intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Luận văn Thạc sĩ Văn học: Sự hình thành và phát triển của một số thể văn xuôi quốc ngữ trên Nam phong tạp chí

Chia sẻ: Minh Tú | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:150

21
lượt xem
3
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Mục đích chính mà luận văn này muốn đạt tới chính là việc tìm ra hướng vận động của "truyện ngắn" và "ký" từ truyền thống đến hiện đại, từ phương Tây sang Việt Nam, đồng thời chỉ ra được những đóng góp của hai thể loại này cho quá trình hiện đại hoá văn học Việt Nam.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Luận văn Thạc sĩ Văn học: Sự hình thành và phát triển của một số thể văn xuôi quốc ngữ trên Nam phong tạp chí

  1. ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN NGUYỄN THỊ HỒNG NHUNG SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA MỘT SỐ THỂ VĂN XUÔI QUỐC NGỮ TRÊN NAM PHONG TẠP CHÍ LUẬN VĂN THẠC SĨ Mã số: 5 04 33 Người hướng dẫn: PGS.TS. Trần Ngọc Vương HÀ NỘI - 2004
  2. Luận văn thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng Nhung MỤC LỤC A. PHẦN MỞ ĐẦU .......................................................................................... 12 B. PHẦN NỘI DUNG ....................................................................................... 21 CHƢƠNG I: GIỚI THUYẾT CHUNG ........................................................... 21 1.1. Khái niệm "thể loại nhỏ" .......................................................................................................... 21 1.1.1. Thế nào là "thể loại nhỏ"? ................................................................................................. 21 1.1.2. Cơ sở lý luận. .................................................................................................................... 27 1.2. Những tiền đề cho sự "định hình" và phát triển các "thể loại nhỏ" của văn xuôi nghệ thuật trong giai đoạn giao thời (1900 - 1930). ................................................................................................... 32 1.2.1. Những tiền đề lịch sử - văn hoá. ......................................................................................... 32 1.2.2. Đội ngũ sáng tác và các quan niệm về văn xuôi nghệ thuật, về thể loại văn xuôi nghệ thuật của các tác giả văn học giai đoạn giao thời (1900- 1930). ........................................................... 39 1.3. Tiểu kết. ................................................................................................................................... 51 Chƣơng II .......................................................................................................... 52 KHÁI QUÁT VỀ NAM PHONG VÀ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA CÁC THỂ VĂN XUÔI NGHỆ THUẬT TRÊN NAM PHONG ....................................... 52 2.1.Khái quát về Nam Phong. .......................................................................................................... 52 2.1.1. Bối cảnh tồn tại của Nam Phong ........................................................................................ 52 2.1.2. Nam Phong tạp chí và các tác giả tiêu biểu của nó. ............................................................ 56 2.2.Các thể loại văn xuôi nghệ thuật trên Nam Phong tạp chí. ......................................................... 62 2.2.1. Các "truỵện ngắn" và "tiểu thuyết" trên Nam Phong. ......................................................... 63 2.2.2. Văn biên khảo trên Nam Phong tạp chí. ............................................................................. 66 2.2.3. Văn học dịch trên Nam Phong ........................................................................................... 68 2.2.4. "Ký" trên Nam Phong. ....................................................................................................... 70 2.3. Tiểu kết. ................................................................................................................................... 73 Chƣơng III ........................................................................................................ 73 SỰ PHÁT TRIỂN CỦA "KÝ " VÀ "TRUYỆN NGẮN" VIẾT BẰNG CHỮ QUỐC NGỮ TRÊN NAM PHONG TẠP CHÍ - NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA HAI THỂ LOẠI NÀY CHO QUÁ TRÌNH HIỆN ĐẠI HOÁ VĂN HỌC. ................................................................................. 73 1
  3. Luận văn thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng Nhung 3.1- "Truyện ngắn" viết bằng chữ quốc ngữ trên Nam Phong tạp chí -những biểu hiện nội dung và nghệ thuật. ...................................................................................................................................... 74 3.1.1- Vài nét về nguồn gốc và các quan niệm của nhà văn giai đoạn giao thời (1900 - 1930) về truyện ngắn. ................................................................................................................................ 75 3.1.2. Những biểu hiện về nội dung và nghệ thuật của "truyện ngắn" Nam Phong. ....................... 79 3.1.3. Những đóng góp của "truyện ngắn" trên tạp chí Nam Phong cho quá trình hiện đại hoá văn học Việt Nam............................................................................................................................. 101 3.2- "Ký" Nam Phong - những biểu hiện nội dung và hình thức. .................................................... 109 3.2.1- Vài nét về nguồn gốc và những quan điểm của các tác giả đương thời ............................. 109 về thể "ký". ................................................................................................................................ 109 3.2.2- Vài nét về nội dung và nghệ thuật của "ký" Nam Phong. .................................................. 112 3.2.3. Những đóng góp của "ký" trên Nam Phong cho quá trình hiện đại hoá văn học.............................. 139 3.3- Tiểu kết. ................................................................................................................................. 143 C. KẾT LUẬN ................................................................................................ 144 PHỤ LỤC ....................................................................................................... 148 2
  4. Luận văn thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng Nhung A. PHẦN MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài - phạm vi nghiên cứu. "Đằng sau cái mặt ngoài sặc sỡ và đầy tạp âm ồn ào của tiến trình văn học, người ta không nhìn thấy vận mệnh to lớn và căn bản của văn học và ngôn ngữ, mà những nhân vật chính nơi đây trước hết là các thể loại, còn trào lưu, trường phái chỉ là những nhân vật hạng nhì và hạng ba" [ 7, 28 ]. Những phát hiện về vai trò, vị trí của thể loại trong dòng chảy văn học của M.Bakhtin đã khiến giới nghiên cứu, phê bình văn học, trước đây vốn chỉ quan tâm đến nội dung, trường phái, trào lưu..., nhìn vấn đề thể loại bằng con mắt khác, ít xa lạ hơn. Nhiều công trình nghiên cứu đã mạnh dạn đưa ra những đánh giá chung về đặc điểm của một nền văn học thông qua hệ thống thể loại. Không ít nhà nghiên cứu, phê bình văn học Việt Nam nhất trí với quan điểm:"Để có thể phân kì lịch sử văn học một cách chính xác, thể loại là một tiêu chí quan trọng", thậm chí có người còn khẳng định:"lịch sử văn học là lịch sử phát triển của thể loại văn học" (Bùi Duy Tân). Thực tế chứng minh, thể loại là một tiêu chí quan trọng để khảo sát các tiến trình văn học sử. Từ việc đổi thay cơ bản của một hệ thống thể loại, người ta có cơ sở để bàn tới sự thay thế của một hệ hình văn học này đối với một hệ hình văn học khác, của một thời đại văn học này đối với một thời đại văn học khác. Ở phương Tây, đó là "sự phong thánh của các thể loại nhỏ" (từ dùng của M.Bakhtin), với trung tâm điểm là tiểu thuyết, nó "diễu nhại" các "thể loại lớn" của nền văn học Cổ đại Hy-La. Còn ở phương Đông, đó là sự đổi thay của nền văn học từ phạm trù trung đại sang hiện đại, thể hiện rõ nét nhất ở quá trình dịch chuyển của các thể loại từ vùng ngoại biên vào vùng trung tâm. Những thể loại trong nền văn học cổ, trung đại vốn bị coi thường, bị xem là "ngoại thư, thạp thuyết" thì đến một thời điểm nhất định, trước những tác động của hoàn cảnh lịch sử đã tự vận động để trở thành những thể loại chủ chốt của nền văn học mới. Một sự đổi thay ở qui mô như vậy cũng đã diễn ra trong lịch sử văn học Việt Nam, trong khoảng thời gian cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Vào thế kỷ XVIII, trong bài Tựa tập thơ Tinh xà kỷ hành, Ngô Thì Nhậm viết: "(...) Nước Việt ta lấy văn hiến giữ nước, thơ ca thai ngén từ đời Lý, thịnh vượng ở đời Trần, dấy lên rầm rộ vào đời Hồng Đức, đời Lê. Một bộ Toàn Việt thi lục, xét về cổ thể thì không nhừng thi ca đời Hán, đời Tấn. Xét về cận thể thì không nhường thi ca các đời Đường, Tống, Nguyên, Minh nhả ngọc, phun châu, thật 1
  5. Luận văn thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng Nhung đáng gọi là một nước thơ" [41, 76]. Những lời ca ngợi đó đủ để nói lên bề dày của văn học truyền thống, đồng thời cũng nhấn mạnh vai trò của thơ ca trong nền văn học quá khứ. Cho đến hết thế kỷ XIX, Việt Nam đã có hơn 900 năm phát triển văn học - một nền văn học mang tính khu vực, sáng tác bằng chữ Hán và chữ Nôm, chịu ảnh hưởng sâu sắc của các thể loại văn học Trung Quốc, với thơ ca nằm ở vị trí trung tâm. Sang đầu thế kỷ XX, trên tiến trình văn học dân tộc diễn ra một quá trình chuyển đổi loại hình, phá vỡ những ranh giới khu vực, đón nhận những nguồn ảnh hưởng khác, từng bước hoà nhập vào quĩ đạo văn học toàn cầu. Trên cơ sở đó, diễn ra song song sự phân giải cấu trúc nền văn học Hán Nôm trung đại và tái cấu trúc một nền văn học mới, viết bằng chữ quốc ngữ, theo định hướng cận hiện đại hoá. Thơ tuy vẫn phát triển với một đội ngũ sáng tác đông đảo nhưng càng về sau thì vai trò độc tôn của nó càng giảm. Thơ rất gần với văn xuôi, thể thơ tự do phát triển, ngôn từ không bị gò ép bởi niêm luật mà trở nên phóng túng hơn. Điều đó chứng tỏ bước sang thời kỳ cận hiện đại những thể loại vốn được coi là cao quý, chính thống như thơ ca, phú, văn chính luận…đã không còn được sáng tác nhiều và tôn trọng như trước.Thay vào đó là sự nảy nở của các thể văn xuôi mới, du nhập từ phương Tây (tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch… ) và các thể văn cách tân từ văn học truyền thống, trước đây bị coi là "nhỏ bé", "tầm thường" (truyện ký, tuỳ bút, ký sự … ). Nhà nghiên cứu Dương Quảng Hàm trong Việt Nam văn học sử yếu cũng đã đề cập tới sự đổi thay này: "Các cụ ta xưa không hề viết kịch bản và tiểu thuyết (….) văn xuôi thì trong Việt văn hầu như không có (…) các cụ chỉ viết văn vần như thơ, phú, ca, ngâm…"[16, 412]. Và khi nhìn nhận về "tương lai của một nền quốc văn mới" ông đưa ra nhận xét: "các thể văn cũ biến cải đi, các thể văn mới (tiểu thuyết, phê bình, kịch…) được các nhà chế tác viết theo…" Những kiến giải sơ lược trên đây cho thấy, vấn đề thể loại luôn là một vấn đề khó và chưa được khai thác một cách thấu triệt, mặc dù nó giữ một vai trò không kém phần quan trọng trong tiến trình phát triển văn học. Trước những đổi thay của văn học từ phạm trù trung đại sang hiện đại, từ nền văn học viết bằng chữ Hán, chữ Nôm sang nền văn học viết bằng chữ quốc ngữ, hệ thống thể loại cũng đã có sự vận động, biến đổi. Văn xuôi nghệ thuật phát triển làm lu mờ vị trí của thơ ca, tiểu thuyết, truyện ngắn, ký, kịch,… như bừng tỉnh sau một giấc ngủ dài, tạo nên một diện mạo mới cho văn học dân tộc. Những đặc điểm này là lý do đầu tiên và quan 2
  6. Luận văn thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng Nhung trọng nhất để chúng tôi lựa chọn đối tượng nghiên cứu là vấn đề thể loại, cụ thể là những thể văn xuôi viết bằng chữ quốc ngữ. Có một điều đáng lưu ý là, sự đổi thay hệ thống thể loại không phải thông qua một sự "lật đổ, cách mạng" nào đó, những cái mới đến thay thế những cái cũ nhưng không phải chúng hoàn toàn xuất hiện "từ hư vô". Lịch sử văn học thế giới cung cấp vô số tư liệu để chứng minh rằng trước khi một hay một vài thể loại nào đó trở nên là "chủ chốt, quan trọng, không thể thiếu" trong một giai đoạn của một nền văn học cụ thể, chúng đã phải kinh qua một quá trình lâu dài phát sinh, phát triển, bị kiểm nghiệm, bị thử thách và phải tự chứng tỏ "quyền tồn tại" của bản thân. Các thể loại văn học Việt cũng không nằm ngoài qui luật đó. Vì vậy, khi tìm hiểu một thể loại nào đó và muốn khẳng định vị trí của nó trong một nền văn học cần thiết phải hiểu rõ được qui luật vận động, phát triển này. Hơn thế, sự phát triển rực rỡ của văn xuôi viết bằng chữ quốc ngữ và sự "định hình", phát triển của hàng loạt "thể loại mới" được du nhập từ phương Tây hoặc cách tân từ những thể loại của văn học truyền thống ở thời kỳ hiện đại không chỉ là sự tự thân mà phải có một xuất phát điểm. Xuất phát điểm cho sự khởi đầu mới này là ở những năm đầu thế kỉ XX và được thể hiện khá rõ trên những tờ báo, tạp chí đầu tiên của nền báo chí Việt Nam. Xét trong lịch sử báo chí thì Nam Phong không phải là là tờ tạp chí ra đời đầu tiên, nhưng nó lại có vai trò nhiều mặt trong đời sống tinh thần của xã hội Việt Nam trong vài chục năm đầu thế kỉ XX. Xét về quy mô, dung lượng, mức độ sâu rộng của kiến thức phản ánh thì không có tạp chí nào đầu thế kỷ XX có thể so sánh với nó.Tuy mang tính bách khoa như vậy nhưng Nam Phong vẫn giành phần trang trọng nhất, lớn nhất cho văn học như: du ký, du hành, tiểu thuyết, tản văn, truyện ngắn, thơ ca, lý luận phê bình… Với lịch sử văn học Việt Nam giai đoạn giao thời, dù muốn dù không Nam Phong đã để lại những dấu ấn đáng kể. Nghiên cứu văn học Việt Nam giai đoạn giao thời không thể bỏ qua Nam Phong tạp chí. Những sáng tác được đăng tải trên Nam Phong thể hiện một đời sống thể loại hết sức phong phú, đặc biệt là "truyện ngắn" và "ký". Hai thể loại này không chỉ làm nên nét đặc trưng riêng cho Nam Phong mà còn góp phần đắc lực vào quá trình hiện đại hoá văn học Việt Nam. Đây là điều người viết đặc biệt quan tâm và đã chọn các sáng tác trên Nam Phong cho đề tài của mình. 3
  7. Luận văn thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng Nhung Như đã đề cập đến ở trên, thể loại là một vấn đề phức tạp và gây nhiều tranh cãi. Đây cũng là một lĩnh vực rất khó giống như con đường nhiều chông gai mà người bộ hành nào cũng ngại đi qua. Quyết định đặt chân lên con đường ấy người viết phải cố gắng rất nhiều. Tuy nhiên, vì khả năng và kiến thức còn hạn chế nên người viết chỉ khám phá một phần hết sức nhỏ bé đó là một vài thể văn xuôi quốc ngữ, cụ thể là hai "thể loại nhỏ" truyện ngắn và ký. Mặt khác, lịch sử văn học Việt Nam rất bề thế mà khuôn khổ của luận văn thì có hạn, chúng tôi chỉ xin tập trung vào một giai đoạn - giai đoạn văn học có nhiều biến động và có sức ảnh hưởng sâu đậm nhất đến tiến trình phát triển của cả nền văn học - giai đoạn giao thời (1900-1930) và cũng chỉ xét trên tờ tạp chí tiêu biểu nhất - tạp chí Nam Phong. Trước khi tiến hành trình bày các vấn đề tiếp theo, chúng tôi muốn lưu ý một điểm chúng tôi muốn lưu ý một điểm, việc chúng tôi dùng thuật ngữ "thể loại nhỏ" để gọi tên các thể văn xuôi nghệ thuật không phải là sự tuỳ tiện. Thuật ngữ này, M.bakhtin (nhà nghiên cứu văn học Nga) đã dùng khi viết về quá trình vận động, phát triển của tiểu thuyết trong lịch sử văn học và nó cũng đã xuất hiện trong cuốn Truyện ngắn Nga hiện đại của nhà văn E.Subin. Còn việc tại sao lại gọi các thể loại văn xuôi nghệ thuật là các "thể loại nhỏ" chúng tôi sẽ giải thích ở chương đầu của luận văn. 2. Mục đích nghiên cứu - ý nghĩa thực tiễn của luận văn. Lấy đối tượng nghiên cứu là hai thể loại "truyện ngắn" và "ký" và được giới hạn phạm vi khảo sát trên tạp chí Nam Phong, mục đích nghiên cứu - ý nghĩa thực tiễn của luận văn thể hiện ở mấy điểm sau : - Về nhận thức lịch sử văn học, với đối tượng nghiên cứu và phạm vi khảo cứu như trên, chúng tôi đã tự xác định tính chất của luận văn là một nghiên cứu về lịch sử văn học. Hiển nhiên, yêu cầu đặt ra đối với người làm công tác nghiên cứu văn học sử là rất rộng lớn.Vì đối tượng nghiên cứu là các sáng tác của văn học quá khứ, lại trên một tờ tạp chí do Pháp bảo trợ, nên yêu cầu đặt ra cho người nghiên cứu là phải sưu tầm và khảo tra đầy đủ ở mức có thể các sáng tác, bài viết thuộc hai thể "truyện ngắn" và "ký" đăng trên tạp chí này, đồng thời đặt chúng trong dòng chảy văn học, trong sự so sánh với các bộ phận sáng tác khác trên một số báo, tạp chí đương thời. Công việc đó cho phép tái hiện lại đời sống của hai "thể 4
  8. Luận văn thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng Nhung loại nhỏ" này trong một thời kỳ lịch sử phức tạp, trên một tờ tạp chí có nhiều "vấn đề" với tất cả tính đa dạng, nhiều vẻ của chúng . - Không chỉ dừng lại ở đó, mục đích chính mà luận văn này muốn đạt tới chính là việc tìm ra hướng vận động của "truyện ngắn" và "ký" từ truyền thống đến hiện đại, từ phương Tây sang Việt Nam, đồng thời chỉ ra được những đóng góp của hai thể loại này cho quá trình hiện đại hoá văn học Việt Nam. Đạt được mục đích đó, luận văn của chúng tôi góp phần thúc đẩy tiếp một hướng nghiên cứu mới - nghiên cứu loại hình học thể loại (ở đây là "thể loại nhỏ "). Luận văn này sẽ phục vụ trực tiếp công việc tìm hiểu và giảng dạy văn học Việt Nam (đặc biệt là mảng văn chương trên báo chí đầu thế kỷ XX) ở các cấp đại học, cao đẳng và phổ thông trung học. Nó có thể được sử dụng làm tư liệu tham khảo cho giáo viên, sinh viên, học sinh ở các cấp học này. 3.Tình hình nghiên cứu - những nguồn tư liệu . Lấy đối tượng nghiên cứu là "truyện ngắn "và "ký" viết bằng chữ quốc ngữ trên Nam Phong tạp chí, nguồn tư liệu chính của luận văn này là toàn bộ các "truyện ngắn"(đoản thiên tiểu thuyết…) và các bài "ký" được Nam Phong giới thiệu trong suốt 17 năm tồn tại với 210 số báo . Đồng thời, để phục vụ tốt cho việc viết luận văn, chúng tôi còn tham khảo một số báo, tạp chí cùng thời hay gần gũi về thời điểm xuất hiện và tồn tại với Nam Phong như: Đông Dương tạp chí, Hữu Thanh tạp chí nhằm mục đích so sánh các sáng tác trên đó . Để hệ thống hoá được mảng "truyện ngắn","ký" trên Nam Phong vào thời điểm diễn ra tình trạng "bất qui tắc" trong tên gọi thể loại, chúng tôi dựa theo cuốn Mục lục phân tích tạp chí Nam Phong của tác giả Nguyễn Khắc Xuyên.Việc định loại các sáng tác của Nam Phong tạp chí chúng tôi cũng dựa theo phần lớn quan điểm của tác giả này . Song song với những nguồn văn liệu ấy, một nguồn văn liệu quan trọng khác là những công trình thể hiện tư tưởng, quan niệm về các thể loại văn xuôi nghệ thuật đăng tải trên những tạp chí giai đoạn giao thời trong đó Nam Phong là tạp chí giới thiệu nhiều bài viết về lý luận thể loại hơn cả, và đáng chú ý nhất là công trình Khảo về tiểu thuyết của Phạm Quỳnh. Ở công trình này, Phạm Quỳnh đã đưa ra một định nghĩa về "tiểu thuyết" (trong đó bao hàm cả truyện ngắn)-một thể loại 5
  9. Luận văn thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng Nhung mới, du nhập từ phương Tây và khẳng định đó là "thể văn thịnh hành nhất thời nay". Cuối cùng là những công trình mang ý nghĩa phương pháp luận nghiên cứu, thể hiện trong những bộ lịch sử văn học, chuyện khảo. Ngay từ bộ lịch sử văn học đầu tiên được biên soạn ở Việt Nam - Việt Nam văn học sử yếu(1941), tác giả Dương Quảng Hàm đã dành khá nhiều trang viết về Nam Phong . Ông đã có nhiều nhận xét sắc sảo về "nhóm Nam Phong" và sự chuyển biến của hệ thống thể loại từ trung đại sang hiện đại, đồng thời với những nhận xét đó là những dự báo về một nền văn xuôi mới - văn xuôi quốc ngữ. Sau bộ lịch sử văn học có ý nghĩa tiên phong này, nhiều bộ lịch sử văn học khác được biên soạn liên tục trong thời điểm đất nước bị chia cắt đều có những trang viết hết sức nghiêm túc, công phu về văn học giai đoạn giao thời nói chung và những thể loại mới trên các báo, tạp chí đương thời và nhất là Nam Phong tạp chí . Ở miền Nam, trước năm 1975 có thể kể đến những bộ Việt Nam văn học sử trích yếu của Nghiêm Toản, Việt Nam văn học sử giản ước tân biên của Phạm Thế Ngũ, Lược sử văn học Việt Nam của Thế Phong, các bộ Lược thảo lịch sử văn học Việt Nam của nhóm Lê Quý Đôn, các giáo trình lịch sử văn học Việt Nam của trường Đại học Sư phạm và Đại học Quốc gia Hà Nội… Bên cạnh những công trình lịch sử văn học trên còn có những chuyên luận về văn học giai đoạn giao thời nói chung và một số vấn đề của văn chương trên Nam Phong nói riêng như cuốn Chủ đích Nam Phong của Nguyễn Văn Trung, Truyện ngắn Nam Phong của Lại Văn Hùng, Phê bình và cảo luận của Thiếu Sơn, Bảng lược đồ văn học Việt Nam của Thanh Lãng, Văn học Việt Nam giai đoạn giao thời của Trần Đình Hượu- Lê Chí Dũng, Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan hay một số bài báo, bài nghiên cứu trên các tạp chí chuyên ngành. Đối chiếu những công trình nói trên có thể cho phép hình dung khá đầy đủ về thực tế văn học đương thời và phần nào bộ phận văn chương nghệ thuật trên Nam Phong tạp chí . Tuy nhiên, hạn chế chính là phần lớn những công trình đó đều được trình bày theo lối khảo tả hoặc dùng nhận thức cảm tính chủ quan bình giảng, diễn dịch từng tác phẩm văn học. Một số công trình có cách tiếp cận khách quan và khoa học hơn cả như Bảng lược đồ văn học Việt Nam và Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, thế nhưng, đúng như tên gọi chúng chỉ là những "bảng lược đồ", những cuốn" văn học sử giản ước" nghĩa là chúng chỉ mang tính tổng 6
  10. Luận văn thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng Nhung quan về văn học sử. Cuốn Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan là một công trình nghiên cứu, phê bình tác giả- tác phẩm, 79 nhà văn tiêu biểu tham gia sáng tác văn học quốc ngữ giai đoạn từ cuối thế kỉ XIX đến đầu những năm bốn mươi đã được Vũ Ngọc Phan giới thiệu, trong đó có tới 7 tác giả của Nam Phong. Ông đã đưa ra những nhận xét khá sắc sảo về lối viết ký của Phạm Quỳnh, những truyện ngắn của Phạm Duy Tốn, Nguyễn Bá Học, các trang văn của Đông Hồ… Tuy nhiên, các nhận xét, đánh giá của Vũ Ngọc Phan còn mang nặng tính chủ quan, chung chung… Ở những công trình nghiên cứu này, vấn đề thể loại không được chú ý nhiều, chưa được khai thác đến mức thấu triệt. Sở dĩ có hạn chế này là do các tác giả vẫn thiếu một ý thức rành mạch, đầy đủ về tình trạng thể loại trong văn xuôi nghệ thuật Việt Nam giai đoạn giao thời. Chịu ảnh hưởng của một xu hướng nghiên cứu phương Tây, trung tâm điểm chú ý của các ông hầu như chỉ tập trung vào "tiểu thuyết" những thể văn xuôi nghệ thuật khác như "ký" "đoản thiên" "truyện ngắn"đều bị coi như những sản phẩm thứ sinh , cấp thấp, bước chuẩn bị cho sự ra đời của "tiểu thuyết". Thực tế lịch sử văn học Việt Nam đã chứng minh cơ hồ ngược lại, ít nhất những thể loại "cỡ nhỏ"đó cũng có địa vị ngang bằng với "tiểu thuyết". Mặc dù từ trước tới nay chưa có một công trình nghiên cứu chuyên sâu nào về vấn đề "định hình" và phát triển các "thể loại nhỏ" của văn xuôi Việt ngữ giai đoạn giao thời và nhìn thấy được vai trò quan trọng của chúng trong tiến trình phát triển văn học, nhưng các nhà nghiên cứu cũng đã có ý thức về tính cụ thể lịch sử khi nghiên cứu văn xuôi nghệ thuật Việt Nam. Và cũng đã bước đầu có những nhìn nhận đúng đắn về vai trò sự biến đổi của hệ thống thể loại. Trong công trình nghiên cứu văn học Việt Nam giai đoạn giao thời 1900-1930 của các tác giả Trần Đình Hượu và Lê Chí Dũng, các thể loại đã được nhìn nhận như một thứ hình thức mang tính nội dung hàm chứa "nội dung thế giới quan" (theo ngôn ngữ M.Bakhtin). Với một cái nhìn mang tính cụ thể lịch sử, các ông đã vạch được con đường phát triển của văn xuôi nghệ thuật hiện đại với hai khuynh hướng chính: tổng duyệt lại những thể văn học truyền thống và mô phỏng văn học phương Tây. Những thể loại mới của văn xuôi nghệ thuật (trong đó bao hàm cả các "thể loại nhỏ") được đặt trong mối quan hệ với truyền thống truyện và ký của văn học dân tộc và văn học nước ngoài. Chính nhờ đó các ông đã phát hiện ra quá trình biến dạng của truyện ngắn và tiểu thuyết hiện đại khi du nhập vào Việt Nam và quá 7
  11. Luận văn thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng Nhung trình cách tân của thể truyện, ký truyền thống. Đây là những chỉ dẫn khái quát giúp chúng tôi tìm ra hướng khảo sát quá trình "định hình" và phát triển hai "thể loại nhỏ" của văn xuôi quốc ngữ trên Nam Phong tạp chí. 4. Phương pháp nhiên cứu. Khảo sát sự "định hình" và phát triển của thể "truyện ngắn" và "ký" trên một tờ tạp chí của giai đoạn đầu thế kỷ XX, chúng tôi xác định tính chất của luận văn là một nghiên cứu văn học sử. Khái niệm "văn học sử " mà chúng tôi sử dụng ở đây được hiểu như là việc định vị và giải thích sáng tác văn học trong một tập hợp xác định những ảnh hưởng quy định về lịch sử, xã hội,tư tưởng, văn hoá. Hiển nhiên chúng tôi còn xác định tính chất của công trình là một nghiên cứu loại hình học thể loại, nghĩa là tập trung vào việc khảo sát phương diện hình thức thể loại của văn xuôi nghệ thuật (cụ thể là hai "thể loại nhỏ" truyện ngắn và ký). Trước hết, bằng những kiến thức về lý luận thể loại và kiến thức văn học sử chúng tôi tiến hành giới thuyết nhằm đưa ra một cách hiểu nhất định về "thể loại nhỏ ", sau đó chúng tôi định vị sự phát triển của các "thể loại nhỏ" trong bối cảnh lịch sử đương thời, đồng thời tìm ra những tiền đề cho sự phát triển ấy. Trong đó chúng tôi đặc biệt chú ý đến việc đi tìm quan niệm về thể loại của nhà văn đương thời. Sau phần giới thuyết chung về vấn đề thể loại và định vị vị trí của các "thể loại nhỏ" trong bối cảnh lịch sử - văn hoá, trong suy nghĩ, nhận thức của nhà văn, chúng tôi tiến hành khảo sát một cách sơ lược bộ phận sáng tác bằng văn xuôi quốc ngữ trên tạp chí Nam Phong trong hoàn cảnh tồn tại, phát triển hết sức phức tạp của tờ tạp chí này. Về cơ bản, công việc được tiến hành theo phương pháp thực chứng, khảo tra. Vẫn bằng phương pháp thực chứng, khảo tra đồng thời kết hợp cả phương pháp thống kê, phân loại; phương pháp phân tích, tổng hợp… chúng tôi đã mô tả lại quá trình "định hình" và phát triển của hai thể "truyện ngắn" và "ký" trên tạp chí Nam Phong.Sau đó chúng tôi tiến hành so sánh với những tác phẩm của các tác giả khác cùng thời với những tác giả của Nam Phong để rút ra những nhận định về vai trò, vị trí của truyện ngắn và ký Nam Phong trong toàn bộ tiến trình văn học dân tộc, từ truyền thống đến hiện đại. 8
  12. Luận văn thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng Nhung B. PHẦN NỘI DUNG CHƢƠNG I GIỚI THUYẾT CHUNG 1.1. Khái niệm "thể loại nhỏ" 1.1.1. Thế nào là "thể loại nhỏ"? Từ xưa đến nay, thể loại văn học luôn là vấn đề phức tạp, gây không ít khó khăn cho các nhà nghiên cứu bởi tính "không tuỵêt đối thống nhất về tên gọi và quan niệm trong các nền văn học khác nhau, cũng như trong các giai đoạn lịch sử khác nhau của nền văn học" [20,13]. Chính vì vậy để đưa ra một khái niệm "thể loại nhỏ" là điều không dễ dàng, nhất là trong điều kiện chưa có một sách lý luận nào trong và ngoài nước đề cập một cách trực tiếp, hay có một định nghĩa rõ ràng vấn đề này. Tuy nhiên, việc xác định thế nào là "thể loại nhỏ" cùng với nội hàm của nó là cần thiết để làm cơ sở cho việc thống kê, phân loại và phân tích, đánh giá các sáng tác văn học, từ đó giúp hình dung được phần nào lịch sử phát triển của nền văn học dân tộc. 9
  13. Luận văn thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng Nhung Trong lịch sử hình thành và phát triển của nền văn học toàn nhân loại, đã xuất hiện nhiều quan điểm thể loại khác nhau và cũng tồn tại nhiều cách phân định thứ bậc cho từng thể loại, dựa trên những tiêu chí nhất định. Tuy vậy, nhìn một cách khái quát thì hai nền văn học phương Đông và phương Tây đã có những mối tương đồng trong việc phân chia thứ bậc cho của thể loại.Từ đầu thế kỷ XX, những nhà nghiên cứu lịch sử ngữ văn theo chủ nghĩa hình thức (formalisme) Nga, đã phát hiện ra quy luật về sự "phong thánh cho các thể loại nhỏ", về quá trình dịch chuyển những thể loại từ vùng ngoại biên vào vùng trung tâm của nền văn học. Quy luật đó hoàn toàn chính xác khi áp dụng vào việc tìm hiểu số phận lịch sử của văn xuôi nghệ thuật Tây Âu. Sự hình thành nên cơ cấu thể loại của văn xuôi nghệ thuật phương Tây chính là sản phẩm của hai quá trình diễn ra song song: quá trình tích tụ những thể loại văn xuôi tự sự từ những bộ phận ngoại vi của nền văn học Cổ đại và Trung cổ, đồng thời với sự chi tiết hoá, phân hoá các thể văn xuôi tự sự. Trong Thi học của Arixtốt, công trình nghiên cứu văn học và mỹ học đầu tiên của phương Tây, hoàn toàn không có chỗ cho văn xuôi nghệ thuật. Nếu như ở Trung Hoa, nghĩa cổ xưa nhất của "tiểu thuyết" (bao hàm cả toàn bộ văn xuôi tự sự) luôn được hiểu trong thế đối lập với kinh sách chính thống là những thứ "đạo thính đồ thuyết" do đám "bái quan" ghi chép, những thứ "tiểu đạo" mà nói như Khổng Tử: "Tuy tiểu đạo nhưng cũng có chỗ khả thư nhưng đi đến xa thì sợ ứ đọng" nên người quâ tử không làm (Lỗ Tấn - Tiểu thuyết Trung Quốc lược sử), thì ở Tây Âu, tình hình cũng tương tự. Trong tiếng Pháp, "prose" (văn xuôi) gần nghĩa với prosaique" (nôm na, tầm thường) và cũng trong thứ ngôn ngữ này, từ "roman" (tiểu thuyết) bắt nguồn từ "romanz" dùng để chỉ thứ ngôn ngữ thông tục, đối lập với tiếng Latinh. Và từ đó phát sinh ra nghĩa thứ hai là văn bản bằng tiếng thông tục, những tác phẩm hư cấu, hoàn toàn đối lập với anh hùng ca (épique) - thi loại cao quý, trang nhã. Dù trong thời Trung cổ, ở Tây Âu, những yếu tố tiền thân của văn học tự sự với các dạng "truyện các thánh", của văn học nhà thờ, truyện kể dân gian và truyện thơ kỵ sĩ đã bắt đầu phát triển mạnh nhưng đồng thời vẫn tồn tại tình trạng nguyên hợp giữa thơ trữ tình và tự sự. Phải đến thời Phục Hưng, ở phương Tây tính tự sự mới đồng nghĩa với tính văn xuôi. Tuy nhiên, trong suốt quãng thời gian từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII, văn xuôi nghệ thuật vẫn giữ địa vị thứ yếu trong văn học Tây Âu. Mặc dù, thời gian này các hình thức tiểu thuyết Tây Âu sơ khai (tiểu thuyết phiêu lưu, tiểu 10
  14. Luận văn thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng Nhung thuyết bợm nghịch) đã tích tụ lại bằng cách kết hợp các dạng thức truyện kể, thế nhưng ranh giới giữa tiểu thuyết và truyện kể vẫn chưa được xác định rõ, tên gọi của chúng cũng chưa có sự thống nhất giữa các tác gia văn học. Hiện tượng này rất gần gũi với văn học phương Đông thời trung đại (đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam). Có thể nói, cho đến tận thế kỷ XVIII, các thể loại văn xuôi nghệ thuật vẫn chưa có một địa vị quan trọng nào trong nền văn học phương Tây. Những dạng thức "còn đang biến đổi", "chưa hoàn chỉnh" như tiểu thuyết, các dạng truyện kể, các bài tản văn nghệ thuật, các đoạn ghi chép cảm xúc, truyện ngụ ngôn... Ở trong tư thế đối lập với các thể loại lớn, các thể loại đã hoàn bị và được "thần thánh hoá" như: sử thi, anh hùng ca... (theo quan điểm của M.Bakhtine). Phải tới thế kỷ XIX thì toàn bộ cơ cấu thể loại của văn xuôi nghệ thuật Tây Âu mới thực sự định hình với thể "tiểu thuyết" ở vị trí trung tâm, thống trị toàn bộ nền văn xuôi nghệ thuật, cuốn vào nó và "tiểu thuyết hoá" (từ dùng của Bakhtine) những thể tự sự khác. Những gì đề cập trên đây cho thấy, trong lịch sử văn học phương Tây (thời Cổ đại và Trung cổ) đã tồn tại sự phân chia thứ bậc trong hệ thống thể loại, hầu hết các thể loại văn xuôi nghệ thuật đều bị xếp bên lề nền văn học, bị coi là thứ văn "nôm na, tầm thường" (prosaique), đối lập với các "thể loại lớn", chứa đầy màu sắc tôn giáo linh thiêng, phục vụ lễ nghi (các tác phẩm thơ ca, các bản anh hùng ca đồ sộ...). Chỉ đến thế kỷ XIX, những thể loại nằm ở vùng ngoại vi, giữ thân phận nhỏ bé, "thấp kém" mới thực sự được tôn vinh, được "phong thánh" và trở thành khuôn mẫu chung cho toàn thế giới. Không chỉ ở phương Tây mới tồn tại quan niệm và ý thức phân chia thứ bậc các thể loại văn học mà ở phương Đông, với tâm điểm là Trung Hoa, sự phân chia thứ bậc thể loại văn học được thể hiện rất rõ và tồn tại dai dẳng qua nhiều thế kỷ. Như đã đề cập đến ở trên, một thời kỳ rất dài ở Trung Hoa, "tiểu thuyết" (bao gồm toàn bộ văn xuôi tự sự) theo nghĩa cổ xưa nhất, là thứ văn tầm thường mà phàm là người quân tử không ai dùng. Nó đối lập với kinh nghĩa, văn sách. Nằm ở vị trí trung tâm được coi là thứ văn cao quý, thiêng liêng, chính thống... là hình thức văn chương khoa cử (kinh nghĩa, văn sách), văn nghị luận (luận), các công văn hành chính (cáo, chế, biểu, tấu, sớ, hịch, dụ...) và văn chép sử. Những 11
  15. Luận văn thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng Nhung thể loại văn chương này đều được viết bằng văn biền ngẫu, theo lối tứ lục hoặc bát cổ (ngoại trừ văn chép sử). Nhiều nhà nghiên cứu gọi các thể loại văn học này bằng cái tên "văn học chức năng". Tiêu chí phân loại những thể loại này đều dựa trên mục đích, công dụng và vị thế của người viết để từ đó quy định toàn bộ những yếu tố thi pháp mang tính khuôn mẫu bắt buộc, trở thành "khuôn vàng, thước ngọc" cho từng thể loại. Chẳng hạn, lời của vua ban hành mệnh lệnh thì gọi là "chiếu", phong thưởng cho công hầu thì gọi là "chế", lời của quan lại, thần dân dâng lên vua để trần tình, tạ ơn, chúc mừng thì gọi là "biểu"... Cơ cấu thể loại "văn học chức năng" được hình thành rất sớm trong văn học Trung Quốc. Trải từ thời Tiên Tần đến thời Đường Tống thì đã ổn định và trở thành điển phạm. Bắt đầu kỷ nguyên tự chủ, khi những triều đại phong kiến Việt Nam thay thế phong kiến phương Bắc làm chủ vận mệnh dân tộc mình thì hệ thống thể loại này, theo một định hướng chiến lược văn hoá chung được chuyển dịch sang nước ta. Và chúng được sử dụng mà hầu như không có gì thay đổi, cho đến tận đầu thế kỷ XX, khi chế độ phong kiến Việt Nam chấm dứt số phận lịch sử. Vì thế, cũng giống như ở Trung Quốc, bộ phận văn học này giữ vị trí trung tâm, là thứ văn chương cao quý trong nền văn học cổ, trung đại Việt Nam. Đối lập với những thể loại "văn học chức năng" ấy là những thể văn phi chức năng, "phi chính thống", nằm ở ngoại vi của nền văn học, bị coi là thứ văn "nôm na, mách qué". Những thể loại này hầu hết đều thuộc bộ phận văn xuôi nghệ thuật mà tiêu biểu là: tiểu thuyết chương hồi, truyện ký, tự sự, truyện truyền kỳ, văn cảm xúc, văn biên khảo... Văn xuôi Việt Nam từ thế kỷ X đến thế kỷ XV chủ yếu thuộc về bộ phận văn chương chính thống, phục vụ chính quyền, tiêu biểu là loại "văn chép sử" lấy việc "tín bút", "ký thực" làm nguyên tắc. Ngoài ra là những thể loại như: chiếu, hịch, các bài văn tế, văn bia, văn chương cử tử các loại..., thậm chí có cả những tác phẩm lý luận tôn giáo (Khoá hư lục), những bộ chính sử (Đại Việt sử ký toàn thư, Lam Sơn thực lục), những tác phẩm khảo cứu, ghi chép về địa lý, văn hoá (An Nam chí, Dư địa chí)... Nhìn chung, văn xuôi giai đoạn này chưa có sự phân tách rõ ràng giữa văn xuôi nghệ thuật và phi nghệ thuật, giữa văn-sử và triết. Ngoại trừ một tác phẩm đặc biệt là Nam Ông mộng lục của Hồ Nguyên Trừng, viết vào thế kỷ XV, ở Trung Quốc, ghi lại những hồi ức, sự kiện xảy ra tại Việt Nam trong những năm cuối triều Trần. Vị thế của tác giả cho phép tác phẩm phần 12
  16. Luận văn thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng Nhung nào thoát khỏi ảnh hưởng của những thể loại "văn học chức năng" và mang đậm màu sắc nghệ thuật. Ở những thế kỷ tiếp theo của văn học Trung đại (XVII, XVIII, XIX), mặc dù trong quan niệm và thực tiễn sáng tác, những thể loại lớn, mang tính chức năng vẫn nằm ở vị trí trung tâm của nền văn học, vẫn được coi là thứ văn chương đích thực, nhưng cũng đã hình thành một vài nhóm thể loại không phục vụ chức năng hành chính. Những nhóm thể loại hiển nhiên không được coi trọng và cũng không cao quý như các thể loại văn chương chính thống, nó chấp nhận một thân phận thấp kém, nhỏ bé hơn. Khởi đầu là những tác phẩm "ký" và "chí" mà thực chất là những tiểu thuyết chương hồi về đề tài lịch sử, có nguồn gốc từ truyền thuyết, thần thoại, thần tích của văn hoá dân gian như: Hoàng lê nhất thống chí, Việt Nam khai quốc chí truyện, Hoan Châu ký... Đến thế kỷ XVIII, chịu ảnh hưởng từ văn học Trung Quốc (chẳng hạn Tiễn đăng tân thoại của Cù Hựu), truyện "chí quái", "chí dị" phát triển thành truyền kỳ với tác phẩm tiêu biểu Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ. Hay trước đó (?) là Thánh Tông di thảo mà vấn đề niên đại lẫn tác giả hiện còn làm giới nghiên cứu băn khoăn. Cùng với truyền kỳ, một hình thức văn xuôi nghệ thuật khác cũng khá phổ biến trong giai đoạn thế kỷ XVII, XVIII là các thể loại tuỳ bút, bút ký: Vũ trung tuỳ bút, Tang thương ngẫu lục, Đào hoa mộng ký... Đây là nhóm thể loại đặc biệt phức tạp, vừa có sự giao thoa với các loại "chí dị", "truyền kỳ" ở loại truyện ghi chép tiểu sử, sự việc khác thường, vừa mang dáng dấp những bài bút ký ghi chép thế sự, phong cảnh, phong tục... xen lẫn triết lý, ký ngụ tâm sự của tác giả (Vũ trung tuỳ bút, Thượng kinh ký sự, Công dư tiệp ký...) Thể loại này có ảnh hưởng không nhỏ đến các sáng tác ở thời kỳ cận, hiện đại, mà đặc biệt là những bài ký trên báo chí đầu thế kỷ XX. Có thể nói, mặc dù không được quan tâm, chú trọng nhiều, những bộ phận văn học với các truyền kỳ, chí quái, bút ký..., lại là bộ phận sáng tác mang đậm tính nghệ thuật nhất của văn học trung đại Việt Nam. Nằm giữa phức hợp các thể loại "văn học chức năng", những thể loại "văn chơi" "phi chính thống"như: tiểu thuyết, ký sự, tuỳ bút, truyền kỳ, chí quái..., mặc dù có tính nghệ thuật cao nhưng lại giữ vị trí khiêm tốn trong nền văn học phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng. Chúng cũng chịu chung số phận như các thể tiểu thuyết, truyện diễu nhại, truyện ngụ ngôn... của văn học phương Tây. Và 13
  17. Luận văn thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng Nhung cũng giống như Tây Âu (nhưng muộn hơn một thế kỷ), trước những biến động của lịch sử văn hoá, trước sự chuyển biến ý thức hệ nhà văn và sự tan rã của những tập quán văn học có "tính chất Trung cổ truyền thống"... thì hệ thống thể loại văn học Việt Nam mới có những đổi thay. Điều này thể hiện bằng việc mất dần các thể loại "văn học chức năng", thay vào đó là các thể loại văn xuôi nghệ thuật được cách tân từ truyền thống và sự du nhập một số thể loại văn học mới từ phương Tây. Nói một cách tổng quát, nếu như ở Tây Âu, người ta gọi sự chuyển biến trong hệ thống thể loại văn học là quá trình dịch chuyển các thể loại từ vùng ngoại biên vào trung tâm, là quá trình "phong thánh cho các thể loại nhỏ", thì ở Việt Nam là quá trình vận động từ mô hình văn học Hán Nôm với cơ cấu "văn thơ phú lục" sang mô hình văn học hiện đại bằng chữ Quốc ngữ với cơ cấu "thơ, kịch, tiểu thuyết". Với tất cả những điều đã trình bày trên đây, mục đích của chúng tôi là đưa ra một cách hiểu về "thể loại nhỏ" và quá trình vận động, phát triển của những thể loại này trong lịch sử văn học. Ở đây, chúng tôi coi những thể loại văn xuôi tự sự mang đậm chất nghệ thuật nhưng lại giữ một địa vị thấp kém, bị coi là thứ văn "nôm na", tầm thường, nằm ở vùng ngoại vi trong cơ cấu văn học Cổ, Trung đại là những "thể loại nhỏ". Những thể loại này nằm trong tư thế đối lập với thứ "văn học chức năng" phục vụ công việc hành chính, lễ nghi, được coi là những thể loại chính thống, cao quý... Sự phân chia thứ bậc (cao - thấp, lớn - nhỏ) trong hệ thống thể loại văn học đã xuất hiện từ rất lâu và không chỉ riêng cho một nền văn học nào mà là chung cho tất cả các nền văn học. Tức là, nền văn học của mỗi dân tộc, ở mức độ khác nhau, trong một giai đoạn lịch sử nào đó cũng đã từng tồn tại những nhóm "thể loại nhỏ", giữ nhiệm vụ làm nền cho các thể loại nòng cốt, tạo nên bức tranh đa dạng về thể loại cho nền văn học ấy. Có một điểm đáng chú ý là hầu hết các "thể loại nhỏ" (ở cả phương Đông và phương Tây) đều thuộc bộ phận văn xuôi tự sự. Ở phương Tây là các loại truyện diễu nhại, truyện ngụ ngôn, tiểu thuyết, ký, kịch..., với thể loại "tiểu thuyết" giữ vị trí chủ chốt, quy tụ xung quanh nó các thể loại "nhỏ bé" khác. Còn ở phương Đông (Trung Quốc và Việt Nam) là các thể truyền kỳ, chí quái, ký sự, tuỳ bút, tiểu thuyết chương hồi...,thậm chí, bao gồm cả những sáng tác "văn chương mang tính trước thuật" là văn biên khảo. 14
  18. Luận văn thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng Nhung Việc coi những thể loại này là "thể loại nhỏ" không chỉ bởi chúng có một thân phận thấp kém, nhỏ bé trong nền văn học (cổ, trung đại), mà còn bởi về mặt dung lượng, chúng cũng thực sự bé nhỏ. Ta có thể dễ dàng nhận thấy, phần lớn các tác phẩm văn xuôi "thể loại nhỏ" đều có dung lượng nhỏ (ngoại trừ tiểu thuyết), so với "sử thi" hay "anh hùng ca" thì chẳng thấm vào đâu. Hầu hết các bài ký, tuỳ bút, các câu truyện ngụ ngôn, chí quái, truyền kỳ... đều dài không quá chục trang sách. Càng về sau, dung lượng của các thể loại này càng có xu hướng ngắn gọn, cô đọng hơn (truyện ngắn, ký, tản văn nghệ thuật... ) Nằm ở vùng ngoại vi của nền văn học trong suốt một thời gian dài, chịu sự "hắt hủi, ghẻ lạnh" nhưng những "thể loại nhỏ" này không phải không có những đóng góp cho kho tàng văn học nhân loại, thậm chí nhiều tác phẩm có giá trị, được lưu truyền muôn đời lại thuộc bộ phận sáng tác này. Trong văn học Việt Nam, đến giai đoạn đầu thế kỷ XX, những "thể loại nhỏ" tiến dần tới vị trí trung tâm của nền văn học, xuất hiện ồ ạt trên các trang báo, tạp chí và chính môi trường báo chí đã "vực dậy" những "thân phận nhỏ bé", bị lãng quên suốt một quãng thời gian dài gần mười thế kỷ. Các "thể loại nhỏ", đến lúc này không còn giữ thân phận nhỏ bé, thấp kém nữa mà được giới văn sĩ quan tâm, sử dụng để phản ánh những vấn đề nóng bỏng, hiện thực nhất của đời sống...Chúng vẫn nhỏ về mặt dung lượng, hình thức thể loại nhưng hoàn toàn không nhỏ về mặt ý nghĩa, vị trí, vai trò trong nền văn học. Chính những "thể loại nhỏ", thể loại mới được định hình trong giai đoạn giao thời đã góp phần quan trọng vào quá trình hiện đại hoá văn học Việt Nam. Nói tóm lại, việc đưa ra một khái niệm, một định nghĩa chính xác đến từng câu chữ, giống như việc định nghĩa một vấn đề trong toán học đối với "thể loại nhỏ" là điều bất khả thi, bởi lẽ thể loại là một vấn đề phức tạp và "luôn biến đổi". Trả lời câu hỏi: "Thế nào là "thể loại nhỏ"?" cũng giống như việc trả lời "Thơ là gì?", "thế nào là tiểu thuyết?"..., có thể có rất nhiều định nghĩa, cách hiểu khác nhau cho những vấn đề này và không bao giờ chúng ta có một lời giải đáp giải đáp thống nhất, trọn vẹn. Chính vì vậy, trong khuôn khổ giới hạn của luận văn cũng như sự giới hạn trong kiến thức, chúng tôi chỉ xin đưa ra đây một cách hiểu, một cách hình dung về "thể loại nhỏ" dựa trên thực tế lịch sử hình thành và phát triển, cũng như sự phân chia thứ bậc hệ thống thể loại văn học. Tất nhiên, đây 15
  19. Luận văn thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng Nhung không phải là những cảm nhận thuần tuý chủ quan, cảm tính mà chúng tôi dã dựa trên những cơ sở lý luận nhất định. 1.1.2. Cơ sở lý luận. Người nghệ sĩ trong quá trình quan sát, học hỏi, chắt lọc để tái tạo một tác phẩm nghệ thuật, cho đến khi hoàn thành tác phẩm ấy thường bị chi phối bởi rất nhiều yếu tố: môi trường, hoàn cảnh, vị thế của mình trong xã hội, xu thế chung của thời đại, thị hiếu của độc giả... nhưng yếu tố quyết định nhiều nhất đến các sáng tác của nhà văn, của nghệ sĩ là quan niệm của họ về cuộc sống, về văn chương. Chính những quan niệm văn chương của các tác giả đã quy định nội dung, tính chất và hình thức thể loại của các tác phẩm văn học. Hiển nhiên, ở mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau, có những quan niệm về văn chương khác nhau. Ở Việt Nam, quan niệm "văn dĩ tải đạo", "thi dĩ ngôn chí" đã từng tồn tại trong lịch sử văn học suốt chín thế kỷ, trở thành một thứ khuôn mẫu bất biến và ảnh hưởng tới toàn bộ nội dung, tính chất cũng như đời sống thể loại của văn học trung đại Việt Nam. Nguyễn Văn Siêu - một tác gia văn học có tiếng cuối thời trung đại từng khẳng định: "Văn với đạo tuy tên gọi khác nhau nhưng thực ra văn vẫn do đạo mà ra". Lê Quý Đôn - nhà văn hoá lớn thế kỷ XVIII cũng cho rằng: "Vô luận cổ văn hay kim văn, tuy thể loại và cấu tạo có khác nhau nhưng đại để đều có nội dung là đạo. Có nội dung ấy thì văn chương phát đạt, không thì loạn" (dẫn theo [41,237]. Khi nhận xét về văn chương, Nguyễn Tư Giản đã phát biểu: "Văn của thánh nhân là để chở đạo, văn của văn nhân là để luận đạo. Cho nên bàn về văn của thánh nhân như sự trong sáng, tinh tế của Chu Dịch, sự thông thoát, chí lý của Thượng Thư, sự uyển chuyển, trung hậu của Kinh thi. Bàn về Văn của văn nhân có văn nghĩa lý, văn chính sự, có văn từ chương, mà cốt yếu là ở thần, ở khí, ở thế, ở cách..." (Trích trong Thạch Nông toàn tập, [41,169]). Những quan niệm của cha ông ta về văn chương cho thấy họ không chú trọng đến bản thân văn chương nghệ thuật mà chú trọng trước hết đến đạo lý. Loại văn nào nói đến đạo lý, phục vụ cho sự nghiệp, nói được chí hướng của con người... thì là loại văn cao quý của các bậc "thánh nhân", "văn nhân". Ngược lại, loại văn nào không "chở đạo", "luận đạo", không đạt được mục đích "giáo huấn", "nói chí hướng" đều bị coi là thứ văn tầm thường, phàm là người quân tử không ai dùng... Những quan niệm văn chương ấy một thời thống trị văn đàn, là nguyên nhân trực tiếp 16
  20. Luận văn thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng Nhung quy định việc phân chia thứ bậc trong hệ thống thể loại của văn học thời trung đại ở Việt Nam. Hệ tư tưởng Nho giáo và chế độ khoa cử là những tác nhân chính làm hình thành các quan niệm về văn chương, về sáng tác của các tác gia văn học trung đại. Ở nước ta, ảnh hưởng của Nho giáo đến sự phát triển của văn học viết sâu rộng không kém ảnh hưởng ấy ở Trung Quốc (nơi Nho giáo hình thành và phát triển). Nho giáo du nhập vào Việt Nam từ thời Bắc thuộc, nhưng phải đến thời kỳ tự chủ nó mới thực sự thịnh đạt. Nho giáo là ý thức hệ chính thống chi phối các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, văn hoá (trong đó có giáo dục, thi cử và văn chương). Nó ảnh hưởng sâu sắc đến văn chương nghệ thuật, tạo ra một lớp nhà văn có cùng một quan niệm văn học, một quan điểm thẩm mĩ, viết cùng những thể loại... Xuất phát từ quan niệm "văn chở đạo", từ chức năng giáo hoá chính tâm, Nho giáo đề cao một số thể loại văn học và loại khỏi phạm vi văn học một số thể loại khác. Các thể loại văn chương mà Nho giáo đề cao là những thể loại văn chương quan dụng dùng trong các trường thi, các thể văn thư hành chính. Người ta gọi chung các thể loại này là "văn chương cử tử", bao gồm: thơ, phú, lục, kinh nghĩa, văn sách... "Văn chương cử tử" có những khuôn mẫu nhất định, bắt buộc các thí sinh trong mỗi kỳ thi phải tuân thủ nghiêm ngặt thể chế văn bài, nếu muốn đỗ đạt.. Chính vì lẽ đó mà loại văn chương này đã bao đời "làm tiêu ma tinh thần sáng tạo của sĩ tử, đẩy ngàn vạn sĩ tử vào cái học hư văn, phù phiếm" [38,126 ]. Ở Trung Quốc từ đời Đường về sau, còn ở ta thì bắt đầu từ thời Lê Thánh Tông, "văn chương cử tử" rất thịnh hành cùng với sự phát triển của chế độ khoa cử. Chính chế độ khoa cử, dưới sự chỉ đạo của tư tưởng Nho giáo đã đẩy lùi và dần loại bỏ văn chương "phi chính thống"- những thể loại không nhằm mục đích "nói chí", "chở đạo", "không tuân theo khuôn phép sáng tác. Ở Trung Quốc, truyền kỳ, tiểu thuyết chương hồi, ca kịch... từng bị coi nhẹ, thậm chí có thời không được coi là văn học. Còn ở nước ta, các tác phẩm văn xuôi nghệ thuật (truyện ký, tuỳ bút, chí quái, văn cảm xúc...), các khúc ngâm, hát nói, truyện Nôm..., những thể loại mà ngày nay giới nghiên cứu cho là những thể loại chính của văn học các thế kỷ XVII, XVIII, XIX thì người xưa không coi trọng, không cho đó là văn chương chính đạo. Có thể nói, tư tưởng Nho giáo cùng với chế độ khoa cử du nhập từ Trung Quốc vào Việt Nam và tồn tại nhiều thế kỷ trên đất Việt đã có ảnh hưởng tiêu cực 17
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
20=>2