intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Một số vấn đề về việc nạo phá thai và quyền được sống của thai nhi còn trong bụng mẹ ở Việt Nam

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:8

130
lượt xem
2
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Tính đến năm 2020 thì pháp luật về việc nạo phá thai và quyền sống của thai nhi còn trong bụng mẹ ở Việt Nam vẫn còn là một vấn đề đang bị bỏ ngỏ khi chưa được đề cập cụ thể cũng như khai thác triệt để. Qua đó, tác giả nhận thấy được tầm quan trọng của việc tìm hiểu, phát hiện những thách thức cũng như cơ hội để có thể thiết lập các quy định nhằm khắc phục tình trạng nạo phá thai cũng như để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của thai nhi còn trong bụng mẹ ở Việt Nam.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Một số vấn đề về việc nạo phá thai và quyền được sống của thai nhi còn trong bụng mẹ ở Việt Nam

  1. MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ VIỆC NẠO PHÁ THAI VÀ QUYỀN ĐƯỢC SỐNG CỦA THAI NHI CÒN TRONG BỤNG MẸ Ở VIỆT NAM Văn Trương Ngọc Trâm Khoa Luật, Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh GVHD: ThS. Nguyễn Hoàng Phương Nguyên TÓM TẮT Việt Nam là một quốc gia đang nỗ lực trong giai đoạn chuyển mình để có thể trở thành một đất nước phát triển mà trong đó vấn đề đang được quan tâm cũng như nỗ lực để hoàn thiện là bảo vệ nhân quyền. Tính đến năm 2020 thì pháp luật về việc nạo phá thai và quyền sống của thai nhi còn trong bụng mẹ ở Việt Nam vẫn còn là một vấn đề đang bị bỏ ngõ khi chưa được đề cập cụ thể cũng như khai thác triệt để. Qua đó, tác giả nhận thấy được tầm quan trọng của việc tìm hiểu, phát hiện những thách thức cũng như cơ hội để có thể thiết lập các quy định nhằm khắc phục tình trạng nạo phá thai cũng như để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của thai nhi còn trong bụng mẹ ở Việt Nam. Từ khóa: luật Quốc tế (LQT), nạo phá thai, nhân quyền, quyền và lợi ích hợp pháp của thai nhi còn trong bụng mẹ, thai nhi còn trong bụng mẹ (Thai nhi). 1 ĐẶT VẤN ĐỀ Để có thể tiến hành tìm hiểu và khai thác trọn vẹn vấn đề liên quan đến nạo phá thai và quyền của thai nhi thì phải đề cập đến quyền được sống của con người, theo Điều 6 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (gọi tắt là ICCPR) ghi nhận thì “Mọi người đều có quyền cố hữu là được sống. Quyền này phải được pháp luật bảo vệ. Không ai có thể bị tước mạng sống một các tùy tiện”. Cũng dựa trên công ước này mà Hiến Pháp 2013 của Việt Nam đưa ra quy định về quyền sống tương tự tại Điều 19 là “Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai được tước đoạt tính mạng trái luật”. “Nạo phá thai là biện pháp sử dụng thuốc hoặc thủ thuật ý tế nhằm mục đích đưa bài thai ra ngoài và chấm dứt thời kỳ thai nghén. Thực tế nạo phá thai là chấm dứt thai kỳ hay chấm dứt sự sống của thai nhi trước khi sinh một cách cố ý" [8.Tr.55]. Nếu thai nhi được coi là một tính mạng, cần phải bảo vệ thì việc nạo phá thai đồng nghĩa với việc tước đoạt tính mạng, tước đoạt quyền được sống của một người. Ngoài ra thì nạo phá thai cũng để lại nhiều hệ lụy cho thai phụ trong vấn đề sinh sản và sức khỏe sau này như vô sinh, băng huyết, ảnh hưởng đến vấn đề dân số, giới tính ở Việt Nam. Nên có thể nhận định rằng ngoài việc ảnh hưởng đến quyền sống của thai nhi còn trong bụng mẹ thì nạo phá thai còn có thể gây ra rất nhiều hậu quả xấu khác. “Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới WHO tính đến năm 2019 thì Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất Đông Nam Á và cao thứ 5 thế giới với từ 250.000- 1802
  2. 300.000 ca mỗi năm, trong đó, có khoảng 75% rơi vào độ tuổi từ 15- 19" [7]. Hơn thế, con số này đang không ngừng tăng cùng với sự phát triển của xã hội và sự bất cập của pháp luật. Một vấn đề mà tác giả đặt ra trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu, về nguyên nhân dẫn đến những con số “khổng lồ” trên một phần là xuất phát từ những thiếu sót cũng như lỗ hỏng của pháp luật Việt Nam trong việc thiết lập các quy định liên quan đến nạo phá thai. Việt Nam chưa thực sự có biện pháp để ngăn chặn hành vi nạo phá thai một cách hợp lý và những quy định hiện hành là chưa đủ về mức độ để răng đe, các mức phạt được quy định trên thực tế chỉ thể hiện sự cảnh cáo mà không phải là hình phạt trong việc can thiệp, đe dọa đến quyền được sống của thai nhi. 2 QUYỀN SỐNG CỦA THAI NHI VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ LIÊN QUAN Quyền sống của thai nhi còn trong bụng mẹ theo quan điểm của tác giả và dựa trên quyền sống ghi nhận tại Điều 6 ICCPR có thể được hiểu đơn giản là:"Quyền của thai nhi còn trong bụng mẹ được sống, được bảo vệ về tính mạng, sức khỏe. Không ai có thể tước đi mạng sống của thai nhi một cách tùy tiện". Quyền sống của thai nhi là một vấn đề cần phải được quan tâm trên hết vì quyền thai nhi trong pháp luật còn khá mơ hồ và chưa được công nhận vì thai nhi còn trong bụng mẹ không phải là cá nhân trong pháp luật Việt Nam. Điều đó đã khiến cho thai nhi chưa được bảo vệ đúng cách và luôn trong tình trạng có thể bị xâm phạm đến tính mạng và sức khỏe. Nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã và đang mở đường phát triển quyền lợi của thai nhi nói chung và quyền sống của thai nhi còn trong bụng mẹ nói riêng. Nhưng trong thực tế còn rất nhiều sự nhầm lẫn liên quan đến thai nhi còn trong bụng mẹ, đơn cử như việc nhiều người vẫn còn nhận định rằng thai nhi chỉ là một phần “tài sản” của người mẹ và người mẹ có quyền trong việc lựa chọn nạo phá thai hoặc không [5.Tr.1]. Nhiều chủ thể khác thì hiểu nhầm về vấn đề thai nhi còn trong bụng mẹ thì không phải là con người, vì vậy họ còn quan ngại việc công nhận thai nhi là một cá nhân trong pháp luật khi chưa nắm chắc được thai nhi đó có thể ra đời hay không. Trong khi quyền được sống có thể được xem như quyền lợi tối cao của một cá nhân, trên tất cả những lợi ích khác thì quyền sống của thai nhi còn trong bụng mẹ lại rất dễ bị xâm phạm trong khi thực tế thì quyền được sống này phải được ưu tiên bảo vệ. Nhiều tổ chức hay các Công ước quốc tế như Ủy ban về quyền trẻ em (gọi tắt là CRC), ICCPR, Công ước quốc tế về ngăn ngừa và trừng trị tội diệt chủng (gọi tắt là CPPCG),… cũng đưa ra một số điểm quan trọng củng cố nội dung của quyền sống là kể cả liên quan đến an ninh quốc gia, trong tình trạng khẩn cấp của quốc gia cũng không thể can thiệp đến quyền được sống của con người, đồng thời phạm vi của quyền sống phải được mở rộng ra nhằm đảm bảo sự tồn tại của con người bao gồm cả giảm tỷ lệ chết ở trẻ em [8.Tr.8-10] Có thể thấy vấn đề quyền sống là một vấn đề được quan tâm hàng đầu trong phạm vi nhân quyền mà trong đó bao gồm cả quyền được sống của thai nhi nhưng hiện trạng nạo phá thai ở Việt Nam lại tăng cao theo thời gian gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền được sống của thai nhi còn trong bụng mẹ. Quyền sống của thai nhi nên được đề cao và thực thi một cách cấp thiết vì thai nhi không chỉ là một chủ thể nên được bảo vệ bởi nhân quyền mà thai nhi còn là tương lai của quốc gia, của hành tinh. Bảo vệ thai nhi là bảo vệ tương lai, hơn thế nữa, cần phải xóa bỏ sự phân biệt trong việc bảo vệ các chủ thể. Chủ thể nào cũng cần sự bảo vệ của pháp luật, cũng cần 1803
  3. có quyền cố hữu là được sống. Thay đổi được hiện trạng nạo phá thai, bảo vệ được quyền sống của thai nhi sẽ giúp nhân quyền được phát triển hơn, trọn vẹn hơn. 3 HẠN CHẾ CỦA VIỆT NAM TRONG VIỆC KIỂM SOÁT NẠO PHÁ THAI VÀ NHỮNG KHÓ KHĂN TRONG VIỆC THIẾT LẬP QUYỀN CHO THAI NHI CÒN TRONG BỤNG MẸ Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện tại thì thai nhi còn trong bụng mẹ chưa được coi là một cá nhân, tương đương với việc thai nhi sẽ chưa được bảo vệ bởi pháp luật cho đến khi được sinh ra. Theo khoản 3 điều 16 Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015 thì “Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân có từ khi người đó sinh ra và chấm dứt khi người đó chết”, đồng nghĩa với việc định nghĩa về cá nhân trong pháp luật Việt Nam là để chỉ cá thể sau khi được sinh ra chứ không phải là cá thể còn trong bụng mẹ như thai nhi. Thiếu sót trên đã, đang và sẽ tiếp tục dẫn đến nhiều hệ lụy cũng như gây nhiều khó khăn trong việc phát triển hệ thống pháp luật trong phạm vi nhân quyền ở Việt Nam. Về vấn đề thời điểm thai nhi nên được công nhận là cá nhân thì các quốc gia đều có “công thức” khác nhau để xác định. Có quốc gia cho rằng xác định được thời điểm thai nhi có thể tồn tại dựa vào việc xác định thời điểm thai nhi có thể tồn tại khi bị sinh non (cụ thể là từ tuần 22 đến tuần 36 thì thai nhi đã có thể tồn tại dù là ngoài tử cung của thai phụ - khi bị sinh non), nhưng đây không phải là cách xác định hợp lý vì khả năng sống của trẻ sinh non cũng không thể được bảo đảm dưới góc độ y tế. Ngoài ra thì còn có thể xác định bằng thời điểm mà thai nhi có thể hoạt động khi còn trong bụng mẹ, dù vậy thì theo sự tiến bộ của y học các nghiên cứu đã chỉ ra thai nhi có thể có những cử động nhỏ từ tuần thứ 10 của thai kỳ thay vì là tuần thứ 18 theo những nghiên cứu trước đó [6.Tr.6]. Trong nhiều quan điểm được thể hiện thì một số người cho rằng “sự sống được bắt đầu từ lức thụ thai và cấu trúc gen của con người cũng được xác định từ lúc thụ thai” nhưng cũng có những nhận định rằng “khả năng thành phôi thai từ lúc thụ thai là chưa rõ ràng và việc nhận định thai nhi một con người sau khi thai nhi được sinh ra thì an toàn hơn” [6.Tr.4]. Dù thai nhi có quá trình phát triển, thành hình theo quy luật, trung bình là 42 tuần, phát triển theo tam cá nguyệt (tam cá nguyệt thứ nhất là 14 tuần đầu của thai kỳ, tam cá nguyệt thứ 2 bắt đầu từ tuần 15 đến tuần 28, tam cá nguyệt cuối cùng tính từ tuần 19 tới lúc sinh là tuần 42) nhưng để đưa ra thời điểm nhất định nhằm xác định thời điểm thai nhi có quyền vẫn là một bài toán khó cho pháp luật Việt Nam. Đối với các quyền của thai nhi còn trong bụng mẹ theo quy định hiện hành ở Việt Nam thì thai nhi chỉ có một số quyền về tài sản, lao động hay quy định nhằm bảo vệ quyền lợi thai phụ. Quyền tài sản của thai nhi cụ thể là “Khi phân chia di sản, nếu có người thừa kế cùng hàng đã thành thai nhưng chưa sinh ra thì phải dành lại một phần di sản bằng phần mà người thừa kế khác được hưởng để nếu người thừa kế đó còn sống khi sinh ra được hưởng; nếu chết trước khi sinh ra thì những người thừa kế khác được hưởng” theo khoản 1 điều 660 Bộ luật Dân sự 2015. Hay quyền về lao động “quy định về chế độ thai sản và những hạn chế bắt buộc khi xử lý kỷ luật, giới hạn quyền lợi của người sử dụng lao động, bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ mang thai, gián tiếp bảo vệ cả quyền lợi của thai nhi” tại các điều 123, 155, 157, 158 Bộ luật Lao động 2019. Và liên quan đến hình sự cũng có những quy định bảo vệ thai phụ đồng thời gián tiếp bảo vệ thai nhi nhưng quy định chưa thực sự làm rõ quyền lợi của thai nhi “Bảo vệ quyền lợi của những thai nhi còn chưa chào đời trước những hành vi xâm hại, đồng thời cân nhắc mức xử phạt đối với thai phụ và mức tăng nặng đối với tội phạm 1804
  4. mà thai phụ là nạn nhân” quy định trong các điều 36, 40, 51, 123 của Bộ luật Hình sự 2015. Những quy định hiện hành liên quan đến thai nhi ở Việt Nam đều chưa thực sự nêu được tầm quan trọng của vấn đề bảo vệ tính mạng của thai nhi như một cá nhân ở Việt Nam nhưng lại đưa ra các quyền liên quan đến tài sản dành cho thai nhi. Trên thực tế, đã có rất nhiều quốc gia đề cao vấn đề nhân quyền trên thế giới đưa ra những quy định khác nhau trong pháp luật của họ để bảo vệ thai nhi còn trong bụng mẹ, theo pháp luật của các quốc gia đó thì tại một thời điểm nhất định thai nhi sẽ được coi là một cá nhân được hưởng các quyền và lợi ích cơ bản của một cá nhân, từ đó thì việc nạo phá thai trở thành một hành vi phạm pháp, bị cấm và hạn chế ở nhiều quốc gia trên thế giới. Một số quốc gia cấm hoàn toàn hành vi nạo phá thai trong mọi trường hợp là Philippines, Cộng hòa Dominica, Vatican, Lào, Mỹ,... Nhiều quốc gia cũng thực hiện việc hạn chế nạo phá thai như Brazil, Hàn Quốc, Ấn Độ, Irag,… các quốc gia này chỉ cho phép nạo phá thai trong các trường hợp đặc biệt có thể kể đến như thai nhi là kết quả của hành vi tội phạm tình dục hoặc thai hư. Bên cạnh đó còn rất nhiều quốc gia như Nga, Hà Lan, Campuchia trong đó có cả Việt Nam chưa quy định rõ ràng để ngăn cấm việc nạo phá thai. Tình huống hiện tại của Việt Nam tương tự như quan điểm trong án lệ Roe v. Wade là “lựa chọn nạo phá thai hay không là kết quả của quyền riêng tư của phụ nữ và Nhà nước có thể không can thiệp vào sự lựa chọn đó” [6.Tr.8] và phần lớn quan điểm của Roe tập trung về sức khỏe, quyền riêng tư của người mẹ. Do chưa có sự bảo đảm nhất định về quyền dành cho thai nhi mà việc kiểm soát nạo phá thai cũng trở nên khó khăn hơn khi dường như ngoại trừ vấn đề về đạo đức thì không còn trói buộc nào để khiến việc nạo phá thai ngừng gia tăng. Chỉ khi thai nhi có quyền thì việc triển khai các quy định để kiểm soát việc nạo phá thai mới có thể thuận lợi hơn vì pháp luật có thể dựa vào những quy định đó để giảm tỷ lệ nạo phá thai và để bảo vệ cho thai nhi còn trong bụng mẹ. Tác giả nhận thức được hiện thực là không có quy định cụ thể về quyền thai nhi dẫn đến hiện trạng mức phạt trong việc nạo phá thai chỉ dừng ở chế tài xử phạt vi phạm hành chính mà không có các hình thức xử lý vi phạm khác. Theo khoản 2 điều 98 NĐ 117/2020/NĐ-CP quy định mức phạt vi phạm đối với các quy định về chẩn đoán, xác định giới tính thai nhi phạt từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi chẩn đoán và tiết lộ giới tính thai nhi, bị tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động chứng chỉ hành nghề trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng. Theo nghị định này thì hành vi bói toán để xác định giới tính thai nhi cũng bị phạt từ 03 đến 05 triệu đồng. Tuyên truyền, phổ biến, tư vấn phương pháp để có được giới tính thai nhi theo ý muốn thì sẽ bị phạt tiền từ 03 đến 05 triệu. Theo điều 100 NĐ 117/2020/NĐ-CP thì hành vi loại bỏ thai nhi do lựa chọn giới tính có các mức phạt tưởng ứng. Ngoài những quy định về nạo phá thai trên thì pháp luật Việt Nam hiện nay chưa có xử lý đặc biệt nào đối với các hành vi nạo phá thai và các công tác triển khai xử lý vi phạm cũng gặp rất nhiều khó khăn do sự “khôn khéo” của các cơ sở khám, nạo phá thai “chui”. Hiện trạng chính xác là chưa có cách xác định thế nào là gây hại đến thai nhi hay nạo phá thai có phải là gây hại đến một cá nhân trong pháp luật Việt Nam hay không. Việc triển khai quyền dành cho thai nhi còn trong bụng mẹ tại Việt Nam trên thực tế còn rất nhiều thách thức để có thể thực hiện cũng như hoàn thiện. Quyền của thai nhi còn trong bụng mẹ chưa thể được thiết lập khi pháp luật Việt Nam chưa công nhận thai nhi như một cá nhân để bảo vệ, khi đó thai nhi sẽ vẫn chưa được hưởng những quyền lợi cơ bản của một cá nhân, của một công dân Việt Nam. Để có thể bảo vệ được thai nhi còn trong bụng 1805
  5. mẹ thì việc triển khai quy định về quyền của thai nhi, xác định được thời điểm thai nhi có quyền cũng như siết chặt hành vi nạo phá thai “vô tội vạ” là cần thiết hơn bao giờ hết. Trong đó, để có thể thúc đẩy việc kiểm soát nạo phá thai và thiết lập quyền cho thai nhi mà cụ thể là bảo vệ quyền sống cho thai nhi thì việc học hỏi những “nước bạn” về cách xử lý vấn đề trên là thiết thực hơn bao giờ hết. Nhưng những quy định được lựa chọn để nêu cao tối đa quyền lợi của thai nhi và thai phụ cũng cần phải được xem xét để phù hợp với văn hóa, xã hội và pháp luật Việt Nam. 4 NHỮNG QUY ĐỊNH MÀ CÁC QUỐC GIA KHÁC ĐÃ ĐẶT RA ĐỂ GIẢI QUYẾT “BÀI TOÁN” QUYỀN SỐNG CỦA THAI NHI VÀ NHỮNG ĐIỀU VIỆT NAM CÓ THỂ ÁP DỤNG Việt Nam cần tiến hành việc xác định thời điểm thai nhi được công nhận là cá nhân để có thể thuận lợi tiến hành việc bảo vệ quyến sống của thai nhi còn trong bụng mẹ và hạn chế hành vi nạo phá thai trái phép. Theo chu kỳ phát triển của thai nhi thì thai nhi sẽ phát triển gần như toàn diện về hình thể vào tuần thứ 12 của thai kỳ nên tại thời điểm tuần thứ 12 thì thai nhi đã có hình dáng của một con người hoàn chỉnh. Ngoài ra vào tuần thứ 16 của thai kỳ thì đã có thể xét nghiệm được giới tính của thai nhi [2], vì thế từ tuần 12 đến tuần 16 (trung bình từ tháng thứ 3 đến thành thứ 4 của thai kỳ) đã có đủ thời gian để thai phụ nhận ra sự hiện diện của thai nhi và cũng là thời điểm mà thai nhi đã trở thành “con người” hoàn chỉnh về hình dáng. Nên, dựa vào việc xác định này thì pháp luật Việt Nam có thể đưa ra mốc thời gian mà thai nhi được công nhận là một cá nhân là từ khoảng tuần 12 tới tuần 16 của thai kỳ. Việc thiết lập được thời điểm để thai nhi được xác nhận là cá nhân sẽ giúp thai nhi có được những quyền lợi cơ bản, đồng thời sẽ tạo thuận lợi để triển khai các quy định khác liên quan đến thai nhi còn trong bụng mẹ như quy định về việc nạo phá thai. Hiện tại có rất nhiều quốc gia cho phép phá thai trong một khoảng thời hạn mà quốc gia đó đặt ra, đồng nghĩa khi thai kỳ vượt quá thời hạn được cho phép thì không được thực hiện hành vi nạo phá thai. Tại Mỹ, cấm hầu hết các trường hợp nạo phá thai sau khi có tim thai vào tuần thứ 6 của thai kỳ nhưng những người phản đối cho rằng nạo phá thai vào thời điểm này là quá muộn khi hầu hết phụ nữ đến thời điểm này mới cảm nhận được họ đang mang thai và thậm chí tại quốc gia này thì những hành vi gây hại đến tính mạng thai nhi còn bị liệt vào tội ngộ sát hay giết người. Ngoài ra thì các nước “hợp pháp hóa” cho việc nạo phá thai cũng có những khung thời gian tối đa để có thể tiến hành nạo phá thai, ở Uruguay thời gian được nạo phá thai là từ khi thụ thai cho đến đến tuần thứ 12 của thai kỳ (khoảng tháng thứ 3 của thai kỳ) nhưng để được nạo phá thai thì phải chờ 05 ngày và tham khảo ý kiến của Hội đồng gồm 03 chuyên gia, đối với nhiều nước là thành viên của khối Liên minh châu Âu (EU) cho phép nạo phá thai đối với thai nhi có thai kỳ dưới 14 tuần, tuy nhiên, thời hạn có thể được tăng thêm tùy theo tình tiết của vụ việc. Trong các quốc gia này Việt Nam có thời gian cho phép nạo phá thai khá cao lên đến 22 tuần (trung bình là tháng thứ 5 của thai kỳ). Tác giả nhận ra một sự thật rằng cho phép nạo phá thai trong một mốc thời gian nhất định như quy định của môt số quốc gia vẫn tương tự việc hợp pháp hóa hành vi sát hại một con người, một cá nhân trong một thời hạn cho phép. Khác biệt duy nhất là cá nhân đó chưa thể thấy được ở bên ngoài, chưa được sinh ra cũng như chưa thể hoạt động như một con người thực sự. Từ đó phát hiện ra việc cho phép nạo phá thai và đưa ra mốc thời gian mà thai phụ không được nạo phá thai lại không “lý tưởng” cho thực tế so với việc cấm nạo phá thai và chỉ cho 1806
  6. phép nạo phá thai trong các trường hợp ngoại lệ. Phân tích sau hơn những ngoại lệ mà các quốc gia khác sẽ cho phép để tiến hành việc nạo phá thai thì có thể thấy, ở Paraguay việc nạo phá thai bị cấm kể cả trong trường hợp thai nhi là kết quả của hành vi tội phạm tình dục và chỉ cho phép nạo phá thai khi thai nhi gây biến chứng nguy hiểm có thể ảnh hưởng tới mạng sống của thai phụ. Ở Ấn Độ thì việc nạo phá thai được cho phép khi việc mang thai có thể đe dọa đến tính mạng thai phụ và thai nhi là hậu quả của hành vi tội phạm tình dục. Tương tự Ấn Độ là Hàn Quốc nhưng quốc gia này còn cho phép “thêm” việc nạo phá thai trong trường hợp “hỏng” thai hay loạn luân. Qua những đặc điểm khác nhau trong pháp luật của các quốc gia trên thế giới mà tác giả nhận thấy sự quan tâm về quyền của thai nhi và việc ngăn chặn tình trạng nạo phá thai còn chưa được trọn vẹn, trong khi có nhiều quốc gia quá khắt khe trong việc nạo phá thai dẫn đến quyền lợi của thai nhi và thai phụ bị ảnh hưởng thì vẫn còn nhiều quốc gia khác “phớt lờ” lời kêu gọi được sống của các thai nhi chưa thể lên tiếng vì quyền lợi của mình. “Theo số liệu năm 2013 của Liên hiệp quốc, 97% các quốc gia trên thế giới đã cho phép nạo phá thai để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của phụ nữ. Trong đó, khoảng 65% các quốc gia cho phép nạo phá thai khi sức khỏe của thai phụ bị đe dọa, 49% các quốc gia cho phép nạo phá thai khi thai nhi bị khiếm khuyết hoặc việc mang thai là kết quả của hành vi tội phạm tình dục. Chỉ 34% các quốc gia cho phép nạo phá thai vì lý do kinh tế - xã hội hoặc nạo phá thai theo yêu cầu”[1]. Thực tại cho thấy đa số các quốc gia đều có những quy định cũng như ngoại lệ riêng trong việc nạo phá thai mà chủ yếu ngoại lệ này nhằm bảo đảm sức khỏe thai phụ khi xuất hiện tình trạng thai nhi bị khiếm khuyết, thai hư, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của thai phụ hay thai nhi là kết quả của hành vi tội phạm tình dục, ở đây tác giả tạm gọi các hiện tượng trên là tình trạng thai nhi “tiêu cực”. Hiện tại, pháp luật Việt Nam cho phép nạo phá thai theo yêu cầu và trường hợp cấm nạo phá thai duy nhất là thai nhi trên 22 tuần tuổi theo Quyết định 4620/QĐ-BYT nhưng nếu trong trường hợp thai nhi gặp sự cố có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của thai phụ thì kể cả dưới tình huống thai nhi trên 22 tuần tuổi nếu được sự chỉ thị của chuyên gia việc tiến hành nạo phá thai để bảo toàn tính mạng cho thai phụ là cần thiết và hợp lý. Pháp luật Việt Nam có thể rút ra được những bài học kinh nghiệm từ những quốc gia tiên phong trong việc triển khai quyền dành cho thai nhi. Việc giới hạn tuần thai kỳ mà thai phụ có thể tiến hành nạo phá thai cũng là một biện pháp, song, điều này chưa thực sự hiệu quả khi các nước áp dụng quy định tương tự đều có tỷ lệ nạo phá thai cao và gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm soát nạo phá thai. Nhưng nếu áp dụng biện pháp cấm hoàn toàn việc nạo phá thai và đưa ra những ngoại lệ hợp lý trong phạm vi văn hóa, xã hội, pháp luật của Việt Nam thì việc kiểm soát có thể sẽ dễ dàng hơn cho Việt Nam. Vậy nên, đề xuất của tác giả là ban hành một văn bản hay luật cụ thể về việc nghiêm cấm hành vi xâm phạm đến quyền và lợi ích của thai nhi như các văn bản luật “feticide law” hay “fetal abuse law”, trong đó đề cập rõ thai nhi có quyền lợi như một cá nhân từ tuần thứ 15 của thai kỳ và kể từ thời điểm thai nhi được xem như một cá nhân trong pháp luật Việt Nam thì đồng nghĩa với việc các vi phạm về sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm mà thai nhi là bên bị hại đều được điều chỉnh và bảo vệ bởi pháp luật. Trong đó hành vi nạo phá thai sẽ được coi là một hành vi cố ý gây hại về tính mạng của thai nhi và bị xử lý tương tự như tội phạm theo Bộ luật Hình sự 2015, đồng thời các cơ sở y tế vi phạm quy định về Luật Nạo phá thai cũng sẽ bị xử lý nghiêm khắc. Nhưng cũng sẽ có những quy định để cho phép nạo phá thai trong các tình 1807
  7. trạng mà gọi chung là tình trạng thai nhi “tiêu cực” để đảm bảo tính an toàn về tính mạng, sức khỏe của thai phụ và đảm bảo tính nhân đạo cho thai nhi. Nghiên cứu về những ngoại lệ trong tình trạng thai nhi “tiêu cực”, tác giả chia ra 2 trường hợp chính là “an toàn cho thai phụ” và “nhân đạo cho thai nhi”. Trước tiên là các trường hợp thai nhi “tiêu cực” đặt trong phạm vi “an toàn cho thai phụ”, trong trường hợp này sẽ lấy sức khỏe và an toàn tính mạng của thai phụ làm tiền đề để xem xét các ngoại lệ. Các trường hợp có thể gây nguy hiểm để tính mạng thai phụ hay gây thương tổn cho cơ thể mà có thể dẫn tới các hệ lụy xấu như vô sinh, bằng huyết nếu có kèm theo ý kiến, kiến nghị loại bỏ thai nhi của chuyên gia thì đều có thể xem là ngoại lệ trong nạo phá thai. Có thế đưa ra một vài ví dụ thực tiễn như “trường hợp nghén dữ dội, kéo dài kèm theo ra máu được xếp vào dạng nghén bệnh lý chửa trứng toàn phần thì nguy cơ ung thư rau thai là rất lớn, không nên giữ thai vì có thể nguy hiểm đến tính mạng người mẹ” hay “trường hợp thai phụ nhiễm bệnh nặng, không thể tiếp tục thai kỳ chẳng hạn như bệnh tim nặng, bệnh lao đang tiến triển, basedow nặng, ung thư đang điều trị bằng tia xạ, AIDS giai đoạn cuối”[9] trong các trường hợp này thì tỷ lệ “mẹ tròn con vuông” là vô cùng thấp. Trên thực tế, các biến chứng về bệnh tật có thể ảnh hưởng nhiều đến việc bảo trì thai nhi trong bụng của thai phụ nếu thai phụ có các bệnh nền trước đó, trong các tình huống này thì ngoại lệ nạo phá thai sẽ được đề xuất bởi các chuyên gia có thẩm quyền và việc có tiến hành nạo phá thai hay không thì sẽ phụ thuộc vào thai phụ. Về trường hợp thai nhi “tiêu cực” đặt trong phạm vi “nhân đạo cho thai nhi”, giải thích về từ nhân đạo trong cụm từ trên thì tác giả ngụ ý rằng đây là nhân đạo trong việc cho thai nhi được sống trọn vẹn, có cơ hội phát triển toàn vẹn. Trong quá trình mang thai có rất nhiều khả năng phải nạo phá thai không chỉ để giữ an toàn cho thai phụ mà còn là vì thai nhi, trong trường hợp thai lưu (thai nhi chết và lưu lại trong tử cung) thì việc bỏ thai là điều bắt buộc, nhưng nếu thai nhi bị các dị tật, khiếm khuyết có thể phát hiện qua siêu âm thì thai phụ có thể được chọn để xem xét có nên giữ thai hay không vì điều này có thể gây ảnh hưởng cuộc sống phát triển lâu dài của thai nhi. Ngoài ra, thì thai nhi là kết quả của hành vi tội phạm tình dục hay thai nhi là kết quả của loạn luân cũng có thể được đưa vào ngoại lệ vì những tình huống trên có thể gấy ảnh hưởng đến quá trình chăm sóc, phát triển của thai nhi khi sinh ra, có thể được suy xét vào phần ngoại lệ. Tổng kết lại thì việc nạo phá thai đều phải đặt trên lập trường sức khỏe, tính mạng của thai phụ và thai nhi để suy xét, đặc biệt đối với thai nhi vì đó là chủ thể chưa thể tự bảo vệ cũng như lên tiếng vì quyền lợi của bản thân trong khi thai nhi cũng là một cá thể cần được bảo vệ bởi pháp luật. Thai nhi còn trong bụng mẹ cần có quyền, cần được công nhận như một cá nhân trong pháp luật Việt Nam và việc nạo phá thai cần được siết chặt nhưng cũng phải có những ngoại lệ hợp lý để quyền lợi của thai phụ và thai nhi được bảo vệ tối đa. Hoàn thiện luật pháp về quyền của thai nhi cũng như là luật pháp về nạo phá thai không chỉ để bảo vệ quyền sống, quyền phát triển của thai nhi mà còn là để tạo bước đệm trong việc hoàn thiện luật về nhân quyền ở Việt Nam. Nhân quyền có thể không còn là điều mới mẻ nhưng nó vẫn chưa được quan tâm trọn vẹn tới tất cả cá nhân, cá thể trong cộng đồng, vì vậy, tác giả hy vọng bài báo này có thể góp phần để phát triển về nhân quyền cũng như để tạo dựng được sự bảo vệ dành cho thai nhi còn trong bụng mẹ. 1808
  8. 5 KẾT LUẬN Theo sự gia tăng của số liệu thống kê về tỷ lệ nạo phá thai ở Việt Nam qua từng năm thì vấn đề thiết lập quyền dành cho thai nhi còn trong bụng mẹ lại càng cấp thiết hơn bao giờ hết. Trong thời đại mà con người đều được bảo vệ bởi nhân quyền thì thai nhi cũng phải được bảo vệ như một con người, một cá nhân. Do những khó khăn hiện tại mà việc triển khai quyền dành cho thai nhi còn nhiều rào cản nhưng việc thiết lập quyền dành cho thai nhi sẽ là điều tất yếu trong tương lai mà pháp luật Việt Nam đang hướng tới. Bên cạnh đó thì pháp luật để siết chặt về hành vi nạo phá thai cũng rất cần thiết, vì việc đưa ra các quy định về nạo phá thai và việc bảo vệ quyền sống của thai nhi cùng lúc có thể tạo điều kiện để hai vấn đề trên bổ trợ cho nhau trong việc thực thi pháp luật vì ngăn chặn nạo phá thai nhằm mục đích bảo vệ quyền sống thai nhi mà đưa ra quyền lợi cho thai nhi cũng là biện pháp tốt để ngăn chặn được hành vi nạo phá thai trái phép. Tác giả hy vọng trong tương lai gần pháp luật về nhân quyền sẽ được triển khai mạnh mẽ hơn cũng như đầy đủ hơn để bảo vệ cho cả thai nhi còn trong bụng mẹ cũng như tất cả người dân của Việt Nam. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Báo Quản trị, 19/10/2015. Luật phá thai của các nước trên thế giới, xem tại link: https://danluat.thuvienphapluat.vn/luat-pha-thai-o-cac-nuoc-tren-the-gioi- 138268.aspx [2] Bích Ngân, 12/08/2019. Sự hình thành và phát triển của thai nhi qua 42 tuần tuổi, xem tại link: https://hellobacsi.com/mang-thai/thai-ky/su-phat-trien-cua-thai- nhi/?fbclid=IwAR2n0T2q_FaR4lxealwIC-UwGau2d2iAV6Qb5gGg- eAa9iXvVgKTaQkIswI [3] Bộ luật Dân sự 2015. [4] Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017). [5] Gaurav Garwa (2009). Jurisprudential analysis of right to life of fetus, xem tại link: https://papers.ssrn.com/sol3/papers.cfm?abstract_id=1645114 [6] Julianna Frisch (2008). Abortion, feticide and fetal abuse: searching for consistency, xem tại link: https://papers.ssrn.com/sol3/papers.cfm?abstract_id=1091618 [7] Lê Phương, 27/09/2017. Việt Nam đứng số 1 Đông Nam Á, số 5 thế giới về nạo phá thai, xem tại link: https://www.tienphong.vn/suc-khoe/viet-nam-dung-so-1-dong-nam-a- so-5-the-gioi-ve-nao-pha-thai-1445060.tpo?fbclid=IwAR1LEum- 0IV7pxgom6Yv1KP5gjYasthPbgdhr_dBN-hioS8h__9ff7HUj8M [8] Lỗ Thị Thu Hà (2014). Quyền sống của thai nhi và vấn đề hoàn thiện khuôn khổ pháp luật Việt Nam về phá thai. Luận văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. [9] Trường hợp không nên giữ thai, xem tại link: https://hongngochospital.vn/nhung- truong-hop-khong-nen-giu-thai/ 1809
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
35=>2