You are on page 1of 9

MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG VỀ HOẠT ĐỘNG TRỢ GIÚP PHÁP LÝ CỦA LUẬT SƯ

ThS Nguyễn Thị Thu Hồng


Trịnh Tuấn Anh

1. Khái niệm trợ giúp pháp lý.

Về mặt luật thực định, Điều 3 Luật trợ giúp pháp lý 2006 quy định:”Trợ giúp pháp
lý (TGPL) là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý
bao gồm: người nghèo; người có công với cách mạng; người già cô đơn, người tàn tật và
trẻ em không nơi nương tựa; người dân tộc thiểu số thường trú ở vùng có điều kiện kinh
tế - xã hội đặc biệt khó khăn1 ., giúp người được trợ giúp pháp lý bảo vệ quyền, lợi ích
hợp pháp của mình, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp
luật; góp phần vào việc phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo vệ công lý, bảo đảm công bằng
xã hội, phòng ngừa, hạn chế tranh chấp và vi phạm pháp luật” . Việc thành lập tổ chức
trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo, người có công với cách mạng và các đối
tượng có hoàn cảnh đặc biệt khác ở Việt Nam xuất phát từ chủ trương xoá đói, giảm
nghèo, đền ơn đáp nghĩa, đảm bảo công bằng xã hội của Đảng và Nhà nước, thể hiện bản
chất của Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân. Tổ chức trợ
giúp pháp lý của Nhà nước ra đời đã tạo cơ chế cần thiết để người nghèo và người có
công với cách mạng có được điều kiện và hoàn cảnh tương tự như người khác trong tiếp
cận với các dịch vụ pháp lý, củng cố lòng tin của quần chúng nhân dân vào pháp luật và
góp phần thực hiện công bằng xã hội.
Về mặt học thuât, xung quanh khái niệm trợ giúp pháp lý, ở nước ta hiện tồn tại
nhiều quan điểm khác nhau.Quan điểm thứ nhất, hiểu khái niệm trợ giúp pháp lý theo
nghĩa rộng, đó là sự giúp đỡ miễn phí của nhà nước và xã hội cho người nghèo,đối tượng
chính sách và đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận dịch vụ pháp lý, tư vấn pháp luật, đại
diện, bào chữa nhằm bảo đảm cho một công dân bình đẳng trước pháp luật và thực hiện

1
Điều 10, Luật trợ giúp pháp lý 2006
công bằng xã hội2 . Quan điểm này được phát triển và hoàn thiện, theo đó trợ giúp pháp
lý được hiểu theo nghĩa rộng là việc thực hiện các dịch vụ pháp lý miễn phí của nhà nước
và xã hội cho người nghèo, người được hưởng chính sách ưu đãi và một số đối tượng
khác do pháp luật quy định thông qua hoạt động tư vấn pháp luật, đại diện, bào chữa,
kiến nghị giải quyết vụ việc và tham gia hòa giải, thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật
nhằm bảo đảm cho mọi công dân bình đẳng trong tiếp cận pháp luật, góp phần thực hiện
công bằng xã hội.
Quan điểm thứ hai hiểu trợ giúp pháp lý theo nghĩa hẹp đó là việc thực hiện các dịch
vụ pháp lý miễn phí của các tổ chức trợ giúp pháp lý cho người nghèo và người được
hưởng chính sách ưu đãi và một số đối tượng khác theo lĩnh vực, phạm vi trợ giúp do
pháp luật quy định. Ngoài ra cũng có quan điểm cho rằng trợ giúp pháp lý là việc giúp đỡ
pháp luật miễn phí cho người nghèo và đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi của nà
nước để họ có điều kiện tiếp cận và sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp
pháp của mình 3.
Tuy nhiên khi nghiên cứu các quy định của pháp luật Việt Nam, đặc biệt là các biện
pháp bảo đảm quyền tư pháp quyền con người, quyền công dân trong hệ thống pháp luật
và bản chất trợ giúp pháp lý đã cho thấy những hướng tiếp cận trên chưa mang tính bao
quát toàn diện và có cái nhìn rất hẹp về trợ giúp pháp lý. Những quan điểm này đều lấy
đối tượng người nghèo và đối tượng chính sách hoặc đối tượnghưởng,chính sách ưu đãi
của nhà nước làm nền tảng, làm trục để xây dựng khái niệm trợ giúp pháp lý, chưa thể
hiện bao quát các khía cạnh của khái niệm mà đặc biệt là khía cạnh trợ giúp, cũng như
chưa chỉ ra các tính chất cơ bản , điển hình của nó mà chỉ thể hiện khái niệm thông qua
các hình thức biểu hiện bên ngoài. Sở dĩ khái niệm trợ giúp pháp lý được hiểu như vậy
xuất phát từ quan điểm các nước trên thế giới chỉ quan tâm đến những yếu tố thể hiện
mang tính hình thức. Theo Từ điển Anh Việt của tác giả Lê Khả Kế, Nxb. Khoa học xã
hội, 1997 thì “Legal aid” được dịch là “Trợ cấp pháp lý”. Ngoài ra, trong một số tài liệu
2
Tạ Minh Lý (2008) ,Điều chỉnh pháp luật về trợ giúp pháp lý ở Việt Nam trong điều kiện đổi mới : luận án tiến sĩ
luật học; Người hướng dẫn khoa học: TS. Nguyễn Đình Lộc, PGS. TS. Thái Vĩnh, Hà Nội, tr 22.
3
Nguyễn Thị Hồng Kiên (2012), Hoàn thiện pháp luật về trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính
sách ở Việt Nam hiện nay : luận văn thạc sĩ luật học; Người hướng dẫn khoa học: PGS. TS. Nguyễn Minh Đoan,
Hà Nội,tr 21
khác dịch "Legal aid" là “hỗ trợ pháp luật”, “hỗ trợ pháp lý” hoặc “hỗ trợ tư pháp”...
được hiểu là kế hoạch bảo hộ tư pháp từ công quỹ cho những người không thể tự mình trả
nỗi. Ở các nước trên thế giới, hoạt động trợ giúp pháp lý cho người nghèo, người yếu thế
bắt đầu hình thành và phát triển cùng với sự ra đời và phát triển của Nhà nước tư sản và
được coi là chức năng xã hội của nhà nước, là một trong nhữmg tiêu chí bảo vệ quyền
con người của nhà nước pháp quyền.Tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý trên thế giới
rất phong phú và đa dạng, phụ thuộc vào điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của mỗi quốc
gia4. Vì vậy, chưa có quan niệm chung, thống nhất về trợ giúp pháp .Như vậy, nội hàm
của trợ giúp pháp lý được hiểu là việc giúp đỡ toàn bộ hoặc một phần chi phí dịch vụ liên
quan đến pháp luật cho những người không có điều kiện kinh tế từ nguồn ngân sách nhà
nước hoặc các nguồn khác. Như vậy họ đã tiếp cận dưới góc độ hẹp, đó là góc độ kinh tế
và góc độ nhân đạo, đặc biệt là lấy tính yếu thế của người nghèo và đối tượng dễ bị tổn
thương làm nền tảng cho hoạt động trợ giúp pháp lý

2. Khái niệm, đặc điểm, ý nghĩa hoạt động trợ giúp pháp lý của luật sư.
2.1. Khái niệm hoạt động trợ giúp pháp lý của luật sư.

Khái niệm "hoạt động trợ giúp pháp lý của luật sư" được hiểu tổng thể những công
việc, nhiệm vụ của luật sư thực hiện để người được TGPL tiếp cận và sử dụng dịch vụ
pháp lý miễn phí nhằm thỏa mãn nhu cầu nâng cao nhận thức pháp luật, bảo vệ quyền, lợi
ích hợp pháp của người nghèo, đối tượng chính sách, đồng thời góp phần bảo đảm việc
thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức và cá nhân tuân thủ đúng pháp luật. Hoạt
động trợ giúp pháp lý miễn phí của Luật sư xuất phát từ quy định nghĩa vụ của luật sư
quy định tại Điểm d khoản 2 Điều 21 Luật Luật sư 2006 (sửa đổi bổ sung 2012) .Trên
thực tiễn, hầu hết các luật sư đều tham gia vào hoạt động trợ giúp pháp lý, không chỉ bắt
nguồn từ nghĩa vụ luật định mà còn từ lương tâm và trách nhiệm nghề nghiệp. Điều 4
Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư quy định:”Trợ giúp pháp lý miễn phí là
lương tâm và trách nhiệm nghề nghiệp của luật sư. Luật sư có nghĩa vụ thực hiện trợ
4
Trần Huy Liệu (2010), Những mô hình trợ giúp pháp lý và bài học kinh nghiệm thực hiện trợ giúp pháp lý cho phụ
nữ, dẫn nguồn: http://www.hoilhpn.org.vn
giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo và các đối tượng khác theo quy định của pháp
luật, Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam bằng sự tận tâm, vô tư và trách nhiệm nghề
nghiệp như các vụ việc có nhận thù lao”. Để phù hợp với quy định Quy tắc Đạo đức và
Ứng xử nghề nghiệp luật, đồng thời tăng cường trách nhiệm của luật sư, luật sửa đổi bổ
sung một số điều luật luật sư 2012 khẳng định:”Luật sư có nghĩa vụ sau đây: a) Tuân
theo các nguyên tắc hành nghề luật sư; b) Nghiêm chỉnh chấp hành nội quy và các quy
định có liên quan trong quan hệ với các cơ quan tiến hành tố tụng; có thái độ hợp tác,
tôn trọng người tiến hành tố tụng mà luật sư tiếp xúc khi hành nghề;c) Tham gia tố tụng
đầy đủ, kịp thời trong các vụ án do cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu; d) Thực hiện trợ
giúp pháp lý; đ) Tham gia bồi dưỡng bắt buộc về chuyên môn, nghiệp vụ”.Bên cạnh luật
luật sư, để tạo điều kiện cho đội ngũ luật sư tham gia vào hoạt động trợ giúp pháp lý.
Luật trợ giúp pháp lý 2006 cũng quy định:” Nhà nước giữ vai trò nòng cốt trong việc
thực hiện, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý; khuyến khích, tạo điều kiện để Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, tổ chức hành nghề luật sư và Luật sư, cơ quan,
tổ chức, cá nhân khác tham gia thực hiện, đóng góp, hỗ trợ hoạt động trợ giúp pháp”.

2.2. Đặc điểm hoạt động trợ giúp pháp lý của luật sư ở Việt Nam
-Chủ thể thực hiện
Với tôn chỉ mục đích trợ giúp pháp lý miễn phí là lương tâm và trách nhiệm nghề
nghiệp của luật sư, trong những năm qua, các luật sư, trên cả nước đã tích cực tham gia
vào hoạt động trợ giúp pháp pháp lý mặc dù không nhận thù lao cho các đối tượng yếu
thế trong xã hội thông qua bốn hình thức như sau: thông qua Trung tâm TGPL nhà nước
với tư cách là cộng tác viên; cá nhân luật sư thực hiện TGPL thông qua tổ chức hành
nghề của mình; luật sư phối hợp với các tổ chức xã hội để thực hiện TGPL; luật sư thực
hiện TGPL theo sự chỉ định của tòa án trong trường hợp đặc biệt mà luật định.
Thứ nhất, thông qua Trung tâm TGPL nhà nước với tư cách là cộng tác viên. Đối với
nhóm luật sư tư vấn thông qua trung tâm TGPL nhà nước thì đối tượng được hưởng bao
gồm :”1-người nghèo;2- người có công với cách mạng; 3-người già cô đơn;4- người tàn
tật và trẻ em không nơi nương tựa; người dân tộc thiểu số thường trú ở vùng có điều kiện
kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”.
Thứ hai, cá nhân luật sư thực hiện hoạt động trợ giúp pháp lý thông qua tổ chức hành
nghề luật sư của mình. Đối với nhóm luật sư này, tổ chức hành nghề luật sư tự quyết định
các đối tượng được hưởng sự trợ giúp pháp lý theo chính sách của tổ chức mà không phụ
thuộc vào quy định của luật trợ giúp pháp lý . ví dụ: các tổ chức luật sư quy định cho mọi
đối tượng đến văn phòng đều được tư vấn pháp luật miễn phí bằng miệng, cũng có trường
hợp trên cơ sở tiếp nhận hồ sơ của khách hàng, luật sư sẽ quyết định tư vấn miễn phí hay
không. Chính vì sự linh hoạt này mà đã làm cho thủ tục được hưởng trợ cấp pháp lý từ tổ
chức hành nghề luật sư trở nên đơn giản. Đối tượng được hưởng trợ giúp pháp lý không
phải chứng minh có thuộc diện được hưởng trợ giúp pháp lý hay không mà chỉ cần sự
chấp thuận từ tổ chức hành nghề luật sư là được. Thực tế, các tổ chức hành nghề luật sư
thường thực hiện trợ giúp pháp lý cho các đối tượng là người nghèo, phụ nữ, trẻ em bị
bạo hành.
Thứ ba, luật sư tham gia hoạt động trợ giúp pháp lý thông qua các hoạt động phối
hợp với các tổ chức chính trị xã hội như Hội luật gia, hội phụ nữ, liên đoàn lao động và
các tổ chức phi chính phủ khác. Đối với trường hợp này, đối tượng nhận trợ giúp pháp lý
phụ thuộc vào việc tổ chức chính trị xã hội đang phục vụ hoặc quan tâm đến đối tượng
nào. Ví dụ như trung tâm tư vấn pháp luật của liên đoàn lao động thì đối tượng phục vụ
chủ yếu là người lao động, còn trung tâm tư vấn pháp luật của hội phụ nữ thì đối tượng
phục vụ chủ yếu là phụ nữ
Thứ tư, trợ giúp pháp lý theo sự chỉ định của tòa án. Theo quy đinh điều 76, bộ luật tố
tụng hình sự 2015, các cơ quan tố tụng có trách nhiệm chỉ định luật sư bào chữa cho bị
can, bị cáo có :” a) Bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định mức cao nhất của
khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình; b) Người bị buộc tội có nhược
điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa; người có nhược điểm về tâm thần hoặc là
người dưới 18 tuổi”.
- Đối tượng phục vụ
Bằng các con đường tiếp cận TGPL khác nhau thì đối tượng tiếp được nhận TGPL từ
phía luật sư cũng đa dạng và khác nhau. Thông thường, đối tượng được hưởng trợ giúp
pháp lý miễn phí là người thuộc hộ nghèo; người có công với cách mạng; đồng bào dân
tộc thiểu số thường trú ở các vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn; người
già cô đơn, người tàn tật, người nhiễm HIV, nhiễm chất độc hóa học, trẻ em không nơi
nương tựa. Cụ thể như sau:
Người nghèo: Là người thuộc chuẩn nghèo theo quy định của pháp luật .
Người có công với cách mạng, gồm: Người hoạt động cách mạng trước tổng khởi
nghĩa 19/8/1945; Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Anh hùng LLVTND, Anh hùng lao
động;Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; Bệnh binh; Người hoạt
động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; Người hoạt động cách mạng, hoạt động
kháng chiến bị địch bắt tù đày; Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ
tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế; Người có công giúp đỡ cách mạng, gồm: Người được
tặng Kỷ niệm chương “Tổ quốc ghi công” hoặc Bằng “Có công với nước”, người được
tặng Huân, Huy chương kháng chiến; Cha, mẹ, vợ, chồng của liệt sỹ; con của liệt sỹ chưa
đủ 18 tuổi; người có công nuôi dưỡng liệt sỹ.
Người già cô đơn: là người từ đủ 60 tuổi trở lên sống độc thân hoặc không có nơi
nương tựa.
Người khuyết tật theo Luật người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc
nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho
lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn; người bị nhiễm chất độc hóa học, bị nhiễm
HIV mà không có nơi nương tựa.
Trẻ em và người chưa thành niên dưới 18 tuổi.
Người dân tộc thiểu số: là người thường xuyên sinh sống tại vùng có điều kiện kinh
tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật.
Các đối tượng khác, gồm: Phụ nữ: là nạn nhân của bạo lực gia đình, nạn nhân bị mua
bán, nạn nhân bị bóc lột sức lao động hoặc bị xâm hại tình dục; phụ nữ đang trong quá
trình chuẩn bị thủ tục kết hôn và ly hôn; phụ nữ có tranh chấp, vướng mắc pháp luật,
người bị hại, bị can, bị cáo trong thời gian mang thai, đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng;
phụ nữ là người khuyết tật hoặc đang bị các bệnh hiểm nghèo; phụ nữ là người lao động
bị sa thải trái pháp luật hoặc nạn nhân bị lừa đảo trong quan hệ lao động, trong quan hệ
hôn nhân gia đình hoặc bị tước đoạt tài sản trái pháp luật và các đối tượng khác được
TGPL theo quy định tại các Điều ước Quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
- Nguyên tắc hoạt động trợ giúp pháp lý của luật sư
Thứ nhất, Không thu lệ phí, thù lao từ người được TGPL: ở Việt Nam, nguyên tắc
đầu tiên của hoạt động TGPL đó là: "Không thu phí, lệ phí thù lao từ người được trợ
giúp pháp lý". Bên cạnh đó, theo Điều 8 Luật Luật sư năm 2006 (được sửa đổi bởi Luật
luật sư năm 2012) thì Nhà nước khuyến khách luật sư và các tổ chức hành nghề luật sư
tham gia hoạt động TGPL miễn phí.
Thứ hai, Trung thực, tôn trọng sự thật khách quan. Luật sư là người hoạt động khoa
học pháp lý ở vị trí người hướng dẫn pháp luật và đạo lý cho người khác, luôn luôn lấy
việc bảo vệ công lý, bảo vệ lẽ phải và công bằng xã hội làm mục tiêu cao quý. Trước khi
là một luật sư thì chính bản thân phải rèn luyện được đức tính độc lập, trung thực, khách
quan, nhiệt tình trong công việc, không ngại khó, ngại khổ, không dồn trách nhiệm cho
đồng nghiệp, cho người khác..
Thứ ba, Sử dụng biện pháp phù hợp với quy định của pháp luật để bảo vệ tốt nhất
quyền, lợi ích hợp pháp của người được TGPL. Điều 5 Luật Luật sư quy định một trong
những nguyên tắc hành nghề luật sư là phải tuân thủ hiến pháp và pháp luật. Điều 21
khoản 2 điểm b Luật Luật sư cũng quy định rằng luật sư có nghĩa vụ sử dụng các biện
pháp hợp pháp để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng. Khi tư vấn cho khách
hàng, luật sư tuyệt đối không được gợi ý hay khuyên khách hàng vi phạm hay không tôn
trọng pháp luật. Ví dụ trong lĩnh vực thuế, luật sư có thể khuyên khách hàng áp dụng các
biện pháp hợp pháp để được hưởng các ưu đãi về thuế, nhưng luật sư không được phép
giúp đỡ khách hàng tìm cách trốn thuế. Tương tự như vậy, luật sư không thể giúp khách
hàng ngụy tạo tình trạng “phá sản” nhằm tẩu tán một số tài sản, tránh việc thực hiện một
nghĩa vụ tài chính nào đó.
Thứ tư, Tuân thủ pháp luật và quy tắc nghề nghiệp Luật sư phải độc lập, trung thực,
tôn trọng sự thật khách quan, không vì lợi ích vật chất, tinh thần hoặc bất kỳ áp lực nào
khác để làm trái pháp luật và đạo đức nghề nghiệp. Luật sư có nghĩa vụ phát huy truyền
thống tốt đẹp của nghề luật sư, thường xuyên học tập nâng cao trình độ chuyên môn, giữ
gìn phẩm chất và uy tín nghề nghiệp; thái độ ứng xử đúng mực, có văn hóa trong hành
nghề và lối sống để xứng đáng với sự tin cậy, tôn trọng của xã hội đối với luật sư và nghề
luật sư
Thứ năm, Hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí của luật sư bao gồm: tư vấn
pháp luật; tham gia tố tụng; đại diện ngoài tố tụng; các hình thức TGPL khác.
- Lĩnh vực được trợ giúp pháp lý
Lĩnh vực được trợ giúp pháp lý bao gồm:
1. Pháp luật hình sự, tố tụng hình sự và thi hành án hình sự;
2. Pháp luật dân sự, tố tụng dân sự và thi hành án dân sự;
3. Pháp luật hôn nhân gia đình và pháp luật về trẻ em;
4. Pháp luật hành chính, khiếu nại, tố cáo và tố tụng hành chính;
5. Pháp luật đất đai, nhà ở, môi trường và bảo vệ người tiêu dùng;
6. Pháp luật lao động, việc làm, bảo hiểm;
7. Pháp luật ưu đãi người có công với cách mạng và pháp luật về chính sách ưu đãi
xã hội khác;
8. Các lĩnh vực pháp luật khác liên quan đến chương trình mục tiêu quốc gia xoá
đói, giảm nghèo hoặc liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
- Phương thức thực hiện trợ giúp pháp lý
Phương thức thực hiện trợ giúp pháp lý tại trụ sở của các tổ chức thực hiện TGPL, tổ
chức hành nghề luật sư, TGPL lưu động tại các xã, phường, thị trấn, Câu lạc bộ TGPL,
sinh hoạt chuyên đề pháp luật, TGPL thông qua các phương tiện thông tin truyền thông…

2.3. Ý nghĩa hoạt động trợ giúp pháp luật sư

Có thể nói, thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý, luật sư đã đem đến cho người dân
những thông tin pháp luật hữu ích, giải đáp những thắc mắc, giúp người dân hiểu hơn về
các trình tự, thủ tục hành chính cần thiết khi giải quyết công việc, tránh việc đi lại nhiều
lần dẫn đến tốn kém thời gian, tiền bạc và công sức của người dân, những người được trợ
giúp pháp lý. Những vụ việc của họ được những luật sư trợ giúp pháp lý tư vấn, đại diện,
kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết vụ việc nhanh chóng, đúng
pháp luật, góp phần rất lớn vào công cuộc cải cách hành chính ở nước ta hiện nay.
Trong một số trường hợp, bằng sự trợ giúp pháp lý của mình, luật sư còn giúp chính
quyền giải tỏa những vụ việc vướng mắc pháp luật, giải quyết những bất cập giữa chính
quyền với dân trong đời sống hằng ngày tại địa phương, giữ gìn sự đoàn kết trong cộng
đồng, giảm bớt các khiếu kiện vượt cấp, góp phần tạo niềm tin của nhân dân với chính
quyền, làm cho người dân luôn “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”.
Từ thực tiễn hoạt động trợ giúp pháp lý của luật sư trong thời gian qua, đã khẳng
định được vị trí của luật sư trong hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho những
người thuộc nhóm yếu thế trong xã hội. Đây là chủ trương đúng đắn, phù hợp với tình
hình thực tế cũng như nhu cầu của người dân cũng như phù hợp với mục tiêu xây dựng
Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa,.

You might also like