You are on page 1of 9

BÀI THI CUỐI KÌ

MÔN LỊCH SỬ NGOẠI GIAO VIỆT NAM

Sinh viên: Nguyễn Huy Hoàng


Lớp: QHQT48A1
Mã sinh viên: QHQT48A1-0924

Câu 1 (6 điểm): Trình bày và đánh giá về chính sách ngoại giao của triều
Nguyễn. Phân tích những bài học kinh nghiệm từ chính sách ngoại giao của
triều Nguyễn.

Vấn đề đối ngoại giữa các quốc gia luôn là một điểm nhấn then chốt trong tiến
trình của lịch sử. Bởi đường lối đối đối ngoại đúng đắn sẽ tạo tiền đề cơ sở để
củng cố, mở rộng quan hệ giữa các quốc gia. Vấn đề đối ngoại luôn được chú
trọng mà triều Nguyễn là một điển hình cần được xem xét khi nghiên cứu về
lịch sử Việt Nam.

Cuối thế kỉ 19, chủ nghĩa Tư bản chuyển dần sang giai đoạn Đế quốc chủ nghĩa.
Kinh tế phát triển mạnh, nhu cầu về nguyên liệu và thị trường ngày càng tăng,
từ đó các nước tư bản phương Tây đã xâm lược các khu vực giàu có để đáp ứng
nhu cầu của chính quốc. Trong lúc đó, chế độ phong kiến ở Châu Á đã suy yếu
và khủng hoảng, giai cấp cầm quyền không có khả năng tổ chức các cuộc đấu
tranh chống giặc ngoại xâm. Khi đó các nước Châu Á - trong đó có Việt Nam,
đã ra chính sách “bế quan toả cảng” từ chối thông thương với các nước Châu
Âu.

Nhà Nguyễn ra đời trong bối cảnh chế độ phong kiến đang bước vào thời kỳ
khủng hoảng, suy thoái. Đây là bối cảnh đặc biệt chưa từng có trong lịch sử Việt
Nam ở các thời kỳ trước. Chính vì vậy mà chính sách ngoại giao ở thời kì này
của triều Nguyễn cũng có những nét hết sức đặc biệt, có thể chia làm hai giai
đoạn chính: từ 1802 đến 1858 và từ 1858 đến 1884.

Trong giai đoạn từ 1802 - 1858, chính sách ngoại giao nhà Nguyễn chủ yếu hòa
hiếu với lân bang, nhún nhường với nước lớn và “bế quan tỏa cảng” với phương
Tây. Từ thời Gia Long, nhà Nguyễn đã thực hiện chính sách “bế quan toả cảng”,
không giao thương với các nước phương Tây. Điển hình như từ giữa năm 1803 -
1804, hai lần chính phủ Anh sang đưa thư và tặng quà nhưng vua Gia Long
không chấp nhận. Cuối 1817, một tàu của Pháp tới Đà Nẵng xin vào kính dâng
tặng phẩm, Gia Long không nhận, không để họ lên kinh đô Huế tiếp đãi. Mãi
đến giữa năm 1818, Gia Long chuẩn y cho các thương nhân nước ngoài, từ Ma
Cao và các nước phương Tây đến buôn ở Gia Định.

Đến thời vua Minh Mạng, triều đình vẫn giữ chính sách cũ, không giao thương
với phương Tây. Từ 1822 - 1832, nhiều lần các nước như Anh, Pháp, Mỹ sang
ngỏ ý thiết lập quan hệ ngoại giao nhưng triều đình đều khước từ. Đặc biệt năm
1825, một giáo sĩ người Pháp ở lại lén lút truyền đạo khiến ông ra chỉ dụ cấm
đạo. Từ đó về sau, vua Minh Mạng liên tục ra thêm 3 lần chỉ dụ cấm đạo, thể
hiện rõ quan điểm không giao hảo với phương Tây.

Chính sách ngoại giao với các nước phương Tây dần mềm mỏng hơn khi đến
1835, vua ra lệnh khi thấy tàu ngoại quốc ghe đậu bến nào thì phải đem thông
ngôn tới hỏi xem là tàu từ đâu, tàu chiến hay tàu buôn và phải báo ngay về triều.
Vua chỉ cho phép tàu buôn phương Tây vào đậu và buôn bán ở Đà Nẵng. Nhưng
đến năm 1836, nhà Nguyễn ra chỉ dụ cấm đạo lần thứ tư, nói rõ là bởi các giáo
sĩ nước ngoài phạm tội “do thám ngoại quốc”. Cũng bởi lẽ đó, năm 1847, hai
chiến hạm của Anh tới và muốn lên Huế đưa quốc thư nhưng triều đình không
cho phép. Mượn cớ nhà Nguyễn không chịu đích thân đem thư đáp trả, Pháp
chớp thời cơ ra tay. Ngày 15/04/1847, Pháp nổ súng bắn phá kịch liệt tàu của
nhà Nguyễn ở bến Đà Nẵng. Thiệu Trị được tin vô cùng tức giận, hạ lệnh cấm
người ngoại quốc vào giảng đạo và trị tội người theo đạo.

Cũng trong giai đoạn 1802 -1858, đối ngoại với phương Đông, nhà Nguyễn đặc
biệt hòa hiếu với lân bang, nhún nhường với nước lớn. Đối với Trung Quốc, các
thời vua ngoài tập trung triều cống, sách phong còn chú trọng trao đổi văn thơ
bang giao, thương mại. Năm 1802, nhà Nguyễn xin đổi quốc hiệu thành Nam
Việt. Trong quốc thư gửi cho vua Thanh thông qua đoàn sứ bộ do Lê Quang
Định dẫn đầu sang Trung Quốc, Gia Long đã nêu rõ lý do vì sao xin đổi quốc
hiệu nước mình.

Ở giai đoạn này, liền sau 4 lần phái đoàn sứ bộ của Việt Nam sang cầu phong là
4 lần các đoàn sứ bộ của Trung Quốc mang sắc ấn của hoàng đế Thanh triều
sang làm lễ tuyên phong cho các vua Nguyễn (1804, 1822, 1842, 1849). Trừ đời
Thiệu Trị không có lần nào triều cống thì các đời vua Gia Long, Minh Mệnh, Tự
Đức đều diễn ra việc triều cống khá đều đặn. Đây là nghi thức truyền thống và
phổ biến xuyên suốt chiều dài lịch sử các thời đại vua của Việt Nam.

Bên cạnh việc triều cống theo lệ, các vua Nguyễn giai đoạn này cũng tiếp tục
thực hiện việc lễ sính. Dưới thời Gia Long, Minh Mệnh đều 3 lần cử sứ sang lễ
sính với triều đình nhà Thanh, thời Thiệu Trị có 2 lần, 10 năm đầu thời Tự Đức
có 2 lần. Bản thân Thanh triều cũng thường có tặng phẩm ban thưởng trở lại cho
sứ bộ Việt Nam khi sang triều cống, lễ sính. Quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam
và Trung Quốc thời bấy giờ vô cùng tốt đẹp, hoà hảo.

Thực tế cho thấy, cống vật, lễ sính trong quan hệ giữa hai nước nửa đầu thế kỷ
XIX còn mang mục đích thương mại chứ không đơn thuần là những vật mang
tính chất lễ nghi tượng trưng. Đáp lại, phía Trung Quốc bao giờ cũng có tặng
phẩm ban thưởng trở lại cho sứ đoàn Việt Nam khi họ đến triều cống. Không
chỉ có nhiệm vụ tiến cống vật phẩm cho hoàng đế Trung Hoa, các sứ đoàn Việt
Nam trong nhiều trường hợp đi sứ sang triều cống, tạ ơn, cáo thụ, chúc mừng,…
hay kiêm thêm nhiệm vụ mua sắm hàng hóa cho triều đình. Bên cạnh đó, trong
suốt nửa đầu thế kỷ XIX, lịch sử còn được chứng kiến 4 chuyến đi của các sứ
bộ vì mục đích thương mại thuần túy.

Cùng với đó là hoạt động giao thương giữa hai quốc gia diễn ra vô cùng mạnh
mẽ, tiêu biểu là giao thương trên bộ và trên biển. Dưới thời Nguyễn, hoạt động
buôn bán biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc trở nên khá sầm uất. Trong số
đó, hai cửa khẩu Đồng Đăng (Lạng Sơn) và Móng Cái (Quảng Ninh) đã trở
thành các trọng điểm tập kết hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai nước. Triều
Nguyễn dưới thời Minh Mệnh đã ban hành những quy định cụ thể về thuế
thuyền buôn Trung Hoa vào Việt Nam tính theo kích cỡ hay thuế từng loại hàng
hóa trao đổi, mua bán giữa hai bên. Đặc biệt, để đảm bảo lương thực tiêu dùng
trong nước khi mà nền nông nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, triều Nguyễn đã
hạ lệnh cấm buôn gạo cho người nước ngoài. Chính sách này cũng được áp
dụng với thương nhân Trung Hoa lúc bấy giờ.

Cũng như buôn bán trên bộ, trong mậu dịch đường biển, triều Nguyễn cũng
dành nhiều ưu ái đặc biệt cho các thương thuyền người Hoa, thể hiện trong chế
độ thuế khóa, tự do buôn bán ở các cảng…Vì thế, trong nửa đầu thế kỷ XIX, số
lượng thuyền buôn Trung Quốc đến các cảng biển Việt Nam buôn bán ngày
càng nhiều. Tuy nhiên, lúc bấy giờ, do hai bên đều nắm độc quyền ngoại thương
nên bên cạnh những mặt hàng có thể xuất nhập cảng, triều Nguyễn và triều
Thanh cũng quy định một số mặt hàng cấm buôn bán với bên ngoài.

Trong giai đoạn 1802 – 1858, dù có những va chạm về vấn đề biên giới giữa hai
nước Việt - Trung, song nhìn chung những va chạm ấy chưa dẫn đến chiến
tranh. Hơn nữa, trong giai đoạn này, nhà Nguyễn đã có nhiều phương cách hành
xử chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, thể hiện quyết tâm cao trong
việc bảo vệ bằng mọi giá lãnh hải của đất nước. Điều này một lần nữa khẳng
định tính độc lập về thực chất của nhà Nguyễn trong quan hệ ngoại giao với
Trung Quốc thời bấy giờ.

Không chỉ ngoại giao với Trung Quốc, nhà Nguyễn cũng giữ hoà hảo với các
nước láng giềng khác như Chân Lạp, vương quốc Lào,... Tiêu biểu có thể kể đến
hoạt động cuối 1822, vua Chân Lạp cho người sang Gia Định đề nghị Nhà
Nguyễn cùng Chân Lạp đào sông Vĩnh Tế ở vùng biên giới hai nước, vua Minh
Mạng nhận hiệp lực đào sông; đến năm 1824 sông đào xong hẳn, một bia đá
được dựng để ghi lại công trình hợp tác giữa hai nước. Năm 1847, vua Thiệu Trị
phong Nặc Ông Đôn làm vua Cao Miên và hạ lệnh cho quân ở Trấn Tây Thành
rút về nước. Đối với vương quốc Lào, hai bên chú trọng triều cống, phía Lào
luôn muốn dựa vào triều Nguyễn để bảo vệ lãnh thổ.

Tiếp theo đó, trong giai đoạn 1858-1884, chính sách ngoại giao nhà Nguyễn tập
trung chủ yếu đối với phương Tây, mà cụ thể là Pháp, đặc biệt dưới thời vua Tự
Đức. Nội dung ngoại giao chủ yếu thời kỳ này là cắt đất cầu hoà, với bốn hiệp
ước lớn: Hiệp ước Nhâm Tuất (1862), Hiệp ước Giáp Tuất (1874), Hiệp ước
Quý Mùi (1883) và Hiệp ước Pa-tơ-nốt (1884).

Ngày 01/09/1858, Liên quân Pháp - Tây Ban Nha nổ súng xâm lược Việt Nam
tại bán đảo Sơn Trà chấm dứt thời kỳ ngoại giao hoà hảo giữa hai nước. Sau khi
chiếm được ba tỉnh miền đông Nam kỳ, triều đình Huế cử sứ bộ vào Gia Định
để ký hoà ước với Pháp. Cuối cùng ta chính thức ký Hiệp ước Nhâm Tuất
(5/6/1862) với 12 điều khoản. Triều đình nhà Nguyễn thừa nhận quyền cai quản
của Pháp ở ba tỉnh miền Đông Nam Kì (Gia Định, Định Tường, Biên Hòa) và
đảo Côn Lôn; mở ba cửa biển (Đà Nẵng, Ba Lạt, Quảng Yên) cho Pháp vào
buôn bán; cho phép người Pháp và Tây Ban Nha tự do truyền đạo Gia Tô, bãi
bỏ lệnh cấm đạo trước đây. Sau này, từ năm 1863 - 1865, Phan Thanh Giản thực
hiện “Hành trình đi Tây” nhằm chuộc lại 3 tỉnh miền đông Nam Kỳ nhưng
không thành.

Đến 15/03/1874 triều đình Huế đã kí với Pháp bản hiệp ước Giáp Tuất với 22
điều khoản. Nội dung cơ bản tập trung vào việc Pháp sẽ rút khỏi Hà Nội và các
tỉnh đồng bằng Bắc Kì, nhưng triều Đình Huế cũng phải chính thức thừa nhận
chủ quyền của Pháp ở sáu tỉnh Nam Kỳ, cam kết mở cửa Thị Nại, Ninh Hải,
tỉnh lị Hà Nội và sông Hồng cho Pháp vào buôn bán. Ở những nơi đó, Pháp có
quyền mở mang công nghệ, xây dựng kho tàng, thuê mướn nhân công, đặt lãnh
sự có quân lính bảo vệ. Nền ngoại giao của An Nam cũng lệ thuộc vào đường
lối ngoại giao của nước Pháp. Với hiệp ước này chủ quyền ngoại giao của Việt
Nam hoàn toàn rơi vào tay Pháp.

Sau khi thành Hà Nội thất thủ năm 1882, sứ bộ Việt Nam sang cầu cứu nhà
Thanh. Quân Thanh kéo quân vào Việt Nam đánh nhau với Pháp. Điều đó đã
khiến Pháp từ Gia Định kéo quân ra Bắc với lý do triều đình Huế vi phạm điều
khoản trong hiệp ước năm 1874 nhưng vẫn cấm đạo, không đảm bảo cho tàu
thuyền Pháp buôn bán, vẫn tiếp tục ngoại giao với Trung Quốc. Lợi dụng tình
thế rối ren sau khi vua tự Đức qua đời, Pháp tấn công vào Thuận An, buộc triều
đình Huế phải thừa nhận sự bảo hộ. Hiệp ước 1883 đã xác lập nền bảo hộ lâu
dài của Pháp trên toàn bộ lãnh thổ nước ta. Cuối cùng, Triều đình Huế chính
thức thừa nhận sự bảo hộ của nước Pháp, mọi công việc kinh tế, chính trị, ngoại
giao của Việt Nam đều do Pháp nắm.

Trên cơ sở của hiệp ước Quý Mùi (1883), Việt Nam chính thức trở thành thuộc
địa của Pháp, chịu sự điều khiển giám sát của thực dân Pháp. Triều đình đem ấn
phong nhà Thanh ban cho Gia Long đi thiêu chấm dứt quan hệ ngoại giao với
nhà Thanh. Pháp không cho ta có mối quan hệ ngoại giao với các nước. Mọi
quyền ngoại giao đều nằm trong tay Pháp. Triều đình Huế chính thức mất hết
quyền ngoại giao đồng thời cũng đặt dấu chấm hết cho nền ngoại giao phong
kiến.

Để đánh giá về ngoại giao nhà Nguyễn, ta nhận thấy cả hai mặt tích cực và tiêu
cực. Vào giai đoạn đầu khi nhà Nguyễn mới thành lập, nhà Nguyễn đã thi hành
chính sách mở cửa, hoà hiếu trong quan hệ với các nước. Việc thi hành chính
sách đóng cửa khi nhìn thấy âm mưu xâm lược của phương Tây. Chính sách “bế
quan toả cảng” lúc bấy giờ là xu thế tất yếu chung của các nước châu Á chứ
không chỉ riêng Việt Nam. Tuy nhiên, việc thi hành chính sách bế quan toả
cảng, khước từ quan hệ với Tây phương, thần phục nhà Thanh và bắt các nước
láng giềng thuần phục vô hình dung đã làm cho quan hệ Việt Nam với các nước
láng giềng trở nên căng thẳng. Hơn nữa việc nhà Nguyễn thi hành chính sách
cấm đạo giết giáo sĩ đã tạo cơ sở cho thực dân Pháp lấy cớ xâm lược nước ta.
Bởi lẽ đó, nhà Nguyễn có thể thực hiện các biện pháp mềm dẻo hơn, và đặc biệt
nhà Nguyễn cần chú trọng xây dựng tiềm lực đất nước thông qua các cuộc cải
cách.

Về việc nhà Nguyễn cắt đất cầu hoà, lần lượt ký các hiệp ước đầu hàng thực dân
Pháp cũng có hai mặt. Xét về góc độ nhìn nhận về phía nhà Nguyễn, nhà
Nguyễn vì bảo vệ quyền lợi dòng họ của mình nên đã ký các hiệp ước. Với tiềm
lực quốc gia còn yếu, không đủ sức đương đầu với Pháp, việc ký hiệp ước với
mong muốn có thể bảo vệ độc lập bằng cách thương lượng là hoàn toàn hợp lý.
Tuy nhiên, xét về quyền lợi dân tộc, với tư cách là người điều hành đất nước,
Nhà Nguyễn đã từng bước dâng Việt Nam cho Pháp, để cuối cùng ta hoàn toàn
mất độc lập, bị xoá tên trên bản đồ thế giới.

Về bài học kinh nghiệm rút ra qua chính sách ngoại giao nhà Nguyễn, ta phải
biết mở rộng quan hệ ngoại giao theo hướng” đa phương hóa đa dạng hóa”. Hơn
nữa, cũng cần biết thực hiện chính sách ngoại giao “mềm dẻo về sách lược,
cứng rắn về nguyên tắc” để vừa mở rộng về quan hệ ngoại giao, vừa bảo vệ độc
lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Đặc biệt là trong thời đại hội nhập và phát
triển, Đảng và nhà nước cần tăng cường phát triển sức mạnh bên trong, tức là
chú trọng yếu tố nội lực; chủ động trong vấn đề ngoại giao, đặc biệt là chủ động
phán đoán tình hình của ta và phía còn lại là chủ động đấu tranh trên bàn đàm
phán. Và cuối cùng, cần chú trọng đẩy mạnh ngoại giao nhân dân, xây dựng
niềm tin trong dân chúng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.

Câu 2 (4 điểm): Trình bày quan điểm về nhận định của Phan Huy Chú và đưa
ra các dẫn chứng chứng minh: “Trong việc trị nước, hòa hiếu với láng giềng là
việc lớn” (Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, Bang giao chí)

Bàn về ngoại giao của Việt Nam, Phan Huy Chú có nhận định “Trong việc trị
nước, hòa hiếu với láng giềng là việc lớn” (Phan Huy Chú, Lịch triều hiến
chương loại chí, Bang giao chí). Có thể nói, đây là một nhận định hoàn toàn
đúng, là bản sắc và truyền thống ngoại giao của Việt Nam từ thuở dựng nước tới
nay.

Về địa lý, do nước ta có vị trí địa chính trị rất quan trọng ở Đông Nam Á: phía
Bắc giáp với đại cường quốc của thế giới - Trung Quốc, phía Tây và Tây Nam
giáp với Lào, Campuchia. Không chỉ vậy, Việt Nam đồng thời là cửa ngõ để đi
vào Đông Nam Á, thông ra Đông Á, tạo thế dễ dàng tiếp xúc với phương Tây.
Phía Đông Việt Nam là Biển Đông, một phần của Thái Bình Dương, là cái nôi
của nền kinh tế hàng hải và giao thương. Yếu tố địa lý này khiến cho Việt Nam
luôn phải tiếp xúc với nhiều quốc gia khác nhau với những ý đồ, lợi ích khác
nhau. Điều này tác động rất lớn đến chính sách ngoại giao của dân tộc ta trong
suốt chiều dài lịch sử, đòi hỏi Việt Nam luôn phải chú trọng việc giữ quan hệ
hoà hảo với các nước láng giềng.

Ngay từ thuở đầu dựng nước, khi bình minh của lịch sử dân tộc vừa ló rạng, để
bắt đầu đặt nền móng xây dựng một quốc gia độc lập, ông cha ta đã sớm ý thức
về mối quan hệ đối với các nước láng giềng. Từ năm thứ Năm đời Vua Nghiêu
ở Trung Quốc (năm 2353 trước Công Nguyên), sứ bộ nước ta đã được Vua
Hùng cử sang phương Bắc, nhiều lần thông dịch và tiếp xúc với các nước khác
và các dân tộc khác. Món quà do Vua Hùng nước ta tặng Vua Nghiêu là một con
rùa lớn có khắc chữ trên mai, trên đó ghi lại sự việc từ khi trời - đất mở mang,
con Rồng cháu Tiên ra đời, mang theo thông điệp về một đất nước phía Nam
thân thiện và trường tồn.

Xuyên suốt chiều dài lịch sử Việt Nam, tuy các triều đại đều có các chính sách
ngoại giao khác nhau, được thực thi đa dạng và phù hợp với từng thời kỳ, từng
bản sắc, từng thể chế. Song, tất cả đều chú trọng lợi ích quốc gia - dân tộc,
nhằm giữ vững độc lập, tự chủ, ngăn chặn từ sớm, từ xa họa xâm lăng, bảo vệ
chủ quyền lãnh thổ, xây dựng nền hòa bình dài lâu cho dân tộc. Bởi lẽ đó, chính
sách ngoại giao vừa luôn khẳng định độc lập, chủ quyền, vị thế của đất nước,
không để cho bên ngoài can thiệp vào công việc nội bộ, vừa giữ hòa khí với
nước láng giềng để đất nước được yên bình và phát triển ổn định.

Điển hình như khi đón tiếp sứ giả mang chiếu thư đến Kinh đô Hoa Lư, vua Lê
Đại Hành đã tổ chức đãi tiệc để cho sứ giả thấy sự chan hòa của nhà vua nước
Việt. Nhưng khi bị yêu cầu phải quỳ lạy tiếp chiếu, vua Lê Đại Hành đã kiên
quyết và khéo léo từ chối. Hay vào thời kỳ nhà Mạc, trong tình thế “ngàn cân
treo sợi tóc”, vua Mạc Đăng Dung đã chủ động thoái vị một cách mềm mỏng,
khéo léo để tránh việc nhà Minh đem quân sang xâm lược nước Đại Việt: “Bỏ
xưng tiếm hiệu (không xưng hoàng đế); xin theo lịch chính sóc (lịch của nhà
Minh); trả lại đất bốn động đã chiếm; xin nội thuộc xưng thần; xin hàng năm
ban lịch Đại Thống (lịch của nhà Minh) và bù đủ các lễ vật tiến cống hàng
năm”. Nhờ đó, quân thù không đặt chân đến đất nước, mà nhà Mạc vẫn xưng
hoàng đế, vẫn làm chủ nước Đại Việt.

Trước khi ra lệnh xuất quân ra Bắc, đại phá quân Thanh, Vua Quang Trung đã
suy tính trước: “Quân Thanh sau khi thua, tất lấy làm xấu hổ, quyết không
muốn hòa hiếu. Nhưng, hai nước đánh nhau, cũng không phải là phúc cho dân.
Nên nay, chỉ có người nào khéo về giấy tờ (giỏi thương lượng, đàm phán), mới
có thể ngăn được họa binh đao. Việc ấy, cần nhà ngươi (Ngô Thì Nhậm) chủ
trương lấy”. Sau khi đại phá quân Thanh, Quang Trung đã nhanh chóng cử sứ
giả sang phương Bắc để làm hòa, nói rõ rằng nước Nam chỉ bảo vệ bờ cõi của
mình, Tây Sơn “không lấn sang biên giới”. Đồng thời, khẳng định nếu nhà
Thanh động binh xâm lược lần nữa thì quân dân ta kiên quyết chống lại. Nhờ
thực hiện tốt các hoạt động đấu tranh ngoại giao, nhà Thanh phải công nhận nền
độc lập của nước Nam; trả lại 7 châu xứ Hưng Hóa đã chiếm trước đó; đồng
thời, tôn trọng chủ quyền và văn hóa nước Nam trong quan hệ hai nước.

Nhưng hoà hiếu cũng không có nghĩa là hoà mục, là nhún nhường. Hòa mục
bên trong, hòa hiếu bên ngoài là bản sắc của ngoại giao Việt Nam. Đặc biệt,
chính sách “trong xưng đế, ngoài xưng vương” là một trong những chính sách
mà các triều đại phong kiến nước ta đã vận dụng để xử lý quan hệ của đất nước
với nước láng giềng. Trần Hưng Đạo đã viết trong Binh thư yếu lược: “Hòa mục
là đạo rất hay trong việc trị nước hành binh. Hòa ở trong nước thì ít phải dùng
binh, hòa ở ngoài biên thì không sợ báo động”. “Ngoài xưng vương” là thể hiện
sự thân thiện và hòa hiếu với nước lớn phương Bắc, “trong xưng đế” là thể hiện
ý thức dân tộc, tinh thần độc lập, tự cường. Đó được coi là chiến lược ngoại
giao xuyên suốt của một nước Việt nhỏ, sát cạnh một nước phương Bắc lớn.

Qua những phân tích và dẫn chứng ở trên, ta càng nhận thấy rõ nét tầm quan
trọng của việc mềm mỏng và khéo léo trong quan hệ ngoại giao với các nước
láng giềng, phải luôn khoan hòa - linh hoạt, giữ vững hòa hiếu, trong cương có
nhu. Từ nhận định của Phan Huy Chú “Trong việc trị nước, hòa hiếu với láng
giềng là việc lớn”, bản sắc ngoại giao Việt Nam được thể hiện rõ nét: vận dụng
hết sức linh hoạt, hiệu quả các chính sách ngoại giao mềm dẻo, khôn khéo;
nhưng kiên quyết, khẳng định tư duy, trí tuệ, khí phách của một dân tộc không
chịu khuất phục, không chịu làm chư hầu, lệ thuộc, để giữ yên bờ cõi.

You might also like