Tâm trạng đợi tàu của Liên trong truyện Hai đứa trẻ của Thạch Lam – Văn mẫu 11

Đang tải...

Đề văn: Phân tích tâm trạng đợi tàu của Liên trong truyện Hai đứa trẻ của Thạch Lam.

Bài làm

             Trong nền văn học dân tộc, ít có nhà văn nào lại có phong cách sáng tác độc đáo như Thạch Lam. Người ta ví văn chương của ông như “mạch nước mát lành len lỏi vào tâm hồn người đọc”. Chỉ bằng những truyện ngắn tưởng như đơn giản, những bài thơ trữ tình đượm buồn và những câu chuyện không có truyện, Thạch Lam đã lưu lại những lắng sâu, những suy nghĩ và cả những dư âm tinh tế trong lòng người đọc và Hai đứa trẻ là một truyện ngắn như thế. Câu chuyện không chỉ là một bức tranh hiện thực sống động về phố huyện, về những con người nơi phố huyện nghèo nàn, tối tăm kia, mà nó còn là một thước phim quay chậm diễn tả một cách sâu sắc và tinh tế nhất những biến thái tinh vi trong tâm trạng của nhân vật chính – cô bé Liên.

             Hai đứa trẻ được bắt đầu bằng không gian của khu phố huyện nghèo nàn khi trời bắt đầu ngả dần về tối. Phố “huyện được đặc tả với những hình ảnh, âm thanh,với mùi vị đặc trưng nhất. Khu phố ấy với ánh sáng “lờ mờ”, “leo lét” của “hột sáng”, “đốm sáng”, “điểm sáng”, với âm thanh của “tiếng trống thu không” và với mùi vị “ẩm mốc của đống rác rưởi” đã gieo vào lòng cô bé Liên bao sự cảm thương về cuộc sống, chừng ấy âm thanh, hình ảnh cũng không đủ để làm sống dậy khu phố huyện, nó đưa người ta đi tới cái não nề, âm u của cuộc sống nơi “âm giới”, có lẽ, phố huyện không phải là nơi tràn trề sự sống mà chỉ là sự tồn tại lay lắt với hình ảnh con người là những cái bóng dật dờ đi lại, những hình nhân với điệp khúc vô tận và vô vọng. Trong bóng tối là những cuộc đời bóng tối. Trang sách nhuộm những trang đời tối tăm. Dường như cô bé Liên như bị bao vây trong cái lưới vô hình của sự nhàm chán, ngao ngán. Cô bé tưởng tượng ra nếu như cuộc sống không thay đổi thì có lẽ, đó cũng chính là tương lai đang chờ đợi cô phía trước. Cuộc sống của cô bé chỉ thực sự bắt đầu khi có hình ảnh đoàn tàu đi ngang qua khu phố huyện. Liên – một bé gái khoảng mười ba, mười bốn tuổi, sống nơi phố huyện tù túng này, có một suy nghĩ thật già dặn và trưởng thành. Cũng đúng thôi, làm sao mà đứa trẻ có thể hồn nhiên, ngây thơ được khi mà hàng ngày nó phải lo toan, len lỏi cho cuộc sống? Thế nhưng, với Liên, mọi khát khao của tuổi thơ, mọi hi vọng đẹp đẽ nhất mang sắc màu kì diệu chỉ thực sự đến khi đoàn tàu đi ngang qua khu phố. Đoàn tàu là hoạt động cuối cùng của đêm khuya, nó mang theo biết bao hoài vọng của người dân nơi đây khi lăn bánh ngang qua. Cũng như biết bao người nơi con phố huyện nhỏ bé, Liên cùng với em trai An cũng có tâm trạng thấp thỏm đợi tàu. Hai chị em đã buồn ngủ ríu cả mắt nhưng vẫn cố thức để đợi tàu. Quả thực, mỗi khi tàu đến, không chỉ là ước mơ về cuộc sống ngày mai được thắp sáng mà hơn cả, với chị em Liên, nó mang tới những kí ức đẹp đẽ về một thời quá khứ, khi mà hai chị em sống ở Hà Nội. “Hà Nội, xa xăm, huyên náo, sáng rực và vui vẻ”. Có thể với nhiều người, Hà Nội không lớn lao gì, nhưng với chị em Liên, Hà Nội là những kỉ niệm vàng son nhất, đẹp đẽ nhất mà chị em họ có được. Những buổi đi chơi bờ Hồ, được uống thứ nước lạnh xanh đỏ… giờ đây trở thành xa vời quá với chị em Liên. Những kỉ niệm bình dị nhưng cũng rất đáng quý với họ. Ở đây, có sự đối lập giữa quá khứ vàng son và hiện tại phũ phàng của con phố huyện. Cuộc sống cứ thế tiếp diễn, Liên vẫn cứ tiếp tục cuộc sống quá phẳng lặng và nhàm chán như vậy, như bao người thân khác. Sự đối lập của khung cảnh diễn tả một sự chuyển đổi trong cảm xúc của cô bé Liên. Nhìn đoàn tàu chuyển động, nhớ lại những kỉ niệm tươi đẹp xưa, nhìn vào thực tại và hi vọng tới một tương lai tốt đẹp hơn. Đoàn tàu đi gửi tới nơi xa xăm, nơi Hà Thành kia những ước mơ nhỏ nhoi nhưng thật bình dị của chị em Liên. Cũng biết ước mơ ấy có được thực hiện hay không, chỉ biết rằng, ngay lúc này đây, cô bé Liên đã rất vui rồi, đã mừng lắm rồi và cũng hạnh phúc lắm rồi, đặc biệt, cô bé còn vui hơn mọi người, bởi lẽ cô bé dù sao cũng là một đứa trẻ, một đứa hồn nhiên nhưng sớm phải chứng kiến cảnh đời tăm tối, ngục tù. Bởi thế, biết bao hi vọng là bấy nhiêu niềm vui đang dâng lên. Từ tâm trạng chán ngán, buồn bã khi chứng kiến khung cảnh sống nơi phố huyện đến mong mỏi, khát khao khi đợi tàu và niềm vui pha lẫn sự nuối tiếc khi đoàn tàu đi qua là cả một quá trình diễn biến tâm trạng phức tạp và tinh tế của nhân vật Liên. Bằng bút pháp phân tích tâm lý nhân vật đặc sắc Thạch Lam đã đưa người đọc đến với thế giới nội tâm phong phú của cô bé Liên, một cô bé sớm có những suy nghĩ, mong ước của một người trưởng thành.

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận