You are on page 1of 7

HỆ THỐNG PHÂN PHỐI CỦA VIỆT NAM TRƯỚC CÁNH

CỬA WTO

1. Thực trạng hệ thống phân phối hiện nay ở Việt Nam


Dưới cái nhìn của các nhà quy hoạch, các nhà hoạch định chính sách và các nhà
kinh doanh chuyên nghiệp, hệ thống phân phối (HTPP) của Việt Nam hiện nay đang ở
dưới mức phát triển. Nhưng Việt Nam lại là thị trường đầy tiềm năng với xấp xỉ 84
triệu dân, trong đó trên một nửa dân số trẻ dưới 30 tuổi thích mua sắm, mức thu nhập
bình quân đầu người tăng mạnh từ 4 năm trở lại đây (trung bình 8%) và tỷ lệ tiêu dùng
chiếm hơn 70% GDP. Theo đánh giá của Bộ Thương mại, thị trường bán lẻ của Việt
Nam mỗi năm đạt doanh thu hơn 20 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng đạt 30%, với gần 85%
người dân thành thị khu vực phía Nam thường xuyên mua sắm tại các siêu thị - trung
tâm thương mại (ST - TTTM). Ngoài ra, Việt Nam được các chuyên gia đánh giá đứng
thứ 8 trong số 30 thị trường bán lẻ phát triển nhanh trên thế giới.
Với tiềm năng như vậy nhưng HTPP ở nước ta hiện nay về cơ bản là HTPP
truyền thống với kênh phân phối chính là chợ và các cửa hàng bán lẻ rải rác khắp các
địa phương, chiếm 90% doanh thu bán lẻ cả nước. Bên cạnh đó, một HTPP hiện đại
đang dần được phát triển với các ST - TTTM tại các vùng đô thị, chiếm khoảng 10%
doanh thu. Theo các chuyên gia, con số này sẽ nhanh chóng bị đảo ngược do nhu cầu
mua sắm văn minh, hiện đại ngày càng tăng cao (tốc độ tăng trưởng của HTPP hiện
đại luôn đạt bình quân trên 20%/năm trong mấy năm gần đây1).
Cơ cấu ngành dịch vụ phân phối Việt Nam còn lạc hậu, mang nặng tính tự phát,
phân tán; trên thị trường chưa xuất hiện những nhà phân phối bán buôn và tập đoàn
bán lẻ “nội” đủ mạnh trong quá trình cạnh tranh với các tập đoàn phân phối nước
ngoài. Đứng trước nguy cơ “bị tấn công” từ bên ngoài, các doanh nghiệp Việt Nam đã
tìm cách khắc phục những điểm yếu của mình, phát huy những thế mạnh để có thể trụ
vững và phát triển trong thời kỳ kinh tế toàn cầu hóa. Các nhà phân phối Việt Nam đã
phát huy sức mạnh bằng việc liên kết với nhau. Liên kết là chìa khoá giúp hạn chế
nguy cơ không giữ vững được vị thế của mình trên thị trường, giúp giải quyết những
hạn chế về vốn, địa điểm kinh doanh, nguồn hàng, nhân sự... Đi đầu trong sự liên kết
này là việc công ty Satra đã cùng Saigon Co.op xây dựng các siêu thị với tổng vốn đầu
tư tới 45-55 tỷ đồng/dự án. Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang phân
đoạn thị trường để phát triển HTPP của mình. Thực tế là mạng lưới cửa hàng khu phố,
tiệm tạp hoá tại nhà có mặt khắp hang cùng ngõ hẻm hiện nay chính là “thế mạnh” của
mạng lưới phân phối Việt Nam, song để có thể tồn tại trong sự cạnh tranh, các tiệm
hàng bán lẻ, sạp bán lẻ các chợ sẽ phải trải qua quá trình chuyển đổi theo hướng
chuyên nghiệp hơn, như chuyển đổi thành các cửa hàng chuyên nghiệp, nâng cao hiệu

1
quả kinh doanh, kết hợp với nhau thành chuỗi để mở rộng quy mô và tận dụng tính
kinh tế nhờ quy mô hay các hình thức hiện đại khác. Để thực hiện được điều này, các
doanh nghiệp Việt Nam đang tiến hành xác định và phân khúc thị trường. Phân khúc
đó chính là chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi với cơ sở hạ tầng không lớn lắm nhưng
hiện đại ở khâu phân phối hàng, dịch vụ và hậu mãi. Điển hình của việc phân đoạn thị
trường để phát triển có G7 Mart với kế hoạch trong năm 2006 là 500 cửa hàng bán lẻ
ra đời và đến năm 2010 thêm khoảng 5.000 cửa hàng các loại rải đều khắp cả nước,
tập trung triển khai 18 kho bán sỉ và 7 TTTM... Tổng vốn đầu tư giai đoạn đầu cho hệ
thống này lên đến 395 triệu USD; đầu năm 2007, G7 sẽ đưa vào hoạt động một loạt
các dịch vụ tiện ích lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam như thẻ tiện lợi, dịch vụ thanh
toán tiện lợi, bán hàng qua catalog dành cho khách hàng không có thời gian... Ngoài
ra, còn phải kể đến các nhà phân phối hiện đại khác của Việt Nam như Saigon Co.op
Mart, 24 seven, Day& Night...
2. Những điểm hạn chế của hệ thống phân phối của Việt Nam nói chung và của
các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực phân phối nói riêng
2.1. Những điểm hạn chế trong hệ thống phân phối của Việt Nam
Thực tế cho thấy HTPP hiện nay của Việt Nam vẫn còn nhiều điểm yếu kém so
với HTPP của các nước trong khu vực cũng như thế giới.
Trước hết, việc nhận dạng và hiểu biết về các loại hình kinh doanh hiện đại còn
rất hạn chế trong toàn xã hội, bao gồm cả các nhà quản lý, các doanh nghiệp và người
tiêu dùng. Vị trí của các TTTM, siêu thị… được đặt một cách tuỳ tiện ở tất cả các tỉnh,
thành phố. Các TTTM và siêu thị mới áp dụng phương thức bán hàng văn minh, hiện
đại hơn mà chưa xem xét đến nhiều yếu tố khác.
Thứ hai, việc hình thành và phát triển các loại hình kinh doanh ở Việt Nam thời
gian qua còn mang nặng tính tự phát, thiếu sự chỉ đạo, quản lý, điều hành của Nhà
nước bằng các thể chế và chính sách phù hợp nên không tránh khỏi tình trạng phát
triển tràn lan, kinh doanh chỉ tính đến lợi ích trước mắt, thiếu tính bền vững, thiếu hiệu
quả và chưa thực sự đảm bảo được văn minh và tính đồng bộ trong thương mại.
Thứ ba, công tác quản lý kinh doanh tại các TTTM, siêu thị và các chợ có tính
hiện đại đã bộc lộ nhiều yếu kém và hạn chế từ khâu tổ chức quản lý hoạt động cũng
như chiến lược phát triển hoạt động, chiến lược cạnh tranh và các yếu tố khác của quản
lý chưa được hoạch định một cách khoa học và phù hợp để đảm bảo sự tồn tại và phát
triển lâu dài của hệ thống kinh doanh hiện đại khi Việt Nam gia nhập WTO.
Thứ tư, hàng hoá và các loại hình kinh doanh dịch vụ trong hệ thống kinh doanh
hiện đại ở Việt Nam hiện nay vẫn chưa thực sự phong phú về chủng loại, chưa đáp
ứng được yêu cầu mua hàng và các dịch vụ thường nhật của người tiêu dùng, nhiều

2
loại hình kinh doanh hiện đại vẫn chưa đạt các tiêu chuẩn quốc tế về hàng hoá, về chất
lượng dịch vụ, giá cả hàng hoá còn ở mức cao, việc quản lý hàng hoá bằng các phương
tiện kỹ thuật hiện đại còn hạn chế...
Thứ năm, cơ sở hạ tầng và trang thiết bị trong HTPP còn yếu kém, bố trí và trưng
bày hàng hoá chưa thật sự khoa học và hấp dẫn, chưa đảm bảo được văn minh thương
mại - tiêu chuẩn quan trọng nhất của mô hình kinh doanh hiện đại.
Thứ sáu, nguồn nhân lực của HTPP hiện đại chưa được đào tạo một cách bài bản,
chưa nắm được những kiến thức căn bản về từng loại hình kinh doanh, chưa có kinh
nghiệm trong quản lý và cả trong lĩnh vực kinh doanh...
Thứ bảy, sự hỗ trợ và khuyến khích của Nhà nước đối với hoạt động kinh
doanh theo mô hình hiện đại thời gian qua còn chưa thoả đáng....
2.2. Những hạn chế của các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực phân
phối
Hiện nay, với tuổi đời non trẻ, các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh
vực phân phối còn nhiều điểm hạn chế cần phải khắc phục.
Thứ nhất, quá nhiều cấp trung gian trong lĩnh vực phân phối: Nhiều cấp trung
gian trong cùng một khâu bán buôn và bán lẻ với quy mô khác nhau. Cùng một sản
phẩm của một đơn vị sản xuất trên cùng khu vực địa lý có quá nhiều điểm bán thuộc
nhiều chủ thể quản lý khác nhau (của đại lý, của công ty sản xuất thành viên, của công
ty thương mại thành viên và của các nhà phân phối). Điều này có thể dẫn tới kết luận
rằng các hãng bán lẻ lớn đã không quan hệ đầy đủ với các công ty bán sỉ hoặc các nhà
sản xuất, làm tăng chi phí, giảm hiệu quả kinh doanh
Thứ hai, các nhà sản xuất chưa kiểm soát được giá sản phẩm do mình sản xuất:
Dù trực tiếp hay gián tiếp, dù mua đứt hay bán đoạn hay qua đại lý nhưng nhà sản xuất
không kiểm soát được các chi phí chủ yếu và giá bán ra qua các khâu và do đó giá bán
lẻ trên thị trường cũng không kiểm soát được.
Thứ ba, chưa tạo được sức mạnh về nghiên cứu thị trường, tập trung đầu mối
trong quá trình phân phối chung cho toàn hệ thống của từng nhà phân phối lớn trong
nước: Các nhà phân phối lớn có mạng lưới kinh doanh rộng (như Tổng công ty
Thương mại Sài Gòn, Tổng công ty Thương mại Hà Nội…) do không tổ chức và điều
hành được kênh phân phối thống nhất chung trong toàn doanh nghiệp nên đã để các
công ty thành viên (thậm chí các xí nghiệp, cửa hàng trực thuộc công ty thành viên) tự
phát tham gia vào các kênh phân phối khác nhau do các nhà sản xuất, nhập khẩu tổ
chứ, từ đó không tạo ra được sức mạnh chung của hệ thống trong việc nghiên cứu thị
trường, tập trung đơn đặt hàng. Hậu quả là không có tiếng nói quan trọng đối với các
nhà sản xuất.

3
Thứ tư, chưa xuất hiện các doanh nghiệp Việt Nam làm tốt chức năng bán buôn
với quy mô lớn, có khả năng nghiên cứu thị trường, đưa đơn đặt hàng cho nhà sản
xuất, tổ chức mạng lưới phân phối, tiêu thụ hàng hoá rộng khắp thông qua việc thiết
lập chuỗi, hoặc nhượng quyền thương mại,…do vậy chưa tạo được ảnh hưởng đến nhà
sản xuất và góp phần thay đổi cơ cấu sản xuất.
Thứ năm, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phân phối chưa quan tâm
đúng mức tới các hoạt động hậu cần của lĩnh vực phân phối. Đây là lĩnh vực còn rất
kém trong hàng loạt các hoạt động dịch vụ phân phối. Cơ sở hậu cần phân phối (cảng,
kho, vận chuyển, công nghệ thông tin,…) vừa ít, vừa yếu và thiếu đồng bộ, chưa đảm
bảo hỗ trợ và phục vụ tốt cho khâu bán buôn và bán lẻ.
Thứ sáu, các doanh nghiệp Việt Nam còn thiếu vốn, đặc biệt là thiếu tính chuyên
nghiệp. Kinh doanh bán lẻ hiện đại đòi hỏi nhà quản lý có những công cụ hỗ trợ để
đưa ra các quyết định. Công cụ hỗ trợ đó chính là những chuyên viên mua hàng,
những người trực tiếp điều đình với nhà cung cấp trên mọi phương diện, trong đó đặc
biệt chú ý đến qui chuẩn của ngành hàng; về giá cả, số lượng, màu sắc hàng hoá, kích
cỡ hàng hoá; tỷ lệ phần trăm cho tiếp thị quảng cáo, những điều khoản hỗ trợ bên mua
và những yêu cầu với nhà cung cấp... Tất cả được cập nhật, vi tính hoá, trình bày rõ
ràng, minh bạch để nhà cung cấp tham khảo.
Tóm lại, HTPP của Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp Việt Nam hoạt
động trong lĩnh vực phân phối nói riêng còn khá nhiều điểm hạn chế cần khắc phục để
có thể phát huy được thế mạnh, thắng lợi trong cạnh tranh, đặc biệt khi Việt Nam gia
nhập WTO.
Phát triển hệ thống phân phối của Việt Nam theo Đề án “Phát triển thương mại nội địa giai
đoạn 2006-2010 và định hướng đến 2020”

Theo Đề án “Phát triển thương mại nội địa giai đoạn 2006-2010 và định hướng đến 2020”,
HTPP của Việt Nam được phát triển theo hai trục chủ yếu sau:

1. Tạo ra các không gian kinh tế, không gian giao dịch mua bán hàng hoá và tổ chức các loại hình
TTTM, siêu thị, chợ, hệ thống hậu cần theo từng khu vực kinh tế, khu vực thị trường; gắn các loại
hình thuộc HTPP phù hợp với đô thị hạt nhân, với các vành đai công nghiệp và vành đai nông nghiệp
của cả nước.

2. Hình thành HTPP nhằm tạo được mối liên kết kinh tế chặt chẽ giữa sản xuất - lưu thông - tiêu
dùng, góp phần hoàn thiện các công đoạn trong quá trình lưu thông.

Thực hiện theo chủ trương của Đề án này, Bộ Thương mại đã và đang xây dựng hàng loạt các
chương trình phát triển HTPP của nước ta theo các hướng như sau:

4
- Khuyến khích sự liên kết giữa các nhà phân phối nước ngoài và các nhà sản xuất, phân phối trong
nước, nhằm tận dụng lợi thế về tài chính, năng lực của các nhà phân phối nước ngoài, đồng thời tăng
cường khả năng xuất khẩu hàng hoá Việt Nam theo kênh phân phối nước ngoài.

- Ưu tiên hỗ trợ từ 15-20 nhà phân phối hoạt động theo mô hình tập đoàn đa sở hữu, kinh doanh đa
ngành thuộc mọi thành phần kinh tế để phát triển thành nhà phân phối lớn, nắm giữ một số địa bàn,
ngành hàng trọng điểm và đóng vai trò dẫn đường cho phát triển thương mại nội địa cả nước; ưu tiên
hình thành hệ thống các tổng công ty kinh doanh chuyên ngành các mặt hàng quan trọng hoặc đặc thù
như xi măng, sắt thép và xăng dầu, nhằm tạo ra sức mạnh cạnh tranh của doanh nghiệp, đồng thời sử
dụng hiệu quả HTPP để điều tiết cung cầu và giá cả thị trường.

- Hoàn thành dự án quy hoạch hệ thống chợ, ST, TTTM, kho cảng xăng dầu, kho bán buôn... trên
phạm vi toàn quốc và đặc biệt trên 3 thị trường trọng điểm (Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng); gắn quy
hoạch chợ với quy hoạch phát triển các ST - TTTM, trung tâm phân phối... Sửa đổi, bổ sung cơ chế,
chính sách hiện hành về phát triển và quản lý chợ, ST, TTTM, nhất là các chính sách nhằm khuyến
khích các thành phần kinh tế bỏ vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thương mại trên địa bàn, đặc biệt
là vùng sâu, vùng xa.

- Khuyến khích doanh nghiệp sử dụng lợi nhuận để tái đầu tư, cải tạo, xây dựng mới hạ tầng thương
mại, đầu tư công nghệ để quản lý hệ thống phân phối theo chuỗi.

- Điều chỉnh và ban hành chính sách đối xử bình đẳng giữa doanh nghiệp đầu tư vào hạ tầng thương
mại và hoạt động trong lĩnh vực phân phối như các doanh nghiệp đầu tư vào các ngành sản xuất trọng
điểm.

- Hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc thuê chuyên gia nước ngoài tiến hành đào tạo, chuyển giao công
nghệ; cử cán bộ, nhân viên đi đào tạo ở nước ngoài về các ngành như chuyên viên mua hàng, quảng bá
thương hiệu, marketing…

3. Các chính sách ưu đãi phát triển hệ thống phân phối của Việt Nam
Trên cơ sở đổi mới tư duy, từ chỗ coi thương mại là một ngành phi sản xuất
thành một ngành có vai trò, vị trí hết sức quan trọng đối với sản xuất và phát triển kinh
tế - xã hội, các doanh nghiệp đầu tư vào HTPP cần được hưởng ưu đãi theo chính sách
khuyến khích đầu tư của Nhà nước giống như đối với một số ngành sản xuất. Bên cạnh
đó cần có những chính sách ưu đãi cụ thể như sau:
(1) Chính sách đất đai
Quy hoạch quỹ đất phát triển HTPP của ngành thương mại để dùng nó như là phần
vốn “mồi” từ ngân sách nhà nước để kích thích thu hút các nhà đầu tư: Thực hiện đấu
thầu chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo Quyết định số 22/2003/QĐ-BTC ngày
18/2/2003 để tạo nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng thương mại .

5
Do đặc thù của hoạt động thương mại nên quy mô và vị trí đất là rất quan trọng.
Cùng một vị trí đất với giá bán, thuê như nhau, nếu nhiều doanh nghiệp cùng có nhu
cầu thì cần ưu tiên giải quyết cho doanh nghiệp thương mại trong HTPP.
(2) Tăng tỷ lệ điều tiết các nguồn thu từ hoạt động thương mại của địa phương
Hàng năm, các tỉnh, thành phố chi 3-5% trong tổng chi ngân sách của địa phương
và được sử dụng 20% khoản thu vượt kế hoạch của toàn bộ các ngành kinh tế trên địa
bàn do địa phương thu, để đầu tư cơ sở hạ tầng và xúc tiến quảng bá cho ngành thương
mại .
(3) Huy động vốn đầu tư của các doanh nghiệp và các tổ chức khác
Tạo điều kiện, cung cấp thông tin để các doanh nghiệp đầu tư vào các cơ sở kinh
doanh HTPP... theo quy hoạch phát triển thương mại; các doanh nghiệp, tổ chức, cá
nhân đầu tư toàn bộ hay tham gia đầu tư, hình thành các cơ sở đào tạo chuyên môn
nghiệp vụ về hoạt động thương mại cho HTPP, du lịch dân lập, bán công… phù hợp
với xu hướng xã hội hoá đào tạo của ngành thương mại.
(4) Chính sách tài chính - tín dụng
Các doanh nghiệp thương mại có dự án xây dựng hạ tầng được quyền tiếp cận các
nguồn vốn bình đẳng như những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh khác.
Hỗ trợ đầu tư từ ngân sách để xây dựng cơ sở hạ tầng thương mại các công trình có
tính trọng điểm của từng tỉnh: tạo điều kiện để thực hiện chủ trương khuyến khích thu
hút đầu tư qua việc sử dụng quỹ đất để phát triển cơ sở hạ tầng cho HTPP. Tạo cơ chế
cho địa phương huy động các nguồn vốn khác để đầu tư cho thương mại .
Áp dụng chế độ tín dụng đầu tư nhà nước để hỗ trợ đối với một số lĩnh vực và địa
bàn thuộc diện chính sách và khuyến khích thu hút đầu tư.
(5) Chính sách thuế
Bổ sung, sửa đổi biểu thuế đối với trang thiết bị phục vụ kinh doanh tại các trung
tâm phân phối, trung tâm dịch vụ hậu cần; giá điện, nước phù hợp để khuyến khích
hoạt động kinh doanh, tăng cường khả năng cạnh tranh của các hoạt động thương mại.
Riêng với trang thiết bị phục vụ cho quá trình kinh doanh (thang cuốn, hệ thống lạnh,
quầy, kệ trưng bày hàng, máy tính tiền, xe nâng hàng, các thiết bị an ninh,…) được
miễn thuế như nhà đầu tư nước ngoài cùng lĩnh vực hoặc như các doanh nghiệp sản
xuất có dự án thuộc diện khuyến khích đầu tư.
Áp dụng thuế suất nhập khẩu đối với các trang thiết bị vận chuyển (trong nước
chưa sản xuất được) như với thuế suất ưu đãi giảm thuế nhập khẩu tư liệu để sản xuất
hàng xuất khẩu.

6
Áp dụng thuế suất nhập khẩu đối với trang thiết bị lắp đặt tại các TTTM, siêu thị,
hội chợ triển lãm, các trung tâm kho vận… với mức thuế ưu đãi đối với dây chuyền
sản xuất hàng hoá với những mặt hàng cần ưu tiên sản xuất.
Đối với thuế thu nhập, cần được áp dụng miễn giảm theo luật các nhà đầu tư nước
ngoài, các doanh nghiệp sản xuất có dự án thuộc diện khuyến khích dầu tư.
(6) Chính sách phát triển nguồn nhân lực
Sử dụng đa dạng các nguồn vốn trong nước và ngoài nước để hỗ trợ cho công tác
đào tạo, phát triển nguồn nhân lực của các doanh nghiệp trong lĩnh vực phân phối. Có
chương trình hỗ trợ đội ngũ giáo viên và đổi mới giáo trình của một số trường đại học
kinh tế, trường cao đẳng, dạy nghề theo kịp với xu hướng của khu vực và thế giới
trong lĩnh vực phân phối để đáp ứng nhu cầu đổi mới chất lượng nguồn nhân lực về
lâu dài.
4. Kết luận
Trong lộ trình gia nhập WTO và xu thế tất yếu của một nền kinh tế năng động,
mở cửa để hội nhập và phát triển thì sự xuất hiện của nhiều tập đoàn nước ngoài đầu tư
vào lĩnh vực kinh doanh bán lẻ tại Việt Nam là điều không tránh khỏi. Gia nhập vào
sân chơi lớn là chúng ta phải chấp nhận luật chơi một cách sòng phẳng và bình đẳng.
Vì vậy, yếu tố quyết định sự sống còn của cả HTPP quốc gia là ý thức liên kết của các
doanh nghiệp và vai trò hỗ trợ của Nhà nước. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong
lĩnh vực phân phối khi triển khai kế hoạch của mình cần nắm được những định hướng
lớn về phát triển thị trường cũng như kế hoạch triển khai của các đối thủ, thận trọng và
chắc chắn tìm được những “ngách” của thị trường về kinh doanh, về thị hiếu, về thói
quen mua sắm... để từ đó tránh được nguy cơ mang tính tự phát như nhiều chuyên gia
đã chỉ ra. Cách đi bài bản từ Nhà nước đến sự quyết tâm và mạnh dạn của các doanh
nghiệp trong hoạt động phân phối là hướng đầu tư đúng để họ có thể trụ vững khi cánh
cửa WTO rộng mở tại thị trường Việt Nam.
-------------------
Hiện nay, HTPP của Việt Nam chủ yếu vẫn do hơn 9.000 khu chợ ngoài trời và khoảng 150.000 cửa
hàng bán lẻ, gần 200 ST - TTTM và 165 chợ đầu mối đảm nhiệm. Trong 9.063 chợ thì có 75% là chợ nông thôn,
chỉ có 25% chợ ở thành thị. Nhiều chợ đang xuống cấp, tiểu thương gặp khó khăn do áp lực cạnh tranh với siêu
thị ngày càng gia tăng. Các siêu thị quốc doanh hiện đại mới xuất hiện ở 30/64 tỉnh thành phố với quy mô chưa
lớn, trình độ quản lý, công nghệ thiết bị kỹ thuật và phương thức kinh doanh chưa theo chuẩn mực quốc tế.

TS TỪ THANH THỦY, Viện Nghiên cứu Thương mại


Tạp chí Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội, số 11/2006

You might also like