Xây dựng đoạn văn trong văn bản – Tập làm văn 8

Đang tải...

1. Ghi nhớ

         – Đoạn văn là đơn vị trực tiếp tạo nên văn bản, bắt đầu từ chữ viết hoa lùi đầu dòng, kết thúc bằng dấu chấm xuống dòng, và thường biểu đạt một ý tương đối hoàn chỉnh.

         – Đoạn văn thường có câu chủ đề. Câu chủ đề mang nội dung khái quát, lời lẽ ngắn gọn, thường đủ hai thành phần chính và đứng ở đầu đoạn vân.

         – Các câu trong đoạn văn có quan hệ ý nghĩa chặt chẽ với nhau. Chúng có thể bổ sung ý nghĩa cho nhau hoặc có thể bình đẳng với nhau về ý nghĩa.

         – Nội dung đoạn văn có thể được triển khai theo cách diễn dịch, quy nạp, song hành, móc xích, tổng -phân – hợp.

2. Bài tập

Bài tập 11. Cho văn bản sau :

         Người xưa có câu : “Muốn nên thân người thì trước hết phải học ăn, học nói, sau đó mới học gói, học mở. Cóc chết ba năm còn mở miệng nữa là con người”. Nhưng xem ra trong bốn cái cần học thì học nói là điều khó hơn cả. Bởi im lặng nhiều khi còn quý hơn cả vàng. Đấy là nghĩ vậy. Còn là con người, tối thiểu trong giao tiếp, nói đã là một nhu cầu, một đòi hỏi không thể thiếu.

         Để nói được một câu, có khi phải im lặng đến mười năm. Im lặng để ngẫm ngợi. Im lặng để trải sự đời. Nhưng biết mà không nói, thì mười năm im lặng ấy cũng thật chả có ích gì cho ai.

         Nghĩ lại từ xưa đến nay, việc học nói quả là còn khó hơn cả chuyện mò kim đáy bể, đãi cát tìm vàng. Bởi chỉ nói không thi đứa trẻ chưa đầy năm đã bắt đầu có thể bập bẹ, tiếng ạ, tiếng à. Còn nói để có người nghe thì phải học đến bạc đầu có khi chưa làm nổi.

         Có người nói giỏi hơn làm. Có người làm giỏi hơn nói. Và có người cả nói, cả làm đều giỏi. Nếu cần trọng dụng, cất nhắc, thử hỏi bạn dùng ai ? Ta không dùng người nói giỏi mà không làm. Bởi đó cũng là mầm hoạ. Còn nếu dùng người làm giỏi, mà không nói giỏi, thì tuy được việc đấy nhưng xem ra cũng kém uy phong. Nhưng nếu dùng người giỏi cả nói và làm thì thật là điều may mắn cho xã tắc sơn hà.

         Nói, thật khó làm sao ! Thì phải học. Xin ngàn lần cảm tạ cha ông ta đã cho con cháu lời khuyên chí tình “học ăn, học nói, học gói, học mở”.

(Theo Nguyễn Hưng Hải,

báo Văn nghệ, số 28, 12-7-2003)

1. Văn bản trên có thể chia làm mấy ý ? Mỗi ý được diễn đạt bằng mấy đoạn văn ? Nêu tiêu đề của từng ý.

2. Đặt đầu đề cho văn bản trên.

3. Ý kiến của em về vấn đề mà văn bản trên nêu ra như thế nào ?

Bài tập 12. Cho câu chủ đề (mở đoạn) sau :

“Em quên sao được những kỉ niệm về ngày đầu tiên đi học lớp Một”.

Viết tiếp câu chủ đề trên để có một đoạn văn diễn dịch khoảng từ 10 đến câu.

2. Sau đó, hãy chuyển đổi đoạn văn diễn dịch thành đoạn văn quy nạp. Nêu cách chuyển đổi.

Bài tập 13. Cho các đoạn văn sau đây, hãy phân tích và chỉ ra phương pháp để trình bày nội dung ở mỗi đoạn văn :

1.          Dạy văn chương ở phổ thông có nhiều mục đích. Trước hết, nó tạo điều kiện cho học sinh tiếp xúc với một loại sản phẩm đặc biệt của con người, kết quả của một thứ lao động đặc thù – lao động nghệ thuật. Đồng thời, dạy văn chương chính là hình thức quan trọng giúp các em hiểu biết, nắm vững và sử dụng tiếng mẹ đẻ cho đúng, cho hay. Dạy văn chương cũng là một trong những con đường của giáo dục thẩm mĩ.

(Lê Ngọc Trà)

2.          Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết nhũng người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu.

(Hồ Chí Minh)

3.         Những cách chống nạn đói chia ra làm mấy hạng : như cấm nấu rượu bằng gạo hay bắp, cấm các thứ bánh ngọt… để cho đỡ tốn ngũ cốc. Như vùng này san sẻ thức ăn cho vùng khác, đỡ đần cho các vùng khác. Như ra sức tăng gia, trồng trọt các thứ rau, khoai… Nói tóm lại, bất cứ cách gì, hễ làm cho dân đỡ đói lúc này và ngăn ngừa nạn đói mùa sau, chúng ta đều phải làm cả.

(Hồ Chí Minh)

4.          Chẳng có nơi nào đẹp như sông Thao quê tôi, rừng cọ trập trùng. Thân cọ cao vút. Búp cọ dài như thanh kiếm sắc. Lá cọ tròn xoè ra nhiều phiến nhọn dài.

(Theo Nguyễn Thái Vận)

5.          Kể cũng lạ, con người sinh ra từ lúc chào đời là khóc, chứ không phải là cười. Rồi từ khi sinh ra cho tới lúc từ giã cõi trần gian còn có bao nhiêu điều cần khóc, phải khóc. Khóc vì đau khổ, oan ức, buồn tủi, giận hờn, thương cảm, trái ngang và lại cả vì vui sướng, sung sướng, hạnh phúc. Vậy thì, xem ra tiếng khóc không phải ít cung bậc và càng không ít ý nghĩa so với tiếng cười. Nhưng tại sao dân gian lại chỉ toàn sáng tạo ra truyện tiếu lâm để gây cười mà không tạo ra truyện để gây khóc ?

(Trích Lời giới thiệu tập

Kho tàng truyện tiếu lâm Việt Nam)

6.         Một mùi hương lạ xông lên trong lớp. Trông hình gì treo trên tường tôi cũng thấy lạ và hay hay. Tôi nhìn bàn ghế chỗ tôi ngồi rất cẩn thận rồi tự nhiên lạm nhận là vật riêng của mình. Tôi nhìn người bạn tí hon ngồi bên tôi, một người bạn tôi chưa hề quen biết, nhưng lòng tôi vẫn không cảm thấy sự xa lạ chút nào…

(Thanh Tịnh)

Bài tập 14. Cho đoạn văn sau :

         “Xưa nay người giỏi dùng binh là ở chỗ hiểu biết thời thế. Được thời và có thế, thì biến mất thành còn, hoá nhỏ thành lớn ; mất thời không thế, thì trở mạnh ra yếu, đổi yên làm nguy, chỉ ở trong khoảng trở bàn tay thôi. Nay các người không rõ thời thế, chỉ giả dối quen thân há chẳng phải là dạng thất phu đớn hèn, sao đủ nói chuyện việc binh được”.

(Nguyễn Trãi)

         – Có bạn cho rằng đoạn văn trên được kết cấu theo kiểu trình bày diễn dịch. Lại có bạn cho rằng đoạn văn trên được kết cấu theo kiểu trình bày quy nạp. Và cũng có ý kiến cho rằng đây là đoạn được kết cấu theo kiểu trình bày tổng – phân – hợp…

         – Ý kiến của em thế nào ? Hãy lí giải để các bạn cùng thông cảm và thống nhất ý kiến.

Bài tập 15. Cho câu chủ đề sau :

         “Ca dao và tục ngữ Việt Nam đã diễn tả sâu sắc tình cảm yêu thương cộng đồng”.

         Hãy viết tiếp câu chủ đề trên để có một đoạn văn nghị luận chứng minh kết cấu theo kiểu tổng – phân – hợp (từ 15 đến 20 câu).

Bài tập 16. Để làm được đề văn :

         “Kể lại những kỉ niệm về ngày đầu tiên đi học lớp Một của riêng em”:

1. Một bạn học sinh đã có dự định sắp xếp dàn ý phần Thân bài như sau và mỗi ý bạn ấy sẽ triển khai thành một đoạn văn :

a. Kỉ niệm khi ở nhà, chuẩn bị đến trường.

b. Kỉ niệm khi kết thúc buổi học.

c. Kỉ niệm suốt dọc đường đến lớp.

d. Kỉ niệm trong buổi lễ khai giảng.

e. Kỉ niệm trong lớp, buổi học đầu tiên.

2. Theo em, dàn ý thân bài mà bạn học sinh dự kiến như trên đã hợp lí chưa ? Vì sao ? Nếu chưa hợp lí, hãy sửa lại.

3. Chọn một ý của dàn ý thân bài đã sửa, viết thành một đoạn văn diễn dịch hoặc quy nạp.

Bài tập 17. Để chuẩn bị cho bài viết số 1 về văn tự sự trong tuần sau, cô giáo đã hướng dẫn cả lớp tôi làm đề văn số 2 (Ngữ văn 8, tập một) như sau :

         – Các em có thể chọn “người ấy” là một người bạn, hoặc một thầy giáo, cô giáo, hoặc một người thân trong gia đình như ông, bà, cha, mẹ, anh, chị, em…

         – “Sống mãi” có nghĩa là để lại những kỉ niệm sâu sắc, không thể quên. Không nên quan niệm về sống chết, hoặc hiểu lầm là viết về người đã khuất.

         – Tôi đã chọn viết về bà nội yêu quý của mình. Dự kiến phần Thân bài của tôi như sau :

1. Một vài nhận xét nhanh về bà từ hình dáng, đến công việc hằng ngày.

2. Kỉ niệm khi em mới sinh, bà đã giúp mẹ chăm sóc em (nghe mẹ kể lại).

3. Kỉ niệm khi em chập chững biết đi, bà đã chăm em.

4. Kỉ niệm khi em lớn lên và đi học, bà vẫn chăm sóc và dạy bảo em.

         – Các bạn có trùng dự định như tôi không ? Nếu đồng cảm, mời các bạn hãy triển khai mỗi ý của dàn ý thành một đoạn văn và hoàn thành đề văn số 2.

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận