Phân tích hình ảnh ông đồ trong bài thơ cùng tên của nhà thơ Vũ Đình Liên.

Đang tải...

ĐỀ BÀI

Phân tích hình ảnh ông đồ trong bài thơ cùng tên của nhà thơ Vũ Đình Liên.

Bài làm

“Trong làng Thơ mới, Vũ Đình Liên là một người cũ. Từ khi phong trào Thơ mới ra đời ta đã thấy có thơ Vũ Đình Liên trên các báo. Người cũng ca tình yêu như hầu hết mọi nhà thơ hồi bấy giờ. Nhưng hai nguồn thi cảm chính của người là lòng thương người và tình hoài cổ,… Có một lần hai nguồn cảm hứng ấy đã gặp nhau và đã để lại cho chúng ta một bài thơ kiệt tác : Ông Đồ (Thi nhân Việt Nam – Hoài Thanh). Ông đồ chính là nén hương nghĩa cử mà nhà thơ thành tâm viếng tặng những lớp người của buổi nho học suy tàn.

Vũ Đình Liên sáng tác bài thơ vào lúc văn hoá Pháp ồ ạt tràn vào nước ta. Đó là thời cái cảnh suy tàn, thương tâm của nho học lúc mạt vận có thể làm người ta động lòng, luyến tiếc nhớ về một thời đã đi vào dĩ vãng. Xã hội Việt Nam lúc bấy giờ đang bị cuốn trôi bởi văn minh Tây học mới mẻ, giàu tính thực dụng. Buổi giao thời đón nhận cái mới, người ta háo hức đón nhận một nền văn minh mới mà quên đi những nét đẹp truyền thống, quay lưng lại với những giá trị cũ. Ông đồ của Vũ Đình Liên là một bài thơ bình dị mà đầy cảm động. Đi dọc bài thơ, hình ảnh ông đồ hiện lên cứ nhạt nhoà dần theo năm tháng, theo sự đổi thay của thời- cuộc, rồi mất hút trong niềm băn khoãn của tác giả. Nó làm người đọc phải nghĩ suy, trăn trở.

Hai khổ thơ đầu tiên, ông đồ xuất hiện như một kỉ niệm đẹp của nét văn hoá cổ truyền trong những ngày Tết đến xuân về :

Mỗi năm hoa đào nở

Lại thấy ông đồ già

Bày mực tàu giấy đỏ

Bên phô’đông người qua.

Bao nhiêu người thuê viết Tấm tắc ngợi khen tài “Hoa tay thảo những nét Như phượng múa rồng bay”.

Ông đồ xuất hiện khi hoa đào nở, báo hiệu một năm mới đã về. “Mỗi năm… lại thấy”, cấu trúc câu như vậy cho ta thấy điều đó như môt quy luật, đã thành nếp. Tết đến, xuân về, ông đồ xuất hiện với mực tàu, giấy đỏ – những công cụ nghề nghiệp không thể thiếu được cho nghệ thuật viết thư pháp, cho chữ của ông vào những ngày Tết. Dường như, giữa phố đông người, ồn ào tấp nập vào những ngày đó, thiếu vắng bóng dáng ông đồ là thiếu đi cả không khí đặc biệt, trang trọng của ngày lễ linh thiêng này. Màu mực tàu, giấy đỏ của ông bên hè phố đông người như dấy lên cái không khí ấm cúng của những ngày Tết, mang lại nét hương vị cổ truyền độc đáo của dân tộc.

Ông đồ xuất hiện là tâm điểm của mọi sự chú ý. Mọi người thuê ông viết chữ, họ ngợi khen tài năng của ông : “Hoa tay thảo những nét – Như phượng múa rồng bay”. Chỉ với hai câu thơ thôi, nhà thơ đã bộc lộ rõ tài năng viết chữ của ông. Những nét chữ tinh tế, tài hoa, điêu luyện trong nghệ thuật viết thư pháp. Bốn câu thơ của khổ thơ thứ hai, ta thấy ông đồ được mọi người quý trọng bởi tài nãng tuyệt vời. Hai khổ thơ đầu nhà thơ tạc lên hình ảnh ông đồ trong những năm nho học còn thịnh hành. Chơi chữ ngày Tết còn là thú chơi tao nhã và phổ biến của nhân dân ta. Đấy là dấu hiệu của vẻ đẹp văn hoá một thời, là sự tôn vinh giá trị văn hoá cổ truyền.

Nhung dường như, tất cả chỉ là sự kể lại, miêu tả những điều đã xảy ra trong quá khứ của dân tộc. Bởi ngay khổ thơ kế tiếp, đã là sự thay đổi đến chóng mặt. Thời gian lặp lại mà cuộc đời không hề lặp lại:

Nhưng mỗi năm mỗi vắng

Người thuê viết nay đâu ?

Giấy đỏ buồn không thắm ;

Mực đọng trong nghiên sầu….

Câu thơ đầu tiên của khổ thơ thứ ba này như một chiếc bản lề xoay đổi thời thế. “Nhưng mỗi năm mỗi vắng” chỉ một câu thơ đơn giản thôi vậy mà trong nó có biết bao biến cố, sự kiện đã xảy ra và có những cái đã ra đi không bao giờ trở lại nữa. Từ “nhưng” đứng đầu, xác định một cách chắc nịch cuộc đời và thời thế đã thay đổi. Tất cả không còn như hai khổ thơ đầu tiên. Hai từ “mỗi” lặp lại trong một câu thơ năm chữ như không chỉ gõ nhịp cho bước suy tàn của thời gian mà còn gợi được cả cái không gian như vắng lặng, cô tịch. Câu hỏi vô định “Người thuê viết nay đâu ?” như một sự bất ngờ đến đau lòng của tác giả. Còn người thuê viết không đơn giản chỉ là còn trên đời một nghệ thuật viết chữ, được coi là nét đẹp truyền thống của dân tộc mà nó còn là câu chuyện tri âm, lòng ngưỡng mộ nhân tài. Hai câu thơ tiếp theo là biểu hiện sâu sắc nhất cho một câu chuyện đang bị người ta đẩy vào quên lãng, ghẻ lạnh :

Giấy đỏ buồn không thắm ;

Mực đọng trong nghiên sầu…

Hai câu thơ khiến người đọc lặng người. Động từ cảm giác “buồn” và “đọng” trong hai câu thơ này là những động từ chỉ trạng thái tĩnh lặng, không còn sức sống. “Giấy đỏ” và “nghiên mực” là những công cụ để ông đồ thể hiện nghệ thuật thư pháp của mình vào những ngày Tết. Nhưng khi còn duyên thì giấy thắm, mực đượm, hết duyên giấy mực đều tàn phai. Tâm trạng của con người đã lây lan sang mọi vật. Một chữ “buồn” đứng giữa câu thơ nó như kéo cả bài thơ xuống một tâm trạng không thể cất lên được. Các từ ngữ : vắng, buồn, đọng, không thắm, sầu khắc hoạ rất rõ sự tàn lụi, buồn bã của sự sống. Dấu ba chấm cuối khổ thơ như một nốt nhạc trầm lắng. Ông đồ bị rơi vào quên lãng, vô tình bởi một thị hiếu đã chết, một phong tục bị bỏ quên, bởi sự vô cảm của người đời :

Ông đồ vẩn ngồi đấy,

Qua đường không ai hay,

Lá vàng rơi trên giấy ;

Ngoài trời mưa bụi bay.

Khổ thơ giàu chất tạo hình như tạc vào không gian hình ảnh của một con người dường như đã hoá đá, bất động trước mọi vật. Khổ thơ đầy sự đối lập. Đối lập giữa cái tĩnh và cái động : ông đồ – người qua đường, giấy – lá vàng rơi, mưa bụi bay. Tất cả chỉ làm tăng thêm cái dáng vẻ bất động của ông đồ. Từ khẳng định “vẫn” nói về một cái có nhưng thực chất đã không còn hồn vía nữa. Ông đồ vẫn ngồi đó, nhưng chỉ im lìm như một pho tượng bất động, hoá đá bị lãng quên, không còn một chút giao cảm đồng điệu với cuộc đời. “Qua đường không ai hay” nó đối lập hẳn với khung cảnh “Bao nhiêu người thuê viết” của những ngày xưa. Sự ghẻ lạnh, lãng quên của người đời biến sự sống thành cái chết. Cái chết về tâm hồn. Cái chết của sự tri âm, của tấm lòng đồng cảm. Ông đồ như một dấu tích dù đẹp nhưng sẵn sàng bị người ta lãng quên vì không còn hợp thời nữa. Tài hoa của ông đồ dù có nhưng đã lỡ một nhịp trong bước đi của thời đại. Ông sống mà như không tồn tại nữa : xa vắng, buồn bã, cô tịch giữa dòng đời tấp nập người qua lại. Bao nhiêu chua xót và đắng cay trong cái dáng ngồi bất động ấy ! Con người đã thế, thiên nhiên cũng như vô tình :

Lá vàng rơi trên giấy ;

Ngoài trời mưa bụi bay.

Cảnh vật xung quanh vẫn chảy trôi mặc nhiên, cảnh lá vàng rơi, mưa bụi bay không thể làm tâm hồn con người thoát ra khỏi những hệ luỵ của cuộc đời. Trang giấy không người nâng niu phủ lá vàng, con người như đang nhạt nhoà, đang chìm dần vào làn mưa bụi giá lạnh, vẫn phải sống, phải hiện diện vào những ngày Tết đến để kiếm miếng cơm hay để lưu giữ tro tàn của quá khứ thì ông đồ vẫn đáng thương biết bao trong thân phận của một con người mà xã hội dường như không còn nhớ đến. Đó là nỗi khổ của những người biết được, thấu được nỗi đau của chính bản thân mình.

Có cũng như không, ông đồ ngồi đó bao năm rồi và biến mất bao nhiêu năm cũng chẳng ai hay biết. Dòng đời cứ trôi chảy cuốn theo nó cả hình bóng của ông đồ già. Và hoa đào vẫn nở mỗi khi Tết đến xuân về. Nhưng năm nay, nhà thơ cũng như đám đông qua đường mới giật mình bởi một sự thiếu vắng :

Năm nay đào lại nở,

Không thấy ông đồ xưa.

Những người muôn năm cũ

Hồn ở đâu bây giờ ?

Thủ pháp trùng điệp với hình ảnh hoa đào lại trở về và ông đồ – hai hình ảnh hội tụ ánh sáng của bài thơ như nhấn mạnh thời gian của thiên nhiên, đất trời là không đổi, không thay nhưng thời gian của con người thì không thể là bất tử. Nó xoáy vào một nỗi đau, nỗi mất mát không thể có gì bù đắp. Từ việc thương xót, tiếc nuối cho ông đồ, nhà thơ đã nâng lên thành một lớp người, một thế hệ người trong xã hội. “Những người muôn năm cũ – Hồn ở đâu bây giờ ?”. Con người có thể chết, thân xác rồi sẽ tan thành cát bụi nhưng phần linh hồn vẫn còn tồn tại, còn lưu dấu đó đây trong vòng trời đất. Câu hỏi cuối bài thơ vang lên như một tiếng nấc nghẹn ngào, chua xót. Liệu hồn người xưa, những ồng đồ, những người của muôn năm trước đang ở đâu trong vòng trời đất bao la này ? Liệu họ còn nhớ đường về chốn cũ lối xưa mỗi khi Tết đến xuân về, trong sự tưởng nhớ của những kẻ hậu sinh trót lỗi vô tình ? Tất cả như một lời sám hối dù muộn màng với lóp người đang đi về cõi chết.

Ông đồ là một bài thơ giản dị nhưng chứa đầy sức nặng. Nói về sự có mặt rồi biến mất của ông đồ trên cõi đời, Vũ Đình Liên đã nói được cái bước thăng trầm của nền nho học nước nhà. Ân sau thân phận của một con người, một lớp người là những trầm tích của cả một nền văn hoá. Niềm hoài cổ với lòng cảm thương của nhà thơ khiến bài thơ như một nốt trầm Irong bản nhạc đượm buồn của Thơ mới.

Hình ảnh ông đồ trong bài thơ cùng tên của Vũ Đình Liên là nhân chứng đau thương, ám ảnh cho một nền văn hoá bị lãng quên của cuộc chuyển mình lịch sử. Bài thơ vẫn còn đó, vẫn ám ảnh khôn nguôi người đọc bao thế hệ…

HÀ THỊ KIM NGÂN

Lời nhận xét :

–     Kim Ngân đã biết đặt bài thơ vào hoàn cảnh văn hoá xã hội của nước ta lúc bấy giờ. Vì vậy, những phân tích của bạn có độ sâu sắc nhất định. Người viết biết cách khai thác triệt để giá trị biểu cảm của các ngôn từ : “Một chữ “buồn ” đứng giữa câu thơ nó như kéo cả bài thơ xuống một tâm trạng không thể cất lên được. Các từ ngữ : vắng, buồn, dọng, không thắm, sầu khắc hoạ rất vỗ sự tàn lụi, buồn bã của sự sống. Dấu ba chấm cuối khổ thơ như một-nốt nhạc trầm lắng’’.

–     Văn viết giàu cảm xúc, tạo ấn tượng với người đọc : “Sự ghẻ lạnh, lãng quên của người đời biến sự sống thành cái chết. Cái chết vê tâm hồn. Cái chết của sự tri âm, của tấm lòng đổng cảm. Ông đồ như một dấu tích dù đẹp nhưng sẵn sàng bị người ta lãng quên vì không còn hợp thời nữa. Tài hoa của ông đồ dù có nhưng đã lỡ một nhịp trong bước đi của thời đại

Xem thêm Phân tích tâm sự của nhân vật trữ tình trong bài thơ Cuội của thi sĩ Tản Đà tại đây

 

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận