You are on page 1of 3

THỰC TRẠNG SỬ DỤNG THUỐC TẠI CÁC BỆNH VIỆN TRÊN ĐỊA

BÀN TỈNH VĨNH PHÚC


Thuốc đóng vai trò quan trọng trong chăm sóc sức khỏe, bởi vậy sử dụng
thuốc hợp lý, an toàn là yếu tố quyết định đến chất lượng khám chữa bệnh của
bệnh viện. Tuy nhiên, ở nước ta hiện nay tồn tại rất nhiều bất cập trong sử dụng
thuốc, ảnh hưởng trực tiếp đến việc chăm sóc người bệnh.
Tại Vĩnh Phúc, sau hơn 15 năm tái lập tỉnh, mạng lưới y tế đã được quan
tâm, đầu tư phát triển rộng khắp, từ trung tâm tới các thôn, bản với 2 bệnh viện đa
khoa cấp tỉnh và 9 bệnh viện đa khoa tuyến huyện đã trở thành những địa chỉ tin
cậy trong khám chữa bệnh cho nhân dân. Để hoàn thành chức năng quan trọng đó
thì các bệnh viện phải chú trọng tới công tác quản lý và sử dụng thuốc. Vì vậy,
trong năm 2015, Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên đã thực hiện đề tài “Thực
trạng sử dụng thuốc tại các bệnh viện trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc”. Đề tài được
đánh giá có ý nghĩa thiết thực trong việc giúp các nhà quản lý ngành y tế cũng
như người bệnh nâng cao ý thức trong sử dụng thuốc hợp lý, an toàn và hiệu quả.
Theo kết quả nghiên cứu, trong 3 năm, từ 2012-2014, giá trị tiền mua thuốc
tại 5 bệnh viện được khảo sát gồm: Bệnh viện Đa khoa Tỉnh, Bệnh viện Đa khoa
Khu vực Phúc Yên, Trung tâm Y tế Yên Lạc, Trung tâm Y tế Bình Xuyên và
Trung tâm Y tế Tam Đảo cho thấy, giá trị tiền mua thuốc tại 5 bệnh viện trên địa
bàn tỉnh chiếm từ 40-57% tổng kinh phí toàn viện mỗi năm. Tỷ lệ này cũng tương
đương với báo cáo của Bộ y tế và các kết quả nghiên cứu tại Bệnh viện E và Bệnh
viện Hữu nghị trong các năm trước đó. Kết quả này cho thấy, tiền thuốc chiếm
khoảng 50% kinh phí của bệnh viện, đây là một khó khăn cho các bệnh viện trong
việc cân đối giữa nhu cầu thuốc và kinh phí của bệnh viện để tránh lãng phí, đảm
bảo nhu cầu điều trị và kinh phí để đầu tư cho cơ sở vật chất, trang thiết bị… phục
vụ bệnh nhân.
Tuy nhiên, thống kê cho thấy, từ năm 2012-2014, giá trị tiền thuốc/kinh phí
tại 5 bệnh viện đều có xu hướng giảm. Điều này khẳng định các bệnh viện đã có
những cân đối chi phí dùng cho mua thuốc. Đặc biệt, ở 2 bệnh viện tuyến tỉnh,
năm 2014, chi phí mua thuốc chiếm 41 - 42% tổng chi phí bệnh viện.
Nghiên cứu về cơ cấu sử dụng tiền thuốc theo từng nhóm điều trị cho thấy,
tại Bệnh viện Đa khoa Tỉnh, nhóm thuốc điều trị ký sinh trùng và nhiễm khuẩn là
nhóm có giá trị sử dụng lớn nhất, chiếm tới 38,68%, trong đó chủ yếu là nhóm
kháng sinh. Tại 4 bệnh viện còn lại trong khảo sát cũng cho kết quả tương tự, ở
Bệnh viện Đa khoa Khu vực Phúc Yên là 46,63% và 3 trung tâm y tế tuyến huyện
là 33-40%. Như vậy, cả 5 bệnh viện đều có hiện tượng lạm dụng thuốc kháng
sinh, đặc biệt là ở 2 bệnh viện tuyến tỉnh. Điều này có thể lý giải là do đây là 2
bệnh viện lớn, phải thực hiện nhiều ca phẫu thuật và điều trị nhiều ca có bệnh lý
nhiễm trùng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp còn do trình độ, nhu cầu điều trị
chủ quan của các bác sỹ làm gia tăng tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh.
Bên cạnh đó, các nhóm thuốc điều trị ung thư, điều trị các bệnh mãn tính
như tim mạch, hocmon và thuốc tác động vào hệ thống nội tiết cũng là các loại
thuốc chiếm tỷ lệ cao về số lượng và giá trị trong danh mục thuốc sử dụng. Điều
này cho thấy gánh nặng từ các bệnh không lây nhiễm như ung thư, tim mạch, tiểu
đường… đang ngày càng gia tăng ở Việt Nam nói chung và Vĩnh Phúc nói riêng.
Theo phân tích ABC/VEN phát hiện một số thuốc không thật sự cần thiết
nhưng giá trị sử dụng lớn như nhóm thuốc tiêu hóa, thuốc giải độc và dùng trong
trường hợp ngộ độc và nhóm thuốc tim mạch, các thuốc này chiếm tới 5,34% giá
trị tiền thuốc sử dụng.
Đánh giá cơ cấu thuốc theo nguồn gốc, xuất xứ cho thấy, ở 2 bệnh viện
tuyến tỉnh, giá trị thuốc nhập khẩu chiếm 86,65-88,07% tổng giá trị, gấp 7 lần giá
trị thuốc sản xuất trong nước. Trong đó chủ yếu là thuốc nhập khẩu từ Ấn Độ, Ba
Lan, Trung Quốc… Ở các bệnh viện tuyến huyện, tỷ lệ này ít hơn.
Các thuốc được sử dụng chủ yếu là ở dạng đơn thành phần, mang tên
thương mại và đa phần đều có hoạt chất nằm trong danh mục thuốc chủ yếu được
quỹ bảo hiểm y tế chi trả.
Với hoạt động kê đơn thuốc ngoại trú được bảo hiểm y tế chi trả. Theo đó,
số thuốc trung bình được kê trong một đơn ở bệnh viện tuyến tỉnh là 3,26 thuốc, ít
hơn so với bệnh viện tuyến huyện là 3,76 thuốc/đơn. Tại bệnh viện tuyến tỉnh có
31% đơn thuốc kê chứa kháng sinh, trong khi tỷ lệ này ở các bệnh viện tuyến
huyện là 25,56%. Kháng sinh được kê nhiều ở các nhóm bệnh lý: hô hấp (87,5%),
răng hàm mặt (83,33%), tai mũi họng (80%)… Bệnh viện tuyến tỉnh có 21,67%
đơn thuốc có kê vitamin, chỉ số này ở các bệnh viện tuyến huyện là 42,22%.
100% thuốc được kê đơn đều nằm trong danh mục thuốc bệnh viện. Về cơ bản
các bệnh viện đã thực hiện đầy đủ theo quy chế kê đơn ngoại trú về các thủ tục
hành chính, ghi thông tin bệnh nhân, tên thuốc, liều dùng, đường dùng. Tuy nhiên
vẫn còn hiện tượng ghi tắt chuẩn đoán bệnh, chưa ghi thời điểm dùng thuốc.
Để nâng cao chất lượng sử dụng thuốc tại các bệnh viện trên địa bàn tỉnh
Vĩnh Phúc, nhóm nghiên cứu đã đưa ra các giải pháp như sau:
Nâng cao hiệu quả sử dụng kinh phí bệnh viện cho thuốc điều trị. Hàng
năm, mỗi bệnh viện cần tiến hành phân tích ABC/VEN để rà soát, đánh giá những
thuốc sử dụng chưa hợp lý, lãng phí, từ đó có thể dừng hoặc hạn chế sử dụng các
thuốc nhóm A/N để tiết kiệm chi phí. Đồng thời tiến hành kiểm tra dược lâm sàng
trực tiếp tại các khoa điều trị để đánh giá hiệu quả của các loại thuốc bổ trợ, tránh
lạm dụng, lãng phí.
Khuyến cáo sử dụng kháng sinh hợp lý. Cần tăng cường công tác kiểm soát
nhiễm khuẩn bệnh viện giúp tránh lây nhiễm chéo và giảm lượng kháng sinh
trong các trường hợp phẫu thuật, tăng tốc độ phục hồi sau mổ của bệnh nhân.
Nâng cao chất lượng xét nghiệm vi sinh để có kết quả chính xác trong xét nghiệm,
từ đó chọn được kháng sinh phù hợp với bệnh. Đồng thời, chỉ kê kháng sinh trong
những trường hợp thật sự cần thiết, chọn loại kháng sinh phù hợp, chọn kháng
sinh theo kháng sinh đồ, trong trường hợp phải dùng đến kháng sinh thế hệ cao,
phổ rộng cần có hội chẩn của hội đồng chuyên môn để tránh lạm dụng thuốc.
Tối ưu hóa cơ cấu thuốc bệnh viện. Khi lựa chọn thuốc để đưa vào danh
mục thuốc bệnh viện, nên ưu tiên lựa chọn thuốc mang tên biệt dược gốc, thuốc
sản xuất trong nước nhằm tiết kiệm kinh phí, đồng thời thúc đẩy nền công nghiệp
dược trong nước phát triển.
Thứ tư: Quản lý tốt hoạt động kê đơn thuốc ngoại trú. Việc rà soát, quản lý
kê đơn thuốc ngoại trú tại các bệnh viện cần chú ý tới việc: kê đơn kháng sinh hợp
lý, tránh lạm dụng kháng sinh; sử dụng hợp lý những thuốc có tác dụng bổ trợ,
các loại vitamin; kiểm tra các tương tác thuốc có thể xảy ra trong đơn, hạn chế
việc kê quá nhiều thuốc trong một đơn; kê thuốc cho bệnh nhân cần rõ ràng, đầy
đủ thông tin cần thiết…
BT. Thu Thủy

You might also like