vật Số loài cây thuốc Tỷ lệ %
vùng lãnh thổ
Nepal 6.973 700 10.0
Pakistan 4.950 300 6.1
Philippines 8.931 850 9.5
Sri Lanka 3314 550 16.6
Thái Lan 11.625 1.800 15.5
Mỹ 21.641 2.564 11.8
Việt Nam 10.500 4.470 42,6
Mexico 30.000 2.237 7.5
Bắc Mỹ 20.000 2.572 12.9
Trung bình 15.387 3.351 20,3
Thế giới 422.000 85.666

(Nguồn: Duke and Ayensu (1985) [45]; Groombridge and Jenkins (1994,
2002) [55], [56]; Alan Hamilton (2003) [57]; Jain and DeFillipps (1991)
[62]; Moerman (1996) [73]; Padua et al. (1999) [77]; Uwe Schippmann
(2002) [91]; Võ Văn Chi (2012) [8]; Trần Văn Ơn (2003) [23]; Nguyễn Văn
Tập và cs. (2006) [26]).

Phần lớn các loài cây thuốc chỉ được sử dụng trong nền y học dân gian.
Trong hệ thống y học cổ truyền (YHCT) truyền thống sử dụng số loài ít hơn.
Với 500 – 600 loài thường được sử dụng trong YHCT Trung Quốc (trong
tổng số 11.000 loài) [83], [84]; 1.430 loài trong Y học Mông Cổ [84]; 1.106 –
3.000 loài trong nền Y học Tây Tạng [83], [84]; 1.250 – 1.400 loài trong nền
Y học Ayurveda [66]; 342 loài trong nền y học Unani; 238 loài trong y học
Siddha [85]. Số loài thực vật cung cấp nguyên liệu làm thuốc ở nền y học
phương Tây còn ít hơn. Một bài báo được công bố vào năm 1991 cho thấy,

5
121 loại thuốc được sử dụng hiện nay ở Mỹ có nguồn gốc từ 95 loài thực vật
[49].

Tuy nhiên, một số họ có tỷ lệ loài làm thuốc cao hơn các họ khác, ví dụ
như: họ Trúc đào (Apocynaceae), họ Ngũ gia bì (Araliaceae), họ Cần
(Apiaceae), họ Thiên lý (Asclepiadaceae), họ Bạch quế bì (Canellaceae), họ
Măng cụt (Clusiaceae), và họ Tiết dê (Menispermaceae), vv. Ngoài ra, các họ
thực vật lại phân bố không đồng đều trên toàn thế giới. Kết quả là, không chỉ
làm một số hệ thực vật có số loài cây thuốc cao hơn hệ khác, mà có một số họ
có số loài cây thuốc bị đe dọa cũng cao hơn những họ khác [91].

1.1.2. Số loài cây thuốc được buôn bán trên thế giới

Rất khó để đánh giá có bao nhiêu loài cây thuốc đang được buôn bán, ở
cả cấp độ quốc gia lẫn quốc tế. Phần lớn các nguyên liệu thực vật được xuất
khẩu từ các nước đang phát triển, trong khi thị trường chủ yếu là ở các nước
phát triển. Một phân tích số liệu của tổ chức UNCTAD (United Nations
Conference on Trade and Development) trong khoảng thời gian 1981 – 1998
phản ánh tình trạng xuất nhập khẩu cây thuốc ở một số vùng và quốc gia. Nếu
tính tổng 5 quốc gia châu Âu trong danh sách này, cho thấy châu Âu là khu
vực nhập khẩu lớn nhất (94.300 tấn). Đức đứng thứ 4 về nhập khẩu và thứ 3
về xuất khẩu, cho thấy vị trí quan trọng của nước này trên thị trường thương
mại dược liệu toàn thế giới (Bảng 1.2).

Bảng 1.2. 12 quốc gia dẫn đầu về xuất khẩu và nhập khẩu cây thuốc và cây
tinh dầu trong giai đoạn 1991 – 1998

Quốc gia Số lượng Giá trị (1000 Quốc gia Số lượng Giá trị
nhập khẩu (tấn) USD) xuất khẩu (tấn) (1000 USD)
Hồng Kông 73.650 314.000 Trung Quốc 139.750 298.650
Nhật Bản 56.750 146.650 Ấn Độ 36.750 57.400
Mỹ 56.000 133.350 Đức 15.050 72.400

6
Quốc gia Số lượng Giá trị (1000 Quốc gia Số lượng Giá trị
nhập khẩu (tấn) USD) xuất khẩu (tấn) (1000 USD)
Đức 45.850 113.900 Mỹ 11.950 114.450
Hàn Quốc 31.400 52.550 Chile 11.850 29.100
Pháp 20.800 50.400 Ai Cập 11.350 13.700
Trung Quốc 12.400 41.750 Singapore 11.250 59.850
Italia 11.450 42.250 Mexico 10.600 10.050
Pakistan 11.350 11.850 Bulgaria 10.150 14.850
Tây Ban Nha 8.600 27.450 Pakistan 8.100 5.300
Anh 7.600 25.550 Albania 7.350 14.050
Singapore 6.650 55.500 Morocco 7.250 13.200
Tổng 342.550 1.015.200 Tổng 281.550 643.200
Nguồn: Lange, D. 2002 [71].

Iqbal (1993) [61] ước tính có khoảng “4.000 đến 6.000 loài thực vật có
tầm thương mại quan trọng”, một nguồn khác đề cập có 5.000 – 6.000 loài
thực vật “xâm nhập vào thị trường thế giới” [82]. Một cuộc điều tra kỹ lưỡng
về các cây thuốc thương mại ở Đức, xác định có 1.543 loài được giao dịch
hoặc được cung cấp trên thị trường Đức [72]. Một cuộc điều tra mở rộng khảo
sát ở thị trường châu Âu xác định có khoảng 2.000 loài cây thuốc được buôn
bán [70]. Với việc châu Âu như là một trung tâm giao dịch về cây thuốc của
tất cả các vùng trên thế giới, có thể ước đoán số lượng cây thuốc trong thương
mại quốc tế vào khoảng 2.500 loài trên toàn thế giới [90]. Trong khi đó, một
số lượng lớn hơn nhiều các loài cây thuốc được buôn bán ở các địa phương,
quốc gia và khu vực khác nhau [72].

1.1.3. Số loài cây thuốc bị đe dọa trên thế giới

Để đáp ứng nhu cầu thị trường khu vực và quốc tế, các nguồn thực vật
để mở rộng thị trường trong nước, khu vực và quốc tế chủ yếu tăng thu hái
nguồn hoang dại từ thiên nhiên [67], [70]. Nguồn cung cấp thực vật hoang dại
nói chung này càng bị giới hạn bởi việc thu hái quá mức, nạn phá rừng, từ

7
việc đốn gỗ tới việc chuyển đổi cây trồng, nuôi gia súc, làm nông nghiệp [38],
[44], [92]. Một trong những mục tiêu của nhóm chuyên gia về cây thuốc của
IUCN (IUCN Medicinal Plant Specialist Group) là xác định các loài bị đe dọa
do thu hái không bền vững và các yếu tố khác. Theo Walter and Gillett (1998)
[96], 34.000 loài hoặc 8% các loài thực vật trên thế giới bị đe dọa tuyệt
chủng. Nếu điều này được áp dụng để ước tính với khoảng 85.000 loài cây
thuốc, thì sẽ có khoảng 6.800 loài cây thuốc đang bị đe dọa. Số lượng này
trong thực tế còn có thể lớn hơn, do cây thuốc bị tác động nhiều hơn các
nhóm thực vật khác trong việc thu hái hoang dại, có thể lên đến 20% số loài
cây thuốc đã biết có nguy cơ tuyệt chủng trong tương lai [75]. Trong khi đó,
một số tài liệu ước tính rằng số loài cây thuốc bị đe dọa trên toàn cầu là
khoảng 4.160 [91], 10.000 loài [95] hoặc 15.000 loài [92].

1.1.4. Số loài cây thuốc được trồng trọt trên thế giới

Nhiều loài cây thuốc và các cây tinh dầu, được trồng trong vườn gia
đình, một số loài trồng ở đồng ruộng, một số khác trồng thâm canh và xen
canh, nhưng số loài trồng rộng rãi trong các trang trại/đồn điền thì hiếm hơn
[77]. Hầu hết các loài cây thuốc được tiêu thụ trên thị trường vẫn được thu hái
từ tự nhiên [69]. Trong một cuộc khảo sát với các công ty tham gia vào sản
xuất, buôn bán thảo dược và các sản phẩm từ thảo dược, trung bình 60 – 90 %
nguyên liệu được trồng trọt, còn lại là thu hái từ hoang dại [91]. Tuy nhiên,
khi khảo sát về số loài, thì số liệu thường ngược lại, Laird, S.A. & A.R. Pierce
(2002) [68], Lange, D. & U. Schippmann (1997) [72] chỉ ra rằng, trong 1.543
loài cây thuốc được buôn bán trên thị trường Đức, chỉ 50 – 100 loài (3 – 6%)
được trồng trọt. Trong số hơn 400 loài cây thuốc được sử dụng trong ngành
công nghiệp dược của Ấn Độ, có chưa tới 20 loài được trồng trọt ở các vùng
khác nhau trong nước [88]. Ở Trung Quốc, trong hơn 11.000 loài cây thuốc
được xác định, có khoảng 1.000 loài thường xuyên được sử dụng, nhưng chỉ

8
có khoảng 100 – 250 loài được trồng [105]. Ở Hungary, một nước có truyền
thống lâu đời trong trồng trọt cây thuốc và cây tinh dầu, chỉ có khoảng 40 loài
được trồng trọt để thương mại hóa [41], [78]. Ở châu Âu, chỉ có khoảng 130 –
140 loài được trồng trọt [94]. Dựa trên những con số này, có thể ước đoán số
lượng các loài được trồng trọt cho mục đích thương mại không vượt quá vài
trăm loài trên toàn thế giới. Một cuộc khảo sát toàn cầu về mức độ trồng trọt
cây thuốc, sự đa dạng về loài, sản lượng và giá trị là một điều đáng được thực
hiện. Tuy nhiên, có thể nhận thấy rằng, có nhiều loài cây thuốc hơn được
trồng ở quy mô nhỏ trong các vườn gia đình, như là thuốc gia truyền do thầy
thuốc YHCT trồng hoặc được trồng trọt bởi người dân địa phương [91].

1.1.5. Tình hình sử dụng cây thuốc và các sản phẩm thảo dược trên thế
giới

Thuốc Y học cổ truyền (YHCT) được sử dụng rộng rãi và đang phát
triển nhanh chóng trong các hệ thống y tế và góp phần quan trọng vào nền
kinh tế. Ở châu Phi, 80% dân số sử dụng thuốc YHCT để đáp ứng nhu cầu
chăm sóc sức khỏe [100]. Ở châu Á và châu Mỹ Latin, người dân vẫn tiếp tục
sử dụng thuốc YHCT, kết quả của quá trình lịch sử và văn hóa tín ngưỡng. Ở
Trung Quốc, thuốc YHCT chiếm khoảng 40% các dịch vụ y tế cung cấp,
được sử dụng để điều trị cho khoảng 200 triệu bệnh nhân một năm [98]. Ở Ấn
Độ, thuốc YHCT là nguồn duy nhất sẵn có để chăm sóc sức khỏe của 65%
dân số [101]. Ở Mỹ Latin, 71% dân số Chile và 40% dân số Colombia sử
dụng thuốc YHCT [99] (Hình 1.1). Trong khi đó, ở nhiều nước đang phát
triển, việc sử dụng thảo dược đang ngày càng trở nên phổ biến hơn. Tỷ lệ dân
số sử dụng ít nhất các sản phẩm thảo dược một lần là 48% ở Australia, 70% ở
Canada, 42% ở Mỹ, 31% ở Bỉ và 49% ở Pháp [101] (Hình 1.2). Tại Malaysia,
ước tính khoảng 500 triệu USD được chi hàng năm vào loại hình chăm sóc
sức khỏe này, so với 300 triệu USD chi cho thuốc tân dược [97]. Ở Mỹ, tổng

9
số tiền mặt chi cho các sản phẩm thảo dược năm 1997 là 2,7 tỉ USD [48]. Ở
Úc, Canada và Anh, ước tính chi hàng năm khoảng 80 triệu USD, 2,4 tỉ USD
(năm 1997) [58] và 2,3 tỉ USD (hàng năm) [59].

Hình 1.1. Tỷ lệ dân số sử dụng thuốc YHCT trong chăm sóc sức khỏe ban đầu
ở một số nước đang phát triển (Nguồn: WHO (2002) [101]).

Hình 1.2. Tỷ lệ dân số sử dụng các sản phẩm thảo dược ít nhất một lần một số
nước phát triển (Nguồn: Fisher P & Ward A (1994) [50]; Health Canada
(2001) [58]; WHO (1998) [97]).
10
1.1.6. Tình hình buôn bán các sản phẩm thảo dược trên thế giới

Thị trường thuốc thảo dược dựa trên tri thức cố truyền hiện nay ước
tính khoảng 60 tỉ USD một năm [87], [102]. Doanh thu hàng năm từ các sản
phẩm tự nhiên đã tăng hơn 100 lần so với những năm 1980 [43]. Ở Mỹ, doanh
số bán hàng thảo dược tăng 101% tại các thị trường chủ đạo từ tháng 5/1996
đến 5/1998. Các sản phẩm thảo dược phổ biến nhất bao gồm Nhân sâm
(Panax quinquefolius L.), Bạch quả (Ginkgo biloba L.), Tỏi (Allium sativum
L.), Echinacea spp. và St. John’s wort (Hypericum perforatum L.) [101]. Tính
riêng Trung Quốc trong năm 2005, cho thấy kim ngạch xuất khẩu các sản
phẩm thuốc YHCT tăng 10,27% so với năm 2004, đạt giá trị thương mại 153
triệu USD. Tổng kim ngạch xuất khẩu của sản phẩm thuốc YHCT, cao dược
liệu và nguyên liệu thô, nguyên liệu chế biến có giá trị thương mại đạt 830
triệu USD, chiếm 6% tổng xuất khẩu ngành y tế. Về khối lượng, trong năm
2005, Trung Quốc xuất khẩu khoảng 14,212 tấn sản phẩm thuốc YHCT, tăng
2% so với năm 2004. Trung Quốc xuất khẩu 112,8 triệu USD các sản phẩm
thuốc YHCT tới các nước láng giềng châu Á, tăng 9,21%. Xuất khẩu tới châu
Âu và Bắc Mỹ tăng 24,89% và 7,07% [86].

1.1.7. Tài nguyên cây thuốc – nguồn thuốc mới cho nhân loại

Nguồn tài nguyên cây cỏ và tri thức sử dụng làm thuốc của chúng ta là
một kho tàng khổng lồ để sàng lọc, tìm các thuốc mới. Di sản tri thức này từ
tổ tiên của con người đã tiếp tục được phát triển trong y học phương Tây, và
đã dẫn đến sự phân lập, chiết xuất các hợp chất tinh khiết (ví dụ morphine,
atropine, digoxine), và sau đó phát triển một số hợp chất mới dựa trên các
chất này (ví dụ thuốc gây tê tại chỗ dựa vào cocaine, thuốc giảm đau dựa vào
morphine). Ước tính có khoảng 25% các dược phẩm thông thường có nguồn
gốc từ cây thuốc [76]. Số liệu thống kê về các loại thuốc mới phát triển trong
những thập kỷ gần đây cho thấy rằng các sản phẩm tự nhiên là một nguồn

11
cảm hứng cho sự phát triển thuốc “mới” [74]. Chỉ 30% các phân tử mới (của
1.184) được đưa vào thị trường trong giai đoạn 1981 – 2006 là tổng hợp từ
hóa học và tất cả các phân tử còn lại là sản phẩm từ thiên nhiên hoặc có liên
quan đến thiên nhiên. Chỉ xét riêng các nhóm thuốc kháng khuẩn, kháng nấm,
ký sinh trình và virus mới (Antiinfective) trong gia đoạn từ 1986 – 2006, chỉ
có 56 thuốc mới từ tổng hợp hóa học, trong khi đó có 86 thuốc là sản phẩm
thiên nhiên hoặc dẫn xuất từ thiên nhiên (thông qua bán tổng hợp) [74].

1.2. Tài nguyên cây thuốc ở Việt Nam

1.2.1. Điều kiện tự nhiên và văn hóa

Đất nước Việt Nam có diện tích phần lục địa rộng 35 triệu ha, hẹp
nhưng dài, kéo dài từ Bắc xuống Nam hơn 1.800 km, có địa hình đa dạng với
hai vùng đồng bằng châu thổ lớn là Sông Hồng ở phía Bắc và Sông Cửu long
ở phía Nam, có hai dãy núi lớn là Hoàng Liên Sơn và Trường Sơn với nhiều
vùng có độ cao trên 2.000m và các cao nguyên nhỏ như Đồng Văn, Mộc
Châu, Sơn La, Gia Lai-Kon Tum, Đắc Lắc, Di Linh, vv. Việt Nam nằm ở
vành đai khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, nhiệt độ trung bình năm khác nhau
giữa miền Bắc và miền Nam, lượng mưa trung bình lớn nhưng phân bố không
đều trong năm. Các yếu tố địa hình và khí hậu đa dạng như vậy dẫn đến Việt
Nam có thảm thực vật phong phú, từ rừng rậm nhiệt đới ẩm xanh quanh năm,
rừng rậm nhiệt đới mưa mùa nửa rụng lá đến rừng á nhiệt đới ẩm xanh quanh
năm, á nhiệt đới hơi khô, savan nhiệt đới khô, truông nhiệt đới khô, rừng ngập
mặn, rừng lá kim, rừng lùn núi cao, vv. Điều này làm cho đất nước chúng ta
có nguồn tài nguyên thực vật đa dạng, với khoảng 12.000 loài cây cỏ khác
nhau và dự đoán có thể đến 13.000 -15.000 loài nếu được nghiên cứu đầy đủ
[36].

Việt Nam là nơi giao lưu của các dân tộc và các nền văn hoá, trong đó
quan trọng nhất là hai luồng văn hoá Trung Hoa và Ấn Độ, là ngôi nhà chung

12
của 54 dân tộc, thuộc 3 họ ngôn ngữ và 8 nhóm khác nhau, trong đó có nhiều
dân tộc có quan hệ gần gũi với các quốc gia trong khu vực. Các dân tộc sinh
sống ở Việt Nam tạo nên một hình ảnh thu nhỏ của khu vực Đông Nam Á. Để
tồn tại và phát triển đến ngày nay, các thế hệ trước của mỗi cộng đồng đã phải
trả bằng giá cuộc sống và sức khỏe để tích lũy tri thức và kinh nghiệm sử
dụng những cây cỏ làm thuốc, tạo nên nền tảng tri thức và kinh nghiệm sử
dụng cây thuốc ngày nay. Mỗi dân tộc lại có tập quán, niềm tin, vì vậy tri thức
và kinh nghiệm sử dụng cây cỏ làm thuốc là da dạng [36].

1.2.2. Cây thuốc ở Việt Nam

Tính đến năm 2006, chúng ta đã phát hiện có 3.948 loài thực vật và
nấm lớn được dùng làm thuốc, thuộc 307 họ của 9 ngành và nhóm thực vật
khác nhau. Trong đó có 52 loài Tảo biển, 22 loài Nấm, 4 loài Rêu và 3.870
loài Thực vật bậc cao có mạch [26]. Đến năm 2012, trong bộ sách Tử điển
cây thuốc Việt Nam [8], tác giả Võ Văn Chi đã thống kê được 4.470 loài cây
thuốc. Mỗi loài lại có bộ gen đa dạng riêng của mình. Điều này làm cho kho
tàng nguồn gen cây thuốc ở Việt Nam vô cùng đa dạng, từ cấp hệ sinh thái
đến cấp loài và phân tử. Dự đoán số loài cây thuốc ở Việt Nam có thể lên đến
6.000 loài nếu được nghiên cứu đầy đủ trong tương lai. Có tới 87,1% số cây
thuốc đã biết là các cây hoang dã, chủ yếu ở vùng đồi núi, từ vùng trung du
đến núi cao. Chỉ có 12,9% cây trồng (kể cả bản địa và nhập nội). Các loài cây
thuốc phân bố ở 8 vùng sinh thái trong nước là Đông Bắc - Bắc bộ, Việt Bắc
– Hoàng Liên Sơn, Tây Bắc, đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ, Đông
Trường Sơn và Nam Trung bộ, Tây Nguyên, Đông Nam bộ và đồng bằng
sông Cửu long; tập trung chủ yếu ở các trung tâm đa dạng sinh vật chính là
Đông Bắc (Phia Bjooc- Ba Bể), Hoàng Liên Sơn, Cúc Phương – Pù Luông,
Quảng Nam-Kon Tum (Ngọc Linh), Lâm Viên – Di Linh. Phần lớn số loài
cây thuốc ở Việt Nam được ghi nhận dựa trên tri thức và kinh nghiệm sử dụng

13
của các cộng đồng dân tộc ở khắp các địa phương trên toàn quốc. Tri thức sử
dụng cây cỏ làm thuốc ở Việt Nam tồn tại ở 2 nền y học chính là Y học Cổ
truyền chính thống, có nguồn gốc từ Trung y, với các hệ thống lý luận và thực
hành được tư liệu hoá trong sách vở như các học thuyết Âm-dương, Ngũ
hành, Tạng tượng, vv.; các nền Y học nhân dân hay Y học Cổ truyền Dân tộc,
thường được gọi là Thuốc nam. Điều này đã tạo nên một kho tàng tri thức sử
dụng cây thuốc của các dân tộc ở Việt Nam vô cùng phong phú [36].

1.2.3. Khai thác, sử dụng, và phát triển cây thuốc ở Việt Nam

Đến năm 2000, cả nước có 286 cơ sở sản xuất dược phẩm (kể cả các
doanh nghiệp nhà nước, công ty, tổ hợp sản xuất, tư nhân) đang sản xuất
1.294 loại dược phẩm được sản xuất từ nguyên liệu thực vật hoặc chất chiết
xuất từ thực vật, chiếm 23 % số loại dược phẩm được phép sản xuất và lưu
hành từ năm 1995-2000, sử dụng 435 loài cây cỏ. Nhu cầu dược liệu cho khối
công nghiệp dược khoảng 20.000 tấn, và cho xuất khẩu là 10.000 tấn hàng
năm. Năm 1998, tổng công ty dược Việt Nam xuất khẩu được 13 triệu USD,
trong đó dược liệu, tinh dầu và các hoạt chất từ cây thuốc chiếm 74%. Tiềm
năng cung cấp dược liệu có thể đạt 500 - 800 tỷ đồng [36].

Có khoảng 40 loài cây thuốc bản địa đã được trồng trọt ở Việt Nam.
Nhiều loài được trồng trên quy mô lớn ở các tỉnh miền núi, hằng năm cung
cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu từ vài trăm cho đến hằng nghìn
tấn sản phẩm như: Quế (Cinnamomum cassia (L.) J. Presl) ở Yên Bái,
Thanh Hoá, Lào Cai, v.v; Hồi (Illicium verum Hook.f.) ở Lạng Sơn, Cao
Bằng, Quảng Ninh; Thảo quả (Amomum aromaticum Roxb.) ở Lào Cai, Lai
Châu. Nhiều loài được trồng cả ở các vùng trung du và đồng bằng như: Hoa
hoè (Styphnolobium japonicum (L.) Schott), Địa liền (Kaempferia galanga
L.), Hương nhu (Ocimum gratissimum L.), Cúc hoa (Chrysanthemum
indicum L.), Ích mẫu (Leonurus japonicus Houtt.). Hoạt động trồng cây thuốc

14
đã được phát động và triển khai ở nhiều cộng đồng miền núi như Hà Giang
(Quản Bạ, Đồng Văn, Mèo Vạc, Hoàng Su Phì, Phó Bảng), Lạng Sơn (Mẫu
Sơn), Yên Bái (Văn Chấn, Lục Yên), Lai Châu (Sìn Hồ), Lào Cai (Sa Pa, Bát
Xát, Bắc Hà), Quảng Nam (Trà My), Lâm Đồng (Đà Lạt) và đồng bằng như
làng Nghĩa Trai (Văn Lâm, Hưng Yên), vùng Mễ Sở, Đa Ngưu (Khoái Châu)
[36].

Có khoảng 300 loài thuộc hơn 40 họ thực vật đã được nhập vào Việt
Nam từ nhiều vùng khác nhau trên thế giới. Trong số đó có trên 20 loài có thể
trồng trọt hàng hóa như Actisô (Cynara scolymus L.), Đương qui (Angelica
sinensis (Oliv.) Diels), Địa hoàng (Rehmannia glutinosa (Gaertn.) DC.), Bạch
chỉ (Angelica dahurica (Hoffm.) Benth. & Hook.f. ex Franch. & Sav.), Bạch
truật (Atractylodes macrocephala Koidz.), Bạc hà (Mentha spp.). Một số loài
đã được phát triển để cung cấp dược liệu cho công nghiệp dược như Actisô
(Cynara scolymus L.) [36].

Nhiều cây thuốc đã được các trường đại học, viện, công ty dược nghiên
cứu phát trển thành công thành các dạng bào chế bán rộng rãi trên thị trường
như Bình vôi (Stephania spp.), Chè dây (Ampelopsis cantoniensis (Hook. &
Arn.) Planch.), Chó đẻ răng cưa (Phyllanthus urinaria L.), Ích mẫu (Leonurus
japonicus Houtt.), Kim tiền thảo (Desmodium styracifolium (Osb.) Merr.),
Mướp đắng (Momordica charantia L.), Ngưu tất (Achyranthes bidentata
Blume), Thanh cao hoa vàng (Artemisia annua L.), vv.

1.2.4. Điều tra cơ bản tài nguyên cây thuốc ở Việt Nam

Đây là hoạt động được tiến hành rộng rãi nhất trong toàn quốc, được
thực hiện bởi hàng chục trường đại học, viện nghiên cứu, vườn quốc gia, vv.
trong đó có một số cơ quan thực hiện nhiều là Viện Dược liệu, Trường Đại
học Dược Hà Nội, Viện Dân tộc học, vv. Hoạt động này thường được thực
hiện trong một phạm vi cụ thể (thường là một cộng đồng cấp xã, vườn quốc

15
gia). Các hoạt động chính là điều tra tại cộng đồng và/hoặc tại thực địa (có
hay không có sự tham gia của thầy lang), ghi chép thông tin về sử dụng cây
thuốc, thu mẫu cây thuốc, xử lý mẫu và xác định tên khoa học, phân tích dữ
liệu. Đến nay, đã có trên 20 dân tộc khác nhau ở Việt Nam được điều tra, bao
gồm các dân tộc: Tày, Nùng, Dao, Giáy, Mông, Sán Chay, Sán Dìu, Mường,
Rục, Vân Kiều, Thái, Chăm, Lô Lô, Pà Thẻn, Xinh Mun, La Ha, Kháng, Ka
Tu, Lào, Hoa, Ê Đê, Ba Na. Các dân tộc được tập trung nghiên cứu nhiều nhất
là Tày, Thái, Dao, Mông, Mường. Các điều tra này đã tạo nền tảng cơ bản để
xây dựng được danh mục 3.948 loài cây và nấm làm thuốc ở Việt Nam [36].

1.2.5. Bảo tồn tài nguyên cây thuốc ở Việt Nam

Các hoạt động bảo tồn diễn ra đầu tiên và được thực hiện một cách có
hệ thống là Đề án Bảo tồn nguồn gen và giống cây thuốc, vào thời điểm trước
khi có hướng dẫn bảo tồn của WHO. Phần lớn các hoạt động bảo tồn ở các cơ
quan/tổ chức còn lại được triển khai từ giai đoạn 1995 đến nay, tập trung vào
cộng đồng, chủ yếu là điều tra cơ bản cây thuốc các dân tộc, một số tổ chức
có triển khai các hoạt động can thiệp tại cộng đồng. Hoạt động của các tổ
chức ngoài chính phủ rất đa dạng nhưng nhìn chung có tính chất can thiệp,
bao gồm các hoạt động bảo tồn tri thức, trồng cây thuốc, nâng cao nhận thức
cộng đồng, xây dựng vườn thuốc nam, xây dựng mô hình bảo tồn thông qua
phát triển, vv.

Các hệ thống bảo tồn cây thuốc đã được xây dựng bao gồm:

- Hệ thống các cơ quan/tổ chức tham gia Đề án Bảo tồn nguồn gen và
giống cây thuốc, bao gồm: Viện Dược liệu, Trường Đại học Dược Hà Nội,
Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật, Trung tâm nghiên cứu Bảo tồn và phát
triển dược liệu Đồng Tháp Mười và Học viện Quân Y. Ngoài các hoạt động
riêng rẽ theo mục tiêu của cơ quan, các cơ quan này tham gia các hoạt động
trong khuôn khổ của Đề án, dưới sự điều phối của Viện Dược liệu từ năm

16
1988 đến nay. Các hoạt động của hệ thống này khá rộng, bao gồm: Điều tra
và thu thập nguồn gen, bảo tồn nguồn gen theo cách hình thức nguyên vị,
chuyển vị, trên trang trại, xây dựng lý lịch giống, cơ sở dữ liệu, khai thác
nguồn gen, đào tạo nhân lực, vv. Hệ thống này, cùng với các hoạt động của
nó tồn tại với nguồn kinh phí thường niên từ ngân sách.

- Mạng lưới Thực vật dân tộc học và Bảo tồn cây thuốc, được xây dựng
với sự khởi xướng của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây thuốc Dân tộc
cổ truyền (một tổ chức ngoài chính phủ), Công ty cổ phần Traphaco, với sự
tham gia của 21 cơ quan, tổ chức là các trường đại học, viện nghiên cứu, tổ
chức ngoài chính phủ, vườn quốc gia, công ty dược. Nhìn chung. Mạng lưới
này không có tổ chức chặt chẽ, không phụ thuộc vào ngân sách và chủ yếu
hoạt động dưới dạng trao đổi thông tin và nguồn nhân lực trong bảo tồn.

- Hệ thống bảo tồn nguyên vị, gồm 30 vườn quốc gia, 60 khu bảo tồn
thiên nhiên, 38 khu bảo vệ cảnh quan với tổng diện tích hơn 2,4 triệu ha, bao
phủ khoảng 90% số loài có trong Sách đỏ Việt Nam và bảo tồn chuyển vị. Có
4 vườn quốc gia trong số đó tham gia Đề án Bảo tồn nguồn gen và giống cây
thuốc. Nhiều vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên đã tích cực tham gia
vào hoạt động bảo tồn cây thuốc. Các hoạt động khá đa dạng, phần lớn là điều
tra cơ bản và lập danh mục cây thuốc, thực hiện các hoạt động bảo tồn tại
cộng đồng (như VQG Ba Bể, Ba Vì, Cúc Phương, Tam Đảo, Xuân Sơn, Bến
En, Bạch Mã, Cát Tiên) và xây dựng vườn thực vật (trong đó có cây thuốc).
Hệ thống này tồn tại lâu dài nhờ ngân sách nhà nước, do đó có tiềm năng rất
lớn trong các hoạt động bảo tồn nguyên vị [36].
Bảng 1.3. Một số Vườn Quốc gia ở Việt Nam và số lượng cây thuốc được bảo
vệ trong đó [19]

Diện tích Số loài cây


STT Tên Vườn Quốc gia
(ha) thuốc
1 VQG Bạch Mã 22.031 432
2 VQG Ba Bể 7.610 432

17
Diện tích Số loài cây
STT Tên Vườn Quốc gia
(ha) thuốc
3 VQG Bến En 16.634 200
4 VQG Cát Bà 15.200 350
5 VQG Côn Đảo 19.998 165
6 VQG Cúc Phương 22.000 365
7 VQG Tam Đảo 5.682 375
8 VQG Cát Tiên 73.878 310
9 VQG Yok Đôn 115.545 64
10 VQG Ba Vì (chưa mở rộng) 6.900 510

- Xây dựng được hệ thống bảo tồn chuyển vị tại 13 đơn vị thành viên
trên toàn bộ các vùng sinh thái khác nhau, lập danh mục, điều tra, thu thập và
lưu giữ 730 loài trong các đơn vị thành viên tham gia Đề án, tại các Vườn cây
thuốc (bảo tồn Ex situ) và trên trang trại (On farm). Trong đó có 630 loài đã
được xếp vào 4 nhóm ưu tiên bảo tồn; 250 loài đã được đánh giá ở các mức
độ khác nhau; 200 loài bảo tồn an toàn đã được xác định chuyển sang đánh
giá lập lý lịch giống giai đoạn 2 phục vụ tư liệu hoá nguồn gen cây thuốc.
Ngoài ra, hoạt động bảo tồn chuyển vị còn được thực hiện dưới dạng các
vườn thực vật ở các vườn quốc gia (như Ba Bể, Tam Đảo, Ba Vì, Cúc
Phương, vv.), tại các vườn cây thuốc Nam tại các Trạm y tế xã trong cả nước
và tại rất nhiều vườn thuốc tại gia đình các thầy lang tại các cộng đồng. Mặc
dù chưa có thống kê chính thức nhưng có điều chắc chắn rằng, việc trồng và
sử dụng cây thuốc ở các vườn thuốc Nam tại trạm y tế và vườn gia đình của
các thầy lang chính là hoạt động bảo tồn chuyển vị lớn nhất và bền vững đang
được thực hiện trên phạm vi toàn quốc [36].

18
1.3. Khu vực Yên Tử - Quảng Ninh

Khu rừng quốc gia Yên Tử, tỉnh Quảng Ninh được thành lập theo công
văn số 1671/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ dựa trên cơ sở là Khu rừng
đặc dụng Yên Tử, được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng
Chính phủ) phê duyệt tại Quyết định số 194/QĐ-CT ngày 9/6/1986. Khu rừng
quốc gia Yên Tử thuộc loại khu rừng lịch sử - văn hóa – môi trường, trong hệ
thống các khu rừng đặc dụng Việt Nam. Việc nâng cấp Rừng đặc dụng Yên tử
thành Rừng quốc gia Yên Tử sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc bảo vệ, tôn tạo các di
tích lịch sử, văn hóa, cảnh quan môi trường cùng như bảo tồn và phát triển
các mẫu chuẩn hệ động thực vật, bảo vệ sự đa dạng sinh học, các nguồn gen
động, thực vật quý hiếm. Mục tiêu là (i) Bảo tồn và phát triển bền vững các
giá trị đa dạng sinh học, giá trị thẩm mỹ của cảnh quan thiên nhiên nhằm tôn
tạo các giá trị đặc biệt về văn hóa - lịch sử của một trong những triều đại vẻ
vang nhất của dân tộc Việt Nam tại khu vực Yên Tử, đồng thời là nơi phát
tích Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam; giữ gìn các giá trị truyền thống góp phần
tuyên truyền giáo dục tinh thần yêu nước, giáo dục bảo vệ môi trường và phục
vụ tham quan du lịch. (ii) Đầu tư, nâng cấp và xây dựng mới các công trình
hỗ trợ nhằm góp phần bảo tồn, tôn tạo hệ động - thực vật rừng, các mô hình
rừng có giá trị cảnh quan, di tích lịch sử phục vụ nghiên cứu khoa học, giáo
dục môi trường, tham quan du lịch, lễ hội truyền thống [29].

Diện tích Khu rừng quốc gia Yên Tử là 2.783 ha (đất rừng tự nhiên:
2.060,3 ha; đất có rừng trồng: 545,5 ha và đất khác: 177,2 ha) nằm trên địa
bàn 2 xã: Thượng Yên Công và Phương Đông, thành phố Uông Bí, tỉnh
Quảng Ninh. Tọa độ địa lý từ 21005' đến 29009' độ vĩ Bắc và từ 106043' đến
106045' độ kinh Đông. Trung tâm của KRQG Yên Tử là ngọn núi Yên Tử cao
1.068m. Các khe núi hình thành ở sườn phía Bắc chảy theo hướng Bắc chảy
vào sông Lục ngạn, các suối ở sườn Nam đổ vào sông Kinh Thầy. Phía Bắc

19
KRQG Yên Tử giáp Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử, tỉnh Bắc Giang.
Phía Nam là địa bàn xã Phương Đông. Phía Đông giáp khu vực Than Thùng,
xã Thượng Yên Công. Phía Tây giáp xã Tràng Lương và xã Hồng Thái Đông,
huyện Đông Triều. Quy hoạch các phân khu chức năng của rừng quốc gia
Yên Tử được quy hoạch thành các phân khu chức năng sau: (i) Phân khu bảo
vệ nghiêm ngặt diện tích 768,4 ha; (ii) Phân khu phục hồi sinh thái cảnh quan
diện tích 1.855,3 ha; (iii) Phân khu hành chính - dịch vụ diện tích 159,3 ha
[29].

KRQG Yên Tử là khu vực có tiềm năng đa dạng sinh học to lớn, với
khu hệ động thực vật phong phú đa dạng, có nhiều loài quí hiếm, đặc trưng
cho hệ thực vật Đông Bắc. Kết quả điều tra năm 2005 – 2006 (Nguyễn Trung
Thành, Phùng Văn Phê, Nguyễn Nghĩa Thìn, 2007) [27] đã phát hiện được ở
khu vực có phân bố tự nhiên của 721 loài thuộc 425 chi, 154 họ của 4 ngành
thực vật bậc cao có mạch là ngành Thông đất (Lycopodiophyta), ngành
Dương xỉ (Polypodiophyta), ngành Thông (Pinophyta) và ngành Ngọc lan
(Magnoliophyta). Trong đó có 547 loài cây có ích được xếp vào 12 nhóm
công dụng khác nhau, 20 loài cây quí hiếm được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam
(1996). Nhiều loài quí hiếm và có giá trị sử dụng cao như Lim xanh, Táu mật,
Lát hoa, Thông tre, La hán rừng, Vù hương, Kim giao,vv., và 6 loài cây được
ghi trong Nghị định 32/NĐ-CP/2006 [10].

Dân cư sống trong khu vực KRQG Yên Tử gồm 7 dân tộc (Kinh, Dao,
Sán Dìu, Hoa, Tày, Nùng, Cao Lan) trong đó đông nhất là dân tộc Dao (sống
tập trung ở xã Thượng Yên Công). Là các dân tộc có tri thức sử dụng cây cỏ
làm thuốc lâu đời và phong phú. Hiện nay, ở đây các cộng đồng vẫn tiếp tục
duy trì hoạt động khai thác và sử dụng cây thuốc Nam trong việc phòng
chống bệnh tật và buôn bán. Theo cuộc điều tra của Phùng Văn Phê, Nguyễn
Trung Thành [24], đã phát hiện được 143 loài thực vật thuộc 131 chi, 69 họ, 3

20
ngành thực vật bậc cao có mạch có giá trị làm thuốc. Trong đó ngành Ngọc
Lan đa dạng nhất với 137 loài (chiếm 95,80%); tiếp theo là ngành Dương xỉ
có 5 loài (chiếm 3,5%); cuối cùng là ngành Thông có 1 loài (chiếm 0,7%).
Trong ngành Ngọc lan thì lớp Ngọc lan ưu thế hơn với 107 loài (chiếm
74,82%), lớp Hành có 30 loài (chiếm 20,98%).

Nằm ở phía Bắc của KRQG Yên Tử là Khu Bảo tồn thiên nhiên Tây
Yên Tử, nằm ở địa phận tỉnh Bắc Giang. Do chung dãy núi Yên Tử, và có
cùng các cộng đồng dân cư như ở KRQG Yên Tử nên hai khu này có sự
tương đồng về mặt đa dạng sinh học cũng như về đa dạng cây thuốc.

KBTTN Tây Yên Tử có tổng diện tích đất rừng là 13.022,7 ha, nằm
trên địa bàn hành chính của các xã An Lạc, Tuấn Mậu, Thanh Luận, Thị trấn
Thanh Sơn (huyện Sơn Động), Lục Sơn (huyện Lục Nam). Toạ độ địa lý của
KBT: 21o9'–21o13' vĩ độ Bắc và 106o33' - 107o2' kinh độ Đông. Phía Đông và
phía Nam giáp các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, phía Tây và Bắc giáp tỉnh
Lạng Sơn và phần còn lại của Thị trấn Thanh Sơn, các xã Thanh Luận, An
Lạc, Dương Hưu, Long Sơn, Lục Sơn. Trụ sở chính của KBTTN Tây Yên Tử
đặt tại thị trấn Thanh Sơn, huyện Sơn Động [9].

Theo số liệu của Chi cục kiểm lâm Bắc Giang [9], đã thống kê được ở
KBTTN Tây Yên Tử 492 loài thực vật bậc cao có mạch, xếp theo 8 nhóm sử
dụng: nhóm cho gỗ 32,3%; nhóm cây thuốc 20,9%; còn lại là các nhóm cho
tanin, nhóm cho tinh dầu và nhựa, nhóm làm thức ăn cho người và động vật
nuôi, nhóm làm vật liệu xây dựng, nhóm làm hàng mỹ nghệ và nhóm cây
cảnh (chủ yếu là loài lan). Trong số đó có trên 40% tổng số loài cây đã thống
kê được có khả năng làm dược liệu. Có 2 loài thực vật quý hiếm (nhóm IIA)
được ghi trong Nghị định số 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ gồm: Lim xanh
(Erythrophleum fordii Oliv.), Vù hương (Cinnamomum balansae Lecomte).
Các loài cây thuốc Nam ở độ cao dưới 700 m có các họ Dầu

21
(Dipterocarpaceae), họ Thích (Aceraceae), họ Long não (Lauraceae), họ
Thông (Pinaceae). Trên 700 m có các họ Dẻ (Fagaceae), họ Sau sau
(Hamamelidace), họ Ngọc lan (Magnoliaceae), họ Chè (Theaceae) và quần
thể Trúc yên tử. Có những loài cây đặc biệt quý hiếm như: Tùng la hán
(Taxus baccata L.), Hoàng đàn (Cupressus torulosa D.Don), Trúc bụng phật
(Bambusa ventricosa McClure), Thông hai lá dẹt (Pinus krempfii Lecomte).
Ngoài ra còn nhiều loài cây thuốc quý như: Ba kích (Morinda officinalis
F.C.How), Trầm hương (Aquilaria crassna Pierre ex Lecomte), Bình vôi hoa
đầu (Stephania cephalantha Hayata), Thổ phục linh (Smilax glabra Roxb.),
Hoàng đằng (Fibraurea recisa Pierre), Cẩu tích (Cibotium barometz (L.)
J.Sm.), Cốt toái bổ (Drynaria fortunei (Kunze ex Mett.) J.Sm.), Đẳng sâm
(Codonopsis javanica (Blume) Hook.f. & Thomson), vv., đã và đang được
người dân địa phương (trong đó 80% là người dân tộc thiểu số) khai thác để
sử dụng và buôn bán.

Mặc dù đã có một điều tra ban đầu về hệ cây thuốc khu vực Yên Tử,
song điều tra này mới chỉ dừng lại ở mức thống kê và điều tra ban đầu ở mức
tư liệu hóa. Nó chưa cung cấp đủ cơ sở khoa học cho hoạt động bảo tồn, phát
triển cây thuốc ở khu vực này do chưa có sự hiểu biết đầy đủ về sự phân bố,
điều kiện sinh thái/thổ nhưỡng, các vấn đề kinh tế - xã hội – kỹ thuật liên
quan đến việc trồng trọt cây thuốc trong khu vực. Trong khi hàng ngày, người
dân sống ở khu vực Yên Tử vẫn tiến hành khai thác các loài cây thuốc để
phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe, cũng như phục vụ mùa khác du lịch, đặc
biệt là trong mùa lễ hội. Theo điều tra sơ bộ của chúng tôi (2011 – 2012),
nhiều loài ở khu vực này đã bị khai thác cạn kiệt như Hoa tiên (Trầu một lá),
Bổ béo đen, Bổ béo trắng, Cu chó, Khúc khắc, Lá lốt rừng, vv. Rất có thể
trong số đó, có những loài chưa được nghiên cứu hoặc chưa được tư liệu hóa
trong các sách về cây thuốc. Do vậy, để có thể bảo tồn và phát triển bền vững

22
cây thuốc ở khu vực này, cần thiết phải có một nghiên cứu đầy đủ và hệ
thống về các cây thuốc ở khu vực, nhằm xác định đầy đủ nhất về tính đa dạng
sinh học, sử dụng, phân bố, điều kiện sinh thái, thổ nhưỡng, các hoạt động
trồng trọt cây thuốc. Nghiên cứu này không chỉ có ý nghĩa về mặt khoa học, ý
nghĩa trong thực tiễn, mà còn góp phần gìn giữ những giá trị văn hóa – lịch sử
- tâm linh của dân tộc, của một trung tâm Phật giáo của cả nước.

23
CHƯƠNG 2. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Đối tượng nghiên cứu

- Cây thuốc ở Khu Rừng Quốc gia Yên Tử (theo tri thức chung và tri
thức của các cộng đồng ở khu vực Yên Tử)

- Cây thuốc trong vườn gia đình của các thầy lang khu vực Yên Tử (xã
Thượng Yên Công)

2.2. Phương pháp nghiên cứu

2.2.1. Điều tra tính đa dạng sinh học của cây thuốc ở Khu Rừng Quốc gia
Yên Tử

2.2.1.1. Điều tra theo tuyến

Được thực hiện bằng phương pháp điều tra theo tuyến [4], [11], với
người cung cấp tin quan trọng (KIP). KIP là những người am hiểu cây thuốc
trong khu vực xã Thượng Yên Công, thông qua các chuyến điều tra thực địa
để quan sát, phỏng vấn và thu thập mẫu tiêu bản. Mục tiêu điều tra là xác định
thành phần loài, cách sử dụng cây thuốc trong khu vực. Các bước thực hiện
bao gồm:

(i) Xác định tuyến điều tra: Xác định dựa trên thực trạng thảm thực vật, địa
hình hoặc phân bố cây thuốc trong khu vực. Để đảm bảo tính khách quan
trong quá trình điều tra, tuyến điều tra được thiết kết theo các địa hình và
thảm thực vật khác nhau (tuyến núi cao, rừng nguyên sinh, rừng thứ sinh, ven
đường, rừng trồng, vv.). Tổng cộng có 6 tuyến điều tra đã được thực hiện
cùng với 3 KIP.

(ii) Thu thập thông tin tại thực địa: Phỏng vấn bất kỳ cây nào gặp trên đường
hoặc dừng lại tại mỗi địa điểm có sự thay đổi về thảm thực vật và tiến hành

24
phỏng vấn. Thông tin cần thu thập bao gồm: Tên cây tiếng địa phương, bộ
phận dùng, công dụng, cách dùng. Thu mẫu tiêu bản và chụp ảnh cây thuốc.

(iii) Xử lý thông tin: Thông tin mang tính chất định tính, bao gồm: Danh mục
loài (tên địa phương, tên thường dùng, tên khoa học, công dụng, cách dùng,
bộ phận dùng).

2.2.1.2. Điều tra bằng ô tiêu chuẩn

Thiết lập các ô tiêu chuẩn có kích thước là 100m2 (10mx10m), được
xác định bằng phương pháp phân tầng – ngẫu nhiên dựa trên thực trạng thảm
thực vật và địa hình [11], Tổng số 51 ô tiêu chuẩn đã được đặt trong khu vực
nghiên cứu. Sử dụng máy định vị GPS đánh dấu tọa độ các ô được chọn trên
bản đồ. Các hoạt động điều tra bao gồm:

(i) Thiết lập ô: Xác định ranh giới ô bằng thước dây, đóng cọc và căng
dây nylon màu.

(ii) Thu thập thông tin: Sử dụng bộ phiếu điều tra để thu thập thông tin
(Phụ lục 1.3). Mỗi ô nghiên cứu là một mẫu (sample), gồm 2 phần: (1) thông
tin về điều kiện môi trường: tọa độ, độ cao so với mặt nước biển, độ dốc,
hướng phơi, loại thảm thực vật, độ che đá lộ đầu, độ che đá tảng, độ che đá
răm, chế độ nước mặt, độ tàn che, độ che phủ thảm tươi, các cây gỗ chính, số
thân cây gỗ có đường kính ngang ngực từ 10cm trở lên, chiều cao vút ngọn;
(2) thông tin về cây thuốc: tên các loài cây thuốc xuất hiện trong ô. Thu mẫu
tiêu bản và chụp ảnh cây thuốc.

(iii) Xử lý và phân tích thông tin: Danh mục loài và biến số của loài,
bao gồm: toàn bộ các loài cây thuốc, cây gỗ; tên khoa học; họ thực vật; tên
địa phương; tên thường dùng; các biến số của loài, bao gồm: (i) dạng sống
(cây gỗ, cây bụi, dây leo, cây kí sinh,…), (ii) sử dụng. Dữ liệu ô điều tra, bao
gồm: Thông tin về sinh thái/môi trường/thảm thực vật (biến số của ô) bao

25
gồm: (i) các biến số “trực tiếp”: đo đạc trên thực địa, không qua xử lý, tính
toán; (ii) các biến số “gián tiếp”, được xác định thông qua tính toán các biến
số trực tiếp: số loài cây gỗ, số loài cây thuốc, tần số xuất hiện của cây thuốc,
độ ẩm đất, pH đất,…. Thông tin về loài của ô, bao gồm tên loài cây thuốc và
cây gỗ (tên khoa học).

Toàn bộ các dữ liệu trên được mã hóa và nhập và phần mềm máy tính
PC-ORD, phiên bản 4.10, và phân tích bằng phép phân tích chùm (Cluster
Analysis) và phép phân tích trục chính (Principal Components Analysis) để
nghiên cứu về thảm thực vật, phân bố và điều kiện sinh thái của cây thuốc.

2.2.2. Điều tra cây thuốc trong vườn gia đình

Chọn mẫu: Các hộ được chọn là các thầy lang đang hành nghề thuốc tại
cộng đồng có trồng cây thuốc tại vườn gia đình.

Thu thập thông tin: Điều tra hộ gia đình, sử dụng biểu mẫu chung (Phụ
lục 1.2) Thông tin được thu thập thuộc các nhóm chính là (i) điều kiện xã hội,
(ii) điều kiện kinh tế, (iii) hoạt động hành nghề thuốc và (iv) tình hình trồng
cây thuốc tại vườn gia đình, bao gồm: điều kiện sinh thái của vườn, cây thuốc
(được trồng trong vườn). Thu mẫu tiêu bản và chụp ảnh. Tổng số 12 vườn hộ
gia đình đã được điều tra trong quá trình nghiên cứu.

2.2.3. Tư liệu hóa tri thức sử dụng cây cỏ làm thuốc

Tri thức sử dụng cây cỏ làm thuốc được thu thập qua 2 nguồn: (i)
phỏng vấn theo tuyến và ô tiêu chuẩn tại thực địa, tại vườn gia đình và (ii) từ
các tài liệu thứ cấp: Từ điển cây thuốc Việt Nam [8]; Cây thuốc và động vật
làm thuốc ở Việt Nam [34]; Cây thuốc và vị thuốc Việt Nam [20]; Medicinal
plants of Vietnam, Cambodia and Laos [46]; vv.

26
2.2.4. Thu mẫu và làm tiêu bản thực vật

Mẫu tiêu bản thu tại thực địa được xử lý bằng phương pháp ướt: mẫu
cây được xông hơi cồn trong túi nilon kín, sau đó sấy khô [11] theo các kỹ
thuật tiêu bản thông thường và lưu trữ tại Phòng tiêu bản của Trường Đại học
Dược Hà Nội (HNIP).

2.2.5. Xác định tên khoa học của cây thuốc

Tên khoa học của các mẫu được xác định theo phương pháp So sánh
hình thái dựa trên các mẫu tiêu bản, mẫu tiêu bản chuẩn (type) tại các phòng
tiêu bản trong và ngoài nước (trong nước: Phòng tiêu bản – Trường Đại học
Dược Hà Nội (HNIP); Phòng tiêu bản – Khoa Sinh học – Đại học Khoa học
Tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội (HNU); các phòng tiêu bản online ngoài
nước: Herbarium of National Taiwan University (TAI) [115]; Herbier
Muséum Paris – Muséum National d’Histoire Naturelle (P) [113]; The
Herbarium and Library, Royal Botanic Gardens, Kew (K) [110]; Herbarium,
Royal Botanic Garden Edinburgh (E) [111]; New York Botanical Gardens
(NY) [114]; Botanischer Garten und Botanisches Museum Berlin-Dahlem,
Freien Universität Berlin (B) [116]; The Linnaean Herbarium, The Linnaean
Society of London (LINN) [112], Chinese Virtual Herbarium (CVH) [117].
Ngoài ra, tên khoa học được xác định và chỉnh lý theo các tài liệu Thực vật
chí Việt Nam [35]; Thực vật chí Tổng quát Đông Dương (Flore Générale de
l'Indochine) [106]; Thực vật chí Campuchia, Lào và Việt Nam (Flore du
Cambodge, du Laos et du Vietnam) [107]; Cây cỏ Việt Nam [12]; Từ điển
Thực vật thông dụng [6]; Từ điển Cây thuốc Việt Nam [8]; Cẩm nang tra cứu
và nhận biết các họ thực vật hạt kín (Magnoliophyta, Angiospermae) ở Việt
Nam [2]; Những họ thực vật có hoa [17], [18]; Thực vật chí Trung Quốc
(Flora of China) [52]; Thực vật chí Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (Flora
Reipublicae Popularis Sinicae) [108]; Trung Quốc cao đẳng thực vật đồ giám

27
(Iconographia Cormophytorum Sinicorum) [109]; Thực vật chí Đài Loan
(Flora of Taiwan) [47]; Thực vật chí Thái Lan (Flora of Thailand) [53]; Thực
vật chí Malesiana (Flora Malesiana) [54]; Danh lục các loài thực vật Việt
Nam [32]; Sách tra cứu tên cây cỏ Việt Nam [7]; The International Plant
Names Index (IPNI) [118]; The Plant List [121].

28
CHƯƠNG 3: KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
3.1. Cây thuốc ở khu vực Yên Tử (Quảng Ninh)

3.1.1. Tính đa dạng của cây thuốc ở khu vực Yên Tử

3.1.1.1. Tính đa dạng theo các bậc phân loại

Tổng số 451 loài cây thuốc đã được phát hiện ở khu vực Yên Tử, Quảng
Ninh (Phụ lục 2.1). Trong đó có 385 loài được người dân ở đây sử dụng làm
thuốc, 66 loài cây thuốc (được ghi nhận trong các sách thuốc) nhưng không
được người dân sử dụng. Trong 451 loài cây thuốc này, có 392 loài đã được
xác định tên khoa học đến loài, 57 loài xác định đến chi, 2 loài xác định được
đến họ.

Các cây thuốc được xác định thuộc 6 ngành thực vật là Lycopodiophyta,
Equisetophyta, Polypodiophyta, Cycadophyta, Gnetophyta và Magnoliophyta,
131 họ, 330 chi khác nhau.

Nhìn chung, hệ cây thuốc ở khu vực Yên Tử đa dạng về các bậc phân
loại. Trong các ngành thực vật, ngành Ngọc lan (Magnoliophyta) có số họ, chi
và loài lớn nhất, lần lượt là 117 họ, 316 chi và 432 loài, chiếm 95,79% tổng
số loài, trong đó lớp Ngọc lan (Magnoliopsida) có nhiều cây thuốc nhất (92
họ, 261 chi, 358 loài, chiếm 79,38% tổng số loài). Số loài của các ngành thực
vật còn lại chỉ chiếm 4,21% (Bảng 3.1). Trong 131 họ cây thuốc ở khu vực
Yên Tử, không có họ nào có số chi và số loài đến 10%. Họ có nhiều chi và
nhiều loài nhất (họ Đậu, Fabaceae) chỉ có số chi chiếm 7,27% và số loài
chiếm 7,10%. Ở taxon bậc chi, chỉ có 26 họ (19,85%) có số chi từ 4 (1,21%)
trở lên, trong khi đó có đến 77 họ (58,78%) chỉ có một chi. Ở taxon bậc loài,
có 29 họ (22,14%) có số loài từ 5 (1,11%) trở lên, nhưng có đến 61 họ
(46,56%) chỉ có một loài cây làm thuốc. Phân bố loài của cây thuốc theo họ
được trình bày ở Hình 3.1 và Phụ lục 2.2.

29
Bảng 3.1. Sự phân bố cây thuốc ở khu vực Yên Tử trong các ngành thực vật

Họ Chi Loài
STT Tên ngành
Số họ Tỷ lệ % Số chi Tỷ lệ % Số loài Tỷ lệ %
1. Lycopodiophyta 2 1,53 2 0,61 2 0,44
2. Equisetophyta 1 0,76 1 0,30 1 0,22
3. Polypodiophyta 9 6,87 9 2,73 14 3,01
4. Cycadophyta 1 0,76 1 0,30 1 0,22
5. Gnetophyta 1 0,76 1 0,30 1 0,22
6. Magnoliophyta 117 89,31 316 95,76 432 95,79
6.1 Magnoliopsida 92 70,23 261 79,09 358 79,38
6.2 Liliopsida 25 19,08 55 16,67 74 16,41
Tổng cộng (1-6) 131 100 330 100 451 100

Hình 3.1. Phân bố số lượng họ cây thuốc ở khu vực Yên Tử theo số loài

Có 29 họ có số loài từ 5 loài trở lên. Tổng số loài của các họ này là 283
loài, chiếm 62,75% số loài cây thuốc điều tra được ở khu vực Yên Tử (Bảng
3.2)

30
Bảng 3.2. Danh mục các họ có từ 5 loài cây thuốc trở lên (xếp theo thứ
tự tên khoa học)

Tên họ Số chi Số loài


STT Số Tỷ lệ Số Tỷ lệ
Tên khoa học Tên tiếng Việt
lượng % lượng %
1 Acanthaceae Ô rô 7 2,12 7 1,55
2 Apocynaceae Trúc đào 3 0,91 5 1,11
3 Araceae Ráy 8 2,42 9 2,00
4 Araliaceae Ngũ gia bì 5 1,52 7 1,55
5 Asclepiadaceae Thiên lý 5 1,52 6 1,33
6 Asteraceae Cúc 24 7,27 31 6,87
7 Convallariaceae Hoàng tinh 4 1,21 6 1,33
8 Euphorbiaceae Thầu dầu 14 4,24 20 4,43
9 Fabaceae Đậu 24 7,27 32 7,10
10 Lamiaceae Bạc hà 6 1,82 6 1,33
11 Lauraceae Long não 5 1,52 6 1,33
12 Loranthaceae Tầm gửi 3 0,91 5 1,11
13 Malvaceae Bông 5 1,52 7 1,55
14 Moraceae Dâu tằm 4 1,21 12 2,66
15 Myrsinaceae Đơn nem 3 0,91 9 2,00
16 Myrtaceae Sim 4 1,21 5 1,11
17 Orchidaceae Lan 4 1,21 5 1,11
18 Poaceae Lúa 7 2,12 7 1,55
19 Rosaceae Hoa hồng 2 0,61 5 1,11
20 Rubiaceae Cà phê 12 3,64 21 4,66
21 Rutaceae Cam 8 2,42 10 2,22
22 Scrophulariaceae Hoa mõm chó 5 1,52 8 1,77
23 Smilacaceae Kim cang 2 0,61 5 1,11
24 Solanaceae Cà 3 0,91 5 1,11
25 Sterculiaceae Trôm 4 1,21 5 1,11
26 Urticaceae Gai 4 1,21 6 1,33

31
Tên họ Số chi Số loài
STT Số Tỷ lệ Số Tỷ lệ
Tên khoa học Tên tiếng Việt
lượng % lượng %
27 Verbenaceae Cỏ roi ngựa 6 1,82 13 2,88
28 Vitaceae Nho 4 1,21 8 1,77
29 Zingiberaceae Gừng 6 1,82 12 2,66
Tổng 191 57,88 283 62,75

Phân bố số loài cây thuốc theo chi được trình bày ở Hình 3.2 và Phụ lục
2.3. Có một chi nhiều loài nhất có số loài chỉ chiếm 2,00%. Có 249 chi chỉ có
1 loài cây thuốc.

Hình 3.2. Phân bố số lượng chi cây thuốc ở khu vực Yên Tử theo số loài

Trong số 330 chi cây thuốc ở khu vực Yên Tử, có 20 chi có số loài từ 3
loài trở lên. Số loài của 20 chi này là 78 loài chiếm 17,29% số loài cây thuốc
điều tra được ở khu vực Yên Tử (Bảng 3.3).

32
Bảng 3.3. Danh mục các chi có từ 3 loài cây thuốc trở lên (xếp theo thứ tự tên
khoa học)

STT Tên khoa học Số loài của chi Tỷ lệ %


1 Adiantum 3 0,67
2 Alpinia 3 0,67
3 Ardisia 7 1,55
4 Blumea 3 0,67
5 Boehmeria 3 0,67
6 Clerodendrum 5 1,11
7 Curcuma 3 0,67
8 Desmodium 4 0,89
9 Dioscorea 3 0,67
10 Ficus 9 2,00
11 Hedyotis 4 0,89
12 Melastoma 3 0,67
13 Ophiopogon 3 0,67
14 Phyllanthus 4 0,89
15 Polygonum 3 0,67
16 Rubus 4 0,89
17 Smilax 4 0,89
18 Solanum 3 0,67
19 Vernonia 4 0,89
20 Zingiber 3 0,67
Tổng 78 17,29

Trong 385 loài cây thuốc được người dân ở khu vực Yên Tử sử dụng,
có 16 loài chưa được nhắc đến trong các tài liệu về cây thuốc của Việt Nam
[6], [8], [12], [13], [14], [19], [20], [34], [35], [46], [63] (Bảng 3.4).

33
Bảng 3.4. Danh sách các loài cây thuốc được sử dụng ở khu vực Yên
Tử, chưa được nhắc đến trong các tài liệu về cây thuốc của Việt Nam (xếp
theo thứ tự tên khoa học).

STT Tên thường dùng Tên khoa học Họ


1 Thư diệp lá nhỏ Adenia penangiana var. parvifolia Passifloraceae
(Pierre ex Gagnep.) W.J.de Wilde
2 Gai toàn tơ Boehmeria holosericea Blume Urticaceae
3 Điệp bánh bò Caesalpinia rhombifolia J.E.Vidal Fabaceae
4 Ngọc nữ Bắc bộ Clerodendrum tonkinense Dop Verbenaceae
5 Thượng duyên Dendrobium brunneum Schuit. & Orchidaceae
Sapa Peter B.Adams
6 Cao hùng Elatostema veronicoides (Gagnep.) Urticaceae
H.Schroet.
7 Lan mùn vàng Galeola nudifolia Lour. Orchidaceae
8 Lô ba Globba schomburgkii Hook. f. Zingiberaceae
Schomburgk
9 Mạ sưa hoa thân Helicia cauliflora Merr. Proteaceae
10 Chà ran mềm Homalium mollissimum Merr. Flacourtiaceae
11 Trang trắng Ixora finlaysoniana Wall. ex Rubiaceae
G.Don
12 Gió khơi Lepisanthes tetraphylla Radlk Sapindaceae
13 Cà hai hoa Lycianthes biflora (Lour.) Bitter Solanaceae
14 Xà bì đứng Ophiopogon caulescens (Blume) Convallariaceae
Baker
15 Trâm đài Bon Rhaphidophora bonii Engl. & Araceae
K.Krause
16 Dum không đổi Rubus etropicus (Hand.-Mazz.) Rosaceae
Thuan.

Trong 451 cây thuốc ở khu vực Yên Tử, có 45 loài được ghi trong
“Danh mục thuốc thiết yếu lần thứ VI” (DMTTY) [5] (Bảng 3.5).

34
Bảng 3.5. Danh sách cách cây thuốc ở khu vực Yên Tử được ghi trong Danh
mục thuốc thiết yếu lần thứ VI (xếp theo thứ tự tên khoa học)

STT Tên thường dùng Tên khoa học Họ


Abelmoschus sagittifolius (Kurz)
1 Sâm bố chính Malvaceae
Merr.
2 Cối xay Abutilon indicum (L.) Sweet Malvaceae
3 Cỏ xước Achyranthes aspera L. Amaranthaceae
4 Nhân trần Adenosma caeruleum R.Br Scrophulariaceae
5 Ngải cứu Artemisia vulgaris L. Asteraceae
Asparagus cochinchinensis (Lour.)
6 Thiên môn đông Asparagaceae
Merr.
7 Gai Boehmeria nivea (L.) Gaudich. Urticaceae
8 Rau má Centella asiatica (L.) Urb. Apiaceae
Clerodendrum chinense var.
9 Bạch đồng nữ Verbenaceae
simplex (Moldenke) S.L.Chen
Clerodendrum japonicum (Thunb.)
10 Xích đồng nam Verbenaceae
Sweet
11 Ý dĩ Coix lacryma-jobi L. Poaceae
12 Huyết dụ Cordyline fruticosa (L.) A.Chev. Asteliaceae
Trinh nữ hoàng
13 Crinum latifolium L. Amaryllidaceae
cung
14 Khổ sâm Croton tonkinensis Gagnep. Euphorbiaceae
15 Nghệ vàng Curcuma longa L. Zingiberaceae
Desmodium styracifolium
16 Kim tiền thảo Fabaceae
(Osbeck) Merr.
17 Nhọ nồi Eclipta prostrata (L.) L. Asteraceae
18 Cỏ mần trầu Eleusine indica (L.) Gaertn. Poaceae
19 Kinh giới Elsholtzia ciliata (Thunb.) Hyl. Lamiaceae
20 Mần tưới Eupatorium fortunei Turcz. Asteraceae
21 Đơn đỏ Excoecaria cochinchinensis Lour. Euphorbiaceae
22 Dành dành Gardenia jasminoides J.Ellis Rubiaceae
23 Bạch hoa xà thiệt Hedyotis diffusa Willd. Rubiaceae

35
STT Tên thường dùng Tên khoa học Họ
thảo
24 Cỏ tranh Imperata cylindrica (L.) Raeusch. Poaceae
25 Địa liền Kaempferia galanga L. Zingiberaceae
26 Bồ công anh Lactuca indica L. Asteraceae
27 Ích mẫu Leonurus japonicus Houtt. Lamiaceae
28 Kim ngân Lonicera japonica Thunb. Caprifoliaceae
Maclura cochinchinensis (Lour.)
29 Mỏ quạ Moraceae
Corner
30 Dâu tằm Morus alba L. Moraceae
31 Hương nhu trắng Ocimum gratissimum L. Lamiaceae
32 Phèn đen Phyllanthus reticulatus Poir. Euphorbiaceae
33 Chó đẻ răng cưa Phyllanthus urinaria L. Euphorbiaceae
34 Lá lốt Piper lolot C.DC. Piperaceae
35 Mã đề Plantago major L. Plantaginaceae
Sài hồ nam, Cúc
36 Pluchea indica (L.) Less. Asteraceae
tần
37 Đinh lăng Polyscias fruticosa (L.) Harms Araliaceae
38 Ổi Psidium guajava L. Myrtaceae
Rhodomyrtus tomentosa (Aiton)
39 Sim Myrtaceae
Hassk.
Ngũ gia bì chân
40 Schefflera heptaphylla (L.) Frodin Araliaceae
chim
41 Cam thảo nam Scoparia dulcis L. Scrophulariaceae
42 Hy thiêm Sigesbeckia orientalis L. Asteraceae
43 Bách bộ Stemona tuberosa Lour. Stemonaceae
44 Bán hạ nam Typhonium trilobatum (L.) Schott Araceae
45 Gừng Zingiber officinale Roscoe Zingiberaceae

Có 10 loài trong Sách đỏ Việt Nam 2007 [3] (Bảng 3.6), 6 loài có trong
Nghị định 32 (Bảng 3.7) [10] (Nghị định 32/2006/NĐ-CP là Nghị định về
quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm), và 1 loài có trong

36
Sách đỏ IUCN 2014 [119] ở mức NT (Near Threatened) – Sắp bị đe dọa là
loài Thau 3 lá Semiliquidambar cathayensis Hung T. Chang

Bảng 3.6. Danh mục các loài cây thuốc ở khu vực Yên Tử có trong Sách đỏ
Việt Nam 2007 (xếp theo thứ tự tên khoa học)

Tên thường Phân


STT Tên khoa học Họ
dùng hạng
1 Lệ đương Aeginetia indica (L.) Roxb Orobanchaceae VU
2 Vù hương Cinnamomum parthenoxylon Lauraceae CR
(Jack) Meisn.
3 Hoàng tinh Disporopsis longifolia Craib. Convallariaceae VU
4 Tắc kè đá Drynaria bonii H.Christ Polypodiaceae VU
5 Cốt toái bổ Drynaria fortunei (Mett.) J. Polypodiaceae EN
Sm.
6 Hà thủ ô đỏ Fallopia multiflora (Thunb.) Polygonaceae CR
Haraldson
7 Bổ béo đen Goniothalamus vietnamensis Annonaceae VU
Ban
8 Rau sắng Melientha suavis Pierre Opiliaceae VU
9 Sâm gạo Millettia speciosa Champ. Fabaceae VU
10 Xà bì Bắc bộ Ophiopogon tonkinensis Hook. Convallariaceae VU

Bảng 3.7. Danh mục các loài cây thuốc ở khu vực Yên Tử có trong Nghị định
32 (xếp theo thứ tự tên khoa học)

Tên thường Phân


STT Tên khoa học Họ
dùng hạng
1 Lan kim Anoectochilus roxburghii Orchidaceae IA
tuyến (Wall.) Lindl.
2 Tế hoa Asarum petelotii O.C.Schmidt Aristolochiaceae IIA
Petelot
3 Vù hương Cinnamomum parthenoxylon Lauraceae IIA
(Jack) Meisn.
4 Thiên tuế Cycas sp. Cycadaceae IIA

37
Tên thường Phân
STT Tên khoa học Họ
dùng hạng
5 Hoàng tinh Disporopsis longifolia Craib. Convallariaceae IIA
6 Bình vôi Stephania sp. Menispermaceae IIA

3.1.1.2. Tính đa dạng theo dạng sống

Các cây thuốc ở khu vực Yên Tử thuộc 10 dạng sống khác nhau là cau
dừa, hoại sinh, ký sinh, phụ sinh, bán ký sinh, bụi leo, dây leo, gỗ, bụi và cỏ
(Bảng 3.8). Các dạng sống có nhiều loài cây thuốc là dây leo (76 loài), gỗ (90
loài), bụi (107 loài) và cỏ (155 loài).

Bảng 3.8. Danh mục các dạng sống của cây thuốc ở khu vực Yên Tử

STT Tên dạng sống Số loài Tỷ lệ %


1 Cau dừa 1 0,22
2 Hoại sinh 1 0,22
3 Ký sinh 2 0,44
4 Phụ sinh 4 0,89
5 Bán ký sinh 7 1,55
6 Bụi leo 8 1,77
7 Dây leo 76 16,85
8 Gỗ 90 19,96
9 Bụi 107 23,73
10 Cỏ 155 34,37

3.1.2. Thảm thực vật và phân bố của cây thuốc ở khu vực Yên Tử

3.1.2.1. Các loại thảm thực vật ở khu vực Yên Tử

Sử dụng phép phân tích chùm (Cluster Analysis), dựa trên các thông số
về điều kiện môi trường và cây thuốc của 51 ô tiêu chuẩn khảo sát, 3 nhóm

38
thảm thực vật chính ở khu rừng Yên Tử đã được xác định. Các thông số về
điều kiện môi trường và cây thuốc được trình bày ở Bảng 3.9.

Các loại thảm thực vật được phân loại lần lượt là:

(i) Nhóm I: Chủ yếu là rừng trồng và trảng cỏ, trảng cây bụi (kiểu IA,
IB), rừng phục hồi sau nương rẫy (IIA, IIB). Phân bố xung quanh chân núi và
sườn thấp, ở độ cao 121±25,6 m so với mặt nước biển, nơi đất tương đối bằng
phẳng, khô quanh năm. Số loài cây gỗ lớn (đường kính ≥10 cm) ít đa dạng,
chủ yếu gặp các loài Keo tai tượng (Acacia mangium Willd.), Thông (Pinus
sp.) Lim (Erythrophleum fordii Oliv.), Trâm (Syzygium sp.), Chẹo
(Engelhardia sp.) các loài Dẻ (Fagaceae spp.), Dẻ Bonnet (Lithocarpus
bonnetii (Hickel & A.Camus) A.Camus), vv.

(ii) Nhóm II: Rừng nguyên sinh bị tác động dọc khe suối, thung lũng
và rừng phục hồi sau nương rẫy (IIA, IIB). Phân bố ở độ cao 109±19,4 m so
với mặt nước biển, chủ yếu ở sườn Tây, có độ dốc khá lớn (độ dốc 24±4,5°).
Số loài cây gỗ lớn đa dạng hơn, chiều cao cây gỗ lớn hơn, độ tàn che lớn hơn
so với nhóm I. Các loài cây gỗ chủ yếu là Dẻ (Fagaceae spp.), Lòng mang
(Pterospermum sp.), Lim (Erythrophleum fordii Oliv.), Sến (Madhuca sp.),
Rè (Machilus sp.), Côm (Elaeocarpus sp.), Mạ sưa (Helicia sp.), Cứt ngựa
(Archidendron sp.), Cà lồ (Caryodaphnopsis sp.), Bứa (Garcinia sp.),vv.

(iii)Nhóm III: Thảm thực vật á nhiệt đới núi cao, phân bố về phía đỉnh
núi, ở độ cao ~ 1000m so với mặt nước biển, với các loài cây gỗ chủ yếu là
Cà ổi Ấn (Castanopsis indica (Roxb.) A. DC.), Giổi lá láng (Michelia
foveolata Merr. ex Dandy.), Thanh mai (Myrica esculenta Buch.-Ham. ex D.
Don), Vối thuốc (Schima superba Gard. & Champ.), Re (Cinnamomum sp.)
vv., với chiều cao cây gỗ thấp, do bị tác động bởi khí hậu núi cao. Tỷ lệ đá lộ
đầu và đá tảng nhiều.

39
Bảng 3.9. Giá trị các biến số về môi trường và cấu trúc thảm thực vật và cây
thuốc trong 3 nhóm thảm thực vật được xác định bằng phép phân tích chùm
(Cluster Analysis)

Nhóm thảm thực vật


STT Tên biến số
I II III
Điều kiện môi trường
Độ cao so với mặt 121±25,6 109±19,4 1016
1
nước biển (m)
2 Độ dốc (°) 8±6,7 24±4,5 15
3 Hướng phơi (mode) Tây, Nam Tây Đông
Loại rừng (mode) Rừng trồng Nguyên sinh ven Thứ sinh
4
suối, Thứ sinh
Vị trí địa hình (mode) Chân, Sườn Sườn thấp Đỉnh
5
thấp
6 PH 4,4±0,4 4,4±0,4 4,53
7 Độ ẩm đất (%) 14±7,3 14±8,1 7,58
8 Đá lộ đầu (%) 2±0,5 4±2,0 80
9 Đá tảng (%) 1±0,6 4±1,6 10
10 Đá dăm (%) 2±1,5 3±1,3 0
Chế độ nước mặt Khô quanh Khô quanh năm, Khô quanh
11
(mode) năm Nước theo mùa năm
Số lượng cây gỗ 4±0,5 5±0,7 5
12
(đường kính ≥10cm)
Chiều cao cây gỗ trung 10±4,6 12±3,9 4
13
bình (m)
14 Độ tàn che (%) 36±18,6 73 ±9,5 40
Diện tích tầng thảm 32±23,5 36±21,7 90
15
tươi (%)
16 Số loài cây thuốc (loài) 19±7,6 19±5,5 10
Số loài cây thuốc trong 0,7±0,1 0,5±0,2 0
17
DMTTY (loài)
Số loài cây thuốc trong 0,2±0,1 0,4±0,2 0
18
Sách đỏ (loài)

40
3.1.2.2. Phân bố của cây thuốc

Trong 3 loại thảm thực vật đã được xác định, thảm thực vật nhóm I và
nhóm II có nhiều loài cây thuốc nhất (~19 loài/100m2). Thảm thực vật á nhiệt
đới núi cao có số loài cây thuốc ít nhất (~ 10 loài/100m2). Các loài cây thuốc
trong Danh mục thuốc thiết yếu và các loài cây thuốc trong Sách đỏ Việt Nam
cũng ít tập trung ở thảm thực vật này.

Tổng số 14 yếu tố (biến số) liên quan đến điều kiện môi trường, thảm
thực vật và cây thuốc đã được phân tích bằng phép phân tích trục chính
(PCA). Kết quả được trình bày ở Bảng 3.10.

Bảng 3.10. Mối quan hệ giữa các biến số về môi trường, thảm thực vật và cây
thuốc với 3 trục chính đầu tiên của PCA (Principal Components Axis)

Hệ số tương quan với 3 trục chính (PCA) đầu


STT Biến số tiên
PCA1 PCA2 PCA3
1. Độ cao so với mặt nước -0,194 0,814 -0,126
biển
2. Độ dốc 0,468 0,136 -0,373
3. PH 0,305 -0,042 -0,346
4. Độ ẩm đất -0,651 -0,138 0,043
5. Đá lộ đầu -0,122 0,909 -0,174
6. Đá tảng 0,191 0,596 -0,218
7. Đá dăm 0,468 0,154 -0,038
8. Số lượng cây gỗ 0,519 0,126 0,215
9. Chiều cao cây gỗ 0,698 -0,175 0,065
10. Độ tàn che 0,328 0,207 -0,267
11. Diện tích tầng thảm tươi -0,499 0,139 -0,579
12. Số loài cây thuốc -0,010 -0,348 -0,540
13. Số loài cây thuốc trong -0,349 -0,437 -0,230
DMTTY

41
Hệ số tương quan với 3 trục chính (PCA) đầu
STT Biến số tiên
PCA1 PCA2 PCA3
14. Số loài cây thuốc trong 0,301 -0,024 -0,580
Sách đỏ

Độ cao so với mặt nước biển và tỷ lệ đá lộ đầu là yếu tố chi phối về


môi trường và thảm thực vật khác nhau với hệ số tương quan với trục chính
PCA2 lần lượt là 0,814 và 0,909. Biến số có quan hệ cùng chiều với PCA2 là
(i) tỷ lệ đá tảng và ngược chiều với PCA2 là (i) số loài cây thuốc, (ii) số loài
cây thuốc trong danh mục thuốc thiết yếu. Như vậy, càng lên cao thì tỷ lệ đá
lộ đầu, đá tảng càng tăng và số loài cây thuốc, số loài cây thuốc trong danh
mục thuốc thiết yếu càng giảm.

Trong số 3 biến liên quan đến cây thuốc trong khu rừng Yên Tử thì có
2 biến là (i) số loài cây thuốc, (ii) số loài cây thuốc có trong danh mục thuốc
thiết yếu có mối tương quan ngược chiều với trục chính PCA2. Điều này có
nghĩa là, càng lên cao thì số loài cây thuốc và số loài cây thuốc trong danh
mục thuốc thiết yếu càng giảm. Như vậy các loài cây thuốc phân bố ít về phía
núi cao của khu vực Yên Tử, là nơi núi đá, ở đai á nhiệt đới và phân bố nhiều
về phía thấp và phía chân núi Yên Tử, là nơi đa dạng về các dạng thảm thực
vật khác nhau như rừng thứ sinh, rừng nguyên sinh bị tác động dọc theo suối
và thung lũng, rừng trồng, v.v.

 Phân bố của cây thuốc theo dạng thảm thực vật

Có 194 loài trong tổng số cây thuốc (chiếm 43,02%) đã được phát hiện
trong 51 ô điều tra. Các loài này có mức độ phân bố khác nhau. Có 87 loài
(chiếm 44,85%) chỉ gặp ở một loại thảm thực vật, 103 loài (chiếm 53,09%)
gặp ở hai loại thảm thực vật và 4 loài (chiếm 2,06%) gặp ở cả 3 loại thảm
thực vật (Hình 3.3).

42
Hình 3.3. Phân bố của cây thuốc ở khu vực Yên Tử theo loại thảm thực vật

 Mức độ đa dạng của cây thuốc theo thảm thực vật

Trong số 3 loại thảm thực vật, thảm thực vật nhóm I có số loài cây
thuốc nhiều nhất (167 loài), tiếp theo là thảm thực vật nhóm II (128 loài) và
nhóm III (10 loài) (Hình 3.4).

Hình 3.4. Mức độ đa dạng cây thuốc theo loại thảm thực vật

 Tần số xuất hiện cây thuốc trong các ô nghiên cứu

Trong 194 loài xuất hiện ở 51 ô nghiên cứu, có 30 loài (chiếm 15,46%)
xuất hiện ở từ 10 ô trở lên (Bảng 3.11), trong đó các loài xuất hiện nhiều nhất

43
là Micromelum sp. (39 ô), Psychotria sp. (37 ô), Tetracera scandens (L.)
Merr. (25 ô), Hedyotis capitellata var. mollissima (Pit.) W.C.Ko (25 ô). Trong
khi đó có tới 63 loài chỉ xuất hiện 1 lần (Hình 3.5 và Phụ lục 2.4).

Bảng 3.11. Danh sách các loài xuất hiện từ 10 lần trở lên trong 51 ô nghiên
cứu (xếp theo thứ tự tên khoa học)

STT Tên khoa học Số ô xuất hiện Tỷ lệ %


1 Adiantum flabellulatum L. 19 37,25
2 Alchornea rugosa (Lour.) Müll.Arg. 13 25,49
3 Ampelopsis cantoniensis (Hook. et Arn.) 11 21,57
Planch.
4 Ardisia crenata Sims 11 21,57
5 Ardisia quinquegona Blume 22 43,14
6 Breynia fruticosa (L.) Hook. 18 35,29
7 Carallia lancaefolia Roxb. 10 19,61
8 Catunaregam spinosa (Thunb.) Tirveng. 24 47,06
9 Clausena excavata Burm. 10 19,61
10 Clerodendrum cyrtophyllum Turcz. 10 19,61
11 Desmos chinensis Lour. 13 25,49
12 Embelia ribes Burm. 10 19,61
13 Ficus hirta subsp. roxburghii (King) 14 27,45
C.C.Berg
14 Glochidion eriocarpum Champ. ex Benth. 24 47,06
15 Gnetum montanum Markgr. 12 23,53
16 Hedyotis capitellata var. mollissima (Pit.) 25 49,02
W.C.Ko
17 Lygodium flexuosum (L.) Sw. 18 35,29
18 Maesa balansae Mez 11 21,57
19 Micromelum sp. 39 76,47
20 Mussaenda pubescens W.T.Aiton 13 25,49
21 Ophiopogon caulescens (Blume) Baker 13 25,49
22 Pothos repens (Lour.) Merr. 17 33,33

44
STT Tên khoa học Số ô xuất hiện Tỷ lệ %
23 Psychotria sp. 37 72,55
24 Rhodomyrtus tomentosa (Aiton) Hassk. 14 27,45
25 Schefflera sp. 22 43,14
26 Smilax glabra Wall. ex Roxb. 17 33,33
27 Smilax ocreata A.DC. 10 19,61
28 Tabernaemontana bufalina Lour. 10 19,61
29 Tetracera scandens (L.) Merr. 25 49,02
30 Urceola sp. 15 29,41

Hình 3.5. Tần số xuất hiện cây thuốc trong các ô nghiên cứu

3.1.3. Tri thức sử dụng cây thuốc của cộng đồng khu vực Yên Tử

3.1.3.1. Danh mục các bệnh, chứng có thể chữa trị bằng cây thuốc ở khu vực
Yên Tử

Có 45 tên mô tả nhóm bệnh/chứng bệnh/thuốc, được người dân ở khu


vực Yên Tử sử dụng các cây thuốc (385 loài cây thuốc) để chữa (Bảng 3.12).
Trong đó có 8 nhóm bệnh/chứng bệnh/thuốc có nhiều cây thuốc nhất là: Gãy

45
xương, đòn ngã (32 loài), Bổ (39 loài), Thận – Tiết niệu (44 loài), Bệnh về
gan (45 loài), Cảm sốt (53 loài), Tiêu độc – Dị ứng (66 loài), Bệnh tiêu hóa
(73 loài), Xương khớp (115 loài).

Bảng 3.12. Danh mục các nhóm bệnh, chứng bệnh, nhóm thuốc sử dụng cây
thuốc khu vực Yên Tử

Số loài có Tỷ lệ
STT Tên nhóm bệnh, chứng bệnh, nhóm thuốc
thể chữa %
1. An thần, gây ngủ 9 2,34
2. Bệnh hô hấp (Ho, hen, viêm đường hô hấp, viêm
30 7,79
họng, viêm họng hạt)
3. Bệnh ngoài da (Hắc lào, eczema, nấm, ghẻ, nước
23 5,97
ăn chân, lang ben,vv.)
4. Bệnh phụ khoa (Khí hư, bạch đới, Viêm nhiễm âm
5 1,30
đạo)
5. Bệnh phụ nữ (Đau bụng kinh, kinh nguyệt không
19 4,94
đều, vô kinh, băng huyết, rong kinh,vv.)
6. Bệnh tiêu hóa (Tiêu hóa kém, đau bụng ỉa chảy,
73 18,96
lỵ, táo bón, đại tràng, viêm ruột,vv.)
7. Bệnh về gan (Viêm gan, men gan cao, vàng da,
45 11,69
vàng mắt)
8. Bệnh về mắt (Mắt tụ máu, nhức mắt, đau mắt, đau
8 2,08
mắt đỏ, viêm kết mạc, mắt toét)
9. Bệnh về máu (Bổ máu, thiếu máu, thiểu năng tuần
9 2,34
hoàn, hoa mắt chóng mặt)
10. Bệnh về răng (Sâu răng, Đau răng) 6 1,56
11. Bệnh về tai (Viêm tai, tai chảy nước) 4 1,04
12. Bệnh về tim (Rối loạn nhịp tim) 1 0,26
13. Bổ (Ăn khỏe, ngủ khỏe, suy nhược cơ thể, gầy
39 10,13
mòn)
14. Bổ dương (Xuất tinh sớm, di mộng tinh, yếu sinh
5 1,30
lý)
15. Bỏng 4 1,04
16. Cầm máu (chảy máu, ho ra máu, nôn ra máu, chảy 15 3,90

46
Số loài có Tỷ lệ
STT Tên nhóm bệnh, chứng bệnh, nhóm thuốc
thể chữa %
máu trong,vv.)
17. Cảm sốt (Cảm cúm, sốt, làm mát cơ thể) 53 13,77
18. Cảm thương hàn 5 1,30
19. Cam trẻ em 4 1,04
20. Cao huyết áp 1 0,26
21. Đau/loét dạ dày 15 3,90
22. Đái tháo đường 4 1,04
23. Đau đầu 5 1,30
24. Động thai 2 0,52
25. Gãy xương, đòn ngã (Gãy xương, bị đòn ngã,
32 8,31
thương tích, ứ huyết, bong gân)
26. Giải rượu 2 0,52
27. Gout 1 0,26
28. Ký sinh trùng - Côn trùng (giun sán, chấy rận, sâu
17 4,42
róm, đỉa, ve, ong)
29. Lậu 1 0,26
30. Liệt 5 1,30
31. Lợi sữa, Viêm tuyến sữa, Sưng vú, Tắc tia sữa 9 2,34
32. Mở khóa đầu 1 0,26
33. Ngộ độc 1 0,26
34. Nổi hạch 2 0,52
35. Phụ nữ sau sinh (Hậu sản, Dùng cho phụ nữ sau
19 4,94
sinh)
36. Rắn cắn 12 3,12
37. Sởi 10 2,60
38. Sỏi mật, Sỏi thận 6 1,56
39. Sốt rét 8 2,08
40. Thận - Tiết niệu (Đái đục, đái buốt, đái rắt, đái
nhiều, đái dầm, đái ra máu, viêm tiết niệu, lợi tiểu, 44 11,43
phù thũng, suy thận, phù thận)
41. Tiêu độc - Dị ứng (Mụn nhọt, mẩn ngứa, lở loét, 66 17,14

47
Số loài có Tỷ lệ
STT Tên nhóm bệnh, chứng bệnh, nhóm thuốc
thể chữa %
dị ứng)
42. Trĩ 3 0,78
43. Ung thư 5 1,30
44. Viêm xoang 5 1,30
45. Xương khớp (Phong tê thấp, đau lưng, xương
115 29,87
khớp đau nhức, viêm khớp)
Ghi chú: Bảng này có tổng tỷ lệ không bằng 100% do một loài có thể có dùng để
chữa nhiều chứng bệnh, do đó có nhiều công dụng

3.1.3.2. Bộ phận sử dụng của cây thuốc

Trong 385 loài cây thuốc được người dân ở khu vực Yên Tử sử dụng
làm thuốc, tổng cộng có 20 bộ phận sử dụng đã được xác định. Đại đa số các
loài chỉ được sử dụng một bộ phận (305 loài, chiếm 79,22%). Có 72 loài,
chiếm 18,70%, có 2 bộ phận sử dụng làm thuốc. Có 8 loài, chiếm 2,08% có 3
bộ phận sử dụng làm thuốc

Bộ phận dùng nhiều nhất là cả cây (chiếm 29,09%), rễ (23,64%) và lá


(19,48%) (Bảng 3.13).

Bảng 3.13. Danh mục các bộ phận dùng của cây thuốc ở khu vực Yên Tử

STT Tên bộ phận Số loài Tỷ lệ %


1. Cụm hoa 1 0,26
2. Dái củ 1 0,26
3. Đài quả 1 0,26
4. Hoa 1 0,26
5. Lông 1 0,26
6. Rễ củ 3 0,78
7. Thân củ 3 0,78
8. Vỏ quả 4 1,04
9. Nhựa 5 1,30

48
STT Tên bộ phận Số loài Tỷ lệ %
10. Vỏ rễ 5 1,30
11. Hạt 8 2,08
12. Củ 9 2,34
13. Quả 11 2,86
14. Vỏ thân 19 4,94
15. Thân rễ 30 7,79
16. Thân 42 10,91
17. Thân lá 51 13,25
18. Lá 75 19,48
19. Rễ 91 23,64
20. Cả cây 112 29,09
Hệ số bộ phận sử dụng 1,23
Ghi chú: Bảng này có tổng tỷ lệ không bằng 100% do một loài có nhiều bộ phận sử dụng.

3.1.3.3. Cách sử dụng cây thuốc

Trong 385 loài cây thuốc được người dân ở khu vực Yên Tử sử dụng,
có 21 cách sử dụng đã được xác định. Cách dùng chủ yếu là uống (311 loài,
chiếm đến 80,78%). Một số cách dùng khác như bôi, đắp, vv. cũng được sử
dụng (Bảng 3.14).

Bảng 3.14. Danh mục các cách dùng thuốc ở khu vực Yên Tử

STT Cách dùng Tần số gặp Tỷ lệ %


Dùng ngoài
1. Đánh gió cảm 2 0,52
2. Ngâm rượu xoa bóp 2 0,52
3. Nướng thành tro, chấm 1 0,26
4. Nướng thành tro, thổi vào tai 1 0,26
5. Nhỏ mắt, Rửa mắt 2 0,52
6. Tán bột rắc 2 0,52
7. Hơ đắp 4 1,04

49
STT Cách dùng Tần số gặp Tỷ lệ %
8. Bôi 5 1,30
9. Đun nước rửa 5 1,30
10. Nhỏ tai 5 1,30
11. Bó gẫy xương 11 2,86
12. Giã đắp 55 14,29
13. Tắm, gội 57 14,81
Dùng trong
14. Ngâm đường uống 1 0,26
15. Giã/ép nước uống 13 3,38
16. Ngâm rượu uống 23 5,97
17. Sắc uống 311 80,78
Cách dùng khác
18. Sắc ngậm 1 0,26
19. Vỏ rễ nhét vào lỗ đau răng 1 0,26
20. Nấu ăn, Ăn 5 1,30
21. Xông 9 2,34
Hệ số cách dùng 1,34
Ghi chú: Bảng này có tổng tỷ lệ không bằng 100% do một loài có thể có nhiều bộ
phận sử dụng, do đó có nhiều cách dùng

3.2. Trồng cây thuốc tại vườn gia đình các thầy lang

3.2.1. Tính đa dạng cây thuốc trong vườn gia đình

Đã điều tra được 12 vườn gia đình có trồng cây thuốc. Tổng số loài cây
thuốc đã được trồng trong các vườn này là 209 loài, thuộc 82 họ, 170 chi.
Trong đó có 75 loài chỉ xuất hiện ở vườn gia đình, không gặp trong khu vực
rừng Yên Tử (Phụ lục 2.5). Có 16 loài gặp được từ 5 vườn trở lên là Cỏ xước
(Achyranthes aspera L. – 5 vườn), Riềng (Alpinia galanga (L.) Willd. – 5
vườn), Huyết dụ (Cordyline fruticosa (L.) A.Chev. – 5 vườn), Nghệ vàng
(Curcuma longa L. – 5 vườn), Dành dành (Gardenia jasminoides J.Ellis – 5

50
vườn), Cẩm địa la (Kaempferia rotunda L. – 5 vườn), Cách (Premna sp. – 5
vườn), Lấu (Psychotria sp. – 5 vườn), Mía dò (Cheilocostus speciosus
(J.König) C.Specht – 6 vườn), Thanh táo (Justicia gendarussa Burm.f. – 6
vườn), Na rừng (Kadsura sp. – 6 vườn), Gối hạc (Leea indica (Burm. f.)
Merr. – 6 vườn), Dâm hôi (Clausena excavata Burm. – 7 vườn), Lá lốt (Piper
lolot C.DC. – 8 vườn), Cốt khí dây (Ventilago leiocarpa Benth. – 8 vườn) và
Cách chevalier (Premna chevalieri Dop – 9 vườn) (Hình 3.6).

Hình 3.6. Tần số xuất hiện trong vườn của các loài cây thuốc

Trong số 209 cây thuốc được trồng trong các vườn gia đình, có 40 loài
cây thuốc trong danh mục Thuốc thiết yếu lần VI [5] (Bảng 3.15), chiếm
88,89% số loài cây thuốc trong DMTTY ở khu vực Yên Tử (Bảng 3.18).

Bảng 3.15. Danh mục các cây thuốc trong danh mục thuốc thiết yếu được
trồng trong vườn gia đình

STT Tên thường dùng Tên khoa học Họ


1 Sâm bố chính Abelmoschus sagittifolius (Kurz) Merr. Malvaceae
2 Cối xay Abutilon indicum (L.) Sweet Malvaceae
3 Cỏ xước Achyranthes aspera L. Amaranthaceae

51
STT Tên thường dùng Tên khoa học Họ
4 Nhân trần Adenosma caeruleum R.Br. Scrophulariaceae
5 Ngải cứu Artemisia vulgaris L. Asteraceae
6 Thiên môn đông Asparagus cochinchinensis (Lour.) Asparagaceae
Merr.
7 Gai Boehmeria nivea (L.) Gaudich. Urticaceae
8 Bạch đồng nữ Clerodendrum chinense var. simplex Verbenaceae
(Moldenke) S.L.Chen
9 Xích đồng nam Clerodendrum japonicum (Thunb.) Verbenaceae
Sweet.
10 Ý dĩ Coix lacryma-jobi L. Poaceae
11 Huyết dụ Cordyline fruticosa (L.) A.Chev. Asteliaceae
12 Trinh nữ hoàng Crinum latifolium L. Amaryllidaceae
cung
13 Khổ sâm Croton tonkinensis Gagnep. Euphorbiaceae
14 Nghệ vàng Curcuma longa L. Zingiberaceae
15 Kim tiền thảo Desmodium styracifolium (Osbeck) Fabaceae
Merr.
16 Nhọ nồi Eclipta prostrata (L.) L. Asteraceae
17 Kinh giới Elsholtzia ciliata (Thunb.) Hyl. Lamiaceae
18 Mần tưới Eupatorium fortunei Turcz. Asteraceae
19 Đơn đỏ Excoecaria cochinchinensis Lour. Euphorbiaceae
20 Dành dành Gardenia jasminoides J.Ellis Rubiaceae
21 Bạch hoa xà thiệt Hedyotis diffusa Willd. Rubiaceae
thảo
22 Cỏ tranh Imperata cylindrica (L.) Raeusch. Poaceae
23 Địa liền Kaempferia galanga L. Zingiberaceae
24 Bồ công anh Lactuca indica L. Asteraceae
25 Ích mẫu Leonurus japonicus Houtt. Lamiaceae
26 Kim ngân Lonicera japonica Thunb. Caprifoliaceae
27 Dâu tằm Morus alba L. Moraceae
28 Hương nhu trắng Ocimum gratissimum L. Lamiaceae
29 Phèn đen Phyllanthus reticulatus Poir. Euphorbiaceae
30 Chó đẻ răng cưa Phyllanthus urinaria L. Euphorbiaceae

52
STT Tên thường dùng Tên khoa học Họ
31 Lá lốt Piper lolot C.DC. Piperaceae
32 Mã đề Plantago major L. Plantaginaceae
33 Đinh lăng Polyscias fruticosa (L.) Harms Araliaceae
34 Ổi Psidium guajava L. Myrtaceae
35 Ngũ gia bì chân Schefflera heptaphylla (L.) Frodin Araliaceae
chim
36 Cam thảo nam Scoparia dulcis L. Scrophulariaceae
37 Hy thiêm Sigesbeckia orientalis L. Asteraceae
38 Bách bộ Stemona tuberosa Lour. Stemonaceae
39 Bán hạ nam Typhonium trilobatum (L.) Schott Araceae
40 Gừng Zingiber officinale Roscoe Zingiberaceae

Có 5 loài trong Sách đỏ Việt Nam 2007 (Bảng 3.16) [3], 4 loài có trong
Nghị định 32 (Bảng 3.17) [10], và 1 loài có trong Sách đỏ IUCN 2014 [119] ở
mức NT (Near Threatened) – “Sắp bị đe dọa” là loài Thau 3 lá
Semiliquidambar cathayensis Hung T. Chang

Bảng 3.16. Danh mục các loài cây thuốc trồng ở vườn gia đình có trong Sách
đỏ Việt Nam 2007 (xếp theo thứ tự tên khoa học)

Tên thường
STT Tên khoa học Họ Phân hạng
dùng
1 Vù hương Cinnamomum parthenoxylon (Jack) Lauraceae CR
Meisn.
2 Hà thủ ô đỏ Fallopia multiflora (Thunb.) Polygonaceae VU
Haraldson
3 Bổ béo đen Goniothalamus vietnamensis Ban Annonaceae VU
4 Rau sắng Melientha suavis Pierre Opiliaceae VU
5 Cát sâm Millettia speciosa Champ. Fabaceae VU

53
Bảng 3.17. Danh mục các loài cây thuốc trồng ở vườn gia đình có trong Nghị
định 32 (xếp theo thứ tự tên khoa học)

Tên thường Phân


STT Tên khoa học Họ
dùng hạng
1 Tế hoa Petelot Asarum petelotii O.C.Schmidt Aristolochiaceae II.A
2 Vù hương Cinnamomum parthenoxylon (Jack) Lauraceae II.A
Meisn.
3 Hoàng tinh Disporopsis longifolia Craib. Convallariaceae II.A
4 Bình vôi Stephania sp. Menispermaceae II.A

Bảng 3.18. So sánh cây thuốc trồng trong vườn gia đình và cây thuốc ở khu
vực Yên Tử

STT Chỉ tiêu so sánh Cây thuốc trồng Cây thuốc ở Tỷ lệ %


trong vườn khu vực Yên Tử
1. Số loài 209 451 46,34
2. Số họ 82 131 62,60
3. Số chi 170 330 51,52
4. Số loài có trong DMTTY 40 45 88,89
5. Số loài có trong Sách đỏ 5 10 50,00
Việt Nam
6. Số loài có trong Nghị 4 6 66,67
định 32
7. Số loài có trong Sách đỏ 1 1 100,00
IUCN

 Các loài được trồng với số lượng lớn

Trong 209 loài được trồng thì có 8 loài có số lượng từ 50 cá thể trở lên,
bao gồm: Cách chevalier (Premna chevalieri Dop – 50 cây), Cốt khí dây
(Ventilago leiocarpa Benth. – 53 cây), Dâm hôi (Clausena excavata Burm. –
55 cây), Gối hạc (Leea indica (Burm. f.) Merr. - 65 cây), Đơn nem (Maesa
balansae Mez – 105 cây), Kim ngân (Lonicera japonica Thunb. – 200 cây),
54
Khôi trắng (Ardisia gigantifolia Stapf – 210 cây), Hoàng tinh
(Disporopsis longifolia Craib – 310 cây). Có 8 loài trồng với diện tích từ
15m2 trở lên, bao gồm: Ý dĩ (Coix lacryma-jobi L. 15 m2), Cẩm địa la
(Kaempferia rotunda L. – 15 m2), Nghệ vàng (Curcuma longa L. – 16 m2),
Bạch đồng nữ (Clerodendrum chinense var. simplex (Moldenke) S.L.Chen –
20 m2), Nghệ đen (Curcuma zedoaria (Christm.) Roscoe – 25 m2), Chóc gai
(Lasia spinosa (L.) Thwaites – 28 m2), Thanh táo (Justicia gendarussa
Burm.f. – 55 m2), Lá lốt (Piper lolot C.DC. – 130 m2).

 Thời gian trồng cây thuốc

Cây thuốc chủ yếu được trồng trong khoảng thời gian gần đây (1 – 3
năm), và khoảng thời gian cách đây 10 – 19 năm. Đặc biệt, có một số loài đã
được trồng cách đây hơn 30 năm như: Dâm hôi (Clausena excavata Burm.),
Cốt khí dây (Ventilago leiocarpa Benth.), Bàm bàm (Entada phaseoloides
(L.) Merr.), Khổ sâm cho lá (Croton tonkinensis Gagnep.), Cườm rụm nhọn
(Ehretia acuminata R.Br.), Thanh táo (Justicia gendarussa Burm. f.), Cẩm
địa la (Kaempferia rotunda L.), vv. Điều đó cho thấy, các thầy lang ở khu vực
Yên Tử đã quan tâm trồng cây thuốc trong vườn từ rất sớm, và có xu hướng
trồng cây thuốc tăng mạnh trong thời gian gần đây (Hình 3.7).

55
Ghi chú: Tổng số loài trong biểu đồ lớn hơn 209 là do một loài có thể được
trồng ở nhiều thời điểm khác nhau trong các vườn gia đình

Hình 3.7. Phân bố cây thuốc trồng trong vườn gia đình theo thời gian

 Mức độ sử dụng của các loài

Trong các cây thuốc được trồng trong vườn, có 53% số loài có mức độ
sử dụng ở mức 3 (thường xuyên sử dụng), 26% ở mức 2 (thỉnh thoảng sử
dụng) và 21% số loài có mức độ sử dụng ở mức 1 (ít khi sử dụng) (Hình 3.8).

Hình 3.8. Tỷ lệ số loài cây thuốc trồng trong vườn theo mức độ sử dụng

56
3.2.2. Các khó khăn trong việc trồng cây thuốc tại vườn gia đình

Tổng số 6 khó khăn đã được xác định. Trong đó 3 khó khăn mà các hộ
gặp nhiều nhất là (i) Trâu bò phá, (ii) Thiếu kỹ thuật trồng cây thuốc và (iii)
Thiếu đất. Trong đó, khó khăn về thiếu kỹ thuật trồng cây thuốc chủ yếu liên
quan đến kỹ thuật nhân giống, trồng và chăm sóc. Đa số các loài trồng trong
vườn được lấy về trồng từ khu rừng Yên Tử, do không có kỹ thuật nên khi
trồng, nhiều cây thường bị chết (Bảng 3.19).

Bảng 3.19. Các khó khăn trong hoạt động trồng cây thuốc tại vườn gia đình

STT Khó khăn Số gia đình gặp Tỷ lệ %


1. Không có người chăm sóc 1 8,33
2. Nhiều cỏ dại 1 8,33
3. Thiếu nước tưới 1 8,33
4. Diện tích hẹp 2 16,67
5. Thiếu kỹ thuật trồng 4 33,33
6. Trâu bò phá 4 33,33

57
CHƯƠNG 4: BÀN LUẬN
4.1. Cây thuốc ở khu vực Yên Tử (Quảng Ninh)

4.1.1. Sự đa dạng của cây thuốc và phương pháp nghiên cứu

So với hệ cây thuốc Việt Nam [26], số loài cây thuốc ở khu vực Yên
Tử chiếm 10,99% (đã bao gồm cả các cây thuốc được trồng trong vườn gia
đình) (Bảng 4.1).

Bảng 4.1. So sánh hệ cây thuốc ở Yên Tử và hệ cây thuốc Việt Nam

STT Chỉ tiêu so sánh Khu vực Yên Tử Việt Nam Tỷ lệ %


1 Diện tích (ha) 27,83 331.212 0,008
2 Số họ 131 307 42,67
3 Số chi 330 1.572 20,99
4 Số loài 451 3.948 11,42

So sánh với các VQG khác ở Việt Nam [23], [30] số loài cây thuốc ở
khu vực Yên Tử không phải là lớn nhất, nhưng lại có hệ số diện tích/số loài
nhỏ nhất (Bảng 4.2).

Bảng 4.2. So sánh số loài cây thuốc ở khu vực Yên Tử với một số VQG khác ở
Việt Nam (xếp theo thứ tự tăng dần của hệ số diện tích/số loài)

Tỷ lệ % của khu vực Yên Hệ số


Số loài Tử so với các VQG khác
Diện diện
STT Tên khu vực/VQG cây
tích (ha) Diện tích Số loài cây tích/số
thuốc
thuốc loài
1 Khu vực Yên Tử 2.783 451 6
2 VQG Ba Vì 6.768 503 41,12 86,28 13
3 VQG Tam Đảo 5.682(1) 375 48,98 115,73 15
4 VQG Ba Bể 7.610(1) 432 36,57 100,46 18
5 VQG Bạch Mã 22.031 586 12,63 74,06 38
6 VQG Cúc Phương 22.000 542 12,65 80,07 41

58
Tỷ lệ % của khu vực Yên Hệ số
Số loài Tử so với các VQG khác
Diện diện
STT Tên khu vực/VQG cây
tích (ha) Diện tích Số loài cây tích/số
thuốc
thuốc loài
7 VQG Cát Bà 15.200 350 18,31 124,00 43
8 VQG Côn Đảo 19.998 165 13,92 263,03 121
9 VGQ Bến En 38.153 200 7,29 217,00 191
10 VQG Cát Tiên 73.878 310 3,77 140,00 238
11 VQG Pù Mát 91.113 269 3,05 161,34 339
12 VQG Yor Đôn 58.200 64 4,78 678,13 909
(1)
Ghi chú: là diện tích phần điều tra cây thuốc

So sánh số cây thuốc được sử dụng với các cộng đồng khác ở Việt
Nam, số loài cây thuốc được cộng đồng người Dao, Kinh sử dụng ở khu vực
Yên Tử cũng tương đối lớn [1], [16], [23], [31] (Bảng 4.3).

Bảng 4.3. So sánh số loài cây thuốc được cộng đồng người Dao, Kinh ở khu
vực Yên Tử sử dụng so với số loài cây thuốc ở các cộng đồng khác ở Việt
Nam (xếp theo thứ tự giảm dần của số loài cây thuốc)

STT Cộng đồng Địa điểm Số loài cây thuốc Tỷ lệ %


1 Dao Vườn Quốc gia Ba Vì 503 130,65
2 Dao, Kinh Yên Tử, Quảng Ninh 385(1) 100,00
3 Tày Việt Lâm, Vị Xuyên, Hà Giang 385 100,00
4 Dao Bản Khoang, Sapa, Lào Cai 345 89,61
5 Thái Quỳ Hợp và Quế Phong, Nghệ
287 71,69
An
6 Tày Tràng Định, Lạng Sơn 276 71,69
7 Dao Tràng Định, Lạng Sơn 261 67,79
8 Mông hoa Sa Pả, Sapa, Lào Cai 256 66,49
9 Mông đen Bản Khoang, Sapa, Lào Cai 214 55,58
10 Dao tiền Chiềng Yên, Mộc Châu, Sơn La 189 49,09
11 Mường Chiềng Yên, Mộc Châu, Sơn La 165 42,86
12 Tày Phú Lương, Thái Nguyên 164 42,60
13 Mường Kim Bôi, Hòa Bình 162 42,08

59
STT Cộng đồng Địa điểm Số loài cây thuốc Tỷ lệ %
14 Mường Nho Quan, Ninh Bình 147 38,18
15 Ca Tu Nam Đông, Thừa Thiên Huế 137 35,58
16 Thái Nà Ớt, Mai Châu, Hòa Bình 135 35,06
17 Mông Mai Châu, Hòa Bình 135 35,06
18 Sán Chỉ Định Hóa, Thái Nguyên 115 29,87
19 Tày Chợ Mới, Bắc Kạn 90 23,38
20 Khơ mú Bản Vang, Điện Biên, Điện Biên 78 20,26
Ghi chú: (1) chỉ tính số loài được sử dụng (có 66 loài cây thuốc ở khu vực Yên Tử không
được cộng đồng người Dao, Kinh ở đây sử dụng làm thuốc)

So sánh với điều tra trước đây ở khu vực Yên Tử [24], đã điều tra được
143 loài, thì số loài trong luận văn điều tra được nhiều hơn 308 (tăng
215,38%) loài cây thuốc.

Tuy nhiên, sự đa dạng của cây thuốc ở một khu vực nhất định ngoài
tính vốn có của thảm thực vật còn do phương pháp điều tra. Do đó, số liệu mà
nghiên cứu đã điều tra được, ngoài phản ánh sự đa dạng của cây thuốc còn
phản ánh phương pháp nghiên cứu. Việc so sánh tỷ lệ loài cây thuốc và diện
tích ở các khu vực có diện tích khác nhau chỉ mang tính chất tương đối.

Đề tài luận văn áp dụng 2 phương pháp điều tra cây thuốc là: điều tra
theo tuyến và điều tra bằng ô tiêu chuẩn, để có thể thu thập được lượng thông
tin lớn nhất có thể, và hạn chế được các yếu điểm của từng phương pháp.
Phương pháp điều tra theo tuyến đặc biệt thích hợp trong hoạt động điều tra
phát hiện các cây thuốc, bài thuốc mới, cũng như có ưu điểm cho kết quả
nhanh và chính xác do dựa trên các mẫu sống tại thực địa. Tuy nhiên, do số
lượng người cung cấp tin có hạn, đặc biệt do điều kiện khó khăn tại thực địa,
phương pháp này bỏ sót nhiều loài, đặc biệt các loài có nguy cơ bị đe doạ
(thường là các loài hiếm do bị khai thác quá mức). Ngoài ra, trong luận văn
còn sử dụng phương pháp lập ô tiêu chuẩn. Phương pháp này khắc phục được
điểm yếu của phương pháp trên do dựa trên cơ sở rà soát kỹ lưỡng các cây

60
xuất hiện trên một đơn vị diện tích. Thực tế điều tra tại ô tiêu chuẩn đã phát
hiện ra nhiều loài cây thuốc bị bỏ sót trong quá trình điều tra theo tuyến. Tuy
nhiên, điểm hạn chế của phương pháp này là mất nhiều thời gian. Ngoài ra,
phương pháp lập ô còn cho các kết quả mang tính định lượng, cho biết số loài
xuất hiện trên mỗi đơn vị diện tích; tần số xuất hiện, vv.

4.1.2. Phân bố của thảm thực vật và cây thuốc khu vực Yên Tử

Hầu hết các loài cây thuốc được cộng đồng ở khu vực Yên Tử sử dụng
phân bố ở khu vực núi thấp của Yên Tử. Điều này là do khu vực núi cao
(>700m) ở Yên Tử có điều kiện không thuận lợi cho sự sinh trưởng của cây
thuốc (khí hậu khắc nghiệt, tỷ lệ đá lớn). Trong khi đó, ở phía thấp là nơi đa
dạng về các dạng thảm thực vật khác nhau như rừng thứ sinh, rừng nguyên
sinh bị tác động dọc theo suối và thung lũng, rừng trồng, vv. Thảm thực vật
và cây thuốc ở khu vực Yên Tử sẽ thay đổi theo thời gian và hoạt động thu
hái cây thuốc của người dân ở đây, nơi mà hàng năm, ngoài thu hái thuốc
phục vụ công tác khám chữa bệnh, còn thu hái để bán cho khách du lịch
quanh năm, đặc biệt là vào mùa lễ hội. Thảm thực vật ở đai thấp sẽ bị ảnh
hưởng nhất bởi điều này.

4.1.3. Tri thức sử dụng cây thuốc

Tuy khu vực rừng Yên Tử có diện tích tương đối nhỏ (2.783 ha) nhưng
số loài cây thuốc ở đây lại lên đến 451 loài (trong đó có 385 loài được cộng
đồng người Dao, Kinh ở đây sử dụng), đây là một nguồn tài sản quý giá.
Nguồn tài nguyên này có được bởi hai yếu tố hợp thành: (i) do tính đa dạng
về thành phần loài, ở đây liên quan đến đa dạng về điều kiện sinh thái, do khu
rừng Yên Tử phân bố từ độ cao khoảng 100m đến 1068 m, (ii) do cộng đồng
dân cư trong khu vực có truyền thống và tri thức sử dụng cây cỏ làm thuốc
phong phú. Qua quá trình điều tra cho thấy, tri thức sử dụng cây cỏ làm thuốc
ở đây do các nguồn chính sau: (a) tri thức bản địa của người Dao, (b) tri thức

61
sử dụng cây cỏ làm thuốc học được từ các thầy lang người Hoa (từ năm 1979
trở về trước); (c) tri thức gia truyền của người Kinh ở khu vực, và (d) tri thức
học được thông qua các khóa đào tạo về Đông y (chủ yếu là các thầy lang
người Kinh). Ngoài tên cây thuốc bằng tiếng Việt, thì nhiều tên tiếng Dao và
tiếng Hoa sử dụng ở địa phương cũng đã được tư liệu hóa lại.

Việc tư liệu hoá tri thức sử dụng cây cỏ làm thuốc là điều cần thiết
[103]. Tuy nhiên, việc tư liệu hoá tri thức sử dụng cây thuốc ở cộng đồng là
vấn đề tế nhị [21], [22], do hầu hết những người nắm giữ tri thức này có cuộc
sống và thu nhập kinh tế phụ thuộc vào kinh nghiệm của họ. Vì vậy, việc tư
liệu hoá một cách sử dụng chi tiết tri thức và kinh nghiệm này không đơn
giản, đặc biệt là trong điều tra thừa kế, phát triển thuốc mới. Ngoài mục tiêu
để phát triển thuốc mới, cũng cần mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương.
Việc tư liệu hoá tri thức sử dụng cây thuốc trong khu vực có thể cung cấp
thông tin cần thiết để biên soạn các tài liệu hay sách về cây thuốc để giáo dục
thế hệ trẻ của cộng đồng địa phương về cách nhận biết và sử dụng cây cỏ làm
thuốc của cha ông mình [21]. Đối với người dân địa phương, với việc truyền
thụ tri thức (truyền miệng) dựa trên mẫu vật hay tại thực địa, nên ít có sự
nhầm lẫn. Tuy nhiên, trong tương lai, việc truyền thụ được thực hiện qua văn
bản, các loài cây thuốc được tư liệu hóa cần phải kèm theo hình vẽ và đặc biệt
là ảnh chụp nhằm hạn chế tối thiểu sai sót trong nhận biết cây thuốc.

4.2. Trồng cây thuốc tại vườn gia đình các thầy lang

Điều tra cây có ích nói chung cũng như cây thuốc nói riêng trong vườn
gia đình đã được thực hiện ở một số nơi trên thế giới như Trung Quốc [81],
Cuba [37], Ethiopia [51], Catalonia [40], Nam Phi [39], Indonesia [64],
Ecuador [80], vv. Hoạt động điều tra vườn có ý nghĩa rất lớn, vì thông qua
điều tra vườn gia đình, có thể phát hiện và đánh giá mức độ bảo tồn và khả
năng phát triển của các loài cây thuốc bản địa, các loài cây thuốc quý hiếm và

62
các loài cây thuốc quan trọng hoặc thường được sử dụng trong cộng đồng, là
một. Hoạt động điều tra cây thuốc trồng trong vườn gia đình cũng đã được
thực hiện ở Việt Nam trong thời gian qua [15], [23], [25], [28],vv., tuy nhiên
số lượng nghiên cứu còn ít. Qua thực tế điều tra cho thấy, các loài được trồng
trong vườn gia đình ở khu vực Yên Tử có nhiều loài cây thuốc quý hiếm
(trong Sách đỏ Việt Nam, Nghị định 32, Sách đỏ IUCN), và có tới 40 loài cây
nằm trong DMMTTY lần VI (chiếm 57,14% tổng số loài trong danh mục).

63
KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ
KẾT LUẬN
Cây thuốc ở khu vực Yên Tử (Quảng Ninh)

Đã xác định được 451 loài cây thuốc ở khu vực Yên Tử (Quảng Ninh).
Các cây thuốc này thuộc 6 ngành thực vật, 131 họ, 330 chi và 10 dạng sống
khác nhau. Trong đó có 16 loài chưa được ghi chép trong các sách về cây
thuốc đã được bổ sung vào danh sách các cây thuốc ở Việt Nam, 45 loài có
trong Danh mục thuốc thiết yếu lần VI, 10 loài có trong Sách đỏ Việt Nam
2007, 6 loài trong Nghị định 32 và 1 loài trong Sách đỏ IUCN 2014.

Các cây thuốc trong khu vực Yên Tử phân bố trong 3 nhóm thảm thực
vật chính là (i) Nhóm I: Chủ yếu là rừng trồng và trảng cỏ, trảng cây bụi (kiểu
IA, IB), rừng phục hồi sau nương rẫy (IIA, IIB), (ii) Nhóm II: Rừng nguyên
sinh bị tác động dọc khe suối, thung lũng và rừng phục hồi sau nương rẫy
(IIA, IIB) và (iii) Nhóm III: Thảm thực vật á nhiệt đới núi cao. Trong đó, cây
thuốc chủ yếu tập trung ở thảm thực vật Nhóm I và Nhóm II. Trong các yếu
tố sinh thái được khảo sát, độ cao so với mặt nước biển và tỷ lệ đá lộ đầu là
hai yếu tố chính chi phối các yếu tố về điều kiện sinh thái và phân bố cây
thuốc trong khu vực.

Trong 451 loài cây thuốc ở khu vực Yên Tử, cộng đồng ở đây biết sử
dụng 385 loài cây thuốc với 20 loại bộ phận sử dụng để chữa 45 bệnh/nhóm
bệnh khác nhau. Có 3 nhóm cách sử dụng là (i) dùng ngoài, (ii) dùng trong và
(iii) cách dùng khác với 21 cách sử dụng khác nhau.

Trồng cây thuốc tại vườn gia đình các thầy lang

Có 209 loài thuộc 82 họ, 170 chi đã được trồng trong vườn gia đình của
các thầy lang. Trong đó, có 75 loài chỉ xuất hiện ở vườn gia đình, không gặp
trong khu vực rừng Yên Tử. Có 40 loài có trong Danh mục thuốc thiết yếu lần

64
VI, 5 loài trong Sách đỏ Việt Nam 2007, 4 loài có trong Nghị định 32 và 1
loài có trong Sách đỏ IUCN 2014. Nhiều loài cây thuốc đã được trồng với số
lượng khá lớn. Một số gia đình đã có ý thức trồng cây thuốc từ sớm (trên 30
năm), và đang có xu hướng trồng nhiều trong thời gian gần đây. Hoạt động
trồng cây thuốc trong khu vực gặp 3 khó khăn chính là (i) trâu bò phá, (ii)
thiếu kỹ thuật trồng cây thuốc và (iii) thiếu đất trồng.

KHUYẾN NGHỊ

1. Nghiên cứu bảo tồn, xây dựng bộ sách về cây thuốc có mặt ở khu vực
Yên Tử để truyền bá cho các thế hệ trẻ về kiến thức của cha ông mình, nhằm
giữ gìn tri thức và bản sắc văn hóa trong khu vực.

2. Tập huấn về phương pháp thu hái, chế biến, sử dụng bền vững cây
thuốc, giúp người dân nâng cao giá trị nguồn tài nguyên cây thuốc.

3. Nghiên cứu sâu hơn về một số cây thuốc có tiềm năng ở khu vực

4. Tập huấn cho các thầy lang và người dân về phương pháp nhân giống,
trồng và quy hoạch vườn cây thuốc.

65
TÀI LIỆU THAM KHẢO

Tiếng Việt
1. Phạm Hông Ban, Nguyễn Thượng Hải (2013), Cây thuốc truyền thống
của đồng bào dân tộc Thái ở hai huyện Quỳ Hợp và Quế Phong,
miền núi tỉnh Nghệ An, Hội nghị khoa học toàn quốc về Sinh thái và
Tài nguyên sinh vật lần thứ 5.
2. Nguyễn Tiến Bân (1997), Cẩm nang tra cứu và nhận biết các họ thực
vật hạt kín (Magnoliophyta, Angiospermae) ở Việt Nam, NXB
Nông nghiệp, Hà Nội.
3. Bộ khoa học và Công nghệ, Viện khoa học và Công nghệ Việt Nam
(2007), Sách đỏ Việt Nam, Phần II – Thực Vật, NXB Khoa học Tự
nhiên và Công nghệ, Hà Nội.
4. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (1998), Phương pháp đánh
giá nông thôn có người dân tham gia (PRA) trong hoạt động
khuyến nông khuyến lâm, NXB Nông nghiệp, Hà Nội.
5. Bộ Y tế (2013), Thông tư số 40/2013/TT-BYT Ban hành Danh mục
thuốc thiết yếu thuốc đông y và thuốc từ dược liệu lần VI.
6. Võ Văn Chi (2004), Từ điển Thực vật thông dụng, Tập 1 – 2, NXB
Khoa học và Kỹ thuật.
7. Võ Văn Chi (2007), Sách tra cứu tên cây cỏ Việt Nam, NXB Giáo Dục.
8. Võ Văn Chi (2012), Từ điển cây thuốc Việt Nam, Tập 1 – 2, NXB Y
học.
9. Chi cục Kiểm lâm Bắc Giang (2010), Khu bảo tồn thiên thiên Tây Yên
Tử: Giá trị Bảo tồn Đa dạng sinh học và Tiềm năng phát triển,
NXB Khoa học tự nhiên và Công nghệ.
10. Chính Phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2006), Nghị

66
định 32/2006/NĐ-CP về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy
cấp, quý, hiếm
11. Gary J. Martin, Ethnobotany (2002), NXB Nông nghiệp, Hà Nội (Bản
dịch tiếng Việt).
12. Phạm Hoàng Hộ (2006), Cây có vị thuốc ở Việt Nam, NXB Trẻ, TP Hồ
Chí Minh.
13. Phạm Hoàng Hộ (1999 – 2000), Cây cỏ Việt Nam, Tập I-III, NXB Trẻ,
TP Hồ Chí Minh.
14. Nguyễn Trung Hòa (2012), Đông Y toàn tập, NXB Thuận Hóa
15. Nguyễn Thị Thanh Hoài (2010), Điều tra cây thuốc vườn nhà và vườn
đồi ở ba xã Nam Trung, Khánh Sơn, Nam Kim thuộc huyện Nam
Đàn, tỉnh Nghệ An, Luận văn thạc sĩ sinh học, Trường Đại học
Vinh.
16. Lê Thị Thanh Hương, Đào Thị Thúy Hằng, Nguyễn Nghĩa Thìn,
Nguyễn Trung Thành (2013), Điều tra cây thuốc và kinh nghiệm sử
dụng cây thuốc của đồng bào dân tộc Sán Chỉ tại xã Phú Đình,
huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, Hội nghị khoa học toàn quốc về
Sinh thái và Tài nguyên sinh vật lần thứ 5.
17. J. Hutchinson (1975), Những họ thực vật có hoa (The families of
flowering plants, Volume 1, Dicotyledons), Tập 1, NXB Khoa học
và Kỹ thuật (Bản dịch Tiếng Việt của Nguyễn Thạch Bích, Vũ Văn
Chuyên, Vũ Văn Dũng, Lê Văn Quỳ, Trịnh Đình Thành).
18. J. Hutchinson (1978), Những họ thực vật có hoa, Cây 1 lá mầm (The
families of flowering plants, Volume 2, Monocotyledons), Tập 2,
NXB Khoa học và Kỹ thuật (Bản dịch Tiếng Việt của Nguyễn
Thạch Bích, Vũ Văn Chuyên, Nguyễn Hữu Hiến, Trần Thị Kim
Liên)

67
19. Trần Công Khánh, Trần Văn Ơn, Phạm Kim Mãn (2010), Cẩm nang sử
dụng và phát triển cây thuốc ở Việt Nam, NXB Y học – Chi nhánh
TP. Hồ Chí Minh
20. Đỗ Tất Lợi (2005), Cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, NXB Y học, Hà
Nội.
21. Trần Văn Ơn, Đỗ Quyên, Lê Đình Bích, Trần Công Khánh, Jeremy
Russel-Smith (2001), “Kiểm kê cây thuốc của người Dao ở Vườn
quốc gia Ba Vì”, Tạp chí Dược học, số 12, Hà Nội, tr. 9-12.
22. Trần Văn Ơn, Trần Công Khánh, Trần Khắc Bảo, Trần Đình Lý (2001),
“Điều tra tài nguyên cây thuốc phục vụ công tác bảo tồn ở Việt
Nam”, Thực vật dân tộc học (Tác giả: Gary j. Martin, dịch và biên
soạn: Trần Văn Ơn, Phan Bích Nga, Trần Công Khánh, Trần Khắc
Bảo, Trần Đình Lý), tr. 306-352, NXB Nông nghiệp, Hà Nội.
23. Trần Văn Ơn (2003), Góp phần nghiên cứu bảo tồn cây thuốc ở Vườn
Quốc gia Ba Vì, Luận án tiến sĩ Dược học, Trường Đại học Dược
Hà Nội.
24. Phùng Văn Phê, Nguyễn Trung Thành (2009), “Đa dạng nguồn tài
nguyên cây thuốc ở Rừng đặc dụng Yên Tử, Quảng Ninh”, Tạp chí
Khoa học, ĐHQGHN, Khoa học Tự nhiên và Công nghệ 25, tr. 35 –
39
25. Lê Thị Kim Quy (2006), Điều tra về các loài cây thuốc trong vườn nhà
ở phường Bến Thủy, thành phố Vinh và xã Nghi Đức, huyện Nghi
Lộc, tỉnh Nghệ An, Khóa luận tốt nghiệp đại học, Trường Đại học
Vinh.
26. Nguyễn Văn Tập, Ngô Văn Trại và cs. (2006), “Kết quả điều tra nguồn
tài nguyên dược liệu ở Việt Nam, giai đoạn 2001 – 2005”, Nghiên
cứu phát triển Dược liệu và Đông dược ở Việt Nam, NXB Khoa

68
học và Kỹ thuật, Hà Nội.

27. Nguyễn Trung Thành, Phùng Văn Phê, Nguyễn Nghĩa Thìn (2007),
“Kết quả bước đầu về hệ thực vật tại rừng đặc dụng Yên Tử, Quảng
Ninh”, Tạp chí Khoa học, ĐHQGHN, Khoa học Tự nhiên và Công
nghệ 23, tr. 194.
28. Cao Thị Thu (2003), Điều tra thành phần loài cây thuốc trong vườn
nhà thuộc xã Nghĩa Quang – Nghĩa Đàn, Nghệ An, Khóa luận tốt
nghiệp đại học, Trường Đại học Vinh.
29. Thủ tướng Chính phủ (2011), Quyết định 1671/QĐ-TTg về thành lập
khu rừng quốc gia Yên Tử và dự án đầu tư khu rừng quốc gia Yên
Tử, tỉnh Quảng Ninh.
30. Nguyễn Duy Thuần và cs. (2006), “Một số kết quả điều tra, nghiên cứu
bảo tồn cây thuốc ở Vườn quốc gia Bạch Mã”, Nghiên cứu phát
triển Dược liệu và Đông dược ở Việt Nam, NXB Khoa học và Kỹ
thuật, Hà Nội.
31. Nguyễn Duy Thuần và cs. (2006), “Kết quả bảo tồn cây thuốc cổ truyền
dân tộc ở một số cộng đồng dân tộc miền núi phía Bắc”, Nghiên
cứu phát triển Dược liệu và Đông dược ở Việt Nam, NXB Khoa
học và Kỹ thuật, Hà Nội.
32. Trung tâm nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà
Nội (2001 – 2005), Danh lục các loài thực vật Việt Nam, Tập I –
III, NXB Nông Nghiệp.
33. Lê Văn Truyền (1997), “Lời phát biểu khai mạc Hội thảo khoa học Bảo
tồn đa dạng sinh học cây thuốc cổ truyền”, Dự án Bảo tồn nguồn
cây thuốc Cổ truyền, Viện Dược liệu, Hà Nội.
34. Viện Dược Liệu (2004, 2011), Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt

69
Nam, Tập 1 – 3, NXB Khoa học và Kỹ thuật.
35. Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam – Bộ Khoa học và Công nghệ
(2000 - 2007), Thực vật chí Việt Nam, Tập 1 – 11, NXB Khoa học
và Kỹ thuật.
36. Vụ Khoa học – Đào tạo, Bộ Y tế (2009), “Kết quả 20 năm thực hiện
nhiệm vụ bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen và giống cây
thuốc”, Hội nghị Tổng kết 20 năm thực hiện bảo tồn nguồn gen và
giống cây thuốc, Tam Đảo 05/2009.
Tiếng Anh

37. A. Wezel, S. Bender (2003), “Plant species diversity of homegardens of


Cuba and its significance for household food supply”, Agroforestry
Systems, Volume 57, Issue 1, pp 39-49.
38. Ahmad, B. (1998), “Plant exploration and documentation in view of
land clearing in Sabah”, In Nair, M.N.B. & N. Ganapathi, eds.,
Medicinal Plants. Cure for the 21st Century. Biodiversity
Conservation and Utilization of Medicinal Plants. Proceedings of a
seminar, 15–16 October 1998. – pp. 161–162. Serdang, Malaysia,
Faculty of Forestry, Universiti Putra Malaysia.
39. AM Zobolo, QN Mkabela (2006), “Traditional knowledge transfer of
activities practised by Zulu women to manage medicinal and food
plant gardens”, African Journal of Range & Forage Science,
Volume 23, Issue 1, pp. 77-80
40. Antoni Agelet, Maria Àngels Bonet, Joan Vallés (2000), “Homegardens
and their role as a main source of medicinal plants in mountain
regions of Catalonia (Iberian peninsula)”, Economic Botany,
Volume 54, Issue 3, pp. 295-309

70
41. Bernáth, J. 1999. “Biological and economical aspects of utilization and
exploitation of wild growing medicinal plants in middle and south
Europe”, In Caffini, N., J. Bernath, L. Craker, A. Jatisatienr & G.
Giberti, eds., Proceedings of the Second World Congress on
Medicinal and Aromatic Plants for Human Welfare. WOCMAP II.
Biological resources, sustainable use, conservation and
ethnobotany. – pp. 31–41, Leuven, Netherlands, ISHS (Acta
Horticulturae 500).
42. Bramwell, D. (2002), How many plant species are there? – Plant Talk
28: 32–34
43. Chang Liu, Hua Yu, Shi-Lin Chen (2011), “Framework for Sustainable
Use of Medicinal Plants in China”, Plant Diversity and Resources,
33 (1): 65 - 68
44. Cunningham, A.B. 1993. African medicinal plants. Setting priorities at
the interface between conservation and primary healthcare. – Paris,
UNESCO (People and Plant Working Paper 1).
45. Duke, J.A. & E.S. Ayensu (1985), Medicinal plants of China. Vol. 1 &
2. – Algonac, USA, Reference Publications (Medicinal Plants of the
World 4)
46. Nguyen Van Duong (1993), Medicinal plants of Vietnam, Cambodia
and Laos, Mekong Printing, Santa Ana, California, United States.
47. Editorial Committee of the Flora of Taiwan (1994 – 2003), Flora of
Taiwan, Vol. 1 – 6, Editorial Committee of the Flora of Taiwan,
Taipei, Taiwan.
48. Eisenberg DM et al. (1998), “Trends in alternative medicine use in the
United States, 1990–1997: results of a follow-up national survey”,
Journal of the American Medical Association, 280 (18): 1569–75

71
49. Farnsworth NR, Soejarto DD (1991), “Global importance of medicinal
plants”, In: Akerele O, Heywood V, Synge H (eds.), The
Conservation of Medicinal Plants, Cambridge University Press,
Cambridge, UK, pp. 25–51
50. Fisher P & Ward A (1994), “Medicine in Europe: complementary
medicine in Europe”, British Medical Journal, 309:107–111
51. Fisseha Mesfin, Sebsebe Demissew and Tilahun Teklehaymano (2009),
“An ethnobotanical study of medicinal plants in Wonago Woreda,
SNNPR, Ethiopia”, Journal of Ethnobiology and
Ethnomedicine, 5:28
52. Flora of China Editorial Committee (1994 - 2011), Flora of China, Vol.
1 – 25, Science Press (Beijing) & Missouri Botanical Garden (St.
Louis) (China and USA).
53. Forest Herbarium, Royal Forest Department (1970 – 2011), Flora of
Thailand, Volume 2 – 12.
54. Foundation Flora Malesiana (1950 - 2010), Flora Malesiana, Series I –
II, National Herbarium of the Netherlands.
55. Groombridge, B. & M. Jenkins (1994), Biodiversity data sourcebook. –
Cambridge, UK, World Conservation Press (WCMC Biodiversity
Series 1).
56. Groombridge, B. & M.D. Jenkins (2002), World atlas of biodiversity.
Earth's living resources in the 21st century. – Berkeley, USA,
University of California Press.
57. Hamilton, Alan (2003), “Medicinal plants and conservation: issues and
approaches”, Paper presented to International Plants Conservation
Unit World Wildlife Foundation, UK.

72
58. Health Canada (2001), Perspectives on Complementary and Alternative
Health Care. A Collection of Papers Prepared for Health Canada,
Ottawa, Health Canada.
59. House of Lords, United Kingdom (1998), Select Committee on Science
and Technology. Session 1999– 2000. 6th Report. Complementary
and Alternative Medicine. London, Stationery Office.
60. Inga Hedberg, Frants Staugard (1989), Traditional Medicinal Plants in
Botswana, Ipeleng Publisher.
61. Iqbal, M. (1993), International trade in non-wood forest products. An
overview, Rome, FAO.
62. Jain, S.K. & R.A. DeFillipps (1991), Medicinal plants of India. Vol. 1
& 2. – Algonac, USA, Reference Publications (Medicinal Plants of
the World 5).
63. Joongku Lee, Tran The Bach et al. (2011 – 2012), Useful flowering
plants in Vietnam, Volume 1 - 2, Published by Creseed Co., Ltd.
Daejeon, South Korea.
64. K. Kehlenbeck, B.L. Maass (2004), “Crop diversity and classification
of homegardens in Central Sulawesi, Indonesia”, Agroforestry
Systems, Volume 63, Issue 1, pp 53 - 62
65. Kang Tae Suk (1998), Trafic and its medicinal Plants Work,
Proceeding of the Workshop on Conservation of Medicinal Plants,
Seoul, Republic of Korea, TRAFIC East Asia, pp. 23 – 33
66. Kiarash Afshar Pour Rezaeieh, Bilal Gürbüz, Mesut Uyanik (2012),
“Screening global challenges and prospects facing medicinal and
aromatic plants”, Fen Bilimleri Dergisi, 13: 56-64
67. Kuipers, S.E. (1997), “Trade in medicinal plants”. In Bodeker, G.,
K.K.S. Bhat, J. Burley & P. Vantomme, eds., Medicinal plants for

73
forest conservation and health care. – pp. 45–59, Rome, FAO
(Non-wood Forest Products 11.
68. Laird, S.A. & A.R. Pierce (2002), Promoting sustainable and ethical
botanicals. Strategies to improve commercial raw material
sourcing. Results from the sustainable botanicals pilot project.
Industry surveys, case studies and standards collection. – New
York, Rainforest Alliance.
69. Lambert J, Srivastava J, Vietmeyer N (1997), Medicinal Plants:
Rescuing A Global Heritage, Washington, DC: World Bank
Publications].
70. Lange, D. (1998) Europe's medicinal and aromatic plants. Their use,
trade and conservation, Cambridge, UK, TRAFFIC International
71. Lange, D. (2002), “The role of east and southeast Europe in the
medicinal and aromatic plants' trade”, Medicinal Plant Conservation 8:
14–18.
72. Lange, D. & U. Schippmann (1997), “Trade Survey of Medicinal Plants
in Germany: A Contribution to International Plant Species
Conservation”, Bundesamt für Naturschutz, Bonn.
73. Moerman, D.E. (1996), “An analysis of the food plants and drug plants
of native North America”, Journal of Ethnopharmacology 52: 1–22
74. Newman DJ, Cragg GM (2007), “Natural Products as Source of New
drug over the Last 25 Years”, Journal of Natural Products 70:461-
477
75. Newman M, Clayton L, Zuellig A et al. (2000), “The relationship of
childhood sexual abuse and depression with somatic symptoms and
medical utilization”, Psychological Medicine, 30 (5): 1063—1077
76. Norman R. Farnsworth (1988), “Screening plants for new medicines”,

74
Biodiversity, National Academy Press, Washington D.C, pp. 83 –
97.
77. Padua, L.S. de, N. Bunyapraphatsara & R.H.M.J. Lemmens (1999),
Medicinal and poisonous plants, Vol. 1. – Leiden, Netherlands,
Backhuys (Plants Resources of South-East Asia 12/1).
78. Palevitch, D. 1991. “Agronomy applied to medicinal plant
conservation”, In Akerele, O., V. Heywood & H. Synge, eds.,
Conservation of medicinal plants. – pp. 168–178, Cambridge, UK,
University Press.
79. Penso, G. (1980), WHO inventory of medicinal plants used in different
countries, Geneva, Switzerland, WHO.
80. Ruthbeth Finerman, Ross Sackett (2008), “Using home gardens to
decipher health and healing in the Andes”, Medical Anthropology
Quarterly, Volume 17, Issue 4, pp 459 - 482
81. Sangwoo Lee, Chunjie Xiao, Shengji Pei (2008), “Ethnobotanical
survey of medicinal plants at periodic markets of Honghe
Prefecture in Yunnan Province, SW China”, Journal of
Ethnopharmacology, Volume 117, Issue 2, Pages 362–377
82. SCBD (2001), Sustainable management of non-timber forest resources.
– Montreal, Canada, Secretariat of the Convention on Biological
Diversity (CBD Technical Series 6).
83. Shengji Pei (2001), “Ethnobotanical approaches of traditional medicine
studies”, Asian Pharmaceutical Botany 39 (2001): 74–79
84. Shengji Pei (2002), Ethnobotany and modernisation of Traditional
Chinese Medicine, Paper at a Workshop on Wise Practices and
Experiential Learning in the Conservation and Management of
Himalayan Medicinal Plants, Kathmandu, Nepal.

75
85. Shiva V (1996), Protecting our Biological and Intellectual Heritage in
the Age of Biopiracy, The Research Foundation for Science,
Technology and Natural Resources Policy, New Delhi, India.
86. UNCTAD -International Trade Center (2006), Market News Service,
Medicinal Plants & Extracts, No. 18
87. United Nations Conference on Trade and Development (2000), Systems
and National Experiences for Protecting Traditional Knowledge,
Innovations and Practices. Background Note by the UNCTAD
Secretariat. Geneva, United Nations Conference on Trade and
Development.
88. Uniyal & P. Jain (2000), Cultivation of medicinal plants in India. A
reference book.– New Delhi, India, TRAFFIC India & WWF India
89. Uwe Schippmann (2001), Medicinal Plants Significant Trade Study.
German Federal Agency for Nature Conservation, Bonn, Germany.
90. Uwe Schippmann, Danna J. Leaman and A. B. Cunningham (2002),
Biodiversity and the Ecosystem Approach in Agriculture, Forestry
and Fisheries, Published in FAO.
91. Uwe Schippmann, Danna J. Leaman and A. B. Cunningham (2002),
Impact of Cultivation and Gathering of Medicinal Plants on
Biodiversity: Global Trends and Issues, Inter-Department Working
Group on Biology Diversity for Food and Agriculture, FAO, Rome,
Italy.
92. Uwe Schippmann, Danna J. Leaman and A. B. Cunningham (2006),
“Cultivation and wild collection of medicinal and aromatic plants
under sustainability aspects” In: Bogers, R.J., L.E. Craker, and D.
Lange (eds). Medicinal and aromatic plants. Springer, Dordrecht.
Wageningen UR Frontis Series no. 17

76
93. Van Seters A.P. (1997), “Forest based medicine in traditional and
cosmopolitan health care”, Medicinal plants for forest conservation
and health care, Non-wood forest products No. 11, GIFT & FAO,
pp. 5 – 11.
94. Verlet, N. & G. Leclercq (1999), “The production of aromatic and
medicinal plants in the European Union. An economic database for
a development strategy”, In TRAFFIC Europe, ed., Medicinal plant
trade in Europe. Proceedings of the first symposium on the
conservation of medicinal plants in trade in Europe, 22–23.6.1998,
Kew. – pp. 121–126, Brussels, Belgium, TRAFFIC Europe.
95. Vorhies F (2000), “The global dimension of threatened medicinal plants
from a conservation point of view”, In: Honnef S, Melisch R, (eds.),
Medicinal Utilization of Wild Species: Challenge for Man and
Nature in the New Millennium, WWF Germany/TRAFFIC Europe-
Germany, EXPO 2000, Hannover, Germany, pp. 26–29
96. Walter, K.S. & H.J. Gillett (1998), 1997 IUCN Red List of threatened
plants, Gland, Switzerland, IUCN.
97. WHO (1998), Report: Technical Briefing on Traditional Medicine.
Forty-ninth Regional Committee Meeting, Manila, Philippines, 18
September 1998, Manila, WHO Regional Office for the Western
Pacific.
98. WHO (1999), Consultation Meeting on Traditional Medicine and
Modern Medicine: Harmonizing the Two Approaches, Geneva,
WHO.
99. WHO (1999), Traditional, Complementary and Alternative Medicines
and Therapies, Washington DC, WHO Regional Office for the
Americas/Pan American Health Organization.

77
100. WHO (2000), Promoting the Role of Traditional Medicine in Health
Systems: a Strategy for the African Region 2001–2010, Harare,
WHO.
101. WHO (2002), WHO Traditional Medicine Strategy 2002-2005, WHO,
Geneva.
102. WHO (2003), WHO guidelines for good agricultural and collection
practices (GACP) for medicinal plants.
103. WHO-IUCN-WWF (1993), Guidelines on The Conservation of
Medicinal Plants.
104. WWF (1993), The Vital Wealth of Plants.
105. Xiao, Pei-Gen (1991), “The Chinese approach to medicinal plants.
Their utilization and conservation”, In Akerele, O., V. Heywood &
H. Synge, eds., Conservation of medicinal plants. – pp. 305–313,
Cambridge, UK, University Press.
Tiếng Pháp

106. M.H. Lecomte (1907 - 1912 ), Flore Générale de l'Indochine, Vol. I-


VII, Pari Masson et Cie, Editeurs.
107. Muséum National D’Histoire Naturelle – Paris (1961 – 2004) Flore du
Cambodge, du Laos et du Vietnam, Vol. 1 – 32.
Tiếng Trung

108. Chinese Academy of Sciences (1959 - 1999), Flora Reipublicae


Popularis Sinicae, Tomus 1 – 80(2), Science Press, Beijing, China.
109. South-Wester Forestry College, Forestry Departmen of Yunnan
province (1972 – 1976), Iconographia Cormophytorum Sinicorum,
Tomus I-V, Science Press, Beijing, China.
Tài liệu Internet

78
110. http://apps.kew.org/herbcat/gotoHomePage.do – The Herbarium and
Library, Royal Botanic Gardens, Kew, Surrey, UK (K).
111. http://elmer.rbge.org.uk/bgbase/vherb/bgbasevherb.php – Herbarium,
Royal Botanic Garden Edinburgh, Scotland, UK (E).
112. http://linnean-online.org/linnaean_herbarium.html - The Linnaean
Herbarium, The Linnaean Society of London, Burlington House,
London, UK (LINN).
113. http://science.mnhn.fr/institution/mnhn/search - Herbier Muséum Paris
– Muséum National d’Histoire Naturelle, Paris, France (P).
114. http://sciweb.nybg.org/Science2/vii2.asp - C.V.Starr Virtual Herbarium,
International Plant Science Center, The New York Botanical
Gardens, Missouri, USA (NY).
115. http://tai2.ntu.edu.tw/specimeninfo.php - Herbarium of National Taiwan
University, Taiwan (TAI).
116. http://ww2.bgbm.org/Herbarium/default.cfm - Herbarium Berolinense,
Botanischer Garten und Botanisches Museum Berlin-Dahlem,
Freien Universität Berlin, Germany (B).
117. http://www.cvh.org.cn/index_en.php - Chinese Virtual Herbarium
(CVH).
118. http://www.ipni.org/ - The International Plant Names Index.
119. http://www.iucnredlist.org/ - The IUCN Red List of Threatened
Species, 2014.2
120. http://www.quangninh.gov.vn/ - Cổng thông tin điện tử Quảng Ninh.
121. http://www.theplantlist.org/ - The Plant List.

79
PHỤ LỤC 1

CÁC BIỂU ĐIỀU TRA, BẢNG MÃ


HÓA THÔNG TIN SỬ DỤNG
TRONG LUẬN VĂN

80
PHỤ LỤC 1.1. DANH MỤC CÁC HỘ ĐƯỢC ĐIỀU TRA VƯỜN Ở XÃ
THƯỢNG YÊN CÔNG
STT Tên chủ hộ Dân tộc
1 Nguyễn Bá Khanh Kinh
2 Bùi Văn Trường Kinh
3 Đặng Xuân Mai Dao Thanh Y
4 Hoàng Văn Năm Dao Thanh Y
5 Phạm Văn Đào Kinh
6 Trương Quý Đôn Dao Thanh Y
7 Phạm Văn Hà Kinh
8 Bàn Văn Minh Dao Thanh Y
9 Đinh Chính Hoàn Kinh
10 Trương Văn Lâm Dao Thanh Y
11 Trương Văn Thiện Dao Thanh Y
12 Trần Ba Dao Thanh Y
 

81
PHỤ LỤC 1.2. PHIẾU PHỎNG VẤN HỘ VÀ ĐIỀU TRA CÂY THUỐC
TẠI VƯỜN GIA ĐÌNH
PHIẾU PHỎNG VẤN HỌ VÀ ĐIỀU TRA CÂY THUỐC TẠI VƯỜN GIA ĐÌNH
Ngày điều tra:……../………/201…
1. CÁC THÔNG TIN VỀ XÃ HỘI
1.1. Họ tên chủ hộ:…………………… 1.2. Địa
chỉ:…………………………….
1.3. Năm sinh/tuổi:……………………. 1.4. Dân tộc:…………………………
1.5. Giới:……………………………… 1.6. Học hết lớp:……………………..
1.7. Người làm thuốc:……………….. 1.8. Số đời làm thuốc:…………………
1.9. Số khẩu trong gia đình:…………. 1.10.Số con:…………………………….
1.11. Số người thoát ly gia đình:…………. 1.12.Nghề của người thoát ly:………….

2. THÔNG TIN VỀ KINH TẾ


2.1. Thu nhập (loại hộ)………………….. 2.2. Nguồn thu nhập chính……………
2.3. Diện tích thổ cư…………………….. 2.4. Diện tích rừng được giao………….
2.5. Diện tích ruộng lúa: 2 vụ:…...1 vụ… 2.6. Diện tích đất trồng màu…………..
2.7. Thu thập hàng tháng từ làm thuốc………………………………………………

3. THÔNG TIN VỀ CÂY THUỐC


3.1. Diện tích ước lượng khu vực trồng thuốc:…………………………………………….
3.2. Khoảng cách từ nhà đến vườn:……….m 3.3. Năm bắt đầu trồng thuốc:………
3.4. Đã được thu hoạch lần nào chưa?.................................................................................
3.5. Thường lấy giống ở đâu?..............................................................................................
3.6. Số tiền đầu tư vào vườn:…………………………………………………………….
3.7. Số công chăm sóc vườn cây thuốc/tháng:………………………………………….
3.8. Tên người chăm sóc vườn:………………………………………………………….
3.9. Giới:……………… 3.10. Tuổi:….../năm sinh:…………
4. THÔNG TIN VỀ CÁC LOÀI CÂY GỖ TRONG VƯỜN
TT Tên cây D (cm) H TT Tên cây D (cm) H (m)
(m)

5. THÔNG TIN VỀ CÂY THUỐC (KỂ CẢ CÁC LOẠI CÂY ĐÃ CHẾT HAY TRỒNG
NHƯNG KHÔNG SỐNG)
TT Tên địa phương Tên thường dùng Số cá thể Năm trồng Mức độ sử dụng

82
6. CÁC KHÓ KHĂN TRONG VIỆC TRỒNG CÂY THUỐC
………………………………………………………………………………………
………………………………………………………………………………………
………………………………………………………………………………………
………………………………………………………………………………………
………………………………………………………………………………………
………………………………………………………………………………………
………………………………
 

83
PHỤ LỤC 1.3. BIỂU ĐIỀU TRA ĐIỀU KIỆN SINH THÁI TỰ NHIÊN CỦA
CÂY THUỐC
BIỂU ĐIỀU TRA ĐIỀU KIỆN SINH THÁI CỦA CÂY THUỐC
Ô số:………………. Ngày:…………………………………………..
Vị trí: tọa độ X…………. tọa độ Y:………………... Độ cao:……………….
Độc dốc:………………… Hướng phơi:………….. Loại thảm thực vật:……..
Độ che đá lộ:……………. Độ che đá tảng:………… Độ che đá răm:……….
Chế độ nước mặt:………… Độ tàn che:……………… Độ che phủ thảm tươi:….
Cây gỗ chính:………………………………………………………………………....
Số lượng thân có đường kính > 10cm:……………………………………………….
Chiều cao vút ngọn (cây có đường kính thân >10cm):………………………………
CÂY THUỐC
TT Tên loài TT Tên loài

84
PHỤ LỤC 1.4. BẢNG MÃ HÓA CÁC BIẾN SỐ CỦA ĐIỀU KIỆN SINH
THÁI TỰ NHIÊN CỦA CÂY THUỐC
STT Tên biến Loại biến Mã
1 Độ cao Định lượng 0 - 1068 (m)
2 Độ dốc Định lượng 0 - 90 (°)
3 Hướng phơi Chỉ định 1= Đông, 2 = Nam, 3 = Tây, 4 = Bắc
4 Loại rừng Chỉ định 1 = rừng 1A, 2 = rừng 1B, 3 = rừng 1C, 4 = rừng
2A, 5 = rừng 2B, 6 = ruộng/bãi hoang, 7 = rừng
nguyên sinh ven suối bị tác động, 8 = rừng trồng
5 Vị trí địa hình Chỉ định 1= đất bằng, 2 = chân núi, 3 = sườn thấp, 4 =
sườn giữa, 5 = sườn cao, 6 = đỉnh
6 PH Định lượng 0-14
7 Độ ẩm đất Định lượng 0 - 100 (%)
8 Đá lộ đầu Định lượng 0 - 100 (%)
9 Đá tảng Định lượng 0 - 100 (%)
10 Đá dăm Định lượng 0 - 100 (%)
11 Chế độ nước mặt Chỉ định 1 = có nước quanh năm, 2 = khô quanh năm, 3 =
có nước theo mùa
12 Số lượng thân >10 cm Định lượng 0-n (cây)
13 Chiều cao vút ngọn trung bình Định lượng 0 - n (m)
14 Độ tàn che Định lượng 0 - 100 (%)
15 Diện tích tầng thảm tươi Định lượng 0 - 100 (%)
16 Số loài cây thuốc Định lượng 0 - n (loài)
17 Số loài thiết yếu Định lượng 0 - n (loài)
18 Số loài trong sách đỏ Định lượng 0 - n (loài)

85
PHỤ LỤC 2

DỮ LIỆU NGHIÊN CỨU


 

86
PHỤ LỤC 2.1. DANH MỤC CÂY THUỐC Ở KHU VỰC YÊN TỬ (xếp theo thứ tự tên khoa học)
Dạng Bộ phận
STT Tên địa phương Tên thường dùng Tên khoa học Họ Công dụng Cách dùng
sống dùng
Phong thấp, đau nhức
1 Vông vang Vông vang Abelmoschus moschatus Medik. Malvaceae Cỏ Rễ Sắc uống
xương
Abelmoschus sagittifolius (Kurz)
2 Sâm bố chính Sâm bố chính Malvaceae Bụi Rễ Thuốc bổ Sắc uống
Merr.
Abrus pulchellus subsp. mollis Tắm vàng da. Ngâm rượu Tắm, Ngâm
3 Chèo mẻo kỏng Cườm thảo mềm Fabaceae Dây leo Thân lá
(Hance) Verdc. uống đau lưng, xương rượu
4 Cam thảo dây Cam thảo dây Abrus precatorius L. Fabaceae Dây leo Thân lá Ho, Sốt Sắc uống
Rễ, Thân
5 Cối xay Cối xay Abutilon indicum (L.) Sweet Malvaceae Bụi Rối loạn tiền đình, Sốt Sắc uống

Cỏ xước, Ngưu tất Sâu róm cắn, lấy lá hơ nóng
Sắc uống,
6 nam, Táu thây' ma Cỏ xước Achyranthes aspera L. Amaranthaceae Cỏ Rễ củ, Lá đắp. Chống viêm, phong tê
Hơ đắp
(D) thấp
Thạch xương bồ, Trị phong hàn. Tắm trẻ con
Thân rễ,
7 Rết khe, Cầm pầu Thạch xương bồ Acorus gramineus Soland. Acoraceae Cỏ ho, cả cây. Tắm trẻ em cam Sắc uống
Cả cây
(D) sài (gầy)
Bưởi bung, Xà ỉm
8 Bí bái Acronychia pedunculata (L.) Miq. Rutaceae Gỗ Rễ Đau dạ dày. Trị phong thấp Sắc uống
(D)
Dè tai trâu, Huùng Tam tầng, Bộp
9 Actinodaphne pilosa (Lour.) Merr. Lauraceae Gỗ
chiểu nom lồ (D) lông
10 Trạch quạch Adenanthera pavonina L. Fabaceae Gỗ
Thư diệp lá nhỏ, Adenia penangiana var. parvifolia
11 Dây đậu xương Passifloraceae Dây leo Rễ Phong thấp Sắc uống
Dây say nắng (Pierre ex Gagnep.) W.J.de Wilde
Nhân trần, Ma Vàng da, viêm gan. Uống
12 Nhân trần Adenosma caeruleum R.Br. Scrophulariaceae Cỏ Cả cây Sắc uống
nhầu (D) mát
Vàng da, viêm gan. Uống
13 Bồ bồ Bồ bồ Adenosma indianum (Lour.) Merr. Scrophulariaceae Cỏ Cả cây Sắc uống
mát
Adenostemma macrophyllum Chữa đau răng, tê thấp, cảm
14 Tuyết hùng lá to Asteraceae Cỏ Cả cây Sắc uống
(Blume) DC. sốt
15 Tóc thần vệ nữ Adiantum capillus-veneris L. Adiantaceae Cỏ Cả cây Tắm ngứa, tắm khi bị cảm Tắm
Cảm cúm, cảm sốt, viêm Sắc uống,
16 Khầm khiều kiẻ Cây vót, Rốn đen Adiantum flabellulatum L. Adiantaceae Cỏ Cả cây
gan. Mụn nhọt. Cầm máu. Giã đắp

87
Dạng Bộ phận
STT Tên địa phương Tên thường dùng Tên khoa học Họ Công dụng Cách dùng
sống dùng
Tóc thần
Viêm tuyến sữa, viêm bàng
philippin, Ráng
17 Adiantum philippense L. Adiantaceae Cỏ cả cây quang, viêm niệu đạo, băng Sắc uống
nguyệt xỉ Phi luật
huyết
tân
18 Lệ đương Aeginetia indica (L.) Roxb Orobanchaceae Ký sinh
Cả cây,
19 Lá hen, Dây đói Má đào Aeschynanthus sp. Gesneriaceae Phụ sinh Chữa hen; Bổ (thân) Sắc uống
Thân
Ngũ sắc, Ma phấy Tắm chữa ngứa ngoài da.
Tắm, Hơ
20 (D), Tùng đáy ma Cứt lợn Ageratum conyzoides L. Asteraceae Cỏ Thân lá Nước ăn chân hơ lửa đắp.
đắp, Xông
(D) Xông chữa xoang
Tiêu độc trong trường hợp
21 Địa linh Ánh lệ Ainsliaea sp. Asteraceae Cỏ Cả cây Sắc uống
mụn nhọt, u cục
Alchornea rugosa (Lour.)
22 Sói dai, Bọ nẹt Euphorbiaceae Bụi
Müll.Arg.
Sắc uống,
Ráy đuôi nhọn, Đánh cảm. Cảm thương
23 Ráy Alocasia cucullata (Lour.) G.Don Araceae Cỏ Thân củ Đánh gió
Ráy túi hàn, cảm nặng
cảm
Sắc uống,
Ráy dại, Khầm Đánh cảm. Cảm thương
24 Ráy Alocasia macrorrhiza (L.) G. Don. Araceae Cỏ Thân củ Đánh gió
gia hâu (D) hàn, cảm nặng
cảm
25 Riềng Riềng Alpinia galanga (L.) Willd. Zingiberaceae Cỏ Thân rễ Sốt rét, Kích thích tiêu hóa Sắc uống
Riềng thuốc, Cao
26 Riềng ấm Alpinia officinarum Hance Zingiberaceae Cỏ Cả cây Sốt rét Tắm
lương khương
Đi giải nhiều. Lạnh bụng
27 Ích trí nhân Alpinia sp. Zingiberaceae Cỏ Cả cây Sắc uống
(tiêu hóa kém)
Alternanthera bettzickiana (Regel)
28 Dền đỏ Dền kiểng Amaranthaceae Cỏ
G.Nicholson
29 Hàn the Alysicarpus vaginalis (L.) DC. Fabaceae Cỏ
30 Lâm trai Amischotolype sp. Commelinaceae Cỏ Cả cây Lợi tiểu, tiêu phù Sắc uống
Amorphophallus paeoniifolius
31 Khoai nưa Khoai nưa Araceae Cỏ Củ Kích thích tiêu hóa Sắc uống
(Dennst.) Nicolson
Chè dây, Rô trê, Ampelopsis cantoniensis (Hook. et Chữa đau, loét dạ dày. Hút Sắc uống,
32 Chè dây Vitaceae Dây leo Thân lá
Xà dạp mây Arn.) Planch. mủ Tán bột rắc

88
Dạng Bộ phận
STT Tên địa phương Tên thường dùng Tên khoa học Họ Công dụng Cách dùng
sống dùng
Ampelopsis glandulosa var. hancei
33 Song nho dị diệp Vitaceae Dây leo
(Planch.) Momiy .
Khầm nồm đáo Ancistrocladus tectorius (Lour.)
34 Dây Trung quân Ancistrocladaceae Dây leo Thân Đau lưng, tê thấp. Sắc uống
(D) Merr.
Viêm đường hô hấp, phong
Thổ hoắc hương/ Sắc uống,
35 Thiên thảo Anisomeles indica (L.) Kuntze Lamiaceae Cỏ Cả cây thấp đau xương. Dùng cho
Phòng phong thảo Tắm
trẻ em bị cam (còi), đun tắm
Kim cương, Cỏ Anoectochilus roxburghii (Wall.)
36 Lan kim tuyến Orchidaceae Cỏ Cả cây Tiêu độc, phong thấp Sắc uống
nhung Lindl.
Thầu táu, Ma Vỏ, Thân, Chữa xương khớp. Bó gẫy Sắc uống,
37 Thầu táu Aporosa sp. Euphorbiaceae Gỗ
ngảm ghéng (D) Lá xương. Cầm máu Giã đắp
Đơn châu chấu, Mẩn ngứa. Tắm cho phụ nữ
Thân lá, Sắc uống,
38 Pà chày ghím (D), Đơn châu chấu Aralia armata (G. Don) Seem. Araliaceae Bụi sau sinh. Đau nhức xương
Rễ Tắm
Pà chày ma (D) khớp
Lim giàng, Vằng Archidendron clypearia (Jack) Ngứa đầu, gàu. Bỏng. Ngứa Tắm, Gội
39 Mán đỉa Fabaceae Gỗ Lá, Vỏ
éng (D) I.Nielsen toàn thân, ghẻ đầu
Trọng đũa lá to, Cơm nguội răng, Ngâm rượu
40 Ardisia crenata Sims Myrsinaceae Gỗ Thân, Rễ Đau nhức xương khớp
Tâm két piếu Trọng đũa uống
Khôi tía, Trẩu mã
Đau dạ dày, chữa báng
41 thói (H), Ma thói Khôi trắng Ardisia gigantifolia Stapf Myrsinaceae Bụi Thân lá Sắc uống
(sưng bụng)
(H)
42 Cơm nguội vòi Ardisia mamillata Hance Myrsinaceae Cỏ
Trọng đũa lá
Cơm nguội năm
43 nhỏ/hẹp, Tâm két Ardisia quinquegona Blume Myrsinaceae Gỗ Thân lá Ngã, bị đòn đau Sắc uống
cạnh
kiển (D)
44 Trọng đũa Trọng đũa Ardisia sp.1 Myrsinaceae Bụi Thân Chữa bệnh gan Sắc uống
45 Cây guốc Trọng đũa Ardisia sp.2 Myrsinaceae Bụi Thân Chữa phong tê thấp Sắc uống
46 Ổ gà Cơm nguội lông Ardisia villosa Roxb Myrsinaceae Cỏ
47 Cau Cau Areca catechu L. Arecaceae Cau dừa Hạt Tẩy sán Sắc uống
Bạc thau, Thảo Ho, Lợi tiểu, Đái buốt, Đái
48 Bạc thau Argyreia acuta Lour. Convolvulaceae Dây leo Lá Sắc uống
bạc nhọn rắt
49 Khầm chế hâu Nam tinh phấn Arisaema hypoglaucum Craib Araceae Cỏ

89
Dạng Bộ phận
STT Tên địa phương Tên thường dùng Tên khoa học Họ Công dụng Cách dùng
sống dùng
Đằng đằng trắng,
Aristolochia fangchi Y.C.Wu ex
50 Phòng kỷ, Vằng Quảng phòng kỷ Aristolochiaceae Dây leo Rễ Trị thấp khớp Sắc uống
L.D.Chow & S.M.Hwang
tăng pẹ (D)
51 Ngải cứu Ngải cứu Artemisia vulgaris L. Asteraceae Cỏ Lá Kinh nguyệt không đều Sắc uống
Sắc uống,
Khó tiêu. Đau nhức xương
Trầu một lá, Giéo Cả cây, Ngâm rượu,
52 Tế hoa Petelot Asarum petelotii O.C.Schmidt Aristolochiaceae Cỏ khớp. Cảm cúm. Đi ngoài.
béng ma (D) Hoa Ngâm rượu
Thuốc bổ (ăn ngon, khỏe)
xoa bóp
Asparagus cochinchinensis (Lour.)
53 Thiên môn đông Thiên môn đông Asparagaceae Dây leo Rễ Ho Sắc uống
Merr.
Cô lan, Trứng Aspidistra tonkinensis (Gagn.) Sắc uống,
54 Sâm nam Convallariaceae Cỏ Thân rễ Bồi bổ cơ thể, cầm máu
nhện Bắc Wang & Lang. Giã đắp
55 Tổ chim Asplenium nidus L. Aspleniaceae Cỏ
Atalantia buxifolia (Poir.) Oliv. ex Phong tê thấp (đau nhức Sắc uống,
56 Tầm xoọng Tầm xoọng Rutaceae Gỗ Thân, Rễ
Benth. xương khớp, lưng) Ngâm rượu
57 Ô rô bà Aucuba chinensis Benth. Aucubaceae Bụi
58 Khế Khế Averrhoa carambola L. Oxalidaceae Gỗ Rễ Viêm gan, đái vàng Sắc uống
Thanh hao, Ban
59 Chổi xể Baeckea frutescens L. Myrtaceae Bụi
dấu géng (D)
Sắc uống,
60 Cu chó Tỏa dương Balanophora sp. Balanophoraceae Ký sinh Cả cây Bổ dương
Ngâm rượu
Mấu man, Mấu Phong ngứa, nổi mề đay (Dị
61 Móng bò Bauhinia sp.1 Fabaceae Dây leo Thân Sắc uống
dại ứng)
62 Móc lại Móng bò Bauhinia sp.2 Fabaceae Dây leo Thân Bổ, ăn khỏe Sắc uống
Thân rễ, Sắc uống,
63 Lá méo Thu hải đường Begonia sp. Begoniaceae Cỏ Bổ. Chữa sởi (tắm uống)
Lá Tắm
64 Mấy s'lì (D) Rút rế, Cứt chuột Berchemia loureiriana DC. Rhamnaceae Bụi leo Rễ Viêm gan, Phong tê thấp Sắc uống
Tắm dị ứng mẩn ngứa.
Hoa xuyến chi, Sắc uống,
65 Đơn kim Bidens pilosa L. Asteraceae Cỏ Cả cây Viêm gan, đau nhức xương
Cỏ đường tàu Tắm
khớp
Sắc uống,
Nhội, Xà pỏng
66 Nhội Bischofia javanica Blume Euphorbiaceae Gỗ Vỏ, Lá Ỉa chảy, Viêm phụ khoa Đun nước
(D)
rửa
67 Điều nhuộm Bixa orellana L. Bixaceae Gỗ Hạt, Lá Tẩy giun, Lỵ Sắc uống

90
Dạng Bộ phận
STT Tên địa phương Tên thường dùng Tên khoa học Họ Công dụng Cách dùng
sống dùng
Đau bụng kinh, Đau dạ dày,
Đại bi, Ma hàm Sắc uống,
68 Đại bi Blumea balsamifera (L.) DC. Asteraceae Bụi Cả cây Viêm họng hạt mạn tính.
(D) Tắm
Tắm trẻ con ho
Blumea megacephala (Randeria)
69 Bớp trắng Kim đầu hoa to Asteraceae Dây leo Cả cây Tắm ngứa, phong tê thấp Tắm
C.T.Chang & C.H.Yu ex Y.Ling
70 Xương sông Xương sông Blumea lanceolaria (Roxb.) Druce Asteraceae Bụi Rễ Cảm sốt Sắc uống
71 Củ gai Gai toàn tơ Boehmeria holosericea Blume Urticaceae Bụi Vỏ rễ Động thai, xương khớp Sắc uống
72 Gai lá to Boehmeria macrophylla Hornem. Urticaceae Bụi
73 Gai Gai Boehmeria nivea (L.) Gaudich. Urticaceae Bụi Rễ Động thai, Rong kinh Sắc uống
Khầm clố biẹt Bowringia callicarpa Champ. ex
74 Dây bánh nem Fabaceae Dây leo Lá non Cầm máu Giã đắp
mây (D) Benth.
75 Mô, Phướng lăng Brassaiopsis sp. Araliaceae Bụi Cả cây Đau nhức xương khớp Sắc uống
Rễ, Thân Chữa cảm thương hàn, cảm
76 Bồ cu vẽ Breynia fruticosa (L.) Hook. Euphorbiaceae Bụi Sắc uống
lá cúm
Chân tay đau nhức. Vết
Sắc uống,
77 Ngộ độc trắng Dé Breynia sp. Euphorbiaceae Bụi Thân lá thương hở. Hậu sản. Ngộ
Giã đắp
độc thức ăn
Sau vắn gièng
78 Đỏm Bridelia sp. Euphorbiaceae Gỗ Lá Đau bụng Sắc uống
(D), Tầm sạn
Bryophyllum pinnatum (Lam.)
79 Thuốc bỏng Thuốc bỏng Crassulaceae Cỏ Lá Cầm máu, Bỏng Giã đắp
Oken
80 Chiêng chiếng Điệp bánh bò Caesalpinia rhombifolia J.E.Vidal Fabaceae Gỗ Rễ Chữa đau xương khớp Sắc uống
81 Đỗ chiều Đậu chiều Cajanus cajan (L.) Millsp. Fabaceae Bụi Lá Lỵ, Sởi Sắc uống
Tử châu hạ long, Callicarpa longissima (Hemsl.) Sốt rét, Ngứa lở. Trẻ em Sắc uống,
82 Xa diệc Verbenaceae Gỗ Cả cây
Tử châu lá nhọn Merr. vàng da Tắm
Tử châu, Trứng
Rễ, Thân Thông kinh nguyệt. Ngứa, Sắc uống,
83 ếch, Mần xà kiển Tử châu đỏ Callicarpa rubella Lindl Verbenaceae Bụi
lá ghẻ Tắm
(D)
84 Piêu clám (D) Trám Canarium album (Lour.) DC. Burseraceae Gỗ Rễ Viêm họng, Ho Sắc uống
Canscora andrographioides Griff.
85 Can hùng bút Gentianaceae Cỏ
ex C.B.Clarke
C'đây mao giéng Sắc uống,
86 Săng mã thon Carallia lancaefolia Roxb. Rhizophoraceae Gỗ Rễ, Lá Đắp gãy xương, Đau đầu
(D) Giã đắp

91
Dạng Bộ phận
STT Tên địa phương Tên thường dùng Tên khoa học Họ Công dụng Cách dùng
sống dùng
Ngâm rượu
87 Canh ki na Ô môi Cassia grandis L.f. Fabaceae Gỗ Quả Bổ, Đau xương khớp
uống
Cảm sốt, viêm thận, viêm
Tơ xanh, Ba cắn Bán ký Sắc uống,
88 Tơ xanh Cassytha filiformis L. Lauraceae Cả cây gan, ho ra máu. Đắp gẫy
kéng sinh Giã đắp
xương.
Găng tu hú, Găng Catunaregam spinosa (Thunb.)
89 Găng gai Rubiaceae Gỗ Vỏ rễ Điều kinh Sắc uống
gai Tirveng.
Cayratia japonica (Thunb.)
90 Vác Nhật Vitaceae Dây leo
Gagnep.
91 Ba chạc dây Vác Cayratia sp. Vitaceae Dây leo Thân lá Tắm ngứa Tắm
Giã đắp,
92 Mào gà trắng Mào gà trắng Celosia argentea L. Amaranthaceae Cỏ Hạt Rắn cắn Nhai lấy
nước
Rau má, Khầm Sắc uống,
93 Rau má Centella asiatica (L.) Urb. Apiaceae Cỏ Cả cây Nóng, cảm sốt.
púng noóc (D) Giã uống
Centipeda minima (L.) A.Braun &
94 Cóc mẳn Asteraceae Cỏ
Asch.
Muồng cô binh;
Chamaecrista auricoma (Benth.)
95 Muồng Fabaceae Cỏ
V.Singh
Leschenault
Mía dò, Mía voi,
Cheilocostus speciosus (J.König) C. Tắm mát cho trẻ em. Sốt, Sắc uống,
96 Mía ông, Kìm nha Mía dò Costaceae Cỏ Thân rễ
Specht đái buốt, đái rắt, đái vàng Tắm
thỉu (D)
Cây sâng, Khầm Choerospondias axillaris (Roxb.) Vỏ thân, Nấu cao bôi,
97 Xoan nhừ Anacardiaceae Gỗ Bỏng
piếu ná (D) Burtt & Hill. Nhựa Bôi
Sắc uống,
Cỏ lên, Cây mui, Chromolaena odorata (L.)
98 Cỏ lào Asteraceae Cỏ Thân lá Đi ỉa. Cầm máu. Tắm ghẻ Giã đắp,
Kiẻ kẻng ma (D) R.M.King & H.Rob.
Tắm
Cỏ may, Ma dầm Chrysopogon aciculatus (Retz.) Viêm gan, Trị giun. Thuốc
99 Cỏ may Poaceae Cỏ Cả cây Sắc uống
(D) Trin. mát, Đau bụng
Sắc uống,
Cẩu tích, Khiều Thân rễ, Trị phong tê thấp, đau lưng
100 Cẩu tích Cibotium barometz (L.) Sm. Dicksoniaceae Bụi Ngâm rượu,
veng Lông mỏi gối, Cầm máu
Đắp
Cinnamomum parthenoxylon (Jack)
101 Vù hương Vù hương Lauraceae Gỗ Rễ Phong tê thấp, Khó tiêu Sắc uống
Meisn.

92
Dạng Bộ phận
STT Tên địa phương Tên thường dùng Tên khoa học Họ Công dụng Cách dùng
sống dùng
Tứ phương đằng,
102 Dây vuông, Dây Hồ đằng mũi giáo Cissus hastata Miq. Vitaceae Dây leo Thân Chữa phong thấp Sắc uống
củ
Bạch phấn đằng,
103 Chìa vôi Cissus modeccoides Planch. Vitaceae Dây leo Thân, Rễ Chữa phong thấp Sắc uống
Sạch dong m'hây
Citrus aurantiifolia (Christm.) Rễ, Vỏ
104 Chanh Chanh Rutaceae Gỗ Ho, Chướng bụng đầy hơi Sắc uống
Swingle quả
105 Bưởi Bưởi Citrus maxima (Burm.) Merr. Rutaceae Gỗ Vỏ quả Ho, Đầy bụng Sắc uống
Lá méo, Cây cứt Tắm, Giã
lá, vỏ cây, Sưng đau do viêm khớp.
106 gà, Sống nhệch, Dâm hôi Clausena excavata Burm. Rutaceae Gỗ đắp, Bó gẫy
hạt Gẫy xương. Ngứa, ghẻ.
Chày đáy ma (D) xương
Dây ông lão, Dây Chữa phong tê thấp, viêm
107 Dây ông lão Clematis granulata (L.) Ohwi. Ranunculaceae Dây leo Cả cây Sắc uống
vằng trắng đường tiết niệu
Bổ, dùng cho cơ thể suy
108 Hài nhi trà Dây ông lão Clematis sp. Ranunculaceae Dây leo Cả cây Sắc uống
nhược
Khí hư, bạch đới, kinh
Clerodendrum chinense var.
109 Bạch đồng nữ Bạch đồng nữ Verbenaceae Bụi Lá, Rễ nguyệt không đều. Bệnh Sắc uống
simplex (Moldenke) S.L.Chen
gan (Vàng da, vàng mắt)
Lợi tiêu hóa, bồi bổ cơ thể,
Bọ mẩy trắng, Má
110 Bọ mẩy Clerodendrum cyrtophyllum Turcz. Verbenaceae Bụi Rễ, Lá Viêm ruột, lị. Mẩn ngứa, Sắc uống
ỉm nhọt (D)
ghẻ
Bọ mẩy đỏ, Ngọc Sắc uống,
111 Bọ mẩy tía Clerodendrum fortunatum L. Verbernaceae Bụi Thân lá Phòng hậu sản
nữ hên Tắm
Khí hư, bạch đới, kinh
Xích đồng nam Clerodendrum japonicum (Thunb.)
112 Xích đồng nam Verbenaceae Bụi Lá, Rễ nguyệt không đều. Bệnh Sắc uống
(Loại hoa trắng) Sweet
gan (Vàng da, vàng mắt)
113 Bọ mẩy trắng Ngọc nữ bắc bộ Clerodendrum tonkinense Dop Verbenaceae Bụi Lá Mẩn ngứa Tắm
Codonacanthus pauciflorus (Nees)
114 Gai chuông Acanthaceae Cỏ
Nees
115 Cườm cườm Ý dĩ Coix lacryma-jobi L. Poaceae Cỏ Thân Táo bón Sắc uống
Thài lài, Cháy Thương tích, ứ huyết. Lợi
116 Thài lài trắng Commelina communis L. Commelinaceae Cỏ Cả cây Sắc uống
clang ma (D) tiểu. Đại tràng
Sắc uống,
117 Cỏ tai hổ Cỏ tai hổ Conyza canadense (L.) Cronquist Asteraceae Cỏ Thân lá Xoang. Lang ben
Giã đắp

93
Dạng Bộ phận
STT Tên địa phương Tên thường dùng Tên khoa học Họ Công dụng Cách dùng
sống dùng
118 Đay dại, Bố dại Corchorus aestuans L. Tiliaceae Cỏ
119 Đình lịch Đay quả tròn Corchorus capsularis L. Tiliaceae Cỏ Vỏ rễ Đau nhức xương khớp Sắc uống
Huyết dụ, Thì đui Cầm máu, băng huyết, ho ra
120 Huyết dụ Cordyline fruticosa (L.) A.Chev. Asteliaceae Bụi Rễ, Lá Sắc uống
(D) máu, nôn ra máu
Rau tàu bay, Ma Crassocephalum crepidioides
121 Rau tàu bay Asteraceae Cỏ Thân lá Rắn rết cắn Giã đắp
kun (D) (Benth.) S.Moore
Thành nghạnh, Cratoxylon formosum (Jack) Benth. Thân lá,
122 Thành ngạnh đẹp Clusiaceae Gỗ Ỉa chảy Giã uống
Géng văng (D) Et Hook. Vỏ
Trinh nữ hoàng Trinh nữ hoàng
123 Crinum latifolium L. Amaryllidaceae Cỏ Lá Ung thư Sắc uống
cung cung
Thân lá, Lỵ, đau bụng. Đái dầm,
124 Đơn xương Sục sạc Crotalaria pallida Aiton Fabaceae Bụi Sắc uống
Hạt xuất tinh sớm, di tinh
125 Khổ sâm Khổ sâm Croton tonkinensis Gagnep. Euphorbiaceae Bụi Lá, Rễ Chữa lỵ (lá), Bổ máu (rễ) Sắc uống
Cồ nốc lá rộng, Curculigo latifolia Dryand. ex Sắc uống,
126 Sâm cuốn chiếu Hypoxydaceae Cỏ Thân rễ Thuốc bổ
Sâm cau lá rộng W.T.Aiton Ngâm rượu
Kích thích tiêu hóa; Bổ cho
127 Nghệ xanh Nghệ xanh Curcuma aeruginosa Roxb. Zingiberaceae Cỏ Thân rễ Sắc uống
phụ nữ sau sinh
128 Nghệ vàng Nghệ vàng Curcuma longa L. Zingiberaceae Cỏ Thân rễ Đau dạ dày Sắc uống
Curcuma zedoaria (Christm.)
129 Nghệ đen Nghệ đen Zingiberaceae Cỏ Thân rễ Đau dạ dày Sắc uống
Roscoe
Thấp khớp. Sâu róm đốt.
Cỏ xước lá nhỏ, Cả cây, Sắc uống,
130 Cỏ xước bông đỏ Cyathula prostrata (L.) Blume Amaranthaceae Cỏ Mẩn ngứa (Mát gan, tiêu
Táu thây' ma (D) Rễ Hơ đắp
độc)
Thiên tuế, Khầm
131 Thiên tuế Cycas sp. Cycadaceae Bụi Thân củ Phong tê thấp Sắc uống
lả (D)
132 Vai đài Daphniphyllum calycinum Benth. Daphniphyllaceae Gỗ
Thượng duyên Dendrobium brunneum Schuit. & Sắc uống,
133 Thạch hộc Orchidaceae Cỏ Cả cây Bổ, Đau nhức chân tay
Sapa Peter B.Adams Ngâm rượu
Đau nhức xương. Liệt chân
134 Thạc hộc Thạc hộc Dendrobium sp. Orchidaceae Phụ sinh Cả cây Ngâm rượu
tay
Dendrotrophe frutescens (Benth.) Bán ký Cảm cúm, Đòn ngã tổn Sắc uống,
135 Dây trầm Thượng mộc bụi Santalaceae Cả cây
Danser. sinh thương, Phong tê thấp Giã đắp
Dentella repens (L.) J.R.Forst. &
136 Địa nha Rubiaceae Cỏ
G.Forst.

94
Dạng Bộ phận
STT Tên địa phương Tên thường dùng Tên khoa học Họ Công dụng Cách dùng
sống dùng
Thóc lép, Đuôi Thóc lép sông Cả cây, Sắc uống,
137 Desmodium gangeticum (L.) DC. Fabaceae Bụi Sỏi mật, Sỏi thận. Rắn cắn
chó Hằng Rễ Giã đắp
Thóc lép, Lạc dại, Gẫy xương, ngoại thương Sắc uống,
138 Thóc lép mạng Desmodium heterocarpon (L.) DC. Fabaceae Bụi Cả cây
Thóc lép đực xuất huyết, Lỵ Giã đắp
Desmodium styracifolium (Osbeck)
139 Kim tiền thảo Kim tiền thảo Fabaceae Bụi Cả cây Sỏi thận, Sỏi mật Sắc uống
Merr.
Sưng vú, Kiết lị, Kinh
Cỏ hàn the, Cây Sắc uống,
140 Hàn the Desmodium triflorum DC. Fabaceae Cỏ Cả cây nguyệt không đều, đau bụng
mắt nai Giã đắp
kinh, Mất ngủ
Rễ, Thân Đau dạ dày, Lỵ, Tiêu hóa
141 Hoa dẻ Hoa dẻ Desmos chinensis Lour. Annonaceae Bụi Sắc uống
lá kém
Giã đắp,
Mụn nhọt, lở loét, ghẻ Nướng
142 Hương bài Hương bài Dianella ensifolia (L.) DC. Phormiaceae Cỏ Cả cây
ngứa. Viêm tai thành tro,
thổi vào tai
Lưỡng sắc lá
Dichrocephala integrifolia (L.f.)
143 nguyên, Rau Asteraceae Cỏ Cả cây Tiêu độc, mụn nhọt Sắc uống
Kuntze
chuôi
Khoai dái, Khoai Bệnh ngoài da (nấm, ngứa). Tắm, Giã
144 Cây gió Dioscorea bulbifera L. Dioscoreaceae Dây leo Củ, Dái củ
trời Mụn nhọt đắp
145 Củ nâu trắng Củ nần, Mài lông Dioscorea hispida Dennst. Dioscoreaceae Dây leo Củ Mụn nhọt, Ngã sưng đau Giã đắp
Củ gai, Ngũ gia bì Bổ máu. Đau lưng, yếu gân Ngâm rượu
146 Từ năm lá Dioscorea pentaphylla L. Dioscoreaceae Dây leo Củ
củ cốt uống
147 Thị lọ nồi Diospyros apiculata Hiern Ebenaceae Gỗ
148 Hồng Hồng Diospyros kaki L.f. Ebenaceae Gỗ Đài quả Ho, Long đờm Sắc uống
149 Vảy ốc, Tai chuột Tai chuột Dischidia acuminata Costantin Asclepiadaceae Dây leo Cả cây Đái buốt, đái rắt Sắc uống
Hoàng tinh, Tan máu bầm. Ăn kém, Sắc uống,
150 Hoàng tinh Disporopsis longifolia Craib. Convallariaceae Cỏ Rễ
S'lùng kỉe (D) Thấp khớp Giã đắp
151 Bồng bồng Dracaena angustifolia Roxb. Dracaenaceae Gỗ Rễ Lỵ, Khí hư - bạch đới Sắc uống
Sắc uống,
Dracaena cochinchinensis (Lour.) Phong tê thấp, đau nhức Ngâm rượu,
152 Sâm cau Huyết giác Dracaenaceae Bụi Rễ, Thân
S.C.Chen xương, Bó gẫy xương Bó gẫy
xương

95
Dạng Bộ phận
STT Tên địa phương Tên thường dùng Tên khoa học Họ Công dụng Cách dùng
sống dùng
Drymaria cordata subsp. diandra
153 Rau đồng tiền Caryophyllaceae Cỏ
(Blume) J.A.Duke
Phong thấp, đau lưng, thận
154 Cốt toái bổ Tắc kè đá Drynaria bonii H.Christ Polypodiaceae Phụ sinh Thân rễ hư, đau răng, thần kinh suy Sắc uống
nhược. Đái rắt
Ỉa chảy kéo dài, Gãy xương, Sắc uống,
155 Cốt toái bổ Cốt toái bổ Drynaria fortunei (Mett.) J. Sm . Polypodiaceae Phụ sinh Thân rễ
Phong tê thấp. Giã đắp
Lỵ, khí hư - bạch đới, bỏng, Sắc uống,
156 Dâu núi Dâu núi Duchesna indica (Andr.) Focke Rosaceae Cỏ Cả cây
rắn cắn, mụn nhọt Giã đắp
Dysphania ambrosioides (L.)
157 Dầu giun Chenopodiaceae Cỏ
Mosyakin & Clemants
Cảm, sốt. Trị chảy máu (sao
Sắc uống,
158 Nhọ nồi Nhọ nồi Eclipta prostrata (L.) L. Asteraceae Cỏ Cả cây đen) trong, bệnh gan (men
Giã uống
gan cao, viêm gan)
159 Đơn bọ nẹt Cườm rụm nhọn Ehretia acuminata R.Br. Boraginaceae Gỗ Lá Cảm sốt Sắc uống
Rắn cắn (sắc uống, đắp), Sắc uống,
160 Xạ đen Xạ đen Ehretia asperula Zoll. & Moritzi Boraginaceae Bụi leo Lá
bệnh đường ruột, mát gan Giã đắp
161 Nhót rừng Nhót rừng Elaeagnus sp. Elaeagnaceae Bụi Lá Lỵ Sắc uống
162 Phi đao kiếm Ráng mãng thiệt Elaphoglossum sp. Lomariopsidaceae Cỏ Cả cây Sỏi mật, Sỏi thận Sắc uống
Elatostema veronicoides (Gagnep.)
163 Cao hùng Urticaceae Cỏ Cả cây Mẩn ngứa Tắm
H.Schroet.
Sâu róm cắn, bị sưng mưng Sắc uống,
Cây thổi lửa, Ma
164 Chân voi mềm Elephantopus mollis Kunth Asteraceae Cỏ Cả cây mủ, hoặc mụn đầu đinh. Giã đắp, Hơ
phẹt (D)
Rắn cắn đắp
Cảm mạo, viêm gan, viêm
Chỉ thiên, Ma thận, mụn nhọt, rắn cắn. Sắc uống,
165 Cúc chỉ thiên Elephantopus scaber L. Asteraceae Cỏ Cả cây, Lá
phẹt (D) Sâu róm cắn, bị sưng mưng Hơ đắp
mủ, hoặc mụn có đinh
Lợi tiểu, Hạ sốt, Viêm gan,
166 Cỏ mần trầu Cỏ mần trầu Eleusine indica (L.) Gaertn. Poaceae Cỏ Cả cây Sắc uống
vàng da, Mụn nhọt
Củ (Thân Bổ máu (dùng khi thiếu
167 Sâm đại hành Sâm đại hành Eleutherine bulbosa (Mill.) Urb. Iridaceae Cỏ Sắc uống
hành) máu), băng huyết
168 Kinh giới Kinh giới Elsholtzia ciliata (Thunb.) Hyl. Lamiaceae Cỏ Thân lá Cảm cúm Sắc uống

96
Dạng Bộ phận
STT Tên địa phương Tên thường dùng Tên khoa học Họ Công dụng Cách dùng
sống dùng
Sắc uống,
Thùn mũn, Càm Quả, Lá, Rắn cắn (Lá), Sốt rét, Ỉa
169 Chua ngút Embelia ribes Burm. Myrsinaceae Bụi leo Giã đắp, Giã
sùi sị (D) Rễ chảy (Rễ). Giun, sán (Quả)
uống
Sắc uống,
Rau má lá rau Rau má lá rau Giã lấy
170 Emilia sonchifolia (L.) DC. Asteraceae Cỏ Cả cây, Lá Ho lâu ngày. Viêm tai
muống muống nước nhỏ
vào tai
Lá, Vỏ Bó gẫy
171 Bàm bàm Bàm bàm Entada phaseoloides (L.) Merr. Fabaceae Dây leo Bó gẫy xương. Tắm ghẻ
thân xương, Tắm
Ỉa chảy, Cầm máu khi ho ra
Mộc tặc, Pát đong Equisetum ramosissimum Desv.ssp.
172 Cỏ tháp bút yếu Equisetaceae Cỏ Cả cây máu, trĩ, chảy máu ruột, Sắc uống
ma (D) Debile (Vauch.) Hauke.
Viêm gan, Đái đường
173 Cốc tinh thảo Cỏ dùi trống Eriocaulon sp. Eriocaulaceae Cỏ Cụm hoa Đau nhức mắt, hạ sốt Sắc uống
Sắc uống,
174 Vông nem Vông nem Erythrina variegata L. Fabaceae Gỗ Lá Chữa trĩ
Giã đắp
Phong thấp, đau gân, nhức
Ba chạc, Má ỉm Sắc uống,
175 Ba chạc Euodia lepta (Spreng.) Merr. Rutaceae Gỗ Lá, rễ xương. Mụn nhọt, ghẻ, lở
dằm (D) Tắm
ngứa
Điều kinh, Ăn uống không
176 Mần tưới Mần tưới Eupatorium fortunei Turcz. Asteraceae Cỏ Cả cây Sắc uống
tiêu
Lỵ, viêm ruột, Eczema, Sắc uống,
177 Cỏ sữa Cỏ sữa lá lớn Euphorbia hirta L. Euphorbiaceae Cỏ Cả cây
viêm da, nấm da Giã đắp
Bền bệt, Ma nom
178 Bách bệnh Eurycoma longifolia Jack Simaroubaceae Gỗ Lá Ghẻ, mụn nhọt, lở ngứa Tắm
pẹ (D)
Đơn mặt trời, Ban
179 Đơn đỏ Excoecaria cochinchinensis Lour. Euphorbiaceae Bụi Lá Mẩn ngứa, mụn nhọt Sắc uống
hồng
Xà dzong mây Fallopia multiflora (Thunb.)
180 Hà thủ ô đỏ Polygonaceae Dây leo Thân lá Lở ngứa Tắm rửa
(D) Haraldson
Hoàng đằng, Lỵ, đái đường, bổ dưỡng, Sắc uống,
181 Hoàng liên, Vắng Hoằng đằng Fibraurea recisa Pierre Menispermaceae Dây leo Rễ, Thân Đau bụng, Đau mắt. Rửa Nhỏ mắt,
tăng veng (D) vết thương Rửa
182 Sung chè, Rù rì Ficus abelii Miq. Moraceae Bụi
Vú chó, Vú bò, Nhựa bôi vào hạch ở cổ,
Ficus hirta subsp. roxburghii Nhựa, Rễ, Sắc uống,
183 Hoàng kỳ nam, Ngõa khỉ Moraceae Bụi chữa hạch. Rễ chữa hổ
(King) C.C.Berg Lá Giã đắp, Giã
C'lảng ha piếu (D) mang chúa cắn, dùng cho

97
Dạng Bộ phận
STT Tên địa phương Tên thường dùng Tên khoa học Họ Công dụng Cách dùng
sống dùng
phụ nữ, bổ, đau bụng. uống, Nhựa
Phong tê thấp, đau nhức bôi
xương.
Lỵ, Ỉa chảy, Phong tê thấp,
184 Ngái Ngái Ficus hispida L.f. Moraceae Bụi Vỏ cây Sắc uống
đau lưng nhức xương
Ngâm rượu
185 Si Si Ficus microcarpa L.f. Moraceae Gỗ Rễ Đau nhức xương khớp
uống
Sung, Sa vẳm Nhựa, Lá, Lợi sữa, chốc lở, đinh nhọt, Sắc uống,
186 Sung Ficus racemosa L. Moraceae Gỗ
giẻng (D) Vỏ cây ghẻ Nhựa bôi
187 Mạnh trâu Sung lá tên Ficus sagittata Vahl Moraceae Bụi leo Thân Bổ gân xương Sắc uống
188 Sung Ficus sp.1 Moraceae Bụi Lá, thân An thần, bệnh đường ruột Sắc uống
Bổ, dùng cho phụ nữ khi đẻ,
189 Ứng phì (H) Vú bò Ficus sp.2 Moraceae Bụi Rễ Sắc uống
đau bụng
190 Vả Vả Ficus auriculata Lour. Moraceae Gỗ Rễ Tiêu phù Sắc uống
Mây nước, Cà
191 Mây nước Flagellaria indica L. Flagellariaceae Dây leo
đăng pam (D)
Flemingia macrophylla (Willd.) Phong tê thấp, đau nhức Sắc uống,
192 Hàm xì Fabaceae Bụi Rễ
Merr. xương khớp Ngâm rượu
Floscopa glomerata (Willd. ex
193 Đầu riều chụm Commelinaceae Cỏ
Schult. & Schult.f.) Hassk.
Lan leo, Lan mùn Hoại
194 Đuôi lươn Galeola nudifolia Lour. Orchidaceae Cả cây Phụ nữ hậu sản, gầy mòn Sắc uống
vàng sinh
Gout, Đau đầu, hoa mắt,
195 Độc lực lá nhỏ Bứa Garcinia sp. Clusiaceae Bụi Thân lá Sắc uống
chóng mặt, mất ngủ
196 Tai chua Tai chua Garcinia cowa Roxb. ex Choisy Clusiaceae Gỗ Vỏ quả Sốt Sắc uống
Dành dành, Khằm Quả, Thân Bệnh gan (Vàng da, vàng Sắc uống,
197 Dành dành Gardenia jasminoides J.Ellis Rubiaceae Bụi
húng lùm piếu (D) lá mắt) Tắm
Dành dành lá nhỏ, Chữa viêm gan, vàng da,
Sơn chi tử, Dành Quả, Thân Sắc uống,
198 Khằm húng lùm Gardenia stenophylla Merr. Rubiaceae Bụi vàng mắt. Viêm kết mạc,
dành lá hẹp lá, Rễ Tắm
piếu (D) mất ngủ.
199 Rau má núi Geophila repens (L.) Johnst. Rubiaceae Cỏ
200 Ngát Ki gân bằng Gironniera subaequalis Planch. Ulmaceae Gỗ

98
Dạng Bộ phận
STT Tên địa phương Tên thường dùng Tên khoa học Họ Công dụng Cách dùng
sống dùng
Lô ba
Thân rễ, Sắc uống,
201 Schomburgk, Globba schomburgkii Hook. f. Zingiberaceae Cỏ Trẻ con bị cam, bệnh thận
Thân lá Tắm
Gừng hoa múa
Bòn bọt, Xìn lạc Glochidion eriocarpum Champ. ex Rắn cắn, Đi ỉa, Tắm ngứa,
202 Bòn bọt Euphorbiaceae Bụi Cả cây Sắc uống
ma (D) Benth. Bệnh gan
Sắc uống,
203 Bòn bọt Ghẻ, Sóc xéo Glochidion obliquum Decne Euphorbiaceae Gỗ Lá Trị ghẻ, Phù thũng
Tắm
Kích thích tiêu hóa, phong
204 Bưởi bung Cơm rượu Glycosmis pentaphylla (Retz.) DC. Rutaceae Bụi Rễ Sắc uống
tê thấp
Phong tê thấp, giải độc,
Dây gắm, Tùng Rễ, Thân, Sắc uống,
205 Dây gắm Gnetum montanum Markgr. Gnetaceae Dây leo khớp. Ong rừng đốt. Rút
mái mây (D) Nhựa Nhựa bôi
phù
Sâm nam, Bổ béo
Bổ, giải nhiệt, giải khát Sắc uống,
206 trắng, Co béo pẹ Bổ béo trắng Gomphandra mollis Merr. Icacinaceae Gỗ Rễ
chống mệt mỏi. Ngâm rượu
(D)
Đinh hùng răng Chữa lở, ghẻ, mụn nhọt, Sắc uống,
207 Hoa khôi mẫu Gomphostemma leptodon Dunn Lamiaceae Bụi Lá, Rễ
hẹp đau đầu kinh niên Tắm
Bổ béo đen, Co Bổ; kích thích tiêu hóa. Đau Sắc uống,
208 Bổ béo đen Goniothalamus vietnamensis Ban Annonaceae Bụi Rễ
béo kỉe (D) lưng, xương, phong thấp Ngâm rượu
Gonocaryum lobbianum (Miers)
209 Cuộng vàng Icacinaceae Gỗ
Kurz
210 Cải đồng, Rau cóc Grangea maderaspatana (L.) Poir. Asteraceae Cỏ
Gymnema sylvestre (Retz.) R.Br. ex
211 Dây thìa canh Dây thìa canh Asclepiadaceae Dây leo Thân lá Bệnh đường ruột Sắc uống
Sm.
Trẻ đái dầm, Giúp phụ nữ
Gynura bicolor (Roxb. ex Willd.)
212 Bớp Bầu đất Asteraceae Cỏ Thân lá ăn khỏe sau sinh. Hồi phục Nấu ăn
DC
sức khỏe
213 Kim thất Nhật Gynura japonica (Thunb.) Juel. Asteraceae Cỏ
214 Hà biện lưỡi đỏ Habenaria rhodocheila Hance. Orchidaceae Cỏ
Dây ruột gà, Chày Hedyotis capitellata var. mollissima Đau dạ dày, Đường ruột,
215 Dạ cẩm Rubiaceae Dây leo Cả cây Sắc uống
đày mây (D) (Pit.) W.C.Ko Bệnh thận
Bạch hoa xà thiệt Sắc uống,
216 Cóc mẳn Hedyotis corymbosa (L.) Lam. Rubiaceae Cỏ Cả cây Ung thư, tiêu độc, chín mé
thảo Giã đắp

99
Dạng Bộ phận
STT Tên địa phương Tên thường dùng Tên khoa học Họ Công dụng Cách dùng
sống dùng
Bạch hoa xà thiệt
217 Hedyotis diffusa Willd. Rubiaceae Cỏ
thảo
An điền phún, Bòi
218 Hedyotis hispida Retz. Rubiaceae Cỏ
ngòi lông
Tùng nhầy cay
219 Mạ sưa hoa thân Helicia cauliflora Merr. Proteaceae Gỗ Lá Mẩn ngứa Tắm
giéng (D)
Sắc uống,
Bàn tay ma, Mây Lá, Thân, Thấp khớp, khỏe người, Xông, Nấu
220 Bàn tay ma Heliciopsis lobata (Merr.) Sleumer Proteaceae Gỗ
lạc ma (D) Rễ Viêm gan virus. Đau mắt nước rửa
mắt
Tổ kén, Đây đáy
221 Dó hẹp Helicteres angustifolia L. Sterculiaceae Bụi Cả cây Ngứa lở ngoài da Tắm
(D)
Tổ kén, Đây đáy Bổ thận, chữa hen. Tắm Sắc uống,
222 Dó lông Helicteres hirsuta Lour. Sterculiaceae Bụi Thân lá
(D) ngứa Tắm
Tầm gửi (cây Chùm gửi kí sinh, Bán ký
223 Helixanthera parasitica Lour. Loranthaceae Lá Đau dạ dày Sắc uống
Lấu) Gẻng chúi' (D) sinh
Helminthostachys zeylanica (L.)
224 Sâm chân rết Ophioglossaceae Cỏ
Hook
Đu đủ rừng, Pìa Tung trắng, Dị Heteropanax fragrans (G. Don)
225 Araliaceae Gỗ Thân Đau lưng nhức xương Sắc uống
đùn (D) sâm thơm Seem
Khúc khắc, Kim Heterosmilax gaudichaudiana Phong tê thấp, đau nhức
226 Khúc khắc Smilacaceae Dây leo Thân rễ Sắc uống
cang gaudichaud (Kunth) Maxim. xương khớp
227 Phù dung Phù dung Hibiscus mutabilis L. Malvaceae Gỗ
228 Chà ran mềm Homalium mollissimum Merr. Flacourtiaceae Gỗ Vỏ Rửa vết thương Đun rửa
Bao kim, Thiên
Thấp khớp, đau nhức
229 niên kiện, Cúng Thiên niên kiện Homalomena occulta (Lour.) Schott Araceae Cỏ Thân rễ Sắc uống
xương.
quẩy (D)
Tụ máu ở mắt, trĩ, lòi dom,
Giấp cá, Má đinh thông tiểu, chữa mụn nhọt, Giã đắp, sắc
230 Cây diếp cá Houttuynia cordata Thunb. Saururaceae Cỏ cả cây
(D) kinh nguyệt không đều. uống
Thuốc mát
Đa bay, Phong lan Sắc uống,
231 Cẩm cù nhiều hoa Hoya multiflora Blume Asclepiadaceae Dây leo Quả, Lá Viêm tai giữa, Trị sởi
tên lửa Nhỏ tai

100
Dạng Bộ phận
STT Tên địa phương Tên thường dùng Tên khoa học Họ Công dụng Cách dùng
sống dùng
Sắc uống,
232 Hoa sao Hoya sp. Asclepiadaceae Dây leo Thân lá Ho lâu ngày, Bong gân Ngâm rượu
hơ đắp
Sắc uống,
Tiêu hóa kém, Lỵ, Gãy
233 Rau má mỡ Rau má lá to Hydrocotyle nepalensis Hook. Apiaceae Cỏ Cả cây Bó gẫy
xương
xương
234 Dệu nước Đình lịch Hygrophila salicifolia (Vahl) Nees Acanthaceae Cỏ
Giải độc (khi dùng cây
Nọc sởi, Má biét Hypericum japonicum Thunb. Ex
235 Nọc sởi, Ban Clusiaceae Cỏ Cả cây thuốc không tốt, dùng cây Sắc uống
chiển (D) Murray
này để đẩy ra), Chữa sởi
Nam mộc hương, Bệnh gan, Đường ruột,
236 Bùi Ilex sp. Aquifoliaceae Bụi Vỏ cây Sắc uống
Vỏ rụt Thông trung tiện
Tắm cho phụ nữ sau sinh, Sắc uống,
237 Dây gió Liên đằng Illigera celebica Miq. Hernandiaceae Dây leo Thân lá
Đau mỏi xương khớp. Tắm
238 Liên đằng Illigera sp. Hernandiaceae Dây leo Thân lá Chữa bại liệt Sắc uống
239 Cỏ tranh Cỏ tranh Imperata cylindrica (L.) Raeusch. Poaceae Cỏ Thân rễ Lợi tiểu Sắc uống
240 Chàm bụi Indigofera suffruticosa Mill. Fabaceae Bụi
241 Mộc thông Iodes cirrhosa Turcz. Icacinaceae Dây leo Thân lá Đau nhức xương Giã đắp
Lợi sữa, nhuận gan. Đau
242 Bông đọt Tầm sét Ipomoea digitata L. Convolvulaceae Dây leo Củ Sắc uống
nhức đốt cột sống
Chống chảy máu trong (khi
243 Đơn trắng Trang trắng Ixora finlaysoniana Wall. ex G.Don Rubiaceae Bụi Lá Giã uống
bị ngã ô tô, xe máy,...)
244 Đơn đỏ Mẫu đơn Ixora coccinea L. Rubiaceae Bụi Rễ Phong tê thấp, Đái đục Sắc uống
245 Chè vằng lá to Lài Jasminum sp. Oleaceae Dây leo Thân, lá Bổ huyết, Thanh nhiệt Sắc uống
Sắc uống,
Sưng vú, Ghẻ. Phong tê
246 Chè vằng Chè vằng Jasminum subtriplinerve Blume Oleaceae Dây leo Thân lá Tắm, Giã
thấp
đắp
Bạch phụ, Dầu lai
247 Phụ tử Nam Jatropha multifida L. Euphorbiaceae Gỗ Lá Bại liệt, Trúng phong Sắc uống
nhiều khía
Thanh táo, Sùng Bó gẫy
248 Thanh táo Justicia gendarussa Burm.f. Acanthaceae Bụi Thân lá Bó gẫy xương
máo ma (D) xương
Sắc uống,
Na rừng, Cơm Phong tê thấp, đau lưng
249 Xưn xe, Na rừng Kadsura sp. Schisandraceae Dây leo Cả cây Bó gẫy
nắm trắng, Na nhức xương. Bó gẫy xương
xương

101
Dạng Bộ phận
STT Tên địa phương Tên thường dùng Tên khoa học Họ Công dụng Cách dùng
sống dùng
thần, Chấm chỉng
piếu (D)
Ngâm rượu
250 Địa liền Địa liền Kaempferia galanga L. Zingiberaceae Cỏ Thân rễ Bổ, Đau nhức xương
xoa bóp
Tam thất hoa,
251 Cẩm địa la Kaempferia rotunda L. Zingiberaceae Cỏ Thân rễ Bổ Sắc uống
Tam thất
252 Bồ công anh Bồ công anh Lactuca indica L. Asteraceae Cỏ Cả cây Sưng vú, tắc tia sữa Sắc uống
Sụn lưng (do bê nặng). Bó
253 Chóc gai Chóc gai Lasia spinosa (L.) Thwaites Araceae Cỏ Thân rễ Bó, Đắp
gẫy xương, thoái hóa
254 Xú Lasianthus sp. Rubiaceae Bụi Lá Trị sâu răng Sắc, ngậm
Đau nhức xương khớp, Lỵ,
255 Gối hạc Gối hạc Leea indica (Burm. f.) Merr. Leeaceae Bụi Rễ Sắc uống
Gan
256 Ích mẫu Ích mẫu Leonurus japonicus Houtt. Lamiaceae Cỏ Cả cây Điều kinh, đau bụng kinh Sắc uống
Viêm họng hạt, Viêm đa
257 Độc lực trắng Gió khơi Lepisanthes tetraphylla Radlk Sapindaceae Gỗ Rễ, Lá Sắc uống
khớp, Đau lưng
Limnophila aromatica (Lam.)
258 Rau om Scrophulariaceae Cỏ
Yamaz
Đái dầm, Rối loạn tiêu hóa,
259 Ô dược Ô dược, Liên đài Lindera sp. Lauraceae Gỗ Rễ Sắc uống
Đau bụng do lạnh
260 Bán chi liên Màn đất Lindernia antipoda (L.) Alston Scrophulariaceae Cỏ Cả cây Thanh nhiệt, tiêu độc Sắc uống
Lindernia ruellioides (Colsm.) Chữa đau mắt, đau bụng Sắc uống,
261 Tô liên Răng cưa tía Scrophulariaceae Cỏ Cả cây
Pennell kinh, đau dạ dày Giã đắp
Sau sau, Thau, Phong thấp, đau lưng nhức
Sắc uống,
262 Khầm nung miẻng Sau sau Liquidambar formosana Hance Altingiaceae Gỗ Cả cây xương, tắm cho phụ nữ sau
Tắm
(D) sinh
Ngoại cảm, nhức đầu, đau
Cùng chầm giéng
263 Màng tang Litsea cubeba (Lour.) Pers. Lauraceae Gỗ Thân lá dạ dày, phong thấp, kinh Sắc uống
(D)
nguyệt không đều
264 Bời lời Litsea sp. Lauraceae Gỗ Thân lá Chữa cam cho trẻ em Tắm
265 Lổ bình Tích lan Lobelia zeylanica L. Lobeliaceae Cỏ
Kim ngân vòi Mụn nhọt, mẩn ngứa, tiêu
266 Kim ngân lông Lonicera dasystyla Rehder Caprifoliaceae Dây leo Cả cây Sắc uống
nhám độc
Mụn nhọt, mẩn ngứa, tiêu
267 Kim ngân Kim ngân Lonicera japonica Thunb. Caprifoliaceae Dây leo Cả cây Sắc uống
độc

102
Dạng Bộ phận
STT Tên địa phương Tên thường dùng Tên khoa học Họ Công dụng Cách dùng
sống dùng
Cỏ đĩ, Mà dầm
Đạm trúc diệp/Cỏ Sốt rét, Nóng người, cảm
268 meng (D), Mà Lophatherum gracile Brongn. Poaceae Cỏ Rễ Sắc uống
lá tre sốt.
dầm kêm (D)
269 Dừa nước Rau dừa nước Ludwigia adscendens (L.) Hara Onagraceae Cỏ Thân lá Tiểu đường Sắc uống
Ớt ruộng, Rau Ludwigia octovalvis (Jacq.)
270 Onagraceae Cỏ Cả cây Viêm đại tràng Sắc uống
mương P.H.Raven
Giã đắp,
271 Cà hai hoa Lycianthes biflora (Lour.) Bitter Solanaceae Bụi Lá Mụn nhọt
Tắm
Thông đất, Tầu pú
Thông đất/Quyển Lycopodiella cernua (L.) Franco & Phong thấp nhức xương, Ho
272 ma (D), Ma pính Lycopodiaceae Cỏ Cả cây Sắc uống
bá Vasc. mạn tính, Sốt, An thần
(D)
Bệnh đường tiết niệu (đái
Bòng bong, Kiểm Sắc uống,
273 Bòng bong Lygodium flexuosum (L.) Sw. Lygodiaceae Dây leo Cả cây buốt, đái rắt), sỏi thận. Trị
nha sùi (D) Giã đắp
vết thương
Bòng bong nhiều Lygodium polystachyum Wall. ex T. Thuốc mát, chữa rắn cắn, trị Sắc uống,
274 Hải tiên sa Lygodiaceae Dây leo Thân lá
khía Moore ho, cầm máu Giã đắp
Maclura cochinchinensis (Lour.)
275 Mỏ quạ Moraceae Bụi
Corner
Thiểu năng tuần hoàn não,
Tầm gửi (trên Sau Macrosolen bibracteolatus (Hance) Bán ký Sắc uống,
276 Tầm gửi Loranthaceae Cả cây, Lá Phù. Lá tắm bà đẻ. Phong tê
sau) Danser sinh Tắm, Xông
thấp
Đại quản hoa ba
Macrosolen tricolor (Lecomte) Bán ký Bó gẫy
277 Tâm gửi màu (trên cây Vót Loranthaceae Thân lá Bó gãy xương
Danser sinh xương
thơm)
Tắm, Bó
278 Thuốc dấu Đơn nem Maesa balansae Mez Myrsinaceae Bụi Lá Bó gẫy xương. Ghẻ, lở ngứa
gẫy xương
Viêm gan, Ỉa chảy, Rửa vết Sắc uống,
Ba bét, Cà đát pẹ
279 Ba bét trắng Mallotus apelta (Lour.) Müll.Arg. Euphorbiaceae Gỗ Rễ thương. Chữa bọ giòi cho Đun nước
(D)
trâu bò. rửa
280 Vai trắng Bùng bục Mallotus barbatus Müll.Arg. Euphorbiaceae Gỗ
Mái đất, Ăm ánh Mua thấp, Mua 12 Chữa ngứa, ghẻ, sởi, Phong Sắc uống,
281 Melastoma dodecandrum Lour. Melastomataceae Bụi Cả cây
(D) nhị tê thấp. Hút mủ Giã đắp
Mua, Kéng pìa Mua sẻ, Mua da Sắc uống,
282 Melastoma malabathricum L. Melastomataceae Bụi Lá Ỉa chảy, Lỵ. Cầm máu
giẻng (D) hung Giã đắp

103
Dạng Bộ phận
STT Tên địa phương Tên thường dùng Tên khoa học Họ Công dụng Cách dùng
sống dùng
Mua,Pán chăn Ỉa chảy, Đại tràng, Nhuận
283 Mua bà Melastoma sanguineum Sims Melastomataceae Bụi Rễ, Lá Sắc uống
giẻng (D) tràng
284 Ngót rừng Rau sắng Melientha suavis Pierre Opiliaceae Gỗ Rễ, Lá Mát gan, thận. Sán Sắc uống
285 Trứng cua lá bố Melochia corchorifolia L. Sterculiaceae Cỏ
286 Giổi Giổi lá láng Michelia foveolata Merr. ex Dandy. Magnoliaceae Gỗ
Chu ca, Chỉ cụ, Đun nước
287 Bung lai Microcos paniculata L. Tiliaceae Gỗ Lá Nấm đầu
Cơm nguội gội đầu
Lá méo, Kim
Sắc uống,
288 sương, Đung ma Kim sương Micromelum sp. Rutaceae Bụi Rễ Chữa ho, Đau răng
Ngâm rượu
chiển (D)
289 Bạch chỉ nam Bạch chỉ nam Millettia pulchra Kurz Fabaceae Bụi Rễ Cảm sốt, Phong tê thấp Sắc uống
Chèo mèo, Cát
Thuốc bổ, ăn khỏe, Đau Sắc uống,
290 sâm, Piều mèo Sâm gạo Millettia speciosa Champ. Fabaceae Dây leo Rễ, Thân
lưng, nhức xương Ngâm rượu
(D)
291 Mai dương Mimosa pigra L. Fabaceae Bụi
Xấu hổ, Ma nhảy Viêm gan, Phong thấp, tê
292 Mắc cỡ Mimosa pudica L. Fabaceae Bụi Rễ Sắc uống
(D) bại
Momordica cochinchinensis
293 Gấc Gấc Cucurbitaceae Dây leo Rễ Đau nhức xương khớp Sắc uống
Spreng.
Monochoria vaginalis (Burm.f.)
294 Áp kiền ma (D) Rau mác lá bầu Pontederiaceae Cỏ
C.Presl
Ba kích, Húng si Xuất tinh sớm, di mộng
295 Ba kích Morinda officinalis How Rubiaceae Dây leo Rễ Sắc uống
đòi (D) tinh, khỏe gân cốt, Bổ
Mặt quỷ, Ba kích
296 Mặt quỷ Morinda umbellata L. Rubiaceae Dây leo Cả cây Bổ, lợi tiêu hóa Sắc uống
cỏng
297 Nhàu Nhàu Morinda citrifolia L. Rubiaceae Gỗ Rễ, Lá Cao huyết áp, Lỵ, Ỉa chả Sắc uống
Vỏ thân, Lợi tiểu, Đau nhức xương
298 Dâu Dâu tằm Morus alba L. Moraceae Gỗ Sắc uống
Thân lá khớp, Lợi sữa
Bướm bạc, Cờ
Rễ, Thân Phong tê thấp, Viêm gan,
299 ngai (D), Búng Bướm bạc Mussaenda pubescens W.T.Aiton Rubiaceae Bụi leo Sắc uống
lá Vàng da, Sốt
b'lậu ma (D)
Thanh mai, Cám Myrica esculenta Buch.-Ham. ex D.
300 Dâu rượu Myricaceae Gỗ Rễ Giun đũa Sắc uống
sùi (D) Don

104
Dạng Bộ phận
STT Tên địa phương Tên thường dùng Tên khoa học Họ Công dụng Cách dùng
sống dùng
Tứ phương đằng, Nhưỡng lê kim Myxopyrum smilacifolium (Wall.) Mát cơ thể. Bổ máu. Đau Ăn, Sắc
301 Oleaceae Dây leo Quả, Thân
Mây xam piếu (D) cang Blume nhức người, trúng gió uống
Đau đầu, mất ngủ, hoa mắt, Sắc uống,
Củ lạc tiên, Củ
302 Cốt cắn Nephrolepis cordifolia (L.) C. Presl Davalliaceae Cỏ Củ chóng mặt, Mất ngủ, Giải Ngâm
khát nước
nhiệt đường uống
Thuốc bổ (khỏe người, ăn
303 Mai Mai Ochna integerrima (Lour.) Merr. Ochnaceae Gỗ Vỏ thân Sắc uống
uống tốt)
Tắm khỏe (khi mệt mỏi),
304 Hương nhu trắng Ocimum gratissimum L. Lamiaceae Bụi Thân lá Xông, Tắm
cảm
Ophiopogon caulescens (Blume)
305 Cao cẳng Xà bì đứng Convallariaceae Cỏ Thân rễ Chữa ho, phong tê thấp Sắc uống
Baker
306 Cao cẳng lá rộng Ophiopogon latifolius Rodr. Convallariaceae Cỏ
Mạch môn Bắc,
307 Sâm bàn chiếu Ophiopogon tonkinensis Hook. Convallariaceae Cỏ Thân rễ Suy nhược cơ thể Sắc uống
Xà bì Bắc bộ
308 Dây gió Ràng ràng Ormosia sp. Fabaceae Gỗ Thân lá Bại liệt, cảm Sắc uống
Viêm gan, vàng da, Mẩn
309 Hoàng bá nam Núc nác Oroxylum indicum (L.) Kurz Bignoniaceae Gỗ Vỏ thân Sắc uống
ngứa, mề đay
Dứa rừng, Nom
310 Dứa dại Pandanus sp. Pandanaceae Bụi Quả Phù, đái rắt, đái ra máu Sắc uống
đào kêm (D)
Pandanus tonkinensis Martelli ex
311 Dứa dại Dứa bắc bộ Pandanaceae Bụi Quả Phù, đái rắt, đái ra máu Sắc uống
B.C.Stone
312 Lạc tiên Lạc tiên Passiflora foetida L. Passifloraceae Dây leo Cả cây An thần, gây ngủ Sắc uống
313 Sơn mộc Peliosanthes humilis Andr. Convallariaceae Cỏ
314 Lá cẩm, Húng lam Cẩm Peristrophe bivalvis (L.) Merr. Acanthaceae Cỏ Cả cây Lỵ Sắc uống
Phrynium placentarium (Lour.)
315 Dong Dong Marantaceae Cỏ Lá Giải rượu, Sốt Giã uống
Merr.
316 Dong lá đỏ Dong tía Phrynium sp. Marantaceae Cỏ Lá Giải rượu, Sốt Giã uống
Phylidrum lanuginosum Banks &
317 Khầm ma pén (D) Cỏ đuôi lươn Sol. Ex Phylidraceae Cỏ
Gaertn.
Diệp hạ châu Phyllanthus amarus Schumach. & Mụn nhọt, lở ngứa, viêm
318 Chó đẻ thân xanh Euphorbiaceae Cỏ Cả cây Sắc uống
đắng Thonn. gan, vàng da

105
Dạng Bộ phận
STT Tên địa phương Tên thường dùng Tên khoa học Họ Công dụng Cách dùng
sống dùng
Sắc uống,
Đau nhức xương, bó chân
319 Me núi, Me mun Chùm ruột núi Phyllanthus emblica L. Euphorbiaceae Gỗ Rễ Bó gẫy
tay gẫy
xương
Đau nhức xương khớp, Sởi,
320 Phèn đen Phèn đen Phyllanthus reticulatus Poir. Euphorbiaceae Bụi Rễ, Lá Sắc uống
Sốt
Mụn nhọt, lở ngứa, viêm
321 Diệp hạ châu Chó đẻ răng cưa Phyllanthus urinaria L. Euphorbiaceae Cỏ Cả cây Sắc uống
gan, vàng da
Lu lu cái, Tầm
322 Tầm bóp Physalis angulata L. Solanaceae Cỏ Cả cây Ho có đờm, Lợi tiểu Sắc uống
bóp
323 Lăn tăn Pilea microphylla (L.) Liebm. Urticaceae Cỏ
Cau rừng, Pón Vỏ quả, Chữa phù (Vỏ quả), Đái ra
324 Cau chuột Pinanga sp. Arecaceae Bụi Sắc uống
long gai (D) thân máu
Sắc uống,
Lá lốt, Khầm giấy Nẻ chân. Đau xương, mồ
325 Lá lốt Piper lolot C.DC. Piperaceae Cỏ Cả cây Đun nước
láu (D) hôi trộm, chân tay lạnh
rửa
Lá lốt rừng, Khầm Phong tê
326 Piper sp. Piperaceae Dây leo Cả cây Sắc uống
giấy láu kêm (D) thấp
327 Mã đề Á Plantago asiatica L. Plantaginaceae Cỏ
328 Mã đề Mã đề Plantago major L. Plantaginaceae Cỏ Cả cây Sốt, lợi tiểu, thông tiểu  
Cảm mạo, Bí tiểu, Phong tê
Sài hồ nam, Cúc Rễ, Thân Sắc uống,
329 Cúc tần Pluchea indica (L.) Less. Asteraceae Bụi thấp, đau nhức xương,
tần lá Giã đắp
Bong gân, Ghẻ
Pogostemon auricularius (L.)
330 Đuôi rùa Tu hùng tai Lamiaceae Cỏ Cả cây Cảm sốt, Hậu sản Sắc uống
Hassk.
Thồm lồm, Hỏa
Sắc uống,
331 khôi đằng, Khầm Thồm lồm Polygonum chinensis L. Polygonaceae Cỏ Thân lá Mụn nhọt, chốc lở. Lỵ
Tắm
pú thàn mạ (D)
Tắm; Nhỏ
332 Nghể, Răm dại Nghể thân mềm Polygonum minus Huds. Polygonaceae Cỏ Cả cây Ngứa, Đỉa chui trong tai
vào tai
Nghể thông
333 thường, Mễ tử Polygonum plebeium R. Br . Polygonaceae Cỏ
liễu
Polyscias balfouriana (André) Bổ, Tăng lực, Lợi sữa, Tắc
334 Đinh lăng lá tròn Đinh lăng lá tròn Araliaceae Bụi Rễ Sắc uống
L.H.Bailey sữa

106
Dạng Bộ phận
STT Tên địa phương Tên thường dùng Tên khoa học Họ Công dụng Cách dùng
sống dùng
Bổ, Tăng lực, Lợi sữa, Tắc
335 Đinh lăng Đinh lăng Polyscias fruticosa (L.) Harms Araliaceae Bụi Rễ Sắc uống
sữa
Chân rết, Khầm
336 Tràng pháo Pothos repens (Lour.) Merr. Araceae Dây leo Cả cây Cầm máu Giã đắp
ma phặp (D)
337 Bọ mắm Bọ mắm Pouzolzia zeylanica (L.) Benn. Urticaceae Cỏ Cả cây Ho, Lợi tiểu Sắc uống
Pratia nummularia (Lam.) A.Braun
338 Nhã hoa Lobeliaceae Cỏ Cả cây Ngứa, bệnh ngoài da Tắm
& Asch.
Cách chelalier, Viêm gan, vàng da, vàng
339 Cây vàng lá nhỏ Premna chevalieri Dop Verbenaceae Gỗ Thân, Lá Sắc uống
Cách vàng mắt
Viêm gan, vàng da, vàng
340 Cây vàng lá to Cách Premna sp. Verbenaceae Gỗ Cả cây Sắc uống
mắt
Dền rừng, Hoàn Pseuderanthemum palatiferum
341 Xuân hoa Acanthaceae Bụi Lá Rối loạn tiêu hóa, Đại tràng Sắc uống
ngọc (Wall.) Radlk.
Sắc uống,
Ổi, Pấn đoong
342 Ổi Psidium guajava L. Myrtaceae Gỗ Lá Lỵ Nhai/giã
(D)
uống
343 Lấu bò Psychotria serpens L. Rubiaceae Dây leo
Đơn độc, Bồ
Đau nhức xương khớp, Mủ Sắc uống,
chác, Tàu pú cha
344 Lấu Psychotria sp. Rubiaceae Bụi Rễ đang sưng, Cảm cúm, Ỉa Xông, Giã
(D), Đu khùng
chảy, Cảm thương hàn đắp
(D)
345 Cỏ seo gà Cỏ luồng Pteris ensiformis Burm.f. Pteridaceae Cỏ Cả cây Viêm gan, Trĩ Sắc uống
Viêm ruột, viêm gan, tiêu
346 Bạch chi tán Seo gà Pteris semipinnata L. Pteridaceae Cỏ Cả cây Sắc uống
mủ, kiết lỵ
Lòng máng lá đa
347 Bàng mang Pterospermum diversifolium Blume Sterculiaceae Gỗ Cả cây Đi ngoài Sắc uống
dạng
Sắn dây rừng,
348 Sắn dây rừng Pueraria sp. Fabaceae Dây leo Thân Ong đốt Giã uống
Đâu đat' mây (D)
349 Thông thảo Rà đẹt lửa Radermachera ignea (Kurz) Steenis Bignoniaceae Gỗ Thân Phù thũng Sắc uống
Ngâm rượu
350 Trầm vàng Mận rừng hoa tán Rhamnus crenata var. crenata Rhamnaceae Gỗ Vỏ rễ Chữa hắc lào, ghẻ
bôi
Phong lan tai trâu,
Rhaphidophora bonii Engl. & Viêm tai giữa, Ngứa, bệnh Sắc nhỏ vào
351 Khầm ma phặp Trâm đài Bon Araceae Dây leo Thân, lá
K.Krause ngoài da tai, Tắm
(D)

107
Dạng Bộ phận
STT Tên địa phương Tên thường dùng Tên khoa học Họ Công dụng Cách dùng
sống dùng
352 Bạch hạc Bạch hạc Rhinacanthus nasutus (L.) Kurz Acanthaceae Bụi Lá, Rễ Hắc lào Giã, bôi
Viêm dạ dày, viêm ruột,
Rhodomyrtus tomentosa (Aiton)
353 Sim, Piều ním (D) Sim Myrtaceae Bụi Rễ, Lá viêm gan, đau nhức xương Sắc uống
Hassk.
khớp, lỵ
354 Muối Rhus chinensis Mill. Anacardiaceae Gỗ
355 Thầu dầu Thầu dầu Ricinus communis L. Euphorbiaceae Gỗ Lá Trĩ Giã đắp
356 Vẩy ốc Vẩy ốc lá tròn Rotala rotundifolia Koehne Lythraceae Cỏ Cả cây Viêm gan, đau bụng kinh Sắc uống
Bổ máu, tốt nhất cho phụ
357 Khế rừng Đóc chó, Khế leo Rourea minor (Gaertn.) Alston Connaraceae Dây leo Thân, Rễ Sắc uống
nữ sau sinh
Mâm xôi, Mê Tiêu hóa kém, phù thũng,
358 Ngấy hương Rubus cochinchinensis Tratt. Rosaceae Bụi leo Thân lá Sắc uống
cuồng cuồng viêm gan, Trẻ em sốt nóng
Khầm ghìm bu Rubus etropicus (Hand.-Mazz.)
359 Dum không đổi Rosaceae Bụi Quả Bổ dương Ăn
(D) Thuan.
Phụ nữ sau sinh, kém ăn,
360 Quầng quầng Dum Rubus sp.1 Rosaceae Bụi Thân Sắc uống
kém ngủ
361 Quầng quầng Dum Rubus sp.2 Rosaceae Bụi Cả cây Sỏi thận Sắc uống
Ép nước
362 Mía đỏ Mía đỏ Saccharum officinarum L. Poaceae Cỏ Thân Lợi tiểu, Tiểu đường
uống
Sa môn Quảng
363 Đuôi công đỏ Salomonia cantoniensis Lour. Polygalaceae Cỏ Cả cây Đau mắt đỏ Giã đắp
Đông
Cơm cháy, Bát Cơm cháy, Tiếp Rễ, Thân
364 Sambucus javanica Blume Caprifoliaceae Gỗ Thấp khớp, Phù thũng Sắc uống
long ma cốt thảo lá
Hổ vĩ, Mèo tấy
365 Lưỡi hổ Sansevieria trifasciata Prain Dracaenaceae Cỏ Lá Viêm họng, Ho, Lậu Sắc uống
(D)
Dây khế rừng, Santaloides harmandianum (Pierre) Hồi phục sức khỏe cho phụ
366 Khế rừng Connaraceae Dây leo Thân Sắc uống
Dầu nhi mây (D) G. Schellenb. nữ sau sinh
Sapium discolor (Benth.) MueIl.-
367 Sòi tía Euphorbiaceae Gỗ
Arg.
Phong tê thấp, đau nhức
368 Sói rừng Sói rừng Sarcandra glabra (Thunb.) Nakai Chloranthaceae Bụi Cả cây Sắc uống
xương, Ung thư
Sarcandra glabra (Thunb.) Nakai Phong tê thấp, đau nhức
369 Sói rừng Sói rừng Chloranthaceae Bụi Cả cây Sắc uống
var. sp. xương, Ung thư
Nhàu nhớt, Xạ
370 Nóng Saurauia tristyla DC. Actinidiaceae Gỗ Thân lá Sởi Tắm
pan (D)

108
Dạng Bộ phận
STT Tên địa phương Tên thường dùng Tên khoa học Họ Công dụng Cách dùng
sống dùng
Ngũ gia bì, Óm Ngũ gia bì chân Rễ, Vỏ Bổ, Đau nhức xương khớp,
371 Schefflera heptaphylla (L.) Frodin Araliaceae Gỗ Sắc uống
sạt' chién (D) chim thân đau lưng, thần kinh tọa,…
Rễ, Vỏ Đau nhức xương khớp, đau
372 Chân chim Chân chim Schefflera sp. Araliaceae Gỗ Sắc uống
thân lưng
373 Cam thảo nam Cam thảo nam Scoparia dulcis L. Scrophulariaceae Cỏ Cả cây Chữa sốt, cảm cúm, ho, sởi Sắc uống
Đơn mặt quỷ, Zảy Quyển bá Nấm đầu, ngứa đầu, Cầm Gội đầu,
374 Selaginella doederleinii Hieron. Selaginellaceae Cỏ Cả cây
ỏn ma (D) Doederlein máu Sao đen đắp
Thau ba lá, Mùn Phong thấp, đau lưng nhức
Thau, Sau sau lá Semiliquidambar cathayensis Hung Sắc uống,
375 ắm ma (D), Ban Altingiaceae Gỗ Cả cây xương, tắm cho phụ nữ sau
lê T. Chang Tắm
biến phúng (H) sinh, phù
376 Ma bấy (D) Vọng giang nam Senna occidentalis (L.) Link Fabaceae Bụi Cả cây Sởi Tắm
377 Thảo quyết minh Thảo quyết minh Senna tora (L.) Roxb. Fabaceae Bụi Hạt An thần, gây ngủ, Táo bón Sắc uống
Ké hoa vàng, Chét Sida rhombifolia var. retusa (L.) Giã với muối, đắp mụn nhọt
378 Ké hoa vàng Malvaceae Bụi Cả cây Giã đắp
tắt (D) Mast. để hút mủ
Phong tê thấp, đau lưng
379 Hy thiêm Hy thiêm Sigesbeckia orientalis L. Asteraceae Cỏ Cả cây Sắc uống
nhức xương
Khúc khắc, Năng Rối loạn tiêu hóa, viêm
Sắc uống,
380 gào đoi (D), Rẩy Thổ phục linh Smilax glabra Wall. ex Roxb. Smilacaceae Dây leo Thân rễ thận, phong thấp, viêm
Ngâm rượu
tấy ma (D) khớp, mụn nhọt độc
381 Năng gào đoi (D) Kim cang thon Smilax lanceifolia Roxb. Smilacaceae Dây leo Thân rễ Thuốc bổ, mát. Ngâm rượu
Kim cang sinh
382 Năng gào đoi (D) sôi, Tỳ giải, Dây Smilax ocreata A.DC. Smilacaceae Dây leo Thân rễ Thuốc bổ, mát Ngâm rượu
chông chông
Tỳ giải, Năng gào Đái đục, đái ra dưỡng chất. Sắc uống,
383 Kim cang Smilax sp. Smilacaceae Dây leo Thân rễ
đoi (D) Thuốc bổ, mát. Ngâm rượu
Tầm bóp, Zảy Sắc uống,
384 Lu lu đực Solanum americanum Mill. Solanaceae Cỏ Cả cây Tắm ngứa, Men gan cao
c'lửi (D) Tắm
Xông (Hạt
385 Cà gai Cà dạng ớt Solanum capsicoides Allioni. Solanaceae Bụi Hạt Sâu răng
đốt xông)
Sắc uống,
386 Cà dại Cà dại hoa trắng Solanum torvum Sw. Solanaceae Bụi Rễ, Lá Ho, Mụn nhọt
Giã đắp
Sơn linh Thượng
387 Mua Sonerila cantonensis Stapf Melastomataceae Cỏ Thân lá Mở khóa đầu Giã đắp
Hải

109
Dạng Bộ phận
STT Tên địa phương Tên thường dùng Tên khoa học Họ Công dụng Cách dùng
sống dùng
Bổ máu, Điều kinh, Phong
388 Kê huyết đằng Kê huyết đằng Spatholobus suberectus Dunn Fabaceae Dây leo Thân Sắc uống
tê thấp
389 Cúc nút áo Spilanthes oleracea L. Asteraceae Cỏ
Stachytarpheta jamaicensis (L.)
390 Đuôi chuột Đuôi chuột Verbenaceae Bụi Rễ Lỵ, Ỉa chảy Sắc uống
Vahl
Gừng tía, Tam Stahlianthus involucratus (King ex Nấu ăn (với
391 Thổ điền thất Zingiberaceae Cỏ Thân rễ Ho, Bổ, Diệt chấy, Giun
thất Baker) Craib ex Loes. gà)
Bách bộ, Củ ba
392 mươi, S'lây zải Bách bộ Stemona tuberosa Lour. Stemonaceae Dây leo Rễ củ An thần, gây ngủ Sắc uống
đoi (D)
Tiêu hóa kém, Bụng đầy
393 Bình vôi Bình vôi Stephania sp. Menispermaceae Dây leo Củ Sắc uống
trướng, Phù thũng, Mát gan
394 Sảng Sảng, Trôm thon Sterculia lanceolata Cav. Sterculiaceae Gỗ Rễ Ho, Mụn nhọt Sắc uống
Sắc uống,
Trứng rùa, Mầy Đau mắt, mắt toét. Trị đau Nướng
395 Trứng quốc Stixis scandens Lour. Capparaceae Bụi leo Rễ
ngheng (D) nhức xương, nổi hạch thành tro,
chấm
396 Ô rô Duối ô rô Streblus ilicifolia (Vidal) Corner Moraceae Bụi Vỏ thân Chữa mụn nhọt Giã đắp
Hà thủ ô trắng, Streptocaulon juventas (Lour.) Phong thấp tê bại, đau nhức Sắc uống,
397 Hà thủ ô trắng Asclepiadaceae Dây leo Rễ củ
Khầm mà pu (D) Merr. gân xương. Hắc lào. Bổ Nhựa bôi
398 Phong đơn Chàm Strobilanthes sp. Acanthaceae Bụi Cả cây Tắm ngứa Tắm
399 Dung Dung Symplocos sp. Symplocaceae Gỗ Lá Đau dạ dày Sắc uống
Vết thương, đau dạ dày, ghẻ Sắc uống,
400 Cây chó đẻ Bọ xít Synedrella nodiflora (L.) Gaertn. Asteraceae Cỏ Thân lá
lở Giã đắp
401 Chè nội Syzygium sp. Myrtaceae Bụi Lá Tiêu hóa kém Sắc uống
Syzygium polyanthum (Wight)
402 Sắn thuyền Sắn thuyền Myrtaceae Gỗ Vỏ thân Lỵ Sắc uống
Walp.
Đơn xương, Ngộ Thân lá, Xương khớp, hậu sản, xông Sắc uống,
403 Lài búp, Ly búp Tabernaemontana bufalina Lour. Apocynaceae Bụi
độc Rễ xoang. Ngứa Tắm, Xông
404 Đơn xương Ớt làn Tabernaemontana sp. Apocynaceae Bụi Nhựa Chữa ghẻ Bôi
Tiêu hóa kém, Viêm gan,
405 Râu hùm Râu hùm Tacca chantrieri André Taccaceae Cỏ Thân rễ vàng da, Kinh nguyệt không Sắc uống
đều

110
Dạng Bộ phận
STT Tên địa phương Tên thường dùng Tên khoa học Họ Công dụng Cách dùng
sống dùng
Cảm, sốt, trị giun sán, Mẩn
Lưỡi rắn, Mà Sắc uống,
406 Cổ bình, Mũi mác Tadehagi triquetrum (L.) Ohashi Fabaceae Bụi cả cây ngứa, lở, Cảm thương hàn,
gièng c'lảng (D) Tắm
Đau nhức xương
Talinum paniculatum (Jacq.)
407 Thổ cao ly sâm Thổ cao ly sâm Portulacaceae Cỏ Rễ Bổ, cơ thể suy nhược Sắc uống
Gaertn.
Hạt mộc Balansa,
Tầm gửi, Gẻng Taxillus balansae (Lecomte) Bán ký
408 Chùm gửi Tiên Loranthaceae
chúi' (D) Danser sinh
Yên
Tầm gửi, Gẻng Bán ký
409 Tầm gửi cây lấu Taxillus parasiticus (L.) Ban Loranthaceae
chúi' (D) sinh
Giã uống,
410 Thiên lý Thiên lý Telosma cordata (Burm. f.) Merr. Asclepiadaceae Dây leo Lá Trĩ
Đắp
Dây lửa, Chúng Đau nhức lưng. Giun sán,
411 Dây chiều Tetracera scandens (L.) Merr. Dilleniaceae Dây leo Rễ, Thân Sắc uống
chéng mây (D) Lỵ
412 Ràm rạp Tứ thư Tetrastigma sp.1 Vitaceae Dây leo Thân, lá Trị ngứa Tắm
413 Ràm rạp gai Tứ thư Tetrastigma sp.2 Vitaceae Dây leo Rễ Phong tê thấp Sắc uống
Bông ỏng, Khầm Thysanolaena maxima (Roxb.) O. Ve chui vào tai, sâu thân
414 Bông lau/chít Poaceae Cỏ Lá Giã nhỏ tai
bíp nom (D) Ktze dùng bồi bổ
Dây ký ninh, Sặp Tinospora crispa (L.) Hook. f. & Sắc uống,
415 Dây ký ninh Menispermaceae Dây leo Thân Sốt rét, ngứa lở ngoài da
sán mây ghím (D) Thomson Tắm
Sắc uống,
Đau lưng đau khớp, chữa
Đậu xương, Sặp Ngâm rượu,
416 Dây đau xương Tinospora sinensis (Lour.) Merr. Menispermaceae Dây leo Thân sốt rét, Vết thương, gẫy
sán mây (D) Bó gẫy
xương
xương
Cảm sốt, Mụn nhọt, Viêm
417 Thanh ngân Tô liên cùng màu Torenia concolor Lindl. Scrophulariaceae Cỏ Cả cây Sắc uống
gan
Torenia flava Buch.-Ham. ex
418 Đơn bọ nẹt Tô liên vàng Scrophulariaceae Cỏ Cả cây Ngứa Tắm
Benth.
Toxicodendron succedanea (L.)
419 Sơn Sơn Anacardiaceae Gỗ
Moldenke
Thài lài tía, Cháy Suy thận, phù thận, Đại
420 Hồng trai Tradescantia zebrina Bosse Commelinaceae Cỏ Cả cây Sắc uống
c'lang ma (D) tràng
Ca mài nóm kiển
421 Hu đay lá hẹp Trema angustifolia (Planch.) Blume Ulmaceae Gỗ
(D)

111
Dạng Bộ phận
STT Tên địa phương Tên thường dùng Tên khoa học Họ Công dụng Cách dùng
sống dùng
422 Trần mai đông Trema orientalis (L.) Blume Ulmaceae Gỗ
423 Ma bót (D) Ké đay vàng Triumfetta bartramia L. Tiliaceae Bụi Rễ Sỏi thận Sắc uống
424 Bán hạ Bán hạ nam Typhonium trilobatum (L.) Schott Araceae Cỏ Củ Rắn cắn, Mụn nhọt Giã đắp
Vết thương do ngã. Đau
425 Câu đằng Câu đằng Uncaria sp. Rubiaceae Bụi leo Cả cây Sắc uống
nhức xương
Hầu vĩ tóc, Tậu Sắc uống,
426 Tậu chó Uraria crinita (L.) DC. Fabaceae Bụi Rễ, Lá Tê thấp, Sốt, Ho
chó Xông
Răng bừa hồng, Urceola rosea (Hook. & Arn.) Sắc uống,
427 Mũn rừng Apocynaceae Dây leo Lá Xoang mũi
Lá nồm D.J.Middleton Xông
Đỗ trọng nam,
428 Mặc sang Urceola sp. Apocynaceae Dây leo Thân Đau lưng, xương khớp Sắc uống
Đòn sóc
Ké hoa đào, Cúng Cảm cúm, Lỵ, Táo bón,
429 Ké hoa đào Urena lobata L. Malvaceae Bụi Rễ, Thân Sắc uống
nhùng (D) Phong tê thấp
430 Ké khuyết Urena procumbens L. Malvaceae Bụi
Vĩ diệp Trung
431 Urophyllum chinense Merr. & Chun Rubiaceae Bụi
Quốc
432 Sơn trâm Bắc bộ Vaccinium tonkinense Dop Ericaceae Bụi Thân rễ Đau nhức xương khớp Sắc uống
Dây xó nhà, Dây Đau lưng, xương khớp, tăng
433 xanh, Mây mẻng Cốt khí dây Ventilago leiocarpa Benth. Rhamnaceae Dây leo Rễ, Thân cường khả năng sinh dục Sắc uống
(D) cho đàn ông. Bó gẫy xương
Viêm gan, viêm đường
434 Cỏ roi ngựa Cỏ roi ngựa Verbena officinalis L. Verbenaceae Cỏ Cả cây Sắc uống
niệu, Cảm sốt, Ho
Lỵ, Ỉa chảy, Đau dạ dày,
435 Bạch đầu ông Bạch đầu ông Vernonia cinerea (L.) Less. Asteraceae Cỏ Cả cây Sắc uống
Viêm gan, vàng da
436 Bạch đầu nhỏ Vernonia patula (Dryand.) Merr. Asteraceae Cỏ
Nhịp tim không đều, ăn
437 Rau ráu Bạch đầu Vernonia sp.1 Asteraceae Dây leo Cả cây Sắc uống
uống kém
Thuốc mát, Cảm sốt, Ăn
438 Rau ráu trâu Bạch đầu Vernonia sp.2 Asteraceae Dây leo Cả cây Sắc uống
uống kém
Phong tê thấp, đòn ngã sưng
Sắc uống,
439 Cây gạo Vót thơm Viburnum odoratissimus Ker Gawl. Capprifoliaceae Gỗ Lá, Thân đau, gãy xương, bệnh ngoài
Giã đắp
da (ngứa, eczema,…)
Cảm cúm, đau đầu, phong
440 Mạn kinh Đẻn cánh Vitex pinnata L. Verbenaceae Gỗ Quả Sắc uống
tê thấp

112
Dạng Bộ phận
STT Tên địa phương Tên thường dùng Tên khoa học Họ Công dụng Cách dùng
sống dùng
441 Mạn kinh Mạn kinh 5 lá Vitex quinata (Lour.) Williams Verbenaceae Gỗ Vỏ thân Bổ, Kích thích tiêu hóa Sắc uống
Mụn nhọt lên đinh sắp
Cây Dó, Đố mần'
442 Niệt dó Wikstroemia indica (L.) C.A. Mey. Thymelaeaceae Bụi Lá mưng mủ. Eczema, bệnh Sắc uống
(D)
ngoài da
443 Thừng mực Mức láng Wrightia laevis Hook.f. Apocynaceae Gỗ Thân Đau lưng, nhức xương Sắc uống
Cả cây,
444 Ké đầu ngựa Ké đầu ngựa Xanthium inaequilaterum DC. Asteraceae Bụi Sởi, Phong tê thấp Sắc uống
Quả
Sắc uống,
Đòn tân, Zảy đang Thân, Vỏ Đau răng, Viêm gan vàng Vỏ rễ nhét
445 Muồng truổng Zanthoxylum avicennae (Lam.) DC. Rutaceae Gỗ
cỏng (D) rễ da, Phong tê thấp vào lỗ đau
răng
Hoàng lực cây,
Hoàng mộc nhiều Zanthoxylum myriacanthum Wall.
446 Zẩy đang nhầy Rutaceae Gỗ Rễ Đau nhức xương khớp Sắc uống
gai ex Hook.f.
(D)
Đau bụng, Đầy chướng,
447 Gừng Gừng Zingiber officinale Roscoe Zingiberaceae Cỏ Thân rễ Sắc uống
Khó tiêu, Phong tê thấp
Phống ù, Bồng
Zingiber zerumbet (L.) Roscoe ex
448 bồng, Mò ho s'lát Gừng gió Zingiberaceae Cỏ Thân rễ Bổ cho phụ nữ sau sinh Nấu ăn
Sm.
(D)
449 Bồ kết gai Táo Zizyphus sp. Rhamnaceae Bụi Hạt Đi ngoài Sắc uống
450 Móc tía (KB) Rubiaceae Bụi Cả cây Chữa bại liệt Sắc uống
451 Độc lực tía (KB) Sapindaceae Gỗ Rễ Viêm đa khớp Sắc uống

Ghi chú: (D) tên tiếng Dao, (H) tên tiếng Hoa

113
PHỤ LỤC 2.2. DANH MỤC CÁC HỌ CÂY THUỐC Ở KHU VỰC
YÊN TỬ (xếp theo thứ tự tên khoa học)
Tên họ Số chi Số loài
STT
Tên khoa học Tên tiếng Việt Số lượng Tỷ lệ % Số lượng Tỷ lệ %
1 Acanthaceae Ô rô 7 2,12 7 1,55
2 Acoraceae Xương bồ 1 0,30 1 0,22
3 Actinidiaceae Dương đào 1 0,30 1 0,22
4 Adiantaceae Tóc thần 1 0,30 3 0,67
5 Altingiaceae Sau sau 2 0,61 2 0,44
6 Amaranthaceae Rau dền 4 1,21 4 0,89
7 Amaryllidaceae Thủy tiên 1 0,30 1 0,22
8 Anacardiaceae Đào lộn hột 3 0,91 3 0,67
9 Ancistrocladaceae Trung quân 1 0,30 1 0,22
10 Annonaceae Na 2 0,61 2 0,44
11 Apiaceae Cần 2 0,61 2 0,44
12 Apocynaceae Trúc đào 3 0,91 5 1,11
13 Aquifoliaceae Nhựa ruồi 1 0,30 1 0,22
14 Araceae Ráy 8 2,42 9 2,00
15 Araliaceae Ngũ gia bì 5 1,52 7 1,55
16 Arecaceae Cau 2 0,61 2 0,44
17 Aristolochiaceae Nam mộc hương 2 0,61 2 0,44
18 Asclepiadaceae Thiên lý 5 1,52 6 1,33
19 Asparagaceae Thiên môn đông 1 0,30 1 0,22
20 Aspleniaceae Tổ chim 1 0,30 1 0,22
21 Asteliaceae Huyết dụ 1 0,30 1 0,22
22 Asteraceae Cúc 24 7,27 31 6,87
23 Aucubaceae Giác mộc 1 0,30 1 0,22
24 Balanophoraceae Dó đất 1 0,30 1 0,22
25 Begoniaceae Thu hải đường 1 0,30 1 0,22
26 Bignoniaceae Núc nác 2 0,61 2 0,44
27 Bixaceae Điều nhuộm 1 0,30 1 0,22
28 Boraginaceae Vòi voi 1 0,30 2 0,44
29 Burseraceae Trám 1 0,30 1 0,22
30 Capparaceae Màn màn 1 0,30 1 0,22
31 Caprifoliaceae Kim ngân 3 0,91 4 0,89
32 Caryophyllaceae Cẩm chướng 1 0,30 1 0,22
33 Chenopodiaceae Rau muối 1 0,30 1 0,22
34 Chloranthaceae Hoa sói 1 0,30 2 0,44
35 Clusiaceae Măng cụt 3 0,91 4 0,89
36 Commelinaceae Thài lài 4 1,21 4 0,89

114
Tên họ Số chi Số loài
STT
Tên khoa học Tên tiếng Việt Số lượng Tỷ lệ % Số lượng Tỷ lệ %
37 Connaraceae Dây khế 2 0,61 2 0,44
38 Convallariaceae Hoàng tinh 4 1,21 6 1,33
39 Convolvulaceae Bìm bìm 2 0,61 2 0,44
40 Costaceae Mía dò 1 0,30 1 0,22
41 Crassulaceae Thuốc bỏng 1 0,30 1 0,22
42 Cucurbitaceae Bầu bí 1 0,30 1 0,22
43 Cycadaceae Tuế 1 0,30 1 0,22
44 Daphnyphyllaceae Vai 1 0,30 1 0,22
45 Davalliaceae Vẩy hợp 1 0,30 1 0,22
46 Dicksoniaceae Cẩu tích 1 0,30 1 0,22
47 Dilleniaceae Sổ 1 0,30 1 0,22
48 Dioscoreaceae Củ nâu 1 0,30 3 0,67
49 Dracaenaceae Bồng bồng 2 0,61 3 0,67
50 Ebenaceae Thị 1 0,30 2 0,44
51 Elaeagnaceae Nhót 1 0,30 1 0,22
52 Equisetaceae Cỏ tháp bút 1 0,30 1 0,22
53 Ericaceae Đỗ quyên 1 0,30 1 0,22
54 Eriocaulaceae Cỏ dùi trống 1 0,30 1 0,22
55 Euphorbiaceae Thầu dầu 14 4,24 20 4,43
56 Fabaceae Đậu 24 7,27 32 7,10
57 Flacourtiaceae Bồ quân 1 0,30 1 0,22
58 Flagellariaceae Mây nước 1 0,30 1 0,22
59 Gentianaceae Long đởm 1 0,30 1 0,22
60 Gesneriaceae Rau tai voi 1 0,30 1 0,22
61 Gnetaceae Dây gắm 1 0,30 1 0,22
62 Hernandiaceae Lưỡi chó 1 0,30 2 0,44
63 Hypoxidaceae Tỏi voi lùn 1 0,30 1 0,22
64 Icacinaceae Mộc thông ta 3 0,91 3 0,67
65 Iridaceae La dơn 1 0,30 1 0,22
66 Lamiaceae Bạc hà 6 1,82 6 1,33
67 Lauraceae Long não 5 1,52 6 1,33
68 Leeaceae Gối hạc 1 0,30 1 0,22
69 Lobeliaceae Bã thuốc 2 0,61 2 0,44
70 Lomariopsidaceae Lá roi 1 0,30 1 0,22
71 Loranthaceae Tầm gửi 3 0,91 5 1,11
72 Lycopodiaceae Thông đất 1 0,30 1 0,22
73 Lygodiaceae Bòng bong 1 0,30 2 0,44
74 Lythraceae Tử vi 1 0,30 1 0,22
75 Magnoliaceae Ngọc Lan 1 0,30 1 0,22

115
Tên họ Số chi Số loài
STT
Tên khoa học Tên tiếng Việt Số lượng Tỷ lệ % Số lượng Tỷ lệ %
76 Malvaceae Bông 5 1,52 7 1,55
77 Marantaceae Dong riềng 1 0,30 2 0,44
78 Melastomataceae Mua 2 0,61 4 0,89
79 Menispermaceae Tiết dê 3 0,91 4 0,89
80 Moraceae Dâu tằm 4 1,21 12 2,66
81 Myricaceae Dâu rượu 1 0,30 1 0,22
82 Myrsinaceae Đơn nem 3 0,91 9 2,00
83 Myrtaceae Sim 4 1,21 5 1,11
84 Ochnaceae Mai 1 0,30 1 0,22
85 Oleaceae Nhài 2 0,61 3 0,67
86 Onagraceae Rau dừa nước 1 0,30 2 0,44
87 Ophioglossaceae Lưỡi rắn 1 0,30 1 0,22
88 Opiliaceae Rau sắng 1 0,30 1 0,22
89 Orchidaceae Lan 4 1,21 5 1,11
90 Orobanchaceae Lệ đương 1 0,30 1 0,22
91 Oxalidaceae Chua me đất 1 0,30 1 0,22
92 Pandanaceae Dứa dại 1 0,30 2 0,44
93 Passifloraceae Lạc tiên 2 0,61 2 0,44
94 Phormiaceae Hương lâu 1 0,30 1 0,22
95 Phylidraceae Đuôi lươn 1 0,30 1 0,22
96 Piperaceae Hồ tiêu 1 0,30 2 0,44
97 Plantaginaceae Mã đề 1 0,30 2 0,44
98 Poaceae Lúa 7 2,12 7 1,55
99 Polygalaceae Viễn chí 1 0,30 1 0,22
100 Polygonaceae Rau răm 2 0,61 4 0,89
101 Polypodiaceae Ráng 1 0,30 2 0,44
102 Pontederiaceae Bèo lục bình 1 0,30 1 0,22
103 Portulacaceae Rau sam 1 0,30 1 0,22
104 Proteaceae Chẹo thui 2 0,61 2 0,44
105 Pteridaceae Cỏ seo gà 1 0,30 2 0,44
106 Ranunculaceae Hoàng liên 1 0,30 2 0,44
107 Rhamnaceae Táo ta 4 1,21 4 0,89
108 Rhizophoraceae Đước 1 0,30 1 0,22
109 Rosaceae Hoa hồng 2 0,61 5 1,11
110 Rubiaceae Cà phê 12 3,64 21 4,66
111 Rutaceae Cam 8 2,42 10 2,22
112 Santalaceae Đàn hương 1 0,30 1 0,22
113 Sapindaceae Bồ hòn 1 0,30 2 0,44
114 Saururaceae Lá giấp 1 0,30 1 0,22

116
Tên họ Số chi Số loài
STT
Tên khoa học Tên tiếng Việt Số lượng Tỷ lệ % Số lượng Tỷ lệ %
115 Schisandraceae Ngũ vị 1 0,30 1 0,22
116 Scrophulariaceae Hoa mõm chó 5 1,52 8 1,77
117 Selaginellaceae Quyển bá 1 0,30 1 0,22
118 Simaroubaceae Thanh thất 1 0,30 1 0,22
119 Smilacaceae Kim cang 2 0,61 5 1,11
120 Solanaceae Cà 3 0,91 5 1,11
121 Stemonaceae Bách bộ 1 0,30 1 0,22
122 Sterculiaceae Trôm 4 1,21 5 1,11
123 Symplocaceae Dung 1 0,30 1 0,22
124 Taccaceae Râu hùm 1 0,30 1 0,22
125 Thymelaeaceae Trầm 1 0,30 1 0,22
126 Tiliaceae Đay 3 0,91 4 0,89
127 Ulmaceae Du 2 0,61 3 0,67
128 Urticaceae Gai 4 1,21 6 1,33
129 Verbenaceae Cỏ roi ngựa 6 1,82 13 2,88
130 Vitaceae Nho 4 1,21 8 1,77
131 Zingiberaceae Gừng 6 1,82 12 2,66
Tổng cộng 330 100,00 451 100,00

117
PHỤ LỤC 2.3. DANH MỤC CÁC CHI CÂY THUỐC Ở KHU VỰC YÊN
TỬ (xếp theo thứ tự tên chi)

STT Tên chi Số loài Tỷ lệ % STT Tên chi Số loài Tỷ lệ %


1 Abelmoschus 2 0,44 37 Asarum 1 0,22
2 Abrus 2 0,44 38 Asparagus 1 0,22
3 Abutilon 1 0,22 39 Aspidistra 1 0,22
4 Achyranthes 1 0,22 40 Asplenium 1 0,22
5 Acorus 1 0,22 41 Atalantia 1 0,22
6 Acronychia 1 0,22 42 Aucuba 1 0,22
7 Actinodaphne 1 0,22 43 Averrhoa 1 0,22
8 Adenanthera 1 0,22 44 Baeckea 1 0,22
9 Adenia 1 0,22 45 Balanophora 1 0,22
10 Adenosma 2 0,44 46 Bauhinia 2 0,44
11 Adenostemma 1 0,22 47 Begonia 1 0,22
12 Adiantum 3 0,67 48 Berchemia 1 0,22
13 Aeginetia 1 0,22 49 Bidens 1 0,22
14 Aeschynanthus 1 0,22 50 Bischofia 1 0,22
15 Ageratum 1 0,22 51 Bixa 1 0,22
16 Ainsliaea 1 0,22 52 Blumea 3 0,67
17 Alchornea 1 0,22 53 Boehmeria 3 0,67
18 Alocasia 2 0,44 54 Bowringia 1 0,22
19 Alpinia 3 0,67 55 Brassaiopsis 1 0,22
20 Alternanthera 1 0,22 56 Breynia 2 0,44
21 Alysicarpus 1 0,22 57 Bridelia 1 0,22
22 Amischotolype 1 0,22 58 Bryophyllum 1 0,22
23 Amorphophallus 1 0,22 59 Caesalpinia 1 0,22
24 Ampelopsis 2 0,44 60 Cajanus 1 0,22
25 Ancistrocladus 1 0,22 61 Callicarpa 2 0,44
26 Anisomeles 1 0,22 62 Canarium 1 0,22
27 Anoectochilus 1 0,22 63 Canscora 1 0,22
28 Aporosa 1 0,22 64 Carallia 1 0,22
29 Aralia 1 0,22 65 Cassia 1 0,22
30 Archidendron 1 0,22 66 Cassytha 1 0,22
31 Ardisia 7 1,55 67 Catunaregam 1 0,22
32 Areca 1 0,22 68 Cayratia 2 0,44
33 Argyreia 1 0,22 69 Celosia 1 0,22
34 Arisaema 1 0,22 70 Centella 1 0,22
35 Aristolochia 1 0,22 71 Centipeda 1 0,22
36 Artemisia 1 0,22 72 Chamaecrista 1 0,22

118
STT Tên chi Số loài Tỷ lệ % STT Tên chi Số loài Tỷ lệ %
73 Cheilocostus 1 0,22 113 Drynaria 2 0,44
74 Choerospondias 1 0,22 114 Duchesna 1 0,22
75 Chromolaena 1 0,22 115 Dysphania 1 0,22
76 Chrysopogon 1 0,22 116 Eclipta 1 0,22
77 Cibotium 1 0,22 117 Ehretia 2 0,44
78 Cinnamomum 1 0,22 118 Elaeagnus 1 0,22
79 Cissus 2 0,44 119 Elaphoglossum 1 0,22
80 Citrus 2 0,44 120 Elatostema 1 0,22
81 Clausena 1 0,22 121 Elephantopus 2 0,44
82 Clematis 2 0,44 122 Eleusine 1 0,22
83 Clerodendrum 5 1,11 123 Eleutherine 1 0,22
84 Codonacanthus 1 0,22 124 Elsholtzia 1 0,22
85 Coix 1 0,22 125 Embelia 1 0,22
86 Commelina 1 0,22 126 Emilia 1 0,22
87 Conyza 1 0,22 127 Entada 1 0,22
88 Corchorus 2 0,44 128 Equisetum 1 0,22
89 Cordyline 1 0,22 129 Eriocaulon 1 0,22
90 Crassocephalum 1 0,22 130 Erythrina 1 0,22
91 Cratoxylon 1 0,22 131 Euodia 1 0,22
92 Crinum 1 0,22 132 Eupatorium 1 0,22
93 Crotalaria 1 0,22 133 Euphorbia 1 0,22
94 Croton 1 0,22 134 Eurycoma 1 0,22
95 Curculigo 1 0,22 135 Excoecaria 1 0,22
96 Curcuma 3 0,67 136 Fallopia 1 0,22
97 Cyathula 1 0,22 137 Fibraurea 1 0,22
98 Cycas 1 0,22 138 Ficus 9 2,00
99 Daphniphyllum 1 0,22 139 Flagellaria 1 0,22
100 Dendrobium 2 0,44 140 Flemingia 1 0,22
101 Dendrotrophe 1 0,22 141 Floscopa 1 0,22
102 Dentella 1 0,22 142 Galeola 1 0,22
103 Desmodium 4 0,89 143 Garcinia 2 0,44
104 Desmos 1 0,22 144 Gardenia 2 0,44
105 Dianella 1 0,22 145 Geophila 1 0,22
106 Dichrocephala 1 0,22 146 Gironniera 1 0,22
107 Dioscorea 3 0,67 147 Globba 1 0,22
108 Diospyros 2 0,44 148 Glochidion 2 0,44
109 Dischidia 1 0,22 149 Glycosmis 1 0,22
110 Disporopsis 1 0,22 150 Gnetum 1 0,22
111 Dracaena 2 0,44 151 Gomphandra 1 0,22
112 Drymaria 1 0,22 152 Gomphostemma 1 0,22

119
STT Tên chi Số loài Tỷ lệ % STT Tên chi Số loài Tỷ lệ %
153 Goniothalamus 1 0,22 193 Limnophila 1 0,22
154 Gonocaryum 1 0,22 194 Lindera 1 0,22
155 Grangea 1 0,22 195 Lindernia 2 0,44
156 Gymnema 1 0,22 196 Liquidambar 1 0,22
157 Gynura 2 0,44 197 Litsea 2 0,44
158 Habenaria 1 0,22 198 Lobelia 1 0,22
159 Hedyotis 4 0,89 199 Lonicera 2 0,44
160 Helicia 1 0,22 200 Lophatherum 1 0,22
161 Heliciopsis 1 0,22 201 Ludwigia 2 0,44
162 Helicteres 2 0,44 202 Lycianthes 1 0,22
163 Helixanthera 1 0,22 203 Lycopodiella 1 0,22
164 Helminthostachys 1 0,22 204 Lygodium 2 0,44
165 Heteropanax 1 0,22 205 Maclura 1 0,22
166 Heterosmilax 1 0,22 206 Macrosolen 2 0,44
167 Hibiscus 1 0,22 207 Maesa 1 0,22
168 Homalium 1 0,22 208 Mallotus 2 0,44
169 Homalomena 1 0,22 209 Melastoma 3 0,67
170 Houttuynia 1 0,22 210 Melientha 1 0,22
171 Hoya 2 0,44 211 Melochia 1 0,22
172 Hydrocotyle 1 0,22 212 Michelia 1 0,22
173 Hygrophila 1 0,22 213 Microcos 1 0,22
174 Hypericum 1 0,22 214 Micromelum 1 0,22
175 Ilex 1 0,22 215 Millettia 2 0,44
176 Illigera 2 0,44 216 Mimosa 2 0,44
177 Imperata 1 0,22 217 Momordica 1 0,22
178 Indigofera 1 0,22 218 Monochoria 1 0,22
179 Iodes 1 0,22 219 Morinda 2 0,44
180 Ipomoea 1 0,22 220 Morus 1 0,22
181 Ixora 2 0,44 221 Mussaenda 1 0,22
182 Jasminum 2 0,44 222 Myrica 1 0,22
183 Jatropha 1 0,22 223 Myxopyrum 1 0,22
184 Justicia 1 0,22 224 Nephrolepis 1 0,22
185 Kadsura 1 0,22 225 Ochna 1 0,22
186 Kaempferia 2 0,44 226 Ocimum 1 0,22
187 Lactuca 1 0,22 227 Ophiopogon 3 0,67
188 Lasia 1 0,22 228 Ormosia 1 0,22
189 Lasianthus 1 0,22 229 Oroxylum 1 0,22
190 Leea 1 0,22 230 Pandanus 2 0,44
191 Leonurus 1 0,22 231 Passiflora 1 0,22
192 Lepisanthes 1 0,22 232 Peliosanthes 1 0,22

120
STT Tên chi Số loài Tỷ lệ % STT Tên chi Số loài Tỷ lệ %
233 Peristrophe 1 0,22 273 Saurauia 1 0,22
234 Phrynium 2 0,44 274 Schefflera 2 0,44
235 Phylidrum 1 0,22 275 Scoparia 1 0,22
236 Phyllanthus 4 0,89 276 Selaginella 1 0,22
237 Physalis 1 0,22 277 Semiliquidambar 1 0,22
238 Pilea 1 0,22 278 Senna 2 0,44
239 Pinanga 1 0,22 279 Sida 1 0,22
240 Piper 2 0,44 280 Sigesbeckia 1 0,22
241 Plantago 2 0,44 281 Smilax 4 0,89
242 Pluchea 1 0,22 282 Solanum 3 0,67
243 Pogostemon 1 0,22 283 Sonerila 1 0,22
244 Polygonum 3 0,67 284 Spatholobus 1 0,22
245 Polyscias 2 0,44 285 Spilanthes 1 0,22
246 Pothos 1 0,22 286 Stachytarpheta 1 0,22
247 Pouzolzia 1 0,22 287 Stahlianthus 1 0,22
248 Pratia 1 0,22 288 Stemona 1 0,22
249 Premna 2 0,44 289 Stephania 1 0,22
250 Pseuderanthemum 1 0,22 290 Sterculia 1 0,22
251 Psidium 1 0,22 291 Stixis 1 0,22
252 Psychotria 2 0,44 292 Streblus 1 0,22
253 Pteris 2 0,44 293 Streptocaulon 1 0,22
254 Pterospermum 1 0,22 294 Strobilanthes 1 0,22
255 Pueraria 1 0,22 295 Symplocos 1 0,22
256 Radermachera 1 0,22 296 Synedrella 1 0,22
257 Rhamnus 1 0,22 297 Syzygium 2 0,44
258 Rhaphidophora 1 0,22 298 Tabernaemontana 2 0,44
259 Rhinacanthus 1 0,22 299 Tacca 1 0,22
260 Rhodomyrtus 1 0,22 300 Tadehagi 1 0,22
261 Rhus 1 0,22 301 Talinum 1 0,22
262 Ricinus 1 0,22 302 Taxillus 2 0,44
263 Rotala 1 0,22 303 Telosma 1 0,22
264 Rourea 1 0,22 304 Tetracera 1 0,22
265 Rubus 4 0,89 305 Tetrastigma 2 0,44
266 Saccharum 1 0,22 306 Thysanolaena 1 0,22
267 Salomonia 1 0,22 307 Tinospora 2 0,44
268 Sambucus 1 0,22 308 Torenia 2 0,44
269 Sansevieria 1 0,22 309 Toxicodendron 1 0,22
270 Santaloides 1 0,22 310 Tradescantia 1 0,22
271 Sapium 1 0,22 311 Trema 2 0,44
272 Sarcandra 2 0,44 312 Triumfetta 1 0,22

121
STT Tên chi Số loài Tỷ lệ % STT Tên chi Số loài Tỷ lệ %
313 Typhonium 1 0,22 323 Viburnum 1 0,22
314 Uncaria 1 0,22 324 Vitex 2 0,44
315 Uraria 1 0,22 325 Wikstroemia 1 0,22
316 Urceola 2 0,44 326 Wrightia 1 0,22
317 Urena 2 0,44 327 Xanthium 1 0,22
318 Urophyllum 1 0,22 328 Zanthoxylum 2 0,44
319 Vaccinium 1 0,22 329 Zingiber 3 0,67
320 Ventilago 1 0,22 330 Zizyphus 1 0,22
321 Verbena 1 0,22 331 (KB) 2 0,44
322 Vernonia 4 0,89 Tổng 451 100,00

122
PHỤ LỤC 2.4. DANH MỤC 194 LOÀI XUẤT HIỆN Ở
51 Ô NGHIÊN CỨU (xếp theo thứ tự tên khoa học)
Số ô Số lần xuất hiện theo nhóm
Tỷ lệ thảm thực vật
STT Tên khoa học xuất
%
hiện I II III
1 Abrus pulchellus subsp. mollis (Hance) Verdc. 4 7,84 2 2

2 Acorus gramineus Soland. 1 1,96 1


3 Acronychia pedunculata (L.) Miq. 4 7,84 2 2
4 Adenia penangiana var. parvifolia (Pierre ex 3 5,88 1 2
Gagnep.) W.J.de Wilde
5 Adenosma caeruleum R.Br 3 5,88 2 1
6 Adiantum flabellulatum L. 19 37,25 10 9
7 Adiantum philippense L. 5 9,80 3 2
8 Aeschynanthus sp. 1 1,96 1
9 Ageratum conyzoides L. 1 1,96 1
10 Alchornea rugosa (Lour.) Müll.Arg. 13 25,49 9 4
11 Alocasia macrorrhiza (L.) G. Don. 2 3,92 1 1
12 Alpinia sp. 6 11,76 3 3
13 Amischolotype sp. 2 3,92 2
14 Ampelopsis cantoniensis (Hook. et Arn.) 11 21,57 9 2
Planch.
15 Ancistrocladus tectorius (Lour.) Merr. 4 7,84 3 1
16 Aporosa sp. 2 3,92 1 1
17 Aralia armata (G. Don) Seem. 2 3,92 2
18 Archidendron clypearia (Jack) I.Nielsen 7 13,73 5 2
19 Ardisia crenata Sims 11 21,57 7 4
20 Ardisia gigantifolia Stapf 2 3,92 1 1
21 Ardisia quinquegona Blume 22 43,14 13 9
22 Ardisia sp.1 5 9,80 2 3
23 Ardisia sp.2 4 7,84 2 2
24 Ardisia villosa Roxb 3 5,88 3
25 Arisaema hypoglaucum Craib 1 1,96 1
26 Aspidistra tonkinensis (Gagn.) Wang & Lang. 3 5,88 2 1
27 Atalantia buxifolia (Poir.) Oliv. ex Benth. 1 1,96 1
28 Balanophora sp. 2 3,92 1 1
29 Bauhinia sp.1 2 3,92 1 1
30 Bauhinia sp.2 3 5,88 1 2
31 Begonia sp. 3 5,88 1 1 1
32 Bischofia javanica Blume 3 5,88 2 1
33 Bowringia callicarpa Champ. ex Benth. 3 5,88 2 1

123
Số ô Số lần xuất hiện theo nhóm
Tỷ lệ thảm thực vật
STT Tên khoa học xuất
%
hiện I II III
34 Breynia fruticosa (L.) Hook. 18 35,29 13 5
35 Breynia sp. 4 7,84 3 1
36 Callicarpa longissima (Hemsl.) Merr. 3 5,88 1 2
37 Callicarpa rubella Lindl 3 5,88 2 1
38 Carallia lancaefolia Roxb. 10 19,61 9 1
39 Catunaregam spinosa (Thunb.) Tirveng. 24 47,06 14 10
40 Cayratia sp. 3 5,88 2 1
41 Centella asiatica (L.) Urb. 2 3,92 2
42 Chromolaena odorata (L.) R.M.King & H.Rob. 3 5,88 3
43 Chrysopogon aciculatus (Retz.) Trin. 1 1,96 1
44 Cibotium barometz (L.) Sm. 2 3,92 1 1
45 Clausena excavata Burm. 10 19,61 7 3
46 Clematis granulata (L.) Ohwi. 6 11,76 4 2
47 Clerodendrum cyrtophyllum Turcz. 10 19,61 9 1
48 Clerodendrum fortunatum L. 1 1,96 1
49 Clerodendrum japonicum (Thunb.) Sweet 1 1,96 1
50 Commelina communis L. 1 1,96 1
51 Cratoxylon formosum (Jack) Benth. Et Hook. 7 13,73 5 2
52 Curculigo latifolia Dryand. ex W.T.Aiton 1 1,96 1
53 Cyathula prostrata (L.) Blume 1 1,96 1
54 Daphniphyllum calycinum Benth. 1 1,96 1
55 Dendrobium brunneum Schuit. & Peter 1 1,96 1
B.Adams
56 Dendrobium sp. 1 1,96 1
57 Dendrotrophe frutescens (Benth.) Danser. 6 11,76 4 2
58 Desmodium heterocarpon (L.) DC. 1 1,96 1
59 Desmos chinensis Lour 13 25,49 9 4
60 Dianella ensifolia (L.) DC. 2 3,92 2
61 Dioscorea bulbifera L. 1 1,96 1
62 Dioscorea hispida Dennst. 1 1,96 1
63 Dioscorea pentaphylla L. 1 1,96 1
64 Disporopsis longifolia Craib. 1 1,96 1
65 Dracaena angustifolia Roxb. 7 13,73 3 4
66 Drynaria bonii H.Christ 1 1,96 1
67 Duchesna indica (Andr.) Focke 1 1,96 1
68 Elaeagnus sp. 3 5,88 1 2
69 Elaphoglossum sp. 1 1,96 1
70 Elephantopus scaber L. 2 3,92 2
71 Embelia ribes Burm. 10 19,61 6 4

124
Số ô Số lần xuất hiện theo nhóm
Tỷ lệ thảm thực vật
STT Tên khoa học xuất
%
hiện I II III
72 Eriocaulon sp. 1 1,96 1
73 Euodia lepta (Spreng.) Merr. 7 13,73 7
74 Eurycoma longifolia Jack 3 5,88 3
75 Fibraurea recisa Pierre 1 1,96 1
76 Ficus abelii Miq. 3 5,88 3
77 Ficus hirta subsp. roxburghii (King) C.C.Berg 14 27,45 9 5
78 Flemingia macrophylla (Willd.) Merr. 1 1,96 1
79 Garcinia sp. 1 1,96 1
80 Gardenia stenophylla Merr. 1 1,96 1
81 Gironniera subaequalis Planch. 1 1,96 1
82 Glochidion eriocarpum Champ. ex Benth. 24 47,06 18 6
83 Gnetum montanum Markgr. 12 23,53 7 5
84 Gomphandra mollis Merr. 2 3,92 1 1
85 Gomphostemma leptodon Dunn 5 9,80 2 3
86 Goniothalamus vietnamensis Ban 6 11,76 3 3
87 Gonocaryum lobbianum (Miers) Kurz 1 1,96 1
88 Hedyotis capitellata var. mollissima (Pit.) 25 49,02 20 5
W.C.Ko
89 Helicia cauliflora Merr. 1 1,96 1
90 Heliciopsis lobata (Merr.) Sleumer 1 1,96 1
91 Helicteres angustifolia L. 7 13,73 6 1
92 Helixanthera parasitica Lour. 1 1,96 1
93 Heteropanax fragrans (G. Don) Seem 1 1,96 1
94 Heterosmilax gaudichaudiana (Kunth) Maxim. 2 3,92 1 1
95 Homalomena occulta (Lour.) Schott 1 1,96 1
96 Houttuynia cordata Thunb. 1 1,96 1
97 Hypericum japonicum Thunb. Ex Murray 2 3,92 2
98 Illigera celebica Miq. 2 3,92 2
99 Illigera sp. 3 5,88 2 1
100 Iodes cirrhosa Turcz. 1 1,96 1
101 Jasminum sp. 3 5,88 3
102 Jasminum subtriplinerve Blume 4 7,84 3 1
103 Kadsura sp. 1 1,96 1
104 Lasia spinosa (L.) Thwaites 1 1,96 1
105 Lasianthus sp. 1 1,96 1
106 Lepisanthes tetraphylla Radlk 6 11,76 4 2
107 Limnophila aromatica (Lam.) Yamaz 2 3,92 2
108 Liquidambar formosana Hance 2 3,92 1 1
109 Litsea sp. 2 3,92 2

125
Số ô Số lần xuất hiện theo nhóm
Tỷ lệ thảm thực vật
STT Tên khoa học xuất
%
hiện I II III
110 Lobelia zeylanica L. 1 1,96 1
111 Lophatherum gracile Brongn. 8 15,69 6 1 1
112 Ludwigia octovalvis (Jacq.) P.H.Raven 2 3,92 2
113 Lycopodiella cernua (L.) Franco & Vasc .. 2 3,92 2
114 Lygodium flexuosum (L.) Sw. 18 35,29 11 7
115 Lygodium polystachyum Wall. ex T. Moore 5 9,80 4 1
116 Maesa balansae Mez 11 21,57 5 6
117 Mallotus apelta (Lour.) Müll.Arg. 2 3,92 1 1
118 Melastoma dodecandrum Lour. 6 11,76 5 1
119 Melastoma malabathricum L. 9 17,65 8 1
120 Melastoma sanguineum Sims 9 17,65 7 2
121 Microcos paniculata L. 1 1,96 1
122 Micromelum sp. 39 76,47 25 14
123 Millettia speciosa Champ. 7 13,73 5 2
124 Monochoria vaginalis (Burm.f.) C.Presl 1 1,96 1
125 Morinda officinalis How 1 1,96 1
126 Mussaenda pubescens W.T.Aiton 13 25,49 9 4
127 Myxopyrum smilacifolium (Wall.) Blume 5 9,80 2 3
128 Nephrolepis cordifolia (L.) C. Presl 1 1,96 1
129 Ophiopogon caulescens (Blume) Baker 13 25,49 7 6
130 Ophiopogon latifolius Rodr. 1 1,96 1
131 Pandanus sp. 7 13,73 5 1 1
132 Pandanus tonkinensis Martelli ex B.C.Stone 2 3,92 1 1
133 Peliosanthes humilis Andr. 2 3,92 1 1
134 Phyllanthus urinaria L. 1 1,96 1
135 Pinanga sp. 3 5,88 2 1
136 Piper lolot C.DC. 1 1,96 2
137 Piper sp. 1 1,96 1
138 Polygonum chinensis L. 4 7,84 2 1 1
139 Pothos repens (Lour.) Merr. 17 33,33 9 8
140 Premna sp. 1 1,96 1
141 Psychotria serpens L. 2 3,92 2
142 Psychotria sp. 37 72,55 24 13
143 Pteris ensiformis Burm.f. 6 11,76 6
144 Pteris semipinnata L. 4 7,84 2 2
145 Pterospermum diversifolium Blume 3 5,88 3 1
146 Pueraria sp. 5 9,80 3 2
147 Radermachera ignea (Kurz) Steenis 1 1,96 1
148 Rhaphidophora bonii Engl. & K.Krause 8 15,69 4 4

126
Số ô Số lần xuất hiện theo nhóm
Tỷ lệ thảm thực vật
STT Tên khoa học xuất
%
hiện I II III
149 Rhodomyrtus tomentosa (Aiton) Hassk. 14 27,45 10 4
150 Rourea minor (Gaertn.) Alston 5 9,80 3 2
151 Rubiaceae sp. 1 1,96 1
152 Rubus cochinchinensis Tratt. 8 15,69 6 2
153 Rubus sp.2 1 1,96 1
154 Sapindaceae 2 3,92 1 1
155 Sapium discolor (Benth.) MueIl.-Arg. 1 1,96 1
156 Sarcandra glabra (Thunb.) Nakai 8 15,69 5 3
157 Saurauia tristyla DC. 3 5,88 2 1
158 Schefflera heptaphylla (L.) Frodin 3 5,88 3
159 Schefflera sp. 22 43,14 15 7
160 Selaginella doederleinii Hieron. 3 5,88 2 1
161 Smilax glabra Wall. ex Roxb. 17 33,33 11 6
162 Smilax lanceifolia Roxb. 5 9,80 4 1
163 Smilax ocreata A.DC. 10 19,61 5 5
164 Smilax sp. 4 7,84 2 2
165 Stemona tuberosa Lour. 5 9,80 3 2
166 Stephania sp. 3 5,88 1 2
167 Sterculia lanceolata Cav. 1 1,96 1
168 Stixis scandens Lour. 1 1,96 1
169 Streblus ilicifolia (Vidal) Corner 1 1,96 1
170 Streptocaulon juventas (Lour.) Merr. 4 7,84 3 1
171 Strobilanthes sp. 6 11,76 5 1
172 Symplocos sp. 4 7,84 2 2
173 Syzygium sp. 7 13,73 3 4
174 Tabernaemontana bufalina Lour. 10 19,61 6 4
175 Tabernaemontana sp. 3 5,88 1 2
176 Tacca chantrieri André 1 1,96 1
177 Tadehagi triquetrum (L.) Ohashi 1 1,96 1
178 Tetracera scandens (L.) Merr. 25 49,02 13 12
179 Tetrastigma sp.1 3 5,88 1 2
180 Tetrastigma sp.2 2 3,92 1 1
181 Thysanolaena maxima (Roxb.) O. Ktze 1 1,96 1
182 Tinospora sinensis (Lour.) Merr. 4 7,84 3 1
183 Torenia concolor Lindl. 3 5,88 2 1
184 Urceola rosea (Hook. & Arn.) D.J.Middleton 1 1,96 1
185 Urceola sp. 15 29,41 10 5
186 Urena procumbens L. 2 3,92 2
187 Ventilago leiocarpa Benth. 2 3,92 2

127
Số ô Số lần xuất hiện theo nhóm
Tỷ lệ thảm thực vật
STT Tên khoa học xuất
%
hiện I II III
188 Vernonia cinerea (L.) Less. 1 1,96 7 2
189 Vernonia sp.1 9 17,65 1
190 Vernonia sp.2 1 1,96 1
191 Viburnum odoratissimus Ker Gawl. 3 5,88 2 1
192 Vitex pinnata L. 1 1,96 1
193 Zanthoxylum avicennae (Lam.) DC. 2 3,92 2
194 Zizyphus sp. 3 5,88 3

128
PHỤ LỤC 2.5. DANH MỤC CÂY THUỐC ĐƯỢC TRỒNG TẠI VƯỜN GIA ĐÌNH
(xếp theo thứ tự tên khoa học)
Không
Tần Tần xuất
STT Tên địa phương Tên thường dùng Tên khoa học Họ
số suất hiện ở
rừng
1 Vông vang Vông vang Abelmoschus moschatus Medik. Malvaceae 1 0,08
2 Sâm bố chính Sâm bố chính Abelmoschus sagittifolius (Kurz) Merr. Malvaceae 1 0,08 x
3 Cam thảo dây Cam thảo dây Abrus precatorius L. Fabaceae 2 0,17 x
4 Cối xay Cối xay Abutilon indicum (L.) Sweet Malvaceae 4 0,33 x
5 Cỏ xước Cỏ xước Achyranthes aspera L. Amaranthaceae 5 0,42
6 Thạch xương bồ, Tầm xà pầu Thạch xương bồ Acorus gramineus Aiton Acoraceae 4 0,33
(D)
7 Nhân trần, Ma nhậu (D) Nhân trần Adenosma caeruleum R.Br. Scrophulariaceae 2 0,17
8 Tùng đáy ma (D), Cứt lợn Cứt lợn Ageratum conyzoides (L.) L. Asteraceae 2 0,17
9 Ráy Ráy đuôi nhọn, Ráy túi Alocasia cucullata (Lour.) G.Don Araceae 1 0,08 x
10 Riềng Riềng Alpinia galanga (L.) Willd. Zingiberaceae 5 0,42 x
11 Riềng ấm Riềng thuốc Alpinia officinarum Hance Zingiberaceae 1 0,08 x
12 Khoai nưa Khoai nưa Amorphophallus paeoniifolius (Dennst.) Araceae 1 0,08 x
Nicolson
13 Chè dây Chè dây Ampelopsis cantoniensis (Hook. & Arn.) K. Koch Vitaceae 1 0,08
14 Phòng phong thảo Cỏ thiên thảo Anisomeles indica (L.) Kuntze Lamiaceae 1 0,08
15 Khôi Khôi trắng Ardisia gigantifolia Stapf Myrsinaceae 4 0,33
16 Cau Cau Areca catechu L. Arecaceae 1 0,08 x
17 Bạc thau Bạc thau, Thảo bạc Argyreia acuta Lour. Convolvulaceae 2 0,17 x
nhọn
18 Ngải cứu Ngải cứu Artemisia vulgaris L. Asteraceae 2 0,17 x

129
Không
Tần Tần xuất
STT Tên địa phương Tên thường dùng Tên khoa học Họ
số suất hiện ở
rừng
19 Trầu 1 lá Tế hoa petelot Asarum petelotii O.C.Schmidt Aristolochiaceae 1 0,08
20 Thiên môn đông Thiên môn đông Asparagus cochinchinensis (Lour.) Merr. Asparagaceae 1 0,08 x
21 Tầm xoọng Tầm xoọng Atalantia buxifolia (Poir.) Oliv. ex Benth. Rutaceae 1 0,08
22 Khế Khế Averrhoa carambola L. Oxalidaceae 1 0,08 x
23 Mấy s'lì (D) Cứt chuột Berchemia loureiriana DC. Rhamnaceae 1 0,08
24 Xương sông Xương sông Blumea lanceolaria (Roxb.) Druce Asteraceae 1 0,08 x
25 Gai Gai Boehmeria nivea (L.) Gaudich. Urticaceae 3 0,25 x
26 Mô, Phướng lăng Brassaiopsis sp. Araliaceae 1 0,08 x
27 Bồ cu vẽ Bồ cu vẽ Breynia fruticosa (L.) Müll.Arg. Euphorbiaceae 2 0,17
28 Tầm sạn, Sau vắn gièng (D) Đỏm Bridelia sp. Euphorbiaceae 2 0,17
29 Thuốc bỏng Thuốc bỏng Bryophyllum pinnatum (Lam.) Oken Crassulaceae 1 0,08 x
30 Đỗ chiều Đậu chiều Cajanus cajan (L.) Millsp. Fabaceae 2 0,17 x
31 Xa diệc Tử châu hạ long Callicarpa longissima (Hemsl.) Merr. Verbenaceae 2 0,17
32 Piêu clám (D) Trám Canarium album (Lour.) DC. Burseraceae 1 0,08 x
33 Canh ki na Ô môi Cassia grandis L.f. Fabaceae 1 0,08 x
34 Mào gà Mào gà trắng Celosia argentea L. Amaranthaceae 1 0,08
35 Mía voi, Mía ông, Mía dò Mía dò Cheilocostus speciosus (J.König) C.Specht Costaceae 6 0,50
36 Culi Cẩu tích Cibotium barometz (L.) Sm. Dicksoniaceae 1 0,08
37 Vù hương Vù hương Cinnamomum parthenoxylon (Jack) Meisn. Lauraceae 1 0,08 x
38 Bạch phấn đằng, Sạch dong Chìa vôi Cissus modeccoides Planch. Vitaceae 2 0,17
mây (D)
39 Dây vuông Hồ đằng mũi giáo Cissus hastata Miq. Vitaceae 1 0,08
40 Chanh Chanh Citrus aurantiifolia (Christm.) Swingle Rutaceae 1 0,08 x

130
Không
Tần Tần xuất
STT Tên địa phương Tên thường dùng Tên khoa học Họ
số suất hiện ở
rừng
41 Bưởi Bưởi Citrus maxima (Burm.) Merr. Rutaceae 1 0,08 x
42 Cây cứt gà, Sống nhệch, Lá Dâm hôi Clausena excavata Burm. Rutaceae 7 0,58
méo, Chày đay ma (D)
43 Bạch đồng nữ Bạch đồng nữ Clerodendrum chinense var. simplex (Moldenke) Verbenaceae 1 0,08
S.L.Chen
44 Bọ mẩy, Mây ỉm (D) Bọ mẩy Clerodendrum cyrtophyllum Turcz. Verbenaceae 2 0,17
45 Bọ mẩy tía Bọ mẩy đỏ, Ngọc nữ Clerodendrum fortunatum L. Verbenaceae 1 0,08
hên
46 Bạch đồng nữ Xích đồng nam Clerodendrum japonicum (Thunb.) Sweet Verbenaceae 1 0,08
47 Ý dĩ Ý dĩ Coix lacryma-jobi L. Poaceae 2 0,17
48 Đay Đay quả tròn Corchorus capsularis L. Tiliaceae 1 0,08 x
49 Huyết dụ, Thì đui (D) Huyết dụ Cordyline fruticosa (L.) A.Chev. Asteliaceae 5 0,42 x
50 Trinh nữ hoàng cung Trinh nữ hoàng cung Crinum latifolium L. Amaryllidaceae 1 0,08 x
51 Đơn xương Sục sạc Crotalaria pallida Aiton Fabaceae 1 0,08
52 Khổ sâm Khổ sâm Croton tonkinensis Gagnep. Euphorbiaceae 3 0,25 x
53 Nghệ xanh Nghệ xanh Curcuma aeruginosa Roxb. Zingiberaceae 1 0,08 x
54 Nghệ vàng Nghệ vàng Curcuma longa L. Zingiberaceae 5 0,42 x
55 Nghệ đen Nghệ đen Curcuma zedoaria (Christm.) Roscoe Zingiberaceae 4 0,33 x
56 Cỏ xước lá nhỏ, Sài dũi, Bạch Cỏ xước bông đỏ Cyathula prostrata (L.) Blume Amaranthaceae 4 0,33
thi tán
57 Thạc hộc Thạc hộc Dendrobium sp. Orchidaceae 1 0,08
58 Thóc lép, Đuôi chó Thóc lép sông Hằng Desmodium gangeticum (L.) DC. Fabaceae 2 0,17
59 Thóc lép đực, Lạc dại Tràng quả dị quả Desmodium heterocarpon (L.) DC. Fabaceae 2 0,17
60 Kim tiền thảo Kim tiền thảo Desmodium styracifolium (Osbeck) Merr. Fabaceae 2 0,17 x

131
Không
Tần Tần xuất
STT Tên địa phương Tên thường dùng Tên khoa học Họ
số suất hiện ở
rừng
61 Hương bài Hương bài Dianella ensifolia (L.) DC. Phormiaceae 1 0,08
62 Cây gió Khoai dái, Khoai trời Dioscorea bulbifera L. Dioscoreaceae 1 0,08
63 Củ nâu trắng Củ nần, Mài lông Dioscorea hispida Dennst. Dioscoreaceae 1 0,08
64 Củ gai, Ngũ gia bì củ Từ năm lá Dioscorea pentaphylla L. Dioscoreaceae 1 0,08
65 Hồng Hồng Diospyros kaki L.f. Ebenaceae 1 0,08 x
66 Hoàng tinh Hoàng tinh Disporopsis longifolia Craib. Convallariaceae 3 0,25
67 Sâm cau Huyết giác Dracaena cochinchinensis (Lour.) S.C.Chen Dracaenaceae 1 0,08
68 Tắc kè đá Tắc kè đá Drynaria bonii H.Christ Polypodiaceae 1 0,08
69 Cốt toái bổ Cốt toái bổ Drynaria fortunei (Mett.) J. Sm . Polypodiaceae 1 0,08
70 Nhọ nồi Nhọ nồi Eclipta prostrata (L.) L. Asteraceae 1 0,08
71 Đơn bọ nẹt Cườm rụm nhọn Ehretia acuminata R.Br. Boraginaceae 1 0,08 x
72 Xạ đen Xạ đen Ehretia asperula Zoll. & Moritzi Boraginaceae 1 0,08 x
73 Chỉ thiên Chân voi mềm Elephantopus mollis Kunth Asteraceae 1 0,08
74 Cây mặt trời, Thổi lửa, Chỉ Chỉ thiên Elephantopus scaber L. Asteraceae 4 0,33
thiên, Ma piẹt (D)
75 Cỏ mần trầu Cỏ mần trầu Eleusine indica (L.) Gaertn. Poaceae 1 0,08
76 Sâm đại hành Sâm đại hành Eleutherine bulbosa (Mill.) Urb. Iridaceae 1 0,08 x
77 Kinh giới Kinh giới Elsholtzia ciliata (Thunb.) Hyl. Lamiaceae 1 0,08 x
78 Dây mũn Thùn mũn Embelia ribes Burm.f. Myrsinaceae 1 0,08
79 Bàm bàm Bàm bàm Entada phaseoloides (L.) Merr. Fabaceae 1 0,08
80 Vông nem Vông nem Erythrina variegata L. Fabaceae 2 0,17 x
81 Ba chạc Ba chạc Euodia lepta (Spreng.) Merr. Rutaceae 1 0,08
82 Mần tưới Mần tưới Eupatorium fortunei Turcz. Asteraceae 1 0,08 x

132
Không
Tần Tần xuất
STT Tên địa phương Tên thường dùng Tên khoa học Họ
số suất hiện ở
rừng
83 Đơn mặt trời, Ban hồng Đơn đỏ Excoecaria cochinchinensis Lour. Euphorbiaceae 4 0,33 x
84 Xà dzong mây (D) Hà thủ ô đỏ Fallopia multiflora (Thunb.) Haraldson Polygonaceae 1 0,08 x
85 Hoàng liên Hoàng đằng Fibraurea recisa Pierre Menispermaceae 3 0,25
86 Vú bò, Hoàng kỳ nam, Cây Ngõa khỉ Ficus hirta subsp. roxburghii (King) C.C.Berg Moraceae 4 0,33
cơm nguội
87 Ngái Ngái Ficus hispida L.f. Moraceae 2 0,17
88 Si Si Ficus microcarpa L.f. Moraceae 1 0,08 x
89 Vả Vả Ficus auriculata Lour. Moraceae 1 0,08 x
90 Hàm xì Flemingia macrophylla (Willd.) Merr. Fabaceae 1 0,08
91 Tai chua Tai chua Garcinia cowa Roxb. ex Choisy Clusiaceae 1 0,08 x
92 Dành dành Dành dành Gardenia jasminoides J.Ellis Rubiaceae 5 0,42
93 Sơn chi tử Dành dành lá hẹp Gardenia stenophylla Merr. Rubiaceae 1 0,08
94 Chiền phòng Bòn bọt Glochidion eriocarpum Champ. ex Benth. Euphorbiaceae 2 0,17
95 Bưởi bung Cơm rượu Glycosmis pentaphylla (Retz.) DC. Rutaceae 1 0,08 x
96 Bổ béo trắng Bổ béo trắng Gomphandra mollis Merr. Icacinaceae 4 0,33
97 Bổ béo đen Bổ béo đen Goniothalamus vietnamensis Ban Annonaceae 1 0,08
98 Dây thìa canh Dây thìa canh Gymnema sylvestre (Retz.) R.Br. ex Sm. Asclepiadaceae 1 0,08 x
99 Kén pỉa ma (D) Bạch hoa xà thiệt thảo Hedyotis diffusa Willd. Rubiaceae 1 0,08
100 Cháy đáy ma (D) Dạ cẩm Hedyotis capitellata Wall. ex G.Don Rubiaceae 3 0,25
101 Bao kim, Thiên niên kiện Thiên niên kiện Homalomena occulta (Lour.) Schott Araceae 2 0,17
102 Giấp cá Giấp cá Houttuynia cordata Thunb. Saururaceae 3 0,25
103 Đa bay, Phong lan tên lửa Cẩm cù nhiều hoa Hoya multiflora Blume Asclepiadaceae 1 0,08
104 Gió xông, Cây gió Lưỡi chó, Liên đằng Illigera celebica Miq. Hernandiaceae 2 0,17

133
Không
Tần Tần xuất
STT Tên địa phương Tên thường dùng Tên khoa học Họ
số suất hiện ở
rừng
105 Cỏ tranh Cỏ tranh Imperata cylindrica (L.) Raeusch. Poaceae 1 0,08
106 Tầm sét Tầm sét Ipomoea digitata L. Convolvulaceae 2 0,17
107 Đơn trắng Trang trắng Ixora finlaysoniana Wall. ex G.Don Rubiaceae 3 0,25 x
108 Đơn đỏ Mẫu đơn Ixora coccinea L. Rubiaceae 1 0,08 x
109 Chè vằng Chè vằng Jasminum subtriplinerve Blume Oleaceae 1 0,08
110 Phụ tử Nam Bạch phụ Jatropha multifida L. Euphorbiaceae 1 0,08 x
111 Thanh táo, Sùng máo ma (D) Thanh táo Justicia gendarussa Burm.f. Acanthaceae 6 0,50 x
112 Cơm nắm trắng Xưn xe, Na rừng Kadsura sp. Schisandraceae 6 0,50
113 Địa liền Địa liền Kaempferia galanga L. Zingiberaceae 1 0,08 x
114 Tam thất hoa, Tam thất Cẩm địa la Kaempferia rotunda L. Zingiberaceae 5 0,42 x
115 Bồ công anh Bồ công anh Lactuca indica L. Asteraceae 2 0,17 x
116 Chóc gai Chóc gai Lasia spinosa (L.) Thwaites Araceae 3 0,25
117 Gối hạc Gối hạc Leea indica (Burm. f.) Merr. Leeaceae 6 0,50 x
118 Ích mẫu Ích mẫu Leonurus japonicus Houtt. Lamiaceae 1 0,08 x
119 Kim ngân lông Kim ngân vòi nhám Lonicera dasystyla Rehder Caprifoliaceae 1 0,08 x
120 Kim ngân Kim ngân Lonicera japonica Thunb. Caprifoliaceae 2 0,17 x
121 Cỏ đĩ Cỏ lá tre, Đạm trúc diệp Lophatherum gracile Brongn. Poaceae 1 0,08
122 Thuốc rắn Bòng bong Lygodium flexuosum (L.) Sw. Lygodiaceae 2 0,17
123 Thuốc dấu Đơn nem Maesa balansae Mez Myrsinaceae 2 0,17
124 Vai trắng Bùng bục Mallotus barbatus Müll.Arg. Euphorbiaceae 1 0,08
125 Mái đất Mua 12 nhị Melastoma dodecandrum Lour. Melastomataceae 1 0,08
126 Mái ông Mua bà Melastoma sanguineum Sims Melastomataceae 1 0,08
127 Ngót rừng Rau sắng Melientha suavis Pierre Opiliaceae 2 0,17

134
Không
Tần Tần xuất
STT Tên địa phương Tên thường dùng Tên khoa học Họ
số suất hiện ở
rừng
128 Chỉ cụ Bung lai Microcos paniculata L. Tiliaceae 1 0,08
129 Kim sương Kim sương Micromelum sp. Rutaceae 1 0,08
130 Bạch chỉ nam Bạch chỉ nam Millettia pulchra Kurz Fabaceae 2 0,17
131 Chèo mèo Cát sâm Millettia speciosa Champ. Fabaceae 2 0,17
132 Gấc Gấc Momordica cochinchinensis Spreng. Cucurbitaceae 1 0,08 x
133 Ba kích Ba kích Morinda officinalis How Rubiaceae 1 0,08
134 Nhàu Nhàu Morinda citrifolia L. Rubiaceae 1 0,08 x
135 Dâu Dâu tằm Morus alba L. Moraceae 3 0,25 x
136 Bướm bạc, Búng b'lậu ma (D) Bướm bạc Mussaenda pubescens W. T. Aiton Rubiaceae 3 0,25
137 Củ lạc tiên Cốt cắn Nephrolepis cordifolia (L.) C. Presl Davalliaceae 1 0,08
138 Mai Mai Ochna integerrima (Lour.) Merr. Ochnaceae 1 0,08
139 Hương nhu trắng Hương nhu trắng Ocimum gratissimum L. Lamiaceae 2 0,17 x
140 Hoàng bá nam Núc nác Oroxylum indicum (L.) Kurz Bignoniaceae 1 0,08
141 Nóm đào Dứa dại Pandanus sp. Pandanaceae 1 0,08
142 Dứa dại Dứa Bắc Bộ Pandanus tonkinensis Martelli ex B.C.Stone Pandanaceae 1 0,08
143 Lạc tiên Lạc tiên Passiflora foetida L. Passifloraceae 1 0,08
144 Lá cẩm, Húng lam Cẩm Peristrophe bivalvis (L.) Merr. Acanthaceae 2 0,17 x
145 Dong Dong Phrynium placentarium (Lour.) Merr. Marantaceae 3 0,25 x
146 Dong lá đỏ Dong tía Phrynium sp. Marantaceae 1 0,08 x
147 Phèn đen Phèn đen Phyllanthus reticulatus Poir. Euphorbiaceae 2 0,17
148 Me đất, Chó đẻ răng cưa Chó đẻ răng cưa Phyllanthus urinaria L. Euphorbiaceae 3 0,25
149 Lá lốt Lá lốt Piper lolot C.DC. Piperaceae 8 0,67
150 Mã đề Mã đề Plantago major L. Plantaginaceae 4 0,33

135
Không
Tần Tần xuất
STT Tên địa phương Tên thường dùng Tên khoa học Họ
số suất hiện ở
rừng
151 Thồm lồm ăn tai, Hỏa khôi Thồm lồm Polygonum chinense L. Polygonaceae 4 0,33
đằng, Pú thàn ma (D)
152 Đinh lăng lá tròn Đinh lăng lá tròn Polyscias balfouriana (André) L.H.Bailey Araliaceae 1 0,08 x
153 Đinh lăng Đinh lăng Polyscias fruticosa (L.) Harms Araliaceae 4 0,33 x
154 Cây vàng lá nhỏ Cách chelalier, Cách Premna chevalieri Dop Verbenaceae 9 0,75
vàng
155 Cây vàng lá to Cách Premna sp. Verbenaceae 5 0,42
156 Dền rừng, Hoàn ngọc Xuân hoa Pseuderanthemum palatiferum (Wall.) Radlk. Acanthaceae 3 0,25 x
157 Ổi Ổi Psidium guajava L. Myrtaceae 1 0,08
158 Bồ trác, Đu khùng, Tầu pú ma Lấu Psychotria sp. Rubiaceae 5 0,42
(D)
159 Cỏ seo gà Cỏ seo gà Pteris ensiformis Burm.f. Pteridaceae 1 0,08
160 Bây chiéa (D) Cam tẩu mã, Ráng chân Pteris semipinnata L. Pteridaceae 1 0,08
xỉ lược
161 Trầm vàng Mận rừng hoa tán Rhamnus crenata var. oreigenes (Hance) Tardieu Rhamnaceae 1 0,08
162 Bạch hạc Bạch hạc Rhinacanthus nasutus (L.) Kurz Acanthaceae 1 0,08 x
163 Thầu dầu Thầu dầu Ricinus communis L. Euphorbiaceae 3 0,25 x
164 Quầng quầng Ngấy hương Rubus cochinchinensis Tratt. Rosaceae 2 0,17
165 Mía đỏ Mía đỏ Saccharum officinarum L. Poaceae 1 0,08 x
166 Cơm cháy, Bát long ma Cơm cháy, Tiếp cốt Sambucus javanica Blume Caprifoliaceae 2 0,17 x
thảo
167 Hổ vĩ, Mèo tấy (D) Lưỡi hổ Sansevieria trifasciata Prain Dracaenaceae 2 0,17 x
168 Sói rừng Sói rừng Sarcandra glabra (Thunb.) Nakai Chloranthaceae 1 0,08
169 Ngũ gia bì Ngũ gia bì chân chim Schefflera heptaphylla (L.) Frodin Araliaceae 4 0,33
170 Chân chim Chân chim Schefflera sp. Araliaceae 1 0,08
136
Không
Tần Tần xuất
STT Tên địa phương Tên thường dùng Tên khoa học Họ
số suất hiện ở
rừng
171 Cam thảo nam Cam thảo nam Scoparia dulcis L. Scrophulariaceae 1 0,08
172 Thau 3 lá, Ban biến phúng (H) Thau, Sau sau lá lê Semiliquidambar cathayensis Hung T. Chang Altingiaceae 4 0,33
173 Thảo quyết minh Thảo quyết minh Senna tora (L.) Roxb. Fabaceae 1 0,08
174 Hy thiêm Hy thiêm Sigesbeckia orientalis L. Asteraceae 1 0,08
175 Khúc khắc, Rẩy tấy ma (D) Khúc khắc Smilax glabra Roxb. Smilacaceae 2 0,17
176 Cà dại Cà dại hoa trắng Solanum torvum Sw. Solanaceae 1 0,08
177 Kê huyết đằng Kê huyết đằng Spatholobus suberectus Dunn Fabaceae 1 0,08
178 Gừng tía, Tam thất Thổ điền thất Stahlianthus involucratus (King ex Baker) Craib Zingiberaceae 2 0,17 x
ex Loes.
179 Bách bộ Bách bộ Stemona tuberosa Lour. Stemonaceae 2 0,17
180 Bình vôi Bình vôi Stephania sp. Menispermaceae 1 0,08
181 Sảng Sảng, Trôm thon Sterculia lanceolata Cav. Sterculiaceae 1 0,08
182 Hà thủ ô trắng, Ma bu (D) Hà thủ ô trắng Streptocaulon juventas (Lour.) Merr. Asclepiadaceae 3 0,25
183 Dung Dung Symplocos sp. Symplocaceae 1 0,08
184 Sắn thuyền Sắn thuyền Syzygium polyanthum (Wight) Walp. Myrtaceae 1 0,08 x
185 Ngộ độc Lài trâu Tabernaemontana bufalina Lour. Apocynaceae 1 0,08
186 Lưỡi rắn, Ma dằng clảng (D) Cổ bình Tadehagi triquetrum (L.) H.Ohashi Fabaceae 3 0,25
187 Thổ cao ly sâm Thổ cao ly sâm Talinum paniculatum (Jacq.) Gaertn. Portulacaceae 1 0,08 x
188 Thiên lý Thiên lý Telosma cordata (Burm. f.) Merr. Asclepiadaceae 1 0,08 x
189 Bông ỏng Chít Thysanolaena maxima (Roxb.) O. Ktze Poaceae 1 0,08
190 Dây ký ninh Dây ký ninh Tinospora crispa (L.) Hook. f. & Thomson Menispermaceae 2 0,17
191 Đậu xương, Sắp sám mây (D) Đậu xương Tinospora sinensis (Lour.) Merr. Menispermaceae 4 0,33
192 Thanh ngân Tô liên cùng màu Torenia concolor Lindl. Scrophulariaceae 1 0,08

137
Không
Tần Tần xuất
STT Tên địa phương Tên thường dùng Tên khoa học Họ
số suất hiện ở
rừng
193 Thài lài tía Hồng trai Tradescantia zebrina Bosse Commelinaceae 1 0,08
194 Bán hạ Bán hạ nam Typhonium trilobatum (L.) Schott Araceae 1 0,08
195 Tậu chó Hầu vĩ tóc Uraria crinita (L.) DC. Fabaceae 1 0,08
196 Mũn rừng Răng bừa hồng, Lá nồm Urceola rosea (Hook. & Arn.) D.J.Middleton Apocynaceae 1 0,08
197 Đỗ trọng nam Mặc sang Urceola sp. Apocynaceae 1 0,08
198 Ké hoa đào Ké hoa đào Urena lobata L. Malvaceae 2 0,17
199 Xó nhà, Mạ meng (D) Cốt khí dây Ventilago leiocarpa Benth. Rhamnaceae 8 0,67
200 Cỏ roi ngựa Cỏ roi ngựa Verbena officinalis L. Verbenaceae 1 0,08
201 Rau ráu Bạch đầu Vernonia sp.1 Asteraceae 2 0,17
202 Rau ráu trâu Bạch đầu Vernonia sp.2 Asteraceae 1 0,08
203 Dó Niệt dó Wikstroemia indica (L.) C.A. Mey. Thymelaeaceae 1 0,08
204 Thừng mực Mức láng Wrightia laevis Hook.f. Apocynaceae 1 0,08
205 Ké đầu ngựa Ké đầu ngựa Xanthium inaequilaterum DC. Asteraceae 1 0,08 x
206 Đồng tậu, Đòn tân, Cây dân Muồng truổng Zanthoxylum avicennae (Lam.) DC. Rutaceae 3 0,25
207 Gừng Gừng Zingiber officinale Roscoe Zingiberaceae 4 0,33 x
208 Bồng bồng, Phống ù (H) Gừng gió Zingiber zerumbet (L.) Roscoe ex Sm. Zingiberaceae 2 0,17
209 Độc lực tía (KB) Sapindaceae 1 0,08
Ghi chú: (D) tên tiếng Dao, (H) tên tiếng Hoa

138
 

PHỤ LỤC 3

ẢNH MỘT SỐ LOÀI CÂY THUỐC


ĐƯỢC TRỒNG VÀ MỌC HOANG Ở
KHU VỰC YÊN TỬ

139
Abelmoschus moschatus Medik. Abelmoschus sagittifolius (Kurz) Merr.

Abrus precatorius L. Abrus pulchellus subsp. mollis (Hance)


Verdc.

Abutilon indicum (L.) Sweet. Achyranthes aspera L.

Acorus gramineus Soland. Acronychia pedunculata (L.) Miq.

140
Actinodaphne pilosa (Lour.) Merr. Adenanthera pavonina L.

Adenia penangiana var. parvifolia (Pierre Adenosma caeruleum R.Br.


ex Gagnep.) W.J.de Wilde

Adenosma indianum (Lour.) Merr. Adiantum capillus-veneris L.

Adiantum flabellulatum L. Aeginetia indica (L.) Roxb.

141
Ageratum conyzoides L. Ainsliaea sp.

Alchornea rugosa (Lour.) Müll.Arg. Alocasia cucullata (Lour.) G.Don

Alpinia officinarum Hance Alysicarpus vaginalis (L.) DC.

Amischotolype sp. Ampelopsis cantoniensis (Hook. et Arn.)


Planch.

142
Ancistrocladus tectorius (Lour.) Merr. Anisomeles indica (L.) Kuntze

Anoectochilus roxburghii (Wall.) Lindl. Aporosa sp.

Aralia armata (G. Don) Seem. Archidendron clypearia (Jack) I.Nielsen

Ardisia crenata Sims Ardisia gigantifolia Stapf

143
Ardisia mamillata Hance Ardisia quinquegona Blume

Ardisia villosa Roxb. Argyreia acuta Lour.

Arisaema hypoglaucum Craib Aristolochia fangchi Y.C.Wu ex L.D.Chow


& S.M.Hwang

Asarum petelotii O.C.Schmidt Asplenium nidus L.

144
Atalantia buxifolia (Poir.) Oliv. ex Benth. Aucuba chinensis Benth.

Baeckea frutescens L. Balanophora sp.

Berchemia loureiriana DC. Bidens pilosa L.

Bischofia javanica Blume Bixa orellana L.

145
Blumea balsamifera (L.) DC. Blumea megacephala (Randeria)
C.T.Chang & C.H.Yu ex Y.Ling

Bowringia callicarpa Champ. ex Benth. Brassaiopsis sp.

Breynia fruticosa (L.) Hook. Cajanus cajan (L.) Millsp.

Callicarpa longissima (Hemsl.) Merr. Callicarpa rubella Lindl.

146
Canarium album (Lour.) DC. Cassytha filiformis L.

Celosia argentea L. Centipeda minima (L.) A.Braun & Asch.

Chamaecrista auricoma (Benth.) V.Singh Cheilocostus speciosus (J.König) C. Specht

Choerospondias axillaris (Roxb.) Burtt & Chromolaena odorata (L.) R.M.King &
Hill. H.Rob.

147
Cibotium barometz (L.) Sm. Cinnamomum parthenoxylon (Jack) Meisn.

Cissus modeccoides Planch. Cissus hastata Miq.

Clausena excavata Burm. Clerodendrum chinense var. simplex


(Moldenke) S.L.Chen

Clerodendrum cyrtophyllum Turcz. Clerodendrum fortunatum L.

148
Clerodendrum japonicum (Thunb.) Sweet. Clerodendrum japonicum (Thunb.) Sweet.
(loại hoa đỏ) (loại hoa trắng)

Clerodendrum tonkinense Dop Coix lacryma-jobi L.

Conyza canadense (L.) Cronquist Crassocephalum crepidioides (Benth.)


S.Moore

Cratoxylon formosum (Jack) Benth. Et Crotalaria pallida Aiton


Hook.

149
Croton tonkinensis Gagnep. Curculigo latifolia Dryand. ex W.T.Aiton

Cyathula prostrata (L.) Blume Cycas sp.

Daphniphyllum calycinum Benth. Dendrobium brunneum Schuit. & Peter


B.Adams

Dendrobium sp. Dendrotrophe frutescens (Benth.) Danser.

150
Dentella repens (L.) J.R.Forst. & G.Forst. Desmodium gangeticum (L.) DC.

Desmodium heterocarpon (L.) DC. Desmodium triflorum DC.

Desmos chinensis Lour. Desmodium styracifolium (Osbeck) Merr.

Dianella ensifolia (L.) DC. Dichrocephala integrifolia (L.f.) Kuntze

151
Dioscorea bulbifera L. Dioscorea hispida Dennst.

Disporopsis longifolia Craib. Dracaena angustifolia Roxb.

Drynaria bonii H.Christ Drynaria fortunei (Mett.) J. Sm .

Duchesna indica (Andr.) Focke Dysphania ambrosioides (L.) Mosyakin &


Clemants

152
Eclipta prostrata (L.) L. Ehretia acuminata R.Br.

Ehretia asperula Zoll. & Moritzi Elaeagnus sp.

Elaphoglossum sp. Elatostema veronicoides (Gagnep.)


H.Schroet.

Elephantopus mollis Kunth Elephantopus scaber L.

153
Emilia sonchifolia (L.) DC. Entada phaseoloides (L.) Merr.

Eriocaulon sp. Euodia lepta (Spreng.) Merr.

Eupatorium fortunei Turcz. Euphorbia hirta L.

Eurycoma longifolia Jack Excoecaria cochinchinensis Lour.

154
Fallopia multiflora (Thunb.) Haraldson Fibraurea recisa Pierre

Ficus abelii Miq. Ficus hirta subsp. roxburghii (King)


C.C.Berg

Flagellaria indica L. Flemingia macrophylla (Willd.) Merr.

Gardenia jasminoides J.Ellis Gardenia stenophylla Merr.

155
Geophila repens (L.) Johnst. Gironniera subaequalis Planch.

Globba schomburgkii Hook. f. Glochidion eriocarpum Champ. ex Benth.

Gomphandra mollis Merr. Gomphostemma leptodon Dunn.

Goniothalamus vietnamensis Ban Gonocaryum lobbianum (Miers) Kurz.

156
Gynura bicolor (Roxb. ex Willd.) DC. Gynura japonica (Thunb.) Juel.

Habenaria rhodocheila Hance. Hedyotis capitellata var. mollissima (Pit.)


W.C.Ko

Hedyotis corymbosa (L.) Lam. Hedyotis diffusa Willd.

Hedyotis hispida Retz. Helicia cauliflora Merr.

157
Heliciopsis lobata (Merr.) Sleumer Helicteres angustifolia L.

Helicteres hirsuta Lour. Helixanthera parasitica Lour.

Helminthostachys zeylanica (L.) Hook Heteropanax fragrans (G. Don) Seem

Heterosmilax gaudichaudiana (Kunth) Homalium mollissimum Merr.


Maxim.

158
Homalomena occulta (Lour.) Schott Hoya multiflora Blume

Hydrocotyle nepalensis Hook. Hygrophila salicifolia (Vahl) Nees

Hypericum japonicum Thunb. ex Murray Ilex sp.

Illigera sp. Indigofera suffruticosa Mill.

159
Iodes cirrhosa Turcz. Ipomoea digitata L.

Ixora coccinea L. Ixora finlaysoniana Wall. ex G.Don

Jasminum sp. Jasminum subtriplinerve Blume

Jatropha multifida L. Justicia gendarussa Burm.f.

160
Kadsura sp. Kaempferia rotunda L.

Lasia spinosa (L.) Thwaites Lasianthus sp.

Leea indica (Burm. f.) Merr. Leonurus japonicus Houtt.

Lepisanthes tetraphylla Radlk Lindernia ruellioides (Colsm.) Pennell

161
Liquidambar formosana Hance Litsea cubeba (Lour.) Pers.

Lobelia zeylanica L. Lonicera dasystyla Rehder

Lonicera japonica Thunb. Lophatherum gracile Brongn.

Ludwigia adscendens (L.) Hara Ludwigia octovalvis (Jacq.) P.H.Raven

162
Lycianthes biflora (Lour.) Bitter Lycopodiella cernua (L.) Franco & Vasc.

Lygodium flexuosum (L.) Sw. Lygodium polystachyum Wall. ex T. Moore

Maclura cochinchinensis (Lour.) Corner Macrosolen bibracteolatus (Hance) Danser

Macrosolen tricolor (Lecomte) Danser Maesa balansae Mez

163
Mallotus barbatus Müll.Arg. Melastoma dodecandrum Lour.

Melastoma sanguineum Sims Melientha suavis Pierre

Melochia corchorifolia L. Michelia foveolata Merr. ex Dandy.

Microcos paniculata L. Micromelum sp.

164
Millettia pulchra Kurz Millettia speciosa Champ.

Mimosa pudica L. Morinda officinalis How

Morinda umbellata L. Mussaenda pubescens W.T.Aiton

Myrica esculenta Buch.-Ham. ex D. Don Myxopyrum smilacifolium (Wall.) Blume

165
Nephrolepis cordifolia (L.) C. Presl Ocimum gratissimum L.

Ophiopogon caulescens (Blume) Baker Ophiopogon latifolius Rodr.

Oroxylum indicum (L.) Kurz Passiflora foetida L.

Peliosanthes humilis Andr. Phylidrum lanuginosum Banks & Sol. ex


Gaertn.

166
Phyllanthus amarus Schumach. & Thonn. Phyllanthus emblica L.

Phyllanthus reticulatus Poir. Phyllanthus urinaria L.

Pilea microphylla (L.) Liebm. Pinanga sp.

Piper lolot C.DC. Pluchea indica (L.) Less.

167
Pogostemon auricularius (L.) Hassk. Polygonum chinensis L.

Polygonum minus Huds. Pothos repens (Lour.) Merr.

Pratia nummularia (Lam.) A.Braun & Premna chevalieri Dop


Asch.

Premna sp. Psychotria serpens L.

168
Psychotria sp. Pteris semipinnata L.

Pterospermum diversifolium Blume Radermachera ignea (Kurz) Steenis

Rhamnus crenata var. crenata Rhinacanthus nasutus (L.) Kurz

Rhodomyrtus tomentosa (Aiton) Hassk. Ricinus communis L.

169
Rotala rotundifolia Koehne Rourea minor (Gaertn.) Alston

Rubus cochinchinensis Tratt. Salomonia cantoniensis Lour.

Sambucus javanica Blume Sarcandra glabra (Thunb.) Nakai

Sarcandra glabra (Thunb.) Nakai var. sp. Saurauia tristyla DC.

170
Schefflera heptaphylla (L.) Frodin Scoparia dulcis L.

Semiliquidambar cathayensis Hung T. Senna occidentalis (L.) Link


Chang

Senna tora (L.) Roxb. Sigesbeckia orientalis L.

Smilax glabra Wall. ex Roxb. Smilax lanceifolia Roxb.

171
Smilax ocreata A.DC. Solanum americanum Mill.

Solanum capsicoides Allioni. Solanum torvum Sw.

Spatholobus suberectus Dunn. Spilanthes oleracea L.

Stachytarpheta jamaicensis (L.) Vahl Stahlianthus involucratus (King ex Baker)


Craib ex Loes.

172
Stemona tuberosa Lour. Stephania sp.

Sterculia lanceolata Cav. Stixis scandens Lour.

Streptocaulon juventas (Lour.) Merr. Symplocos sp.

Synedrella nodiflora (L.) Gaertn. Tacca chantrieri André

173
Tadehagi triquetrum (L.) Ohashi Talinum paniculatum (Jacq.) Gaertn.

Taxillus balansae (Lecomte) Danser Taxillus parasiticus (L.) Ban

Tetracera scandens (L.) Merr. Tinospora sinensis (Lour.) Merr.

Torenia concolor Lindl. Torenia flava Buch.-Ham. ex Benth.

174
Tradescantia zebrina Bosse Trema angustifolia (Planch.) Blume

Triumfetta bartramia L. Typhonium trilobatum (L.) Schott

Uncaria sp. Uraria crinita (L.) DC.

Urceola rosea (Hook. & Arn.) Urceola sp.


D.J.Middleton

175
Urena lobata L. Urena procumbens L.

Ventilago leiocarpa Benth. Verbena officinalis L.

Vernonia cinerea (L.) Less. Vernonia sp.1

Viburnum odoratissimus Ker Gawl. Vitex pinnata L.

176
Wikstroemia indica (L.) C.A. Mey. Wrightia laevis Hook.f.

Xanthium inaequilaterum DC. Zanthoxylum avicennae (Lam.) DC.

Zanthoxylum myriacanthum Wall. ex Zingiber zerumbet (L.) Roscoe ex Sm.


Hook.f.

177

You might also like