You are on page 1of 2

Quan hệ ngoại giao Việt Nam – EU: Chặng đường hợp tác hiệu quả

Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao từ ngày
28/11/1990 và ngày 17/7/1995 đã đánh dấu mốc quan trọng trong quan hệ ngoại giao Việt
Nam - EU với việc ký kết Hiệp định khung về hợp tác, thiết lập các nguyên tắc cơ bản
nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế thương mại giữa hai bên.

Phái đoàn Ủy ban châu Âu tại Việt Nam được thành lập và chính thức hoạt động từ năm 1996.
Từ đó tới nay, quan hệ Việt Nam - EU đã phát triển mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là
thương mại. Với gần nửa tỷ người tiêu dùng có thu nhập bình quân trên 21.000 USD/người/năm,
EU hiện đang là một thị trường lớn của Việt Nam.

Từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao với EU, Việt Nam cùng EU đã ký hơn 10 Hiệp định quan trọng
liên quan đến hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, các hoạt động hỗ trợ, viện trợ cho
Việt Nam trong công cuộc đổi mới. Đây là những cơ sở để phát triển quan hệ kinh tế thương mại
giữa Việt Nam và EU. Tính đến hết tháng 12 năm 2008, EU là thị trường xuất khẩu lớn của Việt
Nam với 20,32% trị giá kim ngạch xuất khẩu, chỉ đứng thứ hai sau thị trường Mỹ.

Cụ thể, trong năm 2008, tổng trị giá kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt 10 tỷ USD.
Trong 9 năm qua, quan hệ trao đổi thương mại giữa Việt Nam và EU đạt mức độ tăng trưởng
khá. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với EU đạt trên 76 tỷ USD cho cả 9 năm,
trong đó Việt Nam xuất khẩu sang EU 50,4 tỷ USD và nhập từ EU 26,1 tỷ USD. EU là một trong
những thị trường xuất siêu của Việt Nam, trong đó chủ yếu là giày dép, hàng dệt may, cà phê, đồ
gỗ, hải sản. Đó cũng là những nhóm hàng có kim ngạch lớn nhất. Trong năm 2009, tính đến hiện
nay, 23% hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam nhằm vào thị trường EU. EU dẫn đầu danh sách nhập
khẩu mặt hàng giày dép từ Việt Nam với giá trị lên tới 2,094 tỉ Euro (khoảng 3,1 tỉ USD), chiếm
gần 66% tổng thu từ xuất khẩu của mặt hàng này. Đối với các sản phẩm thủy hải sản, EU cũng
là thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, khi tiêu thụ một khối lượng sản phẩm trị giá 1,2
tỉ USD trong tổng doanh thu 4,5 tỉ USD mà Việt Nam thu được từ xuất khẩu thủy hải sản sang
các thị trường thế giới. Việt Nam chủ yếu nhập khẩu từ EU những máy móc thiết bị, sản phẩm
tân dược, nguyên phụ liệu cho dệt may và giày da, sắt thép, phân bón. Việc nhập khẩu những
mặt hàng đó là để phục vụ cho nền kinh tế, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

EU có tổng vốn đầu tư nước ngoài FDI ra ngoài khối chiếm 47% FDI của toàn cầu. Theo đánh
giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến nay, EU tiếp tục là đối tác đầu tư vào Việt Nam lớn thứ
hai sau Nhật Bản, chiếm khoảng 7 tỉ USD trong tổng số vốn FDI có tại Việt Nam. Riêng năm
2008, EU đã đầu tư thêm 3 tỉ USD vào Việt Nam, tăng 76,9% so với năm 2007. Trong năm 2009,
tổng số viện trợ EU cam kết dành cho Việt Nam là 716,21 triệu Euro (tương đương với 17,82%
tổng số viện trợ nước ngoài), trong đó khoảng một nửa là viện trợ không hoàn lại (308 triệu
Euro).

Những dự án tài trợ nổi bật nhất của EU dành cho Việt Nam phải kể đến Dự án Hỗ trợ thương
mại đa biên MUTRAP. Trải qua 2 giai đoạn, MUTRAP III hiện đã triển khai thực hiện được 1 năm
với mục tiêu hỗ trợ Việt Nam thực thi các nghĩa vụ, cam kết WTO, nắm bắt cơ hội, vượt qua
thách thức để phát triển bền vừng trong dài hạn. Ngoài ra, EU còn tài trợ cho Việt Nam nhiều dự
án quan trọng trong lĩnh vực y tế, công nghiệp, nông nghiệp, bảo vệ môi trường và cung cấp
nước sạch, hỗ trợ cải cách hành chính, xóa đói, giảm nghèo, văn hóa, giáo dục đào tạo…

Hiện nay, Việt Nam và EU đang nỗ lực nâng quan hệ song phương lên một tầm cao mới. Minh
chứng rõ nhất là những hoạt động tích cực nhằm chuẩn bị cho việc ký kết Hiệp định Đối tác và
Hợp tác (PCA) thay thế cho Hiệp định khung được kí kết từ năm 1995. PCA được coi là khung
pháp lý mới, đáp ứng nhu cầu của cả hai phía nhằm tạo điều kiện để mối quan hệ Việt Nam - EU
phát triển hơn nữa trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi. Với Hiệp định mới này, triển vọng hợp
tác giữa Việt Nam và EU sẽ ngày càng rộng mở và phát triển toàn diện hơn./.
Dự án EU-Việt Nam MUTRAP III có ngân sách 10.670.000 Euro, trong đó Liên minh châu Âu tài
trợ 10.000.000 Euro và Chính phủ Việt Nam đóng góp 670.000 Euro, được thực hiện từ tháng
8/2008 đến tháng 6/2012.

Dự án được xây dựng trên cơ sở Chiến lược Quốc gia giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam cho
giai đoạn 2007-2013 và phù hợp với Chương trình Hành động hậu gia nhập WTO của Chính phủ
để thực hiện các cam kết WTO nhằm hỗ trợ Việt Nam thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã
hội, thông qua việc tăng cường năng lực của Bộ Công Thương và các bộ, ngành hữu quan trong
việc xây dựng và thực hiện chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế và thương mại của Việt Nam.

Dự án có 5 Hợp phần, bao gồm 44 hoạt động. Các hoạt động của Dự án được triển khai dưới
nhiều hình thức : Nghiên cứu, khảo sát điều tra, đánh giá tác động, rà soát văn bản pháp quy;
Đào tạo trong nước, tham quan khảo sát, đào tạo ở nước ngoài, tham gia các cuộc họp/ hội thảo/
sự kiện về các vấn đề WTO/Doha, đàm phán thương mại khu vực và song phương; Hội thảo phổ
biến thông tin/ kết quả nghiên cứu; Xây dựng cơ sở dữ liệu, website, cổng thông tin điện tử và
xuất bản ấn phẩm về các cam kết hội nhập, sách và tài liệu phổ biến thông tin, kết quả nghiên
cứu.

You might also like