intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Nghĩa vụ cung cấp thông tin của bên mua bảo hiểm khi đơn yêu cầu bảo hiểm có yêu cầu không rõ ràng

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:11

26
lượt xem
1
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết phân tích, bình luận án lệ số 22/2018/AL dựa trên việc áp dụng các quy định về giải thích hợp đồng và việc tòa án bổ sung phạm vi yêu cầu của nghĩa vụ cung cấp thông tin trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Nghĩa vụ cung cấp thông tin của bên mua bảo hiểm khi đơn yêu cầu bảo hiểm có yêu cầu không rõ ràng

  1. NGHĨA VỤ CUNG CẤP THÔNG TIN CỦA BÊN MUA BẢO HIỂM KHI ĐƠN YÊU CẦU BẢO HIỂM CÓ YÊU CẦU KHÔNG RÕ RÀNG Nguyễn Võ Linh Giang Khoa Luật, Trường Đại học Cần Thơ Email: nvlgiang@ctu.edu.vn Tóm tắt Bài viết phân tích, bình luận án lệ số 22/2018/AL dựa trên việc áp dụng các quy định về giải thích hợp đồng và việc tòa án bổ sung phạm vi yêu cầu của nghĩa vụ cung cấp thông tin trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Thứ nhất, tòa án đã áp dụng các quy định về giải thích hợp đồng để giải quyết tranh chấp khi các bên có cách hiểu không thống nhất về yêu cầu nêu ra tại đơn yêu cầu bảo hiểm để từ đó đưa ra giải pháp phù hợp với quy định của pháp luật. Thứ hai, tòa án đã bổ sung phạm vi của nghĩa vụ cung cấp thông tin để hoàn thiện quy định của pháp luật thông qua việc xác định tiêu chí thông tin được yêu cầu là căn cứ quyết định việc xác lập hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Bên cạnh đó, bài viết còn giới thiệu kinh nghiệm của pháp luật Pháp liên quan đến hai vấn đề trên để có cơ sở tiến hành các so sánh ngắn, đồng thời khẳng định tính nhân văn, tính mới cũng như tính thuyết phục của án lệ. Từ khóa: giải thích hợp đồng, hợp đồng bảo hiểm, nghĩa vụ cung cấp thông tin. Nghĩa vụ cung cấp thông tin của bên mua bảo hiểm được quy định tại điểm c khoản 2 Điều 18 của Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000, sửa đổi bổ sung năm 2010 và 2019 (sau đây gọi là Luật kinh doanh bảo hiểm), và nếu bên mua bảo hiểm vi phạm nghĩa vụ này thì phải chịu một số hậu quả nhất định. Tuy nhiên, trên thực tế, việc xác định bên mua bảo hiểm vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong trường hợp hợp đồng bảo hiểm hoặc quy tắc bảo hiểm hoặc đơn yêu cầu bảo hiểm có yêu cầu không rõ ràng về việc kê khai tình trạng bệnh lý của người được bảo hiểm. Để khắc phục khó khăn này, ngày 17 tháng 10 năm 2018, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã thông qua án lệ số 22/2018/AL về không vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin tình trạng bệnh lý trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và được công bố theo Quyết định số 269/QĐ-CA ngày 06 tháng 11 năm 2018 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Án lệ số 22/2018/AL có nguồn là bản án dân sự phúc thẩm số 313/2016/DS-PT ngày 16 tháng 3 năm 2016 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về vụ án tranh chấp hợp đồng bảo hiểm giữa nguyên đơn là ông Đặng Văn L và bị đơn là Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ C (sau đây gọi là Công ty C). Theo bản án trên thì bà Trương Thị H tham gia hai hợp đồng bảo hiểm với Công ty C vào các ngày 14/10/2008 và 25/3/2009. Ngày 09/01/2010, bà H qua đời, Công ty C đã trả trước số tiền 50.000.000 đồng. Trong quá trình thẩm tra hồ sơ sức khỏe của bà H, công ty C phát hiện bà H đã không khai báo về tiền sử đau dạ dày và mỡ máu theo bảng câu hỏi của đơn yêu cầu bảo 34
  2. hiểm nên đã từ chối chi trả quyền lợi bảo hiểm và quyết định hủy bỏ hai hợp đồng bảo hiểm. Ông Đặng Văn L là chồng của bà H không đồng ý với quyết định này nên đã khởi kiện tại Tòa án nhân dân Quận 1 yêu cầu Công ty C trả tiền bảo hiểm và số tiền lãi phát sinh và tiếp tục thực hiện hợp đồng bảo hiểm ngày 14/10/2008, đồng thời trả lại cho ông L bản gốc của hai hợp đồng bảo hiểm trên. Tòa án sơ thẩm đã chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn. Bị đơn là Công ty C có đơn kháng cáo gửi đến Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhằm kháng cáo toàn bộ nội dung bản án sơ thẩm. Theo nội dung kháng cáo, bị đơn cho rằng bà H đã vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin về tình trạng bệnh lý khi ký hợp đồng bảo hiểm. Cụ thể, tại câu hỏi số 54 của đơn yêu cầu bảo hiểm ngày 25/3/2009 “Loét đường tiêu hoá, xuất huyết tiêu hoá, viêm tụy, viêm kết tràng, khó tiêu thường xuyên, khó nuốt, hoặc rối loạn tại dạ dày, ruột gan hoặc túi mật?”, bà H đã đánh dấu vào ô không, trong khi theo biên bản hội chẩn số 42/BV-99 ngày 03/9/2009 thể hiện bà H có tiền sử đau dạ dày hai năm; tại câu hỏi số 61 của Đơn yêu cầu bảo hiểm “Trong vòng 5 năm trở lại đây, ông, bà đã có làm xét nghiệm chuẩn đoán như X-quang, siêu âm, điện tim đồ, thử máu, sinh thiết? Hoặc ốm đau, bệnh tật khám y khoa, điều trị tại bệnh viên nhưng chưa được nêu ở phần trên không?”, bà H đánh dấu vào ô không, trong khi ngày 22/9/2008 bà H có làm xét nghiệm máu khi tham gia khám sức khỏe định kỳ do cơ quan nơi bà công tác tổ chức. Bị đơn còn cho rằng, ông L không có quyền khởi kiện vì đã ký vào Phiếu thanh toán và xác nhận hoàn thành trách nhiệm bảo hiểm, đồng thời ông đã đồng ý chấm dứt hai hợp đồng bảo hiểm và thừa nhận công ty C đã thanh toán đầy đủ số tiền bảo hiểm và không còn trách nhiệm đối với việc giải quyết quyền lợi bảo hiểm cho hai hợp đồng này. Nguyên đơn cho rằng, không có chứng cứ chứng tỏ bệnh đau dạ dày chính là rối loạn tại dạ dày, và khi tham gia kiểm tra súc khỏe định kỳ, người được khám không biết và không buộc phải biết tổ chức khám bệnh đã tiến hành các biện pháp, phương pháp gì. Do đó, không có cơ sở để cho rằng bà H cung cấp thông tin không trung thực để từ chối chi trả bảo hiểm. Theo ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tham gia phiên tòa thì không đủ cơ sở để xác định bà H khai không trung thực, vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin, do đó không đủ điều kiện để huỷ hai hợp đồng bảo hiểm. Đại diện Viện kiểm sát đề nghị không chấp nhận kháng cáo của Công ty C và giữ nguyên bản án sơ thẩm. Trong vụ án này, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cần xác định liệu bà H có vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Tòa án bằng cách áp dụng các quy định về giải thích hợp đồng khi có điều khoản hoặc ngôn từ khó hiểu và xác định thông tin được yêu cầu trong trường hợp này không phải là căn cứ quyết định việc các bên xác lập hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đã quyết định người mua bảo hiểm không vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin khi ký hợp đồng bảo hiểm, đơn yêu cầu bảo hiểm. Trong bản án này, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã làm rõ hai vấn đề liên quan đến nghĩa vụ cung cấp thông tin về tình trạng bệnh lý trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Thứ nhất, Tòa án đã áp dụng các quy định về giải thích hợp đồng khi điều 35
  3. khoản của đơn yêu cầu bảo hiểm không rõ ràng. Thứ hai, Tòa án đã bổ sung tiêu chí “thông tin được yêu cầu kê khai là căn cứ quyết định việc xác lập hợp đồng bảo hiểm” để xác định có hay không việc vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin của bên mua bảo hiểm. 1. Áp dụng quy định về giải thích hợp đồng đối với yêu cầu cung cấp thông tin không rõ ràng 1.1. Giải thích hợp đồng khi có điều khoản hoặc ngôn từ khó hiểu Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 18 Luật kinh doanh bảo hiểm thì bên mua bảo hiểm có nghĩa vụ kê khai đầy đủ, trung thực mọi chi tiết có liên quan đến hợp đồng bảo hiểm theo yêu cầu của doanh nghiệp bảo hiểm. Do đó, người mua bảo hiểm chỉ kê khai các thông tin theo yêu cầu của doanh nghiệp bảo hiểm. Trong vụ án này, tại câu hỏi số 54 của đơn yêu cầu bảo hiểm ngày 25/3/2009 “Loét đường tiêu hoá, xuất huyết tiêu hoá, viêm tuỵ, viêm kết tràng, khó tiêu thường xuyên, khó nuốt, hoặc rối loạn tại dạ dày, ruột gan hoặc túi mật?”, bà H đã đánh dấu vào ô không, trong khi theo biên bản hội chẩn số 42/BV-99 ngày 03/9/2009 thể hiện bà H có tiền sử đau dạu dày hai năm. Bị đơn cho rằng rối loạn tại dạ dày là đau dạ dày, nhưng theo nguyên đơn thì không có tài liệu, chứng cứ chứng tỏ bệnh đau dạ dày chính là rối loạn tại dạ dày. Do hai bên có cách hiểu không thống nhất về cụm từ “rối loạn tại dạ dày” được nêu tại câu hỏi số 54 của đơn yêu cầu bảo hiểm nên đã dẫn đến phát sinh tranh chấp. Tòa án, trong trường hợp này phải xác định ý nghĩa thật sự của yêu cầu này thông qua hoạt động giải thích hợp đồng. Giải thích hợp đồng được quy định tại Điều 409 Bộ luật dân sự (BLDS) năm 20 2005 , như sau: “1. Khi hợp đồng có điều khoản không rõ ràng thì không chỉ dựa vào ngôn từ của hợp đồng mà còn phải căn cứ vào ý chí chung của các bên để giải thích điều khoản đó. 2. Khi có một điều khoản của hợp đồng có thể được hiểu theo nhiều nghĩa thì phải chọn nghĩa nào làm cho điều khoản đó khi thực hiện có lợi nhất cho các bên. 3. Khi hợp đồng có ngôn từ có thể hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau thì phải giải thích theo nghĩa phù hợp nhất với tính chất của hợp đồng. 4. Khi hợp đồng có điều khoản hoặc ngôn từ khó hiểu thì phải được giải thích theo tập quán tại địa điểm giao kết hợp đồng. (…) 8. Trong trường hợp bên mạnh thế đưa vào hợp đồng nội dung bất lợi cho bên yếu thế thì khi giải thích hợp đồng phải theo hướng có lợi cho bên yếu thế”. Quy định này trước tiên khẳng định nguyên tắc ưu tiên ý chí chung của các bên trong giải thích hợp đồng khi có điều khoản không rõ ràng. Thẩm phán cần tìm hiểu ý chí chung thật sự của các bên khi giải thích hợp đồng. Tuy nhiên, quy định này, mặc dù ưu tiên giải thích theo ý chí chung nhưng lại không quy định rõ trường hợp khi ý chí chung không thể xác định thì thẩm phán sẽ phải làm thế nào để giải thích hợp đồng21. Một giải pháp đương nhiên là thẩm phán sẽ áp dụng các quy định về phương pháp giải thích khách quan để làm rõ nội dung của điều khoản hoặc ngôn từ của hợp đồng trong trường hợp có sự không thống nhất giữa các bên. Do đó, điều khoản còn quy định các phương pháp giải thích khách quan để bổ trợ cho việc áp dụng phương pháp giải thích chủ quan. Theo đó, phương pháp giải thích 20 Quy định tại Điều 409 BLDS năm 2005 tương ứng với Điều 404 BLDS năm 2015. 21 Nguyễn Võ Linh Giang, “Giải thích hợp đồng theo pháp luật Việt Nam và pháp luật Pháp”, Nhà nước và Pháp luật, số 7/2019, tr. 28. 36
  4. khách quan ưu tiên lựa chọn nghĩa làm cho điều khoản đó khi thực hiện có lợi nhất cho các bên, hoặc giải thích dựa theo tính chất của hợp đồng, hoặc giải thích theo tập quán tại địa điểm giao kết hợp đồng. Phương pháp giải thích khách quan này tạo điều kiện thuận lợi cho thẩm phán trong hoạt động giải thích hợp đồng. Cụ thể, trong vụ án này, thẩm phán không tìm hiểu ý chí chung của các bên khi có sự không thống nhất trong cách hiểu về cụm từ “rối loạn tại dạ dày” theo nội dung của câu hỏi số 54 tại Đơn yêu cầu bảo hiểm, mà thẩm phán xác định ngay từ đầu là áp dụng quy định tại khoản 4 Điều 409 BLDS năm 2005. Thẩm phán đã xác định cụm từ “rối loạn tại dạ dày” là ngôn từ của hợp đồng khó hiểu nên đã áp dụng phương pháp giải thích khách quan bằng cách tham chiếu đến tập quán tại địa điểm giao kết hợp đồng để giải thích hợp đồng. Tuy nhiên, có thể thấy, phương pháp này không cho thẩm phán được câu trả lời thích hợp cho việc giải thích nội dung cụm từ “rối loạn tại dạ dày”. Do đó, thẩm phán phải áp dụng các phương pháp giải thích khác. Thẩm phán chọn áp dụng trực tiếp quy định về giải thích hợp đồng theo mẫu mà bỏ qua quy định tại khoản 8 điều 409 BLDS năm 2005 quy định về việc giải thích có lợi cho bên yếu thế khi bên mạnh thế đưa vào hợp đồng nội dung bất lợi cho bên yếu thế. Có thể thấy, trong vụ án này, Công ty C đã đưa vào Đơn yêu cầu bảo hiểm nội dung không rõ ràng và đã viện dẫn nội dung này để xác định rằng bên mua bảo hiểm đã vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin theo yêu cầu của doanh nghiệp bảo hiểm, do đó đã từ chối nghĩa vụ thanh toán tiền bảo hiểm, nội dung này rõ ràng là gây bất lợi cho bên mua bảo hiểm với tư cách là một bên yếu thế. Tuy nhiên, Tòa án lại không viện dẫn quy định này mà viện dẫn trực tiếp quy định về giải thích hợp đồng theo mẫu. 1.2. Giải thích hợp đồng bảo hiểm Thẩm phán đã áp dụng quy định về giải thích hợp đồng theo mẫu để giải thích nội dung tại câu hỏi số 54 của Đơn yêu cầu bảo hiểm. Giải thích hợp đồng theo mẫu được quy định tại khoản 2 Điều 407 BLDS năm 2005 như sau: “Trong trường hợp hợp đồng dân sự theo mẫu có điều khoản không rõ ràng thì bên đưa ra hợp đồng theo mẫu phải chịu bất lợi khi giải thích điều khoản đó”22. Quy định này khẳng định khi hợp đồng theo mẫu có điều khoản không rõ ràng thì bên đưa ra hợp đồng theo mẫu phải chịu bất lợi khi giải thích hợp đồng theo mẫu. Trong vụ án này, cần xác định liệu hợp đồng bảo hiểm có phải là hợp đồng theo mẫu hay không. Theo quy định tại khoản 1 Điều 407 của BLDS năm 2005 thì hợp đồng theo mẫu là “hợp đồng gồm những điều khoản do một bên đưa ra theo mẫu để bên kia trả lời trong một thời gian hợp lý; nếu bên được đề nghị trả lời chấp nhận thì coi như chấp nhận toàn bộ nội dung hợp đồng theo mẫu mà bên đề nghị đã đưa ra”23. Theo định nghĩa này, thì một hợp đồng được xem là hợp đồng theo mẫu khi tất cả các điều khoản của hợp đồng đều do bên đề nghị đưa ra, bên được đề nghị chỉ có thể chấp nhận hoặc không chấp nhận mà không được đề nghị bất kỳ sự sửa đổi nào. Đối với hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm đưa ra tất cả các điều khoản của hợp đồng, nếu bên mua bảo hiểm đồng ý tham gia bảo hiểm đồng nghĩa với việc chấp nhận toàn bộ nội 22 Quy định này tương úng với khoản 2 Điều 405 BLDS năm 2015. 23 Quy định này tương ứng với khoản 1 Điều 405 BLDS năm 2015. 37
  5. dung hợp đồng theo điều khoản mà doanh nghiệp bảo hiểm đã đưa ra, và không được đàm phán, thoả thuận về việc bổ sung, sửa đổi điều khoản của hợp đồng bảo hiểm24. Vì vậy, có thể kết luận hợp đồng bảo hiểm là hợp đồng theo mẫu. Do đó, theo quy đinh tại khoản 2 Điều 405 BLDS năm 2005 thì khi hợp đồng bảo hiểm có điều khoản không rõ ràng thì doanh nghiệp bảo hiểm phải chịu bất lợi khi giải thích điều khoản đó. Trong vụ án này, doanh nghiệp bảo hiểm là Công ty C, bên mua bảo hiểm là bà H, do đó Công ty C phải chịu bất lợi khi giải thích về điều khoản không rõ ràng do chính bên này đưa ra. Bên cạnh đó, việc giải thích hợp đồng bảo hiểm còn được quy định tại Điều 21 Luật kinh doanh bảo hiểm như sau: “Trong trường hợp hợp đồng bảo hiểm có điều khoản không rõ ràng thì điều khoản đó được giải thích theo hướng có lợi cho người mua bảo hiểm”. Quy định này phù hợp với quy định tại tại khoản 2 Điều 407 BLDS năm 2005. Do đó, trong vụ án này, cụm từ “rối loạn tại dạ dày” tại câu hỏi số 54 của Đơn yêu cầu bảo hiểm là một cụm từ không rõ ràng, do đó, cần giải thích theo hướng có lợi cho bên mua bảo hiểm là bà H. Tòa án lựa chọn áp dụng các quy định về giải thích hợp đồng dân sự, giải thích hợp đồng theo mẫu và giải thích hợp đồng bảo hiểm để xác định việc ưu tiên cho bên mua bảo hiểm khi đơn yêu cầu bảo hiểm không rõ ràng là hoàn toàn phù hợp với quy định pháp luật. Giải pháp này có tính thuyết phục cũng như tính nhân văn khi ưu tiên cho bên yếu thế trong hợp đồng theo mẫu đồng thời xác định doanh nghiệp bảo hiểm phải chịu rủi ro khi đã tự mình đưa ra các điều khoản không rõ ràng. Khác với pháp luật Việt Nam, pháp luật Pháp không có quy định riêng về việc giải thích hợp đồng bảo hiểm, việc giải thích hợp đồng bảo hiểm được áp dụng theo các quy định từ Điều 1188 đến 1192 của Bộ luật dân sự25. Tương tự pháp luật Việt Nam, pháp luật Pháp cũng quy định việc áp dụng đồng thời phương pháp giải thích chủ quan và khách quan để giải thích hợp đồng26. Pháp luật Pháp cũng có quy định giải thích ưu tiên cho bên gia nhập trong hợp đồng theo mẫu. Hợp đồng theo mẫu được định nghĩa tại Điều 1110 Bộ luật dân sự như sau: “Hợp đồng theo mẫu là hợp đồng mà tất cả các điều khoản đều không được thương lượng, và được một bên xác định trước”. Theo định nghĩa này, thì pháp luật Pháp, tương tự pháp luật Việt Nam cũng cho rằng hợp đồng bảo hiểm là hợp đồng theo mẫu. Việc giải thích hợp đồng theo mẫu được quy định tại điều 1190 như sau: “Trong trường hợp có nghi ngờ, hợp đồng tự do thoả thuận được giải thích chống lại bên có quyền và việc giải thích phải có lợi cho bên có nghĩa vụ, hợp đồng theo mẫu được giải thích chống lại bên đề nghị”. Theo quy định này, thì pháp luật Pháp cũng lựa chọn giải pháp giải thích ưu tiên cho bên mua bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm27. Giải pháp này 24 Trần Linh Huân, “Hoàn thiện quy định pháp luật về nội dung, hình thức hợp đồng bảo hiểm nhân thọ”, Nhà nước và Pháp luật, số 2/2021, tr. 48. 25 Louis Perdrix, Bộ luật bảo hiểm và tương trợ năm 2021, giải thích và bình luận, Nxb. Dalloz, Paris, 2021, tr. 51. 26 François Terré, Philippe Simbler, Yves Lequette, François Chénedé, Les obligations, Nxb. Dalloz, Tái bản lần thứ 12, Paris, 2018, tr. 682. 27 Bản án số 73-13.482P ngày 22/10/1974 của Phòng dân sự số 1 thuộc Tòa phá án khẳng định: phải bác bỏ kháng cáo cho rằng các điều khoản không rõ ràng chỉ được giải thích theo ý chí chung của các bên, đồng thời lên án tòa án xét xử về nội dung khi đã chấp nhận rằng, trong hợp đồng theo mẫu, trong trường hợp có sự nghi ngờ, hợp đồng 38
  6. được Tòa phá án khẳng định lại như sau: “theo quy định tại Điều L. 133-2 Bộ luật tiêu dùng, trong trường hợp hợp đồng bảo hiểm có điều khoản không rõ ràng, thẩm phán phải giải thích điều khoản đó theo hướng có lợi cho bên mua bảo hiểm, người tiêu dùng”28. Có thể thấy, theo pháp luật Việt Nam và pháp luật Pháp, khi doanh nghiệp bảo hiểm đưa vào hợp đồng bảo hiểm, đơn yêu cầu bảo hiểm hoặc quy tắc bảo hiểm một điều khoản không rõ ràng thì họ phải chịu những hậu quả nhất định và điều đó giải thích vì sao doanh nghiệp bảo hiểm bị bất lợi khi giải thích hợp đồng. Do đó đặt ra yêu cầu về tính rõ ràng và chính xác của các điều khoản, các yêu cầu mà doanh nghiệp bảo hiểm đề nghị. Án lệ này ngoài việc áp dụng các quy định về giải thích hợp đồng có lợi cho bên mua bảo hiểm khi yêu cầu bảo hiểm không rõ ràng thì còn bổ sung tiêu chí “thông tin được yêu cầu kê khai là căn cứ quyết định việc xác lập hợp đồng bảo hiểm”. 2. Bổ sung phạm vi của nghĩa vụ cung cấp thông tin trong hợp đồng bảo hiểm 2.1. Quy định pháp luật về nghĩa vụ cung cấp thông tin trong hợp đồng bảo hiểm Việc cung cấp đầy đủ thông tin trong giao kết hợp đồng bảo hiểm là một yếu tố quan trọng để các bên quyết định việc giao kết hợp đồng bảo hiểm nhằm lường trước những rủi ro và tránh các tranh chấp có thể phát sinh29. Do đó, những thông tin mà bên mua bảo hiểm cung cấp cho doanh nghiệp bảo hiểm phải mang tính trung thực và đầy đủ30. Nghĩa vụ cung cấp thông tin của bên mua bảo hiểm được quy định tại khoản 2 Điều 18 Luật kinh doanh bảo hiểm như sau: “Kê khai đầy đủ, trung thực mọi chi tiết có liên quan đến hợp đồng bảo hiểm theo yêu cầu của doanh nghiệp bảo hiểm”. Theo quy định này, thì nghĩa vụ cung cấp thông tin của bên mua bảo hiểm phát sinh theo yêu cầu của doanh nghiệp bảo hiểm. Nghĩa vụ cung cấp thông tin trong trường hợp này được hiểu tương đương với nghĩa vụ giải trình của bên mua bảo hiểm để phân biệt với phạm vi rộng hơn của nghĩa vụ không che dấu thông tin31. Việc giới hạn những thông tin được cung cấp theo yêu cầu của doanh nghiệp bảo hiểm là hợp lý vì chỉ có doanh nghiệp bảo hiểm mới biết chính xác họ cần các thông tin nào để tiến hành giao kết một hợp đồng bảo hiểm, đồng thời tiết kiệm thời gian điền thông tin vào yêu cầu bảo hiểm cũng như tránh việc phải kê khai những thông tin không liên quan đến hợp đồng. Việc hoàn thành đầy đủ và chính xác nghĩa vụ này là một trong những điều kiện để bên mua bảo hiểm yêu cầu được giải thích theo hướng bất lợi cho bên có nghĩa vụ theo quy định tại Điều 1162 Bộ luật dân sự mà bên này đồng thời là bên soạn thảo và khởi xướng hợp đồng. 28 Bản án số 09-72.552 và 10-10.843 ngày 01/6/2011 của Phòng dân sự số 2 thuộc Tòa phá án; Bản án số 10-23.093 ngày 17/11/2011 của Phòng dân sự số 2 thuộc Tòa phá án; Bản án số 10-26.983 ngày 15/12/2011 của Phòng dân sự số 2 thuộc Tòa phá án. 29 Đoàn Đức Lương, Lê Văn Vũ, “Nghĩa vụ cung cấp thông tin khi giao kết hợp đồng bảo hiểm theo pháp luật Việt Nam”, Pháp luật và Thực tiễn, số 01/2018, tr. 2. 30 Nguyễn Thị Thủy, Lê Thủy Tiên, “Nghĩa vụ cung cấp thông tin của bên mua bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ”, Nghiên cúu Lập pháp, số 5 (405) - T3/2020, tr. 45. 31 Hoàng Minh Thái, Nguyễn Thị Tố Như, “Nghĩa vụ cung cấp thông tin của bên mua bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm”, Luật học, số 7/2016, tr. 47. 39
  7. doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường khi sự kiện bảo hiểm xảy ra32. Trái lại, nếu bên mua bảo hiểm vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin thì phải chịu một số hậu quả nhất định. Theo quy định tại khoản 2 Điều 19 Luật kinh doanh bảo hiểm thì “Doanh nghiệp bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ hợp đồng bảo hiểm và thu phí bảo hiểm đến thời điểm đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm khi bên mua bảo hiểm có một trong những hành vi sau đây: a) Cố ý cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm để được trả tiền bảo hiểm hoặc được bồi thường; b) Không thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin cho doanh nghiệp bảo hiểm theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 18 của Luật này”. Theo quy định này, có thể thấy, pháp luật chỉ nhắc đến cụm từ “cố ý cung cấp thông tin sai sự thật” mà không đề ra căn cứ để xác định hành vi cố ý này. Đối với doanh nghiệp bảo hiểm, nghĩa vụ cung cấp thông tin của họ chỉ dừng lại ở việc giải thích hợp đồng và sản phẩm bảo hiểm33. Trong khi đó, nghĩa vụ cung cấp thông tin của bên mua bảo hiểm diễn ra trong thời gian dài, từ khi giao kết hợp đồng đến khi thanh lý hợp đồng bảo hiểm với nhiều thông tin cần phải thông báo khi có thay đổi. Trong suốt quá trình đó, người mua bảo hiểm có thể vô ý không kịp thời cung cấp hoặc có sai sót trong cung cấp thông tin cho doanh nghiệp bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm có thể căn cứ vào hành vi này để đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm. Điều này là không công bằng đối với bên mua bảo hiểm34. Bên cạnh đó, Luật kinh doanh bảo hiểm còn quy định về trường hợp hợp đồng bảo hiểm vô hiệu khi “bên mua bảo hiểm hoặc doanh nghiệp bảo hiểm có hành vi lừa dối khi giao kết hợp đồng bảo hiểm” tại điểm d khoản 1 Điều 22. Theo quy định này thì hành vi lừa dối của bên mua bảo hiểm hoặc doanh nghiệp bảo hiểm sẽ làm cho hợp đồng bảo hiểm vô hiệu. Giải pháp này là phù hợp với quy định của Bộ luật dân sự về giao dịch dân sự vô hiệu do lừa dối35. Tuy nhiên, khi kết hợp quy định này và quy định tại khoản 2 Điều 19 của Luật kinh doanh bảo hiểm thì lại dẫn đến khó khăn khi áp dụng trên thực tế vì pháp luật không nói rõ, lúc nào hành vi cố ý cung cấp thông tin sai sẽ dẫn đến hợp đồng vô hiệu và lúc nào thì đơn phương chấm dứt hợp đồng36. Đối chiếu vụ án này với các quy định trên, có thể thấy, tranh chấp phát sinh từ nghĩa vụ cung cấp thông tin trong giai đoạn giao kết hợp đồng, do đó, bà H phải cung cấp thông tin theo yêu cầu của Công ty C, nếu vi phạm nghĩa vụ này thì Công ty C có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng hoặc nếu xác định được bà H có hành vi gian dối thì có thể yêu cầu tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu. Theo đơn kháng cáo của Công ty C, việc 32 Hoàng Minh Thái, Nguyễn Thị Tố Như, “Nghĩa vụ cung cấp thông tin của bên mua bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm”, Luật học, số 7/2016, tr. 47. 33 Nguyễn Thị Thủy, Lê Thủy Tiên, “Nghĩa vụ cung cấp thông tin của bên mua bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ”, tlđd, tr. 49. 34 Nguyễn Thị Thủy, Lê Thủy Tiên, “Nghĩa vụ cung cấp thông tin của bên mua bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ”, tlđd, tr. 49. 35 Điều 132 BLDS năm 2005, tương ứng với Điều 127 BLDS năm 2015. 36 Nguyễn Thị Thủy, Pháp luật hợp đồng bảo hiểm con người, Sách chuyên khảo, Nxb. Hồng Đức, TP. Hồ Chí Minh, 2017, tr. 169; Trần Minh Hiệp, “Bất cập trong quy định của pháp luật điều chỉnh hợp đồng bảo hiểm nhân thọ”, Nghiên cứu Lập pháp, số 15 (415) - T8/2020, tr. 54. 40
  8. bà H đã trả lời không tại câu hỏi số 54 và tại câu hỏi số 61 của Đơn yêu cầu bảo hiểm ngày 25/3/2009 là cố tình khai báo không trung thực và vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin. Do đó, thẩm phán cần phải xác định việc bà H đã không trả lời đúng với yêu cầu của doanh nghiệp bảo hiểm có thể xem xét là vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin hay không. Để trả lời được câu hỏi này thì thẩm phán cần đối chiếu với quy định của pháp luật về nghĩa vụ cung cấp thông tin trong hợp đồng bảo hiểm. Tuy nhiên, pháp luật đến thời điểm xảy ra vụ án vẫn chưa có quy định nào mô tả về loại thông tin cần được kê khai mà chỉ dừng lại ở việc nêu ra nghĩa vụ cung cấp thông tin của bên mua bảo hiểm. Do đó, thẩm phán đã có giải thích của riêng mình để giải quyết tranh chấp này. 2.2. Tính mới của án lệ Theo nhận định của tòa án, tại câu hỏi số 61 của Đơn yêu cầu bảo hiểm ngày 25/3/2009: “Trong vòng 5 năm trở lại đây, ông, bà đã có làm xét nghiệm chuẩn đoán như X-quang, siêu âm, điện tim đồ, thử máu, sinh thiết? Hoặc ốm đau, bệnh tật khám y khoa, điều trị tại bệnh viên nhưng chưa được nêu ở phần trên không?”, bà H đánh dấu vào ô không, nhưng Công ty C đã cung cấp Phiếu xét nghiệm hoá sinh máu đề ngày 22/9/2008 do Công ty này thu thập từ hồ sơ khám sức khỏe định kỳ tại nơi bà H công tác. Tuy nhiên, theo quan điểm của tòa án thì “việc kiểm tra sức khỏe định kỳ được các cơ quan, tổ chức thực hiện một cách thường xuyên và định kỳ. Khi tham gia kiểm tra sức khỏe định kỳ, người được khám không biết và không buộc phải biết tổ chức khám, chữa bệnh đã tiến hành các biện pháp, phương pháp gì. Hơn nữa, khi kiểm tra sức khỏe định kỳ bà H không phát hiện dấu hiệu của một căn bệnh nào dẫn đến việc Công ty C từ chối ký kết hợp đồng với bà H. Do đó, không đủ cơ sở xác định bà H cảm thấy cơ thể bất thường mới tiến hành đi xét nghiệm máu sau đó mua bảo hiểm của Công ty C”37. Do đó, “chưa đủ cơ sở để xác định bà H có gian dối khi ký hợp đồng bảo hiểm, không có cơ sở xác định việc bà H đánh dấu vào ô không của mục 54 và 61 tại Đơn yêu cầu bảo hiểm làm ảnh hưởng trực tiếp đến việc công ty C có xem xét để ký hợp đồng bảo hiểm với bà H hay không”38. Qua nhận định trên, có thể thấy, việc bà H không trả lời đúng theo yêu cầu tại câu hỏi số 54 và 61 của Đơn yêu cầu bảo hiểm là không đủ cơ sở để xác định bà H vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin cũng như không phải là hành vi lừa dối theo quy định tại khoản 2 Điều 19 và điểm d khoản 1 Điều 22 Luật kinh doanh bảo hiểm. Việc tòa án cho rằng “không có cơ sở xác định việc bà H đánh dấu vào ô không của mục 54 và 61 tại Đơn yêu cầu bảo hiểm làm ảnh hưởng trực tiếp đến việc công ty C có xem xét để ký hợp đồng bảo hiểm với bà H hay không” tạo ra một đòi hỏi mới đối với thông tin được yêu cầu trong hợp đồng bảo hiểm. Theo đó, tòa án đã đánh giá mức độ quan trọng của thông tin được cung cấp để xác định có hay không việc vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin. Trong bản án này, theo tòa án, phạm vi của nghĩa vụ cung cấp thông tin chỉ bao gồm những thông tin có ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định của doanh nghiệp bảo hiểm trong việc lựa chọn có hay không giao kết một hợp đồng bảo hiểm. Để minh chứng cho nhận đinh này, tòa án đã viện dẫn một hợp đồng tương tự theo đó Công ty C vẫn giao kết hợp 37 Đoạn 10 phần Nhận định của Tòa án. 38 Đoạn 11 phần Nhận định của Tòa án. 41
  9. đồng với bên mua bảo hiểm cho dù người này khi giao kết hợp đồng đã khai bị đau dạ dày và mỡ máu tăng cao. Điều này cho thấy, “việc bên mua bảo hiểm không kê khai bệnh đau dạ dày và mỡ máu tăng cũng không ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyết định của Công ty C trong việc đánh giá chấp nhận có hay không việc ký hợp đồng bảo hiểm”39. Tóm lại, pháp luật chỉ quy định nghĩa vụ cung cấp thông tin theo yêu cầu của doanh nghiệp bảo hiểm mà không quy định về phạm vi của nghĩa vụ này. Điều này dẫn đến việc thông tin được yêu cầu không phải là căn cứ quyết định để xác lập hợp đồng bảo hiểm và có thể doanh nghiệp bảo hiểm viện dẫn lý do không cung cấp các thông tin không là căn cứ quyết định để huỷ hợp đồng bảo hiểm và từ chối nghĩa vụ thanh toán khi sự kiện bảo hiểm xảy ra. Điều này đã tạo ra bất lợi cho bên mua bảo hiểm vốn dĩ đã là bên yếu thế trong hợp đồng theo mẫu. Do đó, án lệ này đã góp phần hoàn thiện quy định pháp luật trong việc xác định phạm vi thông tin được cung cấp. Bên mua bảo hiểm chỉ vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin khi không cung cấp thông tin được yêu cầu là căn cứ quyết định việc xác lập hợp đồng bảo hiểm. Đối với việc không kê khai các thông tin không là căn cứ quyết định thì bên mua bảo hiểm vẫn không vi phạm nghĩa vụ này. Án lệ, do đó, đã góp phần tạo vị thế bình đẳng cho bên yếu thế trong hợp đồng bảo hiểm. Tương tự pháp luật Việt Nam, pháp luật Pháp cũng quy định về nghĩa vụ cung cấp thông tin của bên mua bảo hiểm theo yêu cầu của doanh nghiệp bảo hiểm. Cụ thể, khoản 2 Điều L. 113-2 Bộ luật bảo hiểm quy định bên mua bảo hiểm có nghĩa vụ “trả lời chính xác các câu hỏi của doanh nghiệp bảo hiểm, đặc biệt là các câu hỏi trong đơn kê khai rủi ro mà doanh nghiệp bảo hiểm đã yêu cầu khi ký kết hợp đồng, về hoàn cảnh cho phép bên mua bảo hiểm đánh giá được các rủi ro mà bên này phải chịu”. Theo quy định này thì bên mua bảo hiểm chỉ cần trả lời những câu hỏi trong đơn yêu cầu bảo hiểm40, và doanh nghiệp bảo hiểm không thể viện dẫn rằng bên mua bảo hiểm đã cố ý che dấu thông tin đối với những vấn đề mà doanh nghiệp bảo hiểm không yêu cầu41. Theo đó, các câu hỏi trong đơn yêu cầu bảo hiểm trước tiên phải rõ ràng, chính xác, và bên mua bảo hiểm cố ý kê khai không trung thực đối với các câu hỏi đó, và cuối cùng câu trả lời này đã thay đổi đối tượng của rủi ro hoặc làm giảm đánh giá rủi ro của doanh nghiệp bảo hiểm42. Liên quan đến việc kê khai tình trạng bệnh lý khi giao kết hợp đồng bảo hiểm, khi các câu hỏi trong đơn yêu cầu bảo hiểm đã rõ ràng và chính xác về tình trạng bệnh lý liên quan đến việc giải phẫu mạch, thì việc xác định rằng bên mua bảo hiểm đã kê khai không trung thực thể hiện qua lỗi cố ý và làm thay đổi các đánh giá về rủi ro của doanh nghiệp bảo hiểm43. Tóm lại, theo quy định của pháp luật Pháp, thì việc xác định bên mua bảo hiểm có vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin hay không phụ thuộc vào hai yếu tố, đó là lỗi cố ý kê khai không trung thực của bên mua bảo hiểm và lỗi này làm thay đổi các đánh giá về rủi ro của doanh nghiệp bảo hiểm. 39 Đoạn 13 phần Nhận định của Tòa án. 40 Bản án số 16-18.975 ngày 29/6/2017 của Phòng dân sự số 2 thuộc Tòa phá án. 41 Bản án số 05-20.865 ngày 15/02/2007 của Phòng dân sự số 2 thuộc Tòa phá án; Bản án số 09-15.730 ngày 03/6/2010 của phòng Dân sự số 2 thuộc Tòa phá án. 42 Bản án số 16-18.975 ngày 29/6/2017 của Phòng dân sự số 2, tlđd. 43 Bản án số 13-12.136 ngày 06/3/2014 của Phòng dân sự số 2 thuộc Tòa phá án. 42
  10. Có thể thấy, án lệ số 22/2018/AL đã đề ra một giải pháp khá gần với luật của Pháp về việc đánh giá tầm quan trọng của thông tin để xác định có hay không việc vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin. Nếu như án lệ số 22/2018/AL sử dụng cụm từ “thông tin được yêu cầu kê khai không là căn cứ quyết định việc các bên xác lập hợp đồng bảo hiểm” thì tòa án Pháp lại xác định thông qua yếu tố lỗi cố ý dẫn đến làm thay đổi các đánh giá rủi ro. Có thể thấy, mặc dù có sự khác nhau về câu từ sử dụng, nhưng suy cho cùng thì việc thông tin là căn cứ quyết định việc xác bên xác lập hợp đồng bảo hiểm phục vụ cho doanh nghiệp bảo hiểm nhằm đánh giá rủi ro khi giao kết hợp đồng bảo hiểm. Kết luận Án lệ số 22/2018/AL một mặt khẳng định nguyên tắc giải thích hợp đồng có lợi cho bên gia nhập vào hợp đồng theo mẫu, cụ thể trong vụ án này là bên mua bảo hiểm, mặt khác bổ sung khiếm khuyết của pháp luật về phân loại tầm quan trọng của thông tin được yêu cầu trong hợp đồng bảo hiểm. Tuy nhiên, án lệ này mặc dù đã đề ra giải pháp hoàn thiện pháp luật, nhưng lại chưa đưa ra được định nghĩa thế nào là một yêu cầu không rõ ràng về thông tin kê khai cũng như chưa xác định được thông tin nào là căn cứ quyết định việc các bên xác lập hợp đồng bảo hiểm. Án lệ đồng thời cũng chưa đề ra được giải pháp xử lý đối với hành vi vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin trong giai đoạn giao kết hợp đồng bảo hiểm, cụ thể là chưa giải quyết được mâu thuẫn giữa khoản 2 Điều 19 và điểm d khoản 1 Điều 22 của Luật kinh doanh bảo hiểm. Mặc dù còn có những thiếu sót nhất định, nhưng án lệ đã khẳng định tầm quan trọng của thông tin trong giao kết hợp đồng bảo hiểm cũng như gián tiếp đề ra yêu cầu về tính chính xác và rõ ràng của đơn yêu cầu bảo hiểm. Do đó, án lệ có thể được áp dụng cho các vụ án tương tự khi hợp đồng bảo hiểm, quy tắc bảo hiểm, đơn yêu cầu bảo hiểm có yêu cầu không rõ ràng về cung cấp thông tin. Bên cạnh đó, thông tin được yêu cầu trong vụ án xuất phát từ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, nhưng án lệ cũng có thể được áp dụng đối với các vụ án liên quan đến thông tin yêu cầu không rõ ràng từ hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ. DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 1 Bản án số 73-13.482P ngày 22/10/1974 của Phòng dân sự số 1 thuộc Tòa phá án, Cộng hòa Pháp. 2 Bản án số 05-20.865 ngày 15/02/2007 của Phòng dân sự số 2 thuộc Tòa phá án, Cộng hòa Pháp. 3 Bản án số 09-15.730 ngày 03/6/2010 của phòng Dân sự số 2 thuộc Tòa phá án, Cộng hòa Pháp. 4 Bản án số 09-72.552 và 10-10.843 ngày 01/6/2011 của Phòng dân sự số 2 thuộc Tòa phá án, Cộng hòa Pháp. 5 Bản án số 10-23.093 ngày 17/11/2011 của Phòng dân sự số 2 thuộc Tòa phá án, Cộng hòa Pháp. 6 Bản án số 10-26.983 ngày 15/12/2011 của Phòng dân sự số 2 thuộc Tòa phá án, Cộng hòa Pháp. 7 Bản án số 13-12.136 ngày 06/3/2014 của Phòng dân sự số 2 thuộc Tòa phá án, Cộng hòa Pháp. 43
  11. 8 Bản án số 16-18.975 ngày 29/6/2017 của Phòng dân sự số 2 thuộc Tòa phá án, Cộng hòa Pháp. 9 François Terré, Philippe Simbler, Yves Lequette, François Chénedé, Les obligations, Nxb. Dalloz, Tái bản lần thứ 12, Paris, 2018. 10 Đoàn Đức Lương, Lê Văn Vũ, “Nghĩa vụ cung cấp thông tin khi giao kết hợp đồng bảo hiểm theo pháp luật Việt Nam”, Pháp luật và Thực tiễn, số 01/2018, tr. 1-6. 11 Hoàng Minh Thái, Nguyễn Thị Tố Như, “Nghĩa vụ cung cấp thông tin của bên mua bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm”, Luật học, số 7/2016, tr. 45-52. 12 Louis Perdrix, Bộ luật bảo hiểm và tương trợ năm 2021, giải thích và bình luận, Nxb. Dalloz, Paris, 2021. 13 Nguyễn Thị Thủy, Pháp luật hợp đồng bảo hiểm con người, Sách chuyên khảo, Nxb. Hồng Đức, TP. Hồ Chí Minh, 2017. 14 Nguyễn Thị Thủy, Lê Thủy Tiên, “Nghĩa vụ cung cấp thông tin của bên mua bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ”, Nghiên cúu Lập pháp, số 5 (405) - T3/2020, tr. 44-49. 15 Nguyễn Võ Linh Giang, “Giải thích hợp đồng theo pháp luật Việt Nam và pháp luật Pháp”, Nhà nước và Pháp luật, số 7/2019, tr. 26-35. 16 Trần Linh Huân, “Hoàn thiện quy định pháp luật về nội dung, hình thức hợp đồng bảo hiểm nhân thọ”, Nhà nước và Pháp luật, số 2/2021, tr. 47-55. 17 Trần Minh Hiệp, “Bất cập trong quy định của pháp luật điều chỉnh hợp đồng bảo hiểm nhân thọ”, Nghiên cứu Lập pháp, số 15 (415) - T8/2020, tr. 51-56. 44
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
12=>0