Ôn tập về khái niệm luận điểm – Tập làm văn 8

Đang tải...

Những điều cần lưu ý

1. Ở lớp 7, học sinh đã hiểu : nghị luận là loại hoạt động được tiến hành nhằm mục đích giải quyết một vấn đề được đặt ra trong đời sông bằng những lời nói phù hợp với lẽ phải và sự thật.

– Vấn đề là một câu hỏi, một trở ngại, khó khăn đặt ra trước lí trí của con người, thúc giục con người phải tìm ra lời giải đáp. Chừng nào lời giải đáp chưa được tìm ra thì chừng đó, câu hỏi vẫn còn là câu hỏi; vẫn còn là trở ngại và khó khăn. Vấn đề nghị luận chưa được giải quyết thì người đặt ra vấn đề nghị luận còn chưa thể đạt được mục đích của mình.

– Những ý kiến, quan điểm chủ yếu được đưa ra để giải đáp nhằm tháo gỡ những vướng mắc mà câu hỏi – vấn đề – đặt ra sẽ sáng tỏ chính là luận điểm. Không có những luận điểm này thì không thể làm sáng tỏ được luận đề. Việc tìm hay không tìm được luận điểm sẽ quyết định việc học sinh có hay không làm được một bài văn nghị luận.

Như vậy, luận điểm không phải là luận đề, cũng không phải là một bộ phận của luận đề. Luận đề có thể là câu hỏi, nhưng luận điểm phải là sự trả lời để làm rõ luận đề, Nhưng cũng có trường hợp câu hỏi lại là một luận điểm. Ví dụ câu hỏi: “Tại sao cần phải dời đô ?” là một luận điểm nhưng phải hiểu, đó cũng là cách để làm sáng tỏ luận đề.

2. Tuy nhiên, trong đời sống cũng như trong văn nghị luận, vấn đề thường được giải quyết từng phần, theo từng bước. Muốn có luận đề về từng phần, từng bước thì cán phải có nhiều luận điểm. Tất nhiên, để làm rõ được luận đề, thì những luận điểm được tìm ra ấy, bắt buộc phải đạt yêu cầu : xác thực, phù hợp (với yêu cầu giải quyết vấn đề) và đủ (để việc giải quyết vấn đề trở nên trọn vẹn).

3. Mặt khác, khi đã có nhiều luận điểm rồi, thì người làm bài không thể không lo tới việc phân chia và sắp xếp các luận điểm ấy sao cho hợp lí. Trong công việc này, người làm bài cần tuân thủ một số nguyên tắc dưới đây :

a. Sự phân chia ra các luận điểm ngang bậc nhau phải loại trừ nhau,  không được trùng lặp hoặc chồng chéo lên nhau.

b. Các luận điểm phải được sắp xếp đúng theo lô gích của quá trình giải quyết vấn đề. Luận điểm trước chuẩn bị cơ sở cho luận điểm sau. Luận điểm sau tiếp thu và phát huy kết quả của luận điểm trước.

c. Các luận điểm cũng cần được sắp xếp sao cho người đọc (người nghe) dễ dàng tiếp nhận. Việc bàn luận vấn đề nên đi theo trình tự : từ cái dễ nhận ra đến cái khó nhận ra ; từ cái quen thuộc đến cái mới lạ ; từ cái ở mức độ thấp đến cái ở mức độ cao…

1. Ghi nhớ

– Luận điểm trong bài văn nghị luận là những ý kiến, quan điểm chính mà người nói (viết) nêu ra để khẳng định một luận đề.

        – Luận điểm cần phải chính xác, rõ ràng, phù hợp với yêu cầu giải quyết vấn đề và đủ để làm sáng tỏ toàn bộ luận đề (vấn đề cần bàn luận).

        – Các luận điểm trong một bài văn vừa cần liên kết khăng khít, lại vừa cần có sự phân biệt rành mạch với nhau. Các luận điểm phải được sắp xếp theo một trình tự hợp lí : Luận điểm nêu trước phải chuẩn bị cơ sở cho luận điểm nêu sau. Và luận điểm nêu sau phải tiếp tục hỗ trợ cho luận điểm đã nêu trước đó.

2. Bài tập 

Bài tập 1. Cho đoạn văn sau :

… Chúng ta đang ở đâu ? Hôm nay ngày 8-8-1986, hơn 50.000 đầu đạn hạt nhân đã được bố trí trên khắp hành tinh. Nói nôm na ra, điều đó có nghĩa là mỗi người, không trừ trẻ con, đang ngồi trên một thùng 4 tấn thuốc nổ : tất cả chỗ đổ nổ tung lên sẽ làm biến hết thảy, không phải là một lần, mà là mười hai lần, mọi dấu vết của sự sống trên trái đất. Nguy cơ ghê gớm đó đang đè nặng lên chúng ta như thanh gươm Đa-mô-clét, về lí thuyết, có thể tiêu diệt tất cả các hành tinh đang xoay quanh mặt trời, cộng thêm bốn hành tinh nữa, và phá huỷ thế thăng bằng của hệ mặt trời. Khôn? có một ngành khoa học hay công nghiệp nào có được những tiến bộ nhanh ghê gớm như ngành công nghiệp hạt nhân, kể từ khi nó ra đời cách đây 41 năm, không có một đứa con nào của tài năng con người lại có một tầm quan trọng quyết định đến như vậy đối với vận mệnh thế giới.

(Gác-xi-a Mác-két, Đấu tranh cho một thế giới hoà bình)

1. Đoạn văn nghị luận trên đây đã nêu luận điểm : “Vũ khí hạt nhân đã được bố trí khắp hành tinh” hay luận điểm : “Chúng ta đang ở đâu ?”

2. Tại sao trong đoạn văn nghị luận trên, hai từ “Trái Đất” và “Mặt Trời” lại viết hoa ? Phải chăng là lỗi chính tả ? Trao đổi, thảo luận khía cạnh này trên cơ sở luận điểm đã nêu trên ?

3. Em hiểu ý cuối “không có một đứa con… vận mệnh thế giới” của đoạn văn trên như thế nào ? Từ đó khẳng định cách viết độc đáo và hấp dẫn của tác giả.

4. Cảm xúc của người viết được bộc lộ qua những từ ngữ biểu cảm nào trong đoạn văn ?

Bài tập 2. Cho đề văn sau :

Phân tích bài thơ Ngắm trăng trong Nhật kí trong tù của Hồ Chí Minh.

1. Một bạn học sinh có dự định sắp đặt dàn ý các luận điểm ở Thân bài theo hệ thống sau :

a. Phân tích hai câu đầu :

– Sự bối rối của Bác Hồ vì không có rượu, hoa, để đón trăng.

– Nhưng bối rối đó không ngăn được Bác hướng đến trăng, mê mải ngắm vầng trăng ngoài cửa sổ.

b. Phân tích tình yêu trăng của Bác :

– Bác thật sự coi trăng như tri kỉ.

– Tình yêu trăng đã biến người trong ngục thành một nhà thơ.

2. Em thấy hệ thống luận điểm, luận cứ thân bài mà bạn học sinh trên dự định có những chỗ nào chưa hợp lí ? Vì sao ? Hãy thêm (hoặc bớt), sắp xếp các luận điểm, luận cứ sao cho hợp lí, rành mạch, chặt chẽ.

3. Dựa vào dàn ý thân bài đã sửa, phát triển một luận điểm thành một đoạn văn nghị luận.

Bài tập 3. Cho văn bản sau :

Quảng cáo trên thế giới đã phát triển thành một ngành công nghiệp có vai trò trong đời sống kinh tế của mỗi quốc gia. Mỗi năm trên thế giới chi khoảng 200 tỉ USD cho hoạt động này. Còn ở Việt Nam, báo Nông cổ mín đàm ra số 1-8-1901 mới có in quảng cáo rao hàng, sau đó là các báo Phong hoá, Ngày nay,… Tuy vậy, từ xa xưa ta đã “quảng cáo bằng phong cách Việt Nam”. Đó là “quảng cáo” qua ca dao, tục ngữ, qua lời hát ru. Từ ngày nền kinh tế chuyển đổi – cuối 1986 – công nghệ quảng cáo trong nước sôi động dần lên. Cuối những năm 1980, cả nước mới có ba công ti quảng cáo. Đến nay đã có gần một trăm công ti quảng cáo hành nghề. Hơn 400 tờ báo, tạp chí, truyền hình, phát thanh vào cuộc. Ngoài ra còn có 17 văn phòng đại diện các công ti quảng cáo nước ngoài hoạt động. Doanh số quảng cáo cả nước đạt gần 450 triệu USD. Quảng cáo đã tạo công ăn việc làm cho trên 6.000 lao động xã hội, góp phần hỗ trợ cho các phương tiện thông tin đại chúng đổi mới, tác dụng khá lớn vào đời sống văn hoá xã hội dưới các hình thức tài trợ thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật. Một số quảng cáo có hình ảnh đẹp làm sinh động thêm bộ mặt phố phường, đô thị. Một số quảng cáo đi quá đà, đã có nhiều hình ảnh, sự việc làm xấu văn hoá đô thị, hạ thấp đến sai lệch, xuyên tạc, bôi nhọ cảnh quan môi trường văn hoá mà không tiện dẫn ra ở đây… Tuy nhiên, cũng phải ghi nhận một số công ti nước ngoài vào làm ăn ở Việt Nam đã biết “nhập gia tuỳ tục”, phối hợp hoặc chuyển giao công nghệ quảng cáo tiên tiến cho các công ti Việt Nam, hoà nhập với nếp sống Việt Nam, nên đã phát triển tốt. Tóm lại, quảng cáo không chỉ dùng lại ở nghệ thuật rao bán sản phẩm, mà nó còn mang tính văn hoá, xã hội. Nét đẹp văn hoá trong quảng cáo phải được thể hiện ở cả chu kì khép kín các yếu tố cơ bản : từ việc làm để gây sự chú ý, tạo hứng thú, gây ham muốn đến thúc đẩy mua hàng. Nét đẹp văn hoá phải chi phối các quy trình thi công cụ thể : chọn vị trí đặt biển, bảng ; chọn thời điểm ; chọn hình thức thể hiện nội dung. Cách xử sự với đồng nghiệp cũng phải giữ nét đẹp truyền thống. Mà vẫn hoá của chúng ta vốn sẵn truyền thống tốt đẹp, nhân hậu trong tình cảm, đạo đức ; trong nếp sống của ông cha ta bao đời truyền lại.

(Theo Trần Hữu Tòng, báo Hà Nội mới, 10-7-2003)

1. Vấn đề mà văn bản trên bàn luận là gì ?

A. Nét văn hoá dân tộc.

B. Quảng cáo.

C. Giữ bản sắc văn hoá dân tộc trong quảng cáo.

D. Về công nghệ quảng cáo ở Việt Nam.

2. Vì không để ý, nên khi viết lại văn bản này, xong một luận điểm, bạn ấy chưa xuống dòng. Hãy tách các luận điểm phần Thân bài và đặt tiêu đề cho từng luận điểm.

3. Tại sao nói : Văn bản trên vừa mang tính hiện đại, vừa mang tính thực tế ? Dẫn chứng.

Bài tập 4. Cho các đoạn văn sau :

1. Nếu như ánh trăng trong Rằm tháng giêng tràn ngập cả dòng sông, tràn ngập cả con thuyền, thì ánh trăng trong Cảnh khuya lại tràn ngập cả rừng khuya vắng vẻ. Trăng chiếu vào cây cổ thụ già, tạo ra muôn vàn bông hoa in dưới mặt đất. Phải chăng, ở đây trăng đã thành họa sĩ ? Trăng xuyên qua các khe hở tạo thành những bông hoa rơi quanh gốc cây cổ thụ và mỗi đợt gió tràn qua, hình dạng các hoa lại biến đổi, rung rinh. Hai từ “lồng” của thi nhân đã tạo cảm giác : trăng không chỉ đẹp trên cao kia, mà còn làm say lòng người ở chính mặt đất này.

(Bài làm của học sinh)

2. Đầm hồ của Phần Lan nhiều vô kể ; đây là quốc gia được mệnh danh là “đất nước nghìn hồ”. Vị trí của nước Phần Lan ở Bắc Âu, sau lưng là lục địa, trước mặt là biển ca, bờ biển quanh co khúc khuỷu dài khoảng 1100 kilômét, có nhiều vịnh, cảng ; có vịnh ăn sâu vào lục địa tới 330 kilômét. Thực ra, tìm hiểu trên thực tế, Phần Lan không chỉ có nghìn hồ mà có tới gần 100.000 cái hồ, chiếm 1/8 tổng diện tích toàn quốc. Rất nhiều hồ được nối với nhau tạo thành một mạng lưới giao thông đường thuỷ rất thuận lợi. Chỉ cần ngồi trên thuyền cũng có thể đi già nửa các vùng của đất nước. Hoặc dùng phương tiện trượt tuyết khi mùa đông đến, mặt hồ đóng băng dày cũng có thể đi được khắp các nơi một cách thú vị…

(Theo Hoàng Minh Quân, báo Họa mi, số 71, 2003)

3. … Anh nhìn kìa, nóng hay lạnh, mưa hay bão, những đoá hoa bất tử kia vẫn vàng rực trên những cành lá xanh tốt. Chúng tươi như thế rất lâu, cho tới một ngày chúng già đi vẫn giữ được vẻ trẻ trung bên ngoài, chỉ có những hạt nhỏ li ti rụng xuống, bay theo gió, bay đi khắp rừng để mọc những cây mới, Em trồng để nhắc mình đừng bao giờ đánh mất niềm tin và hi vọng… (Lời của nhân vật Thanh trong truyện ngắn).

(Theo Trần Dương, báo Hà Nội mới cuối tuần,

số 391, 21-9-2002)

4. Một trong những vấn đề của báo chí là nêu lên sự thật, nói sự thật, nhìn thẳng vào sự thật – thậm chí đó là sự thật gai góc – để góp phần giải quyết vấn đề cho dân. Có nhà văn đã nói rằng : Sự thật còn cao hơn tất cả chúng ta. Nói như vậy là để nhấn mạnh tầm quan trọng của sự thật, của chân lí.

(Theo báo Văn nghệ,

số 25, 22-6-2002)

5. … “Gậm” là một động từ diễn tả hoạt động của miệng đối với vật cứng. Nhưng đối tượng để gậm ở đây lại là một khái niệm trừu tượng : “khối căm hờn”. Phải chăng sự dồn nén âm ỉ nên căm hờn và chán ghét đã lên đến đỉnh điểm. Cảm xúc của chúa sơn lâm được hữu hình hoá và không thể đập tan. Không những thế, nhà thơ còn phác ra chân dung, tư thế nhằm miêu tả tâm trạng của đối tượng biểu cảm (con hổ). Cả câu thơ thứ hai chỉ duy nhất có một thanh sắc vút cao ở giữa : “Ta nằm dài trông ngày tháng dần qua”, khiến người đọc cảm thấy như một tiếng thở dài, chán ngán : dáng nằm sóng soài, buông xuôi của chúa sơn lâm…

(Bài làm của học sinh)

1. Nêu nội dung .của năm đoạn văn trên, mỗi nội dung diễn đạt trong một câu ngắn gọn.

2. Những đoạn nào được viết theo phương thức lập luận ? Có thể coi mỗi đoạn văn nghị luận ấy diễn tả một luận điểm được không ?

Bài tập 5. Nếu phải viết bài tập làm văn :

Giải thích câu nói của M. Go-rơ-ki : “Hãy yêu sách. Nó là nguồn kiến thức. Chỉ có kiến thức mới là con đường sống”, thì :

1. Em sẽ chọn những luận điểm nào trong số các luận điểm sau đây :

– Sách là gì ? Vì sao ta phải yêu sách ?

– Tại sao sách lại là nguồn kiến thức ?

– Giáo dục giải phóng con người khỏi áp bức, khỏi phụ thuộc vào kẻ khác.

– Cách chọn sách tốt để đọc.

– Nên đọc sách như thế nào ?

– Em hiểu “con đường sống” trong câu nói của M. Go-rơ-ki là thế nào ? Nếu con người không đọc sách, nghĩa là không có kiến thức, nghĩa là chết. Có đúng không ?

– Em làm gì để thể hiện lòng yêu sách ?

2. Sắp xếp các luận điểm đã chọn theo trình tự hợp lí ; bổ sung để tạo thành một dàn ý.

3. Chọn một luận điểm trong dàn ý vừa lập rồi viết thành một đoạn vãn hoàn chỉnh.

Bài tập 6. Cho đề văn sau :

Dựa vào các bài Chiếu dời đô Hịch tướng sĩ, hãy chứng minh rằng : Những người lãnh đạo anh minh như Lí Công uẩn và Trần Quốc Tuấn luôn luôn quan tâm đến việc chăm lo hạnh phúc lâu bền của muôn dân.

1. Dự kiến các luận điểm cần thiết cho đề văn trên nên như thế nào ?

2. Chọn một luận điểm để viết một đoạn văn.

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận