Ôn tập về văn bản thuyết minh – Tập làm văn 8

Đang tải...

Những điều cần lưu ý

          – Toàn bộ phần ôn tập nhằm giúp chúng ta hệ thống hoá các tri thức để có những kĩ năng cơ bản trong việc làm các bài tập về văn bản thuyết minh.

          – Quá trình ôn tập gồm ba phần chính :

1. Ôn khái niệm.

2. Ôn cách làm các kiểu bài thuyết minh với các đối tượng khác nhau.

3. Luyện kĩ năng lập dàn ý và viết đoạn văn, viết bài thuyết minh hoàn chỉnh.

1. Ghi nhớ

– Các khái niệm cần nhớ :

1. Văn bản thuyết minh là loại văn bản thông dụng, có phạm vi sử dụng rộng rãi trong đời sống. Văn bản thuyết minh là văn bản trình bày tính chất, cấu tạo, cách dùng cùng lí do phát sinh, quy luật phát triển, biến hóa của sự vật cần thiết nhằm cung cấp hiểu biết cho con người. Ngành nghề nào cũng cần đến loại văn bản này.

Thuyết minh : đã bao hàm cả ý giải thích, trình bày, giới thiệu.

2. Văn bản thuyết minh khác với các văn bản nghị luận, tự sự, miêu tả, biểu cảm, hành chính công vụ, … ở chỗ chủ yếu nó trình bày tri thức một cách khách quan, giúp con người sử dụng tri thức ấy nhằm phục vụ thiết thực cho cuộc sống ; nó gắn nền với tư duy khoa học ; nó đòi hỏi chính xác, rạch ròi.

3. Muốn làm tốt văn bản thuyết minh phải tiến hành điều tra, nghiên cứu, học hỏi để có kiến thức phong phú hoặc đến tận nơi tham quan, tìm hiểu. Bài văn thuyết minh phải làm nổi bật hiểu biết sâu rộng kiến thức, tính khách quan khoa học, sự chính xác của vấn đề.

4. Có sáu phương pháp thuyết minh cần được chú ý : định nghĩa, so sánh, phân tích và phân loại, dùng số liệu, dùng ví dụ cụ thể, liệt kê…

      * Cách làm các kiểu bài thuyết minh với các đối tượng khác nhau. Ví dụ :

          – Đối tượng thuyết minh là các thể loại : thơ, truyện ngắn…

          – Đối tượng thuyết minh là các loại đồ dùng gia đình và dụng cụ học tập…

          – Đối tượng thuyết minh lù về một cách làm, một phương pháp, một thí nghiệm…

          – Đối tượng thuyết minh một di tích lịch sử, một danh lam thắng cảnh…

          – Đối tượng thuyết minh về phần trình bày một hiệu sách tự chọn, một ngôi trường em đã từng học.

          – Đối tượng thuyết minh có thể là lời giới thiệu một tập sách, một tập thơ, một tác giả thơ, văn…

          * Quan trọng nhất vẫn là việc rèn các kĩ năng để làm bài thuyết minh.

          – Tìm hiểu đề, xác định đối tượng thuyết minh.

          – Đi tìm kiến thức để viết văn bản sao cho sát đối tượng cần thuyết minh. Muốn vậy phải quan sát, mô tả khi đến tham quan, học hỏi mọi người xung quanh, đọc sách báo có kiến thức về đối tượng ; ghi chép lại.

          – Sắp xếp các kiến thức theo một trình tự hợp lí so với đối tượng cần thuyết minh theo một dàn ỷ.

          – Sau đó, dựa vào dàn ý, viết thành bài thuyết minh hoàn chỉnh.

2. Bài tập

Bài tập 36. Năm học lớp Bảy, các em đã được học bài thơ nổi tiếng Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan.

Hãy chép chính xác bài thơ ấy. Cho biết bài thơ được viết theo thể thơ nào ?

Trình bày những hiểu biết của em trong một văn bản thuyết minh về thể thơ đã nêu trên.

Bài tập 37. Nhà thơ Nguyễn Khuyến có một chùm thơ ba bài viết về mùa thu làng cảnh Việt Nam rất nổi tiếng. Sau đây là bài Thu điếu (Câu cá mùa thu) của ông :

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,

Một chiếc thuyên câu bé tẻo teo.

Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,

Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo.

Tâng mây lơ lừng’trời xanh ngắt,

Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.

Tựa gối buông cần lâu chẳng được,

Cá đâu đớp động dưới chân bèo.

1. Có bạn cho rằng bài thơ trên thuộc thể thơ Đường thất ngôn bát cú, luật trắc (thể trắc). Em có đồng ý với ý kiến của bạn không ? Vì sao ?

2. Trong một bài thơ thất ngôn bát cú, hai cặp câu 3 – 4 và 5 – 6 đối nhau. Hãy chỉ ra những từ ngữ đối nhau trong bài thơ và tìm hiểu ý nghĩa tu từ của nghệ thuật đối trong bài thơ nói riêng và thơ Đường luật nói chung.

3. Hãy viết một đoạn văn thuyết minh những hiểu biết của em về tác giả Nguyễn Khuyến. Cho biết: em tìm kiến thức về tác giả ở đâu ?

Bài tập 38. Tuần 23 của chương trình Ngữ văn 8, các em sẽ được học tác phẩm Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn và tuần 4 của chương trình Ngữ văn 8, các em sẽ được trích học Đại cáo bình Ngô của Nguyễn Trãi (đoạn trích Nước Đại Việt ta).

Theo em, nên tìm các kiến thức về hai thể văn cổ : hịch và cáo ở đâu, tài liệu nào ?

Hãy viết một đoạn hay một bài văn ngắn thuyết minh về những hiểu biết ban đầu, cơ bản về hai thể văn cổ này.

Bài tập 39. Cho văn bản sau đây :

          Người ta gọi chúng là gấu trúc vì chúng rất thích ăn lá tre, lá trúc. Chúng ăn cả chuột, bò sát nhỏ, côn trùng, trứng chim, mật, nhưng với chúng chả có gì sánh được với tre, trúc. Ở bàn chân trước của gấu trúc có một bộ phận đặc biệt – như là ngón thứ sáu – rất thuận tiện cho việc giữ lá và thân cây trúc. Ngồi trong các bụi tre, trúc, chúng bứt lá và ăn ngon lành. Gấu trúc sống trên núi cao tới hơn 3000 mét ở phía tây nam Trung Quốc. Địa hình nơi này rất hiểm trở. Đã vậy, số lượng gấu trúc còn lại rất ít – chỉ khoảng gần 1000 con. Người ta biết đến gấu trúc từ cuối thế kỉ XIX, nhưng đến năm 1936 người châu Âu lần đầu tiên mới nhìn thấy nó. Sau một thời gian dài nghiên cứu, đến cuối thế kỉ XX, các nhà sinh vật học mới công nhận gấu trúc chính là gấu. Gấu trúc bò trên cây rất khéo, bám được cả vào những cành cây mảnh như những nghệ sĩ nhào lộn vậy. Ở các vườn thú, người ta còn để cả đu quay cho các gấu giải khuây. Có cả những chú gấu đặc biệt thông minh được tuyển làm diễn viên xiếc. Mỗi gấu trúc mẹ một lần chỉ sinh được một con. Rất hiếm khi Gấu trúc sinh đôi, sinh ba ; mà nếu có thì cũng chỉ một chú gấu trúc con là sống được. Nó bé nhỏ và yếu ớt vô cùng, chỉ cân nặng có 140 gam. Gấu trúc mới sinh không có lông và chẳng nhìn thấy gì cả. Ba đến bốn tháng liền, gấu mẹ phải ngồi trong hang với con, cho chúng bú sữa, rồi dần dần mới dạy con các kĩ năng của nòi giống mình.

(Theo báo Nhi đồng chăm học,

số 32, 2003)

1. Theo em, trên đây có phải văn bản thuyết minh không ? Vì sao ? Hãy đặt tên cho văn bản.

2. Có được kiến thức đã nêu trong văn bản trên có dễ dàng không ? Đó là công lao của những người làm công tác gì ? Công việc của họ có ý nghĩa như thế nào với nhân loại ?

3. Đọc văn bản trên em có cảm giác thú vị không ? Vì sao vậy ?

Bài tập 40. Cho các văn bản sau :

1.         Có ít nhất hai loại ngô đồng. Một là loại ngô đồng mà các cụ vẫn mua về trồng ở chậu cảnh trong sân nhà. Cây này thấp, lá to, phần gốc phình to ra. Loại ngô đồng thứ hai là cây ngô đồng thân gỗ, to cao,’trồng làm bóng mát mà chúng ta thường thấy trong các phim của Trung Quốc. Trong Tử Cấm Thành (Huê) cũng có cây ngô đồng như thế.

(Theo báo Thiếu niên tiền phong, số 13)

2.

Quên lời mẹ dặn

Gà con mải chơi

Đường về khó lắm

Gà quên mất rồi.

Lởm chởm đá dăm

Đường nhiều cỏ rậm

Gai góc đâm chân

Lại còn kiến cắn.

“Con biết lỗi rồi

Mẹ ơi đừng giận

Mẹ đón con về

Từ mai chừa hẳn”.

(Theo Nguyễn Bá Đan, báo Hoạ mi)

3.             Gọi là Biển Chết vì trong biển này không con vật nào sống nổi. Nước ở đây mặn nhất thế giới. Nước biển thông thường chứa 3,5% muối. Còn ở Biển Chết tới 28% muối, có nghĩa là mặn hơn tám lần. Người tắm ở đây không cần biết bơi, vì lúc nào cũng nổi. Biển Chết ở I-xra-en, cách Giê-ru-da-lem 24 kilômét về phía đông, trên đường biên giới giữa I-xra-en và Gioóc-đa-ni. Biển dài 75 kilômét, rộng 15 kilômét, thấp hơn Địa Trung Hải 396 mét. Biển hình thành cách đây chừng 25 triệu năm, do đứt gãy của vỏ trái đất. Chỗ sâu nhất của biển là 400 mét. Tại Biển Chết, muối đóng thành tảng lớn, có đổi muối cao tới 150 mét.

(Theo mục Kính lúp trả lời

báo Thiếu niên tiền phong)

4.             … Tối nay, Hoài chỉ còn môn Sinh nữa là học bài xong. Bài về nhà là : “Vẽ một loài hoa mà em thích”. Hoài nghĩ ngay đến hoa cải cúc, loài hoa mà Hoài rất thích. Thực ra, cải cúc chỉ là một loài rau vụ đông, hoa chỉ để duy trì nòi giống. Nhiều lần Hoài tự hỏi : “Tại sao tên cây là cải cúc ?” và tự trả lời “Chắc là vì cây vừa giống cải, hoa lại giống … cúc”. Quả đúng vậy, bông hoa hao hao giống cúc tím, lại có màu vàng như hoa cải… Hôm nay Hoài ôm bó hoa cải cúc về. Hoài tự nhủ sẽ cắm hoa vào cái bình gỗ bà cho. Hoa cải cúc không thích sang trọng, chỉ cần sạch sẽ… Hoài cũng muốn mình như hoa cải cúc, thật bình dị, thật đẹp và thật đáng yêu.

(Theo Nguyễn Thị Cẩm Diệp)

5. Bố hỏi con :

          – Con đã làm gì để thể hiện tinh thần “Mình vì mọi người” chưa ?

          Con thưa :

          – Rồi ạ ! Hôm qua, con đã cố gắng ngủ trưa để ai cũng có thể ngủ được ạ !…

6                 … Hạ Long vậy đó, cho ta một bài học, sơ đẳng mà cao sâu : Trên thế gian này, chẳng có gì là vô tri cả. Cho đến cả Đá. Ở đây, Tạo Hoá đã chọn Đá làm một trong hai nguyên liệu chủ yếu và duy nhất của Người để bày nên bản phác thảo của sự sống. Chính là Người có ý tứ sâu xa đấy : Người chọn lấy cái vẫn được coi là trơ lì, vô tri nhất để thể hiện cái hồn ríu rít của sự sống. Thiên nhiên bao giờ cũng thông minh đến bất ngờ, nó tạo nên thế giới bằng những nghịch lí đến lạ lùng…

(Nguyên Ngọc)

7.                  … Chiều chiều, chúng tôi ra ngồi gốc đa hóng mát. Lúa vàng gợn sóng. Xa xa, giữa cánh đồng, đàn trâu ra về, lững thững từng bước nặng nề. Bóng sừng trâu dưới ánh chiều, kéo dài, lan giữa ruộng đồng yên lặng.

(‘Theo Nguyễn Khắc Viện)

1. Bài văn bản trên được viết theo phương thức biểu đạt chính nào ? Văn bản nào được viết theo phương thức thuyết minh ?

2. Đặt đầu đề cho từng văn bản.

3. Các văn bản thuyết minh đã sử dụng những phương pháp viết nào ?

4. Các văn bản thuyết minh trên đã cung cấp cho ta những kiến thức, hiểu biết gì trong cuộc sống ?

Bài tập 41. Cho đề văn sau :

Giới thiệu một trò chơi mang bản sắc Việt Nam (trò chơi thả diều, trò chơi ô ăn quan, trò chơi rồng rắn lên mây,…)

1. Tìm hiểu kiến thức, quan sát trò chơi.

2. Dựa vào kiến thức thu lượm được, lập dàn ý.

3. Dựa vào dàn ý, viết bài thuyết minh hoàn chỉnh.

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận