Chương trình giáo dục phổ thông mới môn Tiếng Nga

Đang tải...

Chương trình giáo dục phổ thông mới môn Tiếng Nga

I. ĐẶC ĐIỂM MÔN HỌC
Tiếng Nga – Ngoại ngữ 2 là môn học tự chọn được tổ chức giảng dạy có thể từ lớp 6 đến hết lớp 12. Môn Tiếng Nga giúp học sinh hình thành, phát triển năng lực giao tiếp bằng ngôn ngữ và các năng lực chung, phát triển những phẩm chất tốt đẹp, mở rộng tầm nhìn quốc tế để học tốt các môn học khác, để sống và làm việc hiệu quả, cũng như để học suốt đời. Nội dung cốt lõi của môn Tiếng Nga bao gồm các chủ điểm, chủ đề và các kĩ năng cơ bản. Kiến thức ngôn ngữ: ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp được lựa chọn phù hợp với khả năng tiếp nhận của học sinh và được tích hợp trong quá trình rèn luyện các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết cơ bản.

Chương trình môn Tiếng Nga – Ngoại ngữ 2 (sau đây gọi tắt là Chương trình) được xây dựng theo bậc năng lực quy định trong Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam và chia thành hai giai đoạn. Kết thúc giai đoạn 1, năng lực giao tiếp bằng tiếng Nga của học sinh tương đương với Bậc 1; kết thúc giai đoạn 2, năng lực giao tiếp bằng tiếng Nga củ học sinh tương đương với Bậc 2. Thời lượng dành cho giai đoạn 1 là 315 tiết (trong 3 năm học), dành cho giai đoạn 2 là 420 tiết (trong 4 năm học). Nội dung của các năm học được xây dựng theo hệ thống chủ điểm về các lĩnh vực gần gũi trong cuộc sống hằng ngày phù hợp với lứa tuổi học sinh, về đất nước, con người, văn hoá Nga, Việt Nam và các nước khác trên thế giới. Môn học cung cấp kiến thức ngôn ngữ, tri thức văn hoá, xã hội liên quan đến các chủ điểm và rèn luyện kĩ năng giao tiếp tiếng Nga cơ bản, bồi dưỡng khả năng vận dụng ngôn ngữ toàn diện cho học sinh.

II. QUAN ĐIỂM XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH
1.
Chương trình tuân thủ và chi tiết hóa các quy định cơ bản được nêu trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể về định hướng chung cho tất cả các môn và định hướng xây dựng chương trình môn Ngoại ngữ.
2. Chương trình được thiết kế dựa trên các cơ sở lí luận và kết quả nghiên cứu mới nhất về khoa học giáo dục, tâm lí học, ngôn ngữ học và phương pháp dạy học ngoại ngữ; kinh nghiệm xây dựng chương trình môn Ngoại ngữ của Việt Nam và xu thế quốc tế trong phát triển chương trình giáo dục nói chung và chương trình môn Ngoại ngữ nói riêng những năm gần đây, nhất là của những quốc gia phát triển; thực tiễn xã hội, giáo dục, điều kiện kinh tế và truyền thống văn hoá Việt Nam, chú ý đến sự đa dạng của đối tượng học sinh xét về phương diện vùng miền, điều kiện và khả năng học tập.
3. Chương trình được biên soạn theo đường hướng giao tiếp, đảm bảo hình thành và phát triển năng lực giao tiếp bằng tiếng Nga cho học sinh thông qua các hoạt động giao tiếp: nghe, nói, đọc, viết. Kiến thức về ngôn ngữ (từ vựng, ngữ pháp, ngữ âm, chính tả), văn hoá và xã hội là phương tiện để hình thành và phát triển các kĩ năng giao tiếp.
4. Chương trình được thiết kế theo cách tiếp cận chuẩn đầu ra thể hiện qua việc chỉ quy định các yêu cầu cần đạt về năng lực giao tiếp (nghe, nói, đọc, viết) cho mỗi bậc học và mỗi năm học, đảm bảo tính liên thông và tiếp nối giữa Bậc 1 và Bậc 2, giữa các cấp học, năm học trong từng bậc của môn Tiếng Nga; đảm bảo tích hợp giữa các chủ điểm và chủ đề, tích hợp 4 kĩ năng giao tiếp, tích hợp giữa ngoại ngữ 1 và ngoại ngữ 2, tích hợp với nội dung có liên quan của các môn học khác trong chương trình Giáo dục phổ thông. Chương trình được cấu trúc xoay quanh hệ thống chủ điểm và chủ đề. Một chủ điểm bao gồm nhiều chủ đề. Các chủ điểm và chủ đề có mối liên quan chặt chẽ với nhau, phù hợp với đặc điểm lứa tuổi và môi trường sinh hoạt, học tập của học sinh. Hệ thống chủ điểm và chủ đề được lặp lại, mở rộng và phát triển theo từng cấp, từng năm học. Sau khi học xong Chương trình, học sinh đạt trình độ tiếng Nga Bậc 2 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.
5. Chương trình đảm bảo tính linh hoạt, mềm dẻo nhằm đáp ứng nhu cầu  phù hợp với từng điều kiện dạy học tiếng Nga của các vùng miền, địa phương, không quy định bắt buộc mà chỉ đưa ra định hướng nội dung dạy học cụ thể, một mặt để chương trình mở, mềm dẻo và linh hoạt, mặt khác để tạo điều kiện cho tác giả sách giáo khoa và giáo viên phát huy tính chủ động, sáng tạo trong thực hiện chương trình.


III. MỤC TIÊU CHƯƠNG TRÌNH
1. Mục tiêu chung
Chương trình cung cấp cho học sinh kiến thức, kĩ năng giao tiếp cơ bản, giúp học sinh bước đầu có khả năng giao tiếp bằng tiếng Nga một cách tương đối độc lập trong những tình huống cơ bản của cuộc sống thường nhật, tạo hứng thú và hình thành thói quen học tập ngoại ngữ suốt đời.
2. Mục tiêu cụ thể
Giai đoạn 1
Sau khi kết thúc giai đoạn 1, học sinh cần đạt được trình độ tiếng Nga Bậc 1 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, cụ thể:
– Giao tiếp đơn giản bằng tiếng Nga về các chủ điểm gần gũi, quen thuộc thông qua các hoạt động nghe, nói, đọc, viết;
– Có kiến thức nhập môn về tiếng Nga, bao gồm ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp; có những hiểu biết ban đầu về đất nước, con người và nền văn hoá Nga;
– Hứng thú với việc học tiếng Nga;
– Bước đầu hình thành phương pháp học tiếng Nga có hiệu quả.

Trình độ tiếng Nga Bậc 1 được phân thành 3 bậc nhỏ, tương đương với 3 năm học:
– Bậc 1.1: Năm học thứ 1
– Bậc 1.2: Năm học thứ 2
– Bậc 1.3: Năm học thứ 3
Giai đoạn 2
Sau khi kết thúc Giai đoạn 2, học sinh cần đạt được trình độ tiếng Nga Bậc 2 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, cụ thể:
– Giao tiếp với cấp độ ngôn ngữ cao hơn về các chủ điểm gần gũi, quen thuộc; biểu đạt được những suy nghĩ của bản thân; nắm được kĩ năng trình bày, diễn giải vấn đề bằng tiếng Nga;
– Có kiến thức sơ cấp về tiếng Nga, bao gồm ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp; mở rộng hiểu biết về đất nước, con người và nền văn hoá Nga;

– Tích cực, chủ động học tập, tìm hiểu ngôn ngữ và văn hoá Nga; thông qua đó nhận biết sự tương đồng và khác biệt giữa nền văn hoá Nga và Việt Nam;
– Hình thành và sử dụng các phương pháp học tập khác nhau để phát triển năng lực giao tiếp và tích luỹ kiến thức ngôn ngữ, văn hoá Nga trong và ngoài lớp học.

Trình độ tiếng Nga Bậc 2 được phân thành 4 bậc nhỏ, tương đương với 4 năm học:
– Bậc 2.1: Năm học thứ 4
– Bậc 2.2: Năm học thứ 5
– Bậc 2.3: Năm học thứ 6
– Bậc 2.4: Năm học thứ 7

Xem chi tiết chương trình TẠI ĐÂY.

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận