Kể lại một kỉ niệm khó quên về tình bạn – Tuyển chọn bài văn kể chuyện lớp 5

Đang tải...

Nhằm củng cố, mở rộng, bổ sung thêm kiến thức cho các em học sinh, Hoc360.net sưu tầm gửi tới các em Kể lại một kỉ niệm khó quên về tình bạn- Tuyển chọn bài văn kể chuyện lớp 5. Chúc các em học tốt!

Kể lại một kỉ niệm khó quên về tình bạn

Tuyển chọn bài văn kể chuyện lớp 5

Bài làm 1

Bạn Nguyên của em

Đầu năm lớp bốn, em được bầu làm tổ trưởng tổ 5. Sau ngày khai giảng, tổ em được bổ sung một bạn mới tên là Lê Thái Nguyên. Thế là tổ em có bốn nam và bốn nữ: em, Nguyên, Trường, Hữu, Mỹ, Lệ, Trà, Hương. Cô giáo xếp Nguyên ngồi cạnh em và dặn “nhớ giúp đỡ bạn, quý mến bạn”.

Chỉ mấy ngày sau, bạn Hoà ở lớp 5A nói nhỏ với em: “Mẹ bạn Nguyên bị mù; Nguyên là đứa con ngoài giá thú”. Em nói với bố mẹ tin này thì bị bố nạt và nói: “Mỗi người có một cảnh ngộ riêng. Con phải yêu thương, quý mến bạn bè, nhất là đối với Nguyên chứ”. Một tháng sau, mẹ dặn em: “Chiều nay con mời bạn Nguyên đến nhà ta chơi nhé!”.

Nguyên người nhỏ bé, đôi mắt đượm buồn. Gương mặt sáng sủa, tóc quăn, ít cười nhưng nói thì dịu dàng như con gái. Nguyên học Toán không bằng em, nhưng môn Tiếng Việt thì hơn hẳn em và nhiều bạn khác. Sách vở của bạn giữ gìn rất cẩn thận, chữ Nguyên rất đẹp, đẹp nhất lớp. Trong giờ sinh hoạt, có lần cô giáo nói: “Các em nên học tập bạn Nguyên về tập viết chữ đẹp, để cuối năm học lớp bốn, chúng ta có nhiều em thi giật giải “Vở sạch chữ đẹp” toàn khối, toàn trường”.

Nguyên rất chan hoà với các bạn. Bạn biết nhiều chuyên về các loài thú, loài chim, loài hoa. Bạn hiền lành và có vẻ nhút nhát, rất khiêm tốn học hỏi các bạn. Đến tháng Mười một, Nguyên vươn lên về môn Toán, các bài kiểm tra thường được 9, 10 như một số bạn trong lớp. Giờ ra chơi, Nguyên đã mạnh dạn theo các bạn ra sân đá cầu, nhưng còn vụng về lắm.

Lần Nguyên đến nhà em chơi, mẹ cho hai đứa ăn chè ngô. Lúc Nguyên ra về, mẹ tặng Nguyên một hộp bút Hồng Hà khá đẹp. “Con cảm ơn bác”, Nguyên khoanh tay nói với mẹ em như thế.

Ngày Nhà giáo Việt Nam 20 – 11 – 2004, cả tổ em rủ nhau kéo đến nhà Nguyên chơi. Bà ngoại và mẹ Nguyên rất vui khi đón tiếp các bạn nhỏ của con, của cháu mình. Nhìn thấy cảnh nhà nghèo và mẹ Nguyên bị mù, chúng em vô cùng cảm động. Bạn nào cũng thương, cũng quý Nguyên, nhất là các bạn gái trong tổ, trong lớp.

Nguyên thi “Vở sạch chữ đẹp” được xếp thứ nhất của trường. Không những vậy, bạn còn giành giải Nhì môn Tiếng Việt toàn huyện. Bạn được cấp học bổng “Học sinh vượt khó học giỏi”.

Lên lớp năm, em được bầu làm lớp phó phụ trách học tập. Cả tổ bầu Nguyên làm tổ trưởng. Cô giáo khen: “Các em giỏi lắm. Nguyên thật xứng đáng”.

Trần Đăng Bằng, 5B Trường Tiểu học Thổ Tang – Vĩnh Phúc

Bài làm 2

Người bạn chí thiết tuổi thơ

Sau khi bố tôi mất, mẹ đưa tôi về ở với bà ngoại. Năm đó, tôi lên học lớp ba. Bà ngoại là công nhân nhà máy dệt, về hưu đã gần hai mươi năm. Mẹ tôi là công nhân của Công ty công viên thị xã; mẹ thường đi làm từ sáng sớm đến tối mịt mới về.

Ở gần nhà bà ngoại cũng có trường tiểu học, nhưng vì tôi là học sinh ngoại tuyến nên phải đi học xa, cách nhà bà đến hơn hai cây số. Nhiều hôm trời mưa gió, tôi còn nhỏ nên đi học thật vất vả. Mẹ vẫn an ủi, động viên: “Hoàn cảnh gia đình ta có nhiều khó khăn, con cố gắng, mẹ con ta cố gắng!”. Nghe mẹ nói, nhìn nước mắt mẹ chảy ra, tôi thương mẹ, thương bà lắm. Học kì I lớp ba, tôi đã phấn đấu trở thành học sinh giỏi.

Sáng Chủ nhật hôm ấy, tôi đang ngồi học bài thì cô bạn hàng xóm sang chơi. Đã nhiều lần gặp nhau, nhưng tôi rụt rè không dám làm quen bắt chuyên. Người bạn mới cao hơn tôi nửa cái đầu, gương mặt bầu bĩnh, nước da trắng mịn màng. Với đôi bàn tay búp măng, bạn giở từng trang vở của tôi, nheo mắt cười, nói: “Chữ cậu viết đẹp quá!”.

Tuổi thơ vốn hồn nhiên. Bạn tự giới thiệu họ tên mình là Lê Thị Hương Lan, rồi thì thầm hỏi: “Đằng nớ tên gì?”. Nghe tôi nói, bạn nhắc lại tên tôi: “Nguyễn Thị Quỳnh”. Chúng tôi cùng rúc rích cười…

Sau đó, hầu như Chủ nhật nào Hương Lan cũng sang nhà tôi chơi, lúc nói chuyện vui, lúc trao đổi về các bài tập Tiếng Việt, bài Toán khó. Mấy lần Hương Lan mời tôi sang nhà bạn, nhưng tôi chỉ hứa và khất. Hoàn cảnh nghèo khó, thiếu thốn nên mẹ dặn: “Không được thấy người sang bắt quàng làm họ”. Bố mẹ Lan đều dạy học: bố dạy Toán ở Trường Trung học cơ sở Chu Văn An, mẹ là Hiệu phó Trường Tiểu học Kim Đồng. Ngày 1-6, tôi ở trường về thì đã thấy bố mẹ Lan đang ngồi nói chuyện trong nhà với bà ngoại. Tôi cúi đầu chào:

– Cháu chào hai bác ạ!

– Chào cháu. Cháu đi dự lễ 1 – 6 ở trường về à?

– Vâng ạ!

Bố mẹ Lan xem giấy khen và phần thưởng của tôi, rồi nói với bà: “Con bé ngoan và học giỏi. Thương nó vất vả quá!…”. Hai bác cho tôi một số quà, có một bộ quần áo rất đẹp và sách vở, một cái ba-lô màu xanh đựng sách vở đi học, thứ mà tôi hằng ao ước lâu nay. Tôi cảm ơn, tay run run nhận quà. Bà nhẹ nhàng vuốt mái tóc tôi và nói: “Thỉnh thoảng cháu sang nhà bác chơi. Cháu và cái Lan cùng tuổi, cùng lớp đó…”.

Chắc là Hương Lan đã nói với bố mẹ minh về hoàn cảnh của tôi và nhờ mẹ xin cho tôi về học tại Trường Tiểu học Kim Đồng, cách nhà bà độ nửa cây số. Mọi thủ tục giấy tờ chuyển trường, bố mẹ Lan đều làm cho cả.

Lớp bốn, tôi và Lan đều đạt danh hiệu học sinh giỏi và cùng dự thi học sinh giỏi môn Toán toàn quận. Lan được giải Nhì, tôi được giải Ba. Chúng tôi trở thành đôi bạn thân. Bố mẹ Lan thương tôi và coi tôi như con cháu trong nhà.

Tôi không còn phải đi học xa nữa. Những hôm mưa buồn, tôi lại bâng khuâng nhớ đến kỉ niệm buổi đầu gặp Hương Lan.

Nguyễn Thị Quỳnh, 5C

Trường Tiểu học Lê Văn Tám – Hưng Yên

Xem thêm: Kể một câu chuyện về những người đã góp sức bảo vệ trật tự, an ninh – Tuyển chọn bài văn kể chuyện lớp 5 tại đây. 

Đang tải...

Bài mới

loading...

Bình luận