Chuyển đoạn trong văn bản – Tập làm văn 8

Đang tải...

1. Ghi nhớ

Khi đã viết thành thạo các đoạn văn, nên học và rèn kĩ năng chuyển đoạn văn để tạo sự mạch lạc liên tục trong văn bản.

        Khi chuyển từ đoạn văn này sang đoạn văn khác, cần sử dụng các phương tiện chuyển đoạn để chúng liền ý, liền mạch.

        Có thể sử dụng các phương tiện chủ yếu sau đây để chuyển đoạn :

1. Dùng từ ngữ chỉ :

        – Ý liệt kê ;

        – Ý tổng kết, khái quát sự việc ;

        – Ý đối lập, tương phản ;

        – Sự thay thế (các đại từ và các từ ngữ có tác dụng thay thế khác).

        2. Dùng câu nối.

2. Bài tập

Bài tập 18. Cho văn bản sau :

        Khi những trận mưa rào mùa hạ còn chưa dứt hẳn, nếu nhìn lên bầu trời, rất có thể bạn sẽ bắt gặp một chiếc cầu vồng rực rỡ. Bạn có biết ai đã tạo nên chiếc cầu đó không ?

        Trước hết, người có công đầu trong việc làm nên cầu vồng là ông Mặt Trời. Ngày ngày, Mặt Trời mang ánh nắng sưởi ấm cho Trái Đất. Thoạt nhìn, có thể bạn tưởng ánh sáng Mặt Trời chỉ có mỗi một màu sáng trắng. Nhưng thực ra, Mặt Trời gồm nhiều màu lắm đấy.

        Bên cạnh Mặt Trời, không thể quên vai trò của chị Mưa trong việc làm nên cầu vồng. Vô vàn hạt nước mưa là vô vàn lăng kính bé xíu, giúp cho những màu sắc khác nhau vốn cùng “trốn” trong ánh sáng Mặt Trời giờ đứng riêng ra. Vậy là cầu vồng bảy sắc dần dần hiện ra, rực rỡ giữa bầu trời.

        Lạ hơn nữa, đôi lúc bạn có thể thấy ngay bên trên chiếc cầu vồng chính, còn có một chiếc cầu vồng khác, mờ hơn một chút. Thậm chí, lúc đi trên máy bay, nếu may mắn, bạn cũng có thể thấy ngay phía dưới mình một chiếc cầu vồng hình tròn.

        Cuối cùng, bạn đã hiểu sơ qua nhờ phép màu nào, mà lại xuất hiện chiếc cầu vồng tuyệt đẹp rồi chứ ? Từ giờ, mỗi khi thấy cầu vồng xuất hiện, bạn hãy ngắm thật kĩ và nhớ lại câu chuyện này nhé !

(Theo báo Hoạ mi, số 34, 2003)

1. Văn bản trên gồm mấy đoạn nối tiếp nhau ? Người viết đã dùng phương tiện nào để chuyển đoạn trong văn bản ?

2. Chọn cách đặt đầu đề cho văn bản sao cho vừa đúng lại vừa hay :

A. Cầu vồng.

B. Ai tạo ra cầu vồng ?

C. Ông Mặt Trời và chị Mưa.

D. Thiên nhiên kì diệu.

3. Để văn bản hấp dẫn và gần gũi với bạn đọc, người viết đã chọn biện pháp nghệ thuật nào ? Dấu hiệu cụ thể và tác. dụng của biện pháp nghệ thuật ấy.

Bài tập 19. Cho các đoạn văn được tách rời sau đây :

Đoạn 1. … Năm tháng qua đi, tưởng rằng những cây tre làng tôi với màu xanh như bất tận, sẽ sinh sôi nảy nở để nhiều hơn, trù phú hơn,… Song, đà đô thị hoá đã và đang đến với vùng quê này, khiến tôi chạnh lòng buồn lo cho những luỹ tre làng.

Đoạn 2. … Làng quê tôi ở ngoại thành Hà Nội, nằm ngoài bãi bồi ven con sông Hồng quanh năm phù sa ngầu đỏ. Và cây tre cũng là loại cây trồng chính làm nên một màu xanh đặc trưng của làng quê. Làng tôi có lẽ còn trồng tre nhiều hơn những làng trong đồng, bởi ngoài yếu tố chắn gió bão ra thì những luỹ tre còn phải chở che cho diện mạo của làng, cũng như tính mạng, tài sản của người dân khi chống chọi với những trận sạt lở đất.

Đoạn 3. Đứng trên con đê cao vút nhìn về làng chỉ toàn thấy một màu xanh của lá tre, mà hiếm lắm mới nhìn thấy một vài mái ngói ẩn hiện trong cái màu xanh mướt ấy của tre. Năm nào làng tôi cũng tổ chức trồng tre vào dịp đầu xuân. Ngoài địa điểm trồng ven sông thì mỗi nhà đều trồng thêm dăm, ba gốc quanh bờ ao hay vườn nhà. Nhà tôi có diện tích hơn ngàn mét vuông nên số lượng tre trong vườn nhà khá dày đặc. Kỉ niệm của tuổi thơ trong làng gắn liền với luỹ tre xanh. Tôi không quên được lần cùng bạn lớp Năm đi bẻ măng tre vẻ luộc chấm muối ăn. Bố tôi biết được và tôi đã bị một trận no đòn bằng roi tre…

Đoạn 4. Những ngôi nhà cao tầng mọc lên với màu sơn ve sáng bóng nơi làng quê và luỹ tre làng tôi gần như đã trở thành “cổ tích”. Đi trên con đường làng nắng chói chang, tôi lại ước ao sống lại một thời của ngày xưa ấy, được thoả thích nô đùa, hóng gió mát sông Hồng dưới luỹ tre làng rợp bóng…

Đoạn 5. Từ bao đời nay, hình ảnh đẹp, thân quen và đặc trưng của làng quê Việt Nam : đó là luỹ tre, cây đa, bến nước, sân đình, khói bếp lam chiều, cánh cò thơ mộng,… Trong số những hình ảnh đó, thì có lẽ luỹ tre làng đã trở nên rất đỗi thân quen, gần gũi với hết thảy những ai đã từng sinh ra và lớn lên ở một làng quê.

1. Theo em, năm đoạn văn trên có cùng một chủ đề không ? Vì sao ? Nếu cùng chủ đề, hãy nêu cụ thể chủ đề ấy.

2. Sắp xếp và chọn các phương tiện chuyển đoạn hợp lí để gắn kết năm đoạn trên, tạo thành một văn bản hoàn chỉnh. Đó là các phương tiện chuyển đoạn nào ?

3. Hãy chứng minh : văn bản em vừa tạo thành vừa mang tính truyền thống, vừa mang tính thực tiễn.

Bài tập 20. Cho đề văn sau :

Bé Hồng trong đoạn trích Trong lòng mẹ (Nguyên Hồng) là một đứa con có lòng yêu thương mẹ sâu sắc. Dựa vào văn bản đoạn trích trong SGK Ngữ văn 8, tập một, hãy làm rõ nhận xét trên.

1. Hãy tìm hiểu đề văn trên.

2. Lập dàn ý phần Thân bài để triển khai đề văn.

3. Dựa vào dàn ý đã lập, viết các đoạn của phần Thân bài, chú ý sử dụng các phương tiện chuyển đoạn. Gọi tên các phương tiện chuyển đoạn đã sử dụng.

Bài tập 21. Đọc kĩ ba đoạn cuối ở truyện ngắn Lão Hạc của nhà văn Nam Cao :

        Hỡi ơi lão Hạc ! Thì ra đến lúc cùng lão cũng có thể làm liều như ai hết… Một người như thế ấy !… Một người đã khóc vì trót lừa một con chó !… Một người nhịn ăn để tiền lại làm ma, bởi không muốn liên luỵ đến hàng xóm, láng giềng… Con người đáng kính ấy bây giờ cũng theo gót Binh Tư để có ăn ư ? Cuộc đời quả thật cứ mỗi ngày một thêm đáng buồn…

        Không ! Cuộc đời chưa hẳn đã đáng buồn, hay vẫn đáng buồn nhưng lại đáng buồn theo một nghĩa khác. Tôi ở nhà Binh Tư về được một lúc lâu thì thấy những tiếng nhốn nháo ở bên nhà lão Hạc. Tôi mải mốt chạy sang. Mấy người hàng xóm đến trước tôi đang xôn xao ở trong nhà. Tôi xồng xộc chạy vào. Lão Hạc đang vật vã ở trên giường, đầu tóc rũ rượi, quần áo xộc xệch, hai mắt long sòng sọc. Lão tru tréo, bọt mép sùi ra, khắp người chốc chốc lại bị giật mạnh một cái, nảy lên. Hai người đàn ông lực lưỡng phải ngồi đè lên người lão. Lão vật vã đến hai giờ đồng hồ rồi mới chết. Cái chết thật là dữ dội. Chẳng ai hiểu lão chết vì bệnh gì mà đau đớn và bất thình lình như vậy. Chỉ có tôi với Binh Tư hiểu.

        Nhưng nói ra làm gì nữa ! Lão Hạc ơi ! Lão hãy yên lòng mà nhắm mắt ! Lão đừng lo gì cho cái vườn của lão. Tôi sẽ cố giữ gìn cho lão. Đến khi con trai lão về, tôi sẽ trao lại cho hắn và bảo hắn : “Đây là cái vườn mà ông cụ thân sinh ra anh đã cố để lại cho anh trọn vẹn ; cụ thà chết chứ không chịu bán đi một sào…”.

1. Nhà văn Nam Cao đã dùng những phương tiện nào để chuyển tiếp ba đoạn văn trên ?

2. Nêu tác dụng của các phương tiện chuyển đoạn ấy, đặc biệt giữa đoạn 1 và đoạn 2.

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận