Academia.eduAcademia.edu
Tài liệu giáo trình cho môn “Xã hội học pháp quyền” (Lớp cao học, Khoa xã hội học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM), tháng 122011. Trần Hữu Quang dịch từ bài "From Status to Contract" của Henry Maine (trích từ cuốn của Sir Henry Maine, Ancient Law, Dent, 1917, pp. 99-100), in lại trong Vilhelm Aubert (Ed.), Sociology of Law. Selected Readings, Harmondsworth, Penguin Books, 1969, trang 30-31 Từ vị thế tới khế ước Henry Maine (1822-1888) Sự vận động của các xã hội tiến bộ [progressive societies] đã diễn ra một cách đồng dạng xét về một khía cạnh [sau đây]. Trong suốt tiến trình này, người ta có thể thấy rõ quá trình giải thể tiệm tiến của tình trạng phụ thuộc vào gia đình và thay vào đó là quá trình gia tăng nghĩa vụ cá nhân [individual obligation]. Cá nhân [Individual] thay thế Gia đình [Family] một cách đều đặn và vững chắc, xét như là đơn vị mà các đạo luật dân sự quan tâm tới. Bước tiến này được hoàn thành với những mức độ nhanh chậm khác nhau, và có những xã hội không hoàn toàn đứng yên một chỗ1 mà trong đó người ta chỉ có thể nhận thấy sự sụp đổ của lối tổ chức cổ xưa nếu khảo sát kỹ lưỡng những hiện tượng biểu hiện điều này. Nhưng dù theo nhịp độ nào đi chăng nữa thì sự thay đổi này cũng không gặp phải sự phản ứng hay sự giật lùi, và người ta sẽ thấy rằng những biểu hiện chậm trễ là do việc tiếp nhận những ý tưởng và những tập quán cổ xưa từ một nguồn hoàn toàn ngoại lai nào đó. Cũng không khó khăn gì để thấy đâu là mối liên hệ ràng buộc giữa con người với con người vốn thay thế ở những mức độ nào đó những hình thức quan hệ có qua có lại [reciprocity] về quyền và về bổn phận vốn bắt nguồn từ Gia đình. Đó là Khế ước [Contract]. Khởi sự từ một thời điểm ban đầu của lịch sử, với một tình cảnh trong đó mọi mối quan hệ giữa các Nhân thân [Persons] được gói gọn trong các mối quan hệ Gia đình, chúng ta dường như chuyển dần một cách đều đặn và vững chắc sang một giai đoạn trật tự xã hội trong đó mọi mối quan hệ ấy đều xuất phát từ sự thỏa thuận tự do giữa các Cá nhân [Individuals]. Ở Tây Âu, bước tiến bộ theo hướng này đã diễn ra một cách hết sức lớn lao. Vị thế [status] của người nô lệ đã biến mất – nó được thay thế bởi mối quan hệ khế ước giữa người đầy tớ với người chủ của mình. Vị thế của người Nữ nằm dưới sự bảo hộ, nếu hiểu đây là sự bảo hộ của những người không phải là chồng của người phụ nữ, cũng không còn tồn tại nữa ; kể từ khi người 1 Stationary : đứng yên một chỗ, không thay đổi (chú thích của người dịch). -1- phụ nữ bước sang tuổi hôn nhân, tất cả những mối quan hệ mà cô ta có thể thiết lập đều là những mối quan hệ khế ước. Cũng thế, vị thế của người Con trai thuộc Quyền [status of the Son under Power] không còn chỗ đứng nào trong luật pháp của các xã hội Âu châu hiện đại. Nếu có một nghĩa vụ dân sự nào đó gắn kết Cha mẹ với con cái ở tuổi thành niên, thì đó là nghĩa vụ mà chỉ có khế ước mới đem lại cho nó hiệu lực pháp lý. Những trường hợp ngoại lệ chính là những ngoại lệ minh họa cho qui tắc này. Đứa trẻ dưới tuổi trưởng thành, đứa trẻ mồ côi nằm dưới quyền giám hộ, kẻ bị coi là khùng điên, tất cả đều có những tư cách pháp lý và những sự vô năng về pháp lý [capacities and incapacities] được qui định bởi Luật về nhân thân [Law of Persons]. Nhưng tại sao lại như thế ? Lý do được trình bầy khác nhau theo ngôn ngữ qui ước của các hệ thống khác nhau, nhưng về thực chất, tất cả đều được phát biểu theo cùng một hệ quả. Đại đa số các luật gia đều kiên định với nguyên tắc cho rằng những loại người vừa nêu trên đây đều phụ thuộc vào sự kiểm soát ngoại tại, dựa trên cơ sở là họ không có khả năng đưa ra được một phán đoán về lợi ích của chính họ ; nói cách khác, họ thiếu cái điều cốt lõi nhất của một sự cam kết bởi Khế ước. Từ ngữ Vị thế [Status] có thể được sử dụng một cách hữu ích để xây dựng một công thức diễn đạt đạo luật tiến bộ như đã nói trên – sự tiến bộ mà theo tôi thì dù có giá trị thế nào đi chăng nữa có lẽ cũng đã đủ chắc chắn. Tất cả các hình thức Vị thế được ghi nhận trong Luật về nhân thân đều đã bắt nguồn từ, và trong chừng mực nào đó [cho đến nay] vẫn còn chịu ảnh hưởng bởi, những quyền lực và những đặc quyền vốn tồn tại xa xưa trong Gia đình. Như vậy, nếu chúng ta sử dụng từ Vị thế, cũng tương tự như cách sử dụng của các tác giả giỏi giang nhất, để nói về những tình cảnh nhân thân ấy [those personal conditions] mà thôi, và tránh áp dụng thuật ngữ này vào những tình cảnh có sự thỏa thuận trực tiếp hoặc gián tiếp, thì chúng ta có thể nói rằng sự vận động của các xã hội tiến bộ cho đến nay là một sự vận động chuyển từ Vị thế sang Khế ước. Henry Maine (1917) Trần Hữu Quang dịch (ngày 2-12-2010) -2-