You are on page 1of 18

VNH3.TB17.

164

NGOẠI GIAO NHÂN DÂN TRONG QUAN HỆ VIỆT - MỸ

TS. Nguyễn Thị Thanh Thủy


Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội

1. Giới thiệu chung về ngoại giao nhân dân của hai nước
Trong lịch sử quan hệ quốc tế, các nước tiến hành các hoạt động ngoại giao dưới
nhiều hình thức khác nhau, nhưng qui tụ lại thành hai loại chính là ngoại giao nhà nước
(còn gọi là ngoại giao truyền thống) và ngoại giao nhân dân. Ngoại giao nhà nước chính
là mối quan hệ giữa chính phủ với chính phủ của các nước có chủ quyền, giữa các nhà
lãnh đạo cao cấp nhất của các nước. Các quan chức làm việc trong các đại sứ quán hoặc
cơ quan đại diện ngoại giao của một nước ở nước ngoài là những người đại diện cho
chính phủ của họ ở nước sở tại. Trong khi đó ngoại giao nhân dân là những cách thức
trong đó một nước hoặc một tổ chức phi chính phủ thiết lập quan hệ với các thành phần
phi chính phủ của các nước khác. Những thành phần này có thể là những cá nhân hoặc
tổ chức quần chúng, hoặc tổ chức phi chính phủ. Hoạt động của ngoại giao nhân dân
nhằm mục đích phát huy “sức mạnh mềm” của một nước,1 hỗ trợ cho ngoại giao nhà
nước để thực hiện chính sách đối ngoại mà chính phủ nước đó đã đề ra. Một đặc điểm
thuận lợi của ngoại giao nhân dân là nó có thể tiếp cận với đối tượng và mục tiêu một
cách nhẹ nhàng hơn và hiệu quả hơn trong những điều kiện mà ngoại giao chính thức
của nhà nước khó thực hiện được hoặc thực hiện ít hiệu quả. “Ngoại giao bóng bàn”
giữa Trung Quốc và Mỹ đầu thập niên 1970 là một ví dụ.2 Việt Nam và Mỹ đều thực
hiện các hoạt động ngoại giao nhân dân trong nhiều thập kỷ nay nhưng có những điểm
tương đồng và khác biệt. Để thuận tiện cho việc trình bày, tác giả sử dụng thuật ngữ
chung là “ngoại giao nhân dân” trong toàn bộ báo cáo.

Ngoại giao nhân dân ở Việt Nam được gọi là “đối ngoại nhân dân” và viết theo
tiếng Anh là “people-to-people relations”. Ngoại giao nhân dân của Việt Nam là một

1
nội dung quan trọng trong hoạt động đối ngoại của Đảng Cộng sản và chính phủ Việt
Nam, hoạt động theo đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam với phương châm: “Mở
rộng hơn nữa công tác đối ngoại nhân dân, tăng cường quan hệ song phương và đa
phương với các tổ chức và nhân dân các nước, nâng cao hiệu quả hợp tác với các tổ
chức phi chính phủ quốc gia và quốc tế, góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau,
quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa nhân dân ta và nhân dân các nước trong khu vực và
trên thế giới. … Phối hợp chặt chẽ hoạt động ngoại giao của Nhà nước, hoạt động đối
ngoại của Đảng và hoạt động đối ngoại nhân dân, … làm cho thế giới hiểu rõ hơn đất
nước, con người, công cuộc đổi mới của Việt Nam, đường lối, chính sách của Đảng và
Nhà nước ta”.3 Các cơ quan trực tiếp điều hành và quản lý hoạt động ngoại giao nhân
dân là Vụ Đối ngoại nhân dân của Ban đối ngoại Trung ương Đảng, Bộ Ngoại giao và
Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO, trước đây gọi là Ủy ban Việt Nam
đoàn kết, hữu nghị với nhân dân các nước). VUFO là một tổ chức chính trị-xã hội
chuyên trách về đối ngoại nhân dân trong lĩnh vực hòa bình, đoàn kết, hữu nghị và vận
động viện trợ phi chính phủ nước ngoài. VUFO có các thành viên là 4 tổ chức hữu nghị
đa phương (một trong 4 tổ chức này là Ủy ban Việt Nam đoàn kết và hợp tác Á-Phi-Mỹ
Latinh), 30 hội hữu nghị song phương, trong đó Hội Việt-Mỹ là tổ chức hữu nghị song
phương đầu tiên của Việt Nam (được thành lập ngày 17-10-1945), và 10 Liên hiệp các
tổ chức hữu nghị tỉnh và thành phố. Các hình thức hoạt động của ngoại giao nhân dân
chủ yếu của Việt Nam bao gồm trao đổi văn hóa, giáo dục, vận động viện trợ phi chính
phủ nước ngoài, và thông tin đối ngoại. Những hoạt động của ngoại giao nhân dân đã
tạo cơ sở cho nhân dân Việt Nam có điều kiện tăng cường giao lưu với nhân dân các
nước nói chung và nhân dân Mỹ nói riêng, cũng như hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc,
hỗ trợ việc thực hiện chính sách đối ngoại của nhà nước.

Ngoại giao nhân dân của Mỹ được gọi theo tiếng Anh là “public diplomacy”,
nghĩa là “ngoại giao công chúng” và đã có một số hình thức hoạt động ngay từ đầu thế
kỷ 20. Năm 1948, Quốc hội Mỹ ban hành Đạo luật về Thông tin và Trao đổi giáo dục
(USIEEA), tạo cơ sở pháp lý cho các hoạt động ngoại giao nhân dân của Mỹ. Theo qui
định của USIEEA, mục đích của ngoại giao nhân dân nhằm “tạo điều kiện cho Chính

2
phủ Mỹ thúc đẩy sự hiểu biết tốt hơn giữa Hoa Kỳ và các nước khác, và tăng cường sự
hiểu biết chung giữa nhân dân Mỹ và nhân dân các nước khác”. Để đạt được mục tiêu
này, USIEEA qui định: “Việc tuyên truyền những thông tin về đất nước, nhân dân và
chính sách của Mỹ ở nước ngoài do Quốc hội, Tổng thống, Bộ trưởng Ngoại giao và các
quan chức của chính phủ thực hiện phải liên quan đến các vấn đề đối ngoại; Các hợp tác
trao đổi giáo dục với các nước được thực hiện trong phạm vi trao đổi con người, kiến
thức, kỹ năng, dịch vụ kỹ thuật, những thành tựu của lĩnh vực giáo dục, nghệ thuật và
khoa học”.4 Bộ Ngoại giao Mỹ là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc hoạch định
chính sách cho các hoạt động ngoại giao nhân dân. Các chương trình cụ thể do một số
cơ quan khác nhau của chính phủ đảm nhiệm. Từ năm 1953 đến năm 1999, Cơ quan
Thông tin Hoa Kỳ (USIA) chịu trách nhiệm chính về các hoạt động ngoại giao nhân dân
của Mỹ ở nước ngoài. Từ năm 1999 đến nay, các chương trình thông tin quốc tế, trao
đổi giáo dục và văn hóa tập trung về đầu mối chính là Vụ Ngoại giao nhân dân và các
vấn đề công chúng (PD&PA) của Bộ Ngoại giao. Cơ cấu của PD&PA bao gồm: Cục
các vấn đề Văn hóa và Giáo dục, Cục các vấn đề công chúng và Cục Các chương trình
Thông tin Quốc tế. Tham gia vào công tác thông tin đối ngoại còn có hai cơ quan của
chính phủ là Cục Phát thanh & truyền hình Quốc tế và Ủy ban Quản lý Phát thanh và
truyền hình. Ngoài ra, ở Mỹ còn có một số trung tâm nghiên cứu ngoại giao nhân dân
do các trường đại học thành lập, trong số này có Trung tâm Ngoại giao Nhân dân của
Đại học Nam California. Các trung tâm này nghiên cứu các vấn đề về ngoại giao nhân
dân nói chung và của Mỹ nói riêng, đồng thời đưa ra những khuyến nghị về chính sách
ngoại giao nhân dân cho chính phủ Mỹ. Các tổ chức phi chính phủ của Mỹ cũng là một
lực lượng lớn tham gia các hoạt động ngoại giao nhân dân ở nước ngoài. Sau sự kiện
nước Mỹ bị tấn công khủng bố ngày 11-9-2001, chính sách ngoại giao nhân dân của Mỹ
có sự thay đổi lớn. Theo quan điểm của Mỹ, sự kiện khủng bố này là một trong những
biểu hiện cao độ của tinh thần chống Mỹ. Các quan chức Mỹ đã tìm hiểu nguyên nhân
và nhận định rằng một trong những nguyên nhân quan trọng là do chính quyền Mỹ đã
coi nhẹ hoạt động ngoại giao nhân dân thời kỳ sau Chiến tranh Lạnh.5 Vì thế, sau thời
điểm này chính quyền Mỹ gia tăng các hoạt động ngoại giao nhân dân. Trong chiến
lược ngoại giao nhân dân mới của chính quyền Bush, một trong những ưu tiên được xác

3
định là “Củng cố nhận thức về những lợi ích và giá trị chung giữa nhân dân Mỹ và nhân
dân các nước cũng như giữa những nền văn hóa khác nhau trên thế giới”.6 Mục tiêu
tổng thể của chiến lược ngoại giao nhân dân mới là cải thiện uy tín và hình ảnh nước
Mỹ trong cộng đồng thế giới cũng như làm suy giảm thái độ chống Mỹ của người nước
ngoài, đặc biệt là cộng đồng người Hồi giáo.

Như vậy, ngoại giao nhân dân của Việt Nam và của Mỹ có một đặc điểm giống
nhau cơ bản: đó là một bộ phận của ngoại giao tổng thể của nhà nước và hỗ trợ ngoại
giao nhà nước trong việc thực hiện chính sách đối ngoại nhằm phục vụ lợi ích quốc gia.
Tuy nhiên, do điều kiện tổ chức hoạt động khác nhau nên hình thức, nội dung và phạm
vi hoạt động ngoại giao nhân dân của Việt Nam và Mỹ có những đặc điểm riêng. Những
khác biệt này được thể hiện rõ qua các hoạt động ngoại giao nhân dân trong quan hệ
giữa hai nước qua các thời kỳ.

2. Những chặng đường của ngoại giao nhân dân trong quan hệ Việt-Mỹ
Trên phương diện ngoại giao nhân dân trong quan hệ với Mỹ, Việt Nam là nước
đã đi trước. Ngay sau khi Việt Nam giành được độc lập, ngoài những mối liên hệ nhà
nước, chính phủ Việt Nam đã sớm đưa hoạt động ngoại giao nhân dân phục vụ quan hệ
đối ngoại với Mỹ. Mở đầu là việc thành lập Việt-Mỹ thân hữu Hội, ngày 17-10-1945.
Việt-Mỹ thân hữu Hội trở thành tổ chức hữu nghị song phương đầu tiên của Việt Nam.
Ngay sau khi được thành lập, Việt-Mỹ thân hữu Hội đã có cơ quan ngôn luận riêng, có
tạp chí bằng hai thứ tiếng Việt và Anh, có chương trình phát thanh chuyên đề giới thiệu
về đất nước, con người và văn hóa Việt Nam với nhân dân Mỹ. Trên thực tế, sự thành
lập và hoạt động của Việt-Mỹ thân hữu Hội là một sách lược về ngoại giao của Việt
Nam trong quan hệ với Mỹ, được xác định rõ rằng: “Về ngoại giao vẫn tuyên bố thân
thiện với Mỹ và vẫn phải dùng Hội Việt-Mỹ làm lợi khí tuyên truyền quốc tế một phần
nào”.7 Điều này cho thấy chính phủ Việt Nam đã sớm nhận thức được vai trò của Mỹ
trên trường quốc tế và tranh thủ sự ủng hộ của Mỹ cho cuộc đấu tranh chống xâm lược
Pháp. Mặc dù những hoạt động của Việt-Mỹ thân hữu Hội còn hạn chế nhưng đã tạo cơ
sở cho việc mở rộng những hoạt động ngoại giao nhân dân của Việt Nam nói chung và

4
trong quan hệ với Mỹ nói riêng ở những giai đoạn tiếp theo. Đồng thời, thông qua
những hoạt động của Việt-Mỹ thân hữu Hội, chính phủ Việt Nam cũng muốn gửi đi một
thông điệp quan trọng là Việt Nam muốn có quan hệ thân thiện và hữu nghị với Mỹ.
Phía Mỹ mặc dù đã thiết lập những cơ sở pháp lý cho hoạt động ngoại giao nhân dân từ
năm 1948 nhưng cũng không có chương trình gì được thực hiện với Việt Nam. Với
những tính toán lợi ích của Mỹ ở Việt Nam cũng như ở khu vực Đông Nam Á lúc này,
Mỹ đã không đáp ứng thiện chí của chính phủ Việt Nam. Ngược lại, Mỹ đã từng bước
can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam và gây ra cuộc chiến tranh xâm lược Việt
Nam.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, chính phủ Việt Nam xác định ngoại giao là
một mặt trận quan trọng, trong đó ngoại giao nhân dân tiếp tục được đẩy mạnh và “phát
huy hiệu quả ngày càng cao”.8 Từ cuối năm 1966, Nhóm công tác chuyên trách về vận
động nhân dân Mỹ được thành lập và đến năm 1967, Ban Mỹ vận gồm 40 cán bộ, có
kinh phí và bộ máy hoạt động riêng, được hình thành. Cuộc chiến tranh phi nghĩa do các
chính quyền Mỹ phát động ở Việt Nam đã bị chính nhân dân Mỹ lên án. Phong trào đấu
tranh chống chiến tranh Việt Nam phát triển mạnh trong các tầng lớp nhân dân Mỹ.
Nhằm tranh thủ sự ủng hộ to lớn của nhân dân Mỹ cho cuộc kháng chiến chống xâm
lược Mỹ, ngày 10-7-1968 chính phủ Việt Nam đã thành lập Ủy ban Việt Nam đoàn kết
với nhân dân Mỹ, gọi tắt là Ủy ban Việt-Mỹ. Phối hợp hoạt động với các tổ chức chính
trị - xã hội khác của Việt Nam, đứng đầu là Ủy ban phối hợp toàn quốc, Ủy ban Việt-
Mỹ đã tích cực tham gia các hoạt động đấu tranh đòi chấm dứt cuộc chiến tranh của Mỹ
ở Việt Nam. Trọng tâm của các hoạt động là tuyên truyền rộng rãi và giới thiệu về Việt
Nam, tranh thủ sự ủng hộ liên tục và kiên quyết của nhân dân Mỹ và nhân dân thế giới,
đáp ứng những yêu cầu chính trị của kháng chiến chống Mỹ cứu nước.9 Ngoài hoạt
động của các tổ chức chính trị - xã hội, nhiều cá nhân cũng tham gia vào hoạt động
ngoại giao nhân dân, tiêu biểu là các nhà văn hóa lớn như Hữu Ngọc và Nguyễn Khắc
Viện. Hai ông đã chủ trì một cuốn Tuyển tập văn học Việt Nam dày 2.000 trang bằng
tiếng Pháp và một Tuyển tập khác cũng về văn học Việt Nam dày 1.000 trang bằng
tiếng Anh. Hai cuốn sách này đã đến với thế giới qua con đường ngoại giao và các sứ

5
quán của Việt Nam. Ngoài ra, ông Nguyễn Khắc Viện còn chủ trì việc xuất bản Tạp chí
Vietnam Studies ba tháng một kỳ giới thiệu rất sâu về văn hóa Việt Nam: từ văn học,
văn hóa đến ngôn ngữ, các phong tục cổ truyền. Bộ sách văn học và loạt tạp chí này đã
có đóng góp rất lớn vào việc giới thiệu văn hóa Việt Nam ra thế giới và đã thu hút được
sự chú ý của giới báo chí và học giả Mỹ cũng như tăng thêm hiểu biết của độc giả nước
ngoài về đất nước, con người và văn hóa Việt Nam. Như vậy, trong hoàn cảnh khó khăn
của cuộc chiến tranh, ngoại giao nhân dân Việt Nam đã được triển khai dưới những hình
thức khác nhau góp phần cùng với ngoại giao nhà nước tranh thủ sự ủng hộ của nhân
dân yêu chuộng hòa bình thế giới, trong đó có nhân dân Mỹ, cho cuộc đấu tranh chính
nghĩa vì độc lập dân tộc.

Về phía Mỹ, đối tượng của hoạt động ngoại giao nhân dân của chính phủ Mỹ lại
chính là công chúng Mỹ. Các chính quyền Mỹ cố tình che dấu bản chất xâm lược của
cuộc chiến tranh mà Mỹ đang tiến hành ở Việt Nam để đạt được sự ủng hộ của công
chúng Mỹ. Mặc dù vậy, các phương tiện thông tin đồ sộ của Mỹ lúc đó cũng không che
dấu nổi tính chất phi lý của cuộc chiến tranh. Nhiều người Mỹ đã lên tiếng đòi chính
phủ Mỹ chấm dứt cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Phong trào đấu tranh của nhân dân Mỹ
đã diễn ra ở nhiều nơi trên đất Mỹ, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.
Nhiều người đã Mỹ đã kiên quyết không sang tham chiến ở Việt Nam, có người đã tự
thiêu để phản đối cuộc chiến tranh mà chính phủ Mỹ đang tiến hành ở Việt Nam. Trên
thực tế, phong trào phản chiến của nhân dân Mỹ đã tạo ra “mặt trận số hai ở ngay tại
nước Mỹ”,10 đánh mạnh vào chính sách xâm lược của các chính quyền Mỹ và góp phần
vào sự thất bại của cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Như vậy, trong thời kỳ này
chính công chúng Mỹ đã tham gia vào những hoạt động ngoại giao nhân dân ủng hộ
Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống xâm lược Mỹ. Đồng thời ngoại giao nhân dân
Việt Nam đã góp phần bóc trần bản chất xâm lược của đế quốc Mỹ và đã tranh thủ được
sự đồng tình ủng hộ rộng rãi của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới trong đó có
nhân dân Mỹ.

6
Sau khi Việt Nam giành thắng lợi hoàn toàn và thống nhất đất nước (năm 1975),
các chính quyền Mỹ thi hành chính sách thù địch và cấm vận đối với Việt Nam. Trừ
một số hoạt động của các nhà ngoại giao chuyên nghiệp, các cuộc tiếp xúc giữa công
dân hai nước hầu như không có điều kiện thực hiện. Những vết thương của cuộc chiến
tranh còn mang đậm dấu ấn trong cả hai dân tộc Việt-Mỹ. Đối với nước Mỹ, tâm lý thua
trận của một cường quốc lớn trước một dân tộc nghèo và nhỏ bé như Việt Nam đã làm
cho một bộ phận người Mỹ mang nặng tư tưởng hận thù, chống phá Việt Nam sau khi
chiến tranh kết thúc. Tuy nhiên, sự thất bại của nước Mỹ cũng chính là một lý do mà
nhiều người Mỹ muốn tìm hiểu vì sao một nước thuộc địa cũ lại có thể liên tục đánh bại
đế quốc Pháp và siêu cường Mỹ. Đây cũng là một cơ sở cho sự ra đời của môn Nghiên
cứu Việt Nam (Việt Nam học) ở Mỹ trong giai đoạn này.

Về phía Việt Nam, Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VI (12-1986) đã khởi
xướng công cuộc đổi mới toàn diện đất nước và thực hiện đường lối đối ngoại rộng mở.
Đây là một chuyển biến quan trọng trong đường lối quốc tế và chính sách đối ngoại của
Việt Nam để phá thế bao vây cấm vận của Mỹ. Thực tế này đã tạo điều kiện cho sự khởi
sắc trong quan hệ quốc tế của Việt Nam nói chung và trong quan hệ với Mỹ nói riêng.
Mặc dù quan hệ giữa hai nhà nước vẫn còn băng giá nhưng nhân dân Mỹ, đặc biệt là các
cựu chiến binh Mỹ, rất quan tâm đến Việt Nam. Các cựu chiến binh Mỹ đã trở thành
những người tiên phong trong các hoạt động ngoại giao nhân dân ở Mỹ xuất phát từ
mong muốn hiểu biết nhiều hơn về Việt Nam và hàn gắn vết thương chiến tranh. Điển
hình là hoạt động của Trung tâm William Joiner, Trung tâm nghiên cứu hậu quả chiến
tranh và xã hội của Đại học Massachusetts. Họ đã có những việc làm thiết thực như sưu
tầm những tài liệu của Việt Nam mà phía Mỹ đã thu giữ được trong chiến tranh, trong
số này có rất nhiều những bài thơ, bài hát, những bức thư chứa đầy tình cảm sâu sắc của
các chiến sĩ Việt Nam. Họ đã dịch một số bài thơ sang tiếng Anh và xuất bản thành tập
sách mang tên “Thơ từ những tài liệu được thu giữ” để phổ biến cho độc giả Mỹ. Đồng
thời ở Việt Nam lúc này xuất hiện các tác phẩm văn học cách mạng nói về chiến tranh
của các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng của Việt Nam trong đó có người từng là cựu chiến
binh. Những tác phẩm văn học và thơ ca cách mạng của Việt Nam đã thu hút được sự

7
chú ý của công chúng Mỹ, đặc biệt là giới trí thức và nghiên cứu Mỹ. Theo nhận xét của
Kevin Bowen, nhà thơ, giáo sư văn học và là Giám đốc Trung tâm William Joiner, văn
học và thơ ca Việt Nam giai đoạn này đã giúp các cựu chiến binh Mỹ “hiểu rõ cái giá
của sự ngây ngô và hiểu lầm đối với đồng loại của họ”,11 vì thế họ đã bất chấp sự chống
đối của các thế lực thù địch với Việt Nam ở Mỹ, tích cực tổ chức các cuộc giao lưu với
các văn nghệ sĩ Việt Nam. Đối với Việt Nam, đây cũng là cơ hội để đẩy mạnh việc
tuyên truyền về đường lối, chính sách cũng như đất nước, con người và văn hóa Việt
Nam với công chúng Mỹ qua con đường ngoại giao nhân dân. Chuyến đi của hai nhà
văn Lê Lựu và Ngụy Ngữ sang Mỹ tháng 7-1988 tham dự Hội thảo các nhà văn cựu
chiến binh Mỹ và Việt Nam bàn về văn học chiến tranh là một minh chứng sinh động.
Cả hai nhà văn đều là cựu chiến binh, nhưng đặc biệt Ngụy Ngữ vốn là một trung úy
lính ngụy của chế độ Sài Gòn trước đây. Theo đánh giá của Lê Lựu, việc nhà văn Ngụy
Ngữ được chính phủ Việt Nam cử đi tham dự hội thảo ở Mỹ “đã gây một tác động
không nhỏ ở hàng ngũ cựu chiến binh Mỹ và cộng đồng người Việt” ở Mỹ, đồng thời là
“một chứng nhận của sự cởi mở ở Việt Nam là có thật, những thông tin trước đấy là bịa
đặt, vu cáo không thiện chí”.12 Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng chuyến đi Mỹ của
hai nhà văn Việt Nam đã làm cho công chúng Mỹ “thay đổi không nhỏ cái nhìn của
người Mỹ về một dân tộc từng là kẻ thù của họ”.13 Sau chuyến đi của Lê Lựu và Ngụy
Ngữ, Trung tâm William Joiner đã tổ chức cho các nhà văn, nhà thơ cùng các nhà
nghiên cứu văn hóa, các họa sĩ, các nghệ sĩ biểu diễn Việt Nam đến Mỹ để giới thiệu tác
phẩm, đất nước và văn hóa Việt Nam. Họ đã trở thành những “đại sứ văn hóa” của Việt
Nam, góp phần làm cho công chúng Mỹ hiểu thêm về đất nước, con người, văn hóa và
chính sách đổi mới của Việt Nam. Sự thành công của chuyến đi Mỹ của các văn nghệ sĩ
Việt Nam chính là một thành công của ngoại giao nhân dân Việt Nam, góp phần vào sự
hòa giải giữa hai dân tộc Việt-Mỹ thời kỳ “sau Việt Nam”.

Bước vào thập niên 1990, tình hình quốc tế và khu vực Đông Nam Á có nhiều
chuyển biến tích cực. Ngoại giao nhà nước trong quan hệ Việt-Mỹ cũng đạt được những
tiến bộ mới. Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VII (6-1991) đã khẳng định:
“Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa

8
bình, độc lập và phát triển”.14 Đường lối đối ngoại này đã góp phần thúc đẩy quá trình
bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ. Trên phương diện ngoại giao nhân dân, đây cũng là
thời kỳ cả hai nước đẩy mạnh nhiều hoạt động. Năm 1992, Mỹ tuyên bố nới lỏng cấm
vận đối với Việt Nam. Cũng trong năm này, ngoại giao nhân dân có hai sự kiện đáng
lưu ý. Ở Việt Nam, Ủy ban Việt Nam đoàn kết với nhân dân Mỹ được đổi tên thành Hội
Việt-Mỹ. Mục tiêu chính của Hội Việt-Mỹ nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa
nhân dân hai nước, góp phần thúc đẩy quá trình bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ,
thông qua nhiều hình thức hoạt động khác nhau như giao lưu hữu nghị, giao lưu văn
hóa, trao đổi các đoàn của tầng lớp nhân dân, nghiên cứu và khuyến nghị giải pháp,
chính sách về quan hệ Việt-Mỹ, v.v.15 Phía Mỹ chính thức thực hiện Chương trình học
bổng Fulbright dành cho sinh viên Việt Nam, theo đó 18 sinh viên Việt Nam đầu tiên đã
được cấp học bổng của Chương trình để sang học ở các trường đại học của Mỹ. Mục
tiêu của Chương trình Fulbright là “tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân Mỹ
và nhân dân Việt Nam”.16 Đây cũng là chương trình trao đổi giáo dục đầu tiên của chính
phủ Mỹ với Việt Nam khi hai nước chưa bình thường hóa quan hệ ngoại giao.

Năm 1995, Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Mặc dù vậy,
chưa phải đã hết những trở ngại cho sự hiểu biết đầy đủ giữa hai nước và hai dân tộc. Vì
thế, cùng với các hoạt động ngoại giao nhà nước, ngoại giao nhân dân đều được chính
phủ hai nước chú trọng phát triển cả về nội dung và hình thức. Mục tiêu và cách thức
hoạt động ngoại giao nhân dân của hai nước có những điểm khác nhau nhưng tập trung
trong ba phương thức chính là trao đổi giáo dục, trao đổi văn hóa, và hoạt động của các
tổ chức phi chính phủ. Các chương trình trao đổi giáo dục và văn hóa của Mỹ với Việt
Nam hoạt động trên cơ sở pháp lý của Đạo luật Trao đổi Giáo dục và Văn hóa do Quốc
hội Mỹ ban hành năm 1961 nhằm “tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân Mỹ
và nhân dân các nước khác” cũng như “hỗ trợ sự phát triển các mối quan hệ thân thiện,
thông cảm và hòa bình giữa Hoa Kỳ và các nước khác trên thế giới”.17 Các chương trình
trao đổi này do Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội trực tiếp điều hành.

Các chương trình trao đổi giáo dục

9
Đối với Việt Nam nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao cho công cuộc
xây dựng và phát triển đất nước là một nhu cầu rất khẩn thiết. Trong khi đó Mỹ là nước
có trình độ phát triển cao về khoa học kỹ thuật và nhiều trường đại học của Mỹ có vị trí
hàng đầu thế giới. Do đó hợp tác về giáo dục với Mỹ sẽ đáp ứng được nhu cầu đào tạo
nhân lực cho Việt Nam. Trong các chương trình trao đổi giáo dục với Mỹ, Chương trình
Fulbright hoạt động sớm nhất và cũng là chương trình trao đổi giáo dục lớn nhất của Mỹ
với Việt Nam. Đến nay chương trình Fulbright đã mở rộng với nhiều chương trình nhỏ
bao gồm: hai chương trình dành cho sinh viên Việt Nam và sinh viên Mỹ, hai chương
trình dành cho học giả Việt Nam và học giả Mỹ và một chương trình giảng dạy kinh tế
tại TP. Hồ Chí Minh và một số chương trình khác. Trong khuôn khổ của Chương trình
Fulbright, sinh viên Việt Nam được cấp học bổng sang học các chương trình cao học và
tiến sĩ tại các trường đại học của Mỹ, và các học giả Việt Nam được lựa chọn sang
nghiên cứu nâng cao về chuyên môn ở các trường đại học hoặc viện nghiên cứu của
Mỹ. Các sinh viên và học giả Mỹ sang Việt Nam chủ yếu học tiếng Việt và văn hóa Việt
Nam cũng như nghiên cứu các vấn đề về lịch sử, văn hóa và xã hội của Việt Nam.
Chương trình giảng dạy kinh tế ở TP. Hồ Chí Minh cũng thuộc phạm vi của Chương
trình Fulbright do Trường Đại học kinh tế TP. Hồ Chí Minh và Trường Quản lý Nhà
nước John F. Kennedy thuộc Đại học Harvard phối hợp thực hiện. Cho đến nay, chương
trình này đã thu hút trên 1.000 học viên thuộc các thành phần kinh tế khác nhau của
Việt Nam tham gia nhằm nâng cao kiến thức và trình độ quản lý kinh tế của họ.

Ngoài chương trình Fulbright, Đại sứ quán Mỹ còn điều hành một số chương trình
trao đổi giáo dục khác với Việt Nam. Chương trình học bổng H. Humphrey cung cấp
học bổng cho cán bộ trung cấp Việt Nam sang Mỹ theo học các chương trình khác nhau
về các vấn đề kinh tế, xã hội, an ninh, báo chí, môi trường, v.v... Hàng năm có khoảng 7
cán bộ Việt Nam được lựa chọn và sẽ theo học một năm ở các trường đại học của Mỹ để
nâng cao trình độ chuyên môn của họ. Một chương trình khác giúp cán bộ Việt Nam
nâng cao năng lực chuyên môn là chương trình ngắn hạn mùa hè trong khoảng 4-6 tuần.
Học viên của chương trình này sẽ được bổ túc kiến thức chuyên môn của họ tại các cơ
sở giáo dục khác nhau của Mỹ. Năm 2008 là năm đầu tiên sinh viên Việt Nam được

10
chọn để tham dự chương trình này. Một chương trình ngắn hạn khác là Chương trình
khách thăm quan quốc tế, dành cho những cán bộ trung cấp của Việt Nam. Các thành
viên chương trình sẽ tham gia một khóa học trên thực tế thông qua việc đi thăm các cơ
sở văn hóa, giáo dục, cơ quan nhà nước hoặc chính quyền địa phương. Hành trình của
chuyến đi tùy thuộc vào chủ đề của từng chuyến đi. Qua các chuyến đi thực tế này, các
thành viên của chương trình sẽ có thêm kiến thức về những vấn đề thuộc các lĩnh vực
khác nhau của nước Mỹ và người dân Mỹ. Các chuyên gia và học giả Mỹ cũng được lựa
chọn để tham gia hai chương trình trao đổi là Chương trình Chuyên gia học thuật và
Chương trình diễn giả Hoa Kỳ. Các thành viên của hai chương trình này được lựa chọn
sang Việt Nam tham gia các hoạt động tư vấn về chuyên môn cho các đối tác Việt Nam
hoặc nói chuyện về những vấn đề văn hóa, lịch sử, giáo dục, kinh tế, v.v.. của nước Mỹ.
Đây là một hình thức cung cấp thông tin trực tiếp về nước Mỹ cho các đối tác Việt
Nam.

Các chương trình trao đổi giáo dục giữa Việt Nam và Mỹ
(Số liệu tính đến tháng 5-2008)
TT Các chương trình trao đổi Số lượng
1 Chương trình Fulbright cho sinh viên Việt Nam (FVNStP) 354
2 Chương trình Fulbright cho học giả Việt Nam (FVNSchP) 70
3 Chương trình Fulbright cho sinh viên Mỹ (FUSStP) 90
4 Chương trình Fulbright cho học giả Mỹ (FUSSchP) 76
5 Chương trình Fulbright cho chuyên gia cao cấp (FSSpP) 46
6 Chương trình học bổng H. Humphrey (HHFP) 20
7 Chương trình học ngắn hạn tại các trường của Mỹ (SUSIP) 34
8 Chương trình khách thăm quan quốc tế (IVLP) 276
9 Chương trình khách thăm quan tình nguyện (VVP) 163
Chương trình học bổng của Quỹ Giáo dục Việt Nam
10 230
(VEF)
Nguồn: Phòng Thông tin Văn hóa, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội và VEF.

11
Ngoài các chương trình do Đại sứ quán Mỹ tổ chức, một chương trình trao đổi lớn
khác của Mỹ với Việt Nam là Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF), được bắt đầu từ năm
2003. VEF là một tổ chức trực thuộc chính quyền liên bang Mỹ nhằm mục đích “củng
cố mối quan hệ song phương Việt-Mỹ thông qua trao đổi giáo dục trong lĩnh vực khoa
học và công nghệ” cũng như “giúp đỡ Việt Nam xây dựng năng lực về khoa học và
công nghệ”.18 Hàng năm chính phủ Mỹ tài trợ 5 triệu USD cho hoạt động của VEF. Mặc
dù mới hoạt động được mấy năm nhưng số lượng sinh viên Việt Nam được tuyển chọn
trong chương trình này tăng lên rất nhanh so với Chương trình Fulbright (xem bảng số
liệu). Ngoài những chương trình trao đổi do chính phủ Mỹ tài trợ còn có những chương
trình trao đổi giữa các trường đại học Việt Nam và đại học Mỹ. Viện Harvard Yenching
thuộc Đại học Harvard trong nhiều năm qua đã cấp hàng trăm học bổng cho cán bộ Việt
Nam sang học các chương trình cao học và tiến sĩ hoặc nghiên cứu để nâng cao trình độ
tại các trường đại học của Mỹ. Tháng 3-2007, Bộ giáo dục Việt Nam và Viện Hàn lâm
khoa học Mỹ đã ký kết văn bản đào tạo cán bộ Việt Nam có trình độ tiến sĩ tại các
trường đại học danh tiếng của Mỹ, giúp Việt Nam xây dựng trường đại học đẳng cấp
quốc tế cũng như tăng cường hợp tác trong lĩnh vực giáo dục đại học và nghiên cứu
khoa học.

Như vậy, các chương trình trao đổi giáo dục giữa Việt Nam và Mỹ đã tạo cơ hội
cho hàng trăm sinh viên và học giả Việt Nam và Mỹ sang học tập và nghiên cứu tại các
cơ sở giáo dục của hai nước. Các chương trình này đã góp phần đào tạo nguồn nhân lực
có trình độ cao cho Việt Nam, hỗ trợ sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội ở
Việt Nam. Hơn nữa, các chương trình trao đổi giáo dục còn tạo cơ hội cho người Việt
và người Mỹ giao lưu văn hóa và hiểu biết nhiều hơn về đất nước và con người ở hai
nước. Trong những phát biểu gần đây, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Michael Michalak luôn
khẳng định ông muốn thúc đẩy hợp tác giáo dục nhiều hơn nữa giữa hai nước và sẽ
“tăng gấp đôi số lượng sinh viên Việt Nam sang học ở Mỹ”, chủ yếu thông qua hai
chương trình Fulbright và VEF.19 Đây là một tín hiệu tốt lành cho ngành giáo dục Việt
Nam và cũng là một đóng góp lớn cho sự cải thiện quan hệ giữa hai nước.

12
Các chương trình trao đổi văn hóa
Việt Nam và Mỹ có những khác biệt về văn hóa. Hơn nữa, thời kỳ sau chiến tranh
tâm lý nghi kỵ vẫn còn phổ biến và những hiểu biết về nhau cũng chưa thật đầy đủ, do
đó không tránh khỏi những khó khăn trong hợp tác với nhau. Vì vậy nhu cầu trao đổi
văn hóa là cần thiết. Các hoạt động trao đổi văn hóa sẽ làm cho hai dân tộc hiểu nhau
hơn và xích lại gần nhau hơn. Nếu như trao đổi giáo dục được thực hiện trước khi hai
nước bình thường hóa quan hệ thì trao đổi văn hóa chỉ diễn ra khi quan hệ ngoại giao đã
được thiết lập. Các trao đổi văn hóa giữa hai nước diễn ra dưới nhiều hình thức như trao
đổi các đoàn biểu diễn nghệ thuật, các cuộc triển lãm tranh ảnh, triển lãm sách, hội chợ
văn hóa, hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa, tuần lễ phim, v.v. Với sự tài trợ của cả hai phía,
nhiều đoàn nghệ thuật của Việt Nam và Mỹ đã thực hiện các chuyến đi biểu diễn ở hai
nước. Phía Việt Nam có các cuộc biểu diễn của nhóm nghệ sĩ múa rối Hà Nội, hoặc ca
nhạc dân tộc truyền thống, hoặc tham gia hội chợ văn hóa, v.v., để quảng bá bản sắc văn
hóa truyền thống Việt Nam, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế
và bạn bè Mỹ. Trong khi đó các nghệ sĩ Mỹ sang biểu diễn ở Việt Nam có sự tham gia
của các ban nhạc Hip hop Havi Koro, vũ đoàn Battery Dance, các nghệ sĩ nhạc jazz, v.v.
Hai nước cũng trao đổi nhiều cuộc triển lãm giới thiệu về nền văn hóa, đất nước, con
người. Trong số này đáng chú ý là cuộc triển lãm “Dòng sông uốn khúc - Cuộc hành
trình của nghệ thuật đương đại Việt Nam” (4-1998), hoặc “Viễn dương - Hội họa Mỹ
bên thềm thế kỷ 21” (8-1999), giới thiệu hàng trăm tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu của
các họa sĩ Việt Nam và Mỹ cho công chúng của hai nước. Triển lãm “Cuộc hành trình
của con người, tinh thần và linh hồn Việt Nam” được tổ chức tại Bảo tàng Lịch sử tự
nhiên Hoa Kỳ trong vòng hơn một năm (bắt đầu từ 3-2003) đã làm cho công chúng Mỹ
hiểu biết nhiều hơn về đất nước, con người và văn hóa Việt Nam. Nhìn chung, mức độ
trao đổi văn hóa giữa Việt Nam và Mỹ ngày càng tăng và đã thu hút được một lực lượng
đông đảo công chúng của hai nước tham gia. Những hoạt động này đã tăng cường sự
giao lưu giữa nhân dân hai nước và trở thành cầu nối hữu nghị làm cho hai dân tộc Việt-
Mỹ ngày càng xích lại gần nhau hơn.

Hoạt động của các tổ chức phi chính phủ Mỹ ở Việt Nam

13
Do điều kiện trình độ phát triển của Việt Nam còn thấp và một phần vì hậu quả
của chiến tranh nên sự giúp đỡ của các đối tác nước ngoài, trong đó có các tổ chức phi
chính phủ (NGO) cho Việt Nam là điều rất cần thiết. Vì thế từ cuối những năm 1980,
chính phủ Việt Nam đã ban hành những khuôn khổ pháp lý để tranh thủ và tạo điều kiện
cho hoạt động của các NGO nước ngoài ở Việt Nam.20 Hoạt động của các NGO của Mỹ
ở Việt Nam được thực hiện ngay từ trước khi qua hệ hai nước chưa được bình thường
hóa. Trong số này đáng chú ý là Dự án hòa giải Mỹ - Đông Dương (USIRP) hoạt động
ở Việt Nam từ năm 1985 và Tổ chức nhịp cầu hữu nghị (FB) hoạt động ở Việt Nam từ
năm 1988. Mục đích chính của các tổ chức này là giúp Việt Nam khắc phục hậu quả
chiến tranh và thúc đẩy quá trình bình thường hóa quan hệ Viêt-Mỹ. Sau khi Việt Nam
và Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1995, ngày càng có nhiều NGO của Mỹ vào
hoạt động ở Việt Nam và một số NGO được chính phủ Mỹ tài trợ kinh phí. Lĩnh vực
hoạt động của các tổ chức này rất rộng trong các ngành như y tế, giáo dục, nông nghiệp,
cứu trợ nhân đạo, v.v, và được triển khai ở hàng chục tỉnh thành của Việt Nam. Hiện
nay có khoảng hơn 70 NGO của Mỹ đang hoạt động ở Việt Nam, cung cấp cho Việt
Nam các khoản viện trợ trị giá hàng trăm triệu USD. Trong số này, Quỹ Cựu chiến binh
Mỹ tại Việt Nam (VVAF) và Tổ chức Counterpart International (Đối tác quốc tế - CPI)
được coi là những mô hình NGO thành công ở Việt Nam, theo đánh giá của Liên hiệp
các tổ chức hữu nghị Việt Nam - cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý các
hoạt động của NGO nước ngoài ở Việt Nam.21 Các NGO khác như Ford Foundation
hoặc Asia Foundation cũng có nhiều năm hoạt động ở Việt Nam trong nhiều lĩnh vực,
kể cả cấp học bổng cho sinh viên và cán bộ Việt Nam đi học và nghiên cứu để nâng cao
trình độ chuyên môn tại Mỹ. Nhìn chung, hoạt động của các NGO của Mỹ ở Việt Nam
là một hình thức ngoại giao nhân dân độc đáo. Ngoài những hiệu quả về kinh tế - xã hội,
hoạt động của các NGO của Mỹ ở Việt Nam trong mấy chục năm qua đã góp phần tăng
cường tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Mỹ cũng như góp phần thúc
đẩy tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ trên tinh thần tôn trọng độc lập chủ
quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, hợp tác bình đẳng và cùng có
lợi.

14
3. Một vài nhận xét
Ngoại giao nhân dân trong quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ gắn liền với lịch sử quan
hệ hai nước, vì thế có lúc trầm và có lúc thăng. Trong suốt những năm chiến tranh,
ngoại giao nhân dân chủ yếu đến từ phía Việt Nam, tập trung vào tuyên truyền và tranh
thủ sự ủng hộ của nhân dân Mỹ cho sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam.
Thời kỳ “sau Việt Nam”, đặc biệt từ khi Việt Nam thực hiện công cuộc đổi mới, ngoại
giao nhân dân trong quan hệ hai nước từng bước được triển khai đồng bộ. Các hoạt
động ngoại giao nhân dân chỉ thực sự được phát huy kể từ khi hai nước bình thường hóa
quan hệ năm 1995. Từ giai đoạn này, chính phủ Mỹ đã tổ chức nhiều chương trình trao
đổi giáo dục và văn hóa với Việt Nam và đã chi nhiều khoản kinh phí lớn cho hoạt động
của các chương trình này. Các chương trình trao đổi giáo dục và văn hóa đã tạo điều
kiện cho sự giao lưu rộng rãi của công chúng hai nước. Ngoài ra, sự phát triển mạnh mẽ
của ngành Việt Nam học ở Mỹ và Hoa Kỳ học ở Việt Nam trong những năm qua đã có
những đóng góp nhất định đối với việc nâng cao hiểu biết về đất nước và con người của
nhân dân hai nước. Những hiểu biết mới này là cơ sở cho sự xích lại gần nhau giữa hai
dân tộc Việt-Mỹ và góp phần cải thiện mối quan hệ song phương giữa hai nước.

Tuy nhiên, do có sự khác biệt về thể chế chính trị và trình độ phát triển nên phạm
vi và hình thức của hoạt động ngoại giao nhân dân của hai nước cũng khác nhau. Với
lợi thế là cường quốc kinh tế, Mỹ đã thực hiện nhiều tài trợ cho Việt Nam thông qua các
chương trình ngoại giao nhân dân ở Việt Nam và khá chủ động trong việc thực hiện các
chương trình này. Đầu mối chính điều hành các chương trình là Đại sứ quán Mỹ ở Hà
Nội vì vậy hoạt động rất tập trung và bài bản. Về phía Việt Nam, các hoạt động ngoại
giao nhân dân có sự phối hợp của nhiều cơ quan, tổ chức, ban ngành khác nhau và đã
thu hút được một lực lượng lớn công chúng tham gia trong các hoạt động trao đổi giáo
dục và văn hóa với các đối tác Mỹ. Việt Nam cũng đã tranh thủ sự tài trợ của các
chương trình trao đổi giáo dục, văn hóa và của các NGO của Mỹ để đào tạo nguồn nhân
lực, quảng bá hình ảnh đất nước và văn hóa dân tộc, giải quyết một số vấn đề xã hội và
phát triển của Việt Nam. Theo đánh giá của lãnh đạo chính phủ Việt Nam, ngoại giao
nhân dân đã: “góp phần tăng cường sự hiểu biết, đồng tình và ủng hộ của nhân dân thế

15
giới, vận động quốc tế ủng hộ nạn nhân chất độc da cam, tranh thủ sự giúp đỡ của bạn
bè quốc tế, góp phần vào sự nghiệp xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội của
đất nước”, đồng thời “góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, tuyên
truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tranh thủ sự đồng
tình, giúp đỡ về tinh thần và vật chất của bạn bè quốc tế”.22 Ngoại giao nhân dân của
Việt Nam trong quan hệ với Mỹ đã góp phần vào thành tích chung này.

Mặc dù vậy, để hợp tác có hiệu quả hơn, Việt Nam cần lưu ý tới công tác tổ chức,
chương trình hoạt động bài bản và tính chuyên nghiệp cao của đội ngũ cán bộ làm công
tác ngoại giao nhân dân. Theo nhận xét của nhà văn hóa Hữu Ngọc, Việt Nam “vẫn
chưa có một trung tâm về văn hóa đối ngoại tập hợp tất cả các cơ quan vệ tinh làm
những chương trình văn hóa đối ngoại cho ra trò. Mỗi nơi một mảnh, mỗi bộ một mảnh
nên rất phân tán. Có những việc trong truyền bá văn hóa đáng nhẽ phải rất được chú
trọng nhưng lại không chú trọng”.23 Ngoài ra, ở Việt Nam vẫn chưa có các trung tâm và
chương trình nghiên cứu một cách bài bản về ngoại giao nhân dân để hỗ trợ tư vấn
chính sách cho nhà nước. Trong khi đó hoạt động này ở Mỹ đã mang tính chuyên
nghiệp rất cao. Những thực tế này cần được cải thiện và cần khắc phục những tồn tại về
cơ chế phối hợp, vận hành cũng như nội dung của các chương trình hoạt động để làm
cho ngoại giao nhân dân nói chung và trong quan hệ với Mỹ nói riêng có hiệu quả hơn.
Người Việt Nam có truyền thống hiếu học, có một bề dày văn hóa đáng tự hào và một
truyền thống dân tộc vẻ vang. Những yếu tố này chính là cơ sở làm nên “sức mạnh
mềm” của Việt Nam và phải được phát huy thông qua các hoạt động ngoại giao nhân
dân. Trong xu thế hội nhập quốc tế ngày càng phát triển, nhu cầu về thông tin, giao lưu
văn hóa và giáo dục giữa các nước và các dân tộc ngày càng tăng. Vì thế vai trò của
ngoại giao nhân dân ngày càng trở nên quan trọng trong quan hệ quốc tế. Điều này cũng
hoàn toàn đúng với mối quan hệ Việt-Mỹ. Do đó cần có những nhận thức mới và sự đầu
tư thỏa đáng cho ngoại giao nhân dân để góp phần vào những thành tựu chung trên lĩnh
vực đối ngoại, nâng cao sức mạnh tổng thể và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Chú thích

16
1
Theo định nghĩa của Joseph Nye, một giáo sư của Đại học Harvard Mỹ, “sức mạnh mềm” hay còn gọi là “quyền
lực mềm” là “khả năng đoạt lấy thứ mình muốn thông qua sự hấp dẫn thay vì ép buộc. Nó xuất phát từ sự hấp dẫn
về văn hóa, tư tưởng chính trị và các chính sách của một quốc gia”. Trong khi đó “sức mạnh cứng” của một nước
là sức mạnh về quân sự và kinh tế của nước đó. Tham khảo bài viết Trực tuyến cùng “cha đẻ” của “quyền lực
mềm” Joseph Nye, tại địa chỉ: www.tuanvietnam.net/vn/tructuyenvoitop/1973/index.aspx
2
Đầu thập niên 1970, chuẩn bị cho việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước, Mỹ và Trung Quốc đã sử dụng
ngoại giao nhân dân dưới hình thức thi đấu bóng bàn làm bước khai thông cho quan hệ hai nước. Ngày 10-4-1971,
đội bóng bàn đầu tiên của Mỹ gồm 9 người đã đến Bắc Kinh thi đấu giao hữu với các vận động viên Trung Quốc
và tiến hành một số hoạt động thăm quan ở Bắc Kinh. Đúng một năm sau, Trung Quốc cử một đoàn vận động viên
bóng bàn sang Mỹ tham gia các hoạt động tương tự ở Mỹ. Các hoạt động của hai đoàn vận động viên bóng bàn đã
mở đầu cho các hoạt động giao lưu giữa hai nước sau nhiều năm đóng cửa ngoại giao với nhau trong tình trạng đối
đầu. Kết quả là năm 1979, Mỹ và Trung Quốc đã hoàn toàn bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Lịch sử quan hệ
quốc tế gọi đây là “ngoại giao bóng bàn” trong đó thể thao được sử dụng để góp phần hòa dịu quan hệ đối ngoại
song phương.
3
Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội
2001, tr. 122-123.
4
“United States Information and Education Exchange Act of 1948”, Public Law 402, in The United States Statutes
at Large, vol. 62, Government Printing Office, Washington D.C, 1956, pp. 6-14;
5
Tham khảo Pamela Hyde Smith, The Hard Road Back to Soft Power, Georgetown Journal of International
Affairs, Winter/Spring 2007; William A. Rugh, Quiet Progress in Public Diplomacy, Baltimore Sun, 31 July
2007, tại địa chỉ: www.publicdiplomacy.org/84.htm; U.S. Needs New Energy in Public Diplomacy Campaign,
Rice Says. The White House, Office of the Press Secretary, March 10, 2004.
6 Karen P. Hughes, “Waging Peace” - A New Paradigm for Public Diplomacy, eJournal USA: Foreign Policy

Agenda, Volume 12, Number 2 February 2007.


7
Ngoại giao Việt Nam 1945-2000, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2002, tr. 177.
8 Ngoại giao Việt Nam 1945-2000, sđd, tr. 187.
9
Tham khảo Ngoại giao Việt Nam 1945-2000, sđd, tr. 215-216.
10
Đây là nhận xét của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ngoại giao Việt Nam 1945-2000, sđd, tr. 216.
11
Sự cởi mở với văn hóa Việt đã giúp người Mỹ, tại địa chỉ: vietimes.vietnamnet.vn/vn/chuyende/4863/index.viet
12
Lê Lựu, Một thời lầm lỗi, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội 1989, tr. 133.
13
Chiến tranh Mỹ-Việt thời “Lạnh” và Con đường sáng của văn hóa, tại địa chỉ: vietimes.vietnamnet.vn/vn/
chuyende/4857/index.viet
14
Ngoại giao Việt Nam 1945-2000, sđd, tr. 325.
15
Tham khảo Hội Việt-Mỹ, tại địa chỉ: www.vietpeace.org.vn
16
Fulbright Program in Vietnam, tại địa chỉ: vietnam.usembassy.gov/pas.html
17 Mutual Educational and Cultural Exchange Act of 1961, Public Law 87-256, pp. 527-538, in the "United

States Statutes at Large", vol. 75, pp. 527-538, Government Printing Office, Washington D.C. 1967.
18
The Vietnam Education Foundation, tại địa chỉ: home.vef.gov/about_home.php
19
Remarks by Ambassador Michael W. Michalak, VietnamNet Interview, November 20, 2007, tại địa chỉ:
hanoi.usembassy.gov/ambspeech112007.html
20
Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Hoạt động đối ngoại nhân dân Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà
Nội 2003, tr. 135-137.
21
Tham khảo hoạt động của các tổ chức phi chính phủ Mỹ ở Việt Nam tại địa chỉ: www.vietpeace.org.vn
22
Tham khảo “Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm: Đối ngoại nhân dân phát huy tinh thần “chủ động, linh hoạt,
sáng tạo, hiệu quả”, tại địa chỉ: www.dangcongsan.vn/details.asp?id=BT2620811853, và Ủy viên Bộ Chính trị
17
Trương Tấn Sang: Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam cần đổi mới theo phương châm “chủ động, linh hoạt,
sáng tạo, hiệu quả”, tại địa chỉ: www.dangcongsan.vn/details.asp?id=BT460773872
23 Người Mỹ đang dần hiểu sức mạnh văn hóa Việt, tại địa chỉ: vietimes.vietnamnet.vn/vn/chuyende/4865/

index.viet

18

You might also like