Tập xây dựng và trình bày luận điểm – Tập làm văn 8

Đang tải...

Những điều cần lưu ý

1. Công việc xây dựng và trình bày luận điểm có vai trò vô cùng quan trọng trong việc rèn cách viết văn nghị luận. Nếu các em đã tìm đủ, đúng các luận điểm cần thiết, biết sắp xếp các luận điểm đó thành bố cục hợp lí và biết cách trình bày luận điểm thì việc viết bài nghị luận không còn khó khăn nữa.

2. Thực tế học phần Tập làm văn cho thấy tập xây dựng và trình bày luận điểm là công việc học sinh thường cảm thấy khó và ngại. Cho nên khi luyện tập, các em phải kiên trì kết quả mới tốt được.

3. Khi thực hành luyện tập, luôn nhắc lại phần lí thuyết cơ bản đã học để tạo thói quen đi từ lí thuyết đến thực hành, tránh tuỳ tiện, qua loa.

4. Các em cần chuẩn bị nội dung chu đáo trước khi vào luyện tập. (Ví dụ cần suy nghĩ, tra cứu tài liệu chuẩn bị lí lẽ, dẫn chứng, ỷ kiến, quan điểm xung quanh vấn đề cần bàn).

5. Nếu các em luyện tập từng bước, chắc chắn, tỉ mỉ thì sẽ nhớ lâu và thành thạo kĩ năng viết kiểu bài này.

1. Ghi nhớ

        – Muốn làm sáng tỏ một luận điểm, trước hết cần xác định : Luận điểm nói về lĩnh vực nào ? Đời sống hay văn học ? Gần hay xa so với cuộc sống của học sinh ?

        – Sau đó huy động những hiểu biết của mình để tìm các luận cứ phù hợp và hay, phục vụ cho việc làm rõ luận điểm đã xác định.

        – Sắp xếp các luận cứ theo một trình tự phù hợp và trình bày luận điểm đó.

        – Khi viết cần xác định vị trí câu chủ đề để biết đoạn văn trình bày theo kiểu diễn dịch hay quy nạp hoặc tổng – phân – hợp để làm nổi bật luận điểm cần bàn.

2. Bài tập

Bài tập 11. Cô giáo cho làm đề Tập làm văn số 3 (Ngữ văn 8, tập hai).

Giải thích câu nói của M. Go-rơ-ki : “Hãy yêu sách, nó là nguồn kiến thức, chỉ có kiến thức mới là con đường sống”.

1. Một bạn học sinh dự kiến sẽ nêu các luận điểm ở Thân bài như sau (dự kiến 10 luận điểm nhỏ) :

a. Em hiểu sách là một sản phẩm như thế nào ?

b. Sách có vai trò và tầm quan trọng như thế nào trong đời sống xã hội ?

c. Em rất thích đọc sách. Đọc sách là một cách học hỏi.

d. Ngày nay, con người còn tạo ra “đĩa mềm” để thu thập mọi dữ liệu về các lĩnh vực.

đ) Dù ở thời hiện đại, nhiều máy móc tinh xảo, sách vẫn là người bạn bình dị, chân thành và giàu tri thức của mỗi chúng ta.

e. Phải làm gì để đấu tranh cho hoà bình thế giới ?

g. Vì sao chúng ta yêu sách ?

h. Chúng ta phải yêu sách như thế nào ?

i. Chúng ta cần biết sử dụng sách cho có hiệu quả.

k) Chúng tôi và các bạn đều rất yêu thương nhau, tin tưởng nhau…

2. Em có nhất trí dùng tất cả các ý tưởng mà bạn học sinh trên đã dự kiến không ? Nếu không, em hãy chọn ra và sắp xếp lại cho hợp lí. Vì sao em lại có sự sắp xếp lại như vậy ?

3. Hãy chọn ít nhất hai luận điểm trở lên để viết từ hai đến ba đoạn văn ngắn nối tiếp nhau (mỗi đoạn khai triển một luận điểm, chú ý phương tiện chuyển đoạn).

Bài tập 12. Cho đề văn sau :

Nhiều người còn chưa hiểu rõ thế nào là “học đi đôi với hành” và vì sao ta rất cần phải “theo điều học mà làm” như lời La Sơn Phu Tử trong bài Bàn luận về phép học. Hãy viết một bài văn nghị luận để giải đáp những thắc mắc nêu trên.

1. Tìm hiểu đề văn trên.

2. Nêu các luận điểm cần triển khai được trình bày ở dàn ý thân bài.

3. Chọn viết khoảng từ hai, ba luận điểm ở phần Thân bài nối tiếp nhau (được trình bày theo hình thức hai, ba đoạn văn nối tiếp).

Bài tập 13. Đề văn số 1 trong sách giáo khoa Ngữ văn 8, tập hai, được dư luận học trò cho là một đề nghị luận văn học khó :

“Dựa vào các bài Chiếu dời đôHịch tướng sĩ hãy chứng minh rằng : Những người lãnh đạo anh minh như Lí Công Uẩn và Trần Quốc Tuấn luôn luôn quan tâm đến việc chăm lo hạnh phúc lâu bền của muôn dân”.

* Một nhóm học sinh giỏi có dự kiến bàn bạc giúp các bạn như sau :

– Họ cho rằng : cái khó trước hết ở đề này là ở kĩ năng tìm hiểu đề. Đặc biệt là tập hợp từ “luôn luôn quan tâm đến việc chăm lo hạnh phúc lâu bền của muôn dân” cần phải được lưu tâm, tìm hiểu.

– Nhóm học sinh giỏi đó có gợi ý giúp các bạn trong hai đoạn văn ngắn sau, để các bạn tham khảo :

+ Lo lắng cho cuộc sống của nhân dân, Lí Công uẩn đã đưa ra một giải pháp thuyết phục : dời đô. Chiếu dời đô không chỉ đơn thuần là lời tuyên bố của một vị vua về một vấn đề trọng đại của dân tộc, mà đã trở thành bài ca yêu dân sâu sắc. Ông chọn thành Đại La làm kinh đô trước hết vì dân. Vì ở đó, dân sẽ thuận lợi làm ăn, buôn bán, an cư lạc nghiệp, được cả đời sống vật chất, được cả đời sống tinh thần. Dời đô về thành Đại La, chính là ông đã cứu dân ra khỏi cảnh ngập lụt khốn khổ, điêu đứng hằng năm. Chúng ta cảm động trước tấm lòng thương dân của vua : ‘Trẫm rất đau xót về việc đó”. Rõ ràng, chỉ qua Chiếu dời đô thôi, cũng có thể thấy rõ vị vua anh minh này “luôn quan tâm chăm lo hạnh phúc lâu bền của muôn dân”…

+ … Phải yêu thương, chăm lo, quan tâm đến binh sĩ với thái độ chân thành, Trần Quốc Tuấn mới có cái nhìn sâu sắc đến thế. Ông đã vạch cho binh sĩ thấy rõ : nhục và vinh, thắng và bại, mất và còn, sống và chết khi đất nước có giặc. Ông không chỉ lo cho cá nhân binh sĩ, mà còn lo cho tổ tiên, gia đình, vợ con họ. Họ chính là nhân dân nói chung. Ông luôn lo cho binh sĩ từ việc ăn mặc, đến đời sống tinh thần, từ việc nhỏ đến việc lớn. Hịch tướng sĩ do ông thảo ra ở câu chữ nào cũng thấy nặng lòng chân tình vì dân, yêu thương nhân dân…

1. Tìm hiểu đề văn.

2. Lập dàn ý thân bài.

3. Dựa vào dàn ý, viết bài văn hoàn chỉnh.

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận