Các bài văn viết thư – kể chuyện lớp 3 (phần 1) – Luyện tập làm văn lớp 3

Đang tải...

Bài số 33

Viết một bức thư cho bạn, kể những điều em biết về thành thị hoặc nông thôn.

Bài làm thứ nhất

Kim Bôi, ngày 20 tháng 11 năm 2007

Bạn Tuấn quý mến!

Tuần trước, Tuấn có hỏi mình đi chơi Hải Phòng có gì vui, có gì đáng nhớ. Mình có mang về cho Tuấn bốn vỏ ốc biển rất đẹp, sẽ gửi lên sau.

Hải Phòng được gọi là thành phố Cửa Biển. Có nhiều tên phố rất lạ tai: Cầu Đất, Cát Dài, Cát Cụt, Hàng Kênh, Quán Bà Mau, Ngõ Ba Chìa,… Chắc là các tên phố ấy từng gắn với những sự tích, câu chuyện lạ và hay. Anh Phương đã đưa mình đi xem Cảng Hải Phòng. Tàu nước ngoài, tàu buôn, tàu Hải quân nhiều vô kể, đậu san sát, còi rúc liên hồi. Nhiều cần cẩu khổng lồ, cánh tay vươn dài móc hàng, chuyển động rối rít.

Thú vị nhất là được đi tham quan Núi Voi, đồi Thiên Văn, đi tắm mát ở bãi biển Đồ Sơn. Sớm sớm, chiều chiều, ngày hè nào cũng có hàng nghìn người tắm biển. Biển rộng quá, sóng đưa dập dềnh, mình không dám bơi xa, cứ ôm chặt lấy cái phao. Lần đầu tiên mình mới nhìn thấy chim hải âu và con còng biển.

Giá có Tuấn cùng đi để chúng mình dạo biển chơi thì hay quá. Hẹn hè sang năm nhé.

Thư đã dài, mình tạm dừng bút ở đậy. Chúc Tuấn khoẻ và vui. Thi đua học giỏi nhé. Mẹ mình gửi lời thăm hai bác.

Bắt chặt tay bạn.

Quách Trọng Tùng

Trường Tiểu học Kim Bôi, Hòa Bình

Bài làm thứ hai

Kiến An, ngày 30 tháng 4 năm 2004

Bạn Hoàng thân mến!

Vinh viết thư cho Hoàng đây. Chúng mình xa nhau thế mà đã gần 9 tháng. Có lúc Vinh tưởng như hai đứa xa cách nhau đã mấy năm trời. Bố mẹ Hoàng, chị Sâm, anh Quang vẫn khỏe cả chứ? sắp thi học kì II rồi, Hoàng có hi vọng đạt danh hiệu học sinh giỏi như năm lớp Hai không? Hai đứa chúng mình thi đua nhé.

Theo bố mẹ mình về biển, bố mẹ mình công tác ở đài Thiên Văn Phủ Liễn, trên đỉnh đồi thông cao chót vót. Rừng thông xanh biếc. Phấn thông vàng nhạt, thơm dịu dàng. Tiếng thông reo vi vu, có lúc mình tưởng thông làm ra gió. Hoa thông khô, đốt lên hun muỗi rất hiệu quả. Bố mẹ mình cặm cụi đỏ gió, đo mây, dự báo thời tiết suốt ngày.

Mình về học lớp 3A, Trường Tiểu học Bắc Hà. Bạn cùng lớp có đứa nhà ở thị xã Kiến An, phần đông là học sinh nông thôn. Nhiều đứa cưỡi trâu giỏi lắm. Bạn học đứa nào cũng nghịch như quỷ sứ, nhưng rất chân thật, nhiệt tình. Chúng dạy mình đi câu con còng ở sông Văn Úc, đi chơi hang động Núi Voi, đi mót khoai mót lúa. Bố mẹ mình đã cho mình đi xem chọi trâu ở Đồ Sơn. Con trâu hiền lành thế, nhưng chọi nhau thật vô cùng dữ dội. Lễ chọi trâu có hàng vạn người đến dự đông vui.

Trường mình học có 20 lớp. Ngôi trường hai tầng xinh xắn. Sân trường rợp bóng cây. Cô giáo Minh dạy lớp 3B chúng mình là giáo viên giỏi cấp thành phố. Đầu năm bọc, cô giới thiệu mình là học sinh giỏi Thủ đô, cả lớp gần trăm con mắt đổ dồn nhìn về phía mình. Giờ Tập đọc bài thơ “Mùa thu của em”, cô cho mình điểm 10 và khen “đọc đúng, đọc diễn cảm”. Mình cảm động lắm và tự hứa thầm: “Phải cố gắng hơn nữa”.

Thư đã dài, mình tạm ngừng bút nhé. Chúc Hoàng khỏe, vui, học giỏi. Hoàng ơi, bao giờ chúng mình được cùng nhau đi tắm biển Đồ Sơn nhé!

Hẹn gặp nhau

Lê Quang Vinh

Bài số 34

Hãy viết thư thăm một người thân hoặc một người mà em quý mến (ông, bà, cô, bác, cô giáo cũ, bạn bè…).

Bài làm

Vũ Thư, ngày 10 tháng 10 năm 2003

Cô Oanh kính mến!

Chị Hải lớp 5A cho biết cô đã chuyển lên bệnh viện Bạch Mai điều trị từ đầu tháng 10. Cả lớp 3C, ai cũng buồn, nhớ và thương cô nhiều lắm. Cái Thủy, cái Huệ, cái Hương, thằng Quang, thằng Thi… đều khóc thút thít.

Chúng em cứ tưởng cô chỉ ốm qua loa vài hôm rồi cô lại đi dạy chúng em. Không ngờ bệnh tình cô như thế. Mẹ em giục em viết thư thăm cô. Mẹ em nói thế nào cũng lên bệnh viện thăm cô trong tuần tới.

Cô ơi! Cả lớp chúng em đứa nào cũng yêu quý cô và coi cô như mẹ. Đứa nào cũng cảm thấy một tình thương dịu dàng, chăm chút mà cô đã dành cho, ngay từ những ngày đầu vào học lớp Một. Bạn Hiền, bạn Lễ bị ốm, cô đến thăm và cho quà, các bạn vẫn nhắc mãi. Cô dạy chúng em học Toán, học Tiếng Việt, dạy chúng em tập viết, nhiều bạn lớp 3C đã trở thành học sinh ngoan, học sinh giỏi, được giải học sinh giỏi Văn, giỏi Toán của huyện nhà. Cô bày chúng em cách cắm hoa…

Nhớ cô, nhiều hôm ngồi học, em cứ bồn chồn, lo lắng. Em chỉ cầu mong cô chóng bình phục để trở về với chúng em, với đàn con thơ của cô.

Đọc thư em, cô đừng khóc đấy nhé.

Chúc cô được bình an. Cả lớp 3C đang ngóng đợi cô về.

Học trò cưng của cô

Nguyễn Thị Ngọc Bình

Bài số 35

Hãy viết một đoạn văn ngắn (từ 7 đến 10 câu)

kể về việc học tập của em trong học kì I.

Bài làm 1

Học kì I, em bị ốm phải nghỉ học mất ba ngày. Cô giáo Duyên đã giảng bài cho hai em buổi tối, bạn Phương Anh chép hộ bài cho em. Nhờ thế mà em mới học đuổi kịp được các bạn. Môn Tiếng Việt, em, bạn Thanh Nga, bạn Diệu Huyền vẫn được cô khen. Môn Toán, em đã nỗ lực, nhưng chưa được nhiều điểm 10 như các bạn Anh, Tú, Hiển, Bội. Cô giáo động viên em viết nhanh hơn, nắn nót hơn để dự thi “Vở sạch chữ đẹp toàn trường” trong dịp đầu xuân. Học kì I, em đạt danh hiệu “Học sinh giỏi”, nhưng mẹ em vẫn nhắc: “Nga, con gái cưng của mẹ phải cố gắng hơn nữa, học giỏi hơn nữa…”.

Lê Thanh Nga

Trường Tiểu học cẩm Điền, Hải Dương

Bài làm 2

Lớp 3B Trường Tiểu học Lê Lợi có 38 học sinh. Học kì I, em xếp thứ 18, cô giáo Hảo phê trong Bản thành tích của em: Học lực khá, hạnh kiểm tốt, công tác và lao động tích cực. Môn Toán, em đã vươn lên tốp 6 học sinh giỏi nhất lớp, mà cô Hảo gọi là tốp Bạch Kim. Môn Tiếng Việt, cô chê em là tập chép còn chậm, chữ viết chưa cẩn thận, chưa đẹp. Cô khen là em ngoan, chăm chỉ và có tinh thần tương trợ bạn trong học tập. Mẹ đưa Bản thành tích học tập của em cho bố xem. Bố nhẹ nhàng nói: “Năm nay cu Hải học khá và tiến bộ hơn năm học lớp Hai. Sang học kì II, con phấn đấu học giỏi hơn nữa, bố mẹ sẽ mua tặng cho con một bộ quần áo đẹp. Con nhớ chưa?…”

Trần Ngọc Hải, Lớp 3B

Trường Tiểu học Lê Lợi, Tỉnh Thanh Hóa

Bài số 36

Dựa vào các tranh sau, kể lại từng đoạn câu chuyện “Hai Bà Trưng”.

Bài làm

Cách đây trên 2000 năm, nước ta bị quân Tàu xâm lược; đất nước ta bị biến thành quận, huyện của chúng. Giặc Tàu vô cùng tham lam tàn bạo. Chúng ra sức hoành hành, giết người, cướp của cực kì dã man. Chúng bắt dân ta nộp ngà voi, sừng tê, ngọc trai,… Chúng vơ vét lụa là, vàng bạc, châu báu: Nhân dân ta bầm gan tím ruột oán hận, nung nấu ngọn lửa căm thù sục sôi.

Thuở ấy, ở Mê Linh có Bà Trưng Trắc và Bà Trưng Nhị rất tài giỏi võ nghệ, có chí lớn đánh đuổi quân xâm lược, giành lại non sông. Tên Thái thú Tô Định đã giết chết ông Thi Sách là chồng của Bà Trưng Trắc. Nợ nước thù nhà đè nặng đôi vai. Bà Trưng Trắc đã cùng em là Trưng Nhị phất cờ khởi nghĩa, đó là vào năm 40 đầu Công nguyên. Nhân dân ta đã quật khởi đứng lên. Nhiều nữ anh hùng mang quân đến Mê Linh tụ nghĩa.

Hai Bà Trưng mặc áo giáp, cưỡi voi xuất trận. Hàng ngàn hàng vạn nghĩa quân gươm giáo sáng ngời. Voi chiến, ngựa chiến ào ào tiến lên. Tiếng chiêng, tiếng trống trận rền vang sông núi. Nghĩa quân vây hãm thành Luy Lâu. Tô Định bạt vía kinh hồn trốn chạy về phương Bắc. 65 thành trì của giặc bị hạ. Hàng ngàn quân giặc bị giết.

Đất nước được giải phóng. Hai Bà lên làm vua xưng là Trưng Nữ Vương, đóng đô ở Mê Linh.

Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng là một trong những trang sử vàng chói lọi của dân tộc. Nhân dân ta đã lập đền thờ hai vị nữ anh hùng đầu tiên của đất nước.

Trần Trung Nghĩa, lớp 3A

Trường Tiểu học Trần Quốc Toản , Nam Định

Bài số 37

Nghe và kể lại câu chuyện “Chàng trai làng Phù Ủng”.

Bài làm

Về thời Trần, nước ta đứng trước họa xâm lăng nước sôi lửa bỏng. Vua Mông Cổ liên tiếp sai sứ sang đòi ngọc lụa, vơ vét vàng bạc để thỏa lòng tham không cùng. Lòng dân sục sôi căm giận.

Thuở ấy, ở làng Phù ủng có chàng trai mồ côi bố, ở với mẹ già, tên là Phạm Ngũ Lão. Chàng có sức khỏe và võ nghệ phi thường, thông làu binh pháp, có tài mưu lược và giàu chí khí, khao khát trả nợ công danh.

Một hôm, Phạm Ngũ Lão đang ngồi đan sọt dưới gốc đa cạnh đường làng, thì có hàng ngàn hàng vạn binh mã rầm rập kéo qua làng, tiến về Kinh thành Thăng Long. Gươm giáo sáng ngời, tinh kì phấp phới, tiếng trống, tiếng ngựa hí, voi gầm rền vang cả một góc trời.

Thế nhưng, chàng trai làng Phù Ủng vẫn mải mê đan sọt, chẳng hề biết gì. Trước tiếng hô, tiếng thét của đội lính đi tiên phong dẹp đường, chàng cũng không nhúc nhích. Một người lính đã đâm giáo nhọn vào đùi, máu chảy ra, chàng trai đan sọt vẫn ngồi im bất động. Chuyên lạ làm náo động cả đoàn quân.

Đại Vương Trần Quốc Tuấn ngạc nhiên cho dẫn chàng trai đến trước kiệu để hỏi. Cặp mắt sáng ngời, tướng mạo phi thường của chàng trai chân đất áo vải đã làm cho vị Đại Vương rất có cảm tình. Vương hỏi:

– Tại sao quân quan rầm rộ trẩy Kinh mà nhà ngươi không chịu dẹp đường? Sao bị giáo đâm vào đùi mà vẫn ngồi yên?

– Thưa Đại Vương, kẻ quê mùa này đang mất ăn mất ngủ trước cơn nguy biến của sơn hà. Chỉ muốn đem võ nghệ, chí làm trai, để đánh giặc, đền ơn vua, trả nợ nước…

Vương mừng lắm, hỏi về gia cảnh, về học vấn, hỏi về côn quyền cung kiếm, hỏi về binh pháp binh thư… Vương hỏi đến đâu, chàng trai áo vải trả lời thông thuộc đến đó. Vương mừng thầm, biết là đã gặp được một tài trai lỗi lạc.

Sau khi sai quan thái y rịt thuốc, Đại Vương đưa chàng trai làng Phù ủng về Thăng Long. Phạm Ngũ Lão sớm trở thành một võ tướng tài ba trăm trận trăm thắng, lập nên bao chiến công hiển hách trong cuộc kháng chiến lần thứ hai và lần thứ ba đánh bại quân xâm lược Mông cổ.

Ngày nay, tại đền Kiếp Bạc thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, phía dưới bên phải tượng Đức Thánh Trần, khách thập phương còn nhìn thấy tượng Phạm Ngũ Lão sơn son thiếp vàng trong dáng vẻ uy nghiêm tráng lệ.

Bài số 38

Kẻ lại câu chuyện “Ở lại với chiến khu”.

Bài làm

Hôm ấy, trung đoàn trưởng bước vào lán các liên lạc ở cạnh một con suối. Ông ân cần nhìn cả đội một lượt. Cặp mắt ông trìu mến, dịu dàng. Các chiến sĩ nhỏ quây quần quanh người chỉ huy kính mến của mình. Yên lặng một lúc lâu, rồi ông mới lên tiếng:

– Các em ạ. Anh muốn nói với các em một chuyện. Chiến khu lúc này rất gian khổ. Mai đây sẽ còn gian khổ, thiếu thốn nhiều hơn. Các em còn nhỏ sẽ khó lòng chịu đựng nổi. Nếu em nào muốn trở về sống với gia đình thì Trung đoàn cho các em về. Các em thấy thế nào?

Cả đội liên lạc lặng đi. Ai cũng cảm thấy bối rối, cổ nghẹn lại.

Lượm bước gần lại đống lửa. Giọng cậu ta rung lên:

– Em xin được ở lại với các anh. Em thà chết trên chiến khu còn hơn về ở chung, ở lộn với tụi Tây, tụi Việt gian chó má…

– Chúng em xin ở lại… xin ở lại. – Cả đội nhao nhao lên.

Mừng đứng dậy nói như van lơn:

– Khó khăn, thiếu thốn, các anh chịu đựng được thì chúng em cũng chịu đựng được. Chúng em còn nhỏ chưa làm được chi nhiều thì trung đoàn cho chúng em ăn ít đi cũng được. Đừng bắt chúng em về…, tội chúng em lắm, anh nờ…

Trung đoàn trưởng ôm Mừng vào lòng, ông nhẹ nhàng nói:

– Nếu các em đều xin ở lại, anh sẽ về báo cáo với Ban chỉ huy.

Bỗng một đội viên cất tiếng hát, tức thì cả đội liên lạc hát vang lên:

 

Đoàn Vệ quốc quân một lần ra đi

Nào có mong chi đâu ngày trở về

Ra đi, ra đi bảo tồn sông núi

Ra đi, ra đi, thà chết không lui…

 

Tiếng hát trầm hùng mỗi lúc một cất vang. Tiếng hát bay lượn trên mặt suối, tràn qua lớp lớp cây rừng, bùng lên như ngọn lửa rừng rực giữa đêm rừng lạnh tối. Lòng người chỉ huy ấm hẳn lại, ông cất tiếng hát theo. 

Bài số 39

Hãy kể về một vị anh hùng dân tộc có công lao to lớn trong sự nghiệp

đánh giặc ngoại xâm bảo vệ đất nước.

Bài làm 1

Ngô Quyền

Ngô Quyền (899 – 944) quê ở Đường Lâm, Sơn Tây. Ông có sức khỏe phi thường, chí lớn, mưu cao, mẹo giỏi. Ông là con rể Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ.

Năm 937, Kiều Công Tiễn giết chết Dương Đình Nghệ và cho người mang vàng ngọc sang cầu cứu vua Nam Hán. Ngô Quyền đem ba nghìn quân từ Ái Châu kéo thẳng ra thành Đại La giết chết tên phản nghịch Kiều Công Tiễn, trừ hậu họa cho dân tộc.

Vua Nam Hán sai con là Hoằng Thao đem mấy, nghìn chiến thuyền sang xâm lược nước ta. Ngô Quyền kéo đại binh ra cửa sông Bạch Đằng để nghênh chiến. Ông sai quân sĩ lấy gỗ đẽo nhọn, bịt sắt cắm xuống lòng sông kéo dài hàng chục dặm. Khi quân Nam Hán tiến vào, Ngô Quyền sai tướng sĩ đem thuyền nhẹ ra khiêu chiến, rồi giả vờ thua chạy, lừa cho chiến thuyền giặc vượt qua bãi cọc ngầm. Nước thủy triều bắt đầu rút, Ngô Quyền đổ quân mai phục ra vây đánh. Giặc Nam Hán thua to, quay chiến thuyền chạy ra biển. Chiến thuyền giặc bị cọc nhọn đâm vỡ tan tành. Hoằng Thao bị giết chết cùng hàng vạn giặc. Dòng sông Bạch Đằng đỏ ngầu máu giặc Nam Hán. Đó là vào cuối năm 938.

Chiến thắng Bạch Đằng thể hiện sức mạnh và ý chí chống xâm lăng, tài nghệ quân sự tuyệt vời của tổ tiên ông cha ta. Thù trong giặc ngoài đã dẹp tan, Ngô Quyền lên làm vua, đóng đô ở cổ Loa, mở ra kỉ nguyên độc lập cho nước ta sau một nghìn năm bị phương Bắc thống trị.

Lê Lan Anh, lớp 3A

Trường Tiểu học Tô Hoàng, Hà Nội

Bài làm 2

Trần Quốc Tuấn

Trần Quốc Tuấn (1231-1300), tức Hưng Đạo Vương, là một danh tướng kiệt xuất của Đại Việt. Ông là con trai của An Sinh Vương Trần Liễu. Trần Quốc Tuấn là người trí dũng song toàn, tài kiêm văn võ, là vị thống soái tài ba đã lãnh đạo cuộc kháng chiến lần thứ hai và lần thứ ba đánh thắng giặc. Mông Cổ.

Năm 1285, ông chỉ huy quân ta đánh bại nửa triệu quân Mông cổ. Toa Đô bị chặt đầu, Thoát Hoan phải chui vào ống đồng tháo chạy. Năm 1288, 50 vạn giặc lại kéo sang xâm lược, đã bị quân và dân ta đánh tan. Ô Mã Nhi bị bắt sống, hàng vạn giặc bị tiêu diệt ở sông Bạch Đằng. Tên tuổi của Trần Quốc Tuấn sống mãi với chiến công Bạch Đằng oanh liệt.

Khi Tổ quốc lâm nguy, ông tâu với vua: “Nếu bệ hạ muốn hàng thì trước hãy chém đầu thần đã!”. Trước khi qua đời, ông dặn vua phải “bồi dưỡng sức dân để giữ nước”.

Bài Hịch tướng sĩ và cuốn Binh thư yếu lược là hai báu vật của Trần Quốc Tuấn để lại cho dân tộc ta.

Đền Kiếp Bạc ở Hải Dương và Hội Kiếp Bạc từ 16 – 20 tháng 8 âm lịch hàng năm thường có hàng chục vạn người đến dự hội đã thể hiện sự tôn vinh và biết ơn của nhân dân ta đối với vị anh hùng dân tộc thuở “bình Nguyên”.

Ngô Văn Quý, lớp 3

Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, Nam Định

Bài số 40

1. Đặt tên cho từng đoạn của câu chuyện Ông tổ nghề thêu.

– Đoạn 1: Cậu bé ham học

– Đoạn 2: Vua Trung Quốc thử tài sứ thần Việt Nam

– Đoạn 3: Sống ở trên lầu cao.

– Đoạn 4: Nhảy xuống đất.

– Đoạn 5: Ông tổ nghề thêu

2. Kể lại một đoạn của câu chuyện.

– Đoạn 1: Cậu bé ham học

Trần Quốc Khái quê ở Thường Tín, Hà Tây. Cậu rất thông minh và ham học. Cậu học lúc vào rừng kiếm củi. Đi kéo vó tôm, cậu cũng học. Nhà nghèo, thiếu dầu, đêm đêm, cậu bắt đom đóm bỏ vào vỏ trứng, ngồi học thâu đêm. Chẳng bao lâu, Trần Quốc Khái thi đỗ Tiến sĩ, được làm quan to trong triều đình nhà Lê.

– Đoạn 3: Sống trên lầu cao

Sống một mình trên lầu cao, lấy gì để ăn qua ngày. Trần Quốc Khái lẩm nhẩm đọc ba chữ trên bức trướng, rồi ông mỉm cười. Ông bẻ tay pho tượng, nếm thử, khẽ reo lên: “Chè lam đây rồi, nước uống kia rồi…”. Ngày hai, ba bữa, ông bẻ tượng mà ăn. Ông dạo khắp lầu. Ông say sưa ngắm nhìn hai chiếc lọng xinh đẹp. Ông quan sát, ông đo kích thước, ông nhớ nhập tâm cách thêu, cách làm lọng.

Bài số 41

Nghe và kể lại câu chuyện “Nâng niu từng hạt giống”.

Nâng niu từng hạt giống

Ông Lương Định Của (1921 – 1975) là một nhà khoa học có công tạo ra nhiều giống lúa mới.

Có lần, một bạn nước ngoài gửi cho viện nghiên cứu của ông mười hạt thóc giống quý. Giữa lúc ấy, trời rét đậm. Ông Của bảo: “Không thể để những hạt giống quý này nảy mầm rồi chết vì rét”. Ông chia mười hạt thóc giống làm hai phần. Năm hạt, ông đem gieo trong phòng thí nghiệm. Còn năm hạt kia, ông ngâm nước ấm, gói vào khăn, tối tối ủ trong người, trùm chăn để hơi ấm của cơ thể làm cho thóc nảy mầm.

Sau đợt rét kéo dài, chỉ có năm hạt thóc của ông Của ủ trong người là giữ được mầm xanh.

Theo Minh Chuyên

Bài số 42

Hãy nói những điêu em biết về Ê-đi-xơn.

Ê-đi-xơn, nhà phát minh tài ba.

Tuổi thơ của Ê-đi-xơn không may mắn: nhà nghèo, phải làm nghề bán báo trên tàu hỏa để kiếm sống. Ông chưa được học Trung học bao giờ, nhưng rất thông minh, sáng tạo. Năm 15 tuổi không có 1 đô la dính túi, nhưng không đầy 10 năm sau, tên tuổi Ê-đi-xơn đã vang dội khắp nước Mĩ và cả khắp thế giới về những phát minh nổi tiếng trong lĩnh vực điện kĩ thuật.

Ê-đi-xơn là một con người giàu nghị lực và làm việc không mệt mỏi. Thường ngày, ông miệt mài làm việc 14 giờ, có khi đến 16 giờ. Mỗi một phát minh, sáng chế của ông đã được ông thử nghiệm, thí nghiệm đến hàng trăm, hàng nghìn lần. Thí dụ về ắc-quy chì, Ê-đi-xơn đã.làm tới 9.000 thí nghiêm, phát minh về dây tóc bóng điện là kết quả của hơn 8.000 thí nghiệm trong 5 năm trời. Suốt cuộc đời, ông đã cống hiến cho nhân loại hơn 1.000 phát minh sáng kiến có giá trị, từ những dụng cụ đo điện tới máy hát, điện thoại, bóng điện, máy chữ, xe điện, nhà máy điện, v.v… Hãy nhắc lại một vài phát minh của Ê-đi-xơn:

– Năm 1871: máy điện báo ghi băng.

– Năm 1873: máy đánh chữ.

– Năm 1879: bóng đèn điện.

– Năm 1884: nhà máy điện đầu tiên.

Ê-đi-xơn sống giản dị, ông coi thi giờ là vàng bạc, trí tuệ và lao động là kho báu. Ông khiêm tốn nói: “Thiên tài phát minh là 1 phần trăm óc sáng tạo, cộng với 99 phần trăm mồ hôi nước mắt”.

Bài số 43

Phân vai dựng lại câu chuyện “Nhà bác học và bà cụ”

(các vai: người dẫn chuyện, Ê-đi-xơn, bà cụ).

Bài làm

Người dẫn chuyện

Năm ấy, hàng ngàn hàng vạn người kéo nhau đi xem một thứ đèn không thắp bằng dầu, gọi là đèn điện. Có một bà cụ già phải vượt qua đoạn đường dài 12 cây số. Đến nơi, cụ mỏi quá, ngồi xuống vệ đường bóp chân, đấm lưng thùm thụp. Ê-đi-xơn chợt đi qua nhìn thấy, ông dừng lại ngắm nhìn bà cụ và bắt chuyện.

Bà cụ

– Già đã cuốc bộ gần ba tiếng đồng hồ để được nhìn tận mắt cái đèn điện. Sáng quá, lạ quá! Giá mà ông Ê-đi-xơn làm được cái xe chở người già đi nơi này qua nơi khác có phải may mắn hơn cho lão không?

Ê-đi-xơn

– Thưa cụ, chở người đã có xe ngựa rồi cơ mà!

Bà cụ

– Đi xe ấy thì ốm mất. Già chỉ muốn có một thứ xe khác cơ. Xe thật êm mà không do ngựa kéo.

Người dẫn chuyện

Nghe bà cụ nói, bỗng một ý nghĩa loé lên trong đầu Ê-đi-xơn.

Ê-đi-xơn

– Cụ ơi! Tôi là Ê-đi-xơn đây. Nhờ cụ gợi ý mà tôi nảy ra ý định làm một cái xe chạy thật nhanh, thật êm, chạy bằng dòng điện.

Người dẫn chuyện

Bà cụ ngạc nhiên ngắm nhìn Ê-đi-xơn. Nhà bác học này sao lại bình dị thế nhỉ. Cụ thầm nghĩ và nở nụ cười.

Ê-đi-xơn

– Tôi sẽ mời cụ đi chuyên xe điện đầu tiên nhé!

Bà cụ

– Cảm ơn ông. Thế nào già cũng đến… Nhưng ông phải làm nhanh nhanh lên, kẻo già này không chờ lâu được nữa đâu nhé!

Người dẫn chuyện

Từ hôm gặp bà cụ về, Ê-đi-xơn hầu như suốt đêm ngày ở trong phòng thí nghiệm. Việc chế tạo xe điện đã sớm thành công.

Hôm chạy thử xe điện có hàng ngàn người chen chúc xếp hàng mua vé. Riêng bà cụ già dạo nọ, được Ê-đi-xơn mời đi chuyến đầu tiên. Ông dẫn bà cụ lên xe.

Ê-đi-xơn

– Tôi đã giữ đúng lời hứa với cụ rồi nhé!

Bà cụ

– Cảm ơn ông Ê-đi-xơn. Quý hoá quá. Giờ thì già có thể đi thăm bạn bạn bè, đi chơi cả ngày với chiếc xe này rồi.

Nguyễn Thành Nhân

Trường Tiểu học Diễn Thịnh – Diễn Châu – Nghệ An

Bài số 45

Hãy kể vê một người lao động trí óc mà em biết.

Bài làm

Cùng ngõ phố Chùa Hàng với nhà em là gia đình cụ Phạm Quang Thanh. Năm nay, cụ đã 95 tuổi.

Dáng người thanh cao, mặt vuông chữ điền, hiền lành phúc hậu. Tóc bạc trắng, cụ không để râu. Hàm răng cụ còn nguyên vẹn, chưa bị rụng một chiếc nào.

Ngày lễ hội, đi chùa, đi nhà thờ họ, cụ mặc lễ phục dân tộc màu xanh lam, tay chống ô, chân đi giày vải. Hội họp ở quận, ở thành phố, cụ mặc vét, thắt cà-vạt, đi giầy da.

Thời Pháp thuộc, cụ làm hương sư. Từ Cách mạng tháng Tám đến khi về hưu, cụ làm hiệu trưởng trường cấp I, II Lý Tự Trọng. Tính cụ hòa nhã, khoan thai. Cụ thích đọc báo, làm thơ, uống cà-phê. Cụ giỏi đánh trống chầu.

Học trò cụ có nhiều người thành đạt, là Trung tướng, Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh,… vẫn đến thăm cụ vào ngày Nhà giáo Việt Nam. Cụ có nhiều bạn già. Bà con xóm phố, ai cũng kính trọng cụ.

Lê Tuấn Cường, lớp 3A

Trường Tiểu học Hưng Đạo

Quận Lê Chân – Thành phố Hải Phòng

Bài số 46

Dựa vào tranh kể lại câu chuyện “Nhà ảo thuật”

bằng lời của Xô-phi hoặc Mác

Bài làm

Lần ấy, có một nhà ảo thuật tài ba của Trung Quốc đến biểu diễn ở thành phố quê tôi. Nhiều nơi trong thành phố dán quảng cáo nói về buổi biểu diễn ấy. Cả trường tổ chức cho học sinh đi xem, nhưng chị Xô-phi nói với tôi là bố đang nằm viện, mẹ rất cần tiền,… nên hai chị em không thể mua vé đi xem được.

Thật tình cờ, lúc ra ga mua sữa, hai chị em tôi gặp chú Lí, nhà ảo thuật. Chúng tôi giúp chú Lí mang nhũng đồ đạc lỉnh kỉnh đến rạp xiếc. Biết hai chị em tôi thích xem ảo thuật, chú bảo chúng tôi chờ một lát. Nhưng chị Xô-phi đã bảo tôi về ngay vì không được làm phiền đến người khác như lời mẹ đã dặn.

Thế rồi, chẳng biết hỏi thăm ai, buổi tối hôm ấy, chú Lí tìm tới nhà. Lúc ấy, mẹ đang lúi húi chuẩn bị bữa tối. Bước vào nhà, chú Lí vồn vã nói:

– Chào chị. Tôi đến để cảm ơn các con của chị. Các cháu rất ngoan.

Mẹ mời chú Lí uống trà. Chú nhận lời. Chú hỏi tên hai chị em tôi. Mẹ nói: “Đây là cháu Xô-phi. Còn đây là cháu Mác…”. Thế rồi, bao cảnh tượng bất ngờ, thú vị đã diễn ra. Chị Xô-phi lấy một cái bánh, vừa đặt vào đĩa lại bỗng thành hai cái. Mẹ vừa mở nắp lọ đường, tức thì có những dải băng màu xanh, đỏ,tím, vàng, dài hàng mét bay ra, cuộn lên. Tôi đang say mê, chăm chú nhìn vào đôi tay chú bỗng cảm thấy có một khối nóng mềm cọ vào đôi chân. Cúi nhìn xuống, hóa ra đó là một chú thỏ trắng mắt hồng rất xinh.

Ba mẹ con tôi vui vẻ tiễn chú Lí ra về. Chị Xô-phi và tôi nắm tay chú, thán phục nhìn chú. Quả là một nhà ảo thuật đại tài, rất vui tính. 

Nguyễn Trọng Cảnh

Trường Tiểu hộc Vĩnh Lộc, Thanh Hóa

Bài số 47

Hãy kể lại một biểu diễn nghệ thuật mà em đã được xem.

Bài làm

Sau Tết Trung thu năm 2003, một đoàn xiếc miền Trung đã về thị xã quê em biểu diễn. Đó là lần đầu tiên em được xem xiếc thú.

Đoàn xiếc có 5 người, do một thương binh chỉ đạo. Hai con chó, ba con khỉ, một con trăn và một con gà trống. Một cô gái tóc vàng chơi phong cầm, một chú lùn chơi đàn vĩ cầm rất điêu luyện. Tiếng đàn rung động cả phố phường như mời gọi trẻ con đổ xô đến. Có rất nhiều tiết mục rất độc đáo và hấp dẫn. Tiết mục mở màn là cuộc diễu hành của 2 con chó và ba con khỉ. Chúng ăn mặc diêm dúa, biết đứng 2 chân sau, cất mũ cúi chào khán giả. Con gà trống cất tiếng gáy “ó…o…”, tức thì 3 con khỉ thay nhau nhảy lên lưng chó ngồi, chó phi nước đại, chạy vòng quanh sân diễn. Tiếng đàn nổi lên dồn dập.

Tiết mục làm tính cộng, trừ của 3 con khỉ mới thần tình. Các con tính đều dưới 10, nhưng chúng làm nhanh lắm, không sai một bài nào. Tiết mục chó nhảy qua vòng lửa, khỉ chơi xà đơn, xà kép được người xem vỗ tay nhiệt liệt. Tiết mục trăn múa đi bằng đuôi, trăn quàng cổ chú lùn, trăn đi dạo với gà, với chó trông rất ngộ. Mỗi lần con gà trống cất tiếng gáy là một tiết mục chấm dứt.

Đoàn xiếc đến rồi đi như một làn gió mát lướt qua quê em. Bao giờ họ sẽ trở lại để được xem những con thú thông minh làm trò. Chúng em vẫn chờ mong.

Trần Cẩm Yên, lớp 3

Trường Tiểu học Yên Viên, Bắc Ninh

Bài số 48

Kể lại toàn bộ câu chuyện “Đối đáp với vua”.

Bài làm

Năm ấy, vua Minh Mạng từ kinh đô Huế ngự giá ra Thăng Long. Quân quan đi theo rất đông, ngựa xe cờ tán rợp trời. Vua cho xa giá đến Hồ Tây ngắm cảnh. Xa giá của nhà vua đi đến đâu thì quan quân tiền hô hậu ủng đến đấy. Không một ai được đến gần vua.

Cao Bá Quát khi ấy là một cậu bé, tóc còn để chỏm. Cậu rất muốn được xem vua tận mắt để biết thế nào là “mặt rồng”. Cậu bèn nghĩ ra một kế: cởi hết áo quần, nhảy ùm xuống hồ tắm. Quan quân, dân chúng náo động cả lên. Lính đã bắt trói cậu bé táo tợn. Cậu la hét, kêu khóc ầm ĩ. Vua Minh Mạng truyền lệnh dẫn cậu bé tới.

Trước mặt vua và nhiều vị đại thần, cậu bé kêu oan, tự xưng là học trò ở quê ra chơi nên không biết gì, cứ tuởng là đám rước. Minh Mạng vốn là một ông vua hay chữ. Vua phán: “Nếu là học trò thì phải biết đối, nếu đối được sẽ tha”.

Vế đối của vua nảy ra từ cảnh hồ đẹp:

Nước trong leo lẻo cá đớp cá.

Cậu bé đang bị trói dưới trời nắng ứng khẩu đối ngay:

– Trời nắng chang chang người trói người.

Vua truyền lệnh cởi trói. Các quan tiến sĩ đi theo vua, ai cũng gật đầu tán thưởng.

Bài số 49

Đóng vai bà lão bán quạt kể lại chuyện ”Người bán quạt may mắn”.

Bài làm

–  Lão già rồi, nhưng lão vẫn nhớ như in. Đã 8, 9 năm rồi đó. Một đời người đi bán quạt, hỏi được mấy lần may? Lần ấy, tôi gánh quạt đi bán, từ sáng sớm đến non trưa mà chẳng bán được một chiếc quạt nào. Tôi mỏi mệt quá, tìm đến một gốc cây bên vệ đường để nghỉ cho mát. Không ngờ ở đó đã có một người đàn ông, đang tựa lưng vào gốc cây, bên cạnh để một chiếc túi vải. Nét mặt phúc hậu, nước da hồng hào, dáng người nho nhã, thanh cao. Tôi chưa kịp chào hỏi thì ông ta đã vui vẻ nói: “Bà đặt gánh xuống, ngồi nghỉ cho mát. Ồ, những chiếc quạt của bà đẹp thật!”. Tôi chợt nghĩ: “Cái ông cao sang này đi đâu mà tại sao lại không có tiểu đồng đi theo…”.

Thế rồi không biết ai xui, tôi phàn nàn là quạt bán ế. Chiều nay chưa chắc đã có tiền để mua mạch, mua kê. Lũ trẻ lại phải nhịn đói. Gió mát quá, tôi thiu thiu ngủ lúc nào không biết.

Bà lão ngừng lại một lát như đang ôn lại trong đầu bao chuyện cũ. Đôi mắt bà lão hiền từ ánh lên bao niềm vui. Một tiếng gà gáy xao xác trưa hè từ xóm xa vọng lại. Bà lão vừa phe phẩy chiếc quạt lụa vừa kể tiếp.

– Lúc tôi tỉnh dậy, tôi hoảng quá. Bao nhiêu chiếc quạt lụa, quạt giấy của tôi đều bị ông ta vẽ lên, góc quạt nào cũng có một hai hàng chữ: Có tiên ông, tiên đồng. Có mĩ nữ, văn nhân. Có tùng, cúc, trúc, mai. Có chuồn chuồn, có chim, có cá. Có ông thuyền chài. Tôi vốn quê mùa, nào có biết chữ nghĩa, thơ thẩn gì, chỉ thấy những nét loằng ngoằng mà thôi…

Nghe tôi than phiền, ông ta an ủi: “Bà chớ lo. Quạt bà sẽ bán hết. Tôi vẫn còn ngồi đây cơ mà…”. Người ta đã nói vậy thì mình chỉ biết nghe. Tôi khẽ thở dài.

Quả nhiên, chỉ một lát sau, lúc đầu lẻ tẻ một vài người, dần dần người ta kéo đến. Có cô mua đến hai ba chiếc. Họ ngắm nghía, họ trầm trồ. Có người khen chữ đẹp, tranh vẽ như thần. Tôi tíu tít bán hàng, năm sáu trăm chiếc quạt đã bán vèo một lúc hết nhẵn. Tôi vui lắm. Lúc bấy giờ, tôi mới nhìn khắp bốn phía nhưng chẳng thấy con người kì lạ ấy đâu nữa. Tôi nghĩ thầm: “Có lẽ đây là một tiên ông đã ban lộc cho mẹ con mình”.

Sau đó, còn có nhiều người chạy đến hỏi mua quạt. Họ tiếc ngẩn tiếc ngơ. Một chàng thư sinh vừa hỏi vừa nói: “Ông Vương Hi Chi người viết thiếp Lan Đình nổi tiếng trong thiên hạ đã vẽ tranh đề thơ lên quạt cho bà bao giờ thế? Mỗi chiếc quạt của bà đáng giá nghìn vàng đấy… Sao bà bán rẻ thế?…”.

Tôi nhẩm lại ba tiếng “Vương Hi Chi” rồi tiếc ngẩn tiếc ngơ. Tôi là nguời bán quạt may mắn.

Xem thêm và tải về file word tại đây. 

=> Xem thêm:

Các bài văn viết thư – kể chuyện lớp 3 (phần 2) – Luyện tập làm văn lớp 3 tại đây. 

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận