Rèn phương pháp viết văn tả người – Ngữ Văn 6 nâng cao

Đang tải...

 

Chương II:

CÁC BÀI TẬP RÈN VIẾT VĂN MIÊU TẢ

B – BÀI TẬP RÈN VIẾT VĂN MIÊU TẢ

          V- RÈN PHƯƠNG PHÁP VIẾT VĂN TẢ NGƯỜI

          1. Ghi nhớ

          – Muốn tả người cần :

          + Xác định được đối tượng cần tả (tả chân dung hay tả người trong tư thế làm việc) ;

          + Quan sát, lựa chọn các chi tiết miêu tả ;

          + Trình bày kết quả quan sát theo một thứ tự.

          – Bố cục bài văn miêu tả người gồm có ba phần

          + Mở bài : Giới thiệu người được tả ;

          + Thân bài : Miêu tả chi tiết (ngoại hình, cử chỉ, hành động, lời nói…)      ;

          + Kết bài : Thường nhận xét hoặc nêu cảm nghĩ của người viết về người được tả.

          2. Bài tập : Rèn phương pháp viết văn miêu tả

          Bài tập 16

          Đánh dấu vào chỗ trống mà em cho là đúng. …….

          A – Người anh trai của Kiều Phương là người tốt.  …….

          B – Người anh trai của Kiều Phương là người tốt song còn nhược điểm, chưa thông cảm, hiểu em gái mình, có lúc còn ghen tị với tài năng của em gái mình. …….

          C – Người anh trai của Kiều Phương là người ích kỉ, hay ghen tị với tài năng của em gái mình. …….

          Bài tập 17

          Chọn cách hiểu nhân vật đúng, qua một câu văn trong tác phẩm Buổi học cuối cùng (An-phông-xơ Đô-đê)

          A – Sau khi viết lên bảng bốn chữ “Nước Pháp muôn năm”, thầy Ha-men sợ bọn Đức quá, không đứng vững được.

          B – Sau khi viết lên bảng bốn chữ “Nước Pháp muôn năm”, thầy Ha-men thấy yếu quá, không đứng vững được.

          C – Sau khi viết lên bảng bốn chữ “Nước Pháp muôn năm” thầy Ha-men quá xúc động, không đứng vững được.

          Em hiểu tình cảm gì ở thầy giáo ?

          Bài tập 18

          Viết một đoạn miêu tả người mẹ kính yêu của em rực rỡ trong tà áo dài truyền thống, nhân ngày kỉ niệm Quốc tế phụ nữ 8-3.

          Bài tập 19

          Hãy tả một người có hành động khác thường mà em có dịp quan sát ở ngoài đời hoặc trong sách truyện.

          3. Giải bài tập 16,17, 18,19

          Bài tập 16 : Đánh dấu (B)

          Bài tập 17 : – Chọn cách hiểu đúng về nhân vật thầy giáo Ha-men (C).

          – Thầy Ha-men là người thầy giáo có lòng yêu nước sâu sắc.

          Bài tập 18 : Mẹ kính yêu của tôi sống rất giản dị ; suốt đời mẹ chỉ lo cho bố con tôi. Hôm nay ngày 8-3 là ngày đáng ghi nhớ – ngày Quốc tế phụ nữ. Mẹ tôi bỗng rực rỡ trong chiếc áo dài màu xanh mà bố tôi mua tặng mẹ, trông mẹ trẻ hơn mọi ngày rất nhiều. Mẹ lên xe để đến cơ quan làm việc, tà áo dài bay tha thướt phía sau. Ngoài phố, ai ai cũng nhìn mẹ. Tôi rất tự hào về mẹ, giá ngày nào mẹ cũng đẹp và thanh thản như thế. Có một nhà văn đã nói rất hay về các mẹ, đại ý là : Không có người mẹ, không có thế gian và anh hùng. Tôi thấy nói như thế thì hay, nhưng chưa gần gũi lắm. Tôi chỉ thích mẹ tôi đẹp mãi trong tà áo dài truyền thống, mỗi ngày một màu, thật đẹp…

(Đoạn văn : 10 câu)

          Bài tập 19 : a) Tìm hiểu đề :

          – Đây là một đề văn trong sách giáo khoa Ngữ văn 6, tập một, đã gây ra nhiều sự tranh cãi. Song, nếu có cách hiểu đúng thì đề văn này không những khắc phục được sự nhàm chán, máy móc của một vài đề đơn điệu trước kia, đồng thời các em sẽ gắn với cuộc sống, hiểu thêm tâm lí con người.

          – Không nên hiểu đây là đề tả một người bị bệnh thần kinh, hay dở hơi. Mà đây là đề tả những con người lành lặn bình thường. Song trong cuộc sống muôn màu, muôn vẻ, lúc vui, lúc buồn – mà những sự việc đó lại đến bất ngờ – nên trong một giai đoạn ngắn, tâm lí con người chợt đổi khác, có những hành động, cử chỉ không bình thường (có nghĩa không giống mọi ngày mà mọi người vẫn thấy).

          – Có thể nêu một vài ví dụ :

          + Một học sinh nữ rất ít nói, dịu dàng, nghe tin đỗ đại học. Niềm vui sướng đã khiến em thay đổi, em nói cười nhảy nhót suốt ngày. Trạng thái tâm lí này có thể sẽ kéo dài một số ngày, đến khi tình cảm dần dần bình thường, hoà nhập với cuộc sống.

          + Một em học sinh nam rất sợ môn Nhạc (sợ hát, sợ múa), nhưng vì nhiệm vụ học tập, em nào cũng phải hát múa. Khi em lên biểu diễn : do vụng về, do ngượng ngùng, do “dị ứng” với môn Nhạc (như cách nói của các bạn cùng lớp), chân tay em như thừa, nét mặt không biết để kiểu vui hay buồn cho phải. Do vậy, em đó trở nên khác thường, làm các bạn được một trận cười.

          + Cũng có em chọn lí do nặng nề, có liên quan đến sống chết, không phù hợp với lớp 6 ; nên gợi ý những tình huống nhẹ nhàng trong cuộc sống để học sinh chọn và làm bài.

          b) Quan sát, tìm ý

          – Tuỳ theo tình huống học sinh đã chọn để sắp xếp một số chi tiết tả.

          c) Dàn ý : Theo bố cục (ba phần)

          – Mở bài: Giới thiệu cử chỉ, hành động khác thường và hoàn cảnh nảy sinh.

          – Thân bài: Trình tự miêu tả cử chỉ hành động của con người ấy, có sự lí giải.

          + Cử chỉ hành động a

          + Cử chỉ hành động b…

          – Kết bài : Cảm nghĩ của em về cử chỉ hành động của người đó – suy nghĩ về bạn thân mình.

d) Dựa vào dàn ý : viết bài văn miêu tả hoàn chỉnh (có hai bài trong phần Phụ lục).

 
 
 
 

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận